Lần Về

 
 
 

Như vậy là chị đã trở về. Sau hơn những năm tháng thật dài chị đã ra đi. Chuyến trở về không định trước, giống hệt như sự ra đi năm nào. Vội vã. Dường như đời sống lúc nào cũng tràn ắp những huyền nhiệm cuốn hút chị lạ kỳ. Chị đam mê trong cuộc chơi do chính mình dàn dựng. Cái thú của diễn viên cũng chị mà khán giả cũng là …mình. Chị không lạ chị. Chị hiểu chị trong từng phút giây của cuộc đời mình đang dàn trải. Chị nồng nhiệt mà chân tình, chị thẳng băng đến không tính toán. Chị vẫn nghịch ngợm tung tăng giữa những vang động của một thời ngu ngơ áo trắng với bạn bè xưa cũ mà năm tháng trôi đi ngỡ rằng đã chìm khuất trong trời sương cổ tích.

Chị gần gụi yêu thương nhưng cũng đầy quyết liệt trong những sắp xếp lại vài trật tự trong gia đình đã xáo trộn từ lúc chị ra đi. Vai trò của chị, người chị cả đã như một người mẹ trẻ trong một gia đình lớn, vẫn là niềm tự hào yêu kính của các em. Chị vui vì những nút thắt không cần thiết được nhẹ nhàng trút tháo đi và chị khóc vì những tình thân vừa xích lại, nồng nàn. Ngày chị ra đi các em hãy còn đi học… mà khi chị về thì đứa nào cũng lăng xăng tay bế tay bồng. Những đứa em trai của chị trong cái xã hội biến đổi tận cùng của hôm nay sao già dặn quá, đứa nào cũng khá khiển với cơ ngơi trông vững chắc, nhà cửa khang trang và xe hơi đời mới. Đứa thì khoe với chị, em là phó phòng kinh doanh của Công ty “A” chuyên kinh doanh than đá và vật liệu xây dựng. Đứa khác là giám đốc Công ty Thương Mại - Dịch vụ & Xuất Nhập khẩu nên sang các nước lân bang như người ta đi chợ. Còn thằng Út khi xưa chị nuôi nó từ khi mẹ mất, thật khù khờ…vậy mà hôm nay…cũng theo chân nhau mà trở thành “đại gia” giữ khâu tiếp thị tìm khách hàng mới cho công ty kinh doanh bất động sản. Chúng nói chuyện trên phone…khen người dưới trướng nầy rất giỏi và chê “thằng đệ tử” kia chậm chạp quá nên lỡ một “mẻ cá mập” để “sực phàn” rổi !

Chị nghe vừa tức cười mà cũng vừa nghe đau nhói trong lòng khi chúng kể chị nghe sơ về cách chạy hàng trong đường giây gồm hai mặt "chìm" và “nổi” cùng chia nhau thu lợi. Không thể làm gì khác đâu chị, cái bánh xe em đang cầm lái nó sẽ quay ngược và nghiền nát em nếu em không “kinh doanh” theo đưòng lối của họ. Nó thản nhiên nói với chị như vậy, em mới là hiền nhất nhen chị, “cấp trên” bảo em như vậy. Và nó nói nghe thật chua chát Chị à,với cái xã hội hôm nay nếu em muốn vợ con sống lương thiện thì em phải làm ăn ...không lương thiện! Chỉ đơn giản vậy thôi. Hợp đồng chỉ được bàn thảo và ký kết trên bàn tiệc trong quán nhậu còn văn phòng chỉ là chỗ trình diễn để câu mồi mà thôi.

Các em chị năng động quá! Chị nghe mình khù khờ nghệch ngạc như kẻ quê từ hằng bao thuở xa xưa. Thị trường biến động cỡ nào chúng cũng biết để “kéo rào” phòng thủ nhưng có một điều chúng không hề biết, là sự yên ấm trong gia đình quá đỗi mong manh và không cần bận tâm cân nhắc. Kẻ làm ra tiền dường như có toàn quyền “sinh sát” trong tay và gây hấn bao điều bất ổn trong gia đình mà luôn nghĩ mình là người có lý. Bên ngoài, gia đình trông có vẻ ấm êm nhưng từng đợt sóng ngầm vẫn âm thầm kết tủa bên trong …Và mọi người vẫn thản nhiên sống như là vô cùng hạnh phúc! Chị có người em đi làm nơi tỉnh kế bên suốt một tuần không về chỉ nhắn tin nhà thôi, chị hỏi thì cô vợ nỉ non tâm sự, anh ấy nói ông giám đốc đang bị kiện vì những mặt hàng kinh doanh của công ty đã hầu như bán sạch mà báo cáo phần thu không thấy, nên anh ấy và đám đệ tử phải ngày lẫn đêm canh sát ông ta chỉ sợ ông ta chuồn êm là đám tùy tùng lãnh nợ trọc gói. Khi anh ấy về rồi chị sẽ thấy anh ấy cáu gắt để tung hê hết những rác rưởi phiền trược ấy lên đầu em cho mà xem.

Quả tình, khi có được giờ về thăm nhà thay vì tất tả thăm hỏi vợ con thì anh ta nhìn khắp nhà…để lùng sục tìm kiếm xem có việc gì sai trái và quát tháo ầm ĩ lên. Chị nhìn đứa em trai thấy nó sao mà tội nghiệp vô cùng, còn cô vợ thì lạnh băng chịu đựng. Đêm hôm ấy chị đã gợi chuyện với em, để đứa em có thể nhẹ vơi bao điều căng thẳng. Em chị khóc và chị cũng khóc. Hạnh phúc của ngày hôm nay trông bồng bềnh hư ảo làm sao vì dường như nó chỉ được xây dựng trên những con số vô hồn của bao vật chất vây quanh. Sự lo âu triền miên trong công việc quá đổi bất an đã khiến khuôn mặt của đời sống các em chị trông méo mó đến thảm thương.

*Các cô em gái biết chị ngày trước thường hay xem kịch tử “Sân Khấu Nhỏ” nên đã rủ chị cùng đi xem “Trò chơi nghiệt ngã” tại Sân khấu Idecaf . Vở kịch có nội dung sâu sắc làm chị nghẹn ngào càng thương cảm các em hơn. Mọi người hôm nay đều sống ẩn mình trong vỏ ốc cứng ngắc đến thảm thương và giao tiếp với nhau chỉ qua lớp phấn sáp giả hình. Để nghĩ rằng mình hạnh phúc và cần được tán duơng, họ đã sống bình an như người diễn kịch. Khi vỡ kịch hạ màn, để cần một đời sống khác cho chính thật họ…thì họ đâm lóng ngóng vụng về. Rốt cùng, họ hoài nghi, họ đau khổ và không thể hiểu được ngay cả chính mình.

* Chị bước ra đưòng phố. Sự đổi thay làm chị choáng váng đến nao lòng. Những con đường mang tên lạ hoắc và các cửa tiệm quảng cáo thì đủ màu sặc sỡ giống như cô gái quê tập tành son phấn. Chị nhìn ngang dọc …chỉ thấy phần nhiều là khách sạn và quán ăn, chữ nghĩa thì phô trương kỳ lạ … “Bia tươi. Niềm tự hào của người Việt”, “Bít tết Hỏa Diệm Sơn.” “Nhậu. Quên đời, sảng khoái.”... Rồi những bảng hiệu khác nghe khô khốc lạ đời, “Huy động tiết kiệm dự thưởng” hay “Hoàn mỹ theo tiêu chuẩn Mỹ”, “Công ty chuyên cài đặt phần mềm di động”, “Phụ gia chống thấm”…

Chị muốn đi bộ lại trên những đường phố ngày xưa, những ngỏ hẻm chật hay những con chợ nhỏ ngu ngơ trong xóm. Tất cả đã không còn. Bộ mặt của nẻo xưa xóm cũ, mới đó mà nay trông ngang ngược đến dữ dằn. Những căn nhà vênh váo chồm ra đường, những dãy hàng rào xấn ngược len xuôi không hề khoan nhượng với con đường nhỏ mà xe và người đã luôn phải né tránh nhau mệt mỏi. Cô em chở chị trên xe “gắn máy” khi cần việc ra đường (chị vẫn thích dùng lại những từ xưa, không muốn đổi, dù các em cứ ngó chị thương mến mỉm cười) đâu hay là phía sau lưng nó, chị đang …nhắm thít mắt lại không dám nhin ra luồng xe đang quay cuồng ngang dọc chung quanh. Họ phóng nhanh vượt ẩu, lấn áp nhau từng khoảng chút bất kể lối lề phải trái. Họ chạy xe thoải mái ngay trên lề đường chỉ dành cho người đi bộ. Họ chèn ép khách bộ hành giữa những giao lộ cần xẻ chia nhường bước. “Lô cốt” sửa đường thì an nhiên mọc thanh nhàn trên các lộ chính và chị luôn là người tới muộn trong những buổi hẹn hò. Chị tự nhiên nghe buồn, vì nhìn cách phố phường xuôi ngược người ta tất sẽ thấy được “nhân sinh quan” của những người trong đó, nhìn được cái xu hướng phát triển của một thành phố kinh tế lớn biểu trưng cho cả nước. Đời sống hiện ra như một trường giác đấu mà con người như kẻ chìm nghỉm trong dòng xoáy, chỉ còn biết nghĩ đến chính mình, bằng mọi cách phải vượt thoát lên để hít thở dòng sinh khí như đã hao mòn. Mất hút.

* Những ngày đầu chị nghe khó khăn trong từng hơi thở với cái nóng bức như từng đợt sóng trút xuống bủa vây chị. Luồng nóng cứ như từ trong chân tóc rỉ ra, lan tỏa nhớp nhúa trên khuôn mặt chị bơ phờ mệt mõi. Giọng chị bỗng khàn đi, tắt ngúm. Anh cứ mỗi tối lo lắng gọi phone sang thăm hỏi chị. Chị phải thì thầm áp sát mặt phone để kể lể anh nghe những chuyện lạ đời trên thành phố cũ. Thành phố mà ngày xưa chị và anh loanh quanh vào những chiều mưa nhẹ, cố tìm cái quán lấy cớ trú mưa để có thể lắng nghe hơi thở của nhau quấn quít mà mong từng giọt café rơi hoài trong tách. Về... những con đường chạy một chiều trong ban tối thênh thang với hương ngọc lan như toả ngát cả một góc trời dịu dẵng. Tất cả… như không còn gì của những vết tích cũ xưa. Thỉnh thoảng, buổi chiều mưa đổ ập. Đường xá phút chốc biến thành những con lạch nhỏ. Buồn thiu.

* Chị về thăm lại miền quê đất Trảng, nơi mà chị cùng mẹ dắt dìu nhau đùm bọc các em hồi cư trong những năm đầu đất nước đổi thay. Và Chị đứng chết trân. Lặng lẽ.

Nơi đầu con xóm, con đường đất hiền hoà mộc mạc đây mà. Chị không thể nhầm lẫn, cái Miễu Bà nằm quay mặt phía bên kia, cô độc. Những khóm trúc xanh hay cười ngặt ngoẻo trên cao khi gió quay về đùa nghịch, và chiếc khạp nhỏ luôn chứa đầy nước với cái gáo dừa gác ngang dành cho khách bộ hành dừng lại nghỉ chân bên đường uống vài ngụm nước mát lòng. Đó là nét đẹp hiếu khách của làng quê nhà chị …Bây giờ là những ngôi nhà tường trơ tráo đủ màu hồng tím với cái bảng treo cao không ngượng ngịu: “Phòng nghỉ. Kín đáo. Thoải mái.” và chung quanh sân nhà …rải rác những cái lều được che bằng lá dừa nước với lắc lẻo chiếc võng bên trong. Kín bưng, u tối.

Cô em giải thích, ngoài Huyện là hảng xưởng…Sau giờ làm việc họ vào đây …giải lao tâm sự vài giờ. Nơi đây xa Huyện, kín đáo dễ…hàn huyên! Bây giờ ai cũng thành những nhà kinh doanh đầy sáng tạo rồi chị ạ.

Chị ngẩn ngơ. Chị muốn đi bộ, thật chậm…Chị muốn nghe những mảng đất như thuở nảo đang rì rào trò chuyện. Đất quê chị, trắng khô không bện bùn nên rất sạch sau mỗi cơn mưa. Cây gõ kia kìa, lá vẫn xanh như đang vẫy tay chào chị trở lại quê xưa. Chị ứa nước mắt. Chị nghe thật rõ …mùi lá gõ nữa mà, nồng và chát. Gió vẫn luồn qua những bụi tre gai, kẽo kẹt. Mặt đất xông lên mùi cát khô và cây lá. Chị bỗng khóc, thật ngọt ngào. Chị nghe mình là kẻ lạ …mà quen. Chị quen …vì bàng bạc trong trái tim vẫn còn thổn thức mùi thơm của cây lá đất nhà. Chị là kẻ lạ vì những đổi thay nghe đau thấu trong lòng. Những ngôi nhà gạch với kiểu mẫu…dị thường đỏm dáng, mắt chị không tìm thấy ngôi nhà nào quen thuộc của ngày xưa cây gỗ hay lá tranh. Cô em giải thích, con gái xóm mình rủ nhau đi lấy chồng Đài Loan để xây nhà gạch cho mẹ cha nở mày nở mặt.

Chị về nghỉ nơi nhà người em gái kế, để tránh những cơn nóng bức và ồn ào. Em chị vẫn hiếu khách và nhân hậu như thuở xưa. Em chị không kinh doanh "Nhà Nghỉ" cũng không khuyên lơn con gái lấy chồng xa xứ lạ. Em chị được bên chồng phân chia tài sản vì mẹ chồng tuồi cao thuận lòng theo con gái, còn những người con trai như chim bay xa xây tổ rất khó sớm hôm kề cận mẹ gìà. Em chị, sống trong căn biệt thự sang trọng bậc nhất tại vùng quê với sân thượng, cửa kính và lưới chắn bít bùng, …đã hân hoan thì thầm với chị. “Nhà em có gắn máy điều hoà không khí, phòng tắm có cả máy nước nóng và lạnh, thiết kế đầy đủ như ở ngay tại trung tâm thành thành phố. Chị về đây sẽ êm ả và thoải mái hơn ở dưới thành. Chị mừng cho em chị đã có nhà cao cửa rộng và con cái thành danh. Nhưng đêm hôm trong cơn mưa chị khóc một mình. Chị nhìn trên di ảnh, mẹ chị như mĩm cười hạnh phúc. Nơi chín suối bà đã an lòng. Còn chị về lại chốn xưa mà hồn như biền biệt nơi nao.

Hồi chiều, Chị hỏi em, cái giếng nước ngày xưa nằm ở đâu rồi? Dường như em nhìn chị hơi cau mày…À... khi xây nhà mới em đã lấp giếng lại rồi…chỗ nó nằm kế gốc bưởi kia kìa. Mà sao chị không hỏi em cây ổi cây mai hay gốc xoài cây mít… đã được trồng làm sao? Hừm! ..,chị biết, đất hương hỏa ông bà mình là đất tre đất trúc, rễ nó ăn luồn hư đất ráo trơn, mà em trồng cả vườn cây như vậy thì chị phải biết…

Chị cầm tay em, xiết chặt…để cố giữ cho mình nước mắt không rơi.

- Em à, chị…chị già rồi nên hơi ngớ ngẩn vậy thôi.,..

Chị thì thầm trong dạ, em ơi làm sao em hiểu được chị. Cái giếng năm xưa…tảng sáng nào chị và má cũng thay nhau thức sớm và dùng cây sào bằng tầm vông để xách lên những gàu nước đầu ngày trong vắt đổ vảo lu cho các em dùng suốt cả ngày. Cái bờ rào bằng tre mạnh tông bên hông nhà…là ranh giới hờ giữa mình và lối xóm…thỉnh thoảng mẹ vẫn rẽ sang để gởi biếu nhau thức ăn lấy thảo…Khi thì tô mắm cà tím nấu với thịt ba rọi ăn với rau hẹ vớt trên bờ ao, lúc lại nghe bên kia ới bưng qua một mẻ cá rô kho tộ mà thằng Đực vừa tát đìa hồi ban sớm.…Nay đã ngăn che cẩn thận bằng những bờ tường trổ kẽm gai đan kín. Một tấc đất cũng được phân chia cẩn thận. Không ai buồn qua lại với ai. Hồi khuya. Chị trăn trở. Mưa mát trời nên ai cũng ngủ thật say chỉ riêng mình chị nằm quấn chăn khóc mướt. Chị ngủ trên nệm mà sao chị cứ thấy như mình nằm trên chiếc giường tre của ba chị đóng. Ông là họa sĩ nên chữ viết rất đẹp mà còn lại thêm khéo tay. Chị mơ hồ nghe như mẹ chị đứng bên cạnh giường kéo cái chăn chị trùm đầu xuống ngực. Phải rồi, mẹ chị vẫn thường đêm hôm trở giấc đi từng chỗ các con nằm để nghe ngóng thăm nom. Hình ảnh tràn ngập yêu thương của mẹ mà chị không thể tìm thấy bóng dáng nơi đâu vì căn nhà cũ đã dỡ đi và như chiếc đủa thần đã thay vào một vườn cây trái bao quanh ngôi biệt thự khang trang rực rỡ.

Bỗng dưng chị thèm mình được đi chân trần trên nền đất mát. Nền đất nhám mà năm xưa khi mới về cất nhà, ba chị đã đào lấy đất sâu làm nền nhà và quết bùn lên mặt…giống hệt như tráng ciment. Chị xoạt chân xuống giường…sao mà nghe lạnh ngắt. Và nền gạch hoa trơn mượt khiến chị rút vội chân lên, chị mất thăng bằng rơi choàng trên nền gạch với cái chăn hãy còn quấn gọn trong mình. Phòng bên, vợ chồng cô em nghe động chạy sang, ríu rít. Chị cười nhỏ nhẹ, - Không sao! …Chị …lăn.. nên té.

Thấy chị cười tỉnh khô cô em cũng bật cười với chị:

- Hồi sáng thì chị cho mình già nên ngớ ngẩn, còn ban đêm ngủ thì lại…lăn xuống giường như còn thơ trẻ…

* Bây giờ thì chị đã về chốn ở. Trong tâm trí chị sao vẫn chưa bặt tiếng gió khua rào qua đọt mạnh tông ngăn hờ đôi bên chòm xóm…Hình dáng mẹ chị lúc thúc bên chiếc trạn bằng tre coi lại thức ăn hồi chiều xem đã cất hết vào chưa. Tiếng dép khua lẹp xẹp của mẹ chị trên nền đất ấm, nửa khuya đi canh chừng giấc ngủ cho con. Chỗ ngồi của ba chị với chiếc rựa vót tre vang lên ngọt xớt…khi làm cần câu cho đứa em trai nhử mồi được cá…Chị nghe sao lòng mình trống không. Buồn bã.

Có lẽ. Điều mà chị cảm nghe ấm áp nhất…trong những ngày lưu bước ở quê nhà…là những lần phone mà anh gọi vào đêm, hỏi han về chị. Về những bạn bè thân thích mà chị đã lui tới viếng thăm. Chị nghe được cả tiếng thở dài thật nhẹ của anh khi chị kể chuyện làng xưa, đã đổi. Lúc đó, chị nhớ. Giọng chị chợt nghẹn ngào. Trầm thiết.

 
 

Biện Thị Thanh Liêm