Cần Giuộc, Cần Duộc

 
 
 

Tôi thức dậy lúc năm giờ sáng mỗi ngày, và đến trường lúc bẩy giờ rưỡi để kịp giờ học vào những tháng đầu của lớp Đệ Thất trung học vì khoảng cách từ nhà tôi đến trường không dưới 30 cây số.

Nhà tôi ở Sài-gòn, cách chợ An-Đông khoảng 2 cây số, ở đấy có bến xe bus đi về bến xe đò Cầu Chữ Y. Những chuyến xe đò này sẽ chở đám học trò Sài-gòn Chợ Lớn cùng những người buôn bán xuống tận Cần-Giuộc, tỉnh Long-An.

Năm trước đó tôi bị rớt trong cuộc thi tuyển vào lớp Đệ Thất ở một trường công lập tại Sài-Gòn, và để chắc chắn là tôi sẽ thi đậu năm sau, cha tôi đã cho tôi thi tận tỉnh lỵ xa-xôi ấy vào lúc tôi mười một tuổi với hy vọng là tôi có nhiều cơ-hội được trúng tuyển hơn. Tôi được chọn vào trường “công lập” năm sau đó, như ý-nguyện của cha tôi. Và cũng từ đó, cuộc sống của chú bé 11 tuổi ngã về một hướng mới, đầy thú vị từ những kinh-nghiệm mắt thấy tai nghe trong những ngày tháng đi đi về về trên những chặng đường liên tỉnh lộ này. Sau này tôi mới biết rằng những hình ảnh bên ngoài trường học ấy đã in sâu vào tôi hơn cả những chữ nghĩa tôi học đươc của thày cô trong ngôi trường tình lỵ này.

Tôi và người anh ruột học cùng lớp với tôi rời khỏi nhà khi trời vẫn còn tối sau khi được cha mẹ dặn dò đủ điều, để đi bộ đến chợ An-đông. Con đường sao mà quá dài. Tay cầm cặp,bước đi mà lòng hoang mang lo lắng. Nghĩ đến những đoạn đường còn phải đi trước khi đến được trường, tôi chỉ muốn quay về nhà.

Thành phố Sài-Gòn Chợ-Lớn lúc ấy không có nhiều đường xe bus cho nên tôi phải đi xa như vậy để đến nơi có xe bus. Và để đón kịp chuyến xe đầu tiên ở chợ An-đông cho nên anh em tôi phải đi nhanh. Leo lên được xe, ít khi được ngồi ghế vì xe luôn luôn đông. Đường phố cũng đã có nhiều người qua lại và tôi thường lúc này cũng tỉnh ngủ rồi. Xe phun khói đen nghịt, ì ạch rồi cũng tới bến xe đò về tỉnh lỵ kịp giờ cho tôi lên chuyến xe kế tiếp vè Cần-Giuộc.

Chuyến xe đò nào cũng đông, không những người mà còn quang gánh, gà vịt, trái cây hoa quả. Học trò ngồi lẫn với thợ thuyền, người buôn bán, ngưới đi làm. Có khi đông quá, tôi phài đứng suốt quãng đường, tay cầm cặp còn tay kia nắm lấy những thanh sắt để khỏi té khi xe chạy.

Đường xuống Cần-Giuộc mất khoảng một tiếng. Thường lúc xe chuyển bánh thì trời chưa nắng và không khí đồng ruộng thật mát mẻ và trong sạch. Vì không có việc gì làm trong gần một tiếng, cho nên tôi thường nhìn ra hai bên đường, nhìn cảnh trí và những cảnh sống của người dân đồng quê và ghi nhận được nhiều hình ảnh mà tôi còn nhớ mãi.

Tôi nhớ nhất là những thửa ruộng đầy lá mạ non. Mầu lá mạ xanh non và tươi, kéo dài từ ruộng này đến ruộng khác trông tràn đầy chất sống. Có những thửa ruộng cây lúa đã cao hơn, thân lúa ngả nghiêng như gieo vuinhững lúc gặp cơn gió thởi. Còn gì vui hơn là được nhìn gần đám lúa đã trở đòng đòng; gặm những hạt lúa non đòng đòng có nhiều chất sữa thơm ngọt những khi xe đò tắt máy, phải xuống đường ngồi đợi. Những lúc đó, tuy sợ trễ học, nhưng tôi vẫn vui vì được thả bộ loanh quanh đồng ruộng, nhìn thật gần, sản phầm của đất đai.

Dọc bên bờ ruộng, loáng thoáng nhũng cây dừa nước, mọc nghiêng nghiêng hay từ trong những vũng nước dầy cỏ dại. Tôi thích nhìn những đám dừa nước với những chùm trái xanh đậm và tưởng tượng được lội trong những vũng nước trong vắt này trong những lúc trời nóng bức.

Dọc đường cũng có những ao rau muống, hoa tím rau muống mọc lốm đốm chen lẫn những lá xanh, thỉnh thoảng có những đàn vịt tắm mát hay tìm thức ăn trong hồ. Nhiều ao có những chiếc cầu tre bắc vào giữa ao, đi vào một cầu tiêu che kín với những mảnh gỗ hay tre vụn, nơi mà những đàn cá tra tranh ăn.

Lục bình. Những bụi lục bình có mặt ở khắp nơi, từ những vũng nước nhỏ cho đến những ao hồ lớn hơn. Hoa lá lục bình bao giờ cũng êm đềm nằn trên mặt nước, bất kể bị trôi giạt về đâu.

Tôi cũng rất thích nhìn đồng ruộng vào những lúc chiều xuống khi ở trên xe đò trên đường về nhà, nhất là những lúc trời bắt đầu mưa. Mây đen kéo đến từ chân trời như đe dọa đồng ruộng với uy vẻ bao la của trời đất. Thế nhưng khi mưa xuống, đồng ruộng như mừng rỡ vì được ơn mưa móc của trời. Tôi cũng vui lây khi ngồi trong xe, nhìn ra ngoài, đưa tay ra hứng những giọt mưa tạt vào cửa xe.

Vài tháng sau khi quen dần với không khì trường tỉnh, tôi, chú học trò Sài-gòn đã lân la đi thăm những đồng ruộng, ăn trái những cây dừa nước, nhặt những cụm lục bình trong tay và nhất là được gặp những người sống ở đồng quê. Họ là gia đình những người bạn học trong lớp và đã dẫn tôi đến thăm gia đình họ; đôi khi còn ở lại qua đêm để hưởng thú đêm xuống không đèn điện.

Bức tranh đồng quê ấy, được hiện đến rồi đi trước mắt tôi qua nhiều ngày tháng, qua nhiều thời tiết khác nhau, qua nhiều tâm trạng khác nhau cuả tôi- những khi vui buồn, đã in sâu vào tâm hồn chú bé mười một tuổi. Tôi quý mến những hình ảnh ấy và bắt đầu yêu thích đất đai của nước mình, không chỉ qua sách vở hay những bài văn mà dược sống phần nào trong những nơi ấy.

Tôi chuyển về trường Mạc Đĩnh Chi ở Phú Lâm Bình Thới sau khi học ỏ Cần-Giuộc được sáu tháng. Những chuyến xe đò đầy thú vị không còn nữa. Không còn những lúc rời nhà khi trời còn tối. Tôi không còn thấy những cơn mưa đồng ruộng hay những buổi hoàng hôn nhìn xa tận chân trời nữa. Tôi bâng khuâng như đánh mất một thứ gì quý giá mà không biết có tìm lại được hay không. Nhưng những hình ảnh đồng quê được cất vào tiềm thức khi tôi dến ngôi trường mới, gặp được những người bạn mà tôi vẫn còn gặp cho đến nay.

Trường Mạc Đĩnh Chi lại không xa đồng quê lắm, chỉ đi xe đạp mười phút là đã thấy được cánh đồng rồi. Lớp tôi cũng như một số lớp khác, thỉnh thoảng được nghỉ sớm vì có họp hội đồng giáo sư hướng dẫn. Thế là tôi lại có cơ hội cùng vài người bạn lái xe đạp ra dồng quê chơi sau buổi học. Ngồi dưới bóng những cây dừa bên cạnh ao cá Phú Lâm rất rộng và ăn trưa với cơm nắm muối chà bông, tôi như được trở về ngôi nhà xưa, tìm lại được những hình ảnh tưởng đã đi xa.

Sau này lớn lên, học triết ở Văn Khoa, tôi vẫn thường rời xa thành phố, về Mỹ Tho uống cà phê bên sông Mỹ, ngủ lại trong những quán trọ cạnh sông, để kiếm cớ nhìn lại ruộng đồng trên đường lái xe đi, về. Tôi cũng đi những chuyến xe đò sớm nhất từ Sài Gòn về Tây Ninh trong những năm làm việc ở đấy – những chuyến xe đò rời bến khi trời vẫn còn tối, để nhìn được những hình ảnh sớm mai trên đồng ruộng.

Tôi không định chất được thế nào là yêu nước, nhưng biết chắc một điều là tôi quý mến mảnh đất đồng quê miền Nam, nơi đã, một phần, tạo ra tôi; cũng như những câu thơ ngày cũ, trong bài viết trước, đã để lại cho tôi hương vị của đất đai miền Bắc.

Bạn cũ Văn Khoa thân,

Vinh, Xuân, Tuệ, Tâm, Hùng, Quân, Sáu, Hiệp, Kỳ, Trúc và những người bạn cùng trường mà tôi được nghe nhưng chưa được gặp lúc đó như Cường, Tùng, Hà, Hải, Kỳ, Hải Yến.

Cám ơn Hà, Tuệ và những người bạn đã tạo cơ hội, với Triết Văn này đề có nơi cho chúng ta nói chuyện với nhau, như lời nhắc trong email của VHY mà chúng ta mới nhận được.

Hà có nói trong Thơ tháng chín, là chúng ta còn gì để mà mơ ước. Thế nhưng đọc thơ văn các bạn, tôi thấy chúng ta còn mơ ước nhiều lắm, và mơ ước thầm kín nhất là được sống hay ghi lại những kỷ niệm ngày cũ. Nhiều bạn còn “sống mạnh” -với những, -như những, giòng sông; và có giòng sông nào mà không có lúc soi sáng bởi những đêm trăng. Xin tặng riêng những người bạn VK vài câu thơ viết vội:

Nửa vầng trăng cũ đã qua
Nửa vầng trăng nữa nhạt nhòa trong đêm
Tâm tư lúc thức bên thềm
Nhìn trăng nhớ thủa êm đềm xa xưa


và những bạn nào còn vương-vấn ...:

Nửa đời sợi tóc đã thưa
Trăng xưa nghìn mảnh đã vừa vỡ tan
Quê nhà! đất khách! Thuyền lan
Khuất trong đêm vắng giữa màn khói sương
Hiện ra giữa bến sông Tương
Tỉnh mơ mới biết còn vương tơ lòng

 
 

Cali. Khuya Chủ Nhật 10/8/2006

Bùi Đức Tốn