Giấc Mộng

 
 
 

Khoảng nửa đêm ông Thượng chợt tỉnh giấc vì những tiếng ầm ào trên mái nhà, trời đang nổi một cơn giông rõ to, tiếng gíó trượt trên mái tôn rồi bay thẳng ra sau vườn nhà, lại có tiếng rơi của nước mưa lộp độp trên những tàu lá chuối bên hè, cạnh cửa sổ phòng ông Thượng, thường nằm ngủ một mình, mỗi đêm. Không ngủ lại được, ông Thượng ngồi bó gối trên giường, mắt ông ráo hoảnh nhìn vào bóng đêm, ngày mai đám giổ vợ ông rồi mà chưa thấy đứa con nào về cả …

Tính ra thì bà mất đã hơn bốn mươi năm rồi còn gì, hồi đó bà mới có ba mươi sáu tuổi, còn ông thì cũng mới ngần ấy tuổi mà đã góa vợ. Thời son trẻ ông nổi tiếng hào hoa. Vợ mới mất một năm thì đã có một cô mới đậu tú tài mà đã dám xách vali đến nhà ông ở-đuổi mãi cô cũng không đi- lúc đó sáu đứa con nheo nhóc mồ côi mẹ thì đã có bà ngoại chúng lùa hết về ở với bà dưới quê, ông chỉ còn là một gã góa vợ rảnh tay rảnh chân tha hồ bay bướm. Mà cũng lạ, có cô y tá cạnh nhà không biết hoàn cảnh thế nào lại làm bé một ông thầu khoán , bị vợ lớn đánh ghen một trận tơi bời, cô sợ nên trốn qua nhà ông nhờ giúp đỡ cho cô tránh mặt vài hôm, để rồi sau đó cũng ngã vào vòng tay ông.

Hình như gió đã giật sập cái cửa chống ở nhà sau hay sao mà ông Thượng chợt nghe có tiếng đánh ầm một cái và có tiếng con Cò sủa vang dưới bếp. Ông lên tiếng suỵt suỵt kêu con chó Cò mấy tiếng thì thấy nó chạy đến bên giường ông quẩy đuôi và cọ cọ cái mõm lạnh ngắt vào tay ông.
Ông Thượng vuốt ve đầu con chó mấy cái rồi vổ vổ biểu nó đi ngủ đi, con Cò dường như biết nghe, nó lẳng lặng chui xuống gầm giường ông đang ngồi, ông Thượng cúi người xuống nhìn theo và thấy hai con mắt nó lấp lánh trong đêm tối.

Ba năm sau ngày vợ mất, vừa mãn tang vợ thì có người làm mối cho ông một cô lỡ thì bán vải ở nhà lồng chợ.Cô nầy nghe nói vừa giỏi buôn bán mà công dung ngôn hạnh cũng nức tiếng. Lấy cô về làm vợ mà quan trọng nhất là làm mẹ chăm sóc cho mấy đứa con gái đang tuổi dậy thì mới vào trung học đệ nhất cấp thì cũng hay, ai cũng nói như vậy. Ông Thượng đi coi mắt, trong bụng có hơi chê cô xấu, nước da không trắng trẻo như ý thích của ông, nhưng …tìm mẹ cho con mà, chỉ cần cô ta là một bà mẹ giỏi giang quán xuyến và chăm nom tốt cho bầy con của ông thì ông cũng thấy hài lòng lắm rồi.

Ông Thượng bỗng sực nhớ đến mấy con gà nòi cưng đang nhốt ngoài chuồng, nhất là con gà Tử Mị mà thằng Tư Cang trong xóm đang thèm nhỏ dãi, cứ nhất quyết năn nỉ ông bán cho nó với giá cao nhất theo ý ông muốn. Cái thằng đúng là ba xạo, nuôi gà để chơi thì có ai mà đem bán đi con gà cưng của mình chứ? Cái tình thì vô giá mà. Sợ mấy con gà bị mưa tạt ông Thượng nóng ruột lật đật dở mùng chui ra , lấy cây đèn pin dưới gối ông vói tay bật đèn lên rồi đi ra nhà sau. Con chó Cò cũng chạy theo ông
Quả thật cái cửa chống sau nhà đã bị gió đánh sập xuống. Ông Thượng loay hoay tìm cái cây chống cửa lên , lấy cái nón lá đội lên đầu rồi bước vội qua khoảng sân trống đi về phía cái chuồng gà.
Mấy con gà đang ngủ gà gật bỗng lao xao cựa quậy khi nghe có tiếng động. Ông Thượng lấy tấm nilon phủ lên chuồng để che bớt gió cho chúng rồi quay trở vô.Vô tình ánh đèn pin trong tay ông lia về hướng hai ngôi mộ sau vườn. Bất giác lòng ông chùng xuống, nghĩ sao ông không quay lên nhà trên mà lại đi phăng phăng về phía hai ngôi mộ.

Ông Thượng ngồi cạnh mộ của đứa con gái lớn mà ông mới bốc mộ về cải táng hồi thanh minh năm ngoái. Ông vuốt ve gương mặt ngây thơ của nó trong di ảnh. Con chó Cò nằm sát bên ông kêu ư ử.
Cái điều mà ông Thượng không bao giờ ngờ được là sau khi cưới vợ kế - cưới mẹ cho xấp nhỏ nhà ông- thì tai họa cũng kéo đến với gia đình ông . Bởi vì sau khi cưới có một năm thì cô ấy đã sinh con. Và rồi hể ông đụng đến cô ấy thì cô lại có thai, cứ thế mà sòn sòn năm một. Gái lỡ thì dồn nén nhiều năm nên mắn đẻ quá chăng? Có trời mà biết.
Và chỉ có một mình ông ôm một nổi ê chề trong lòng mà không biết kêu với ai,vì thay vì tìm được một người mẹ cho bầy con ông và chính ông cũng được thanh thản một tí thì ông đã vội vàng rước về thêm rất nhiều nồi lo âu phiền muộn.
Những bất hòa xung đột trong các mối quan hệ giữa mẹ ghẻ con chồng, giữa bà mẹ của bà vợ cũ với cô vợ mới của ông, rồi dần dần là giữa ông với cô vợ mới cũng không được yên ả lắm, do cái thói ghen bóng ghen gió của cô ta đã làm phiền não ông hết sức. Rồi cũng chỉ vì bị ám ảnh bởi câu nói :” ông coi chừng đó nghen, tui thấy con Hà đi học mà kẻ mắt thoa son đó” của cô vợ kế lắm điều đã làm ông mất bình tĩnh khi tình cờ bắt gặp đứa con gái lớn của ông mặc váy đầm ngồi sau lưng một gã con trai chạy honda, mà còn ôm eo thằng đó sát rạt. Máu nóng nổi lên, ý nghĩ về một đứa con gái hư hỏng làm cho ông tối mắt tối mũi đánh nó tới tấp và xé toạc cái váy đầm của con bé .


Nước mắt ân hận của ông Thượng bỗng ứa ra chảy ngoằn nghèo trên gương mặt đã có quá nhiều nếp nhăn của thời gian. Con ơi, con bé dại dột! Mà ta cũng là một thằng cha dại dột nữa, phải không con?

Sau trận đòn đó thì con bé nhà ông bỗng trở nên lầm lì, sau đó không lâu thì nó bỏ nhà đi mất . Hết giận dữ rồi lại lo âu, ông Thượng chết điếng người lo tìm kiếm nó khắp nơi. Cuối cùng không được gì ngoài việc bỗng dưng ông Thượng không còn về nhà mỗi lần tan sở nữa, ông thấy ấm áp và nhẹ nhàng tâm trí rất nhiều trong vòng tay bà vợ góa của một ông cảnh sát mà ông quen trong một lần chơi bài ở nhà ông Đốc Học. Ở gần bà ông Thượng được chìu chuộng và thường đắm mình vào những ván bài thâu đêm suốt sáng. Cuộc sống tràn đầy hoan lạc và làm cho ông quên đi được bao nỗi lo âu rắc rối ở nhà.

Ông Thượng bị con Cò dựa vào người nên mỏi, ông nhẹ đẩy nó ra thì con chó lại cứ xích vào, ông không nở mắng nó nên lại ngồi im, má xấp nhỏ trong tấm hình nhìn ông cười nhẹ , mắt ông Thượng hấp háy run trong bóng tối.

Rồi đến lúc cô vợ kế cũng dắt bốn đứa con mà đi về quê mẹ của cô ấy.Cô nói rằng cô không được hạnh phúc khi sống với ông. Cô muốn một mình nuôi con cái đến lúc khôn lớn. Không hiểu sao ông Thượng lại thấy nhẹ nhõm hết sức. Ông cũng nhẹ nhàng chia tay cô , sau khi hứa sẽ gởi tiền để nuôi bốn đứa nhỏ.
Một buổi trưa ông Thượng còn đang lim dim ngủ thì có người đưa thư tới,một bức điện tín màu xanh và một bưu phẩm ghi tên ông, chẳng hiểu ất giáp gì ông Thượng vội đọc hàng chữ trên bức điện :”con ông,Trần Thị Diễm Hà đã chết vì ngộ độc.”
Ông Thượng ra đến Cam Ranh thì họ đã chôn con ông được bảy ngày rồi. Và nó đã nằm đó suốt gần ba mươi năm sau ông mới đem được nó về.


Một cơn gió lạnh chợt thổi qua làm ông Thượng khẻ rùng mình, mưa đã dứt hột chắc cũng lâu rồi mà ông chưa muốn quay lên nhà . Đêm nay ông bồn chồn quá, ngày mai đám giổ vợ ông không biết mấy đứa ở Sài Gòn có về không? Ông Thượng nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng.

Cái số của ông sao mà kỳ lạ,hết vợ rồi đến con đều bỏ ông mà đi, ông bâng khuâng nhớ đến cô Khoa, người vợ mới đây nhất, sau khi sống cùng ông được tám năm, vừa vặn hai đứa con riêng của cô ra trường đi làm thì cô cũng dọn đi, cô nói cô còn quá trẻ xin cho cô đi làm lại cuộc đời. Khi đứa con gái thứ ba vượt biên rồi qua Đan Mạch định cư thì nó bảo lãnh cho ông đi.Sau sáu năm cài tạo trong tù, suốt ngần ấy năm không có ai thăm nuôi ông được thả về với hai bàn tay trắng , tìm về được tới nhà ngoại xấp nhỏ thì mới hay bà đã qua đời, chỉ còn ông già vợ trông nom lủ trẻ , mà mấy đứa lớn thì đứa lấy chồng đứa lấy vợ, đứa vượt biên tan đàn xẻ nghé hết. Nương tựa với ông già vợ trong miếng rẫy trồng khóm, ông vất vả qua ngày với miếng cơm manh áo đạm bạc, cho đến khi con gái ông lãnh ông qua Đan Mạch.
Ông quen cô Khoa năm ấy khi cô ba mươi bảy tuổi, góa chồng có hai đứa con trai, khi đó ông sáu mươi ba tuổi. Cô Khoa thường đi vỏ lãi cùng người em trai vào mua khóm chở ra thị trấn bỏ mối ở chợ.
Gần mười năm không còn biết đến đàn bà , cái lần đầu tiên ông nhìn thấy cô Khoa tim ông bỗng đập loạn xạ trong lồng ngực. Cô đội cái nón lá , miệng chúm chím cười khi nói chuyện với ông, dáng cô mủm mỉm , nước da thì trắng hồng mơn mởn dưới ánh nắng trưa hè gay gắt. Khi ông đưa mời cô uống nước trái dừa , đôi môi ươn ướt của cô ngậm cái ống hút thấy mà phát thèm. Ban đầu thì ông không tha thiết gì đến việc đi ra nước ngoài sinh sống, nhất là cái xứ sở lạnh lẽo như Đan Mạch, nhưng rồi sau khi cô Khoa thuận tình lấy ông thì ông lại đồng ý đi.
Qua Đan Mạch chưa đầy năm ông đã vội vàng về nước. Ông đã lén mấy đứa con thuê nhà ngoài thị trấn cho cô Khoa ở với hai đứa con cổ. Ông cũng gởi tiền về chu cấp cho ba mẹ con cô sinh sống. Cô Khoa có nghề may nên cô lãnh đồ trong xóm may lai rai cũng kiếm thêm chút đỉnh. Cuối cùng rồi thì việc ông có cô vợ trẻ cũng lở dở. Mấy đứa con phản đối vì chúng sợ ông bị lừa tiền nên đã kéo tới nhà cô Khoa ở để sinh sự. Ông tức giận và thấy nghẹn ở cổ, giống như ông đang đói lâu ngày đang có miếng ăn ngon mà tụi nhỏ hất đổ chén cơm của ông vậy. Ông cương quyết và hùng hổ tuyên bố :” đứa nào đụng tới cô Khoa tao đập chết tại chỗ “.
Thật tình mà nói dạo đó mấy đứa con ông đều nghèo khổ cả, cho nên hết thảy tụi nó đều cứ chăm chăm vào ông để mong ông giúp đỡ tiền bạc ít nhiều khi túng quẩn. Mà ông thì có gì? Vài trăm đô la người ta trợ cấp cho ông ở nước ngoài, về nước may ra còn có chút tiền mà sống, đở phải sống bám vào con cái khi già yếu, vậy mà tụi nó không thương ông.
Chỉ có thế mà khi ông về nước chính thức ở với cô Khoa thì mấy đứa con ông đều từ bỏ ông già, không thấy đứa nào tới thăm ông nữa cả.
Mặc kệ, ông Thượng thấy rất mệt mỏi với lủ con nghèo nàn cứ kêu ca khốn khổ bên tai làm cho ông đâm ra rối rắm và nhức óc. Ông an nhàn thụ hưởng cuộc sống riêng với cô vợ mới và ông cũng phải chăm chút lo cho hai đứa con của cô Khoa ăn học đàng hoàng. Có thế thì cô mới hài lòng mà sống bên cạnh ông.
Thế là ông Thượng được thoải mái hàng năm chỉ qua Đan Mạch ở có hai tháng, thời gian còn lại ông về nước sống với cô Khoa. Con cái giận dỗi , xóm giềng bà con có xì xào thế nào ông mặc kệ. Rồi thằng con trai duy nhất bỏ lên Sài Gòn sống bằng nghề chạy xe ôm.


Có tiếng sột soạt đâu đó trong đám lá làm ông Thượng giật mình ngẩng đầu lên, thì ra nảy giờ hình như ông ngủ gục. Ông ngồi thu lu trước ngôi mộ hai mẹ con, hai cái đầu gối ông nặng trĩu dường như làm cho ông không còn muốn đứng lên nữa vậy.Còn năm ngày nửa là đến Tết Trung Thu , trời se se lạnh , ông thấy thật là cô đơn, vậy mà cô Khoa nỡ bỏ ông đi đã gần sáu tháng rồi, nghe nói cô đi theo thằng cha đại lý vé số ở đầu chợ, cô ở với ông cũng như làm xong một cái hợp đồng vậy thôi, không có tình nghĩa gì cả, không như ông vẫn tưởng và hi vọng rằng cô yêu ông thật sự.

Đột nhiên ông Thượng chợt thấy thèm uống một tách trà , ông cố gắng đứng lên. Vịn vào tấm bia mộ bà vợ ông lần đứng dậy.
Bỗng dưng ông thấy buồn nôn và choáng váng, ông Thượng té bổ.

Con chó Cò loay hoay bên ông, nó rít lên những tiếng kêu nho nhỏ trong cổ họng…

 
 

19-9-2008

Âu Thị Phục An