Như Là Chuyện Kể

 
 
 

Mẹ và Con gái.
Có lẽ những đứa con gái đầu lòng khi được sinh ra, như một sắp sẵn ngẫu nhiên nào đó, cũng có thể trở thành là cô bạn nhỏ thân thiết nhất để chia xẻ phần nào những khổ đau hay vui sướng nơi mẹ. Những khi rỗi rảnh, thấy tôi có vẻ buồn bã hay kể tôi nghe về thuở ban đầu của ba và mẹ quen nhau.
Dạo ấy mẹ tôi là y tá thuộc bệnh viện của Quân đội Cao Đài còn ba tôi thì làm nơi Ban Kiến trúc cùng phục vụ trong Toà Thánh Tây Ninh (lúc ấy lực lượng Cao Đài rất hùng mạnh và có quyền tự trị riêng khi chính quyền miền Nam chưa kết thu được về một mối). Ngay buổi đầu của tình cờ gặp gỡ, ba tôi đã cảm mến ngay cô y tá rất nhiệt tình và chân thật nầy nhưng không biết cách nào để có thể trò chuyện cùng nhau. Ba liền nghĩ ra cách …là dùng cây tăm tre xỉa răng đâm vào nướu răng cho chảy máu…để xin vào khám bệnh. Mẹ tôi rất ngay tình bảo cùng ba, răng của anh có thể tự chữa được chỉ về ngậm nước muối là hết ngay, anh nên để dành chỗ cho các anh trong quân đội cần hơn. Ba tôi mắc cở và bèn nghĩ cách khác để làm quen: ông canh giờ mẹ tôi đi làm về, lấy xe đạp chạy ngang qua lối mẹ đang đi…và như rất tình cờ làm rơi quyển sách … Mẹ tôi nhặt lên và gọi ba để trao lại. Chỉ vậy thôi mà cũng tương tư cả tháng. Chỉ vậy thôi mà cũng gắn bó trọn đời.
Khi trở về vùng kỷ niệm xa xưa, khuôn mặt mẹ như cười, ánh lên nét hồn nhiên son trẻ. Mắt mẹ long lanh, rạng rỡ. Tôi nói với mẹ, người xưa yêu nhau sao bình an và thơ mộng quá. Đôi khi họ không cần làm thơ để bài tỏ nỗi lòng, họ cũng không cần phổ nhạc để “thần tượng hoá “ người yêu, vậy mà vẫn đằm ấm keo sơn dù trải qua bao thác ghềnh dâu biển. Còn tuổi trẻ hôm nay sao họ yêu nhau thốc tháo để rồi họ cũng vội vã chia tay, như tự nhiên không lưu luyến không ngại ngùng. Tôi cười với mẹ, con thì như cây cổ thụ già nua trước tuổi chỉ thích có học hành và công tác với các Hội đoàn, đôi khi ngồi nghe tụi bạn kể chuyện tình yêu hân hoan như nguời lính kể lại những chiến công hiển hách…con nghe mà thấy nao lòng. Đời sống bất an chung quanh như tấm lưới đã phủ chụp xuống những áng mây buồn bã trên khoảng trời đáng lẽ phải tràn đầy thơ mộng, đã khiến bọn trẻ đôi lúc phải tính toan biển lận với ngay cả chính mình nữa má ạ.
Và, má biểu con kể chuyện mình đi cho má nghe với, vì má biết con đang buồn khi cho tới giờ nầy con cũng không biết tin tức gì của anh. Con vẫn cố làm như vui đó chứ…nhưng má sinh con ra nên má hiểu con mà.. Má để con nhớ lại coi má hả…
Nhớ hồi nẫm…khi ra tranh cử Ban Đại diện Sinh Viên Văn khboa, các liên danh ứng cử được nhà trường chia gìờ để sinh hoạt với “cử tri” của mình nơi Phòng Sinh viên vụ, và một người bạn hỏi ảnh vậy chớ mi có quen cái cô bé đứng tên thụ ủy Liên danh” Văn Miếu” với danh hiệu là “Truyền thống” ấy không, cô ta học chung lớp Luận lý-Siêu hình với mi đó. Ảnh trả lời không hề biết mà cũng chẳng hề quen, vậy là hai người cùng đi lên phòng Sinh hoạt…để xem thử coi con nhỏ “mô’ mà “ghê gớm” vậy. Ngộ nghĩnh làm sao, trong quyển nhựt ký con nhớ mình đã viết như vầy…
“Hắn theo anh Kỳ lên gặp mình giữa lúc mình đang loay hoay với mấy cái boards cho kịp ngày cổ động…Trong khi mình và anh Kỳ cao nói chuyện thì hắn chỉ im lặng nhìn mình mỉm cười…. Rồi có nói gì đâu.? Mà đâu có gì để nói?...giữa hai kẻ không hề biết về nhau! Vậy mà, thoáng chốc như đã quen đã biết tự thuở nào. Ôi, cái nhìn…sự im lặng và nụ cười…Tiếng nói của định mệnh đã vang lên từ sự thinh lặng của buổi đầu gặp gỡ…. “
Con nhớ như in cái ngày mà Ban Đại Diện trường tổ chức cho sinh viên đi du ngoạn tại đảo Phú Quốc trên chiến hạm 501. Tức cười ghê đi má ạ, ngày đầu tiên ai cũng nao nức nhìn cảnh trời nước bao la với sóng biển chập chùng như reo khúc hoan ca như mời gọi những bước chân tuổi trẻ cất bước viễn du…Nhưng sang ngày thứ hai thì lần lượt …nhất là các nữ sinh viên, trong đó có con đều bi chóng mặt ngật ngừ vì say sóng, và theo sự phân bố của viên thuyền trưởng là đuợc vào nằm nghỉ riêng nơi cabine. Con không nhớ bao lâu nữa… người cứ như bị dìm sâu trong cơn sốt nặng. Thì bỗng đâu con nghe có tiếng ở ngoài cabine gọi dội vào: “Nhỏ ơi nhỏ! dậy đi, đến giờ ăn rồi”. Con choàng dậy nhìn chung quanh..thì không còn ai. Mọi người đã lên hết trên boong tàu chỉ còn con một mình thui thủi. Một thoáng, bất giác cái cảm thức của người bị bỏ rơi quên lãng bỗng làm con tủi thân muốn khóc….Thì hắn đó, đứng nghiêng nơi cửa, ý tứ, mặt hướng ra ngoài trong khi vẫn gọi thẳng vào con:” Giờ ăn, không thấy nhỏ nên đi gọi đó.” Chắc không ăn nổi đâu, mệt lắm”. Con nhỏ nhẻ đáp lời. Và hắn:”Chỉ có mì…và mì gói thôi, vậy chớ nhỏ muốn ăn gỉ?” Má à, lúc ấy con bỗng nhiên nhớ đến má, mỗi lần con bệnh là bắt nằm trùm mền và má cạo gió cho con rồi má nấu cháo trắng, đập một cái hột gà, bỏ hành lá và tiêu vào thật nhiều cho con ăn giải nhiệt vậy là hết liền, nên con trả lời:”muốn ăn …cháo trắng!” Hắn chợt cười: hỡi trời!, đang ở trên biển…cháo hoa ở đâu mà có cho nhỏ hở?...
Và dường như, bữa đó, trời cũng trong và nắng cũng chợt ấm hơn mọi ngày má ạ.
Nhớ lúc vui miệng má hay nói cùng lũ con gái, bọn con làm sao để đừng”rước” ông Bắc kỳ vào nhà à nghen. Khổ thiệt má à, khi thương nhau rồi mới biết là Bắc kỳ …thì đã muộn màng rồi má ơi. Còn khi chưa thương thì ai mà tìm hiểu mần chi cho mắc công má hả. Má biết con vụng về chuyện bếp núc nên má sợ con mình không làm vừa lòng người ta, má nói người Bắc thường thì họ sống theo nghi thức lắm, mà má biết con thiệt tình nên lo khó bề đẹp dạ người ta, hơn nữa con trai Bắc lại khéo ăn khéo nói sẽ dễ “có mèo” rồi cửa nhà lục lục đục chỉ sợ khổ cho con gái nhà mình thôi. Má nói vậy nên con mần thinh đâu có dám mời ảnh tới nhà dù đôi lần bảy lược, ảnh cũng định ghé nhà nói là để tới thăm ba má.
Rồi một hôm ảnh cũng bạo gan tới nhà mình, thấy con ngồi nói chuyện hoài mà không có “trà nước” gì hết, má mới pha trà từ bình thủy và gọi con vào rầy rà, bất cứ ai đến nhà đều là khách, sao con không có nước nôi gì mời mọc vậy con. Vài lần ảnh đến như vậy con mới nói thiệt với má đó là anh …bạn Bắc kỳ mà con …lỡ thương rồi. Má thở dài buồn thiu, con nhớ lúc đó ba mới lên tiếng:” Ba để ý thấy qua cách nói chuyện với con, tính tình”nó” coi điền đạm, mặt mày sáng sủa có quí nét của một người trung tín nhân hậu, có thủy có chung..,
Má biết là ba có nghiên cứu về khoa tướng số mà, con thở phào nhẹ nhõm trong lòng khi ba nói thêm với má, bà đã thâm tín nhân quả mà còn lo sợ nỗi gì …
Con kể má nghe nữa há, có một lần đi uống “ café lá me Nguyễn Du” con cố dằn mắc cở để hỏi ảnh vậy chớ Mợ của anh…khó hay dễ..? Ảnh thản nhiên nói, không khó mà… cũng không dễ!
Trời đất! má nghĩ coi, ảnh trả lởi kiểu trớt huớt như vậy ai mà hiểu hén má. Đợi hôm khác, thuận tiện con lại hỏi“thử” nữa. Vậy chớ anh là trưởng nam và lại là… trưởng tộc nữa, mà tui thì hổng biết nấu nướng gì ráo trơn thì mần sao mà làm dâu nhà anh được? Ảnh tỉnh bơ hỏi con, vậy chớ nhỏ … nấu được nồi cơm không ? Con trả lời thiệt bụng mình, nấu cơm thì dễ ợt, tui còn biết dần lửa than cho già để có cơm cháy ăn với mỡ hành phi nữa kìa. Ảnh cười, như vậy là đủ rồi!
Có bận thấy ảnh vui con mới dám hỏi, tui nghe anh kể là ông nội anh có…bà nội hai, rồi ba anh cũng có…mợ hai, tui nghe má tui nói dí tui là giọt nước từ trên rơi xuống, giọt sau giống giọt trước. Vậy chớ anh liệu có …giống như ông nôi và cậu của anh không? Ành cười ha hả, Phan mỗ tôi đã từng là nạn nhân rồi thì còn lòng dạ nào để biến nhỏ thành nạn nhân nữa chứ. Yên chí đi nhỏ ơi!
Lần khác con lại thấy mình lòng dạ không yên. Anh à! nghe anh kể khi xưa cậu là Đại úy đi trận xa anh ở nhà với ông, mới bốn tuồi ông đã dạy học chữ Hán, và bắt cháu đích tôn phải biết hầu trà hay đứng hầu cờ khi các cụ bày trận ra quân, đến khi các cụ không cần nữa thì anh mới được phép đi chơi. Mười tuổi đã làu thông kinh điển. Như vậy anh chắc …là khó tính lắm phải không? Ành cười xoà, đời sống đã khó, mình còn làm khổ nhau thêm để làm gì nữa hở nhỏ ơi.!...
Và một ngày kia, con nhận được bài Thơ ảnh viết gởi tặng con như vầy:


Đời có Em như bến đợi
Sóng vỗ thênh thang bãi đời tôi hiu quạnh thuyền lênh đênh cùng gió chướng mùa sang, cơn mưa Ngâu tháng bảy muộn phiền thắm ướt tâm hồn những se sắt tình cờ thổi lạnh tháng ngày phiêu lưu vô định, tháng ngày tới cho bóng đêm hò hẹn có em như bến đỗ êm đềm tĩnh lặng.
Dầu hải đảo có buồn tênh như quán vắng tôi cũng chẳng ưu phiền vì may mắn có em, quanh tôi là biển rộng trời cao là núi lớn cây rừng và mắt em cười nuôi lớn một trời mơ thì còn mong chi tứ mã áo khinh cừu trói thân xác trong chiếc giàm danh lợi.
Dẫu sóng biển có nhiều khi thịnh nộ hay gió buồn se buốt đôi vai nhưng có em ngồi ru sóng nguôi ngoai, có em ngồi sưởi lòng tôi ấm áp, em vì tôi là bãi đời ẩn trú, tôi vì em là thuyền mộng phiêu du, tháng ngày qua sẽ êm tĩnh đâu ngờ , em ở đó hiền hòa như bến đợi.

Những tình cờ hạnh ngộ.
Đó là lần đầu tiên tôi trở về phố thị sau những năm tháng dài đã giã biệt ra đi. Bước chân tôi thẫn thờ lóng ngóng khi đứng giữa những con đường mang tên lạ hoắc và trước những khẩu hiệu rỗng tuếch vô hồn. Tôi đi Chợ Lớn bổ hàng cho mẹ vui khi mẹ thấy tôi ngày lại ngày qua cứ rung rúc trong mớ sách ngổn ngang buồn bã. Thật lòng…tôi không muốn quay lại dù chỉ như người khách tình cờ…về một nơi chốn mà mình đã có quá nhiều kỷ niệm yêu thương lẫn nỗi đau cùng tận của những tháng ngày tan tác chia ly…
Khi chiếc xe đò miền đông dừng lại nơi ngã tư Bảy Hiền để đón thêm khách về vùng Tây Ninh đất đỏ…tôi ơ hờ nhìn xuống bên lề đường...nơi lao xao có những khuôn mặt thật trẻ đang nói cười hồn nhiên.
Bỗng. Tôi bàng hoàng.Một khuôn mặt, đôi mắt và nụ cười…cái dáng dấp của cô bé đứng riêng lẻ trong góc phố ấy…Làm sao tôi có thể nhầm lẫn được… dù tôi chưa hề lần nào giáp mặt hay chuyện trò.
Tôi đưa tay ngoắc cô bé và nghe tiếng gọi của mình như loáng thoáng nghẹn ngào...Em ơi em! ..
Cô bé hơi bỡ ngỡ …nhưng cũng bước đến hông xe nơi chỗ tôi ngồi. Em ơi, em có phải là Nguyệt Viên…em của…
Cô bé thoắt la lớn, Trời ơi, chị là chị… phải không? Tôi đứng vụt dậy, lao nhanh xuống xe như thể sợ cô sẽ biến thành đám mây bay mất. Hai chị em ôm chầm nhau. Và khóc.
Con bé đang cùng nhóm bạn đón xe đò để đi “dân công” thủy lợi ở Củ Chi. Còn tôi thì về Trảng Bàng khi đã mua hàng xong cho mẹ. Vậy là hai chị em lại đón xe lam đi ngược lại quãng đường đã qua để trở về nhà anh …
Chị có biết là em đã tìm hỏi chị khắp nơi không. Đến nhà cũ…hỏi thăm mãi mới có người biết là gia đình chị hồi hương rồi nhưng không rõ nơi đâu. Bạn bè anh …dăm ba người cũng phụ em tìm chị. Thư nào anh cũng hỏi thăm em về chị…Mợ vẫn đi làm ở Viện dưỡng lão như trước, một tuần mới về nhà một lần còn thằng út thì vượt biên tới Đức rồi. Chị vào đây, chị ngồi trên cái ghế nầy đi…ngày xưa anh cũng ngồi nơi đây học bài…à! chị hở, cũng có thể anh viết thư cho chị cũng chính nơi chỗ ngồi nầy đấy…Thình thoảng anh có kể em nghe về chị…Em pha nước chanh đường chị dùng nhé vì anh nói mỗi lần đi café Hân chị hay kêu soda chanh rhum. Ồ! còn cái sập gỗ gụ màu nâu thẫm đàng kia…là nơi mà anh hay nằm đọc sách và đánh cờ …bằng miệng với thằng út nằm ngủ trưa nơi chiếc ghế dài bên góc nhà đó chị, hai anh em”lên xe xuống ngựa” vang ầm ĩ cả nhà. Đó là cổ vật kỹ niệm của gia đình từ thời xưa lắm …chỉ có ông là người duy nhất được nằm nơi chiếc sập gụ ấy trên chiếc gối đan bằng mây mật cật qua tứ thời bát tiết với cái điếu ống khảm xa cừ bịt bạc. Đó là nơi mà ông cũng dùng để đàm đạo với khách thâm tình cố cựu bằng những ván tổ tôm, ván chắn thâu đêm suốt sáng.
Lúc không có khách thì đây là lớp học nhà quê, ông là thầy đồ ngồi chính giữa, cháu nội cháu ngoại ngồi vòng quanh, đứa học chữ Nho, đứa học quốc ngữ, đứa làm toán đứa tập làm văn, tiếng học bài vang vang sang cả những nhà hang xóm dù ở khá cách xa nhau.
Sau ngày ông mất anh mới được nằm ngủ trên ấy đấy chị ạ. Từ ngày anh đi tù đến giờ vị trí đồ đạc trong nhà mợ vẫn để nguyên vậy đó chị. À! Cái kệ sách anh tự đóng đấy, trên cao là những sách của ông mà ông trân quí như của gia bảo…tất cả đều bằng chữ Hán..từ những sách của Khổng, Lão, Trang...từ Đạo đến Nho…nào Phong thủy, Bát trạch, thuốc nam thuốc bắc, Dịch lý và cả kinh Phật, kinh Thánh, kinh sấm Cao đài, Hoà hảo…cả sách Tướng số và tử vi…Dưới là sách của anh, những ông Triết gia lẫy lừng kim cổ hay là những câu chuyện của các vị thiền sư ẩn mình đạo hạnh.
Em đưa chị lên trên gác nhé…trên ấy là nơi thờ tự chính của dòng họ…Chị thấy không, bức hoành phi, mấy đôi liễn màu nhiễu đỏ lâu ngày đã bạc màu theo năm tháng là di vật thiêng liêng mà ông mang theo vào Nam được truyền lại qua bao nhiêu đời. Trên bệ thờ là những di ảnh được xếp theo thứ bậc trong dòng họ, nam tả nữ hữu.., À,.. đó là bộ trà ẩm của ông dùng lúc sinh thời…và cái quyển tập dầy cuốn góc vàng ỉn nằm kế bát nhang bằng sứ trắng ấy hả chị? Đó là cuốn Gia phả của dòng họ đấy được ghi bằng chữ Hán.. à, để em nhớ lại xem đã …theo chỗ ông dạy là họ ta làm quan triều Minh bên Tàu, con cháu đều theo Nho giáo làm nền, sau gặp thời binh biến loạn lạc phải xuôi về phương Nam lánh nạn.
Đây nầy…cái bếp hơi cao chị nhỉ, vậy mà mới 12 tuổi sau khi cậu mất mợ phải đi làm cả ngày anh đã đứng trên cái ghế để nhóm bếp nấu cơm đấy chị ạ. Khi nhão lúc khô là chuyện thường …khi về mợ làm cơm chữa lại ….
Còn mợ hả chị, vẫn hầu ông một dạ… lúc hơn 30 tuổi khi cậu đã hy sinh trong một trận phục kích lớn ở Củ Chi. Ông rất khó, dù ở nhà quần áo vẫn phải ” là” ông mới mặc, cơm không nóng ông không dùng, thức ăn lạ vị ông không ăn. Trà thì phải là Thiết Quan Âm, hay Chính Thái và nước phải thật sôi ông mới chịu. Nước pha trà phải là nước mưa được giữ lại trong mấy chum lớn sau nhà và nấu bằng lửa than để không làm nhạt mùi trà. Bếp than được giữ cả ngày vì khách của ông tấp nập từ sáng đến khuya. À, hồi nảy chị thấy bộ ấm chén nhỏ đặt trên bàn thờ chỗ hình ông rồi phải không. Đó là ấm MạnhThần đứng hàng thứ ba trong các loại ấm. Bộ chén ”một tống bốn quân” và chiếc ấm đã theo ông cả mấy chục năm, ngay cả trong lúc túng quẫn ông cũng nhất định không bán dù có nhiều người nài nỉ. Khi có khách đến, hầu trà là việc của anh để anh có dịp học nghe từ những mẩu chuyện đông tây kim cổ và cũng nhân thể ông giới thiệu cậu cháu đích tôn yêu quí của ông ấy mà …Còn em hở? con gái không được ra vào khi khách đến nhà nên em trốn sau màn cửa phía nhà trong nhìn lén ra ngoài nên cũng biết được chút ít về cách thức uống trà rât cầu kỳ của ông… Trà bỏ vào trong ấm xong phải rửa bằng nước sôi cho sạch bụi. Các chén cũng thế, phải tráng qua một lượt. Mực trà đến đâu thì châm nước đến đấy. Xong phải chế một ít nước sôi vào chiếc đĩa cao để giữ cho trà không mau nguội. Đợi một chút, ta sẽ “chuyên” trà tức là rót từ trong ấm ra chén “tống”, có nghĩa là đưa, để có chút bã nào sẽ lắng xuống đáy. Từ chén tống mới chuyên sang chén “quân” nhỏ như hạt mít.
Chủ và khách mời nhau điếu thuốc lào, xong hãm khói thuốc bằng chén trà thơm màu nước trong xanh như ngọc. Khói thuốc và khói trà quyện vào nhau, vị chát của trà, vị nồng của thuốc làm người thưởng thức lâng lâng, thế là chuyện này nối tiếp chuyện kia, các cụ cứ ngồi suốt cả buổi đàm đạo với nhau: nào là chuyện ngày xưa các cụ còn đi làm ở Huyện, hay chuyện làng mạc tổng lý; hay chuyện tử vi tướng mệnh, địa lý thiên văn hay bàn bạc thời thế Mỹ Nga Anh Pháp Tàu Nhật, chẳng khi nào các cụ hết chuyện.
Sau nầy, dù cảnh nhà sa sút sau ngày cậu mất nhưng vẫn phải giữ nếp giỗ chạp linh đình đãi đằng hậu hĩnh để…hầu ông và hầu cả những bạn cố tri ông lưu lại để đánh cờ, đánh chắn, tổ tôm hay để luận bàn thế cuộc, ngâm vịnh thơ văn…
Nhà lúc xưa có khách đông người hay bây giờ lặng lẽ mình em cũng vậy…cái trật tự cố hữu vẫn là sự yên vắng chị ạ.…

Tôi như choáng ngợp trong mớ ngổn ngang những hình ảnh xuôi ngược, đuôi đầu...của bao kỷ niệm xa lạ và cái hiện tại lặng lẽ phủ đầy những năm tháng mòn mỏi chất chồng. Những thế hệ đã trôi qua bên những phần đời hiu hắt trong căn nhà nầy như một sự đọ sức vô hình nhưng quyết liệt với định mệnh cô độc của chính mình. Cánh cửa. Cái án treo lơ lửng, ranh giới ngăn chia mơ hồ mà chặt chẽ …mớ quá khứ dàn kín và trùm lấp bên trong với cái hiện tại như khoảng trời bao la trước mặt không thể chối từ…Con người phải chọn lựa giữa ôm giữ hay buông bỏ hoặc làm một cuộc đào thoát …để khơi lại từ đầu!
Phải chăng tự cái không gian ấy, khung cảnh ấy đã nhào nặn ra những con người như vậy để chảy trôi theo một dòng cuốn không tránh khỏi về một nơi vẫn chưa thể mường tượng hết được một cách rõ ràng?...

 
 

Biện Thị Thanh Liêm