Phiếm Luận

Cảm Hứng Sáng Tác

 
 
 

Giới thiệu sách với tôi là giới thiệu cảm hứng sáng tác văn học của chính tác giả. Nó có thể là một chủ đề mang tính triết học văn chương rộng rãi, hay một điều nào đó nặng tính cảm xúc như buồn vui đời thường mà bất kỳ ai cần bạn bè, người thân chung quanh chia sẻ. Nói như thế có nghĩa tôi muốn đơn giản hóa một vấn đề lớn lao mà có thể phải mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu cũng như thảo luận.

Điểm mấu chốt quan trọng mà tôi muốn nói chính là Văn chương hay Văn học, với quan niệm ít nhiều liên hệ đến cái mà người xưa có nói “Ta hồ văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ” ý nghĩa Than ôi chuyện văn chương chỉ một tấc lòng nhưng mãi ngàn sau. Đến thi hào Đỗ Phủ ngậm ngùi thêm rằng “Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri.”* Ý muốn nói Chuyện văn chương muôn đời, được mất chỉ tấc lòng này biết. Đúng là một vấn đề, nhưng tôi muốn nói đến cái hồn của văn chương chứ không đề cập văn chương với cơ cấu triết học của nó. Và cái hồn ở đây cũng chỉ nêu ra vài nét cơ bản nhưng cũng đủ vui buồn, cay đắng mà người làm văn chương nghệ thuật cưu mang nó.

Nghệ thuật tự nó mang tính chung nhất trong bao riêng lẻ cuộc đời. Thế nên Sáng tác nghệ thuật là hành trình của nỗi cô đơn riêng lẻ tìm kiếm một chia sẻ, là khát vọng cùng cực sự hoàn tất trong mọi dở dang. Do đó, có thể nói tác phẩm nghệ thuật mang tính dở dang vĩnh cữu trong trạng huống hoàn tất nên tự thân mang tính bi kịch. Magnum Opus chỉ là kiểu tán dương người đời đối với công sức của người làm nghệ thuật chứ yếu tính của tác phẩm nghệ thuật luôn luôn là sự dở dang muôn đời. Người làm nghệ thuật sống với cái thực tại mà như là ảo ảnh, tham dự bao cuộc đời nhân vật với sự chọn lựa chắt lọc để rồi đau đớn nhận ra mình là nạn nhân của việc săn đuổi hạnh phúc, nhưng lại quên mình là chứng nhân của một cuộc tình tan vỡ trong một đoạn đời phù phiếm nào đó.

Văn chương song hành với tồn tại con người. Có thể nói văn chương là cách xử dụng khác của ngôn ngữ. Nếu con người phải đấu tranh vất vả để mưu sinh trong ý nghĩa vật chất thì văn chương là thứ đấu tranh khác giúp con người thấm thía ý nghĩa cuộc nhân sinh một cách sâu sắc nhất bằng chữ nghĩa mang giá trị tinh thần. Nó làm nhẹ đi nỗi nhọc nhằn đồng thời cũng là một phương thuốc chữa trị nỗi cùng khốn của cuộc nhân sinh. Tính phổ quát của nó như thế, nhưng tôi muốn đề cập đến vấn đề sáng tác nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học nói riêng. Sáng tác tự thân là cuộc đấu tranh với chính bản thân người làm nghệ thuật, hoặc cuộc đấu tranh với môi trường chung quanh. Nó mang đậm tố chất tâm lý xuất phát từ cảm xúc đối với chính mình hay đối với thiên nhiên, xã hội… Và tác động khởi thủy chính là cảm hứng sáng tác. Vai trò cảm hứng sáng tác quan trọng hàng đầu trong việc hình thành một tác phẩm, và cảm hứng có đủ mùi vị đắng cay ngọt bùi mà tác giả phải cần hiện thực dưới ngòi bút. Do đó cảm hứng sáng tác đi suốt quá khứ hiện tại và cả tương lai trong mối cảm thông u hoài của người thực thi nghệ thuật. Thế nên bài văn, bài thơ, bài nhạc, bức tranh ra đời phải chăng là tiếng nói của một cảm xúc cất lên với chính mình nhưng đồng thời mang tính cảm thông chia sẻ của người đọc, người nghe và người xem tác phẩm nghệ thuật.

Tôi xin nói đến vai trò của Cô Đơn trong hành trình sáng tác. Một trong những yếu tố quan trọng khiến con người cảm thấy Cô Đơn chính là Ý thức sự Mất Mát. Nhưng chịu đựng, trải nghiệm sự cô đơn làm con người trưởng thành, tuy nhiên có trường hợp không hề cảm thấy mất mát cũng có cảm giác cô đơn. Chính là Bản chất tiền khởi con người vốn là nỗi cô đơn gắn bó từ khi ra đời và theo định mệnh (cũng có thể gọi Định Phận) sẽ lớn lên theo thời gian. Do đó nôm na có thể nói con người là biểu hiện cụ thể của nỗi cô đơn tiền kiếp. Nếu định phận cho thấy con người đến và ra đi trong cô đơn thì phải chăng sáng tác nghệ thuật chính là là làm sáng tỏ ý nghĩa giá trị của cô đơn trên dòng đời.

Tình yêu chính là âm bản của tấm gương cô đơn.

Tình yêu là âm bản tức thì của tấm gương soi cô đơn, vì đối diện với tình yêu con người tạm thời không còn sợ hãi nỗi cô đơn đã từng gắn bó ám ảnh mình. Tình yêu là phương thuốc chữa trị căn bệnh cô đơn tiền định, nhưng chỉ mang giá trị tạm thời trên dòng đời, bởi vì có những trường hợp càng yêu thương con người càng cô đơn, hay chính trong khi hạnh phúc tràn ngập, nỗi cô đơn bất chợt hiện diện như nhắc nhở tính định phận bền vững của nó. Do đó, tác phẩm nghệ thuật miêu tả niềm hạnh phúc cùng khốn của khoảng trống cô đơn mà kẻ sáng tạo ra nó lúc nào cũng muốn lấp đầy.

Tuy nhiên có người xem cô đơn là điều hiển nhiên cần thiết của tồn tại, họ bằng lòng vui vẻ và thực sự hạnh phúc với nỗi cô đơn định mệnh kia. Do đó việc xem cô đơn là bản chất và cô đơn là căn bệnh làm nên cuộc đấu tranh mang ý nghĩa tồn tại trên dòng đời.

Bản chất cô đơn gắn liền với con người sau khi ra đời. Trên quá trình trưởng thành sự cô đơn thu nhỏ để rồi mãi mãi chìm mất trong bể vô thức hay chờ cơ hội xuất hiện thành chiếc bóng thứ hai của cuộc đời con người. Chính sự mất mát làm bản chất cô đơn hiện hữu trở lại, và với con người văn học nó chính là điều kiện tiên khởi của cảm hứng sáng tác. Như thế phải chăng cô đơn cũng chính là thứ tiển định số phận (predeterminism) của những kẻ sáng tác nghệ thuật. Sáng tác chính là khơi dậy nỗi mất mát một thời trong tâm hồn tác giả và đồng thời tác động đó khơi dậy nỗi cô đơn trong dòng đời con người từng chìm sâu trong bể vô thức. Nếu người thưởng ngoạn nghệ thuật có thấy sung sướng hạnh phúc hay cảm nhận nỗi đau đớn chia lìa trong tác phẩm cũng chỉ là khơi dậy một giấc mơ cũ kỹ mà thời gian đã vùi sâu nỗi cô đơn tiền định vào bể ký ức. Bể ký ức chính là nơi tàng trữ của vô thức và tiềm thức trong dòng đời luân lưu từng con người trong qui trình “qui hồi vĩnh cữu”** kiểu Nietzsche hay A lại da thức của Phật giáo.

Nếu tác phẩm Văn học là một biểu hiện của nỗi cô đơn tiền định trên dòng đời thì giới thiệu tác phẩm chính là giới thiệu sự ra đời của một cảm hứng, vốn là tiền đề của việc hình thành tác phẩm văn học mà tôi lạm bàn hôm nay.

 
 

Lê Lạc Giao

_________________________________
* Ngẫu Đề - Đỗ Phủ (Đường thi)
** Eternal Return