Ước Mơ và Hiện Thực

 
 
 

Tôi không có chị để kể chị nghe về những ngọn nắng chờn vờn trên đọt cây soan màu lá đỏ trước cổng sân trường Trưng Vương dạo nọ. Hay những chiếc lá sậm màu đất khô ngơ ngác, thường hay trút đầu rơi xao xác trong những chiều lặng lẽ. Nghe cô đôc, buồn tênh.

Tôi cũng không có anh để chuyện trò về những bức thư tỏ tình của những người bạn trai quen nhau trong Đoàn Công Tác Sinh Viên thuở ấy. Những bức thư như cơn gió lạ vào đầu mùa mưa. Tội nghiệp, ngập ngừng không thể kéo mây cho mưa nặng hạt nên bầu trời chừng như vẫn quang đãng tinh mơ. Nhưng tôi có ba như một người bạn già, thân thiết.

Ba tôi. Một công chức với nhiều năm tận tụy nhưng tính tình ông không đằm thắm như nghề. Mẹ tôi. Người đàn bà lắng sâu và chịu đựng. Bà hay kể cho lũ con nghe về những câu chuyện của làng nước xa xưa trong họ mạc. Về những mối tình trái ngang, oan khiết hay lãng mạn thần kỳ, để cuối cùng mẹ tôi qui về lý “Nhân - Quả” làm nền: không điều gì lọt ra ngoài lằn ranh của nhân quả, chỉ có điều là mình nhận biết hay sống được với điều đó hay không mà thôi.

* Trong nhà tôi là đứa con gái đầu. Đa cảm và khá nhậy bén, nhưng lắm lúc cũng cứng cỏi và năng động như một đứa con trai. Dường như tôi cũng nhận ra những điều đối nghịch khá lý thú nơi mình, và vì thế mà tôi được ba và mẹ cưng chiều nhất chăng? Tôi không bao giờ làm trái ý mẹ vì trân quý mẹ là người đàn bà mẫu mực và đạo đức. Tôi lại được tiếng là gần gụi với ba vì có những điều tôi thông cảm với ba hơn mẹ. Chuyện gì tôi cũng thích kể mẹ nghe như thể bên đời có con, như một cô bạn nhỏ, một đứa con gái đầy cá tính, mạnh mẽ và tự tin. Ba tôi là một họa sĩ…”không chuyên” thích sống đời lang bạt …kỳ hồ. Tính tình rất phóng khoáng và luôn nể trọng bạn bè. Ngoài “mối tình lớn” với mẹ, ba tôi có rất nhiều “mối tình con” với người khác, mà tôi biết. Ba tôi thường lãnh bảng hiệu hay biểu ngữ hoặc tranh truyện về nhà làm thêm sau giờ làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi cả nhà đã lắng sâu trong giấc ngủ, và khi bài học tôi đã xong, đó là những thời khắc mà ba và tôi như hai người bạn song hành. Những câu chuyện trong Cổ học tinh hoa, những mẫu luận bàn về Trang Khổng cho đến cách xử trí của người xưa …ba lấy đó để dạy tôi qua những câu chuyện đậm đà tình nghĩa. Tiền kiếm được ngoài số lương khiêm tốn, phần lớn ba tôi đều dành cho Tủ sách gia đình với những loại sách Học Làm Người để tặng các con. Những bài học trong ngày đầu khôn lớn của tôi là hạnh phúc của con người không cốt ở sự thành công, cứ sống hết lòng đầy thương yêu và tin cẩn vào công việc mình đang làm…đó là niềm hạnh phúc của một đời người.

*Tôi cũng thường hay nói với ba về nỗi buồn của mẹ, của những người đàn bà thao thức trong đêm như thấy bóng dáng chồng mình phiêu lưu đâu đó. Tôi cũng thường hay nói với mẹ về những khốn khó của ba, không lường trước được những bước dốc gập ghềnh. Nhưng đó là hơi ấm có thật sau cơn giông. Là những hạt mưa rơi xuống cho mặt đất biết mình còn nồng nàn nghĩa nặng. Mưa. Đôi lúc không làm đất ủ ê, mà mưa đã vỗ về cho hạt đất nẩy mầm tươi tắn…

Những ngày đủ lớn, tôi cũng chợt nhận ra rằng : dường như người đàn bà khi bước vào ngưỡng cửa gia đình là lúc họ hạnh phúc để lãng quên mình, lãng quên đời sống bên ngoài để sống một đời sống khác. Một đời sống rất thực từ những điều mà họ ươm mơ. Nhưng với người đàn ông, khi đời sống lắng yên thì cũng chính là lúc họ thấy mình như bị khuất lấp, bỏ quên. Lòng ngưỡng vọng mình đột nhiên trổi dậy và họ thấy mình còn đam luyến để “phiêu lưu” dù sau đó chỉ còn lại trong cõi lòng đau đáu nỗi quạnh hiu. Ba tôi cũng vậy. Sự hối hận tràn bờ đã khiến ông mệt nhoài trong công việc như muốn phần nào níu kéo lại những ngày tháng cũ khi lần lượt gia sản trong nhà từ giã ra đi mà ông biện minh là do làm ăn thua lỗ. Chỉ có tôi. Từng ấy tuổi đã phải biết cách chôn sâu nỗi buồn của cha lẫn niềm đau của mẹ…

*Tôi nói với ba về ước mơ của mẹ, của những người đàn bà muốn có những đứa con ngoan. Bỉnh an không bất trắc. Khi tôi mơ hồ cảm nghe trong nỗi vui của mẹ khi nhỉn đàn con khôn lón, có nỗi ưu tư nhọc nhằn một đời mẹ ấp yêu gìn giữ. Mẹ cứ lo thốc tháo về một cơn giông nào đó, sẽ bất chợt kéo về miền đồng bằng yên tĩnh. Và con mẹ sẽ rũ lìa như loài cỏ non vụng dại vì những hệ lụy “nhân quả” từ ba..

Tôi cũng nói với mẹ về ba , về những “cuộc rong chơi” của những người đàn ông được cho là lịch lãm. Giống như chuyến tàu chỉ có một bến dừng nhưng thích đậu ở nhiều ga. Mà đàn bà. Những người rất dễ mềm lòng tha thứ nhưng lại …khó có thể để quên. Khi vết thương, thỉnh thoảng cứ tấy máu không lành… Và thảm kịch mới có cớ để xảy ra cho hạnh phúc lại hiếm hoi như giọt sương trong những ngày chói nắng…

*Tôi cũng nói với ba về ước mơ của tôi. Cô phóng viên xông xáo trong một trận mạc khó trực diện với kẻ thù. Vì ngoài một chiến trận ngày đêm không ngừng nghỉ dưới hỏa lực của đôi bên, người phóng viên còn có một “chiến trận” khác. Xã hội nào cũng đầy dẫy những bất công, nhũng lạm nhưng vẫn không thiếu những tấm lòng nhân ái bao dung. Đó như sự tương khắc trong qui luật tồn sinh, và người làm báo phải can đảm coi mình như một chiến sĩ băng mình trong muôn thứ hiểm nguy từ đời sống vốn đã không thỏa hiệp với bình an. Ngòi bút đôi khi cũng phải biến thành nòng súng để khơi lửa công bằng và gây tạo niềm tin.

Tôi cũng không thích mình sống như một nhà văn. Vì nhà văn, là những ngưòi hay nhìn ngắm cuộc đời trong những hư cấu của bất ngờ và đổ vỡ (với tôi lúc ấy). Mặc dù tôi rất trân quí nhà văn, vì dù sao họ cũng là những người sống với cuộc đời hết lòng ở những phút giây khổ đau hay hoan lạc. Những nhà báo chân chính, người làm phóng sự thật lòng. Họ như những mũi tên xung kích, lật tung cái xã hội dấu lấp những điều tối tăm rác rưởi bất công. Tuổi trẻ không thỏa hiệp bất công ngang trái dù biết rằng đời sống vốn dĩ cũng hình thành rất nhiều từ nhiều những điều cay đắng trái ngang . Thật tình, tôi chỉ ước ao, qua ống kính hay chính bằng ngòi bút của chân thực của mình: nghe được bước chân của thời đại mình đang sống. Họ (lớp tuổi trẻ bị cuốn trong cơn lốc chiến tranh) cũng như tôi, đang dọ dẫm suốt chiều dài đấu tranh của một lịch sử hiên ngang mà chiến tranh đã phủ hết cả những tháng năm khôn lớn. ..

Từ những ngày xa xưa ấy tôi cũng đã đủ khôn ngoan để hiểu được lòng mình rất thiết tha với những gì gọi là lý tưởng. Và cũng cùng lúc ngậm ngùi khi chợt nhận ra rằng những điều mình mơ ước sẽ khó lòng thỏa hiệp với cuộc đời vốn thường đối đầu với bao điều nghịch lý. Ánh sáng và bóng tối đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc mà con người phải cần sự rực sáng thật dũng mãnh của yêu thương để vượt thoát những hào quang thường tình của nhân thế. Ánh sáng đó không phải là chiếc vóng ngũ sắc mà cuộc đời tung hô ban tặng mà là thứ ánh sáng thuần khiết từ nội tâm khi luôn nhìn ngắm mình qua những truân chuyên trôi nỗi để tự khám phá chính mình. Hiểu biết chân xác những việc mình đang làm cũng như sự an bình có được tù công việc mình đã làm. Vì đôi lúc sự thành công không hẳn đem lại cho mình những điều hạnh phúc khi giá trị sự sống không do những đối đãi thường tình.

Đó là những ngày tháng đầu đời tôi biết mình đang thao thức với những ước mơ. Khi hiện thực như ánh nắng chói chang làm ngẫn ngơ cô nữ sinh đang lần chân bước xuống tam cấp cuộc đời sau những tháng năm gĩa từ áo trắng tiểu thư của khung trời hoa mộng

Ôi ! Đó là những ngày khi ta còn trẻ. Tuổi trẻ và những ước mơ. Tuổi trẻ nào cũng có ước mơ, những ước mơ làm đẹp cuộc đời . Tuổi trẻ không ước mơ như giòng sông cạn nước, như cây khô trụi lá khẳng khiu. Và ước mơ giúp tâm hổn chắp cánh để có thể lắng nghe được những âm sắc của cuộc đời vẫn thênh thang cùng khắp, và trên hết mọi điều: ước mơ giúp niểm tin vẫn sáng lên trong đêm hôm cùng thẳm. Đó là chất liệu của yêu thương nâng con người đứng lên, đi tới. Dù phía trước, khốn khó vẫn tửng bước đợi chờ….

 
 

Biện Thị Thanh Liêm