|
Có một thời gian rất dài không hẳn là tôi đã sống xa Rạch Giá.
Tôi vẫn ở gần đó, Rạch Sỏi, nơi mà sau khi ngày 30/4/1975 xảy ra , tôi đã cùng mấy đứa em dắt díu nhau về ở với bà ngoại già nua, khi ba của chúng tôi đã bị bắt đi cải tạo mất tăm mất tích không thể nào tìm ra được.
Tôi xa Rạch Giá từ cuối niên học lớp đệ tam, năm 1971, lên Đà Lạt học, sau đó ba tôi lại đổi về Bạc Liêu. Xảy ra ngày 30/4, tôi lại quay về quê hương, nhưng lại gắn chặt đời mình vào Rạch Sỏi.
Rồi tôi lấy chồng, lại là một người Huế, một người không có chút kỷ niệm nào với Rạch giá cả, nên không thể chia sẻ một chút gì về quê hương mình.
Cho nên, trong lòng tôi, từ rất lâu rồi, trong cái ký ức đã nhạt nhòa rất nhiều qua những năm tháng vật lộn vẫy vùng trong cuộc sinh tồn, Rạch giá vẫn còn đâu đó, lẩn khuất trong tim tôi những hoài niệm không nguôi, của một thời học trò áo trắng.
Thỉnh thoảng có một đứa bạn nào đó trở về từ nước ngoài, tôi lại có dịp cùng nó đứng trên vùng đất ven biển, ngó ra Hòn Rùa bập bềnh như trôi trên làn nước xa xa , có biết bao là tàu thuyền đánh cá đang miệt mài trên sóng nước.
Biển cả mênh mông, trời đất bao la, những cơn gió biển mát rượi thơm nồng làm cho mình cứ muốn đứng đó, đứng mãi với những cảm giác thân thương ngập tràn buồng phổi trái tim.
Bây giờ tôi sống ở Sài Gòn, cuộc sống vẫn cứ thế, cứ gắn chặt mình vào cơm áo. Mỗi khi mùa mưa đến , những đêm khuya nằm nghe mưa hắt hiu nhỏ những giọt tí tách trên mái hiên mới thấy lòng thao thức nhớ làm sao những trận mưa tầm tả trên miền đất quê hương mình. Nhớ làm sao những buổi tan trường chạy xe đạp dầm mưa đùa giởn với bạn bè. Nhớ làm sao những khuôn mặt phá phách tóc tai rủ rượi cùng nhau lạng lách trong mưa rồi cười vang động cả phố xá.
Tôi không biết bạn Trường Hải là trưởng lớp của lớp tôi ngày xưa bây giờ ra sao? Có nghe sau 30/4 bạn chạy xe lôi kiếm sống. Hồng Châu cũng có lúc chạy xe lôi nhưng nghe đâu giờ đã là giám đốc Ngân hàng gì đó. Có bạn vinh quang thì cũng có bạn khốn khổ trầm luân. Học với nhau từ Đệ thất đến đệ Tam, có thể đếm trên đầu ngón tay từng khuôn mặt bạn bè còn mất mà có lúc chạnh lòng có lúc hân hoan.
Trong một lần về Rạch Giá làm giấy tờ, phải chờ vài ngày mới có kết quả, tôi bâng khuâng đi tìm nhà của đứa bạn thân thiết cũ nằm ngay sau lưng rạp hát Châu Văn.
Gặp nhau, hai đứa ôm chặt lấy nhau không muốn rời . Rồi từng kỷ niệm tràn về như nước lũ. Thật là vui mừng như điên. Vừa nắm chặt tay nhau vừa mếu máo. Rồi soi mói nhìn nhau từng chút một trên gương mặt, trên hình hài, có lúc khoái chí cười ha hả…Nhưng lòng bỗng nhói đau khi biết bạn mình đang mang căn bệnh ung thư quái ác…
Nhưng Thủy bạn tôi thật là can đảm, và nó vẫn như xưa, hăng hái chở tôi đi …tìm lại quá khứ.
- Mầy muốn đi đâu tao chở mầy đi.
- Cho tao qua trường Nguyễn Trung Trực trước đi, nhớ quá xá rồi.
Đứng lặng trước cổng trường đóng kín, xa lạ, tôi bồi hồi cố nhón chân nhìn qua cổng để có thể thấy được mấy dãy lớp học ngày xưa. Đứng đó và hồi tưởng. Cảm giác nầy thật là vô vọng làm sao. Không tìm được một chút dấu tích nào còn lại. Tôi hỏi Thủy. Mầy có nhớ nhà thầy Giáo già không? Chổ nào hồi đó tụi mình gởi xe nhỉ? Cái quán yaourt ở đâu rồi ta? Ê Thủy ơi, chỗ nào hồi đó mình tập thể dục ? Ôi ôi sao đường vô trường Lâm quang Ky đâu mất tiêu rồi?
Tôi như Từ Thức về trần gian tìm lại dấu vết của quê hương mình ngày cũ, lạc lõng và đau buồn như cánh chim non xa tổ lâu ngày không còn nhận ra nơi chốn ngày xưa một thời ríu rít.
Về đây, tôi còn có một nổi buồn khác bỗng dưng làm tôi ứ nghẹn .
Tôi nhớ đến Quân – Lâm hùng Quân - mối tình đầu của tuổi học trò đầy vụng dại và cũng lắm mộng mơ.
Hồi đó chúng tôi bốn đứa, Bá Quân Thu Thủy, đi đâu cũng có nhau, bốn đứa lại cùng một tuổi . Sau nầy Bá và Thủy thành vợ thành chồng cho đến khi Bá bị tai nạn mất sớm. Còn tôi và Quân mỗi người mỗi ngã .
Trong những giấc mơ sau nầy không hiểu sao tôi luôn mơ thấy mình trong ngôi nhà cũ ở cư xá công chức khám lớn nằm trên đường Quang Trung .
Dãy cư xá nầy đặc biệt chỉ có mười căn nhà. Nhà tôi số 1, nhà Quân số 10.
Thủy đã chở tôi về đó, hai đứa ngại ngần hồi lâu khi thấy toàn là Công An ở trong dãy nhà mà tôi đã sống ngày xưa.
Dựng xe ngoài cổng Thủy bạo gan dẫn tôi đi thẳng vô trong. Nó dắt tôi đi đến căn nhà của tôi . Đây là ngôi nhà mà trong những giấc mơ tôi thường thấy. Tôi run lên. Cảm giác khó tả khi đứng trước nơi chốn thân yêu một thời của mình. Vẫn còn kia những viên gạch tàu màu đỏ trong phòng khách nhà tôi. Vẫn còn kia khoảng đất trống cạnh nhà có mấy cây ổi sai trái thuở nào. Vẫn còn cái giếng to lớn khi xưa tôi thường ra đó giặt giũ quần áo , trong lúc mắt vẫn liếc nhìn về phía cái giếng nhà Quân, thường có Quân ngồi đó ôm đàn ca hát vu vơ…
Căn nhà số 5 hồi ấy là của bác Thành làm giám thị có vợ bán bánh mì, có đứa con gái tên Tuyết. Tuyết chính là cái bưu điện chuyển thư cho tôi và Quân. Hồi đó làm gì hai đứa dám ra mặt gặp nhau nên ngày nào cũng viết thư cho nhau rồi đưa cho Tuyết chuyển dùm. Tôi vẫn nhớ những lá thư chép đầy thơ tình của Quân mà tôi đã cất đầy một hộp giấy. Thỉnh thoảng , buổi tối, Quân cũng thường nhờ “bưu biện” chuyển cho tôi ổ bánh mì thịt nguội mua ở gần rạp hát Nghệ Đô . Có khi là bánh bao để tôi ăn thêm buổi tối. Muốn gặp nhau đi chơi thì chỉ có cách rủ thêm Tuyết rồi cùng đi ăn mì Đào ký, sau đó đi ăn sâm bổ lượng …
Quân còn mua tặng tôi rất nhiều bản nhạc, thời đó thường được in cả nhạc lẫn lời trên giấy cứng, những bài hát mà tôi cũng tập tễnh ôm đàn mò mẫm Do Re Mi…, những ca khúc của Trịnh công Sơn như Tuổi Đá Buồn hay Nắng Thủy Tinh. Mỗi khi chiều về tôi thường bắc ghế ngồi chơi ngoài giếng, ở đầu giếng đằng kia Quân cũng đã ra đó ngồi đàn hát nghêu nghao "Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…."
Không thể không nhớ cái lần tôi trốn học buổi chiều để đi xem chiếu bóng với Quân ở rạp Nghệ đô. Thường thì ba tôi đi làm vào 1g30 trưa. Tôi cũng mặc áo dài trắng ôm cặp đi bộ đến trường. Chưa đến trường thì đã có Tuyết đậu xe honda chờ sẳn. Hai đứa ghé vào nhà quen để tôi thay áo ngắn rồi Tuyết chở tôi ra rạp Nghệ Đô. Vé xem hát thì Quân đã mua sẳn đưa cho Tuyết trao lại cho tôi.
Thời ấy cha mẹ dạy con rất nghiêm khắc, nhất là con gái, ngoài giờ học ra ba tôi hoàn toàn nhốt mấy chị em gái tôi trong nhà không cho đi đâu cho nên hôm ấy tôi rất run. Vừa mặc cảm tội lỗi vừa hồi hộp vì lần đầu tiên ngồi gần người yêu trong bóng tối , tâm trạng tôi lúc ấy thật khó tả. Trái tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, còn đầu óc thì choáng váng hoàn toàn không biết trên màn ảnh đang chiếu cái gì. Tôi ngồi thẳng người nhìn chăm chăm lên màn hình toàn thân cứng đờ. Tôi có thể ngửi được mùi thơm từ mái tóc mới gội của Quân tỏa sang . Đôi mắt Quân lấp lánh sáng trong bóng tối. Rồi Quân bất chợt nắm lấy bàn tay tôi xiết nhẹ. Tôi yếu đuối ngã đầu lên vai Quân, quên hết thời gian…
Một người Công an ở đâu không biết chợt xuất hiện làm tôi bàng hoàng ra khỏi giấc mơ. Ông ta hỏi “hai chị tìm ai mà vô đây?” Thủy vội lôi tôi đi vừa trả lời ông ta “tụi tui đi lạc đường anh ơi”.
Hú hồn! đồ mắc dịch ! Thủy chửi .
Ê chắc mầy buồn lắm phải không? Nhớ hồi đó trưa nào tao cũng ghé rủ mầy đi học không? Tao hay đứng chờ mầy dưới gốc cây trứng cá nầy nè, nhớ hôn con quỉ! Bà ngoại mầy khó thấy mồ tao đâu dám vô nhà , còn mầy đó hả mỗi lần thay đồ lâu muốn chết, cứ ỏng a ỏng ẹo thấy phát ghét ! Ê về đây nảy giờ tao biết mầy nhớ ông Quân lắm phải không? Nghe nói ổng đi Mỹ rồi mầy ơi. Tao cũng chưa hề gặp lại ổng nói chi mầy ở tuốt trên Sài gòn ? Ê để tao chở mầy đi vòng vòng mấy chỗ tụi mình hay đi ăn nha. Nè nhớ quán mì hoành thánh nầy không? Để tao chạy xuống đường Lò heo cho mầy nhìn nhà con Thôi nha. Đây là đường vô nhà con Liêng nè . Thủy ơi ,có chổ nào bán bún cá ngon ngon cho tao ăn đi, thèm quá. Ừ ừ để lát nữa , giờ tao chở mầy ra khu lấn biển nè. Í ở đây có nhà hàng kìa Thủy, gió mát quá, ghé vô ghé vô tụi mình kiếm gì ăn nghỉ mệt một chút nhỏ ơi.
Cái con nhỏ mắc dịch nầy cứ lo ăn hoài hèn chi mập thù lù. He he…
Tôi kêu món lươn um rau ngỗ. Tôi muốn đãi Thủy một chầu vì xem ra nó sống cũng kham khổ. Mầy thích ăn gì thì kêu nghe Thủy, tao thèm rau ngỗ quê mình quá .
Hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện. Gió biển thổi về thật mát. Chỗ nầy trước là biển mênh mông sóng vỗ. Chỗ nầy cũng có thể là nơi tụi tôi bốn đứa Bá Quân Thu Thủy thường trốn học lội ra đây hái bần. Chỗ nào là con đường nhỏ ngoằn nghoèo gập ghềnh tụi mình hay đi hả Thủy, bây giờ nó là đâu mầy có nhớ không? Cái chỗ người ta trồng dưa hấu đó Thủy? Mắc dịch! làm sao tao nhớ hết chỗ tụi mình đi chơi? Ê lát nữa tao chở mầy vô mộ Hội đồng Xuông cho mầy coi, bây giờ lạ hoắc. He he…đó là chổ hẹn hò của tụi mình mà. Tôi thở dài. Giờ chỉ còn tao với mầy buồn thấy mồ vô đó làm chi mắc công tao nhớ…Ông Bá thì mất rồi, lát nửa nhớ nhắc tao mua trái cây cúng ổng nha Thủy. Mầy nhiều chuyện quá, thắp cho ổng cây nhang là được rồi…
Thủy nè, có khi nào ông Quân có về mà mầy không gặp không? Có thể , cũng tại tao cứ ru rú trong nhà có đi đâu đâu mà gặp? Ê Thủy mình nhớ người ta không biết người ta có nhớ như mình không? Nếu ổng có về Rạch giá đương nhiên là phải nhớ mầy rồi…
Đêm đó hai đứa vô mùng ngủ mà không thể nào ngủ được. Những câu chuyện cũ cứ miên man trở về trong ký ức. Lúc thì nhớ thầy cô với bao chuyện vui buồn phá phách cứ lôi ra mà nhắc lại. Lúc nhớ từng khuôn mặt bạn bè, với dự định ngày mai hai đứa sẽ đi tìm thăm cho hết…Tôi cứ như trôi đi từ nổi nhớ nầy đến nổi nhớ khác, mọi thứ đan quyện vào nhau cứ bềnh bồng bềnh bồng …
|
|