Trạm Cuối

 
 
 

Hai phòng lạnh, mỗi phòng 3 giuờng, còn lại là 4 phòng lớn hơn, có quạt máy, chứa được mỗi phòng khoảng 10 giường. Ngoài hành lang dọc theo các phòng hầu như lúc nào cũng có 2 dãy người nằm chờ. Nằm trên các giường ấy ,tất cả đều là bệnh nhân của khoa điều trị giảm đau và các triệu chứng của bệnh ung thư.

Thụy không nhớ nổi đây là lần thứ mấy nàng đưa Khương vào cấp cứu ở khoa giảm đau nầy. Đôi lần nàng nghe loáng thóang có ai đó nói” vào đây coi như là trạm cuối rồi !”. Cũng như mọi khi Thụy làm như không để ý đến câu nói lạnh lùng đó. Nàng phớt lờ coi như chưa hề nghe thấy nó, giống như là trong ý thức của Thụy lời phán quyết đó chưa hề lọt vào tai nàng.

Những lần đầu bở ngở khi đưa Khương vào đây đều phải trãi qua nhiều thủ tục rườm rà lâu lắc. Bây giờ thì Thụy đã có chút ít kinh nghiệm rồi. Một túi trái cây bự sự cho cô y tá trưởng sẽ giúp Khương được đưa vào phòng có quạt máy trước khi trời tối. Nếu không thì không biết sẽ nằm ngoài hành lang cho đến bao giờ.

Khương vừa được đưa vào phòng thì đã có một ca khác đươc đẩy vào nằm ngay chổ của Khương vừa bỏ trống. Đó là một người đàn bà đã lớn tuổi.

Ở đây, và hầu hết các khoa của bệnh viện, lúc nào Thụy cũng thấy tấp nập người ra kẻ vào đông đúc như một cái chợ. Người bệnh nào cũng có ít nhất là hai người trông nom, vì đây là bệnh viện đầu ngành, vào đây là bệnh nặng rồi.

Khương đã được bác sĩ đến khám từ khi còn nằm ngoài hành lang. Đã dến giờ cơm chiều. Thụy đến bên Khương tươi cười:

-Anh đói bụng chưa? Em đi mua cơm nghen? cơm tôm hử?

Khương cười ngượng ngập rồi khẻ gật đầu.

Thụy lấy áo khoác mặc vào rồi đi ra cửa. Lúc nàng đi ngang qua cái băng-ca lúc nảy có người đàn bà lớn tuổi nằm thì người con gái có lẻ là con bà chợt kéo tay nàng hỏi:”chị ơi cho em hỏi thăm, chừng nào mới được vô phòng nằm hả chị?”. Thụy nói:” từ từ rồi người ta sắp xếp em ơi.”

Rồi nàng đi ra cổng chính của bệnh viện để mua cơm ở bên kia đường,nơi cái quán lúc nầy đang đầy nghẹt người đứng đợi

Tội nghiệp Khương, mà cũng lạ, Khương là người thường ngày không bao giờ đòi hỏi gì về việc ăn uống. Khi ngã bệnh cũng vậy. Thụy mua gì Khương ăn nấy. Sống với nhau đã hơn hai mươi năm, chưa bao giờ Thụy nghe Khương đòi ăn món nầy món nọ. Hạnh phúc trong bữa cơm của Khương có lẻ là khi thấy vợ con ăn ngon miệng món gì đó mà anh mua về. Nhưng rồi có đôi ba lần Thụy để ý mới biết Khương dạo nầy có vẻ như rất muốn ăn những món ngon và bổ. Thụy se thắt lòng khi nhớ lại câu nói mà anh hay nói là”người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn.” Từ khi biết Khương đang cố gắng ăn-để -mà-sống thì Thụy mới cảm nhận được là anh đang khao khát sống biết bao.

Thụy nói với người bán cơm lấy cho nàng hai con tôm kho tàu lớn cho hộp cơm của Khương. Phần nàng thì chỉ là một miếng sườn ram và một nhúm rau muống xào.

Thụy vừa xách hai bịch cơm hộp vào là đã thấy Khương vội vàng ngồi lên giở gối lấy mấy tờ báo củ trãi ra giường, dáng chờ đợi.Thụy lấy cái mâm nhỏ đặt lên chổ mấy tờ báo rồi dọn cơm ra.

Khương cẩn thận kéo hộp cơm đến gần,rồi nhận lấy cây muỗng từ tay Thụy, anh hỏi:

-Mẹ mầy ăn món gì đó?

Thụy mở hộp cơm ra cho Khương nhìn rồi khẻ nói:

-Ba mầy cứ lo việc không đâu,em ăn gì cũng được,anh cố gắng ăn nhiều cho có sức!

Hai vợ chồng im lặng ngồi ăn. Cái quạt máy giữa phòng quay vù vù vẫn không xua đi được cái oi bức của khí hậu Sài gòn vào cuối tháng chín. Thụy vừa ăn vừa lấy quạt giấy khẻ quạt cho Khương. Trán anh bắt đầu đổ mồ hôi lấm tấm. Có lẻ là cơn sốt lại kéo đến. Dọn dẹp xong , Thụy đến ngồi bên Khương lau mồ hôi cho anh.

Đây là lần chờ đợi vô hóa chất đợt hai của Khương.

Đợt đầu anh đã vô hóa chất sáu lần và khoảng 30 lần xạ trị. Sau đó chụp x-quang lại thì không thấy khối u trong phổi nữa. Cả nhà rất mừng.Khương lại bừng bừng hi vọng. Anh ăn nhiều,ngủ nhiều hơn. Cái con người chưa hề bị bệnh hoạn gì trong suốt ngần ấy năm sống bên cạnh Thụy giờ có lẻ không còn dám coi thường sự ăn ngủ mà trước đây anh rất ghét nữa. Đúng vậy,Khương rất ghét những người ham ăn ham ngủ. Thế nhưngø từ khi vướng căn bệnh ung thư phổi, Thụy thấy anh quan tâm rất nhiều đến cái ăn.

Nhưng rồi chỉ được vui mừng có 3 tháng thì Khương lại bị sốt liên tục. Những cơn sốt 40 độ luôn hành hạ Khương. Thế rồi những cơn mệt và ho liên tục xảy ra, thậm chí Thụy đã không cho Khương mở miệng ra nói chuyện nữa. Thế mà lạ, hể có ai đến thăm thì Khương lại kể huyên thuyên về căn bệnh của mình. Để rồi sau đó lại oằn ọai ôm ngực mà ho. Cái con người thường là rất ít khi nói về mình, luôn luôn là tay lái vững chắc của một con thuyền trong những cơn sóng gió của cuộc đời,là một bến bờ an lành nhất mà mẹ con Thụy nương tựa từ mấy chục năm qua, con người ấy bây giờ đang rất nhỏ bé trước mắt Thụy, rất yếu ớt trong vòng tay Thụy.

Buổi tối, sau khi cho Khương uống thuốc hạ sốt xong thì người anh lại đổ mồ hôi đầm đìa. Thụy lấy khăn lau khô người Khương, thay đồ cho anh rồi ngồi phe phẩy quạt cho anh ngủ. Khi Khương đã chìm vào giấc ngủ thì Thụy ra ngoài tìm cô y tá trưởng.

Gặp cô trong phòng làm việc, Thụy đi thẳng vào vấn đề:

-Cô Ngọc à, cố gắng ngày mai cho anh ấy vào phòng lạnh nha!

-Dạ, sáng mai có ai về thì con cho cô hay. Đến đầu giờ chiều thì chú có thể qua phòng lạnh được rồi.

-Dạ cám ơn cô Ngọc nhiều .

Sau lần Thụy nhét một phong bì tiền vào túi trái cây đưa cho cô Ngọc thì vấn đề đưa Khương vào phòng có máy lạnh đã giải quyết rất dễ dàng, không như những lần trước đây, Thụy đã hết sức xót ruột nhìn Khương lúc nào cũng phải ướt rượt mồ hôi, tay anh luôn cầm sẳn một cây quạt giấy mà quạt liên tục. Không khí nóng bức, hơi người oi nồng. Người không bệnh còn chịu không nổi huống chi hơn 50 người bệnh nặng đang nằm bẹp dí trên giưỡng và ngoài hành lang kia? Những con người mà thân xác chỉ còn là những tấm thân còm cõi ,luôn luôn nóng bức vì đã trãi qua rất nhiều lần vô hóa chất và biết bao là các loại kháng sinh. Có người chỉ còn mặc có cái quần cụt nằm co ro trên góc giường,bên cạnh là người vợ nửa nằm nửa ngồi đang chập chờn trong giấc ngủ nửa vời. Buổi tối trong khi những người bệnh đã chìm vào giấc ngủ thì đám vợ con của họ trãi chiếu nằm lăn lóc ngay dưới giường của họ,hoặc nằm dài dọc theo hành lang .Vào giửa đêm có người bệnh phải cấp cứu là chuyện thường xảy ra. Có khi lại có một bệnh nặng nào đó lên cơn mệt rồi qua đời.

Có một cậu trai tuổi chỉ khoảng đôi mươi bị lên cơn co giật kịch liệt, chân tay cậu co quắp, mắt thì trợn ngược. Bà mẹ kinh hoàng rú lên rồi ôm chặt lấy đứa con mà kêu khóc. Thụy đang ngủ vật vờ bên cạnh Khương chợt choàng tỉnh ngó quanh. Có người mở mắt ra nhìn rồi lại ngủ tiếp, ai cũng đều đã quá mệt mỏi rồi. Thụy thương hại bà mẹ vội vàng chạy qua phòng trực của y tá gọi cửa.

Sau khi được cấp cứu cậu bé lại chìm vào giấc ngủ của mũi thuốc,bà mẹ ngồi trên chiếc ghế nhựa, hai tay ôm chặt cánh tay của đứa con, rồi bà vừa khóc thút thít vừa gục đầu bên cạnh mép giường mà ngủ. Đầu tóc bà xộc xệch, gương mặt bà hốc hác nặng trĩu nổi lo âu sợ hãi. Nghe cô y tá nói thì Thụy biết cậu bé đang sống những ngày cuối cùng, tế bào ung thư đã di căn vào xương nên hể mỗi khi hết morphine là cậu lại lên cơn đau khủng khiếp. Thụy quay lại nhìn Khương, thì ra nảy giờ anh đã thức giấc và nhìn thấy hết mọi việc. Khương không nhìn Thụy mà anh nhìn thẳng lên trần phòng. Thụy khẻ đặt bàn tay lên trán Khương âu yếm nói như nói với chính mình.”thằng nhóc nầy đau lâu rồi anh ạ”. Khương vẫn rất muốn nghe những lời đại loại như thế từ Thụy, Thụy biết và cố gắng đè nén đi cái cảm giác sợ hãi trong lòng nàng để vui vẻ trước mặt Khương. Thụy còn vui vẻ có nghĩa là bệnh của Khương cũng chưa đến nổi nào. Khương tin như vậy vì có ai hiểu Thụy bằng Khương? Một cô nàng nhút nhát đa cảm như Thụy mà Khương đã đem hết cuộc đời ra gồng gánh cho nàng biết bao là giông bão cuộc đời? Thụy cứ như là một hạt sương long lanh rất dễ vở trong tay Khương gìn giử bấy lâu nay rồi còn gì.

Thật là an tâm và dể chịu khi mỗi ngày còn nhìn thấy Thụy hồn nhiên trước cái chết sẽ đến của mình. Khương thầm nghĩ “mình vẫn chưa đến nổi nào đâu”

Cuối cùng rồi Khương cũng được chuyển qua phòng máy lạnh.Đó là phòng số 1. Thụy gọi điện thoại báo tin cho đứa con gái hay rồi thu dọn đồ đạc vào mấy cái túi xách.Khương cũng muốn xách đồ tiếp cho Thụy nhưng nàng không cho "Ba mầy đi một mình là được rồi,xách đồ là bị ho đó.” Lại túi bụi sắp xếp đồ đạc một lần nữa, nhưng bây giờ Thụy yên tâm hơn vì ở phòng máy lạnh Khương sẽ dễ chịu rất nhiều. Và ban ngày nàng có thể được nằm nghỉ ngơi mà không phải cứ ngai ngái lo bị các cô y tá bắt gặp, vì theo nội quy của khoa thì không ai được nằm nghỉ trong giờ các bác sĩ đang làm việc.

Ở phòng máy lạnh sung sướng nhất là có được một cái toilet sạch sẽ,đó là điều mà ai cũng muốn. Sẽ không còn cái cảnh mỗi sáng phải dậy thật sớm để lo cái việc vệ sinh cho người bệnh và cả người nuôi bệnh. Chưa kể đến cái mùi hôi đến lợm giọng mỗi khi bước vào đó. Cho nên vừa được vào phòng lạnh là Khương đã vội vã đòi đi tắm. Trong lúc chờ Khương tắm, Thụy chợt nhìn thấy người đàn bà lớn tuổi bửa trước đang nằm trên giường số 2. Kế đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi đang ngồi trên giường số 3. Người nầy mặt và cổ sưng phù lên, tay chân cũng vậy. Gương mặt anh ta ửng đỏ, kể cả đôi môi cũng sưng lên. Thụy gật đầu chào một phụ nử có lẻ là vợ của người đàn ông kia.

Đến tối thì tất cả đã quen nhau. Cả 3 người nằm chung phòng đều là bệnh nhân ung thư phổi, cũng tốt vì ngoài những tiếng ho thì cả ba đều sạch sẽ. Khương là người ho nhiều nhất, anh sốt có cử, sau khi uống thuốc hạ sốt thì mồ hôi ra như tắm. Thụy phải thay quần áo cho anh liên tục. Bác sĩ điều trị cho biết là phổi anh bị nhiễm trùng và mỗi ngày họ đều chích kháng sinh và truyền nước biển cho anh. Thụy đã tìm cách để làm quen với bác sĩ điều trị (cũng bằng phong bì tiền) nên sau đó nàng đã dễ dàng hơn khi muốn biết những diễn biến về căn bệnh của Khương.

Dì Mười là người nằm giường số 2, dì có vẻ tươi tỉnh,dì nói:

-Tui vô đây là để chờ vô hóa chất lần thứ hai,lần trước tui vô khỏe re có ói iếc gì đâu na.

-Ồ lạ quá, chồng của con vô hóa chất buồn nôn không ăn uống gì được dì Mười ơi.

Thụy kể về những cơn buồn nôn của Khương, nàng cũng lấy làm lạ khi nghe dì Mười nói vậy. Dì Mười cũng cảm thấy hãnh diện về việc đó. Dì ăn uống có vẻ ngon lành và ra vẻ rất sẵn sàng vô hóa chất tiếp tục mà không e sợ gì cả. Dì là y tá, cũng đã gần 70 tuổi rồi.

-Chèn ơi,tui có hút thuốc đâu mà cũng ung thư phổi mới kỳ chứ.

Người con gái nuôi bệnh dì Mười nhìn Thụy nháy nhó ra dấu là bệnh mẹ cô cũng đã nặng rồi mà dì không biết đó thôi.

Cô gái nhắc mẹ cô đi tắm. Khi dì đã vào phòng tắm rồi thì cô gái lắc đầu nhún vai nói với Thụy:

-Mẹ em cứ tỉnh bơ như không í, mỗi lần tắm là bà kỳ cọ lâu lắm. Để rồi chị coi, tắm xong lại lên cơn ho mà nói hoài cũng không biết sợ.

Thụy thầm nghỉ” như vậy cũng tốt cho bà”.

Con gái Thụy đã vô tới để ban đêm thay ca với Thụy trông chừng Khương.. Những người bệnh nặng bây giờ chẳng khác gì một đứa trẻ. Tắm rửa,thay quần áo, thậm chí đút ăn và truyền sữa vô dạ dày qua đường mũi …Những người bị di căn lên não thường là đã như một người mắc bệnh tâm thần, họ chẳng còn biết gì nữa, thậm chí không còn kiểm soát được đường tiêu tiểu.

Người đàn ông cứ ngồi nghiêng ngã trên giường mà không nằm xuống làm cho Thụy thấy ngạc nhiên. Hỏi vợ anh ta thì mới biết anh không thể nằm được nữa vì sẽ không thở được. Anh ta ngồi như vậy đã gần hai tháng nay rồi. Cả ngườ ivà mặt anh sưng to lên trông thật mệt mỏi, tuy nhiên anh vẫn còn tỉnh táo lắm. Anh đang ngồi gập người trên mấy cái gối chèn quanh người anh và lim dim nghe tin tức phát ra từ cái radio nhỏ xíu …

Thụy nghĩ rằng vào đây lần nầy chữa cho hết sốt thì Khương sẽ được vô hóa chất tiếp tục, nhưng không ngờ anh cứ sốt tới sốt lui mãi gần một tuần lễ mới hết sốt, sau những lần xét nghiệm và thay đổi thuốc kháng sinh. Đến lúc đó thì Khương mới được vô hóa chất.

Như thường lệ,sau khi vô hóa chất xong là Khương lại đòi về nhà.

Cô Ngọc khuyên nên ở lại vài hôm nhưng Khương nhất định không nghe, cô khều Thụy ra ngoài nói nhỏ:

-Con nói thật, thấy chú và cô con cũng thương, đây là con nói như là người trong gia đình, cô đừng cho chú vô hóa chất nữa,sẽ “đi” sớm lắm đó, thà cô để chú ở nhà cho uống thuốc nam mà sống lâu hơn. Cô nghe lời con đi, con ở đây đã thấy nhiều trường hợp lắm rồi.

Thụy phân vân:

-Nhưng chú cương quyết đòi vô, bác sĩ cũng quyết định vậy mà.

Thụy thật sự hoang mang khi nghe cô Ngọc nói như vậy, cô là người nắm giử hồ sơ của các bệnh nhân, tình trạng nặng nhẹ của mỗi người cô là người biết rõ hơn ai hết. Dẫu Thụy quá biết rằng vô tới đây là Khương đã bước vào” trạm cuối” của cuộc đời rồi, nhưng theo Thụy nghĩ thì chưa phải là lúc nầy. Vả lại bác sĩ còn nói là Khương chỉ bị nhiễm trùng phổi, đánh kháng sinh sẽ hết thôi mà. Còn về hóa chất dùng cho đợt điều trị nầy thì ông nói đó là loại thuốc mới nhập về từ Singapore cho nên Khương rất hi vọng là khối u sẽ biến mất, may ra thì anh còn kéo dài cuộc sống thêm nữa.

Nhưng tại sao cô Ngọc lại nói như vậy? Dẫu Thụy có tin theo cô thì Khương cũng không bao giờ tin .

Thường thì những người nào sau khi vô hóa chất nếu thấy khỏe muốn về thì cô Ngọc sẽ cho về theo yêu cầu, cho nên dì Mười xin về và Khương cũng vậy, dù Thụy thấy anh rất mệt. Anh nói: ”về nhà thoải mái hơn”.

Tội nghiệp Khương, về đến nhà là anh đòi đi tắm,có lẻ anh đã chịu đựng rất nhiều cái sự dơ dáy và tù túng trong bệnh viện.Nhưng anh có lẻ là không khỏe như anh mong muốn nên anh kêu Thụy vào phòng tắm cho anh.

Thụy để Khương ngồi trên chiếc ghế nhựa rồi xả nước ấm từ vòi sen xuống cơ thể Khương. Tấm thân anh như oằn nặng xuống dưới sức nặng của chính cơ thể mình,trông anh đã còm cõi đi thật nhanh ,hai tay và hai chân hầu như không còn thấy những cơ bắp nữa, chúng chỉ là những mảng thịt thỏng thẹo.

Thụy muốn chảy nước mắt nhưng nàng kịp nuốt vội chúng xuống cổ họng mình, nàng lặng lẻ kỳ cọ nhè nhẹ trên thân thể Khương, rồi nàng giả bộ đùa giởn với Khương bằng cách chọc ghẹo vào “chổ đó” của anh. Khương vẫn rất buồn cười vì cái tính nhí nhảnh của vợ, anh mỉm cười đưa đôi mắt khát khao nhìn Thụy. Cầu Trời cho mình được sống thêm 2, 3 năm nữa để còn lo chu đáo cho vợ con mình. Mình mà chết đi thì Thụy khổ lắm. Đêm đó Khương chỉ uống được có ly sửa rồi đi ngủ trước. Khi Thụy lên giường thì Khương chợt trở giấc quàng tay ôm lấy vợ, Thụy im lặng, nàng cũng khẻ choàng tay qua sau ót Khương cho anh tựa đầu vào ngực nàng. Những lúc buồn phiền mà có lẻ cả những khi hạnh phúc nhất Khương vẫn thường thích nằm trong tay Thụy như thế. Thụy vuốt ve tấm lưng chồng, những đầu ngón tay nàng mân mê trên những đốt xương sống lồi cả lên vì Khương đã ốm đi rất nhanh. Để cho Khương an tâm ngủ ngon Thụy cứ nằm như thế cho đến khi nàng nghe Khương thở đều đều.

Ở nhà được khoảng một tuần thì Khương vẫn bị sốt dây dưa không hết, có một lần nửa đêm anh dậy đi tiểu rồi lên cơn ho kéo dài không dừng được khiến cho anh bị ngộp thở và ngất xỉu trong nổi sợ hãi tột cùng của Thụy. Thụy tưởng rằng anh đã ra đi nên cứ ôm lấy anh vào lòng mà gào khóc. Mấy đứa con vội vả chạy vào,thời may Khương đã tỉnh lại và đến lượt anh hốt hoảng khi thấy Thụy cứ khóc lịm đi trên tay các con. Khương kêu Loan là đứa con gái lớn lấy thuốc an thần cho Thụy uống. Thụy đã hồi tỉnh lại một chút nhưng nàng vẫn cứ ôm chặt Khương vào lòng , tưởng chừng như nếu nàng buông anh ra thì anh sẽ biến mất vậy.

Những viên thuốc hạ sốt không giúp được gì cho những ngày đêm nóng như lửa đốt trên cơ thể Khương. Mẹ con Thụy năn nỉ Khương nhập viện, nhưng Khương đã quá chán ngán cái cảnh vào nằm trong bệnh viện, nhưng rồi cũng đã gần đến ngày vô hóa chất, anh cũng phải đi vô nằm trước vài ngày chờ làm xét nghiệm máu.

Nhớ lại cái đêm Khương ho đến nghẹt thở mà xỉu đi Thụy lo sợ lắm. Nàng cương quyết trong lòng là lần nầy sẽ không cho Khương về nhà nữa, cho đến khi anh khỏe hẳn. Bởi vì lần vô hóa chất đợt hai nầy nếu đúng là thuốc chịu thì Khương chỉ vô hai lần nữa là xong đợt hóa trị rồi.

Thế là mẹ con Thụy lại ôm đồm đồ đạc túi xách kêu taxi đưa Khương nhập viện.
Rồi lại vẫn tiếp tục cái cảnh nằm chờ ngoài hành lang, vì hầu như lúc nào cũng có người nhập viện liên tục. Đây là trạm cuối mà, thỉnh thoảng cũng có người ra đi mãi mãi được đẩy ra nằm phía trước phòng họp của khoa để chờ thân nhân người chết làm các thủ tục. Có người bác sĩ đã “chê”, thì người nhà cũng có thể chở về để có chết thì cũng được ra đi tại nhà mình, có đông đủ thân nhân mà nhìn mặt theo phong tục của người Việt Nam. Cô Ngọc y tá trưởng là người có nhiều quyền hành ở cái khoa giảm đau nầy, chính cô là người sắp xếp chổ nằm cho các bệnh nhân, ai nên cho về và ai được ở lại …cho đến chết, nếu người nhà có yêu cầu. Và tất nhiên những yêu cầu ngoài quy định nầy được thõa mãn “ngầm” bằng các phong bì nhét trong túi trái cây. Kể cả cô lao công chuyên quét dọn và phân phát quần áo và những tấm drap mỗi sáng cũng vậy, cho nên Khương lúc nào cũng được phát quần áo còn mới và những tấm drap sạch sẽ, hoặc có khi ở trong phòng máy lạnh Khương cũng được cô Ngọc “vi vu” cho mặc pyjama thoải mái, Thụy và con gái vẫn có thể nằm ngủ được trong giờ hành chánh. Thụy học được tất cả những điều nầy là nhờ ở Hương, vì chị nuôi chồng ở bệnh viện nầy cũng đã gần hai năm rồi.

Lần nầy Khương không phải đợi lâu đã được cô Ngọc cho chuyển vào phòng máy lạnh số 2. Và thật bất ngờ vì đã có mặt dì Mười ở đó rồi. Dì có vẻ xanh xao,đầu trùm một cái mủ len mỏng, có lẻ tóc dì đang rụng,dì cũng như Khương, đang chờ xét nghiệm máu xem có tiếp tục vô hóa chất được không.

Châu vẫn còn nằm ở phòng số 1. Cô Ngọc bây giờ đã thân thiện hơn với Thụy,có lẻ là cô mến Khương nhiều hơn vì dù đau yếu Khương vẫn tỏ ra là một người đàn ông lịch sự và duyên dáng với phụ nữ. Dì Mười tỏ ra mến Khương lắm, dì biếu cho Khương một bịch xí muội nhỏ mà dì nói là để Khương ngậm sau bửa ăn cho đừng đắng miệng.

Thỉnh thoảng vào buổi chiều Châu thường được vợ và người anh trai đở xuống chiếc xe lăn ,bỏ sợi dây truyền oxy ra và đẩy anh ra ngoài khoảng sân trống trước khoa để anh thoải mái một chút. Thụy cũng dìu Khương đi dạo quanh sân,sau buổi cơm chiều.

Ngồi trên cái băng đá kê dưới gốc cây sứ đang trổ hoa trắng, Thụy dịu dàng nắm bàn tay Khương. Nàng khẻ đan những ngón tay mình vào tay chồng. Ngọn gió chiều mát rượi thổi tới làm cho Khương cảm thấy sảng khoái. Anh xiết nhẹ tay Thụy, mùi hương thơm từ tóc Thụy phả vào mũi anh làm cho anh thấy nao nao trong lòng. Khương như quên bẳng đi cái căn bệnh quái ác mà anh đang mang trong người…

Một cơn ho chợt kéo đến làm hai vợ chồng cuống quít.Thụy vội vàng xoa lưng Khương cho anh đở mệt rồi dìu anh về phòng. Cô Ngọc đi ngang chợt thấy, cô nói với Thụy khi Thụy bước ra cửa đi lấy nước uống .”Cô Khương đừng đưa chú đi đâu xa quá nghen, chú bây giờ mong manh lắm đó”

Qua hôm sau thì Khương được vô hóa chất. Mỗi lần nghe bác sĩ cho hay sắp vô hóa chất thì Khương lại tỏ ra rất phấn chấn. Anh vẫn hi vọng và tin vào bác sĩ tuyệt đối là sau đó khối u sẽ lại nhỏ đi dần và biến mất, nếu thuốc mới nầy chịu. Thụy cũng không mong gì hơn, vì nàng thấy rằng con người của Khương từ khi mắc bệnh, chưa có lần nào anh tỏ ra tuyệt vọng cả. Nhưng sao cô Ngọc lại nói là Khương đang rất mong manh?? Ý cô muốn ám chỉ gì?

Buổi chiều hôm ấy,sau khi đã vô hóa chất xong, Thụy không cho Khương về nhà nữa mặc dù anh cứ đòi về. Nàng rất sợ cái cảnh Khương bị ngất sau cơn ho. Ở nhà thì làm sao cấp cứu kịp?

Quả thật, khuya hôm ấy Khương lại ho một tràng dài, mắt anh trợn lên chỉ còn thấy tròng trắng rồi anh lịm đi trong vòng tay Thụy. Đứa con gái chạy đi kêu cấp cứu. Cô Ngọc xuất hiện cùng với cô y tá trực. Từ đêm đó Khương phải thở oxy.

Bác sĩ điều trị có vẻ lo ngại khi xem kết quả CT phổi của Khương.Oâng hỏi Thụy là hồ sơ đi Mỹ của Khương đã sắp tới chưa? Thụy nói chưa thấy gì cả.”có lẻ tôi phải liên hệ với bác sĩ bên Singapore mới đươcï,trường hợp của chú lạ lắm, khối u không nhỏ lại mà còn to ra,hình như có tới hai loại tế bào ung thư lận…Cô chú có điều kiện đi Sing không? “ .Thụy vội vã gật đầu như cái máy.

- Xin bác sĩ cho tôi biết tình trạng anh ấy thế nào rồi?

- Giống như vỡ đê vậy,lủng chổ nào mình vá chổ đó.

- Bác sĩ nói vậy tôi hiểu rồi,nhưng đi Singapore có kết qủa gì không?

- Chú phải qua Sing để xét nghiệm lại coi chú mắc bệnh do loại tế bào ung thư nào, bên đó người ta xét nghiệm chính xác hơn, rồi lấy toa thuốc bên đó về điều trị đở phải ở lại Sing tốn kém.Tôi sẽ đi với cô chú.

- Tốn kém cở bao nhiêu hả bác sĩ?

- Khoảng 5.000 dollars cho 3 người trong một tuần.

Thụy mừng rỡ vội về phòng kể hết cho Khương nghe lời nói của bác sĩ.

Khương lại bừng bừng hi vọng.

Tạm thời bác sĩ không vô hóa chất cho Khương nữa, vì theo ông nói loại thuốc nầy không ngăn được sự xâm lấn của tế bào ung thư.

Nhưng Khương vẫn cứ sốt và khó thở khi bỏ ống thở oxy ra. Anh cứ ốm dần đi, hai cánh tay thì sưng phù lên, còn hai chân ngày càng yếu và ốm tong teo. Nhưng anh không sợ hãi, anh vẫn ngày ngày cố tập thể dục cho hai chân đi lại được và Thụy cố ra sức xoa bóp chân cho anh.

Thấm thoát mà Khương đã nhập viện hơn một tháng rồi, anh và dì Mười lại được chuyển qua phòng số 1 nằm chung phòng với Châu, cô Ngọc nói để 3 người làm bạn cho vui. Dì Mười cũng như Khương, dì cứ nằng nặc đòi vô hóa chất,trước dì còn về nhà được, nhưng về mới có một ngày dì đã lên cơn mệt nên lại vội vã nhập viện.


Rồi một hôm Thụy chợt nghe vợ Châu nói là gia đình phải đưa anh về quê và cho vô bệnh viện tỉnh nằm vì hiện tại Châu chỉ còn phải thở oxy và chích morphine thôi, cơ thể anh không còn truyền nước được nữa.

Buổi trưa chia tay, Châu vẫn còn tỉnh táo lắm, anh và Khương nắm chặt tay nhau, chúc nhau mau khỏe mạnh để còn nhậu với nhau một chầu…!


Trước khi đi,vợ Châu còn nói nhỏ với Thụy” em đã từng đưa anh Châu qua Thái Lan, rồi qua Singapore, kéo được đến bây giờ cũng gần hai năm rồi,cũng nhờ trước đây anh to lớn khỏe mạnh, với lại ý chí anh cũng mạnh lắm chị ạ. Giờ bác sĩ cho về rồi thì phải về chứ ở đây chiếm chổ người ta hoài mà mình cũng cực. Để em cho chị số điện thoại có gì chị em mình liên lạc. Mai mốt chị mua cho ảnh cái nệm nước cho anh nằm đi,kẻo nóng lưng ảnh tội nghiệp”

Người đi trước tất nhiên là kinh nghiệm nhiều hơn người đi sau rồi. Thụy cám ơn Hương rồi nàng xách dùm hai cái túi xách tiển vợ chồng Hương ra xe. Mỗi khi có người ra về như Châu hoặc là người đã chết cần phải đưa về nhà đều phải thuê một chiếc xe loại cấp cứu của bệnh viện, trên xe lúc nào cũng có bình oxy và y tá đưa về đến tận nhà.

Khương viết một lá thư cho cha mẹ và các em ở bên Mỹ rồi đưa cho con gái gởi qua email để xin gia đình giúp anh 5.000 dollars theo lời bác sĩ nói, nhưng sau đó thì người em trai của Khương gọi điện cho Thụy nói là gia đình nghĩ rằng không nên đi Singapore làm gì cho tốn kém vô ích.

Thụy không biết nói sao với Khương vì sợ anh tuyệt vọng, nên đành phải nói dối Khương là gia đình đã ok và muốn đi Singapore thì cũng phải chờ khi nào anh khỏe mới đi được. Mổi ngày Khương đều được truyền nước biển. Bây giờ anh có vẻ đã mất sức phản kháng, những cơn sốt ngày ba cử vẩn tiếp tục kéo đến hành hạ anh. Rồi một hôm cô Ngọc nói Khương bỏ ống oxy ra xem có thở được không thì may quá Khương thở lại bình thường. Cô Ngọc dặn khi nào có khó thở lại thì gọi y tá.

Nhưng đêm hôm đó, sau khi Khương ra toilet cố gắng đi tiêu (vì anh bị bón đã mấy ngày nên ngồi rất lâu) thì anh bị mệt lả và không thở được nữa,anh gần như ngất xỉu. Thụy gọi người đến giúp khiêng anh lên giường, sau đó y tá đến khám và phải móc phân ra cho anh, đồng thời đặt luôn cả ống dẫn nước tiểu.

Thụy chợt rùng mình. Một linh cảm mơ hồ chợt làm nàng choáng váng. Thụy vội vã bước ra hàng ghế nhựa trước phòng họp để ngồi thở. Nước mắt Thụy bỗng rơi lả chả không thể nào ngăn lại được. Gục mặt vào hai tay nàng nức nở hồi lâu… Ngay lúc ấy Thụy bỗng khao khát làm sao chỉ cần Khương của nàng mạnh mẽ đứng lên và lại cùng nàng dạo quanh sân cũng đủ hạnh phúc lắm rồi!

Đứa con gái chạy ra gọi Thụy”mẹ ơi, ba hỏi mẹ kìa!” Thụy lau khô nước mắt, trấn tỉnh. Nàng hít một hơi thở sâu rồi bước vào phòng tươi cười đến bên Khương. Thụy khẻø trách anh”lần sau nếu muốn đi cầu thì em đem bô vô, như người ta vậy, có hôi trong phòng thì cũng phải chịu chứ anh mà đòi ra toilet nữa là nguy hiểm lắm đó.”

Khương im lặng không nói gì, anh có vẻ lơ mơ nhìn nàng rồi khẻ gật đầu.

Rồi buổi tối, dù có thở oxy nhưng Khương vẫn rất mệt, Thụy phải đở anh ngồi lên, được một lát anh lại đòi nằm xuống, Khương chỉ vào tim thều thào” anh mệt lắm”

Thụy vội vàng chạy kêu bác sĩ trực. Sau đó, Khương được cho uống thuốc và anh ngủ lịm đi.

Ở bên kia giường, dì Mười cũng không khá hơn Khương, dì kêu đau trong ngực và bác sĩ đã cho uống morphine được mấy ngày rồi.

Bây giờ thì Khương nằm đó, uống morphine và thở oxy, miệng anh bắt đầu bị lở và đóng trắng cả lưỡi. Anh bắt đầu có những cơn mê man ảo giác.

Rồi một hôm cô Ngọc đi vào phòng và nói khẻ với Thụy:

-Cô Khương ơi, chú Châu mất rồi.

-Trời ! hồi nào vậy cô Ngọc?

- Dạ, gần một tuần rồi mà cô Hương mới điện cho con hay đó.

Rồi cô ra dấu Thụy đừng cho Khương biết. Thụy gật đầu.

Chỉ dì Mười cô Ngọc cũng ra dấu bằng cái lắc đầu.

Sau đó hai ngày thì dì Mười ngủ rồi không kêu dậy được nữa. Dì ra đi thật là nhẹ nhàng. Buổi sáng con gái dì phát hiện dì vẩn còn thở nhưng kêu không còn mở mắt ra được . Cô Ngọc chạy vô nói”em cho người nhà hay rồi kêu xe chuẩn bị chở dì Mười về, may ra còn về nhà kịp” Cô gái thút thít “như vậy là sao cô, mẹ của em…?”

Cô Ngọc nhỏ giọng:

-Dì sắp đi rồi, không dậy nửa đâu.

Cô gái cuống quýt gọi điện thoại cho gia đình hay. Ông Mười tất tả cùng người con trai chạy vào, vẻ mặt ông hốt hoảng và thiểu nảo. Ông già chạy đến bên vợ cầm tay bà lên lay gọi”bà ơi, bà Mười ơi,bà mở mắt ra đi chớ!”

Người con trai vội đi kêu xe để đưa dì Mười về nhà. Quê dì ở tận Bình Định.

Tất cả mọi việc đều xảy ra trước mắt Khương, anh nằm nhìn mà không nói gì. Thụy e ngại đến bên Khương . Hôm nay anh đã đi cầu lại bình thường và y tá cũng đã rút ống dẫn tiểu ra cho anh.Hàng ngày Khương vẫn bị sốt và bây giờ có vẻ như anh đã quen với những cơn sốt của mình. Ban đêm Khương để đồng hồ báo thức rồi tự thức dậy uống morphine một mình, anh có vẻ chịu đựng căn bệnh một cách an phận. Hai chân Khương rất yếu, anh bây giờ không thể đi lại được nửa,nhưng anh vẫn hi vọng hết sốt anh sẽ về nhà tập đi như người đàn ông phòng bên mà chiều nào anh cũng thấy đi ngang qua phòng.

Thấm thoát mà Khương nhập viện đã hơn một tháng rồi.Trong phòng số 1 đã có thêm hai người nữa vô nằm.Một người đàn bà lớn tuổi bị ung thư tử cung tái phát sau 5 năm.Một Việt Kiều bị u não,nghe nói sau khi về Viêt Nam cưới vợ chưa bao lâu thì phát hiện bệnh.Cô vợ đã bỏ rơi anh ta,và người chị ruột đưa anh vào đây chăm sóc.Anh nầy không nói được nưã mà cứ giận dữ đấm vào đầu mình hoặc đạp chân vô tường.Không ai hiểu anh ta nghĩ gì.

Khương vẫn nằm một chồ chịu đựng những cơn sốt và chìm trong ảo giác của morphine. Thụy hầu như cũng không còn tỉnh táo để chăm sóc Khương như trước nữa.Nàng thật sự bị căng thẳng mỗi ngày khi mà hầu như ngày nào nàng cũng chứng kiến những người hấp hối hoặc ra đi. Có khi mới thấy qua thăm chơi ở phòng Khương thì hai ngày sau người ấy đã chết. Có người nằm mê man rồi đi, có người thương tâm hơn, mới vưà ngồi lên múc cháo ăn nằm xuống một lát thì tắt thở.

Có lần Khương bị mệt lúc nửa đêm, Thụy chạy đi kêu cấp cứu thì nghe cô y tá trực cằn nhằn”cô ơi! chú đang sống những ngày cuối cùng rồi đó, có gì đâu mà cô cứ cuống lên vậy?cô kêu con còn có cách nào nữa đây?”Thụy thật sự không tin vào tai mình nữa, cũng không dám hỏi han gì cô y tá đó nữa. Nàng im lặng gánh chịu một sự sợ hãi mà nàng không dám nhìn vào sự thật. Nàng cũng không dám hỏi thẳng cô Ngọc hay cả vị bác sĩ điều trị. Nàng muốn mình cũng như Khương, đang bám vào cái hi vọng mà hằng ngày họ vẫn nhắc đi nhắc lại là hết sốt sẽ cho về, khi nào khỏe thì đi Singapore…

Thế rồi vào một buổi sáng cuối tháng 11,Khương kêu mệt,dù thở oxy nhưng anh vẫn khó thở,bác sĩ vào khám ,y tá vào đo huyết áp liên tục.Họ đều im lặng theo dõi mà không nói gì.

Thụy chạy qua phòng trực tìm cô Ngọc mà không gặp. Nàng toát mồ hôi và run sợ.Thụy cảm thấy đơn độc vô cùng. Thụy không dám đối diện với Khương mỗi ngày nên nàng thường lẩn tránh ra ngoài. Thụy biết Khương đang cần đến nàng trong những giờ phút nầy,chỉ có nàng mới an ủi và đem lại cho anh niềm hi vọng mà anh tìm thấy được trong nụ cười và ánh mắt của nàng. Bởi Khương quá biết rõ về Thụy, nàng là người không biết che dấu cảm xúc của mình.

Đứa con gái tìm Thụy, nó trách nàng sao không ở bên Khương,vì anh cứ ngó ra cửa phòng trông ngóng Thụy.

Thụy vội vào phòng,nàng cố gắng tươi cười với Khương, thấy vợ, anh dịu ánh mắt xuống, Thụy khẻ đặt tay lên trán chồng,nàng nói:

-Em đi tìm bác sĩ mà chờ hoài không thấy đâu cả.

-Nàng dịu dàng:

-Anh bớt sốt rồi nè!em pha sửa với ca cao anh uống một tí nghe?

Khương khẻ gật đầu. Thụy xót xa nhìn anh đang nhắm mắt có vẻ yên tâm khi lại được vợ chăm sóc.

Sài Gòn những ngày nầy thường có những cơn giông về chiều, ảnh hưởng bởi những cơn bão lớn ở miền Trung,những cơn mưa lê thê càng làm cho không khí ở bệnh viện càng thêm ảm đạm. Buổi tối Thụy cảm thấy mệt mỏi nên nàng trãi chiếu phía dưới giường của Khương nằm nghỉ .

Bỗng Thụy nghe có tiếng con gái nàng kêu làm nàng giật mình tỉnh giấc.”Mẹ ơi,mẹ ơi,ba mệt lắm!!”

Thụy ngồi bật dậy nhìn lên giường thì thấy Khương ra dấu muốn ngồi lên,mặt anh xanh tái đi và thở hổn hển. Thụy vội vàng đở anh ngồi dậy và nàng đưa vai cho anh tựa vào,nàng nghe Khương nói thều thào bên tai:” tôi mệt lắm, mẹ đi kêu cấp cứu đi, nói bác sĩ cho tôi thuốc trợ tim đi!”. Thụy kêu con gái đến ngồi với cha rồi nàng chạy qua phòng trực tìm bác sĩ.Lúc ấy đã gần sáng .

Khương được cho uống thuốc thì khỏe lại nhưng bác sĩ bảo quay giường lên cho anh ngồi tựa vào gối chứ không cho anh nằm .Thụy đến ngồi vòng tay ôm qua lưng Khương để anh được thoải mái.

Đến trưa thì bỗng cô Ngọc vô phòng nói phải dời hết 3 bệnh nhân qua các phòng kế bên để làm vệ sinh phòng.Thế là Khương được dời qua phòng số 5.

Mẹ con Thụy lại khệ nệ mang xách đồ đạc qua phòng số 5.Khương thì vẫn nằm trên giường và được y tá đẩy qua.Đám bệnh nhân vẫn nằm la liệt ngoài hành lang chật hẹp. Khương bị đưa qua phòng chỉ có quạt máy nên có vẻ khó chịu. Trong phòng nầy mới chiều hôm qua thôi,đã có một cô gái “ra đi”. Theo Thụy biết thì phòng số 5 thường dành cho những bệnh nặng nằm chờ đến phút cuối. Thụy nói cho Khương yên tâm”nằm ở đây đở một ngày thôi anh nhé, xong em nói cô Ngọc cho anh về chổ củ.”

Nhưng rồi Khương lại bị lên cơn mệt càng lúc càng nhiều hơn khiến cho Thụy đâm ra hoảng sợ. Anh không thở được nữa.Khương ngồi oằn lưng trên giường, mồ hôi đổ ra ướt cả mặt. Ba đứa con gái vây quanh bên cha lau mồ hôi, môi Khương run bần bật liên hồi, anh đang cố gắng để thở, hai tay Khương run rẩy nắm chặt lấy hai cổ chân của mình , anh đang cố hết sức để thở làm cho sợi dây truyền oxy cứ tụt ra khỏi mũi anh.

Bác sĩ không nói gì, còn y tá thì thỉnh thoảng lại đo huyết áp cho Khương.

Bỗng dưng Khương nhìn Thụy thều thào nói”về nhà, về nhà”. Mắt anh đã lạc thần, nhưng Khương vẫn còn tỉnh táo nhìn sâu vào mắt Thụy. Đó có nghĩa là Khương muốn về nhà ngay lúc ấy. Thụy bỗng thấy mình thật là bình tĩnh. Nàng cũng nhìn thẳng vào mắt Khương nói nhỏ:” anh có biết tình trạng của anh không mà đòi về?” Khương gật đầu,rồi anh bỗng chụp lấy cái khăn mặt trùm lên đầu che khuất cả đôi mắt của anh, Khương lại tiếp tục gồng mình lên cố thở, môi anh run bần bật như người bị lạnh đang đánh bò cạp. Thụy dặn các con coi chừng cha rồi nàng vội vàng đi cho cô Ngọc hay ý định muốn về nhà của Khương, cô Ngọc liền kêu Thụy qua phòng gặp bác sĩ để làm thủ tục xuất viện gấp vì lúc ấy bác sĩ đang chuẩn bị về vì đã gần hết giờ làm việc buổi chiều, rồi cô đi thuê dùm Thụy chiếc xe cấp cứu và chỉ định cho một y tá đi theo xe với một bình oxy to tướng.

Ông bác sĩ lấy toa ra ghi những phần thuốc mà Khương sẽ uống khi về nhà. Thụy sốt ruột ngồi chờ ông nhẩn nha suy nghĩ, vì Thụy còn phải đi đóng tiền nữa, mà mỗi lần đóng tiền thì rất là lâu. Ông bác sĩ vừa ký tên toa thuốc xong thì cô Ngọc cũng báo tin là đã thuê xe rồi và cô nói:”cô Thụy để ngày mai lãnh thuốc cũng được,giờ cô đi đóng tiền đi, con đưa chú ra xe đây”.

Thụy vội vàng chạy về phòng lấy cái túi xách của nàng,lúc nầy nàng thấy y tá đang hút đàm cho Khương dễ thở trước khi về nhà.Thụy chỉ kịp dặn dò các con theo xe cha về trước,nàng còn phải đi đóng tiền rồi về sau bằng xe Honda với người cháu.

Nhưng khi Thụy vừa đi ra tới chổ xe cấp cứu thì đã thấy y tá và mọi người đang đẩy cái giường của Khương ra tới, có rất đông người đang bu quanh giường vì tò mò. Thụy cũng đứng lại nhìn thì đột nhiên nàng thấy Khương đang được cô Ngọc hô hấp tim bằng hai tay. Cô nhận nhận mấy cái trên ngực Khương thì bỗng dưng anh mở mắt ra, rồi lưỡi Khương chợt le ra khỏi miệng,sau đó đầu anh nghoẹo qua một bên. Thụy la lên:’Trời ơi! Sao lấy oxy ra rồi?”, vừa lúc đó mấy người y tá đã vội vàng khiêng Khương qua cái băng ca rồi đầy thẳng vào xe. Thụy nghe tiếng các con kêu khóc “ba ơi!ba ơi! “rồi ba đứa con nhào lên xe, cánh cửa xe đóng sập lại rồi chiếc xe lao vút đi. Thụy bàng hoàng, tâm trí nàng chợt rối tung lên, đúng lúc ấy có tiếng cô Ngọc bên tai Thụy”cô Thụy ơi! đi theo con đóng tiền cho lẹ! “. Rồi Thụy để mặc cho cô Ngọc lôi đi nhanh ra phía cổng bệnh viện, trong tai nàng có tiếng u u mãi không thôi.

Trong lúc cô Ngọc giúp Thụy đóng tiền bên quầy(có cô thì đóng tiền nhanh hơn) thì tâm hồn nàng vẫn còn bay theo chuyến xe trên đó có Khương không biết đã ra sao rồi? Thụy như người lơ lững trên mây vậy.Nàng cảm thấy buồn nôn. Ruột nàng đau quặn thắt từng cơn.

Bỗng có tiếng điện thoại của ai đó reo vang, Thụy thấy cô Ngọc mở máy nghe, rồi cô nói nhỏ bên tai Thụy:”chú” đi “rồi cô Thụy ơi!...Thôi cô cố gắng lên, chú đi cũng êm, thà vậy chứ để vật vã hoài cũng tội.”

Cô Ngọc ôm vai Thụy vổ về:”Thôi cô ráng bình tĩnh để còn lo cho chú nghe cô Thụy” Thụy sực tỉnh, nàng nhớ đến còn bao nhiêu việc phải lo cho Khương, nàng chưa thể gục ngã lúc nầy được…

Thụy ngồi sau xe cho honda cho đứa cháu chở về. Trên đường đi nàng mở máy di động gọi cho tất cả những người bà con và bạn bè, rồi sau đó nàng và đứa cháu đi thẳng đến ngôi chùa mà nàng đã liên hệ trước để lo việc tang lễ cho Khương……

 
 

Âu Thị Phục An