Dù Chỉ Một Lần Cũng Không Thể

Tưởng nhớ nhà văn Phạm Quang Phước
(Giỗ lần thứ hai, 8.09.2007—2009)

 
 
 

Ba mươi cây số là đoạn đường khá mệt cho một kẻ sức khỏe tồi như tôi nếu đi xe ôm. Nhưng tôi phải đi vì không thể không đi. Phược không có điện thoại bàn cũng không có di động. Toàn là mượn là nhờ hàng xóm khi gọi cho tôi, thỉnh thoảng, như một nhắc nhớ sự hiện diện của anh bên tôi, hoặc là gọi những khi say, để nghe tôi cằn nhắn. Phược cứ cười he he, nói rằng rất khoái nghe tôi chửi. Xưa cũng vậy, giờ cũng vậy.

Phược đứng chờ trước cổng ngôi trường cấp hai. Anh mặc cái sơ mi đen quần jeans bạc màu, không có mũ trên đầu. Cái gương mặt ngã màu đen cháy vẫn quen thuộc và xấu xí như hồi còn trẻ. Anh nheo nheo mắt vì bị nắng chói, tia nhìn đăm đăm bất động vào những chiếc xe chạy qua. Anh chờ tôi. Cái dáng đứng cong veo nhẫn nại lạ thường. Cho nên mỗi lần nhìn thấy anh tôi đều nghe nơi tim mình có một cái đau kỳ cục.

Hầu như qua bao nhiêu khúc quanh queo của định mệnh, Phược vẫn còn đứng chờ tôi như thế.

Chiếc xe ôm thả tôi xuống lề đường. Phược giật mình chạy ra đón. Cái cười mừng rỡ rộng đến thấy cả khoảng răng sún của hàm trên. Một lần Phược than thở, răng anh xệu xạo hết rồi em. Bàn tay hối hả đưa ra của Phược chợt khựng lại rồi cho vào túi quần. Rồi bàn tay kia cũng xỏ vào túi quần bên kia. Mỗi khi đi bên tôi Phược luôn có cái dáng vẻ như vậy. Cam chịu. Háo hức. Thèm muốn một cái nắm tay . Nhưng luôn dấu biệt nó đi. Như con ốc rút vào cái vỏ cứng, mặc cho gió thổi xoay tròn…

Xe Phược là chiếc Cup cũ mèm. Là cái cần câu cơm cũng khá lâu trong quãng đời dẹp bút làm đủ nghề để sống. Tôi bâng khuâng ngồi sau lưng cho anh chở về nhà anh. Rốt cuộc hai đứa cũng chỉ còn lại một mình.

Một đống lộn xộn đồ đạc báo chí và đầy bụi trong cái phòng khách nhỏ xíu của Phược.

Anh lăng xăng dọn dẹp và xin lỗi . Tôi ngồi dưới giàn bầu hồ lô. Phược nói em có thích hôm nào anh để dành cho một trái khô đem về treo chơi. Tôi gật đầu. Em uống cà phê nhé? Tôi cũng gật đầu. Phược chạy đi đâu đó. Chắc là ra quán…

Hình của Tiên, vợ Phược, treo trên tường. Bên cạnh treo một tấm mi ca có viết bốn câu thơ chữ Hán mà tôi không thấy rõ, nhưng đoán là thơ của Phược khóc vợ. Mỗi chiều, sau khi chạy xe về, thay vì cầm bút viết lách, Phược lại chỉ cầm một xị đế uống một mình trước bàn thờ vợ. Có lần anh than như vậy qua điện thoại với tôi. Tôi cố khuyên anh viết lại đi, dù không kiếm được tiền hay danh tiếng gì thì cũng là viết cho mình và bạn bè đọc.

Phược bưng ly cà phê đưa cho tôi, trong lúc tôi cũng đã dọn xong ra bàn dĩa chả lụa, vài ổ bánh mì và mấy lon bia tôi đã mua sẵn đem theo cho anh. Phược tròn mắt ờ một tiếng nhưng có vẽ thỏa mãn vì tôi đã chăm chút cho anh. Phược xoa tay. Vậy thì em uống cà phê, anh nhậu em ăn mồi, như xưa. Hơi lãng một chút nhưng biết làm sao khi em không biết uống bia. Hà hà. Cám ơn nhỏ.

Tôi nói. Lần sau em đến chơi anh phải quét dọn nhà cửa cho sạch đó nha. Trên gác đó, chắc là bụi phủ đầy phải không? Phược gật đầu. Ở một mình khách khứa gì đâu em… hà hà…

Buổi trưa với chút nắng quái và cơn gió thổi tung đám bụi trên con đường chạy ngang nhà anh. Cách đó khoảng hai trăm mét là một nghĩa trang được xây kín lại, cách biệt với những dãy nhà mà người ta mới xây lên để bán. Phược nói, miệng nhai nhồm nhoàm miếng chả lụa. Nếu em muốn làm hàng xóm anh thì mua căn gần anh đi. Ê, anh không phải thằng cò đất đâu nha. Là giúp em thôi. Vừa rồi anh mới chỉ thằng nhà thơ PS đó, em nhớ không? Ừ… nó mua được cái căn sau lưng nhà anh nè, nó boa anh mấy triệu… he he… viết văn làm gì có mấy triệu? Mà thời nay có báo nào đăng truyện anh đâu? Làm thằng xe ôm hay cò đất gì thì cũng dễ sống, tự do…

Phược bị mất mấy ngón tay bên phải khi cầm bào lúc làm thợ mộc. Một chút lơ đễnh cắt phén đi những ngón tay kiếm cơm và cầm đàn. Như định mệnh cắt ngang cuộc đời của một “lớp tàn binh bên đời láo ngáo”…

Tôi không nghĩ một xị rượu thuốc làm anh say, nhưng anh lại say thật. Phược bắt đầu lảo đảo. Thể chất anh hầu như không còn chút thịt nào cho ra hồn. Chỉ da và xương, nhưng vẫn mặc áo phanh ngực ngang tàng. Tôi nói. Anh coi kìa. Không có tí hấp dẫn nào… Phược ngửa cổ cười khoái chí. Rồi anh loạng choạng đi vào phía sau. Có tiếng anh chửi thề vọng ra, có lẽ bị vấp chân. Tôi nghĩ là anh đi tiểu. Nhưng rồi lâu quá không thấy Phược ra, tôi đành bước vô nhà trong. Ngang qua phòng ngủ, tôi thấy anh nằm co quắp trên giường, chăn gối đều cáu bẩn ngả màu. Anh nằm ngủ tự bao giờ…

Cái quạt máy cũng đóng đầy bụi bẩn quay vù vù ở góc giường ngủ. Phược nằm co thảm hại như một con chó già cô đơn không còn có ai ngó tới. Người đàn ông cô độc này góa vợ gần năm năm. Một nhà văn thất bại liên miên đói nghèo liên miên vì không biết cách kiếm tiền. Một sĩ quan ở tù gần ba năm luôn hoài vọng một chuyến đi HO vét. Cộng thêm ba năm tù về tội chống đối… trong một cơn say bí tỉ. Vá xe, làm hồ, thợ mộc, lên đời một chút là chạy xe ôm. Trong anh luôn là những cơn say té lên té xuống bên đời.

Tôi ái ngại ra cửa tìm thằng nhóc con anh. Tôi dặn nó ngó chừng ba cho kỹ. Có gì thì gọi người lớn ngay. Rồi tôi tắt quạt máy, mở rộng cửa phòng Phược cho thoáng. Tôi ra về, vẫn nhớ cầm theo xấp bản thảo mà khi nãy anh đưa cho tôi. Không hiểu sao Phược lại đưa cho tôi một lần nữa giữ bản thảo trong đời anh, như hồi anh 28 tuổi? Tôi hỏi thì anh nói. Em giữ đi, biết đâu sau nầy sẽ là di cảo của anh.

*
Sáng ngày 8.09.2007

Tôi bệnh đã mấy ngày, những cơn cao huyết áp khó hiểu vẫn xảy ra ban đêm làm cho tôi mệt. Tôi vẫn nằm dù đã thức giấc. Không biết đã mấy giờ. Có tiếng chuông điện thoại di động reo bên tai tôi, cạnh gối.

Một giọng nói con nít nhỏ xíu vang lên. Cô Tê ơi, tiếng hít mũi, cô Tê ơi, ba con chết rồi…

Tôi hoảng hốt, tiếng của thằng nhóc Kinh Luân, mà thỉnh thoảng Phược vẫn kêu nó gọi hỏi thăm sức khỏe tôi. Tôi ngồi bật dậy. Phải Kinh Luân không? Dạ. Có người lớn ở bên con không. Dạ có. Đưa máy cho cô nói chuyện.

Người em vợ của Phược nói chuyện với tôi. Khoảng tám giờ sáng hôm nay hàng xóm phát hiện anh không ra mở cửa tưới cây như mọi bữa. Qua cửa sổ họ nhìn vào thấy anh nằm co quắp trên cái sa lon cũ kỹ. Đã xảy ra một lần như thế nhưng cứu kịp. Còn hôm nay anh đã tắt thở…

Tấm hình Phược dựng phía trên quan tài là một tấm chân dung anh cười.

Đám tang ít người đi dự. Nhóm bạn còn lại ở Sài Gòn ngồi quanh chưa đủ một bàn. Chúng tôi ngồi uống trà và nhắc về người đã ra đi. Quá khứ. Kỷ niệm. Một thời. Và hiện tại.

Cái giàn bầu hồ lô xanh mướt đã bị dẹp đi để lấy chỗ trống che dù cho hai cái bàn đãi khách . Trái bầu già anh định tặng tôi hôm trước chắc đã bị bỏ lăn lóc đâu đó rồi.

Tôi bỗng thấy anh cười rộng hơn trong tấm ảnh. Rồi chợt thấy anh đứng ngoài góc sân lặng lẽ ngó vào đám bạn. Rồi anh chìa một bàn tay về phía tôi với đôi mắt tha thiết vô chừng.

Một lần cho anh nắm lấy bàn tay, dù có muốn cũng đã không thể rồi…

Sau chừng đó năm tháng, tôi vẫn ái ngại dù biết anh khao khát. Vì tôi quá biết rằng, sẽ có lửa trong tay mình đốt cháy anh, như một món ăn trong lò vi-ba, sẽ đốt mình, để chết.

 
 

Âu Thị Phục An