|
Cuộc chiến tranh Ukraine đang tiếp tục và viễn ảnh hòa bình rất xa vời vì Nga không tỏ ra chút nào muốn ngồi đàm phán tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc chiến xảy ra hơn tám tháng với lý do không ai có thể biện minh được. Quyết định của cuộc chiến tranh nằm trong tay một cá nhân: Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã phát động cuộc chiến vào cuối tháng hai năm 2022. Ngoài một số lý do như bảo vệ người dân Nga đang sống trên một số vùng của Ukraine, Putin còn cho rằng Ukraine là một hiểm họa cho chính nước Nga vì được lãnh đạo bởi một kẻ Phát xít Do Thái. Việc này đã được UN mổ xẻ để có quyết định không chấp nhận và còn lên án cuộc chiến tranh mang tính xâm lược, loại chiến tranh mà sau đệ nhị thế chiến loài người cảnh giác đồng thời hi vọng nó đã cáo chung. Tuy nhiên, qua cuộc chiến tranh đang mỗi ngày mỗi qui mô, tàn khốc hơn vì NATO và Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Ukraine chống lại Nga và tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine đã gây thiệt hại to lớn cho lực lương Nga cũng như xóa tan hi vọng mà tổng thống Putin dự tính. Putin giận dữ và tính toán của ông ngày càng phiêu lưu hơn. Bên cạnh Putin đang tìm đồng minh và phá hoại sự đoàn kết của cộng đồng các nước phương tây đang tìm cách cấm vận Nga nhiều hơn với hi vọng khiến Nga bị cô lập mà ngồi vào bàn đàm phán.
Thái độ của Putin và một số nước tỏ vẻ đồng tình ủng hộ Nga cho thấy vai trò của một cá nhân trong một nước độc đảng, một nước quân chủ, một cá nhân độc tài ngày hôm nay không hề suy giảm giá trị quyền lực lãnh đạo độc đoán trong khi cả thế kỷ hai mươi thể chế dân chủ tự do phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trong tháng 10/2022 đảng Cộng sản Trung Quốc đại hội toàn quốc lần thứ 20 để bầu lại Ủy ban trung ương và Bộ chính trị. Chủ tịch nhà nước Trung quốc Tập cận Bình dù tuổi đã cao, lần thứ ba tiếp tục được bầu làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung quốc. Mang danh nghĩa đảng lãnh đạo, Trung quốc vẫn do một cá nhân quyền hành tuyệt đối lãnh đạo không khác một ông vua, một hoàng đế cai trị trong lịch sử Trung quốc. Nền chính trị thế giới bao lần xây dựng rồi sụp đổ, hay xóa bỏ rồi xây dựng trong hai thế kỷ gần đây (19, 20) với nhiều hình thái. Chỉ trừ chế độ quân chủ tồn tại ngày nay trong một ít quốc gia đi kèm hiến pháp dân chủ, phần còn lại chia đều ra hai kiểu mẫu: tự do dân chủ và chuyên chế độc tài. Tây phương hay đa phần các nước trong khối Liên Âu, Hoa Kỳ và một số nước châu Mỹ theo chế độ tự do dân chủ, còn lại số đông các nước mà nền chính trị không khác một bàn cờ bày ra rồi xóa đi theo kiểu phe nhóm bạo loạn, đảo chính hay dân chủ hình thức còn thực chất quyền lực trong tay một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái. Phe nhóm hay cá nhân thắng lợi bằng bạo lực, cầm quyền một thời gian vẫn không duy trì được sự ổn định, hay sự thất bại kinh tế đem đến sự suy sụp nghèo đói cạn kiệt quốc gia, đất nước ấy tự nhiên bạo loạn để tìm sự thay thế lãnh đạo và sự hỗn loạn tiếp nối mang tính chu kỳ.
Về mặt lý luận, ngày hôm nay với chứng cứ cụ thể từ cuộc cách mạng thông tin, chúng ta thấy rõ một quốc gia có quyền lựa chọn thể chế chính trị hầu đem lại sự ổn định phát triển đất nước. Ý thức hệ chính trị ngày nay ít được chú ý từ sau cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Phải chăng chính cuộc chiến tranh lạnh cho con người thấy rõ ý thức hệ lỗi thời, lạc hậu nếu không nói đến phản tiến hóa qua ý thức hệ phát xít hay cộng sản là một bài học. Gần một phần tư thế kỷ 21 trôi qua, nếu chủ nghĩa cộng sản còn tồn tại theo kiểu Trung quốc, Việt Nam, hay Cu ba thì cũng chỉ là thứ thể chế chính trị “treo đầu dê bán thịt chó”. Riêng Bắc Triều Tiên cho chúng ta một hình ảnh gần gũi hơn, một chế độ chính trị mang màu sắc quân chủ chuyên chế. Gia đình Kim Nhật Thành cha truyền con nối lãnh đạo đất nước không khác một ông vua ngày xưa; để rồi đất nước Bắc Triều Tiên ngày nay có thể hình dung: một bức tường dày, cao bọc kín một đất nước. Số phận người dân Bắc Triều Tiên không ai biết như thế nào ngoài bộ phận thông tin tuyên truyền nhà nước. Thể chế Cộng sản Bắc Triều Tiên cho thế giới thấy một sân khấu chính trị với trò múa rối mang tính bi kịch. Người dân không khác con rối, cười khóc theo bàn tay điều khiển của giới lãnh đạo. Bắc Triều Tiên có thể nói là một hình ảnh khá độc đáo bi thảm của loài người nếu chúng ta xem xét sự phát triển nhận thức nhân loại cuối thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt. Nếu cuộc cách mạng thông tin toàn cầu cho con người trên trái đất gần gũi, hiểu biết cụ thể sự thật mau chóng hơn thì đồng thời cũng mang đến cuộc cách mạng nhận thức. Con người tiếp cận cụ thể biến cố xã hội, chính trị làm thay đổi nền nếp tư duy truyền thống xưa cũ. Ngày hôm nay con người nhận rõ sự thật, dối trá, đúng, sai, tốt, xấu nhanh chóng và chính xác qua phương tiện kiểm tra thông tin toàn cầu. Trước kia con người chỉ dựa vào sách vở thông tin trong thư viện, hay những nguồn thông tin gần như độc quyền trong tay một cá nhân, một nhóm người hay một công ty v..v… và hoàn toàn lệ thuộc gần như tuyệt đối vào những nguồn gốc như thế. Thế nên nếu sai sót xảy ra sẽ là sai một ly đi một dặm. Nói chung con người ngày nay nhìn chính mình để có thể tự tin và dễ dàng chọn lựa cho mình một số phận. Do đó, sự độc lập tự chủ trong suy nghĩ nhận thức là bước đầu của việc hình thành ý niệm dân chủ của đám đông.
Nếu cuộc cách mạng thông tin toàn cầu mang lại lợi ích thiết thực cho nhận thức chính trị con người thì cũng chính nó điều hòa hay duy trì sự tồn tại của bao nhận thức chính trị tiêu cực khác. Đặc biệt thể chế độc tài độc đảng. Con người ngày nay tìm cách định hướng nguyện vọng của mình vào một nơi chốn chung nhất để tồn tại thì không gì tốt đẹp hơn là nền móng dân chủ được hình thành và xây dựng trên ước muốn như thế. Và ai ai cũng muốn sự phát triển để được thay đổi, đặc biệt càng nhanh càng tốt. Tốc độ phát triển một đất nước về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật sẽ loại trừ ý thức hệ lỗi thời của những thế kỷ trước. Ngày nay không ai muốn nhắc đến chủ nghĩa Marxism hay Leninism nữa mà chỉ rêu rao thắng lợi kinh tế kỹ thuật, hay GDP của đất nước họ so sánh với các nước đã phát triển như Tây Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc châu, Nhật Bản, Nam Hàn hay Singapore… Do đó, ngày hôm nay chỉ có thể nói thể chế độc tài hay tự do dân chủ mà một đất nước có thể lựa chọn, nếu căn cứ trên tốc độ phát triển và kết quả kinh tế tài chính gặt hái được từ thể chế chính trị ấy mang lại.
Quyền tự quyết dân tộc (Self-determination) là quyền thiêng liêng vì mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc, không ai có quyền can thiệp vào việc lựa chọn thiêng liêng này. Quyền tự quyết dân tộc tự nó mang tính dân chủ, vì nó là nguyện vọng hay khát vọng của số đông con người muốn đất nước độc lập, pháp triển theo ước muốn của họ, nhưng định hướng đúng đắn để có một kết quả chính trị tốt đẹp lại là một vấn đề không đơn giản. Con người hay lấy kết quả biện minh cho phương tiện thường là kiểu giải thích cho việc làm, hành động hết sức đáng tiếc đã xảy ra từ sự lựa chọn chính trị này: bạo lực làm đổ máu, chết chóc và oan khuất cho số đông người dân vô tội điển hình trong thế kỷ 20 (Ý hệ Marxism, Leninism của Liên Bang Sô viết, chế độ Quốc Xã Hitler, Fascist Ý, chế độ Cộng sản Maoism với Cách mạng Văn hóa, Hồng Vệ binh Trung quốc . . .) đã cho chúng ta nhiều bài học về quyền lực chính trị. Vì quyền lực chính trị quyết định số phận người dân của một đất nước, và đó cũng là lý do những cuộc di cư không dứt của một số đông người trên trái đất hiện nay với lý do duy nhất: họ đi tìm đất sống. Mục tiêu của họ là những đất nước phát triển ổn định kinh tế và tìm mọi cách để họ và gia đình đến được quê hương mới này. Trong hơn hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, những cuộc di dân vĩ đại xảy ra từ phía bắc Phi Châu hay Trung đông vượt qua Địa trung hải để đến Châu Âu xem như là đất hứa của nhiều triệu người. Tại Bắc Mỹ, điển hình trực tiếp là Hoa Kỳ luôn phải thường trực đối phó với làn sóng người vượt biên bất hợp pháp ở biên giới với Mexico. Phần lớn họ là người dân ở những nước Trung Nam Mỹ, thể chế chính trị thường xuyên không ổn định mang theo sự thất bại kinh tế, xã hội khiến cuộc sống của họ bị đe dọa không những từ khó khăn kinh tế mà an ninh con người cũng không bảo đảm, vì những cuộc chiến thường xuyên của các băng đảng ma túy với chính quyền sở tại phần lớn băng hoại vì tham ô.
Những điều tiêu cực của con người ngày hôm nay vẫn tiếp tục xảy ra, nhìn chung vẫn là kết quả từ thể chế chính trị cai trị của một đất nước. Lý luận chính trị vẫn cho phép con người biện minh hành động của mình để tìm mọi cách có được quyền lực trong tay. Có quyền lực con người mới có thể thực thi khả năng cai trị của mình hay của phe nhóm, và một lần nữa vẫn là mục tiêu lý tưởng hàng đầu nêu ra: mưu cầu hạnh phúc người dân. Không một phe nhóm hay cá nhân đấu tranh chính trị nào không giải thích mục tiêu đẹp đẽ, cao cả này như thế. Và khi quyền lực đã nắm trong tay thì khát vọng của họ từng bước trệch khỏi khát vọng toàn dân để rồi nguyện vọng của đa số dần dần phải phục tùng tham vọng của thiểu số. Nhưng nhóm người lãnh đạo luôn luôn nói rằng họ là đại biểu nguyện vọng của toàn dân khi cần phải lên tiếng với cộng đồng quốc tế. Đó là những con người, nhóm người xây dựng chế độ chính trị không cần thông qua thể chế Dân Chủ (Democracy). Nhưng họ tuyệt đối không quên chữ Dân chủ được giải thích theo cách của họ. Không nhà nước độc tài phe nhóm nào trên thế giới không nhắc đến chữ Dân chủ một khi đề cập đến thể chế chính trị của họ và không một nước nào không có việc phổ thông đầu phiếu, hình thức trực tiếp biểu hiện cho nền móng Dân Chủ ngày hôm nay. Thế mới biết hai chữ Dân Chủ quan trọng như thế nào đối với loài người, nhưng con người có được hưởng giá trị Dân chủ hay không lại là chuyện khác.
Thế kỷ 21 con người được hưởng thành quả của cuộc cách mạng thông tin mà cụ thể là mạng lưới thông tin internet bao trùm cả bề mặt địa cầu. Trên chiếc điện thoại cầm tay ngày hôm nay, ở bất kỳ xó xỉnh nào trên trái đất, ai cũng đều có thể biết được tình hình biến cố mọi nơi đang diễn ra không những tiếng nói, bài viết mà còn cả hình ảnh. Nói như thế có nghĩa ý nghĩa một từ, hay một vấn đề có thể giải đáp tương đối chính xác đối với người muốn hiểu định nghĩa nó như thế nào. Do đó nếu chữ Dân Chủ trước khi có cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, con người hiểu chưa được rõ ràng, chính xác thì ngày hôm nay nó có thể hiểu cụ thể hơn qua những biến cố, sự kiện xảy ra để giải thích hoặc bổ sung trực tiếp cho ý nghĩa từ Dân Chủ. Đồng thời từ đó con người cũng xác định ý nghĩa chữ Tự Do (Freedom) một cách minh bạch hơn. Và có lẽ điều hữu ích lớn lao hơn cả: Thông qua những biến cố, sự kiện biểu hiện hay chứng minh cho việc tước đoạt mất giá trị tất yếu con người từ Tự Do, Dân Chủ mà con người mới ý thức chính mình có được Tự Do, Dân Chủ hay không?Và nếu con người nhận ra quyền lợi chính trị của mình như thế nào thì đồng thời nhận rõ được bộ mặt thật của chế độ đang lãnh đạo cai trị đất nước mình có thực sự là đại biểu tâm tư nguyện vọng của người dân hay không? Nhìn chung ý thức chính trị của một con người quan trọng như thế nào, đối với việc lựa chọn thể chế chính trị hợp với nguyện vọng của mình. Như thế quyền tự quyết của một dân tộc (self-determination) tùy thuộc mức độ dân chủ, tự do của người dân đang thừa hưởng.
Ngày hôm nay với phương tiện truyền thông đa dạng, các kết quả bầu cử trong nước thường được phổ biến rộng rãi cho người trong và ngoài nước biết đến như một biểu mẫu, định chuẩn thể chế dân chủ cho dù ai ai cũng biết đó chỉ là thứ dân chủ hình thức. Thực chất của một chế độ dân chủ không chỉ biểu hiện duy nhất qua việc phổ thông đầu phiếu. Chính quyền không thiếu thủ đoạn che mắt những kẻ quan tâm bằng nhiều cách và ngày hôm nay việc ngụy tạo, giả danh dân chủ qua việc bầu cử tự do, lựa chọn người đại diện nhan nhản khắp mọi nơi. Và chế độ Phi Tự do Dân chủ (Illiberal Democracy) là thứ Dân chủ ngụy tạo khi phần lớn quyền con người trong nước bị tước đoạt trắng trợn hiện nay xuất hiện khắp nơi. Vì Quyền lực chính trị là thứ đáng sợ nhất của khát vọng con người cho dù nó xuất phát từ cá nhân hay tập thể bởi quyền lực chính trị là thứ duy nhất có thể thay đổi định mệnh dân tộc. Quyền lực chính trị trong tay cá nhân độc tài hay phe nhóm là thứ công cụ ban phát, gia ân hay hủy diệt người dân tùy thuộc vào mức độ chấp nhận, thỏa hiệp, khuất phục hay phản kháng của đám đông. Quyền lực chính trị là phương tiện hữu hiệu duy nhất cho con người được sống an vui mưu cầu hạnh phúc, hay khốn khổ chịu đựng trong địa ngục áp bức vì bị tước đoạt mất quyền sống tự do. Chế độ quân chủ chuyên chế, hay độc tài áp ức là biểu hiện cụ thể cho thứ quyền lực này và kinh nghiệm cho thấy núi xương sông máu nhân loại làm nên bao trang sử sách nhưng đâu vẫn vào đấy, con người vẫn tiếp tục việc miệt mài đấu tranh đạt được quyền lực để rồi thay vì mưu cầu lợi ích chung, họ chỉ dùng quyền lực thỏa mãn nhu cầu lợi ích riêng tư, phe nhóm. Như thế có thể nói Thể chế Dân Chủ (Democracy) là nền tảng duy nhất để đạt được quyền lực chính trị chân chính vì qua lá phiếu người dân, người được bầu chính thức đại biểu số đông thực thi đường lối chính sách phù hợp với nguyện vọng của họ; đồng thời thể chế dân chủ tự nó cập nhật làm mới nhận thức con người một cách thực tiễn. Lúc này chính nền Dân Chủ là thứ sàng lọc phẩm chất chính trị, luôn luôn làm mới đất nước và xóa bỏ những vô ích, vô nghĩa lạc hậu của thứ truyền thống giam hãm, cầm tù nô lệ con người trước kia.
Nhận thức chính trị là tối cần thiết cho bất kỳ người dân của bất kỳ đất nước nào mà họ đang sinh sống. Di sản dân tộc một mặt là vốn liếng có được từ truyền thống, nhưng di sản chính nó phơi bày nét tích tực và tiêu cực của từng giai đoạn lịch sử trải qua. Điều quan trọng là có những thứ di sản chỉ cho con người niềm tự hào rỗng tuếch, dẫn đến sự tự cao tự đại vô nghĩa ngày hôm nay cần phải vứt bỏ đi mà thay vào đó tinh thần thực tiễn lựa chọn điều mới lạ ích lợi cho dân tộc mai sau. Bổn phận của thế hệ con cháu hôm nay là luôn cải cách, thay đổi để đất nước có thể tiến lên hòa nhập với tiến độ thế giới. Đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi phi lý cho một đất nước vốn phải chịu đựng quá lâu về sự phi lý như Dân Chủ, Tự Do có cần thiết hay không, trong khi chính Dân Chủ Tự Do mới thực sự thay đổi bản chất của một đất nước quá lâu sống với những con rùa, con hạc chai đá ù lì trong ngôi miếu cổ. Tất cả mọi biện minh để tước đoạt giá trị Tự Do, Dân Chủ vốn là quyền lợi cốt lõi của người dân trong một đất nước đều là âm mưu mục đích kiềm chế đất nước, ngụy tạo lịch sử và hoàn toàn chỉ vì tham vọng của một cá nhân hay một nhóm người nắm quyền lực trong tay.
|
|