...Một Thời Để Yêu

(Chương 8 - Có Một Thời Nhân Chứng)
 
 
 

8.

Jackie Vũ buồn bực lang thang ra bờ biển sau khi gặp Tiên. Cô tin rằng Phan ra trường Thủ đức không trở về thăm gia đình mà đi ngay đến đơn vị như trong lá thư cuối cùng anh viết một tháng trước. “Anh mong rằng em nhận lá thư này là lá thư cuối cùng của anh trước khi em đi du học. Chúng ta chia tay nhau sớm là việc anh tin rằng tốt đẹp hơn điều điên khùng là cứ tiếp tục tình cảm với nhau. Cuộc đời anh và em trái chiều và không đời nào có thể kết hợp được. Em sẽ đi du học với một tương lai rực rỡ đang chờ phía trước. Anh đi về phía mà bản thân không có lựa chọn nào khác. Em nên hiểu điều ấy cho nên sau khi ra trường, anh không về Nha Trang mà đi ra đơn vị. Anh mong em biết chấp nhận sự thật và tiếp tục mạnh mẽ trên con đường đã được vạch ra.” Chiều hôm nay uống café với Tiên vừa từ Sài gòn về, Jackie vẫn không chút tin tức của Phan vì Tiên cho biết hơn một năm sống ở Sài gòn cô chỉ gặp Phan duy nhất một lần khi cô vào đại học khoa học ghi danh cho năm thứ nhất chứng chỉ SPCN. Phan chỉ chào hỏi cô, không hề hỏi thăm Jackie sau đó hứa hẹn sẽ gặp lại Tiên ở đại học khoa học khi vào niên học mới. Khuôn mặt Phan bình thản không biểu lộ chút tình cảm gì khi gặp Tiên. “Lúc ấy anh Phan như người xa lạ, nói dăm ba câu rồi quay đi, không có cả một lời mời đi uống café hay cho một địa chỉ để có thể liên lạc. Chỉ có đại học khoa học là nơi sẽ gặp anh Phan.” Tiên nói một hơi rồi thở dài, khi thấy khuôn mặt buồn bã của Jackie liền an ủi, “không hiểu anh Phan có chuyện gì nhưng sau đó suốt cả năm Tiên cũng không hề gặp lại anh ấy. Làm như anh Phan không còn học ở Khoa học nữa! Jackie được thư anh ấy hay không?”

Jackie cho Tiên biết đã nhận được năm lá thư của Phan, nhưng không cho biết nội dung. Tuy nhiên Tiên nghĩ hẳn hai người có liên hệ tình cảm cho nên Jackie mới buồn như thế kia! Tiên lại an ủi Jackie, “có thể anh Phan có chuyện gì đó khó nói, nhưng mình chịu thua vì phải lo học, bài vở như núi thành ra không biết rõ tình trạng của anh Phan, ngày mai mình sẽ sang nhà anh ấy hỏi thăm xem sao, có biết thêm chi tiết gì sẽ cho Jackie hay.” Nói xong Tiên nhìn Jackie, thấy cô ta gật đầu như cám ơn những lời Tiên nói. Hai người uống xong ly café rồi chia tay.

Jackie tiếp tục đi về phía bờ biển, cô nhận ra mình biết về Phan còn nhiều hơn Tiên. Hẳn Tiên lo học hành hay có người yêu nên cách nói chuyện không rành mạch gì cả. Phan của cô chuẩn bị học năm thứ ba thì bị tổng động viên. Lần Phan về thăm nhà năm rồi là lần hai người thú nhận yêu nhau. Nhưng tình cảm vội vã ấy có chút gì không được bình thường. Phan vào Thủ đức và lá thư cuối trước khi ra trường có bảo Jackie rằng anh sẽ về binh chủng Biệt động quân. Đến hôm nay Jackie vẫn không có ý niệm rõ rệt gì về ba chữ Biệt động quân mà Phan nói, cô cho rằng đó là một nơi, một địa chỉ hay một cơ quan mà sau khi ra trường Phan sẽ đến. Thơ thẩn Jackie đi về hướng chợ Đầm. Chiều dần tối và đã đến giờ cơm chiều với gia đình nhưng hôm nay cô không quan tâm. Trong đầu Jackie chỉ có ước ao: gặp mặt Phan một lần trước khi đi du học.

Còn hai tuần nữa Jackie lên đường sang Pháp. Thủ tục du học đã hoàn tất, và vé máy bay mua tuần lễ vừa rồi. Việc học hành của Jackie, bác Khang của cô ở Paris cũng đã thông báo cho biết khi sang Pháp cô chỉ có việc học, các việc khác như ăn ở, phương tiên đi lại bác cô lo tất cả. Đến Pháp Jackie có hai tuần lễ đi chơi trước khi vào trường giữa tháng chín. Nghĩ đến đấy, Jackie thở phào vừa có chút tiếc nuối. Phải chăng khung cảnh Nha Trang đang ở trước mắt làm cô lưu luyến? Nơi này chôn vùi bao niềm vui và nỗi đau tuổi thơ của cô. Có lẽ niềm đau nhiều hơn vì mỗi lần Jackie nhớ lại trước khi thấy màu xanh của ngày xuân, hè rực rỡ cô lại thấy hiện về trong tâm trí bóng tối nặng nề, xám xịt từ các câu đay nghiến, hằn học nhau của cha mẹ cô. Rồi nước mắt của cô nhòe đi xóa nhòa bao niềm vui rất lẻ loi những lần đi với cha mẹ về Ban mê Thuộc thăm đồn điền café và trà của bác Khang mỗi dịp xuân về. Những ngày ấy đã biến thành ước mơ của cô trong cái căng thẳng thường xuyên vì xung đột gia đình, trước khi cha mẹ cô ly dị nhau vào năm cô 12 tuổi.

Ba năm tiếp theo Jackie sống với mẹ trong thời kỳ bà còn độc thân, và năm thứ tư mẹ cô sang Hawaii định cư với người chồng mới. Lúc bấy giờ với Jackie tình yêu thương của cha mẹ biến thành ân huệ, bởi lý do duy nhất trong lòng cô luôn tha thiết có sự hiện diện ít nhất một người thân bên cạnh mình. Jackie sợ hãi và ám ảnh khôn nguôi một ngày thức giấc mở mắt chỉ thấy một mình trơ trọi trên cõi đời này. Cha mẹ đều biến mất, viễn ảnh ấy đối với Jackie như thứ hình phạt sẳn sàng đổ xuống cuộc đời cô, từ khi cô hiểu biết khả năng tồn tại của bản thân mình trong gia đình. Những năm tháng đó hôm nay hồi tưởng lại, Jackie không biết diễn tả như thế nào về cái vốn liếng quá khứ nặng nề bi thương, dù cô đã đọc và thấm thấu rất nhiều những trang sách mô tả nỗi đau thương cuộc đời của một người thiếu thốn tình thương cha mẹ.

Khi Jackie bước qua khỏi lề đường phải theo ba bậc tam cấp xuống bờ cát, cô chú ý thấy chiếc bóng của mình trãi dài xuống tận bờ nước vì mặt trời đà xuống rất thấp. Jackie quay lại bâng khuâng nhìn bóng nắng và mặt trời chuẩn bị biến mất sau dãy cao ốc đại khách sạn bên kia đường. Lúc này cô ý thức khung cảnh trước mắt mình sẽ một ngày không còn nữa và với sự mất mát ấy, tâm trạng cô như thế nào nếu một chiều cô lại nhìn thấy bóng mình đỗ dài trên xứ lạ quê người? Jackie cúi xuống cởi giày để trút những hạt cát đã chui vào trong gót chân. Lúc ngẫng đầu lên cô có cảm giác ai đó đang nhìn mình. Nhìn sang phía bên trái, cô thấy một thanh niên có mái tóc dài đứng cách Jackie chừng năm mét đang nhìn cô chăm chú. Người thanh niên lên tiếng, “Jackie phải không?” Cô cũng ngờ ngợ nhận ra người quen nên gật đầu hỏi lại, “anh Viễn phải không?”

“Lâu lắm mới gặp được Jackie, không ngờ đã hơn ba năm rồi, từ ngày Trác và Nghị sang Pháp định cư.”

Viễn bước đến gần Jackie và đưa tay. Jackie vui vẻ bắt tay Viễn hỏi, “Anh bây giờ như thế nào?” Viễn bảo, “đang học năm thứ ba y khoa Sài gòn và về thăm nhà. Chúng ta vào trong quán uống nước?” Jackie gật đầu theo Viễn đi về phía dãy Kiosk phía tây.

Viễn là bạn thân của Nghị và Trác, hai người con trai của bác Khang cô. Thời gian 1965-1969 vào dịp tết hoặc hè Jackie theo cha đến đồn điền bác Khang chơi với Nghị, Trác, rồi cô quen với Viễn và xem ba người con trai này như anh của mình. Jackie nhỏ hơn Nghị, Viễn bốn tuổi, và nhỏ hơn Trác hai tuổi. Ba người Nghị, Viễn, Trác đều học Yersin Đà Lạt. Trong đám thanh niên này, Viễn cảm tình đặc biệt với Jackie nhưng cô không hề chú ý. Gia đình Viễn không đủ khả năng giúp anh du học nên năm 1970, Viễn vào Sài gòn ghi danh học dự bị khoa học để thi vào y khoa. Năm 1970, gia đình bác Khang bán đồn điền café trên Ban mê Thuộc rồi sang Pháp định cư.

Đi bên cạnh Viễn, Jackie nhận ra anh cao hơn cô cái đầu. Cô nhớ Phan nhỏ con nhưng làm như cô không hề chú ý, cho đến hôm nay đi với Viễn cô mới nhận ra điều đó. Hai người vào quán café và ngồi ngay chiếc bàn nhìn xuống mé nước. Viễn và Jackie đều uống chanh Rhum. Nhìn Viễn để tóc dài với khuôn mặt gầy ốm xanh xao, Jackie nhận ra sự thay đổi khác xa với bốn năm trước. “Anh học nhiều lắm hay sao mà gầy ốm như thế này anh Viễn?” Jackie mỉm cười tự nhiên hỏi. Viễn gật đầu, “năm trước học nhiều vì sợ rớt phải đi lính, năm này anh tình nguyện chuyển sang quân y, nên không lo lắng nữa.”

Viễn kể tiếp hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải đi dạy kèm thêm để có tiền trang trãi việc học. Trong lúc Viễn nói chuyện Sài gòn Jackie cứ mãi nhớ đến Phan và trong đầu câu hỏi nhiều lần nảy lên, “sao không viết được cho em một lá thư, anh tệ đến như thế sao?” Viễn nhìn khuôn mặt có vẻ trầm trọng của Jackie bèn hỏi, “em có điều lo nghĩ hay sao? Có thể cho anh biết để chia xẽ được không?” Jackie bảo, “chuyện riêng tư làm sao chia xẽ được đây?”

Sau đó Jackie từ từ kể chuyện quen với Phan như thế nào và cô yêu Phan sau vài lần gặp nhau mùa hè năm trước. Cô kể tỉ mỉ Phan bị động viên đi Thủ Đức nhưng ra trường lại không thèm trở về thăm nhà và thăm cô. Thấy Jackie có phần buồn bã và lo nghĩ, Viễn nói, “em đừng lo, khi đến đơn vị anh Phan sẽ thư cho em, ngoài việc giải thích có thể có cả lời xin lỗi! Em tin anh đi!” Jackie gật đầu. Hai người tiếp tục kể chuyện đã qua, Viễn thú nhận đến giờ chưa có cả người yêu. Anh không cho rằng mình vì lo việc học mà cứ bảo không có duyên với phụ nữ. Jackie an ủi và tin rằng anh sẽ gặp được người yêu của mình. Bên ngoài quán trời tối dần, Viễn gợi ý ăn tối. Jackie lấy cớ phải trở về ăn cơm với bố nên từ chối. Cô bảo, “chỉ còn hai tuần là lên đường, em phải dành thì giờ ăn cơm với bố vì em biết sau khi sang Pháp, muốn có bố bên cạnh cũng không thể nào có được.”

Lúc này Viễn nhận ra Jackie không hề giống một cô gái học trường tây chút nào. Có thể hoàn cảnh gia đình khiến cô thay vì tây hóa lại Việt hóa nhiều hơn. Anh nhận ra cô trở nên một thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng từ bao giờ, xóa đi hoàn toàn hình ảnh cô bé ốm o theo cha mỗi dịp Tết về trên đồn điền café năm sáu năm trước. Hôm nay Jackie mặc sơ mi ngắn tay vàng nhạt, váy Tô cách lan sọc tím sẫm và đi dày vải trắng. Tóc Jackie cắt ngắn khỏi ót, và đôi mắt cô lúc nào cũng man mác buồn bã. Viễn biết Jackie thiếu tình cảm của mẹ nhưng những năm trước anh cho rằng đối với người giáo dục theo văn hóa tây phương, vấn đề ly dị của cha mẹ không phải là chuyện lớn lao. Viễn chủ quan và anh cho rằng mình không sai. Nhưng hôm nay nhìn sâu ánh mắt Jackie, Viễn biết mình võ đoán và tự nghĩ rằng mình hoàn toàn sai lầm.

Lúc hai người chia tay Viễn nói, “ngày mai anh về lại Sài gòn, khi em sang Pháp nhớ thư cho anh. Lúc nào em cần một người để kể chuyện buồn vui, chính anh là người ấy.” Jackie hứa và chúc Viễn mau trở thành một bác sĩ sau khi nhận mảnh giấy ghi vội địa chỉ của anh tại Nha Trang. Khi Jackie trở về con đường cũ mà Phan đưa cô về nhà ba lần, cô thèm được nghe “Biển Nhớ” và những câu chuyện không đầu đuôi mà Phan từng kể cho cô nghe. Jackie cho rằng mình sẽ nhớ biển như lời bản nhạc diễn tả cũng như nhớ Phan cùng những kỷ niệm cuối cùng của anh. Đêm hôm ấy trước khi vào giấc ngủ Jackie ước ao được nghe bản nhạc thân yêu ấy và gặp Phan trong giấc mơ của mình.

***
Phan ngồi uống bia với Phác và Thịnh tại quán phở “Hồng” ở ngã bảy. Cả ba ngồi trên những chiếc ghế đẩu thấp lè tè chung quanh chiếc bàn gỗ thông tròn không quá một mét đường kính duy nhất ngoài hiên. Bốn giờ chiều một ngày giữa tháng tám, nắng còn nóng hầm hập phả vào không gian không chỉ sự oi bức mà dường như treo lơ lững lưng chừng trời cái lờ đờ uể oải của buổi trưa hè. Tuy Phác và Phan vừa ra trường khóa 5/72 Thủ Đức ba ngày trước nhưng hôm nay cả hai đều mặc quần áo dân sự như Thịnh. Chỉ có đầu tóc ngắn và da dẻ đen nhẻm vì nắng như tố cáo lý lịch nhà binh của hai người. Thịnh nhìn hai bạn lên tiếng, “tao buồn rồi đây chỉ còn một mình trong thành phố này…” Phan lắc đầu nói ngay:

“ Phác làm việc trong phủ đầu rồng, cũng tại Sài gòn mày lo gì?”
“Những thằng làm việc như nó sợ gặp còn khó hơn gặp tổng thống đấy!”

Nói xong Thịnh thở dài nhìn mặt Phác. Phác tỉnh bơ không nói gì chỉ nâng ly cụng với hai người rồi nhìn ra ngoài đường. Xe gắn máy nối đuôi một chuỗi dài dằng dặc vì kẹt từ ngã sáu. Bên kia đường tấm biển màu khói với tám chữ đen “Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến” lấp ló trên một mái nhà trong khuôn viên rừng cây sao và những cụm bằng lăng dày xanh mát. Phác nghĩ thật mỉa mai cho những từ ngữ nghe thật kêu nhưng hết sức vô nghĩa vì Ủy hội quốc tế này không đóng góp gì cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt đang xãy ra ngoài việc ngồi với nhau trong salon có máy lạnh, nói đi nói lại những điều mà hai mươi năm trước hiệp định Geneve đã nói. Khi nói với Thịnh và Phan điều này, Phan bảo, “vớ vẫn, tao và mày ngày mai ôm súng bóp cò đấy. Mày dù không muốn nhưng có cây súng trong tay trước sau gì cũng phải xử dụng, phải không?”

Thịnh nói ngay, “vấn đề là mày bắn ai kia?” Phan tỉnh bơ:

“Thì Việt cộng chứ còn ai vào đây? Tao sẽ bắn ngoài chiến trường tụi đầu nón cối, chân dép râu. Tao nói thêm là dù không muốn, tao bắn để bảo vệ mình. Trong khi Phác không giản dị như thế đâu! Có khi nó phải diệt thằng Nghiên, thằng Kiệt… vốn là bạn thân của nó. Phải không Phác?”

Phác lúc này gật đầu:

“Đúng như thế, nếu mày không xem mảnh đất hình chữ S này có hai đất nước riêng biệt thì cuộc chiến hiện tại cũng là anh em giết nhau đấy thôi! Không muốn tham dự, tao đào ngũ vậy!”

Nói xong Phác nâng ly bia uống một hơi rồi rót thêm vào ly thì chiếc chai đã cạn. Thịnh ném võ chai bia xuống gầm bàn rồi gọi thêm ba chai 33 khác thì Phan lên tiếng giọng buồn khản đặc, “Rời khỏi cuộc chiến có nhiều cách, như Hải trở về là một cách, không biết nó bây giờ như thế nào? Đã lấy vợ hay chưa, có ai biết tin nó hay không?” Phác trả lời, “mày đừng lo, Lâm vừa cho tao hay hôm qua, Hải đã vào sư phạm Huế năm rồi, ba năm nữa nó sẽ trở thành ông thầy giáo thương phế binh! Lúc bấy giờ nó sẽ lấy vợ.”

Lúc Thành và Lâm đến quán phở “Hồng”, Phan, Phác và Thịnh mỗi người đã uống xong hai chai bia. Nhìn chiếc thau đựng xí quách bò trên bàn, Thành cười nói, “không có thứ gì khác hơn xực xí quách hay sao?” Nói xong nó và Lâm ngồi xuống kêu cô Hồng một đĩa lớn thịt bò tái chanh và hai tô bò viên. Thành lúc này đã ra khóa huấn luyện hơn tuần lễ, và đang chờ đợt nhảy dù cuối cùng lấy bằng trước khi ra đơn vị. Nó mặc đồ bông nhảy dù, đội bê rê đỏ sậm, mang một bông mai màu đen trên cổ áo. Thịnh nhìn Thành chăm chú có vẻ ngưỡng mộ rồi nói, “mày mặc đồ nhảy dù coi oai vệ và đẹp trai hơn khiến tao thèm!”

Nghe Thịnh nói, ai cũng quay nhìn kỹ Thành và gật đầu như đồng tình khiến Thành xua tay, “thằng Thịnh nói dóc vì nó hoãn dịch. Nếu nó ngon tình nguyện đi lính tao mới tin.” Nói xong Thành đưa ly lên cụng và uống một hơi cạn sạch. Lâm lúc này không nói gì chỉ cắm cúi gắp thức ăn vào chén, nó như Thịnh đang được hoãn dịch gia cảnh. Lâm đang học cao học tại đại học khoa học và dạy hóa học ở các trường tư thục Sài gòn. Bố mẹ Lâm vẫn sống ở Pleiku nhưng mua một căn nhà cho nó ở đường Trần quí Cáp, vốn là trung tâm tin tức của đám bạn bè Pleiku từ hơn sáu năm nay. Phan chợt nói:

“Tụi mình còn thiếu một thằng Thủy quân lục chiến là đủ cho lực lượng tổng trừ bị.”

Phác nói như than, “hai thằng biệt động quân rồi đấy, nhưng đã có một thằng bỏ cuộc chơi này!” nghe Phác nhắc đến Hải ai cũng buồn và như nhớ đến thân phận hiện tại. Cả một thế hệ, kẻ trước người sau đều lần lượt bước vào cuộc chiến tranh. Cuộc chiến buồn thảm chứ không hề vinh quang như bề mặt biểu hiện. Phác thấm thía nhận xét, chỉ có anh lẻ loi nhận thức bi thiết như thế. Tuy các bạn cũng từng có nhận thức như anh nhưng thân phận con người bao giờ cũng khuôn theo hoàn cảnh và hiếm khi vượt qua được hoàn cảnh. Thôi thì chúng ta cố làm chứng cho một cục diện trong đó mình thủ vai chính. Chỉ mong sao mình khách quan mới thoát khỏi mặc cảm nạn nhân để có thể phản ánh đúng một giai đoạn lịch sử.

Biết Phan về tiểu đoàn ba mươi mốt, Thành nhắc lại Hải trước kia là đại đội trưởng đại đội bốn tiểu đoàn ba mươi ba “cọp ba đầu rằn” trước khi bị thương. Phan không nói gì chỉ đăm chiêu uống bia. Trong đầu Phan đang quay về với Jackie và luôn có câu hỏi, “liệu mình dứt khoát được hay không với người con gái này?” tuy từ khi vào khóa học Phan quyết tâm cắt đứt tình cảm với Jackie sau khi viết lá thư cuối cùng. Anh nhận ra mình không nên để cho một người con gái đủ mọi điều kiện thành đạt phải đau khổ. Điều ấy với Phan là ác độc chứ không hề mang ý nghĩa xây dựng. Đang suy nghĩ Phan giật mình vì Lâm vổ vai hỏi:

“Sao mày không xin về vùng hai, liên đoàn hai đóng ở Pleku với bốn tiểu đoàn 21, 22, 23 và 24. Về lại Pleiku căn bản mày sẽ gặp bạn bè dễ dàng hơn. Chỉ có thằng Thịnh ở Sài gòn chứ còn lại đứa nào cũng có gia đình ở Pleiku kia mà?”

“Tao không thích về vùng hai, không hiểu tại sao tao chỉ muốn về nơi nào gần Sài gòn nhất. Có thể về phép Sài gòn rồi từ đó đi đâu thì đi.”

Phan nói nhưng trong đầu nghĩ đến Jackie sẽ đi Pháp tháng tới khiến lòng anh chùng xuống. Tình yêu hai người xây dựng năm trước chợt như giấc mơ qua. Càng nghĩ lại càng thấy xa thăm thẳm. Bóng Jackie giờ là bóng con sóng bạc đầu mơ hồ của một buổi sáng mùa đông năm năm trước, Phan đứng trên bờ chăm chú nhìn sóng đến rồi đi. Sau lưng anh, Phác nói vọng tới. “Sóng không chỉ hạnh ngộ mà còn chia lìa. Đến và đi thế kia có khác gì con còng đang xe cát. Mỗi lần về Nha Trang, đứng trên bờ biển tao chỉ thấy nỗi thèm khát được la hét như ngày còn bé. Âm vang bao la hét ấy tan biến vào sóng để rồi sóng đến và đi, mang theo âm vọng một thời quá vãng. Càng nhìn ngắm và lắng nghe tiếng sóng, tao càng thấy hui hút một thời không hề có hạnh phúc của con người” Phan hỏi ngay, “không phải chỉ của riêng mày hay sao?” Phác bấy giờ trong âm vang gầm thét của sóng biển nói, “bất kỳ ai đứng thật lâu trên bờ biển nhìn sóng đến và đi đều thấy nỗi tang thương đời mình!” Hôm nay nhớ lại, Phan tự hỏi phải chăng mình đang nhìn thấy và nghe âm vọng con sóng ngày ấy?

Phác nhìn Phan rồi quay sang Thành hỏi, “mày có biết đơn vị về hay chưa?” Thành lắc đầu, Thịnh nói, “đêm nay về nhà tao ngủ hay về nhà Lâm?” Phan cho rằng về nhà Thịnh vui hơn vì ở riêng lầu bốn mặc sức nói chuyện, đánh đàn, và uống rượu thêm nếu thích. Đống vỏ chai bia 33 dưới bàn tăng dần khi trời nhá nhem tối. Phác nhìn chung quanh quán những chiếc bàn khác đang được kê thêm trên bãi đất trống. Nơi này năm 1967 còn là chỗ đặt ống cống của công ty xây dựng Lý thanh Còn. Thành chợt đứng lên vào nhà vệ sinh trong quán phở, Phác nhìn trên bàn đĩa bò tái chanh và hai tô bò viên đà hết sạch. Anh hỏi mọi người có muốn ăn gì thêm thì ai cũng lắc đầu, tuy nhiên chưa ai muốn dừng việc uống bia. Bụng nặng chình chịch, Phác cảm thấy khó chịu với sáu chai bia vừa uống đồng thời nhớ lại những lần uống rượu với Hải. Đám bạn trước mặt vừa đồng hương vừa đồng môn trong một môi trường gắn bó bi thảm của cuộc chiến tranh. Ngày mai mỗi người mỗi ngả khó mà biết được ngày hội ngộ liệu có còn đủ mặt nhau như hôm nay? Phan vào trong mang ra một gói thuốc capstan, và những cụm khói thuốc mơ hồ được đốt lên từ một bửa tiệc, không biết thực chất là vui hay buồn. Phác nhìn Thịnh đang hát nho nhỏ một bản nhạc ngoại quốc gốc la tinh mà anh rất thích trong năm cuối trung học. Thành đã gọi thêm năm chai bia rồi nói:

“Chúng ta hẹn nhau mùa xuân năm tới. Hãy về với nhau trên đỉnh bình yên.”

Thành nhắc lại những kỷ niệm thời còn học trung học ở Pleiku. Những đêm tối trời đi ngang câu lạc bộ Phượng Hoàng nghe điệu boston buồn của bản “Bây giờ tháng mấy”, rồi “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” của Từ công Phụng. Những bản tình ca ấy ngày hôm nay vẫn là bao vọng âm của một thời vàng son tuổi trẻ, Phan cúi mặt nói nho nhỏ với Phác, “tao nhớ vô cùng năm tháng xa xôi ốc đảo ấy...” Lâm ngồi tựa vào vách quán nhìn ra đường, đôi mắt như thả vào một nơi nào xa lạ, vô hồn vô định.

Khi cả bọn đứng lên trở về nhà Thịnh, Phác lên xe trở về đường Vĩnh Viễn thăm bác Nhu. Hơn một năm Phác rời nhà bác, căn gác gỗ ấy vẫn còn chứa một số lớn sách vở của anh. Nhớ đến đôi mắt ướt của chị Ngân, Phác tự bảo “có lẽ chị Ngân đã lập gia đình!” Hôm nay anh trở lại căn gác để chở một số sách về nhà bác Dân ngày mai. Bảy chai bia 33 làm Phác chếnh choáng, đường phố lung linh mờ ảo và nỗi buồn dâng lên trong lòng mình.

Khi Phác bước vào nhà, chị Bảo đã đứng lên nắm chặt tay anh cười tít mắt nói, “em cũng đã về, cắt tóc ngắn trông ngố lắm!” Bác Nhu dắt hai cháu ra ngồi salon cạnh Phác, anh nhận ra bác già thêm rõ nét dù chỉ cách nhau chỉ một năm rưỡi. Khi biết Phác được biệt phái về làm công chức tại Sài gòn bác mừng nói, “anh may mắn lắm đấy, lúc này chiến sự mỗi ngày thêm ác liệt. Quảng Trị mất cổ thành và Thủy quân lục chiến đang tìm cách dành lại từng tấc đất.” Bác Nhu nói như thuộc lòng tin chiến sự trên trang nhất của các nhật báo. Trong lúc bác nói, Phác kín đáo quan sát không thấy bóng chị Ngân. Lúc anh chuẩn bị lên trên gác làm như bác Nhu biết nỗi thắc mắc ấy nên nói, “cái Ngân đã đi Đà Lạt chơi hôm qua, tuần tới mới về”, Phác nhớ ra mùa hè vẫn chưa chấm dứt.

Ngồi trên chiếc divan bụi bặm, Phác mơ hồ như thấy bóng Huyền ẩn hiện trong trí rồi tự xua ngay đi hình ảnh chập chờn xa xăm ấy. Anh tự nhủ, “ngày mai mình đi thăm Thủy.” Thủy bây giờ là người mà anh nhớ tha thiết, và đôi mắt đẫm nước mắt của nàng hôm thăm anh bất ngờ trên quân trường Thủ Đức đã bẻ ngoặc một định mệnh. “Chúng ta yêu nhau thật chứ nào phải chỉ có bóng dáng một thời thơ dại.” Phác vừa lau mặt divan để tìm sách, vừa nhớ câu nói hôm nọ của Thủy nhưng sau đó anh chỉ muốn nằm để ngủ vì cơn say chầm chậm trĩu nặng mí mắt mình. Phác nằm ngửa ngủ ngon lành cho đến giữa khuya, anh chợt thức giấc vì cảm giác bên cạnh mình mát lạnh da thịt một người. Quay sang mùi nước hoa thơm ngát, Phác biết chị Bảo. Anh giật mình vì nhận ra mình không mặc quần áo, và chị Bảo cũng thế. Mùi da thịt của chị Phác không quên, và anh lại đắm chìm trong nổi háo hức tình dục dưới cái say lơ lững của những chai bia đã uống ban chiều. Chị Bảo ghì chặt anh rên nho nhỏ trong bóng tối khiến Phác phải bịt miệng chị lại. Cả hai quên mất thực tại và ngụp lặn mãi miết trong khoái cảm xác thịt. Lúc tàn cuộc mây mưa, Phác tỉnh hẳn cơn say tiếp theo cảm giác một cõi lòng nặng nề buồn chán tận cùng. Anh ân hận đã không trở về nhà Thịnh như lời hứa với các bạn ban chiều. Phác lẳng lặng rời nhà bác Nhu rất sớm như chạy trốn, trong khi chị Bảo tủm tỉm cười mở cửa nhìn theo Phác dắt xe ra khỏi nhà.

Phan dậy sớm ra ngoài hàng hiên nhìn thành phố quạnh quẽ buổi sáng từ tầng bốn nhà Thịnh. Đầu óc anh tỉnh táo sau một giấc ngủ ngon lành không mộng mị. Phan dứt khoát khi nghĩ đến Jackie nên lòng hết sức bình thản. Lúc này một giây phút hình ảnh Jackie hiện lên trong tâm trí, Phan như thấy niềm vui trên vẻ mặt của nàng mỗi sáng đến giảng đường đại học. Khi Jackie dừng lại có rất nhiều bồ câu lăng xăng dưới chân chờ cô ném những mẩu bánh mì vụn, và con đường đến lớp học có rất nhiều cây du xanh cao vút. Cô đang đi trên sân trường, vui đùa với bạn bè trước khi bước lên những bậc thềm để vào một không gian bao la rực rỡ ánh sáng, nơi mà một thời anh và Phác đều ao ước được bước vào. Phan cho rằng Jackie sẽ có được niềm hạnh phúc mà anh tưởng tượng ra và cô nhất định sẽ như anh nghĩ. Lấy thuốc ra hút, trong cái lờ mơ ban mai của một thành phố chưa kịp thức giấc, Phan nhả từng ngụm khói như cố xua đuổi những hình ảnh của Jackie ra khỏi tâm hồn mình. Lúc này anh nghe có tiếng chuông reo liên tục. Vào nhà nhìn thấy Thịnh và Thành còn ngủ, Phan xuống tầng trệt mở cửa. Phác đưa xe vào nhà với khuôn mặt buồn bực. Phan nghĩ rằng Phác ngủ ở nhà bác Nhu, căn gác trọ những năm trước đến thăm bạn anh đã từng ngủ lại nhiều lần. Phan hỏi, “Sao mày về sớm thế này? Có gặp chị Ngân hay không? Chị còn đẹp như trước chứ?” Phan nói một hơi giọng vừa thăm hỏi vừa tỏ vẻ ái mộ. Phan cũng từng thích chị Ngân nhưng chị Ngân vẫn cao hơn nó khiến nó chỉ biết chiêm ngưỡng chị từ xa. Phác bước lên cầu thang trả lời cộc lốc:

“Chị Ngân lấy chồng rồi!”

Nói xong Phác đi vào nhà tắm và chốc lát đã nghe tiếng nước dội ầm ĩ. Phan ngồi hút thuốc trầm ngâm rồi mĩm cười một mình. Xa xa phía đông đã xuất hiện các tia nắng le lói yếu ớt và những tiếng động rời rạc của xe cộ bắt đầu. “Không hiểu tại sao đêm rồi không nghe tiếng đại bác nhỉ?” Phan tự nói rồi thêm vào, “có một ngày không có tiếng súng đạn hay không?” Thực ra say rượu làm ba người ngủ say như chết trong khi thành phố này làm sao thiếu vắng được tiếng đạn bom! Nhưng tiếng đạn bom ven đô chỉ rõ rệt vào giấc nửa đêm về sáng, lúc thành phố đang say ngủ.

Phác bước ra khỏi phòng tắm, tâm hồn yên ổn hơn. Anh hoàn toàn bị ám ảnh việc làm tình ban tối với chị Bảo trong suốt đoạn đường lái xe về nhà Thịnh. Trong phòng tắm càng nhớ nỗi hoan lạc của hai người, càng rõ tận đáy lòng anh toa rập với chị Bảo dù hơn ba năm nay anh cố tránh né việc mà thâm tâm anh cho là xấu xa đó không để xãy ra lần nữa. Thở dài Phác bước ra sân chỉ mặc quần đùi và áo thun ba lỗ. Hút hết điếu thuốc Phác vào nhà nhìn thấy Phan đang nằm ngữa ngủ, đầu gối trên chiếc sac marin dưới đất. Thịnh nằm xa hơn đang ngáy dòn dã trong khi chân trái còn gác trên cần đàn ghi ta. Thành nằm ngủ tận trong góc nhà và người nào cũng chỉ mặt cộc chiếc quần đùi, thân trên hoàn toàn trần trụi. Chiếc quạt trần chạy chậm rãi uể oải nghiêng về bên phải như muốn lao xuống đất. Trời nóng thật, Phác than liền thấy Phan mở mắt rồi nhắm lại như muốn ngủ tiếp. Anh nghĩ đến cuộc hẹn với Thủy sáng nay nên vội mặc quần áo xuống nhà lấy xe về nhà bác Dân. Phác đã dọn về ở nhà bác trước khi vào khóa 5/72 Thủ đức và nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục ở nhà bác sau khi ra trường. Anh được bác cho ở căn phòng phía sau tầng lầu hai và có lối đi riêng bên hông nhà.

Thủy đến cửa nhìn ra con đường trong hẻm dần cao thấy bóng Phác đang chờ nàng từ ngoài đường Lê văn Duyệt. Cô lấy chiếc bóp xách tay rồi đi ra sân. Lên xe, Thủy ôm anh từ phía sau. Phác nghe mùi nước hoa của Thủy chợt nhớ lại mùi da thịt chị Bảo rồi rùng mình. Chiếc xe chạy về phía Sài gòn, Thủy cúi áp mặt vào lưng Phác. “Em sao thế!” Phác hỏi, Thủy cười nói nhỏ, “Em nhớ anh!”

Hai người ăn hủ tiếu Thanh Xuân chợ cũ rồi lên quán Hân Dakao uống café. Lúc ngồi xuống, nhìn những chiếc ghế bọc nệm cũ, đống báo đủ loại ngổn ngang trên chiếc bàn góc phòng, rồi thấy bóng mình trong tấm kính bình phong, Phác cảm giác anh còn cũ hơn cái khung cảnh trước mắt. Thủy ngồi bên cạnh đang gọi café sữa cho hai người, anh cũng chợt nhận ra đấy là người yêu rất cũ của mình. Đã từng xa cách đến năm năm mới gặp lại nhau, tình cảm có khác nhưng rõ ràng được hâm nóng từ chiếc bếp lò cũ kỹ năm xưa. Phác bằng lòng điều ấy và có cảm giác được hồi sinh sau một chia lìa tan vỡ tình yêu rất lâu với chính Thủy. Quán café đang chơi Passacagliatẩu khúc cung Do thứ của Bach, vẫn từng đợt sóng nhạc của các biến tấu trầm lắng mãi mê nhưng không có gì mới mẻ cả. Phác nói với Thủy, “Em biết không, hôm nay anh có cảm giác chúng ta là Từ Thức về trần.” Thủy ngạc nhiên:

“Tại sao?”

“Vì cái gì cũng cũ dưới mắt anh. Rời thành phố một năm rưỡi trở lại, thành phố hiện lên cũ kỹ và ngay cả em cũng thế!”

Lúc này Thủy cười, “em có gì là mới đâu, chúng ta quen nhau hơn sáu năm kia mà!”, nàng nói tiếp:

“Nhưng chúng ta cũng có cái mới đấy chứ! Anh biết không?”

Phác gật đầu đưa tay nắm lấy tay Thủy. Tay nàng gầy ốm nhưng êm mát. Phác nhìn mặt Thủy nói, “tình yêu chúng ta thật mới, nhưng là mới trong cũ! Phải không em?” Thủy đồng tình trên đôi mắt. Nhìn thật lâu đôi mắt Thủy, anh thấy không chỉ bóng dáng người con gái anh yêu mà còn cả một bóng tối ngộ nhận hai người đã trãi qua. Phác hỏi, “em nhớ bản nhạc của Tchaikovsky đang chơi hay không?” Thủy gật đầu, “bản Thu ca” và đêm em gặp lại anh tại quán Dạ Khúc gần thư viện Abraham Lincoln. Hôm ấy có cả Quế Anh và về nhà đêm ấy em không ngủ được. Anh biết tại sao hay không? Em nhớ lại từng chi tiết đầu tiên quen anh cho đến khi hai chúng ta không chơi với nhau nữa. Em như người gỡ từng sợi chỉ rối để rồi quyết định không bao giờ gặp lại anh. Tám tháng sau, khi Quế Anh cho em biết anh vào Thủ Đức, em suy sụp tinh thần và cuối cùng chịu thua chính mình. Em phải đi thăm anh. Anh nói đúng vì em ngồi đây nhớ lại tưởng dường như mình trở về từ một nơi nào rất xa xôi. Anh Phan, anh Thịnh hay Quế Anh cũng thế. Cả ba như là những chiếc bóng trong đó có cả anh và em. Nếu không yêu nhau, chúng ta chỉ là những chiếc bóng trầm luân trong cuộc đời này.”

Phác nghe Thủy nói anh ngạc nhiên, Thủy ngày hôm nay dường như đã chia xẻ từ anh một nửa tâm hồn. Đó là thứ mà người ta gọi là định mệnh chăng? Phác tự hỏi, rồi đốt một điếu thuốc. Thủy ngồi dựa vào anh nhìn ra khung cửa. Bên ngoài xe đang chạy nối đuôi nhau nhưng hình như dưới mắt hai người đấy là một thế giới xa xăm nào khác!

*
Khi Phác chuẩn bị đến khu gia binh ăn trưa thì anh được thông báo có người đến thăm. Hôm nay Phác không đi bãi vì anh được phân công ở nhà làm tờ báo tường cho ngày Quốc Khánh 1 tháng 11 sắp đến. Phác bỏ ý định ăn cơm vừa tự hỏi ai đi thăm mình vào giữa trưa thứ tư trong tuần thế này? Thân nhân của sinh viên sĩ quan đều được qui định đi thăm trong hai ngày cuối tuần. Trừ trường hợp có thân nhân từ xa đến thăm bất ngờ, sinh viên sĩ quan sẽ được cho thăm trực tiếp dù đang tập ngoài bãi xa cũng có xe đưa trở về khu tiếp tân để gặp. Phác nghĩ đến cha mẹ ở Pleiku, không đời nào. Phác biết cha mẹ không buồn thăm một đứa con giang hồ lãng tử như anh ngay từ những ngày anh ra khỏi gia đình vào Sài gòn học năm mười sáu tuổi. Nghĩ đến một người con gái, Phác xua ngay hình ảnh Huyền. Theo tin từ Phan, Huyền đã đính hôn với một trung úy bác sĩ quân y ba tháng trước. Vị hôn phu này vừa mới tốt nghiệp. Hôm ấy Phan bảo, “mày bỏ hi vọng đi, nhớ thân phận của mình. Huyền không bao giờ quên thân phận của một cô gái có người yêu nhỏ hơn mình hai tuổi như mày!” nói xong nó cười như đắc thắng. Thực ra Phác chỉ đau buồn từ hôm Huyền đề nghị chia tay. Dần dần nổi đau nguôi ngoai và cho đến hôm nay, nghĩ đến Huyền, anh nhận ra mình hoàn toàn không còn cảm giác khó chịu như trước kia. Tuy nhiên anh vẫn không hình dung ra được ai đến thăm mình bất ngờ như thế này?

Qua khỏi Vũ đình trường, đến khu tiếp tân từ xa Phác đã thấy bóng dáng mãnh mai với chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây vàng ngà của Thủy đang đứng trên thềm nhìn về phía bộ chỉ huy tiểu đoàn khóa sinh dáng vẻ ngóng mong. Tự dưng lòng anh trào dâng nỗi xúc động và Phác bước nhanh vượt qua người sĩ quan tiếp tân đi bên cạnh. Đến khi bước vào nhà bát giác anh nhận ra mình đang chạy. Thủy bước đến ôm chầm anh, ràn rụa nước mắt và khi hai người ngồi xuống, chỉ nhìn đôi mắt đẫm nước mắt của Thủy Phác không thốt được nên lời. Thủy chỉ tay lên đầu Phác rồi nói, “tóc cắt ngắn như thế này làm em suýt không nhận ra!” vừa nói Thủy vừa cười nhưng gò má vẫn chưa khô nước mắt. Lúc này Phác chậm rãi đưa tay chào viên sĩ quan tiếp tân đang đứng đằng xa, rồi ông ta bỏ đi. Phác có một giờ rưỡi đồng hồ nói chuyện với thân nhân. Trên chiếc băng dài, hai người ngồi sát nhau. Thủy ôm lấy Phác nói, “em không biết có gặp được anh, chỉ nhờ người coi tiếp tân tra danh sách. Nhờ em biết khóa 5 nên mới tra ra được anh. Nếu không có lẽ em phải đi về.” Phác nhìn trên nẹp áo của Thủy có kẹp mảnh vải đen như có ý hỏi. Thủy bảo, “ba em đã mất ba tháng trước vì bệnh ung thư phổi!” Phác nói lời chia buồn xong thì Thủy hỏi, “anh có vui khi gặp em hay không?”

Phác trả lời, “em nhìn anh tất biết anh vui hay không?”, nói xong Phác thẳng thắn tâm sự:

“Anh không bao giờ nghĩ rằng người thăm anh trưa nay là em!”
“Thế trong đầu anh nghĩ rằng một cô gái nào khác?”

Thủy hỏi giọng buồn rầu, nhưng Phác lắc đầu:

“Em hiểu lầm anh, anh không có người con gái nào thăm cả! Anh chỉ suy đoán nhưng không ra giải đáp, trong đó có cha mẹ anh nhưng điều này không bao giờ xãy ra.”

“Thế anh không bao giờ nghĩ đến em hay sao?”

“Anh luôn nghĩ đến em, nhưng lại không bao giờ nghĩ rằng em đi thăm anh!”

“Tại sao?”

“Vì anh làm em thất vọng quá nhiều để có thể quyết định không bao giờ gặp lại anh lần nữa! Có đúng như thế không?”

Phác nhìn Thủy hỏi và cũng để xác minh một sự thật từng làm anh buồn khổ không kém mỗi khi nghĩ đến nàng. Thủy mỉm cười mở gói thức ăn trên bàn: một khúc bánh mì thịt, một gói xôi lạp xưởng và hai lon nước ngọt pepsi. Mở ngay một lon nước ngọt đưa cho Phác, Thủy nói:

“Em biết anh chưa ăn cơm trưa, em cũng vậy và chúng ta ăn trưa với nhau!”

Phác ngần ngừ nói:

“Em chưa trả lời anh kia mà!”

“Chúng vừa ăn vừa nói chuyện! Thực ra anh làm khó em, vì em lên đây thăm anh là đã trả lời câu hỏi của anh rồi, anh không biết hay sao?”

Phác cười bẻ đôi khúc bánh mì đưa cho Thủy. Hai người ăn bánh mì và xôi thật ngon lành. Sau khi uống nước Thủy nhìn Phác nói, “em từng suy nghĩ trong 9 tháng để có thể tự bảo mình không bao giờ gặp anh, nhưng lại quyết định tức khắc đi thăm anh ngay ngày hôm qua sau khi Quế Anh cho biết anh đã vào khóa 5/72 Thủ Đức.”

Phác cảm động xiết chặt Thủy và nàng yên lặng tựa vào ngực anh. Buổi trưa hôm nay nắng thật gắt nhưng Phác lại thấy mát mẻ dễ chịu. Làm như sự hiện diện của Thủy không những cho anh hi vọng mà còn làm anh cảm nhận nỗi ấm áp tràn ngập lấp đầy khoảng trống lạnh lẽo cô đơn thường trực trong tâm hồn mình. Trong khi đó, Thủy nghe hơi thở của Phác trên mái tóc mình chợt nhận ra tình yêu của hai người là điều mới mẻ vô cùng dù cũng đã từng xãy ra trong những năm tháng cả hai còn học trung học. Cảm giác hôm nay hoàn toàn khác biệt. Chợt Thủy quay lại nói nhỏ vào tai Phác, “anh có yêu em không?” Phác gật đầu. “Không, em muốn nghe anh nói.” Xiết chặt Thủy lần nữa, Phác nói:

“Anh yêu em từ ngày xưa nhưng lại tưởng mới yêu em từ hôm gặp lại nhau tại quán café Dạ Khúc. Anh cho rằng điều ngộ nhận ấy đã làm chúng ta xa cách nhau đến ba năm. Em có nhận ra hay không?”

“Đúng như thế, em cũng như anh. Nhưng em bằng lòng sự xác minh trễ tràng ấy. Nếu không có lẽ chúng ta không ngồi với nhau hôm nay đâu! Không có tình yêu muộn mà chỉ có sự cố chấp khiến mọi điều trong đời muộn màng, đáng tiếc mà thôi!”

Phác ngạc nhiên hơn nữa khi nghe Thủy nói. Hỏi nàng, Thủy đáp, “chính vì yêu anh mà em đọc sách văn học Việt nam rất nhiều, khi em đậu vào đại học sư phạm bộ môn Việt Văn ai cũng ngạc nhiên. Mọi người đều cho rằng em sẽ là một cô giáo dạy Pháp văn chứ không nghĩ trái ngược như thế.” Phác kinh ngạc thật sự và trong lòng anh diễn ra bao nhiêu hình ảnh lộn xộn từ một thời hai người như hai đứa trẻ cho đến hôm nay ngồi với nhau nơi đây, trong sáu năm lại như trãi qua một thời gian dài thăm thẳm. Nói với Thủy, nàng cười không nói gì. Nụ cười hồn nhiên và trẻ thơ như ngày xưa lúc mới quen nhau hỏi anh, “sao đi đường anh cứ nhìn thẳng, không sợ xe tông hay sao?”

Phác lại hỏi thăm Quế Anh, lý do biết anh đang học khóa 5/72 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thủy kể Quế Anh học đại học Khoa học, lúc vào phòng thí nghiệm hóa học gặp Lâm là giảng viên hướng dẫn, biết anh Lâm là người trong nhóm ái hữu sinh viên Pleiku nên hỏi thăm anh cầu may. Không ngờ anh là bạn thân của anh Lâm nên anh ấy cho biết chi tiết về anh như vậy.

*
Hôm nay thứ bảy, Jackie ngủ dậy sớm vì đêm rồi cô đi ngủ lúc chín giờ. Giấc ngủ của cô bị ngắt quảng vì thức giấc nhiều lần. Mỗi lần giựt mình thức dậy cô biết mình có giấc chiêm bao nhưng cô hoàn toàn quên hết nội dung của nó. Đêm qua cô thức ba lần nhưng lần nào cũng vậy, cô ngủ trở lại sau khi trằn trọc tự tìm hiểu giấc mơ làm mình không thể ngủ tiếp là gì? Vẫn không lý giải được nhưng khả năng của giấc mơ là sự pha trộn giữa sợ hãi và đau buồn. Jackie cố hồi tưởng ba khuôn mặt chi phối đời sống tinh thần của cô bây giờ: Cha, mẹ cô và Phan. Cuối cùng cô loại cha cô ra khỏi mục tiêu tìm hiểu của mình vì cô không thấy cha cô ảnh hưởng gì đến nỗi đau buồn hay sợ hãi trong tiềm thức của mình.

Chỉ có mẹ Jackie và Phan, nhưng trong cái mờ mịt của một giấc mộng không thấy chút gì ánh sáng để có thể khám phá được lý do, duy chỉ có một chút nước mắt trong giấc mơ của mình. Lá thư mới nhất mẹ cô cho hay, bà sẽ về ngày ba mươi tháng tám để mùng một tiễn Jackie đi du học. Đấy là một thông tin có thể là chiếc cầu khai thông tâm tư và tình cảm của cô. Mẹ Jackie là tổng hòa của bao nỗi buồn thương lẫn giận hờn trong tâm hồn cô. Bấy nhiêu đấy là những yếu tố căn bản đủ làm thương tổn một đóa hoa, đáng lẽ ra tươi tắn sung mãn cho một tương lai, nhưng ngược lại Jackie ngày hôm nay chỉ là một cành hoa đáng thương bị vùi dập, vì thiếu thốn bao yêu thương chiều chuộng từ người mẹ của mình. Cha cô thay thế mẹ nhưng dù yêu thương nàng mấy đi nữa, ông vẫn là người cha đủ sức bảo vệ con nhưng không đủ bù đắp cho người con gái như Jackie, một tình yêu cần thiết đằm thắm sâu xa như tình mẫu tử.

Còn Phan thì sao? Người con trai cô yêu thương với mối tình đầu đời ấy, chỉ có thể so sánh chút ánh nắng xua tan bao u ám tối tăm của một tâm hồn vốn đầy thương tổn của cô. Jackie đã tin như thế từ ngày hai người ôm nhau trong buổi hoàng hôn trên biển, ngày cuối cùng Phan về Sài gòn với Phác để vào khóa 5/72 trừ bị Thủ Đức. Phan cho Jackie một nụ hôn đầu đời và cô cũng cho Phan một niềm tin trước khi bước vào lò lửa chiến cuộc. Phan tự thú như thế trong đêm cuối cùng ngồi với Phác trong sân nhà nhìn những vì sao chập chờn trên bầu trời đêm hè Nha Trang.

Jackie lại lang thang trên bờ biển. Cô cố tìm một thứ mà cô không hề sở hữu trong tay hay trong tâm hồn mình. Tình yêu mỏng manh với Phan chỉ là ảo ảnh. Nó chập chờn và mơ hồ trong khi tâm hồn cố cho rằng đấy là thật. Tội nghiệp cho tôi, Jackie cứ nghĩ đến lời than van từ lòng mình. Đó là nỗi tủi thân, trách móc về một ý niệm hoang đường nào đó của kẻ đi trên sa mạc, nhìn thấy bóng nước chập chờn cho là thật trong khi cơn khát đang cháy bỏng cổ họng. Còn ba ngày nữa cô sẽ giã từ nơi này. Hai tuần lễ đã qua cô đi mãi miết mỗi chiều trên bờ biển. Jackie nhìn sóng đánh vào bờ, rồi sóng rút đi xa. Cô nhìn trời cao xanh và bóng đàn hải âu lượn trên hòn yến. Cô thấy mình trơ trọi và mất mát. Jackie nhớ lại. “Em sẳn sàng đi theo anh nếu anh nói một tiếng anh cần em bên cạnh. Chỉ có thế!” Phan lắc đầu, “anh không cần, em chỉ làm bận tâm anh dù anh rất yêu em.” Jackie thở dài, “nếu anh yêu em làm thế nào anh không cần em được!”

Phan bình tĩnh trả lời:

“Anh yêu em nhưng ngay lúc này, anh không cần em. Tình yêu cần nhau chỉ có lúc thanh bình, trong khi đất nước chúng ta đang chiến tranh. Sự cần thiết mà em nói không có giữa hai chúng ta hôm nay. Nghĩ sâu xa đi em sẽ thấy. Anh bằng lòng việc anh yêu em và anh sung sướng vinh dự được em yêu anh nhưng anh không bằng lòng việc em phải lệ thuộc vào anh. Em còn một tương lai kia mà!”

Thực ra Jackie hiểu ý Phan nói. Làm người đàn ông trong tình yêu dám nói như thế là can đảm và đức độ. Nhưng cuộc đời nào bình lặng đâu? Cô sống trong trình trạng trăm mối ngổn ngang từ ngày mẹ cô rời bỏ gia đình. Phan cho cô niềm tin trong bao mất mát cuộc đời mà cô đã chịu, nhưng Phan cũng làm cô hụt hẫng. Cuối cùng chỉ tại hoàn cảnh xua đẩy cô gặp Phan và ngược lại đối với Phan cũng thế. “Không ai muốn dang dỡ trong tình yêu nhưng tình yêu luôn luôn hàm chứa khả năng dang dỡ. Làm như dang dỡ mới là điều chính yếu làm nổi bật ý nghĩa tình yêu chứ không phải hạnh phúc. Tình yêu mà kết quả là hạnh phúc từ đó chỉ có dấu chấm hết. Không có gì đáng để nói thêm!”

Phác nói quả quyết như thế trong đêm cuối cùng tại Nha Trang, khi Phan kể mối tình của mình. Và Phác bảo, “tao tâm phục khẩu phục mày đấy Phan. Không ngờ đến mày yêu lần đầu tiên trong đời lại có thể can đảm nói lên điều cao cả, mà hầu như những người đang yêu không làm được!” Phan nhăn mặt chua chát nói, “mày đánh giá tao quá thấp đấy thôi!” Phác im lặng như thừa nhận và cũng để nhận lỗi mình nói với bạn như thế.

Phan và Phác lúc ấy không nói thêm lời nào. Bầu trời đêm cuối cùng tại Nha Trang như quấn chặt hai người. Mỗi người một thế giới riêng nhưng lại có điều chung nhất: nỗi đau tuổi trẻ, sự mất mát và đỗ vỡ của cả một thế hệ. Họ chính là đại biểu của loài chim ước mơ đem tiếng hót làm niềm vui cuộc đời, nhưng kết quả cũng chỉ là loài quạ đen hay kên kên đói khát trên cánh đồng ngập tràn xác chết đồng loại.

 
 

(Trích Truyện Dài "Có Một Thời Nhân Chứng")

Lê Lạc Giao