Bác Dân

 
 
 

Hảo còn đang mơ màng thì cha anh đã đánh thức anh dậy. Giấc ngủ trưa dở dang và xa lạ. Tuy là giấc ngủ ở nhà nhưng anh vẫn có cái cảm giác mình còn trong trại cải tạo. Bằng chứng là lúc chổi dậy anh chỉ nghĩ đến buổi lao động chiều và cha anh tóc bạc trắng đứng ở đầu giường là ông Linh tổ phó đang phân công tác. Khi nghe cha anh bảo, “Con đi với ba xuống thăm bác Dân, bác có bảo phải chở con xuống cho bác gặp mặt nói chuyện khi con được tha,” lúc ấy anh mới nhớ mình đã ra khỏi trại được ba ngày.

Hôm trở về thành phố Hảo mang tâm trạng của Lưu Nguyễn về trần. Tuy hơn tám năm so với một kiếp người chả là bao nhưng hoàn cảnh của anh có khác với nhiều người. Năm Hảo nai nịt lên đường học tập cải tạo anh hai mươi bốn tuổi rưỡi, và hôm anh đi thành phố đang chuyển mình thay đổi. Phải nói Hảo hăm hở ra đi mới đúng vì Hảo nhớ đến Xuân người bạn thân hiền lành và lý tưởng bảo, “mày cố gắng đi vài tháng học tập chính trị cải tạo tư tưởng là cùng. Đất nước thống nhất là một dịp may lịch sử. Mày có nhớ lại những buồn phiền của chúng mình khi thấy cùng là người Việt mà không biết Hà Nội, Hồ Gươm, Tháp Rùa, Phố Cổ Ngư, đền Ngọc Sơn ... như thế nào. Thậm chí có cả cảm giác hổ thẹn khi thấy quê hương mình cứ như bị chia cắt bởi định mệnh.”

Thời gian học tập cải tạo ngắn ngủi mà Xuân bảo lại kéo dài lê thê như thứ định mệnh hắn đã nói với Hảo. Tám năm tiêu hao hết tuổi trẻ sức lực của anh trong các trại tập trung lao động và bù lại anh cũng được đi thăm viếng đủ các miền đất nước của một quê hương thống nhất. Hảo thấm thía hơn khi trải qua hai mùa gặt hái vùng trung du, thượng du Bắc Việt với cái lạnh đông xuân cắt da xẻ thịt đối với những người tù thiếu ăn thiếu mặt. Lúc chuyển sang Sơn La Mộc Châu anh nhận thức đậm đà ý nghĩa của câu “nước Sơn La, ma Hòa Bình”. Về đông bắc Hảo biết được quê hương mỏ than Hòn Gai Cẩm Phả và thân phận người tù biệt xứ. Đến năm thứ sáu anh còn cụ thể tham dự vào việc mở rộng đất đai vùng bùn lầy nước đọng của khu Cẩm Thũy Thanh Hóa với trại Đầm Đùn nổi tiếng mà ngày xưa anh đọc được trong thời gian còn làm việc ở Bộ Thông Tin.

Hảo cũng được ngồi xe lửa Thống Nhất Bắc Nam nhưng không có đủ tâm trạng yên vui của bản nhạc “Đường tàu mùa xuân” mà anh nghe mỗi sáng trong trại cải tạo. Anh chỉ được ghé mắt nhìn bờ dài đất nước qua khe cửa đóng sập lại vì lý do an ninh lúc chuyển tù vào Nam. Đến Phủ Lý, Bình Lục Hà Nam quê hương của cụ Nguyễn Khuyến, Hảo được chuyển vào trại Nam Hà và mỗi buổi trưa anh thường leo lên giường ngủ tầng trên len lén nhìn qua cái lổ thông hơi tròn vừa đủ nắm tay mà quan sát những ngọn núi đá vôi và làng xóm quạnh hiu dưới chân núi rồi tưởng tượng đến bài Thu điếu, Thu ẩm của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Ba tuần lễ ở trại Nam Hà chấm dứt bằng một buổi sáng với hơn tám chiếc xe molotova chở người như nêm cối ra ga Bình Lục. Đám tù miền Nam hơn ba trăm người dồn vào căn phòng chưa đến bốn mươi mét vuông chen chúc đứng chứ không có chỗ để ngồi. Cứ mỗi hai người chia chung một chiếc còng số tám rèn vụng về làm bật máu cổ tay khi cố gắng di chuyển đến nhà vệ sinh cuối hàng rào. Cuối cùng mọi việc cũng xong, và sau ba ngày bốn đêm dật dờ trên con tàu Thống Nhất, Hảo cùng các bạn về đến trại Hàm Tân Thuận Hải miền Nam lao động cật lực thêm hơn một năm rồi trở về đoàn tụ với gia đình như các cán bộ quản giáo thường ân cần nhắc nhở trong suốt tám năm cải tạo.

Xuống xe đò chuyển sang xe xích lô máy ở bến xe Hàng Xanh, con đường Hiền Vương ngày xưa bây giờ là Võ thị Sáu lạ đến độ Hảo không còn nhận ra vì hai hàng cây bạch đàn độ bốn tuổi đủ sức che hai dãy phố đóng cửa im ỉm phía sau. Thực ra con đường không thay đổi nhiều ngoài thêm màu xanh của cây cối nhưng với Hảo anh thấy hết sức lạ lẫm. Anh boăn khoăn không hiểu vì mình xa lạ hay con phố này làm mặt lạ với anh.

Hảo đếm đến cây cột đèn thứ năm bên lề trái là nhà của anh như cha anh viết thư lên trại bảo. Nhà này mua sau khi anh đi cải tạo được sáu năm. Cha anh mở tiệm tạp hóa bán kim chỉ và dăm ba món đồ vụn vặt sống qua ngày. Lúc bước vào nhà dì anh lên lầu kêu ba anh xuống và cha anh là một ông cụ đầu tóc bạc phơ xuống cầu thang ôm anh vào lòng như khi còn bé làm anh cảm động. Anh tự bảo, cha anh lúc nào cũng xem anh như đứa trẻ không khác gì hai mươi năm trước. Trong khi đó anh nhớ ngày anh lên đường vào trại cải tạo tóc cha anh mới hoa râm, ngày trở về thì tóc anh không kém cha anh tám năm trước. Hảo về với gia đình đã hơn ba mươi hai tuổi chứ còn nhỏ nhít gì như dì anh thường nói với cha anh khi ông bắt anh phải đi ngủ sớm những hôm đầu mới về nhà.

Hảo nghiêm chỉnh ngồi sau yên xe honda cha anh chở. Ông bảo, “con bây giờ như người ngoại quốc, phải có thời gian học tập luật lệ lưu thông mới có thể lái xe honda. Tuy xe gắn máy không nhiều như ngày xưa nhưng con người xã hội chủ nghĩa lái xe phong thái lắm phải hết sức cẩn thận mới được.”

Hảo ngẩm nghĩ những lời cha anh vừa mới nói, hóa ra các cán bộ của trại cải tạo nói không sai. Không phải về đến nhà là xong mà phải luôn học tập cho quen với con người xã hội chủ nghĩa. Cha anh vừa lái xe vừa giải thích những công trình kiến trúc lớn lao trong thành phố do người cộng sản xây dựng trong hơn ba năm qua. Giọng nói của ông vừa có vẻ khâm phục lại vừa có vẻ mỉa mai. Tám năm tù tội làm Hảo quen với kiểu tư duy giản đơn nhưng với những đổi thay chung quanh làm anh trố mắt nhìn. Cái gì cũng lạ. “Con xem cái nhà hát lớn Hòa Bình trong sân Việt Nam Quốc tự kìa thật là vĩ đại.” Cha anh dừng xe cạnh đường rồi chỉ cho anh cái công trình lớn lao kia vừa nói vừa xuýt xoa có vẻ tiếc rẻ.

Rõ ràng ông không phải khen thật mà lại có ý phê phán là có nên phí phạm công của cho một nơi giải trí trong khi mọi người còn phải ăn độn rau sắn trong bửa ăn hằng ngày. Hảo thầm nghĩ cha anh đã thay đổi chứ không phải như tám năm trước viết thư cho anh ông bảo, “người cộng sản cây kim sợi chỉ không màng.” Sau này nghe đâu bác họ xa anh một người sống lâu năm trong vùng giải phóng có nói với ông “quả thật người cộng sản không màng đến cây kim sợi chỉ, họ chỉ màng đến cái nhà máy làm ra cây kim sợi chỉ” thì cha anh mới thật sự vỡ mộng.

Căn nhà bốn tầng của bác Dân nằm trong con hẻm lớn đường Trần Hưng Đạo như phủ một lớp rêu xanh. Hảo có cảm tưởng như thế vì không còn có chút gì sạch sẽ tươm tất như ngày xưa lúc anh trọ học. Từ đầu hẻm nhìn bốn cây cọc sắt hoen rỉ của tầng lầu bốn buồn rầu nhô lên bầu trời xanh tháng sáu cùng cái củ kỉ hỗn tạp và có chút sặc sỡ của những tấm các tông đóng vá víu lên những tấm tole thủng nát vì mưa nắng làm anh liên tưởng đến những bức tranh phố của Bùi Xuân Phái.

Bác Dân đón hai cha con bằng câu chào ngày trước. Hóa ra con người không ai thay đổi nhiều, chỉ có thành phố này biến dạng đi mà thôi. Hảo võ đoán như thế. Anh tò mò quan sát bác Dân người mà gia đình anh xem như thân thuộc từ hơn hai mươi năm trước. Chiếc quần đùi kaki sờn cũ, áo thun ba lỗ cháo lòng và cặp kính lão xệ xuống mũi của bác làm Hảo nhớ đến ông thợ vá giày năm xưa ở cao nguyên. Bác gầy và già hơn xưa rất nhiều. Bác không còn là một ông già đỏm dáng quần áo phẳng phiu ngậm píp đi thăm anh cuối tuần trong thời gian anh đi khóa dự bị sĩ quan Thủ Đức nữa. Trên mặt bác nếp nhăn ngang dọc và vẫn thế, “cái thằng này phải lo lấy vợ ngay” bác Dân nắm tay dúi lên vai Hảo nói y chang câu nói năm xưa mỗi khi bác gặp anh.

Bước vào trong căn phòng khách của bác Dân, Hảo giật mình. Căn phòng phía trong tối om và nặng mùi ẩm mốc, chỉ có chổ ngồi ba người là có chút sáng nhờ khung cửa ra vào. Định thần một chốc Hảo mới nhìn rõ chung quanh trong khi cha anh nói chuyện tự nhiên với bác như đã quen thuộc lắm với cái đổi thay này. Tứ phía chai lọ bình hủ ngổn ngang, Hảo thầm nghĩ đồ cổ mới đúng. Anh nhớ ngày xưa bác Dân vốn mê đồ cổ vô cùng. Ngày lên thăm cha anh ở Pleiku, bác suốt ngày săm soi chiếc lọ Khang Hy và bộ lư đồng Đại Minh. Những chai lọ này chắc là đồ cổ đây. Không biết giá trị như thế nào nhưng Hảo nghĩ có được số lượng sành sứ này bác Dân phải bỏ ra một số tiền không phải nhỏ. Hảo đứng lên và cẩn thận dọ dẫm từng bước trên cái lối đi chỉ vừa lọt một bàn chân vì sợ vô ý đụng chạm hoặc làm rơi những chiếc bình lọ bày ngang dọc và cheo meo trên năm hàng kệ đóng có vẻ sơ sài. Đến cuối phòng anh mới để ý là cánh cửa thông xuống bếp đóng kín phải nói là phong lại mới phải vì thay vào chổ cửa lên xuống là hai chiếc độc bình khổng lồ nhưng sứt miệng và hơn chục chiếc tách trà treo lòng thòng trên hai hàng đinh dọc theo khung cửa. Hảo chú ý và lấy làm lạ là đám đồ cổ của bác Dân dường như không có cái nào là nguyên vẹn cả. Có cái bình sứt vòi, cái chén mẻ miệng, cái tượng cụt tay, cái ché gảy quai. Đến bộ Bát tiên thì Hảo còn khám phá ra tượng Lý thiết Quài được thế bằng một ông tiên gảy chân râu dài ba chòm còn cây nạng bằng sành thế bằng chiếc đủa mun cắt ngắn. Khi nhìn Trương quả Lão ngồi ngược cưỡi lừa thì khôi hài hơn là con lừa bị gảy bốn chân biến ông tiên đang ngồi trên con lừa nằm. Nếu có cái nào nguyên vẹn thì cái ấy chẳng qua được vá khéo léo lại bằng xi măng.

Lúc Hảo trở về chỗ ngồi, anh hỏi bác Dân sức khỏe như cha anh dặn trước ngoài ra tuyệt đối không hỏi thêm chuyện gì dù cảm thấy lạ lùng. Bấy giờ anh mới nhận cha anh nói đúng. Cái căn phòng khách này trở nên kỳ bí với đám đồ cổ ngổn ngang như bát trận đồ kia và bác Dân ngày xưa đang lúi húi lôi từ gầm xa lông ra một chiếc hộp gỗ như một chiếc va li con. Khi bác mở ra thì ôi thôi một đĩa lòng heo, một chén mắm tôm, hai con khô mực, và một đĩa bì thái nhỏ. Bác Dân chỉ đĩa lòng và nói, “Thứ này ngon lắm bác mua tận lò heo, hôm nay cháu phải nhậu với bác một bữa. Rượu Gò đen thứ thiệt bác để dành hơn sáu tháng. Hai tuần trước ba cháu đòi uống nhưng bác không cho vì bác nghĩ thế nào cháu cũng về. Mà cháu về thật. Cháu không thay đổi gì nhiều lại có vẻ mập hơn trước thế cũng lạ.”

Nói dứt lời bác Dân thò tay xuống gầm xa lông lôi ra một chai rượu đầy bụi. Bác lấy chiếc áo may ô đang mặc lau sơ cái chai rồi tiếp tục cũng từ cái đáy thùng sa lông bác lôi ra thêm ba chiếc tách sành con màu gan gà. Hảo thầm nghĩ đến bộ tách Thế Đức nên hỏi ngay, bác Dân trả lời, “Đúng là Thế Đức đấy cháu ạ, nhưng chỉ còn ba chiếc. Dùng chén Thế Đức uống rượu là không phải cách, nhưng bác vẫn thích hơn dùng ly. Nào chúng ta bắt đầu.” Nâng ly rượu lên môi nhắp thử, Hảo thấy vị chua chua và sau khi uống cạn gắp miếng lòng cho vào miệng anh lại thấy có cả mùi hôi của lòng heo thiu. Hảo nín lặng cố gắng nuốt miếng mồi vừa gật đầu và nở một nụ cười như thỏa mãn lắm với cái dư vị mà anh cãm thấy khó chịu còn nằm trong cuống họng khi thấy bác Dân nhìn anh hỏi, “thế nào, có ngon không?”

Hảo gật đầu thừa nhận sự dối trá của mình và trả lời những câu quen thuộc như những người hàng xóm hỏi anh trong ba ngày anh về lại thành phố này. “Khó khăn gì rồi cũng quen đi, vả lại con còn trẻ nên đủ sức chịu đựng những khó khăn trong tù.” Cái câu nói ấy Hảo soạn sẵn và hết sức hài lòng vì nó diễn tả đủ cái ước muốn của anh. Không cường điệu lắm như những người tù cải tạo khác mà lại lịch sự lẫn logic. Khi trả lời như thế Hảo cho mình vào nhóm trung dung. Cái trung dung che dấu sự mệt mõi của những năm tháng tuy không đến nỗi nằm gai nếm mật nhưng anh cho là đủ chín một triết lý sống. Đủ im lặng tiếp nhận cái bình thãn nhận chìm những sóng gió của những năm đầu tiên đi tù, và cái triết lý sống của anh là chuyện qua rồi thì không còn gì nữa dù cay đắng hay ghê gớm ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng lẫn cuộc đời mình. Hận thù mù quáng không giãi quyết được chung cuộc lịch sử vì lịch sữ không phải chỉ bắt đầu bằng lịch sử của từng cá nhân. Và bản thân từng người có bổn phận hiểu rằng mình đang đứng chổ nào trong dòng lịch sử ấy mà đưa ra một phán xét nếu cần.

Uống ly rượu thứ năm của bác Dân. Hảo đứng lên săm soi những chiếc bình sứt miệng của bác. Anh loáng thoáng nghe bác Dân đề nghị anh lấy vợ. Vẫn thế với bác, chuyện muôn năm của đám trẻ không ngoài chuyện lấy vợ gả chồng. Bác Dân không từng đề nghị với anh từ những năm anh còn học trung học. Mỗi lần nghe bác nói, cha anh chỉ trả lời bằng nụ cười nhẹ nhàng hàm chứa việc ấy không quan trọng. Và bác Dân vẫn thường bực tức khi nhìn thấy những đề nghị của mình không được tiếp nhận tích cực cho lắm.

Hảo nhớ đến đám con của bác. Người nào cũng thông minh giỏi giang. Quãng thời gian xa cách quá lâu không đủ cho anh nhớ lại đầy đủ những khuôn mặt quen thuộc ngày xưa trong gia đình bác. Hảo chỉ loáng thoáng nghe kể là trong biến cố cuối tháng tư gia đình bác chỉ còn một nửa, một nữa di tản sang Hoa Kỳ. Đám đi sang Mỹ do bác Dân gái dẫn đầu. Lý do mà bác Dân không di tản cùng vợ con là do sự chia rẽ trong gia đình mà sự chia rẽ này bắt đầu từ những năm di cư vào Nam. Bác Dân là một con người vừa bảo thủ lại vừa chuyên chế. Lời nói của bác tương đương với phát ngôn của một ông vua. Có nghĩa dù vô lý hay không đúng sự thật lời nói ấy phải được chấp nhận trong khuôn khổ thần dân phục tùng đấng tối cao. Tuy nó không là khuôn vàng thước ngọc đi nữa mọi người trong gia đình phải thừa nhận giá trị gia trưởng của câu nói.

Bác Dân nói với anh Quyền, người con trai trưởng, “Con đã lớn, lấy vợ không những là qui luật tự nhiên mà còn là bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình. Tuy nhiên, không phải bạ đâu lấy đó. Phải chọn lựa hẳn hoi. Con gái gia đình phải nền nếp và đầy đủ công dung ngôn hạnh. Lấy vợ chọn tông lấy chồng chọn giống. Con nhớ đấy. Xem cô gái nào con thích, cho cậu biết để cậu lên nhà xem gia thế ra sao.” Anh Quyền năm ấy ba mươi tuổi, đại úy an ninh quân đội, khoanh hai tay trước ngực đứng tựa vào vách mà không dám ngồi lắng tai nghe lời dạy bảo của cha. Thỉnh thoảng anh gật đầu và trên đôi mắt anh diễn tả cái phục tùng muôn thuở của một người con hiếu hạnh.

Hơn hai năm sau bác Dân đây đó theo anh Quyền khắp bốn vùng chiến thuật để hỏi vợ cho anh. Cô gái nào cũng đẹp, gia thế đàng hoàng vì anh Quyền trẻ tuổi cấp bậc cao, đẹp trai lại ăn nói duyên dáng. Nhưng với bác Dân cô này được dung mạo lại thiếu ngôn hạnh, cô kia được ngôn hạnh lại thiếu công dung. Anh Quyền gặp bạn bè thểu não nói, “tốt mả rã đám các cậu ạ!” Cứ như thế mà năm ba mươi bốn tuổi anh vẫn chưa lấy được vợ. Lúc bấy giờ có ai hỏi bác chuyện vợ con của anh, bác Dân lại bảo, “thằng con tôi nó đại bất hiếu vì đến giờ này nó không thèm lấy ai cả” làm như chuyện anh Quyền lấy vợ thuộc quyền quyết định của anh vậy.

Hai năm Hảo trọ học ở nhà bác Dân, anh cũng không tránh khỏi là nạn nhân của chuyện lấy vợ gả chồng mà bác làm đạo diễn dù năm ấy anh mới mười chín tuổi. Bạn gái của Hảo đến nhà chơi, cô nào cũng bị bác điều tra hỏi thăm gia thế sau khi bác quan sát kỹ diện mạo bề ngoài. Kết quả không cô bạn học nào dám đến thăm anh nữa. Hỏi lý do họ chỉ nói, “bác của anh dễ sợ quá!”

Bác Dân cho rằng bác thay thế cha anh và có bổn phận đối với anh dù thứ bổn phận này không bao giờ được minh định rõ ràng. Hảo khó chịu lắm nhưng anh không dám nói ra. Anh nhớ những hôm bác Dân vắng nhà, anh thường xuống phòng khách săm soi chiếc roi da bác treo trên vách. Cạnh chiếc roi là một bảng chỉ dẫn những nơi quan yếu trên thân thể không được đánh. Khi đọc xong bãng chỉ dẫn này Hảo thường tự hỏi, nếu bác Dân xử dụng chiếc roi này bác viết ra bản chỉ dẩn này làm gì? Hỏi chị Lộc em anh Quyền về chiếc roi, chị buồn rầu bảo, “bố chị mang chiếc roi này từ Bắc vào. Trong nhà không đứa nào tránh khỏi bị đòn mỗi khi có lỗi. Bố chị nghiêm khắc lắm và dù lớn như anh Quyền vẫn không tránh khỏi bị ăn roi. Còn chiếc bảng chỉ dẫn là cho mẹ chị. Nhưng mẹ chị có xử dụng chiếc roi này bao giờ.” Có lẽ phương pháp giáo dục của bác làm chia rẽ tình cảm vợ chồng. Trong suốt hai năm trọ học chưa bao giờ Hảo thấy bác Dân gái nói chuyện với chồng. Khi rãnh rổi ngồi uống trà với bác Dân, anh đề cập đến bác Dân gái, bác không trả lời mà chỉ phán một câu, “đàn bà đái không qua ngọn cỏ.” Lời nói đượm vẻ khinh bỉ của bác kèm theo cái bỉu môi như cho rằng không có chỗ đứng xứng đáng cho đàn bà trong cái gia đình này. Điều này quả thật không ngoa đâu! Khi Chị Lộc lấy chồng, bác Dân gái bỏ nhà theo sống với hai vợ chồng chị, và rất ít khi về thăm nhà dù nơi ở của hai vợ chồng chỉ cách một con đường. Hành động của bác Dân gái không hề làm bác Dân trai thay đổi quan niệm sống của mình mà còn làm cho bác độc đoán hơn trong phép cư xử hằng ngày với vị thế gia trưởng của mình. Đối với mọi người chuyện có vợ trong nhà hay không thật vô nghĩa. Và bác thường nói không có vợ thì chợ cũng đông mỗi khi có người quen gặp bác đi chợ Nancy mỗi sáng. Bác bình tỉnh thay thế vợ trong việc bếp núc và không cho Hướng đứa con gái mười chín tuổi đụng chạm gì vào việc nội trợ gia đình.

Bác Dân tiếp tục độc quyền trong việc nấu nướng và cái thực đơn muôn thuở của bác là thịt đông và canh rau đay. Hôm nào bác vui có thêm món trứng tráng mỏng hơn tờ giấy. Kết quả của món ăn mà bác cho là đầy giá trị dinh dưỡng ấy mà đám con nhà bác đứa nào cũng như những bộ xương cách trí. Thực ra những món ăn của bác Dân không thiếu giá trị dinh dưỡng nhưng ngày nào vào bửa cũng nhìn thấy bát thịt đông và canh rau đay khiến cả nhà ai cũng phát ngấy và không ai có can đảm ăn bát cơm thứ hai. Hảo thường mỗi tối ra tận đầu đường ăn thêm bát phở hoặc khúc bánh mì thịt cho đỡ đói và tình trạng ấy đã làm Hảo tìm cách ra khỏi nhà bác Dân khi anh bắt đầu học năm thứ hai đại học.

Thoáng một cái chớp mắt mà đã hơn mười năm. Hảo đón ly rượu của bác Dân một cách miễn cưỡng trong khi cha anh ngồi im lặng không nói thêm tiếng nào. “Con muốn say rồi xin bác ly này là ly cuối cùng.” Hảo nói với bác Dân như van lơn. Bác cười, hai hàm răng gần mòn nhẵn xuống tận nứu. Khuôn mặt ngày xưa uy quyền của bác bây giờ không kém một trái táo khô, tuy nhiên trên làn da nhăn nhúm buồn rầu vẫn không dấu cái cái khó khăn và độc đoán của một người suốt đời ra lịnh cho người khác thi hành.

Cháu ráng ổn định cuộc sống rồi lấy vợ. Bác Dân nói với Hảo như nhắc nhở sau khi gắp miếng bì cho vào miệng trệu trạo nhai. Vẫn thế, bác không quên cái luận đề vợ chồng của mình dù rằng bác đã thất bại không biết bao nhiêu lần rồi trong đó có cả bản thân bác. Hảo suy nghĩ đến các đứa con của bác và thắc mắc không biết bây giờ họ trôi giạt nơi nào mà căn nhà bề thế này hiu quạnh và lạnh lẽo như một ngôi miếu cổ. “Con uống ly rượu cuối cùng rồi về. Con còn phải lên thăm chị hai con.”

“Anh không để cháu nó chơi với tôi một hôm, gần mười năm rồi không gặp tôi muốn nói chuyện nhiều với cháu.” Bác Dân nói với cha anh sau khi thấy ông muốn ra về. Cha Hảo lắc đầu, “Cháu còn nhiều chỗ phải đi. Rãnh rỗi nay mai cháu nó sẽ xuống chơi với anh.” Khuôn mặt bác Dân chợt bừng lên nét giận. “Anh lúc nào cũng thế, không bao giờ ngồi lâu hơn một giờ. Nếu anh chở cháu về thì đừng bao giờ xuống đây nữa.” Bác Dân gằn giọng nói với cha anh. Hảo cười nói, “bác lo gì, ngay ngày mai sau khi đi trình diện ở công an thành phố, con xuống bác chơi. Con chỉ sợ bác không có thì giờ mà thôi.”

Bác Dân im lặng không nói thêm tiếng nào, lúi húi thu dọn bác đĩa cho vào hộc. Đóng cánh cửa tủ xong bác quay lại xua tay,"hai cha con về đi, tôi còn phải đi chợ.” Quay nhìn cha, Hảo thấy ông mĩm cười lắc đầu. Ông ra dấu cho Hảo đứng dậy rồi nói, “Cha con tôi về, vài hôm nữa cháu lo giấy tờ xong sẽ xuống anh chơi.” Bác Dân lớn tiếng nói, “Con người anh bảo thủ và không bao giờ thay đổi.” Nói xong bác Dân gác chân lên bàn và móc trong túi quần ra một chiếc tube aspirine rồi mở nắp lấy một cây tăm bằng sắt ra xỉa răng.

Hảo đứng lên chào bác Dân lần nửa rồi theo cha ra cửa. Anh thấy nét mặt bác Dân bừng nét khinh bỉ như ngày nào anh hỏi thăm bác Dân gái. Cha anh chầm chậm lái xe ra đầu hẻm. Đến đường Trần Hưng Đạo cha anh mới nói. “Ông Dân điên rồi, vì tình nghĩa ngày xưa mà ba mới đưa con xuống thăm chứ trong lòng ba không muốn chút nào.”

Trên đường về nhà cha anh kể lại, sau năm bảy lăm tính tình bác Dân mỗi ngày mỗi tệ hơn. Anh Quyền đi học tập cải tạo được một năm thì vợ anh không chịu nỗi cha chồng nên về sống với cha mẹ ruột và hai năm sau đi lấy chồng khác. Bác Dân đã lên nhà con dâu chửi rũa và bị công an bắt giam ba hôm mới thả về. Nghĩa em chị Lộc lấy vợ năm bảy chín đáng lẻ ra sống với cha nhưng tính tình ông làm hai vợ chồng phải ra riêng sống sau đó vượt biên và đang định cư ở Canada. Phúc đứa con trai út, vốn tính ngang bướng từ nhỏ gây gỗ thường xuyên với cha nên bỏ nhà theo đám hút xách hư hỏng, lâu lâu về nhà một lần theo cửa sau lên lầu ba ngủ và hôm sau lại ra đi. Bác Dân sau khi gia đình tứ tán, tự cô lập mình trong căn phòng khách với một cái bếp dầu hỏa và đám đồ cổ vô giá trị mà ông đi lượm và xin được khắp nơi trong thành phố. Ông sống như chiếc bóng và chờ anh Quyền đi học tập trở về. Khi anh Quyền ra khỏi trại về sống với cha thì không hiểu là do tính tình khắc nghiệt của ông hay nổi buồn mất vợ mà một buổi tối sau khi đi uống rượu về đã thắt cổ tự tử ngay tại phòng ngủ lầu hai. Anh Quyền chết mà không ai hay biết vì bác Dân từ lúc cô lập mình trong phòng khách không bao giờ thèm bước một bước lên cầu thang lầu. Khoảng mười ngày sau vì không chịu nổi mùi hôi thúi từ lầu hai mà nhà bên cạnh đi báo cho công an khu vực mới phát giác ra cái chết của anh Quyền. Tình trạng gia đình như thế càng làm cho tính tình bác Dân tồi tệ hơn. Ông dở điên dở khùng từng cơn. Đôi khi đang nói chuyện với mọi người rất bình thường thì bất chợt nổi cơn bắt bẻ rồi quát mắng bất kể là ai. Từ đó trong xóm không ai dám bắt chuyện với ông ta nữa.

Hảo hỏi cha khi hai người bước vào nhà chị Hảo,"Thế bác Dân có thường gây gổ với ba hay không?” Cha anh cười, “Dĩ nhiên nhưng ba chịu đựng được. Nhiều hôm ông đi xích lô lên đây cãi với ba một chuyện đã xãy ra hơn hai mươi năm. Ba nhịn chỉ nghe ông nói. Nói mệt ông lên xe xích lô về. Tuy thế, ba thỉnh thoảng vẫn xuống thăm và được tiếp đãi bằng lòng heo thiu như con ăn vừa rồi. Ông vẫn hay nói đến cao lương mỹ vị như một nổi ám ảnh mà thực tế không phải ông không có tiền. Tiền đám con ở Mỹ gửi về mà ông nhận hàng tháng không biết ông cất giữ ở đâu chỉ thấy ăn thường xuyên thức ăn thiu hôi và uống thứ rượu chua mùi hèm.

“Thế còn thằng Phúc bây giờ thế nào.” Hảo hỏi cha. “Phúc bỏ nhà lêu lổng, lâu lâu về nhà với đám thanh niên hư hỏng thành phố. Nó dùng tầng lầu ba làm nơi chứa chấp đám xì ke, ma túy. Nghe đâu tuần rồi nó bị bắt và đưa đi cải tạo ở trung tâm cai hút Bình Triệu rồi.

Chị Thái múc cho mỗi người một ly chè đậu rồi nói, “Ba với Hảo chiều nay ăn cơm với con. Con nhớ hai tuần trước thằng Phúc có ghé con hỏi mượn tiền nhưng con không cho vì nó quá bệ rạc. Tuần rồi mới biết nó bị bắt.” Hảo nhìn chị và cha rồi thở hắt ra như muốn xua đi bao chi tiết anh biết được từ lúc xuống nhà bác Dân. Anh hình dung chiếc píp rope nằm chơ vơ trên bàn và giọng điệu thất vọng của bác hai tuần lể sau khi anh Quyền cưới vợ. Bác Dân đã lắc đầu nói với Hảo, “nó cưới cái con mille trous”.

Anh Quyền lấy người vợ rổ mặt như để trả thù cái khó khăn bao nhiêu năm của cha trong quan niệm lấy người vợ công dung ngôn hạnh . Ảnh hưởng của bác Dân đối với con cái mờ nhạt dần từ lúc anh Quyền lấy vợ và chị Lộc gả chồng. Cả hai người ra riêng và từ đó bác Dân bắt đầu sống trong cái ốc đảo của mình. Hảo nhớ đến chiếc roi của bác ngày xưa mà lúc ban chiều anh không còn thấy nó treo trên vách nữa. Thực ra chiếc roi biểu tượng quyền uy của bác đã bị lớp bụi phủ đầy những năm sau này khi Hảo có dịp đến thăm bác. Ngày ấy nhà bác đã mang cái không khí ngôi miếu cổ mà bác Dân và đám đồ cổ của bác không khác xa nhau bao nhiêu. Ngồi yên lặng uống trà với bác, Hảo nhìn bác và những con hạc, con rùa mà có cảm giác mình đang sống trong một thế giới thật giả lẩn lộn. Bác Dân đã trở thành một thứ tượng cổ bằng sành bằng đất mà dưới mắt đám con bác tồn tại như thứ đồ cổ lỗi thời lạc điệu.

Hảo ra trước sân ngôi nhà chị Thái ở. Khung cảnh không thay đổi nhiều nhưng anh vẫn thấy sao xa lạ quá chừng! Anh nhận ra anh giống như bác Dân không còn thuộc về thế giới hiện tại này nữa mà chỉ là những ảnh tượng sứt mẻ của một thời xa xăm. Dù có vá víu khéo léo cũng chỉ là những đồ vật vô giá trị, chỉ làm cho người xem cảm thấy khôi hài dù đáy lòng họ có chút bùi ngùi thương tiếc.

 
 

Lê Lạc Giao