Tây Ninh, Lâm Vũ và Anh Sáu

(Tặng những bạn học và dạy Triết năm xưa)

 
 
 

Xe lô ngưng bánh, thả tôi xuống bến xe đò Tây Ninh. Trời đã về chiều, tôi phải vội đón một chiếc xe ngựa để về tỉnh lỵ trước khi trời tối hẳn. Tây ninh chiều Chủ nhật lặng lẽ và vắng vẻ. Tôi vẫn hơi ơn ớn khi phải qua chặng đường từ bến xe đò về nơi tôi ở trọ trong những ngày đầu tuần làm việc ở dưới này, vì phải đi qua những cánh đồng, những khu thưa vắng dân cư trong tình trạng bất ổn của chiến tranh.

Những chiều Chủ nhật như thế, ít khi tôi về thẳng nhà trọ, mà ghé thăm trước một người bạn sinh sống ở Tây ninh đã lâu, không chỉ mình gia đình anh mà đã mấy đời của dòng họ anh rồi. Tôi hay gọi anh là Lâm Vũ mà không gọi tên cúng cơm của anh, vì nhiều lý do. Nhà anh ở bên cạnh bờ sông Tây Ninh, chỉ cách tòa Tỉnh trưởng có một con đường. Nơi anh ở không những là nơi cư ngụ của vợ con, mà còn là một võ đường, nơi anh dạy võ hàng ngày cho những người lính hay những học sinh gần đấy.

Lâm Vũ không chỉ sinh sống bằng nghề dạy võ, mà còn là thầy thuốc bắc có hạng; anh bắt mạch hốt thuốc cho bệnh nhân hàng ngày. Lúc quen anh, Lâm Vũ chưa đầy bốn mươi tuổi; với tuổi này, theo tôi, vừa mở võ đường vừa là thầy thuốc, anh đã giỏi lắm rồi. Thế nhưng, quen anh một thời gian tôi khám phá ra là anh còn biết làm thơ chữ Hán nữa, còn thơ Việt thì khỏi nói, anh thường xuất khẩu thành thơ mỗi khi chúng tôi gặp nhau, sau một vài xị rượu đế.

Tôi bắt đầu làm việc ở Tây ninh năm 1971 và quen anh cũng trong năm ấy qua một dịp tình cờ. Tôi nhớ hôm đó chiều Chủ nhật, không việc gì làm tôi thả bộ dọc bờ sông Tây ninh, thấy anh đang chơi Cờ tướng trong sân nhà, tôi ghé vào xem cho vui. Anh rủ tôi chơi vài bàn với anh. Tôi không khách sáo, cũng đang lúc không việc gì làm, bèn hầu anh vài bàn, không ngờ tối mịt mới đứng lên được. Vì tình trạng an ninh, anh rủ tôi ở lại ăn cơm tối và ở lại qua đêm, sáng hôm sau hãy về. Lúc đó, đối với tôi, kẻ ở trọ, thì ở nhà anh hay về chỗ tôi ở, có gì khác biệt đâu, cho nên tôi nhận lời liền; thôi thì trước lạ sau quen.

Bữa cơm đạm bạc, chỉ có cơm với một ít cá kho và một tô canh. Sau đó anh mắc chiếc màn ngoài sân, cạnh bên cây ổi để tôi ngủ qua đêm. Tôi tưởng đêm đến đó là tàn bởi vì sáng ngày sau tôi phải dậy sớm, về nhà thay quần áo để đến trường, cách đó khoảng năm cây số để dậy học. Không ngờ, đêm, mới bắt đầu, đối với anh.

Biết được rằng tôi dạy triết tại trường nữ trung-học Tây ninh qua dăm ba câu chuyện buổi chiều, anh có vẻ vưà thích thú vừa tò mò, muốn tìm hiểu thêm về tôi và việc dạy học mấy cô nữ sinh này. Thay vì đi ngủ, anh mang thêm một xị rượu đế nữa, rủ tôi uống thêm, cho vui. Lúc này, tuổi còn trẻ, lại thêm cái tính gàn gàn của dân Văn Khoa, tôi có biết từ chối là gì đâu, cho nên anh bạn mới muốn tới đâu, tôi tới đó!

Khi đã hơi say rồi, và tôi cũng chẳng còn tỉnh táo gì, anh bắu đầu đọc thơ, và tập thơ anh ngâm theo giọng miền Nam cho tôi nghe là tập thơ Lục Vân Tiên. Vừa nghê nga đọc thơ, anh vừa đợi tôi đọc tiếp, hy vọng là tôi cũng thuộc như anh. Tôi chỉ theo được đến nửa tập là chịu thua anh, vì có bao giờ tôi “thuộc lòng” được những bài thơ dài, nói gì đến tập thơ có đến cả mấy trăm câu. Tôi phân bua với anh về cách dùng chữ của câu thơ: “khoan khoan ngồi đó chớ ra/nàng là phận gái ta là phận trai”, và hỏi anh tại sao tác giả lại dùng chữ “phận” cho một người con trai quắc thước, anh hùng. Tôi cũng không nhớ câu trả lời của anh.

Khi trời đã khuya, tôi hơi lạnh, vào trong màn cho ấm hơn. Anh gọi vợ anh mang cho tôi một cái chăn để đắp. Anh bạn Lâm Vũ cũng theo tôi vào trong màn và đọc thơ tiếp. Tôi lúc đó cũng vui lây với cái vui của người bạn mới, nên cùng anh thay phiên nhau ngâm những bài thơ mới, cũ, vừa Việt, vừa Đường cho đến lúc tôi mệt quá, ngủ trước, để mặc anh ngâm thơ một mình.

Tôi được quen với anh Lâm Vũ từ ngày ấy, và được chia sẻ với anh nhiều chuyện vui, buồn trong những năm tháng về sau.

Xe ngựa đậu trước nhà anh. Tôi xách chiếc vali nhỏ, đựng quần áo cho vài ngày, mở cửa vào nhà anh. Nhà không có ai, võ đường cũng không có học viên. Lúc này tôi biết anh Lâm Vũ cũng được bốn năm rồi, cho nên tôi cứ tự nhiên vào nhà đợi mặc dù không biết anh có nhà hay không.

Hôm nay cũng đã gần giáng sinh, trời Tây ninh lạnh hơn trời Sài gòn. Cái lạnh hơi buốt da, nhất là thêm gió từ núi Bà Đen thổi tới. Nhà anh trống vắng đến lạnh lẽo. Tôi để mọi thứ ở nhà anh và đi bộ sang quán cà phê và bán thức ăn ở cạnh nhà, cũng ở ven sông. Chủ quán là thân sinh của một cô học trò. Ông đã về hưu và cất thêm mấy phòng trống không chìa ra ngoài sông khoảng năm thước, kê vài chiếc bàn ăn để kiếm thêm chút tiền. Ông trang trí quán cà phê bằng những cụm lan rừng, treo dọc theo những cột gỗ bọc tre, trông rất nên thơ. Ông thường cho khách nghe những bài nhạc nhẹ khi khách đang ăn hoặc uống nước. Thỉnh thoảng ông ra nói chuyện với chúng tôi, về đủ mọi vấn đề. Tôi đến quán này nhiều lần, để nhìn ra sông nước Tây ninh. Nhiều khi quán rất lặng lẽ, tôi nghe được cả những tiếng vọng của tiếng súng từ xa vọng về.

Ông chủ quán rủ tôi đánh một ván cờ tướng cho đỡ buồn, và tôi cũng vui vẻ nhận lời vì cũng không biết làm gì. Khi xuống đây, tôi không muốn để ý lắm đến thời gian nữa, cứ để mọi chuyện xẩy ra, đến đâu hay đến đó.

Tàn được hai ván cờ thì người bạn qua gọi về. Bước vào nhà, tôi hơi ngạc nhiên vì có đến hơn một chục người lính đang ở trong nhà, ngồi quanh hai chiếc bàn gỗ xếp chụm lại, nói chuyện với nhau, ồn ào như ngoài chợ. Anh bạn tôi giới thiệu đó là những học trò cũ, mới của võ đường, về phép gặp lúc giáng sinh nên đến thăm thầy.

Khi ở quán về, tôi cũng mang được chút đỉnh thức ăn chung vui với gia đình bạn, nhưng không ngờ lại nhiều người như thế. Bạn tôi dạo này cuộc sống cũng thanh bạch, không phải lúc nào cũng có sẵn thức ăn nước uống để đãi nhiều người. Ngoài chút thức ăn tôi mang về, vợ anh còn làm thêm vài món nữa để “đón giáng sinh” sớm với đám học trò của võ đường. Một anh lính ra ngoài sân hái ổi xanh, dằm thêm muối ớt để đưa mồi lúc uống rượu.

Rượu đế được đổ vào chiếc nón sắt, để trong một chiếc chậu nhỏ cho không đổ, và mọi người uống chung từ một cái chung nhỏ duy nhất, cho vui. Tôi sợ cái màn uống tua này lắm, vì uống rượu kiểu này không được nghỉ, sợ cản đường, và người khác phải đợi, cho nên không uống nhanh không được.

Hình như đến vòng thứ mười, và chỉ khoảng một tiếng sau khi bắt đầu, tôi không uống được nữa, ra võng nằm, và thiếp đi lúc nào không biết.

Tỉnh dậy chắc đã khuya lắm, chén đĩa còn ngổn ngang trên bàn; mọi người cũng đã về hết; vợ chồng Lâm Vũ cũng không thấy đâu. Tôi ra giếng nước ngoài sân, quay lên một ít nước để rửa mặt cho tỉnh. Đêm bên sông không khí mát lạnh và trên sông, nước lóng lánh những ánh đèn của một số nhà bên kia bờ. Ngồi trên ghế đá nhìn ra sông, tôi nghĩ đến những người lính lúc tối, đến những người bạn lính của tôi đang ở ngoài đơn vị, đến gia đình, đến đồng nghiệp, đến đời sống của chính mình và tự nhiên cảm thấy niềm vui của mỗi người đều rất mong manh và hình như ai cũng đều có nỗi buồn riêng, và đêm tối, một mình, lại càng làm tăng thêm cái mong manh đó.

Đêm mai là đêm Giáng sinh. Tuy không phải là người trong đạo, tôi lại có rất nhiều kỷ niệm êm đềm về mùa giáng sinh, từ những lúc còn nhỏ, đến nhà thờ hay vào trong nhà thương Nhi Đồng ở Sài-gòn để xem hang đá và nhìn mục đồng cùng hài nhi thiên chúa, cho đến khi đi làm việc, vào nhà nguyện dòng Chúa Cứu Thế ở Sài gòn hay những nhà nguyện khác khi giáng sinh về.

Đêm mai là đêm Giáng sinh. Tôi nhớ lại đêm giáng sinh năm trước, cũng ở Tây ninh. Tôi và Hy, dạy Sử địa, đến một quán caphê ở gần trường lúc trời chập choạng tối để uống vài ly rượu tôi mang theo. Quán xây cất kiểu mới, một nửa ở dưới mặt đất, một nửa ở trên, làm bằng kiếng rất đẹp mắt. Uống xong, hai đứa chập choạng về gặp những thầy cô khác, cùng chia nhau uống phần còn lại của chai rượu, để đón giáng sinh hay để quên đi nỗi buồn xa nhà.

Đêm mai là đêm giáng sinh. Như vậy là đã hai năm liền tôi không đón giáng sinh ở Sài gòn. Tôi như đang trốn chạy khỏi những niềm vui tưng bừng, xa bạn hữu, để sống cạnh với những không khí bất trắc và với những người không nôn nóng đón chờ ngày lễ này.

Sông Tây ninh tĩnh lặng, ngoại trừ tiếng ếch nhái, khiến tôi chợt nhớ đến vài câu thơ không biết của người bạn nào, viết cho những người bạn của mình: “Chiều về trên sông quán vắng / Mình ta uống rượu chờ trăng / Bạn bè giờ tan tác cả ...” và cảm nhận được cái hạnh phúc đơn độc và vô nghĩa lúc này.

Lâm Vũ ra đứng cạnh tôi, không nói tôi đi ngủ, mà muốn đọc thơ. Tôi thầm nghĩ, nhưng không nói ra, là chúng ta đang thưởng thức bài thơ thiên nhiên, vừa sông nước, vừa trời đêm, vừa gió lạnh, vừa cô đơn vừa hạnh phúc và lại có chúng ta ở trong bài thơ thiên nhiên đó. Đừng xóa bỏ bài thơ thiên nhiên này và thay vào bằng bài thơ chữ nghĩa. Đừng định nghĩa hạnh phúc hay đau thương bằng văn chương hay lời ngâm, mà hãy sống với nó bởi vì nó sẽ không còn như thế nữa, khoảnh khắc sau. Nghĩ như vậy nhưng tôi không nói ra bởi vì tôi biết rằng Lâm Vũ đã quá quen với không khí này rồi cho nên chắc không còn rung cảm như tôi.

Vui với bạn, chúng tôi đọc thơ và cố gắng dịch một bài thơ Đường, mà tôi chỉ nhớ mang máng bạn tôi dịch như thế này, trong đêm hôm đó, lúc còn hơi rượu:

Không như mây trắng giữa trời.
nửa đêm ta đến tinh mơ ta về
đến như hoa thắm não nề
về như hoa sớm lê thê giữa trời


Về sau, khi nhớ đến những câu thơ dịch này, tôi không để ý đến giá trị của lời, mà chỉ nghĩ đến những hình ảnh của đêm năm đó, lúc nửa tỉnh nửa say, lúc nửa đêm và lúc trời cũng gần sáng khi Lâm Vũ và tôi nghĩ đến bài thơ này.

Tôi không ngủ lại và rời nhà Lâm Vũ khi trời vẫn còn tối, mang theo chút hương vị của dòng sông đêm; bước đi trên con đường đầy bất trắc vì có thể không an ninh.

Sáng hôm sau, trên đường đền trường, tôi có đi qua nhà Lâm Vũ. Ngôi nhà cũ kỹ nằm cạnh bờ sông và chiếc ghế đá cạnh cây ổi tôi ngồi đọc thơ với Lâm Vũ đêm qua bây giờ nằm trơ trụi như không có hồn. Tôi nghiệm ra rằng, bóng tối mờ ảo của đêm đã cho tôi được những giây phút nhìn mọi sự dưới một tâm trạng khác, hay bóng tối và không khí lạnh đã mặc cho cảnh vật những mảnh áo khác . Tôi thích đi tìm những khoảnh khắc như vậy. Mọi thứ đều như mang một khuôn mặt mới, xa lạ hẳn với hình ảnh đêm qua. Tôi muốn như người xưa, triết lý rằng: không biết bây giờ hay đêm qua là thực, hay là mộng, hay là cả hai đều là thực, đều là mộng cả. Tôi thấy đời sống thú vị ở điều đó - khi chính tôi tự hỏi và trả lời những câu hỏi liên quan đến những điều sẩy ra cho chính mình -, và những vật, người, lời nói, tiếng động, những điều đóng góp xẩy ra trong lúc đó đã đến và giúp cho tôi thưởng thức trọn vẹn cái thú vị đó hơn. Tôi thích tự sống bằng những khoảnh khắc như vậy, không chia sẻ với ai được, dù muốn.

Sân trường đầy tà áo dài trắng của hơn một ngàn nữ học trò, xếp hàng theo từng lớp để chờ chào cờ sáng thứ hai. Tôi đi vào trường như với tâm trạng của một thanh niên mới lớn, thích thưởng thức tranh ảnh, và một sân trường đầy mầu trắng của những tà áo dài hiện ra như một bức tranh sống động, và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được là một phần của bức tranh kia khi bước vào trong sân trường, hòa mình với những tà áo trắng đó. Với tôi, hạnh phúc là những gì mình có, rồi mất đi, xa đi, rồi có lại và hạnh phúc là được có những gì mình không phải giữ lại hay, hạnh phúc là sự thay đổi nhưng sẽ quay lại lúc đầu, ít nhất là trong suy nghĩ. Với tôi, hạnh phúc là khi dời xa ngôi trường cũ lúc còn nhỏ nhưng lại được có cơ hội ghé thăm ngôi trường cũ khi lớn lên sau này và vẫn còn hạnh phúc mặc dù ngôi trường cũ giờ đây không còn như trước nữa, kể cả bạn cũ thầy xưa, bởi vì, theo tôi chia lìa, cũ nát hoặc đổ vỡ là những viên gạch vô hình xây nên niềm hạnh phúc đó, và niềm hạnh phúc không ở trên cùng, mà trộn lẫn trong những hàng gạch vô hình đó.

Tôi đứng nghiêm chào cờ. Bài quốc ca vang lên trong buổi sáng còn đọng sương trên những cánh cỏ quanh sân trường, bên cạnh những giao thông hào, đào quanh co bên cạnh những lớp học.

Bài giảng Tâm lý học hôm nay của lớp là “Đam Mê”. Tôi nhìn quanh lớp và thấy thiếu vắng vài cô học trò. Những cô học trò này không đến trường đã hơn một tuần vì ở trong khu vực không được an ninh khi di chuyển. Học trò còn lại, ngồi đợi tôi bắt đầu. Nhìn lại quanh lớp, tôi thấy nhiều đôi mắt lo âu, nhiều đôi mắt buồn lo, nhiều đôi mắt mệt mỏi, nhiều đôi mắt lơ đãng, nhiều đôi mắt xa xôi, nhiều đôi mắt nhìn tôi chờ đợi, nhiều đôi mắt ngây thơ, nhiều đôi mắt mơ mộng và nhiều đôi mắt còn buồn ngủ. “Bức tranh sống động” sáng nay lúc trước cửa trường không còn nữa khi nhìn gần. Cái hạnh phúc lúc ấy đã trôi đi, đã là phần đời quá khứ, có thể còn đến nữa sau này, nhưng tôi không trông đợi, bởi vì, cái hạnh phúc đó lúc này không phải thật - khi nhiều đôi đôi mắt của những cô học trò trong bức tranh sáng nay mang đầy phiền muộn; thứ phiền muộn thật của những người đã mấp mé tuổi trưởng thành - vì những cô học trò này đã mười tám, hai mươi tuổi rồi.

Nắng chan hòa trong sân trường nhưng chưa đến hàng hiên của những lớp học. Tôi để học trò chép lại dàn bài “Đam Mê” trên bảng và ra hiên hút điếu thuốc. Tôi nghĩ đến tối hôm qua tại nhà Lâm Vũ, nghĩ đến hiện tại, và nghĩ đến cái chết.
(Còn tiếp)

 
 

Đêm 22/11/2006

Bùi Đức Tốn