Prabha Và Tôi

 
 
 

1. Bà Lecticia, Director của Trường dẫn Prabha đến lớp Pre-School “H2” của chúng tôi giới thiệu, đây là cô giáo mới sẽ giúp lớp thêm khởi sắc khi Bà Mercedes nghỉ day, về nghỉ hưu. Thoạt nhìn không thể đoán được Prabha là Ấn, Mexicana hay Philipino. Khuôn mặt Á đông rất trẻ, dịu dàng và gợi cảm. Dường như nó mang đến người đối diện một cái nhìn đằm thắm dễ chịu hơn giữa những dáng đi quá cứng cỏi, tự tin của những mái tóc vàng óng cao lêu nghêu khác, trong trường .

Tôi và Prabha mau chóng thân nhau chỉ sau vài tuần làm việc. Đối với tôi, Prabha là một cô bé rất có lòng với đời sống, nàng thông minh và nhậy cảm. Nơi nàng tôi đã bắt gặp được một tôi trong những ngày xưa cũ. Cái tuổi trẻ trong sáng vốn nặng lòng với những điều bất hạnh xảy ra trên xứ sở của mình. để từ đó mang thật nhiều những ước mơ làm đẹp cuộc đời . Nhưng dường như cuộc đời ít khi sòng phẳng với những kẻ có lòng, Prabha cũng như tôi đã ngậm ngùi nhìn lý tưởng của mình như chiếc lá của một thân cây trốc gốc trơ cành bay đi tan tác. Khi thế hệ của tôi, của Prabha như vô tình bị đẩy vào một thế tương tranh nghiệt ngã giữa Thiện và Ác, trong đó sự bạo hành vây khốn con người cùng khắp như không còn chỗ để nương thân ẩn mặt. Những ngày đầu, khi ban trưa rỗi việc, trong giờ naptime của các cháu, Prabha đã khóc với tôi như một cô em nhỏ. Ms. Liem biết không, em rời xa Hetauda, thành phố kỹ nghệ thứ ba của xứ sở Népal dấu yêu, nơi mà mọi con đường đều có hai hàng cây xanh tươi mát và thành phố lúc nào cũng như rì rào suốt đêm ngày trò chuyện. Một nơi chốn mà em đã sinh ra và lớn lên trong những ngày thơ ấu, dường như quê hương nào cũng là một thiên đường trong trí tưởng của mình phải không? Hetauda của em với những bức tượng khắc trên phiến đá ba mặt khổng lồ duy nhất của Népal khuôn mặt của 12 vị Thánh tuẫn quốc trong Memorial Park mà phải đến năm 2046 mới hoàn thành. Đó là những con người lớn lao đã hy sinh cho sự an lành của dân tộc Népal chống lại thực dân Anh và chế độ độc tài khắc nghiệt của Vương quyền. Ms. Liem à, một thành phố như hài hòa giữa trời đất và con người, thiên nhiên đã dung nạp con người vì con người không chống đối thiên nhiên. Và thiên nhiên đã trú ngụ trong thành phố của em, nơi không một ai được dùng bất kỳ loại plastic bags nào để tránh gây nhọc nhằn cho lòng đất trong việc bảo vệ môi sinh, một nơi yên lắng thanh bình mà lẽ ra phải lắm ồn ào của một thành phố kỹ nghệ và thương mại.

Prabha vậy đó. Nàng nói miên man về những nơi chốn an bình như không hề biết mệt. Mặt Prabha tươi sáng hẳn lên, nụ cười ngây thơ như đứa trẻ, nàng giống như dòng sông đã rời bến xa nguồn chơt trong phút giây bắt tìm về cội rễ.

Prabha hỏi tôi về một quê hương đã mất. Tôi chỉ cười buồn. Nếu Népal của em là nối tiếp của miền lưu hạ sông Ganges đã như biển nước thanh tẩy bao điều tội lỗi; những núi đồi trùng điệp mà đỉnh Everest như một đích điểm vươn tới cho tầm nhìn loại. Nơi mà mạch sống vẫn như ngọn lửa ngầm lưu chảy tự bao đời với những điều huyền bí trên đỉnh cao quanh năm sương mù giăng kín, nơi các vị cao tăng đã hóa thạch ngàn năm trong tư thế kiết già tọa thủ hay chốn hang động ẩn cư của các vị lão bối trăm tuổi hằng lưu? Thì đất nước của tôi chỉ có những dãy núi trẻ trung, những con sông nhỏ hiền hòa nhu thuận với cánh đồng bát ngát tình người. Prabha à ! Khi em chưa góp mặt trên trần gian nầy thì xứ sở tôi đã hằn sâu trong thù hận. Thôi thì cũng không nên tưởng nghĩ đến hận thù cho tâm hồn còn chút khoảng trống để yêu thương, em nhé !

2. Rainbow Montessori là một trường tư tương đối khá lớn, thành lập tới nay đã hai mươi năm, nhận các cháu từ 6 tuần lễ tuổi trở lên tới lớp 6. Các cháu bé trong hạn tuổi Toddler và Pre-school được dạy theo phương pháp của bà Montessori, sáng lập viên người Ý lâu xưa mà hiện nay hầu hết các Childcare Development Center trên các nước áp dụng, Cách dạy vừa học vừa chơi nhằm hướng dẫn các cháu bé nương theo sự phát triển những tính năng ban sơ của con trẻ khi bắt đầu tiếp xúc với thế giới chung quanh bằng những đồ chơi, vật dụng mà chúng trực tiếp xúc chạm và cảm nhận được từ âm thanh, hương vị, màu sắc…. Trường có playground thoáng mát, hồ bơi lớn , sân chơi thể thao, phòng tập võ, Yoga, Âm nhạc, Thư Viện và Hội Trường lớn để các cháu nghe nhạc, xem Drama club hay trình diển những shows về dancing trong mùa Giáng Sinh vui vẻ. Nằm giữa những khu vực của nhiều hãng xưởng và cơ sở thương mại lâu đời của Sunnyvale phồn thịnh nên trường mặc nhiên thu hút được số lượng phụ huynh học sinh khá đông trong khi tình hình kinh tế của Thung lũng Hoa vàng phải nói là đang dừng lại và có chiều hướng đi xuống một cách đáng lo ngại.

Vì là trường tư nên không có thông lệ nghỉ hè. Như để bù đắp, ban giám hiệu đã rất năng động trong việc liên tục tổ chức những “Summer Fun” cho các cháu vui chơi. Nào là có lớp tập bơi trong hồ hay đùa vui, nghịch nước trong giờ water playing mát mẻ nơi sân chơi. Schedule của trường cũng tràn ngập những giờ tập trung parade ở mỗi sáng thứ sáu cuối tuần: Hawaiian-day, là ngày cả các cháu …lẫn cô giáo bọn tôi phải mặc Hawaiian-style clothes với những garlands sắc màu tươi trẻ hay hoa trái kết đầy người. Các lớp nối đuôi nhau diễn hành qua khán đài đặt trước văn phòng, có nhạc trổi những bản Kahola! Hola. thơ mộng để chào các em đang nhún nhẩy ( tất nhiên có cả cô giáo bọn tôi ) theo điệu nhạc Hawaiian_ Aloha sinh động. Ngày Europe- day, thì cho các cháu đội mũ white dutch và vận white apron bằng giấy. Mexican-day thì đội flesta hat trắng rông vành với khẩu hiệu Amigo thân thiện. African-day, một góc trời nhỏ như biến thành nơi hoang dã, cô giáo lẫn học trò mặc áo da beo hay T- shirt in hình thú dữ. Ngày Australian – Antartica Parade có lẽ là ngày mà các cháu thích nhất vì các cháu như biến thành Kangaroo hay loài chim penguins cánh cụt khi được hóa trang bằng giấy vẽ hình! Nhưng với Prabha và Tôi, có lẽ khó quên nhất là ngày Asian-day!

Các cô giáo trong sự sáng tạo tùy thích mà cho lớp mình phụ trách mang phong cách đặc trưng nào đó. Hình ảnh hay màu sắc dễ gây ấn tượng cho phụ huynh tham dự, nhưng phải tạo sự thoải mái và hứng thú cho các cháu khi diễu hành nhiều lần vòng quanh sân để các phụ huynh quay phim và ban giám hiệu chấm điểm bình chọn. Các lớp có cô giáo Chinese hay chọn hình con rồng để dẫn đầu đoàn parade hay cô giáo Nhật cứ thích các em mặc đồ như kiếm sĩ phù tang khi đi ngang khán đài cứ vung gươm múa kiếm plastic như sẵn sàng giao đấu! Lớp tôi phụ trách lại phần đông là Ấn-độ! Phụ huynh sẽ cho con họ mặc quần áo truyền thống…và cô giáo sẽ viết tên những nước Á châu trên giấy cho các cháu đeo trước ngực !

Vì Bà Carolina già là Head Teacher, bản chất là một người tốt nhưng vì bà là người có đời sống cô độc nên tính tình bà trở nên khô khốc. Giống như loài cây thích đứng hoài trong mùa hạ (và chừng như không chịu sang mùa thay gió) nên rất ít khi thỏa hiệp với đồng nghiệp điều gì. Lớp có 3 cô giáo trông nom 35 trẻ, bà tự nhận: “I am the oldest woman in the whole world” để cho mình là cây cổ thụ có thể che mát tất cả những người chung quanh và giữ trật tự cho mọi sự được ở mức cân bằng! Prabha bén nhậy và thông minh, nàng biết tôi muốn màu cờ Viet nam được tung bay trong ngày Asian của các em nhỏ, và Cây cổ thụ của lớp chắc là khó lòng hợp tác và ngày giờ lại quá cận kề , bận bịu. Vậy là Prabha tất tả chạy lên nhà tôi , chăm chút phụ dán từng lá cờ tươi thắm, lùng sục nhà người quen biết xin cho được những ngọn trúc kiểng làm ‘cán cờ’ khiến các bụi trúc phải trơ cành trụi lá !

Hôm diễn hành, hai đứa tôi chuẩn bị cho các cháu ‘ra quân’. Bất ngờ cờ Việt Nam tung ra cho gần hết các em phất phới trong tay. Prabha áo truyền thống với cái bảng Nepal trước ngực và Tôi cũng áo dài, đội mũ vành rây màu vàng dân tộc, lá cờ trong tay với tấm bảng chữ Asian màu đỏ (dưới cờ.) Chữ VietNam cũng rực rở trên ngực áo như Nepal hiền dịu của Prabha! Khi đi qua khán đài. Một thoáng, tôi thấy Prabha xoay người trong vũ điệu xưa cổ Nepal với hai tay chắp trước ngực cúi chào mọi người với câu Namaste! tôn kính. Rồi nàng ra dấu nhắc nhỏ các em vẫy cờ VietNam và cùng hô lớn VietNam ! VietNam ! để tôi rảnh tay phất cao cờ của xứ sở mình với chiếc nón lá dân gian chào mừng khán gĩa . Tôi ưá nước mắt khi nghe người xướng ngôn viên nhiều lần nhắc lớn 2 chữ Viet Nam và tiếng vỗ tay của phụ huynh không ngớt đã cho tôi hiểu đoàn parade của lớp tôi đã thắng giải nhất hôm nay.

Bà Carolina đã mau chóng quên đi chiếc miệng há hốc của mình khi nhìn Prabha và Tôi bình thản phát cờ cho lũ nhỏ khi ‘dàn trận’, bà chạy lại ôm Prabha và Tôi cười tít mắt :“Tao cũng nghĩ lớp mình sẽ đoạt giải vì bọn nhỏ đi trong lane đẹp quá.!” Prabha hét lên như thể muốn lấn áp tiếng nhạc từ cái máy của khán đài. Không chỉ thế, Ms. Carolina à,. nhờ đoàn quân Á Châu và cờ vàng ba sọc đỏ của Ms. Liem nữa chứ ! Và cả ba chúng tôi cùng cười.

3. Sau những giờ ăn trưa. Lặng lẽ. Prabha và tôi hay mở cánh cổng khép hờ cái ranh giới ngăn chia lấp lửng giữa Pre-school và Elementary để ngồi dưới những tàng cây râm mát. Tôi nói với Prabha về một cuộc chiến tranh kỳ lạ của đất nước mình. Một cuộc chiến mà kẻ tất thắng không được quyền chiến thắng. Và sự thắng bại đã được quyết định từ những thế lực bên ngoài. Về một nơi chốn mà tuổi trẻ tôi đã lớn lên. Không có một ngày an bình để có thể lắng nghe nhịp thở của quê hương ngọt ngào thinh lặng. Và SaiGon. Thành phố của tuổi trẻ và ước mơ. Những ướn mơ hong thắm cuộc đời bằng chính lý tưởng và niềm tin. Cuộc chiến trước mặt và cái quá khứ lịch sử phía sau. Cái bóng rạng ngời của dĩ vãng như sự thách đố những đau thương phía trước. Và tuổi trẻ đã nhập cuộc lên đường. SaiGon. Thủ đô son trẻ của đất nước mình như dấu ấn lich sử chưa phai.

Đột nhiên như cơn địa chấn. Đã vùi lấp. Đã đổi thay mọi thứ. Lòng người hoang mang rời rã. Cũng cùng một nơi chốn, mà con người bỗng nghe như lạ. Cuộc sống như chẻ đôi. Cùng khốn. Người ta sống, tức tưởi với cái quá khứ như hoài niệm không thôi về một thiên đường đã vỡ toang mất hút . Đồng lúc, cũng không thể chối từ một đời sống mới, như nỗi cay đắng tận cùng mà con người phải luôn luôn né tránh để tồn sinh.

Rồi một đời sống khác. Cũng lại bắt đầu. Con người như loại cây được dưỡng nuôi trong phòng kín. Gió nước quê hương như giấc mơ của người lữ khách xa nhà. Lòng tuy có chút ủi an nhưng trong sâu thẳm vẫn không nguôi cơn đau của người đứt lìa cội rễ. Mà với tháng năm dài đằng đẵng, vết thương như còn thắm máu chưa lành. Sự mất mát đã làm thương tổn trái tim và trí não con người với một ký ức khó thể lãng quên. Con người đôi khi nghe như lạ lẫm với cả chính mình. Bởi sự sống đã trở thành là mớ ký ức hỗn mang, tan tác. Người ta chơi vơi giữa hiện tại an bình và một quá khứ tuy xa xưa nhưng rỡ ràng trước mặt. Đời sống như chia phân không rõ nét. Nơi đây dù có muôn màu tươi thắm vẫn không phải là một cuộc sống đích thực của chính tâm thức mình mong ước.

Lần nào cũng vậy. Prabha cũng buồn theo câu chuyện kể không vui. Tôi không thích nói về những điều cay đắng, chiến tranh bao giờ cũng đổ nhào vào đời sống những hệ lụy tang thương. Dù bây giờ không còn nỗi âu lo bom đạn hay những ngày dài ủ ê nơi rừng xanh mất hút ngày về. Và sự chấn thương về mặt tâm lý vẫn còn đậm sâu trong trí não nhiều người . Nhưng Prabha cứ nài nỉ. Nàng nghe, nhiều lần về những câu chuyện như những thước phim kết nối vô chừng nhưng sinh động.. Về một đất nước nhỏ bé, hiền hòa nhưng suốt chiều dài lịch sử là suốt quãng đường tranh đấu không mệt mỏi. Bây giờ đã như cánh chim xa cành lìa tổ. Như thân cây đã bị chặt lìa. Nửa chừng đứt gẫy. Héo hon.

4. Bây giờ là mùa Thu. Nắng đã bớt hung hãn trên thành phố mình đang ở. Mùa hạ đã qua với những cơn nóng kinh hồn. Nắng như gom cả bầu trời trút lửa xuống San José . Người ta như tối tăm vì nắng đốt. Họ cãi cọ nhau vì nhữngchuyện không đâu. Để rồi sau đó bâng khuâng, họ tìm cách cảm thông hòa hoãn . Em thấy không, Prabha? Đời sống không thể như dòng sông cứ phân chia muôn nẻo. Mà phải có lúc hội tụ để tìm về. Vì bản thể của sự sống muôn thuở vẫn là niềm hợp nhất, cảm thông. Cái hiện tại dù bất ý hay vừa lòng thì cũng là những hình thành từ quá khứ đau thương hay rực rỡ. Và dường như con người đã được nuôi lớn bởi những điều đau thương hơn là hạnh phúc.

Mùa Thu. Những lộc non nay cũng đã cỗi cằn theo năm tháng. Cũng như ta. Niềm vui hay nỗi buồn rồi cũng theo tháng ngày rơi rụng giã từ. Trong nỗi trăn trở của đất trời, hơi ấm của vô hạnh phúc.Như Prabha. Như tôi. Khi nói về quê hương. Bỗng như dòng sông khơi nguồn, tuôn chảy. Nhẹ nhàng và bất tận.

Prabha đắm chìm về một Nepal như trong truyện cổ tích thần kỳ. Nơi mà dãy Himalaya với 8 đỉnh núi cao nhất thế giới và hàng ngàn ngọn núi khác như đoàn quân phủ phục trước thiên nhan. Đã từng là nỗi đam mê lạ lùng của những người thích quay lưng về phía mặt trời chói chang với nền văn minh tột cùng của nhân loại nhưng mất hút niềm tin trong tâm linh sâu thẳm. Họ quay về nơi nguồn sáng uyên nguyên, như sóng muôn đời rồi cũng phải quay lui về nước với đại dương thăm thẳm. Và nỗi sợ hãi trong một thế giới lao lung bất định khiến con người không ngừng thao thức hay kiếm tìm. Một điều gì đó, bên ngoài cuộc sống. Như một huyền nhiệm. Sự bình an vĩnh cửu. Khi mà từng phút giây người ta cơ hồ nghe thế giới như vỡ tan ra vì chiến tranh và bạo động.

Népal, xứ sở của mãnh đất thần tiênvới khu bảo tồn thú hoang đẹp nhất trên thế giới với công viên Hoàng gia Chitwan , nơi cư ngụ của 500 loài chim đủ loại và hang trăm loại thú kể cả loài hổ vương giả Bengal hiếm quí. Nepal, vương quốc của thần quyền, đẹp an bình trong những ngày lễ hội dân gian. Người ta hóa trang thành vị Phật Quan Âm là một người nam dũng mãnh với trên giữa trán, là hình quỷ vương. Hay ngược lại. Như điều thiện và ác vẫn tồn tại, vận hành trong mỗi con người. Khi hành thiện với lòng lân mẫn con người cũng cần đến trí tuệ của người nam mãnh liệt, và khi rơi vào những điều tối tăm cùng cực con người cũng còn nẻo sáng để tìm về.

Prabha có niềm tự hào sáng chói về xứ sở Népal của mình. Là nơi mà hơn 2.600 năm trước, Hoa viên Lumbini (Lâm Tì Ni) nay là Rummindei thuộc lãnh thổ của Nepal, Đức Thế Tôn đã ra đời. Và dưới cây pipal ở Bodhgaya sau khi đã đạt tới trạng thái minh triết toàn diện , Ngài đã thành Phật và tìm ra chân lý để giáo hóa chúng sanh. Bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế : khổ , tập , diệt, đạo cũng được Ngài thuyết giảng tại đây: Samath Deer Park ( vườn Lộc Uyển ) ở Benares cho hàng đệ tử đầu tiên là 5 anh em Àjnàtà-Kàudinya ( Kiều Trần Như ).Vua Asoka ( A Dục ) của Ấn-độ đã viếng thăm Lumbini vào khoãng 250 năm trước Tây lịch . Nhà vua đã cho xây một trụ đá tại đây (nay vẫn còn) để kỷ niệm chuyền đi hành hương chiêm bái Thánh tích của ngài. Lumbini, Samath, là 2 trong 4 Phật tích quan trọng nhất của Phật giáo ngoài Buddha Gaya (Phật Đà ca da) và Kusinara (Câu thi na).

5. Mỗi người, khi lắng nghe nhau. Như giòng sông với bao điều trăn trở. Mỗi khúc như một nỗi đoạn trường, chập chùng giữa trí nhớ và lãng quên.. Như Prabha, như Tôi đã có cả một dĩ vãng như giòng sông truân chuyên trôi nổi. Trong đó thân phận của mỗi một con người đã gắn bó khít khao với những điều lớn lao từ đất nước mình. Cũng như với cả thế giới bao la trước mặt. Như một sợi giây xích, liên tục. Không đứt đoạn.

Đất nước Prabha cũng rơi trong cuộc khủng hoảng tối tăm nghiệt ngã giữa hai thế lực tương tranh, kình chống lẫn nhau. Tiếng pháo lệnh đã bắt đầu bùng nổ lay chuyển cả thị trấn Beni, và quân kháng chiến theo chủ nghĩa Maoist mô phỏng theo quân cách mạng Trung quốc nhưng không được Trung cộng công nhận, đã tràn xuống thị trấn ven sông biến cánh đồng trước mặt ngập chìm trong đạn pháo. Họ từ những căn cứ trên đồi cao hay rừng sâu, như những bóng ma hiện về từ đời sống, đã xé nát sự an tĩnh của đồng bằng, của những tâm hồn đơn sơ lặng lẽ. Nơi mà sự an lành cũng chỉ là bề mặt của những điều đã lắng sâu câm nín, như khá thân quen từ nỗi đã mệt nhoài trước bạo lực của chủ nghĩa vương quyền đã theo nhau thống trị trên đất nước Nepal thống khổ từ 200 năm nay.

Prabha tạm gĩa từ trường lớp để tháp tùng cùng nhân viên Hồng Thập Tự mang cuốc xẻng và khẩu trang , xuyên qua những khu rừng thông, dọc theo sông Kali đi thu lượm những xác chết và chôn họ ngay nơi mà họ đã nằm xuống. Nỗi ám ảnh kinh hoàng về những tử thi thối rửa không còn nguyên vẹn hình hài do quân nổi loạn Maoist thích chặt tay chân hay đập đầu quân chính phủ rồi bỏ nạn nhân cho tới chết, đã nung nấu trong lòng Prabha những ngày mới 1ớn với giấc mơ thở thành người trong ngành Y để có dịp góp tay xoa dịu những vết thương của đồng bào mình . Mỗi lúc Népal như càng xáo trộn, rã rời vì quá nhiều đảng phái cũng như những phiến quân nổi lên ở khắp mọi nơi. Những thế lực và chiến tranh đã xé xát Nepal nhỏ bé của nàng ra trăm mãnh rách bươm và người ta cũng như giòng sông tuôn ra trăm ngã phân ly. Họ tìm cách để sang Trung hoa, Ấn độ hay Anh quốc.

Rồi Prabha cũng từ giã Hetauda . Nàng lên Kathmandu, thủ đô của Nepal để hoàn tất xong chương trình cao học về quản trị kinh doanh theo ý muốn và sự sắp đặt của cha mẹ. Chính nơi đây nàng đã gặp và yêu Shalik và hai người đã thành hôn nhau.

6. Cuộc đời thoảng khi như giấc mơ . Bí ẩn, tuyệt vời. Prabha và chồng đã theo lời mách bảo của người bạn, nộp đơn vào chương trình Diversify Visa Lottery của Mỹ xin được lánh cư sang Hoa Kỳ vì hàng năm Chính phủ Mỹ cấp 50,000 Permanent Resident Visas cho những người từ các nước có số di dân vào Hoa Kỳ ít nhất. Đôi khi định mệnh cũng dang tay từ ái với con người một cách hết sức bất ngờ . Đơn của nàng và Shalik được chọn mà không phải tốn một lệ phí nào cả. Vậy là nàng đến Mỹ và sanh đứa con đầu lòng là bé gái Supriya ở bệnh viện Stanford.

….Rồi Prabha cũng từ giã tôi, từ giã ngôi trường đằm thắm nầy để kết nối lại nguyện ước của mình khi cuộc sống đã lần hồi ổn định. Nàng ghi danh để thi vào nghành Y với sự khích lệ của chồng nàng và có lẫn cả tôi vì cái thế giới bao la và cách cửa đang mở ra. Trước mặt. Như sự gọi mời tha thiết của ước mơ đầu đời dang dở. Tôi hiểu Prabha cũng như tôi hiểu tôi, trong cùng thẳm của trái tim chưa hề khánh kiệt, nỗi hướng vọng về một quê hương sẽ đổi thay với bao điều tốt đẹp . Cũng sẽ phải đến. Vì trên trái đất mình đang sống vẫn có nhiều hoa trái bất ngờ và biết bao trái tim đang thở cùng một nhịp như nhau. Ấm nồng và mãnh liệt.

 
 

Biện Thị Thanh Liêm