Bên Này Ước Vọng

 
 
 

(tiếp theo)

Bà Ngọc Trân và Thục về thị xã ở nhà bà Hằng vốn là em họ con cô cậu với bà. Nhà bà Hằng rộng rãi, tiện nghi nên hai ngày ở thêm hết sức thoải mái. Sáng ngày thứ hai lúc tám giờ sáng một thanh niên mặc thường phục lái xe Jeep đến nhà. Bà Hằng giới thiệu là cháu của mình, Thành đang là sinh viên sĩ quan võ bị Đà Lạt về phép ba ngày và sắp sửa trở lại trường. Thành cha mẹ mất sớm, dì Hằng không con tiếp tục nuôi Thành như con ruột. Thành mời cả nhà đi ăn phở. Giới thiệu với Thục, Thành quấn quít không rời. Bà Hằng nháy mắt với bà Ngọc Trân khiến bà phải dời lại một ngày trước khi trở về Pleiku.

Thục mười chín tuổi, xinh đẹp và nhiều bạn trai đeo đuổi nhưng cô thờ ơ vì hoàn cảnh cá nhân chi phối. Tuy nhiên, khi gặp Thành cô thấy mình có chút thích thú vì sự bặt thiệp và dí dỏm của anh ta dường trực tiếp giảm thiểu sự căng thẵng từ cuộc sắp xếp hội ngộ với cha cô thất bại hôm trước. Thành đưa Thục đi thăm những thắng cảnh của Ban mê Thuộc. Chiều về sau khi ăn tối hai người đi uống café nơi rừng thông trước khi về nhà. Hôm sau hai mẹ con bà Ngọc Trân về lại Pleiku bằng xe đò. Thành đưa hai người ra bến xe và tỏ vẻ quyến luyến trước khi từ giã. Thục hứa sẽ viết thư và ngày tiếp theo Thành cũng trở về trường võ bị Đà Lạt tiếp tục năm cuối khóa 24 của mình.

Những ngày tháng tiếp theo là chuỗi thời gian vô định đối với Thục mỗi khi nghĩ về cha mình bên kia chiến tuyến. Niềm tin về một người cha trong sáng trước kia bào mòn dần trong khi chiến cuộc leo thang không ngừng. Bom đạn người chết càng cho cô cảm giác người cộng sản chủ động trong cuộc chiến tranh này và trong cái hỗn độn của tâm hồn, Thành bấy giờ trở nên cần thiết với những lá thư hàng tuần, hàng tháng kèm theo những an ủi và hứa hẹn gần xa khi xem Thục như là tương lai của mình sau khi ra trường.

Những ngày cuối cùng tháng tám năm 1972 Thành cho Thục biết anh sẽ về sư đoàn 23 ở Ban mê Thuộc. Anh viết cho Thục: “Đơn vị anh đóng ở đó và khoảng cách 180 cây số của hai tỉnh Ban mê Thuộc-Pleiku chắc chắn không làm cho tình cảm chúng ta xa cách…” Lúc bấy giờ nhiều đêm Thục tự hỏi có phải mình sẽ cùng Thành đứng chung một chiến tuyến để chống lại quá khứ nặng nề ám ảnh và dứt khoát không lối thoát như cuộc chiến tranh hiện tại. Cô cũng nghĩ nếu năm ngoái gặp được cha và cô theo cha ra Bắc thì sự việc có thể khác hơn và liệu giả thuyết ấy có giải quyết được những ái oăm số phận đang trĩu nặng trong tâm hồn mình hay không?

Sau khi ra trường trước khi về đơn vị với hai tuần lễ nghỉ phép Thành đi Pleiku thăm Thục. Gia đình bà Ngọc Trân tiếp đón niềm nỡ người sĩ quan trẻ mà tương lai có thể là con rễ của mình. Thục bấy giờ đã nghỉ học, chỉ phụ giúp mẹ bán hàng. Cô không học tiếp đại học như dự định của gia đình bởi cô không thi tú tài vì tâm trạng như ưu uất của mình mà ông bà Ngọc Trân xem như một thứ bệnh tâm thần mãn tính bất trị. Cha mẹ nuôi thương xót cô và bà Ngọc Trân đeo đuổi hai giải pháp cho cô con gái: lấy chồng và tìm cách cho Thục gặp cha ruột của mình.

Mùa giáng sinh 1972, Thành cầu hôn Thục qua bà Ngọc Trân sau khi viết cho Thục lá thư dài ba trang. Vợ chồng bà Ngọc Trân vui vẻ nói chuyện với con gái nuôi. Thục tuy yêu Thành nhưng cô phân vân. Quá khứ riêng cô vẫn là thứ ám ảnh khôn nguôi cho một tương lai dù bao năm cô muốn quên nó đi. Nghe con tâm sự, bà Ngọc Trân nói:

- Mẹ cũng như con, không bao giờ quên một hoàn cảnh như số mệnh kia và hoàn cảnh của con thật sự không thiếu ở miền Nam này nhưng không ai chạy trốn được định mệnh lịch sử cả và cũng không vì lý do này mà quên cuộc sống riêng tư của mình. Tuy nhiên mẹ cố gắng giúp con không phải nặng nề lo lắng một câu trả lời với Thành.

Giải pháp mà bà nói đó là việc bà tìm cách tiếp xúc với Hai Thắng lần nữa để làm cách nào cho Thục được gặp cha vì bà nghĩ có khi gặp nhau rồi, Thục có giải đáp một vấn đề mà nếu chưa gặp mãi mãi là mối nghi hoặc trong cuộc đời mình. Cuối năm 72 bà Ngọc Trân đưa Thục đi chơi Đà Lạt và cũng qua trung gian một người buôn gỗ, Hai Thắng hẹn gặp con tại một xưỡng gỗ bìa rừng gần thác Prenn. Lần này Thục quyết định hỏi cha về việc lập gia đình của mình. Dĩ nhiên phương án đi Bắc loại bỏ và cô hi vọng gặp được cha, cô sẽ sáng tỏ được vấn đề nguồn gốc của bao khổ tâm mà cô chịu bấy lâu nay.

Tuy nhiên những ước vọng của Thục tan theo mây khói khi cuộc gặp gỡ cũng bất thành như lần trước. Trước khi về lại Pleiku, cô cũng được lời nhắn của cha là chúc cô hạnh phúc và nhắc nhở gần xa là ngày chiến thắng của cộng sản sắp đến và ngày ấy cũng là ngày đoàn tụ gia đình.

Tháng 11 năm 1973 Thục và Thành kết hôn. Cuối cùng Thục cũng chọn một chiến tuyến với người mình yêu. Cô bình tĩnh sắp xếp cuộc sống và theo chồng về Ban mê Thuộc nhưng những khi chồng tham dự hành quân liên miên Thục xin bà Hằng về Pleiku chơi với cha mẹ nuôi có khi hàng tháng trời. Lúc này ông Đình rất ít khi có mặt ở nhà vì ông phải quản lý bốn xưởng cưa trong tỉnh Pleiku. Ba xưởng nhỏ loại một cưa vòng ở rãi rác ven thị xã trong khi xưởng cưa Trà Bá với công suất xẽ gỗ gấp bốn lần nên ông thường có mặt nơi này để kiểm gỗ từ rừng về hay phân phối gỗ đi theo hợp đồng. Trong khi vợ ông, bà Ngọc Trân bù đầu với tiền bạc thu được từ cửa hàng bán gỗ và chồng đưa về. Tất cả tiền bạc bà gửi vào ngân hàng Pháp quốc. Ba tháng một lần bà vào Sài gòn thăm hai con trai và chuyển tiền vào trương mục.

Xưởng cưa Trà bá của ông Đình phải nói qui mô bậc nhất Pleiku. Xưởng với bốn cưa vòng và một chục cưa mâm. Có đến mười hai người làm việc tại xưởng cưa chịu sự chỉ huy trực tiếp của ông ba Kính, viên quản lý. Ba Kính gốc dân Huế nghèo, tha phương cầu thực. Đến Pleiku làm thợ xẽ gỗ cho xưởng cưa Trà Bá của ông Kiểm Sự, người chủ đầu tiên của xưởng. Sau khi ông Đình mua lại xưởng, thấy ba Kính người cùng quê, giỏi dang, lanh lợi và biết chút chữ nghĩa nên ông cất nhắc lên làm quản lý.

Ba Kính không phụ lòng tin yêu của ông Đình, phát triển xưởng cưa Trà Bá trong hai năm trở thành một trong những xưởng cưa chính cung cấp gỗ xây dựng cho thành phố Pleiku. Tháng tám năm 1972 ba Kính đưa cô Tám, cháu gái của vợ ông gốc người Quảng Ngãi vào giúp việc nấu nướng cho xưởng cưa. Cô Tám, hai mươi sáu tuổi, học lực tiểu học bỏ quê vì chiến tranh lên ở với vợ chồng ba Kính có nhiệm vụ sáng theo xe giao gỗ của xưởng vào thị xã đi chợ, trưa theo xe về để nấu nướng ba bữa ăn cho mười hai người công nhân làm việc tại xưởng cưa.

Cô Tám tuy là gái quê nhưng sắc sảo và khôn ngoan. Điều này có thể do vợ chồng ba Kính dạy dỗ để có thể thích ứng với môi trường làm việc mà đa số là đàn ông làm nghề cưa xẽ. Tuy nhiên có ba Kính đỡ đầu khiến những người thợ không dám sổ sàng cợt nhã với cô. Ông Đình đối với cô dường như nghiêm khắc theo kiểu ông chủ đối với người giúp việc. Sau khi xưỡng cưa phát triễn nhanh, ông Đình có mặt thường xuyên tại xưởng để có thể giải quyết kịp thời những chuyến xe gỗ về khuya cần phân phối đi các nơi mà bản thân quản lý ba Kính không quyết định được. Sau đó, ba Kính phải làm thêm một phòng cho ông Đình ở với đầy đủ tiện nghi để ông nghỉ qua đêm những khi có chuyến gỗ từ rừng về muộn.

Cô Tám ở với vợ chồng ba Kính tại căn nhà gỗ cuối xưởng cưa. Đúng ra vợ chồng ba Kính cũng có nhà tại thị xã, nhưng họ cho mướn và sống tại xưởng cưa để quản lý và tránh mất cắp gỗ theo yêu cầu của ông Đình. Cô Tám sống nhờ tiền công nấu cơm cho thợ. Sau này ông Đình thường ở xưởng nên cô nấu và mang cơm tận phòng cho ông.

Không hiểu có phải vì bận rộn kinh doanh nên đời sống vợ chồng của ông bà Ngọc Trân không được tốt đẹp mấy! Ông Đình năm ấy 55 tuổi, bà Ngọc Trân 52. Nhiều đêm ông Đình về đến nhà thì bà đã ngủ vì quá khuya. Có lúc ông về sớm thì bà đi thu tiền chưa về. Cuộc sống riêng tư hai người ngày thêm chuệch choạt. Ông Đình muốn việc này, bà Ngọc Trân lại thích việc khác. Chỉ có ngồi cộng trừ tiền bạc mới thấy hai người giống nhau và nhìn về một hướng. Về sau ông Đình thường ngủ lại đêm ở xưởng cưa, ban đầu bà càu nhàu khó chịu, sau không còn quan tâm gì mấy vì đối với bà hình như tiền của trong trương mục ngày càng nhiều quan trọng hơn.

Cho đến một hôm ba Kính nữa đêm thức dậy thấy đèn phòng ông chủ còn sáng và thấy bóng dáng cô Tám, cháu của mình từ phòng ông Đình lén lút trở về thì vị quản lý chỉ còn biết thở dài nói chuyện với vợ. Ông nói, “với tôi, mình là người giúp việc, ông chủ lại tốt với chúng ta nhưng việc này tôi thật bất mãn. Con Tám chỉ đáng con ông chủ nên khó coi quá. Bà phải nói chuyện với con Tám cho ra lẽ!” Vợ ba Kính sửng sốt sau đó nhăn mặt thở dài. Ngẩm nghĩ một lúc mới ngập ngừng nói với chồng, “ông chủ vốn là hoàng tộc … nên ông nghĩ rằng mình có quyền có thêm cung phi mỹ nữ...? Không biết tình trạng con Tám như thế này là rủi hay may nữa?”

Hôm sau vợ ba Kính nói chuyện với cô Tám cả giờ đồng hồ. Sau đó cô Tám ra khỏi phòng khóc sướt mướt. Tối ba Kính hỏi, vợ chua chát nói nhỏ, “…thì ông chủ gạ gẩm con Tám xiêu lòng. Nó có bầu hai tháng và ông ta có hứa sẽ bảo bọc nó suốt đời.”

Không biết vợ ba Kính nói có đúng kiểu “giấc mơ hoàng tộc” của ông Đình hay không ba ngày sau ông gọi hai vợ chồng ba Kính vào phòng nói chuyện. Đóng cửa cẩn thận, mời hai vợ chồng viên quản lý ngồi, ông Đình nói: “Cuộc sống vợ chồng tôi không được êm ả, anh chị cũng thấy tôi hiện giờ hay ở xưởng cưa. Xin nói thẳng tôi thương cô Tám, cháu của hai người. Cô Tám cũng thương tôi và tôi quyết lấy cô Tám làm vợ. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm tương lai của cô chỉ xin anh chị đồng ý cho cô Tám vui lòng. Việc này cũng là việc riêng tư của chúng ta, mong anh chị giữ bí mật dùm nhất là đối với nhà tôi.”

Ngày tiếp theo, vợ ba Kính lén lút quan sát ông Đình và con Tám cháu của mình đến tối nói chuyện với chồng theo kiểu trào phúng, “… ông chủ cao lớn sang trọng nhưng đầu tóc muối tiêu đứng cạnh con Tám tôi thấy hai người sao giống cha con quá, mà đám thợ xẽ gổ cũng thì thào bàn tán. Không biết khi con Tám đẻ con thì giống cái gì nữa đây?” Ba Kính tuy không nói gì trong lòng cũng thầm đồng ý nhận xét của vợ. Ông nghĩ làm đàn ông giàu có như ông Đình mấy vợ cũng xong nhưng đừng có lấy vợ trẻ quá thật khó coi!

Khi cô Tám có thai đến tháng thứ tư, ông Đình mua một cái nhà nhỏ cho cô Tám ở khu chợ cũ và bàn tính với vợ chồng ba Kính đưa cô về thị xã ở để sinh đẻ luôn cho tiện và cũng để giải tỏa sự xầm xì của đám thợ xẽ gổ. Sau khi cô Tám ra đi, ba Kính nói với đám thợ rằng Tám về quê lo mẹ già bị bệnh có thể không trở lại xưởng nữa. Từ đó vợ ba Kính thỉnh thoảng về thị xã bí mật thăm cô cháu của mình. Tuy nhiên may mắn cho cô Tám là ông Đình không quên lo lắng chu toàn tiền bạc đầy đủ và xem cô như một người vợ thực thụ rồi mướn người chăm sóc cô khi cô sinh con. Điều này làm vợ chồng ba Kính an tâm và biết ơn.

Chuyện ông Đình lăng nhăng rồi cũng đến tai bà Ngọc Trân. Bà tra hỏi, dĩ nhiên ông chối quanh. Người Huế và dòng họ hoàng tộc phải giữ thể diện thế nên việc xì xầm ông Đình đối với bà Ngọc Trân cũng chỉ là lời đồn qua tai, bên cạnh đó ông Đình không quên mang tiền đều đặn về cho gia đình. Bà lại không muốn đi sâu vào vì sợ nếu là sự thật gia đình bà chỉ còn cách dọn về Sài gòn sinh sống mà bà thực sự chưa muốn rời bỏ vùng đất sinh lợi béo bỡ này.

Tháng sáu Thục về thăm cha mẹ nuôi. Cô đi một vòng thị xã thăm các người quen cũ trước khi trở về nhà. Buổi tối ngồi ăn cơm với mẹ, chờ bà giúp việc xuống bếp Thục hỏi bà Ngọc Trân về lời đồn ông Đình có vợ bé, bà Ngọc Trân trả lời:

- Người ta thấy mình giàu nên nói xấu. Cha con bây giờ là người buôn gỗ lớn nhất Pleiku thì làm thế nào không có kẻ gièm pha nói ra nói vào.
- Thiếu gì kiểu nói xấu vì ganh ghét sao lại đồn kiểu này! Mẹ phải điều tra cho kỹ. Con tin cha nhưng cha phải lăn lộn trong việc buôn bán tránh sao khỏi việc tiếp xúc với phụ nữ mà nếu có kẻ xấu cố tình gài bẫy để bêu riếu gia đình chúng ta thì sao?
- Mẹ thừa hiểu chuyện này, nhưng con đừng lo mẹ tin cha con.

Bà Ngọc Trân tuy nói một đường nhưng bụng dạ nghĩ một nẻo. Bà chắc là “không có lửa sao lại có khói” nhưng lập trường của bà trước sau như một. Lờ đi cho xong và đối với Thục bà phải cho con gái cái nhìn tin cậy về cha mình. Nghiêm chỉnh bà nói:

- Cha con ngày xưa từng làm cách mạng, có lý tưởng. Sau tuy về thành, nhưng tâm hồn bao giờ cũng giữ phong thái đạo đức cách mạng.
- Con không hiểu đạo đức cách mạng là gì, tuy nhiên tai tiếng hết sức quan trọng. Mẹ phải điều tra vì con còn nghe cha cặp với một cô gái còn rất trẻ, chỉ đáng con cháu. Điều này dường xãy ra đã lâu vì một số người quen nói với con, họ đôi lần thấy cha đi với cô gái ấy ở chợ cũ.
- Ừ, xem ra dư luận rộng rãi đến như thế mẹ phải tìm hiểu cặn kẽ mới được! Nhưng cha con đã thề với mẹ điều ấy không bao giờ xãy ra kia mà?
- Khi người ta phạm vào điều lỗi lầm thường có khuynh hướng phủ nhận trước tiên. Cuộc chiến tranh làm cho một số người bỏ đi những nguyên tắc đạo đức, luân lý thường ngày vì cái chết đến quá dễ dàng trong khi cuộc sống mỗi lúc mỗi khó khăn và thê thảm hơn. Những vùng nông thôn ngày hôm nay không an toàn người dân chạy về thành phố sống lây lất vì không nghề nghiệp, một số cô gái quê trở thành gái điếm hoặc đi bán bar hay làm bất kỳ thứ gì để có thể sống được. Thế nên mẹ phải cẩn thận vì cha dù bảo vệ nguyên tắc nhưng không phải không có khả năng là nạn nhân.

Nghe Thục nói, bà Ngọc Trân không ý kiến vì những điều con đề cập đến là chuyện thường ngày hôm nay. Bà chỉ tự bảo mình có lập trường của mình tuy nhiên qua cách nói của Thục bà nghĩ phải làm thế nào nắm được bằng chứng để chồng không thể chối quanh được. Bà nói với Thục:

- Con bây giờ trưởng thành. Mẹ rất vui còn việc cha con để mẹ tính, lần này con về chơi bao lâu?
- Con tính hai tuần nếu anh Thành trở về. Nếu anh ấy về trễ con sẽ ở thêm. Mẹ có tin gì của cha ruột con không?
- Không có vì tình hình căng thẳng lắm. Chiến tranh lan rộng khắp nơi. Không giống những năm trước bây giờ chỗ nào cũng nguy hiểm. Tình trạng của con mẹ không biết giải quyết thế nào nhưng cuộc chiến nào cũng phải có ngày kết thúc. Có điều khi chiến tranh chấm dứt ắt bi thảm. Mẹ bi quan cho miền Nam này lắm.
- Mẹ có tin gì từ chú Việt hay không?
- Chú Việt nói xa gần là người Mỹ đã quyết định bỏ miền Nam sau khi ký hiệp định Paris và khi người Mỹ rút hết thì cuộc chiến mau chấm dứt. Con sẽ được gặp cha một ngày không xa!

Thục lòng tràn trề thất vọng nhưng cô không xác định rõ vì sao tâm trạng mình như thế. Cô nghĩ cuộc chiến kết thúc cô phải chịu ít nhất một nỗi đau lòng. Giữa cha và chồng, kẻ nào thắng hay thua cô đều mất mát. Nhưng phải chăng khi quyết định lập gia đình, Thục không muốn mình tiếp tục tâm trạng lênh đênh. Cô cũng nghi ngờ về một sự thật mà những người thân thuộc hay quen biết chung quanh cô cố tình che dấu đi. Nhưng tại sao nói về cách mạng cha mẹ nuôi cô bao giờ cũng dành một chút hãnh diện trong ấy. Cô đã nói với chồng điều này nhưng giấu việc cha ruột còn sống và là một đại tá cộng sản. Thành là sĩ quan hiện dịch luôn có lập trường rõ rệt về cuộc chiến tranh mà chính anh đang tham dự bảo:

- Cuộc chiến tranh ngày hôm nay không hề dính líu gì đến những ngày kháng chiến chống Pháp xa xưa. Thế hệ cha ông chúng ta chống Pháp vì lòng yêu nước, còn cộng sản miền Bắc đánh miền Nam không phải xuất phát từ lòng yêu nước mà chỉ vì muốn nhuộm đỏ miền Nam. Thống nhất đất nước công bằng mà nói là khát vọng của người dân Việt nhưng lòng yêu nước dường như quá phổ quát đến độ bị lợi dụng. Người cộng sản bao giờ cũng bảo giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước vì miền Nam nằm trong sự thống trị của đế quốc Mỹ và hành động của họ là cách mạng chân chính. Thế nên vô hình chung cuộc chiến đánh Mỹ chỉ là cuộc chiến chống Pháp kéo dài trong chiến dịch tuyên truyền của họ.
- Thế quan điểm chúng ta thế nào về cuộc chiến tranh này.
- Sao em lại quan tâm đến cuộc chiến như thế? Làm như em đang tham dự vào, việc này có cần thiết cho một phụ nữ chỉ biết nội trợ như em hay không?

Thục lắc đầu phản đối:

- Dù nội trợ đi nữa, là vợ một sĩ quan hiện dịch ít ra phải biết chồng mình đang chiến đấu như thế nào? Và mục tiêu của cuộc chiến tranh là gì?
- Đây là cuộc chiến tranh tự vệ. Năm 1960, nghị quyết 15 của ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Bắc việt là giải phóng miền Nam bằng vũ lực. Từ đó miền Nam chúng ta có ngày nào yên ổn đâu và phải chống trả việc nhuộm đỏ Việt nam. Cho đến ngày hôm nay, anh đang chiến đấu cho một miền Nam tự do và việc này dĩ nhiên em phải thấy từ lâu?
- Bộ miền Nam chúng ta không muốn thống nhất đất nước hay sao?
- Không người Việt nào muốn đất nước chia cắt. Nhưng giải pháp vũ lực chỉ đem đến đổ máu vô ích. Miền Nam không chấp nhận một Việt nam nhuộm đỏ. Không hiểu những cường quốc suy nghĩ thế nào nhưng rõ ràng chúng ta đang trong thế yếu vì không đủ vũ khí đạn dược, xăng dầu để chiến đấu quyết liệt với cộng sản. Anh nghĩ trong thời gian tới nếu tình thế nguy ngập em phải về Pleiku xem ba mẹ quyết định như thế nào và em phải theo cha mẹ an bài. Dù gì chú ba của em sẽ có phương tiện tốt để đưa gia đình về Sài gòn an toàn. Em suy nghĩ có thấy giải pháp ấy tốt nhất hay không?

Thục im lặng không trả lời chồng nhưng trong lòng hiểu tình hình bắt đầu xấu đi vì Thành ít khi nào phát biểu bi quan như thế. Cô cũng không muốn giải thích cho Thành hiểu sự thắc mắc của mình. Rồi những năm tháng tiếp theo khi người Mỹ ra đi và cuộc chiến tranh nam bắc huynh đệ tương tàn theo kiểu nói của ông bà Ngọc Trân mới lộ ra sự yếu thế của miền Nam trong nhiều mặt. Việt nam hóa chiến tranh giúp cộng sản đưa quân vào Nam nhiều hơn và mở rộng khắp các mặt trận thì đồng thời phía Việt nam cộng hòa co cụm lại bởi thiếu phương tiện di chuyển quân cùng sự hạn chế vũ khí đạn dược vì tiền viện trợ thu hẹp dần. Hiệp định Paris về VN năm 1973 là sự gián tiếp bỏ rơi miền Nam Việt nam trong danh dự của người Mỹ. Việt cộng thừa thắng mở rộng chiến tranh diện địa và qua đầu năm 1975 họ chiếm Phước Long. Vùng hai chiến thuật không đủ quân để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn lúc này tràn ngập cộng quân. Vùng một chiến thuật bi đát hơn với sự thay đổi liên tục các tướng tư lệnh quân đoàn cho đến sư đoàn. Tổng thống cố gắng trong tuyệt vọng vì lực bất tòng tâm. Không tướng lãnh tài ba nào có thể cứu vãn thế cuộc chỉ bằng vào tinh thần trong khi khí tài vật chất thiếu thốn. Hai lực lượng quan trọng yểm trợ mặt trận là không quân và pháo binh quá hạn chế nên những trận đánh về sau càng mang sự thất bại mau chóng về phía miền Nam và lúc này từ di tản chiến thuật cũng là cách nói bóng bẫy sự thua cuộc.

Vợ chồng bà Ngọc Trân thường liên lạc với người em cấp tướng nên biết rõ tình hình miền Nam sẽ đi về đâu. Đầu tháng ba năm 1975 trước khi Ban mê Thuộc thất thủ. Bà Ngọc Trân gọi Thục về Pleiku. Thành cũng khuyên Thục theo xe đò về Pleiku vì quốc lộ 14 còn di chuyển được trong khi tin tình báo cho biết cộng quân đang có kế hoạch tấn công toàn diện Ban mê Thuộc, lúc ấy chắc chắn quốc lộ 14 sẽ bị cắt đứt. Buổi chiều cuối tuần Thành xin phép về nhà thu dọn đồ đạc cho vợ. Sáng hôm sau trước khi vào trại Thành hôn Thục rồi nói:

- Em về với cha mẹ anh yên tâm, và điều may mắn nữa là chúng ta chưa có con. Cứ về Pleiku rồi anh sẽ liên lạc thường xuyên với em.
- Rồi anh sẽ thế nào trong tình hình rối rắm này?
- Em phải hiểu đất nước chiến tranh ai cũng thế, có nhiều hoàn cảnh tệ hơn nữa. Phải cố gắng và tin tưởng chúng ta sẽ gặp nhau.

Gạt nước mắt Thục lên xe đò về Pleiku. Mới bước vào nhà bà Ngọc Trân nói thẳng với con gái:

- Miền Nam sắp thua, con theo cha mẹ về Sài gòn cho an toàn. Chồng con là sĩ quan nên sống chết theo đơn vị vì không có chọn lựa nào khác. Vài ngày nữa chúng ta sẽ về Sài gòn. Sau đó tính lại chứ ở lại đây có thể nổ ra trận đánh lớn nay mai.

Thục không nói gì chỉ buồn bã nhìn thành phố hỗn độn vì chiến tranh phút chốc hoang vu như cõi lòng nàng. Có điều gì đấy không mong đợi nhưng nó vẫn đến và những điều trái ngược lại tồn tại trong sự tan nát của một tâm hồn bấy lâu tin tưởng vào những điều không có thật. Thục biết mình vẫn sống trong niềm lạc quan giả tạo giữa những mất mát tuyệt vọng của cuộc chiến thứ hai đang xãy ra trong lòng mình. Chồng và cha đang đi những bước cuối cùng trong sự đối nghịch. Thục nhớ những bài hát của Trịnh công Sơn và hiểu rằng mọi người Việt nam đều có ước mơ đồng thời chiến tranh là thứ công cụ từng bước tàn phá hủy diệt ước mơ ấy. Khi những điều đối nghịch trong tột cùng của nó con người lúc bấy giờ trở thành những kẻ ngu ngơ đần độn vì bao niềm tin vun quén trước đã từng bước tan rã theo nghịch cảnh.

Ba ngày sau tin Ban mê Thuộc thất thủ đến trong lúc bà Ngọc Trân cùng chồng đưa hết tiền bạc của cải vào chiếc va li to tướng cuối cùng sẳn sàng lên máy bay C130 trở về Sài gòn. Không đi theo hai mẹ con, ông Đình bình thản nói với vợ:

- Tôi sẽ đi sau sau khi giải quyết hết số gỗ của các xưởng cưa và trả tiền cho thợ. Ban mê Thuộc bị đánh thì Pleiku an toàn. Hai mẹ con bà về trước dăm ngày nữa tôi sẽ có mặt tại Sài gòn.

Bà Ngọc Trân nhìn chồng nghi ngờ. Bà xa gần nói:

- Bỏ hết, đừng tham lam gì nữa? Tiền bạc bấy lâu nay kiếm được đủ cho chúng ta sống đến hết đời! Ông lưu luyến thứ gì ở đây? Phải chăng ông có một cơ sở làm ăn bí mật khác chưa có giải quyết?
- Không có cơ sở nào khác hơn các xưởng cưa của chúng ta. Tôi phải ở lại vì một số thợ chưa được trả tiền công tháng này. Tôi dự tính sẽ cho thêm tiền những người tận tụy giúp đỡ chúng ta bấy lâu trước khi về Sài gòn.
- Ông cần bao nhiêu tiền tôi đưa, nhưng sau khi thanh toán xong ông phải về Sài gòn. Các con đang mong chờ ông đấy!
- Tôi đã bảo sẽ về sau bà không phải lôi thôi!

Nghe ông Đình dứt khoát trả lời như thế, bà Ngọc Trân lòng buồn phiền và tự trách mình đã do dự nhiều lần đi bắt quả tang chồng đang ăn ở với vợ hai. Bà còn biết ông có con trai riêng hai tuổi nhưng bà không làm được những gì mà lòng bà muốn vì lý trí bảo bà dừng lại. Những lúc ấy trí óc sáng suốt bảo chồng bà làm gì thì làm nhưng ngày cuối cùng cũng phải trở về với mái ấm gia đình, còn người đàn bà kia cũng chỉ là kẻ qua đường lợi dụng ông ta mà thôi. Hôm nay đúng là ngày cuối cùng của những thử thách sự nghiệp vì chiến tranh sẽ hủy diệt tất cả nếu còn lưu luyến tại mãnh đất này. Trở về Sài gòn để có thể ra khỏi đất nước đau khổ này cũng là một trong những kế hoạch mà hai vợ chồng bàn tính trước kia.

Tuy nhiên qua thái độ của chồng, bà Ngọc Trân thấy sự việc dường như vượt khỏi những ước tính của mình. Ông Đình có điên hay không khi nói ra những lời như thế. Đó là sự thật lòng tận tụy của một ông chủ đối với người làm hay chỉ là tình cảm mù quáng xúi giục phải ở lại với người đàn bà trẻ trung kia để lo lắng cho cô ta đến phút cuối cùng.

Bà Ngọc Trân tức giận và chán nản đi ra nhà sau cùng Thục lo dọn dẹp những nhu yếu cần thiết có thể mang theo vào Sài gòn. Thục bấy giờ lòng lo lắng không yên cho chồng vì Ban mê Thuộc đã ở trong tay cộng quân. Theo một người quen trong bộ tham mưu quân đoàn nói, trung đoàn 44 của Thành đóng quân tại Phụng Dực đang tìm cách đánh chiếm lại tỉnh lỵ Ban mê Thuộc. Trong khi đó quốc lộ 14 và 19, cả hai con đường huyết mạch dẫn đến Pleiku đã bị cộng quân cắt đứt! Pleiku hoàn toàn bị cô lập và bộ tư lệnh quân đoàn hai dường như có kế hoạch di tản về Nha Trang bằng máy bay. Người dân Pleiku phong phanh nghe được tin này khiến thành phố càng thêm hỗn loạn.

Đêm 15 tháng ba, lúc ba giờ sáng ông Đình đánh thức hai mẹ con Bà Ngọc Trân và Thục dậy chất va li lên xe Peugeot chở ra phi trường Cù Hanh. Ông nói nho nhỏ với vợ, chuyến máy bay chở các bà lớn về Sài gòn nhờ chú ba can thiệp được hai chỗ. Hai mẹ con về trước, tuần sau xong việc tôi về.

Chuyến C130 chật như nêm vì hành lý của các bà các cô cậu của vị tư lệnh và ban tham mưu quân đoàn cất cánh lúc 5 giờ sáng và đến Tân sơn Nhứt lúc sáu giờ ba mươi. Hai mẹ con phải mướn taxi về nhà của anh em Lãm ở ngã bảy. Căn nhà hai tầng này bà Ngọc Trân mua năm 1973. Hai người về đến nhà anh em Lãm, Tường giật mình khi không thấy cha, tuy nhiên hai người mừng thấy mẹ và Thục về được Sài gòn trong những ngày mà Sài gòn bắt đầu xáo động vì những tin tức không vui của hai vùng một và hai chiến thuật. Chuyện ông Đình về sau không được anh em Lãm Tường quan tâm cho lắm vì Lãm đã là một bác sĩ và Tường đang làm giáo sư của một trường tư thục lớn quân 5. Cả hai anh em đang chuẩn bị lập gia đình nên hết sức thờ ơ với chuyện dù là dầu sôi lửa bỏng trước mắt.

Những ngày tiếp theo Thục suốt ngày nghe tin tức đài phát thanh, truyền hình và đọc báo. Ngày 18 tháng tư toàn bộ quân nhân thuộc quân đoàn hai cùng dân chúng Pleiku di tản về Nha Trang bằng tỉnh lộ 7. Lúc bấy giờ cả nhà bà Ngọc Trân theo dõi từng ngày tin tức ông Đình ở Pleiku và Thành ở Ban mê Thuộc trên phương tiện truyền thông vì các đường liên lạc điện thoại hữu tuyến và vô tuyến đều vô hiệu. Hoàn toàn không có người trả lời!

Cuộc rút lui đẫm máu của quân đội và dân chúng trên tỉnh lộ 7 từ Pleiku qua Phủ Bổn rồi về Phú yên là phần kết cục thiên bi kịch vở tuồng chính trị của những nhà lãnh đạo gốc quân đội miền Nam. Bên cạnh đó cuộc di tản chiến thuật của quân khu một bi thảm không kém. Hằng ngày người dân Sài gòn ngấu nghiến đọc, nghe, xem tin tức và hình ảnh hai cuộc di tản này trên báo, đài phát thanh, truyền hình như chứng kiến một phần thân thể đất nước thương tích trầm trọng đang hấp hối, giẫy chết.

Thục ngóng chờ từng chuyến xe, tàu từ miền Trung di tản vào Sài gòn qua ngã Bình Tuy, Vũng Tàu. Các đơn vị bộ binh tan hàng ngoài quân khu một hay hai về đến được Sài gòn phải ra trình diện ở bộ Tổng tham mưu để được tái phối trí. Các người lính hay sĩ quan của sư đoàn 22 sau khi tái phối trí được an bài xuống miền tây bắt đầu từ Long An dọc theo quốc lộ 4 cho đến Mỹ Tho Cai Lậy. Đến ngày 24 tháng tư vẫn không thấy bóng dáng Thành. Thỉnh thoảng một vài quân nhân thuộc sư đoàn 23 về đến Sài gòn gặp Thục cho biết, “toàn bộ sư đoàn tan rã, nếu không thấy người thân trở về có thể chỉ hai câu trả lời: chết hay bị cộng quân bắt làm tù binh.”

Thục luôn hi vọng Thành không chết và cầu nguyện cho chồng được là tù binh của cộng sản. Nàng từ chối di tản ra nước ngoài theo đề nghị của mẹ nuôi, bà Ngọc Trân. Cho đến ngày ấy ông Đình vẫn biệt tăm sau khi đoàn di tản về đến Tuy Hòa. Tuy một số lớn người chết trên đường số 7, những người quen biết về được Sài gòn gặp bà Ngọc Trân đều quả quyết không thấy ông Đình trong đoàn người rời bỏ Pleiku. Bà Ngọc Trân bấy giờ họp mặt con cái lại bảo, “cha các con thực sự không rời bỏ Pleiku vì có vợ bé. Mẹ chính thức báo cho các con biết như thể mà tự quyết định thái độ đối với cha sau này. Riêng mẹ coi như cha các con đã chết. Mẹ không bao giờ chấp nhận thái độ phản bội gia đình kiểu cha các con đã làm. Từ ngày hôm nay mẹ xem như cha các con chưa từng có mặt trong gia đình này!” Bà cứng rắn tuyên bố như thế nhưng đám con bà nói nhỏ với nhau, “mẹ chỉ ghen mà nói, sự thật không ghê gớm như vậy đâu!” Lãm và Tường cười nói với thêm, “hết chiến tranh cha mẹ sẽ đoàn tụ.” Thục không ý kiến nhưng nàng hiểu một điều “ai cũng phải chịu trách nhiệm quyết định của mình” nó hàm ngụ cả một mãng quá khứ những chọn lựa của chính cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi của mình rồi cụ thể hơn hết quyết định của chính nàng khi kết hôn với Thành để rồi chia tay chồng khi cuộc chiến đang đi vào kết thúc.

Sài gòn những ngày cuối tháng tư hỗn loạn vì dân chúng miền Trung và các tỉnh miền Đông trốn chạy cộng sản kéo về. Thật tội nghiệp cho những con người bỏ phiếu bằng chân này cố tin rằng chính quyền miền Nam còn có biện pháp giải quyết tình trạng dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Trong khi tại Sài gòn mọi giải pháp chính trị không còn mấy ai ở đây quan tâm vì dân chúng biết chắc một điều là miền Nam đã thua và một thời gian ngắn nữa cộng quân sẽ vào tiếp quản Sài gòn. Khoảng thời gian ngắn ngủi này được tính từng giờ, từng phút và người ta tranh thủ để có thể ở lại hay ra đi một cách an toàn nhất. Hai nơi biểu hiện trung thực nhất cho chọn lựa của họ là tòa đại sứ Mỹ và bến tàu. Hình ảnh chuỗi người dài trên nóc tòa đại sứ và đám đông chạy ngược xuôi trên bến cảng Sài gòn sau này là cơn ác mộng của những người liên hệ mãi đến khi họ chết mới thôi.

Ngày 15 tháng tư 1975 Trung tướng Nguyễn phúc Việt, em ông Đình lên máy bay sang Pháp. Trước khi ra đi, ông có liên lạc với bà Ngọc Trân, tuy biết anh mình còn kẹt lại Pleiku, tướng Việt vẫn đề nghị tất cả mẹ con bà Ngọc Trân muốn di tản sang Pháp, ông sẽ giúp. Dù điều kiện tốt như thế, Bà Ngọc Trân cuối cùng cũng hủy bỏ kế hoạch lên tàu ra đi vì các con không đứa nào chịu ra nước ngoài. Buổi sáng bốn ngày sau khi chính quyền miền Nam đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng miền Bắc, cờ giải phóng miền Nam xanh đỏ rợp trời thành phố và bóng dáng bộ đội cộng sản hiện diện khắp hang cùng ngỏ hẻm Sài gòn thì ông Hoàng đến nhà thăm bà Ngọc Trân báo tin thiếu tướng cộng sản Trần Nghiêm đang từ Ban mê Thuộc về Sài gòn để thăm gia đình bà và gặp con gái. Ông nói:
- Sáng sớm hôm nay anh Nghiêm trên điện thoại run giọng hỏi tôi liệu gia đình bà có đi di tản ra nước ngoài hay không? Tôi tuy không rõ như thế nào nhưng lòng không muốn anh ấy mất niềm hi vọng thế nên tôi bảo rằng ông bà còn ở Sài gòn. Anh Nghiêm mừng lắm và vội lên đường vào Sài gòn ngay có thể chiều nay sẽ đến nơi. Bây giờ gặp chị và các cháu, tôi mừng vì không nói dối bạn mình. Thế anh Đình đâu rồi không thấy?
- Anh ấy còn kẹt lại Pleiku, có lẽ vài hôm nữa sẽ về Sài gòn.

Bà Ngọc Trân rót nước mời khách và kể với ông Hoàng những khó khăn của mình khi rời bỏ Pleiku trong khi Thục ngồi im lặng không nói nhưng tận đáy lòng bén dậy một niềm vui mong manh. Nàng tự bảo, chiến tranh chấm dứt ít ra gia đình có thể đoàn tụ. Ta có thể gặp cha và gặp chồng. Lòng nàng bao giờ cũng nói, Thành đang là tù binh đâu đó cùng nổi hi vọng nhờ cha mà nàng có thể đi thăm Thành dễ dàng. Rõ ràng bây giờ cha ruột của Thục trở thành chiếc phao để nàng bám vào trong khi nàng quên sự thật là Thành chết sống không rõ ràng…chút nào!

Ông Hoàng biết chồng Thục là sĩ quan miền Nam nhưng không biết Thành đã mất tích. Nghe Thục kể, ông bảo:

- Con có thể nhờ cha con tìm vì nghe nói ông tham dự mặt trận Tây nguyên. Nếu chồng con bị bắt, bác nghĩ không khó giải quyết lắm đâu! Thế con cảm nghĩ như thế nào về lần đoàn tụ này?

Thục trả lời:

- Con rất mong được gặp cha, vì gặp cha con mới biết rõ ràng về mẹ. Cho đến ngày hôm nay con không biết mình muốn gì hơn hai điều ấy!

Nghe Thục nói ai cũng bùi ngùi im lặng sau đó bà Ngọc Trân nói với ông Hoàng:

- Anh Nghiêm là anh con chú bác của tôi. Việc này tôi giấu kín vì sợ an ninh điều tra trước kia, bây giờ đất nước thống nhất tôi có thể yên chí nói ra nhưng sợ người ta lại bảo “thấy người sang bắt quàng làm họ!”

***
Ngày 4 tháng 5 năm 1975, khi Thiếu tướng Trần Nghiêm, tư lệnh bộ đội đặc công từ Ban mê Thuộc về đến địa phận Sài gòn trời đã về chiều. Ông đi bằng chiếc xe con với một bộ đội tài xế và một sĩ quan cần vụ cấp thượng úy đi theo. Lúc vào xa lộ Biên hòa, thượng úy Khiêm trầm trồ xuýt xoa con đường rộng phẳng như đúc xi măng và nhiều tòa nhà cao tầng dọc hai bên đường:

- Đường tốt, nhà cửa thật đẹp đồng chí thiếu tướng ?
- Thì tôi thấy, chú lần đầu vào đây phải không?
- Vâng, thế đồng chí thiếu tướng đã vào nhiều lần?
- Tôi nằm tại làng đại học phía trong xa lộ này năm 1969 ba tháng nên rõ thành phố này lắm. Chú có biết tại sao nó phồn vinh như thế không?
- Không rõ, thưa đồng chí.
- Khoan nói vì sao nó phồn vinh nhưng nhờ phồn vinh như thế nó mới thua. Mỹ Ngụy mà khổ cực như chúng ta, có lẽ ngày hôm nay miền Nam chưa giải phóng xong đâu! Chú sau này sẽ rõ điều tôi nói. Bây giờ tôi chỉ mong sao chóng gặp con gái đã xa cách từ khi đất nước chia đôi.

Thượng úy Khiêm trầm ngâm suy nghĩ nhưng đôi mắt không rời những phố xá rực rỡ thênh thang trước mắt. Tận đáy lòng anh chợt nghĩ đến quê nhà Thanh Hóa cũ kỹ, nghèo nàn của mình có chút thương cảm nhưng rồi nỗi ngậm ngùi ấy tan biến nhanh chóng khi nhìn hàng cờ đỏ sao vàng rực rỡ treo khắp nơi trên vùng đất mới giải phóng này.

Buổi chiều thứ ba lúc năm giờ bốn mươi lăm, thiếu tướng Trần Nghiêm cùng hai bộ đội tùy tùng bước vào nhà bà Ngọc Trân thì Thục rưng rưng nước mắt từ sa lông đứng lên đến trước người đàn ông tóc hoa râm, cao ốm gầy yếu đang nhìn nàng buột miệng nói:

- Cha!

Tướng Trần Nghiêm ôm chặc con chậm rãi ôn tồn bảo:

- Con thật giống mẹ, bố không thể nào lầm dù gặp con ở nơi nào khác!

Rồi ông quay sang nói với bà Ngọc Trân ngồi trên sa lông đang tươi cười nhìn ông:

- Sau mấy mươi năm cô Trân thật không thay đổi!
- Còn anh Nghiêm già đi nhiều, bộ anh đang bệnh?
- Tôi đang bị sốt rét hành, tuy nhiên không sao, quen rồi!

Thục không nói thêm được tiếng nào vì lòng nàng đang nói, “cha ta đây, người mà ta mong bao năm nay đây!” Chỉ có thế, trong khi ông Nghiêm đang nói chuyện với mọi người thì Lãm và Tường mang một đĩa dưa hấu lên mời. Ai cũng lắng tai nghe thiếu tướng Trần Nghiêm nói về chiến dịch Hồ chí Minh sớm hơn dự định cả năm trời và việc giải phóng miền Nam không ngờ dễ dàng như thế. Khi hỏi biết chuyện của Thành mất tích ở Ban mê Thuộc, ông vổ vai Thục nói:

- Gần một phần ba trung đoàn 44 bị bắt làm tù binh, con yên tâm bố sẽ tìm Thành cho con.

Thục càng tin mình sẽ gặp chồng và tất cả mọi người vui vẻ ăn bữa tiệc đoàn viên vì bà Ngọc Trân đã chuẩn bị trước. Trong lúc ăn cơm, Thục hỏi cha về mẹ thì ông bảo:

- Bố kể chuyện ấy với con vào ngày mai vì rất dài. Bố cũng phải chuẩn bị tinh thần cho chính mình khi nói với con cuộc đời thứ hai của bố. Ý bố muốn nói, bố có hai cuộc đời: cuộc đời thứ nhất cho Đảng và đất nước và cuộc đời thứ hai cho mẹ và con.

Nghe cha nói Thục cảm động hình dung tình cảm thiết tha của cha dành cho mình và mẹ đồng thời có chút ân hận khi nghĩ mình từng cho rằng người cộng sản không có tình cảm riêng tư. Nếu có biểu hiện chỉ là bổn phận. Thấy cha lấy thuốc ra uống, Thục nói:

- Con hi vọng cha hết bệnh khi chiến tranh đã chấm dứt. Chiến tranh là nguồn gốc không những bệnh tật thể xác mà còn tinh thần nữa! Cả nước Việt nam bệnh vì chiến tranh và con thực sự thù ghét nó!
- Chiến tranh không hẳn mang ý nghĩa tiêu cực thế đâu! Tuy chiến tranh hủy diệt con người nhưng cũng có những cuộc chiến tranh làm cho người ta thấy được ý chí của một dân tộc.

Ông Nghiêm chậm rãi và quả quyết nói. Thục lúc này lại thấy cha khô cứng như một hòn đá trái với những tình cảm mượt mà mà cô dành cho ông ngay trước khi ông nói. Thục bảo:

- Điều mà chiến tranh cho người ta thấy bản lĩnh của một dân tộc không đủ bù vào cái phi nhân của chính nó mang đến. Trước mắt, chiến tranh đã làm cho gia đình chúng ta tan nát, mẹ mất, cha chia lìa hơn hai mươi năm? Ngày hôm nay còn sống gặp mặt nhau là may mắn. Nếu cha chết hay tàn phế thì gia đình chúng ta được gì từ cuộc chiến tranh kia?
- Bố hiểu điều con nói nhưng cuộc chiến tranh nào phải chúng ta muốn và gây ra. Chúng ta chỉ muốn độc lập, tự do. Đổi lấy điều ấy chúng ta phải chịu hi sinh!

Nghe cha nói tự thâm tâm Thục không bằng lòng, tuy nhiên nàng không muốn tranh cãi với người cha thân yêu bấy lâu nay xa cách. Cha con là điều mà nàng tâm niệm suốt những năm tháng trưởng thành còn gia đình đoàn tụ không phải là điều mơ ước của những dân tộc điêu linh vì chiến tranh hay sao? Tại sao ta không trân quí nó nhĩ? Những đau thương bao nhiêu năm của đất nước là thứ tai ương mà cuộc chiến đem lại. Cha nói độc lập, tự do? Không hiểu cái tự do độc lập ấy có khác với những thứ mà nàng đã thừa hưởng trên miền Nam này hay không?

Tướng Trẩn Nghiêm không có vẻ gì là một người chỉ huy lực lượng đặc công ghê gớm như miêu tả trong sách báo miền Nam. Không những ốm yếu mà còn ho hen nữa, bà Ngọc Trân đánh giá người anh họ trước mắt rồi hỏi chuyện cũ. Cuộc hẹn ở Ban mê Thuộc, ông Nghiêm bảo:

- Tôi bị phục kích và tốt hơn hết cho người liên lạc với cô và con. Lần ấy thực ra bị máy bay trinh sát của địch mà bộ chỉ huy bị lộ. Tôi và đơn vị rút lui về Đức Lập thế nên cuộc hẹn không thành và lòng áy náy lắm. Lần sau ở Đà lạt thì tôi lại có cuộc họp bất ngờ nên phải hủy cuộc hẹn lần nữa. Được việc nước phải mất việc nhà. Hiếm khi được cả hai cô ạ!

Sau bữa cơm, trong lúc mọi người nói chuyện rôm rã ở sa lông, thượng úy Khiêm và anh bộ đội lái xe ra ngoài xe khệ nệ khiêng vào một bao vải lớn. Ông Nghiêm nói với bà Ngọc Trân:

- Ở xa về không có gì làm quà tôi mua cho vợ chồng cô cùng gia đình ít cà phê cùng trái bơ. Tôi biết người Sài gòn thích cà phê hơn trà, còn trái bơ ở Ban mê Thuộc sao mà ngon vô cùng. Trái cây này cơm dày, hạt nhỏ và béo như bơ thật là quí!

Bà Ngọc Trân cám ơn và nhớ hai cây bơ sai trái của mình ở Pleiku trong lòng có chút tiếc nuối nhưng lại tan biến ngay khi nhớ đến ông Đình. Bà cay đắng hỏi ông Nghiêm:

- Anh mất chị Liên khi còn trẻ, thế anh có lập gia đình lần nữa không?
- Tôi có gia đình lần hai năm 1959 và có ba cháu. Hai trai một gái.
- Thế bây giờ chị làm gì và ở đâu?
- Nhà tôi trước kia dạy học nay đã phục viên và đang sống với ba cháu ở Hà Nội.

Ông Nghiêm quay sang nói với Thục:

- Khi nào công việc ổn định bố sẽ đưa con về Bắc thăm dì và các em.

Thục gật đầu, lòng nàng nghĩ về một người mẹ đã mất. Cha cô đơn nên phải lập gia đình. Hai người là điều kiện tốt cho một người vốn bị thương tật tinh thần ít nhất một lần trong đời. Thục nhớ những năm tháng trưởng thành của mình trong cái kén bọc kín ban đầu sự cô đơn với những xung đột, mâu thuẫn vì thiếu thốn một quãng dữ kiện mà chỉ có cha mẹ ruột mới trang bị đủ cho người con mồ côi trong cơn ba đào lịch sử.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao