|
Hậu lái xe đến ngã tư Westminster và Euclid thì trời đổ mưa. Anh vào chỗ đậu xe của một siêu thị góc đường vì dự tính ghé vào chợ để thay pin chiếc đồng hồ đeo tay. Đã bao lần Hậu tính ném chiếc đồng hồ điện tử hiệu Le Chateau vào giỏ rác, nhưng mỗi khi nhìn mặt đồng hồ anh lại nhớ kỷ niệm tám năm trước. Mua chiếc đồng hồ sau khi tốt nghiệp đại học hai năm, Hậu có việc làm và khi mua chiếc đồng hồ Le Chateau giá ba mươi hai đô la anh đã tự bảo “chiếc đồng hồ nhắc nhở thời gian còn lại phải tiếp tục học để được lên lương.” Rồi về sau mỗi khi lấy lớp học tiếp trong hai năm còn lại, anh chỉ mong chiếc đồng hồ hư để vứt nó đi như lời người thay pin lần đầu tiên bảo, “thứ đồng hồ điện tử này giỏi lắm thay pin hai lần!” Không có nó, Hậu sẽ không bị mặc cảm thất hứa với chính mình vì càng ngày anh không còn hăng hái trong việc học hành như những năm mới đến Hoa Kỳ.
Lần thay pin này Hậu nhớ là lần thứ năm. Có nghĩa đã mười năm từ ngày học ra trường. Lời hứa ngày trước anh cũng đã hoàn tất. Chiếc đồng hồ điện tử Le Chateau do Nhật chế tạo bền bỉ một cách lạ thường. Không hề hư lại chạy rất đúng giờ và luôn luôn ngoan ngoãn chiều chuộng Hậu trong việc phục vụ giờ giấc cũng như dù hết pin, nó chỉ tạm dừng sau đó lại tiếp tục làm việc khi được thay pin mới.
Hậu ngắm nghía chiếc đồng hồ rồi mang nó vào tay. Chiếc dây da đen thay lần thứ hai còn tốt. Ông Trương, người thay pin bật cười khi thấy thái độ của Hậu. Ông nói, “Anh vứt nó đi để khỏi phải thắc mắc tại sao nó lâu hư như thế? Mua chiếc mới đi, rất nhiều kiểu vừa đẹp lại vừa rẻ!”
Hậu lắc đầu, nhìn sang quầy hàng bên phải. Thảo đang quảng cáo chiếc nồi cơm điện hiệu Panasonic. Đậm đặc giọng Bắc Thanh Hóa với phát âm hỏi ngã trái ngược nhau, Thảo thuộc những người miền bắc vĩ tuyến 17 sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chịu ở lại quê nhà. Họ không những cố chạy vào miền Nam sinh sống mà từ đó còn chen chân lên tàu vượt biên để được sang Mỹ hoặc Châu Âu. Hậu nhớ lúc hỏi Thảo, tại sao vào đến vùng đất trù phú miền Nam lại không lập nghiệp mà còn phải tha phương thêm lần nữa thì Thảo nghiêm mặt bảo, “Ở miền Bắc quá lâu nên em đã có kinh nghiệm, miền Nam một thời gian rồi cũng sẽ giống miền Bắc. Hai miền như nhau thì còn ý nghĩa gì một cuộc ra đi? Em nghĩ là mình phải kiếm cái gì khác hơn xã hội chủ nghĩa mà cha mẹ và em đã sống, thế là em lên tàu vượt biên. Bây giờ em thấy mình quyết định sáng suốt. Chỉ tội cho mẹ em còn ở quê nhà. Nhưng tiền em gửi về may ra mẹ em có thể biến thành ‘hồn Trương Ba tuy da là hàng thịt’ đấy thôi.”
Nghe Thảo ví von Hậu phì cười bảo, “Nói gì thì nói chứ em mới thực sự là hồn Trương Ba và cử chỉ vẫn còn mang tác phong xã hội chủ nghĩa đầy mình!”
“Ở đây ai cũng như nhau, anh đừng có kỳ thị cho em nhờ!” Thảo thường nói với Hậu như thế khi anh đôi khi hỏi, “Em có làm việc ở lâm trường hay hợp tác xã không mà rành việc trồng trọt thế kia?” hoặc “Em nhiệt tình không kém những cô du kích vót chông!” khi giễu cợt Thảo lanh lợi, tài ba trong việc giới thiệu nhiều loại sản phẩm ở siêu thị.
Thấy Hậu còn đứng nhìn mình như muốn nói, Thảo bảo, “Chút nữa xong việc em sẽ gặp anh!” Hậu lắc đầu đưa tay ra dấu bảo nàng cứ tiếp tục làm việc rồi đi ra bãi đậu xe. Bên ngoài cơn mưa đã dứt từ lâu nhưng nắng vẫn không thấy đâu. Bầu trời mây đen vần vũ, không khí mát lạnh và có thể mưa sẽ đến lần nữa. Hậu nghĩ như thế rồi lên xe, đóng cửa nhưng lại không buồn nổ máy. Tự dưng anh thèm hút điếu thuốc lá vì dường như thoảng qua mũi đâu đó mùi thơm nồng của thuốc Lucky thời trẻ tuổi. Khi nhìn thấy những cây thuốc lá Lucky nằm trên quầy hàng của kiosk làm khóa và bán thuốc lá bên kia đường, anh nghĩ mình vừa có một liên tưởng.
Hậu bỏ thuốc lá đã hơn mười năm. Nghe mùi khói thuốc bạn bè hút đôi khi anh khó chịu, nhìn thấy các bạn phì phèo điếu thuốc trên môi có khi lại phân vân tự hỏi “ngày ấy mình hút như thế hay sao?” Rồi trong đầu hiện ngay hình ảnh một thanh niên ốm o lang thang trên hành lang giảng đường Đại học Văn Khoa, ngẩng cao đầu nhìn những tàng hoa phượng đỏ chói chang mùa hè với điếu thuốc lá trên môi. Hậu cho rằng do thói quen và thành kiến nhưng trên nền thời gian, ký ức luôn lưu giữ kỷ niệm, gắn bó và trường cữu. Có lẽ chỉ có điều kiện vật lý mới xóa được một vết hằn tâm lý, lúc bấy giờ lãng quên là thứ bóng tối dìm tất cả những gì gọi là hạnh phúc hay bất hạnh.
Ông Trấn bạn của Hậu hôm qua nói với anh, “Tôi quên rất nhiều, và đôi khi tôi không biết tôi quên cái gì nhưng tôi vẫn dường như lưu luyến cái mà tôi đã quên đi vì tuổi tác.” Mưa hôm qua lớn lắm, ngồi trong phòng khách nhà ông Trấn uống trà, nghe ông nói Hậu có cảm giác như mưa bên ngoài đang làm trôi đi tất cả những gì một thời là dĩ vãng và điều còn lại trong lòng chỉ nỗi ngậm ngùi. Hậu nói với ông, “Anh nói đúng, thế hệ chúng ta luôn lưu luyến niềm hạnh phúc trong ngôi nhà bất hạnh…” Ông Trấn đã mở to mắt nhìn anh rất lâu mới gật đầu rồi nhìn ra bên ngoài. Mưa lại như thác đổ trong lòng Hậu.
Ông Trấn sống một mình trong căn nhà thênh thang bốn phòng ngủ, ba phòng tắm rưỡi và ga ra ba chiếc xe. Thực ra căn nhà ấy lý tưởng cho một gia đình có đủ vợ chồng con cái. Nhưng ông chỉ có một mình thế nên nó mênh mông. Vợ ông mất đã mười lăm năm. Người vợ thứ hai sống với ông đúng một năm và vừa mới chia tay ông ba tháng trước. Hậu cho rằng người vợ thứ hai của ông quá trẻ, khó có thể tiếp tục sống với một người chồng quá già như ông. Lý do không hợp tánh nhau chỉ là cái cớ. Khi nhìn thái độ bình thản của ông, Hậu yên tâm không lo rằng người bạn già của mình có thể tuyệt vọng vì mất vợ đến nổi nghĩ quẫn rồi làm điều đáng tiếc.
Hậu thường ghé thăm ông để an ủi và động viên tinh thần. Ông Trấn vẫn tỉnh bơ uống trà và khuyên lại Hậu nên lấy vợ. Ban đầu Hậu cười sau đó ngẫm nghĩ cho rằng ông Trấn không chỉ thành thật mà còn hết sức bình tĩnh và can đảm. Ông tin rằng nếu có vợ, Hậu vui vẻ hơn và không phải làm những bài thơ tình vớ vẩn. Ông Trấn quan niệm mái ấm gia đình thực tiễn hơn những bài thơ, dù đó là những bài thơ thật hay đi nữa. Ông bảo Hậu, “Có gia đình đâu cấm anh sáng tác những bài thơ hay. Anh phải suy nghĩ lời tôi nói.”
Ông Trấn biện minh điều đó khi nghe Hậu thường nói, “Cô đơn là cảm hứng bất tận cho sáng tác!”, bấy giờ ông bảo Hậu ngụy biện. Ông nói thêm, “Cô đơn dễ đưa con người đến đau tim và đột quị!” Nghe đến đấy, Hậu cười trả lời, “Anh coi chừng anh đấy, vừa mất vợ lại lớn hơn tôi mười tuổi, tình trạng ai hiểm nghèo hơn ai?” Nghe Hậu nói những lời này ông im và không nói thêm lời nào. Có lẽ sau này cả Hậu và ông không thể nói thêm về điều ấy. Cả hai đều cô đơn nhưng phải chăng chấp nhận nỗi cô đơn, hai người ít ra đã thừa nhận chút giá trị nào đó của nó?
Chiều hôm ấy đứng đầu nhà ông Trấn, nhìn một vạt nắng vàng còn sót trên tàng bạch dương, Hậu nhớ bốn mươi năm trước vẫn thứ ánh sáng chiều ma quái đã dìm anh vào những hoài vọng không nguôi về tình yêu, cuộc đời và nỗi say đắm cái đẹp trần gian vô thường này. Thời gian chầm chậm trôi đi, lòng người mỗi giai đoạn tự động khuôn vào hoàn cảnh và dĩ nhiên có gì ra khỏi được những an vui hay đau đớn, chia lìa trong dòng sống ấy! Tuy nhiên, khi nghe ông Trấn nói, “Chừng mực nào đấy dù mưa bão hay hạn hán khô cằn thì rễ cây cũng luôn bám vào đất để cây được sống mà không cần biết sống lúc này có ý nghĩa gì!”
Lúc ấy Hậu chỉ bảo, “dĩ nhiên, nhân bản mà!” nhưng anh cũng nhận thấy câu nói nghe ra tích cực lại thực sự hết sức tiêu cực của ông và anh lặng lẽ lái xe ra đi. Hậu không muốn suy nghĩ thêm về câu nói của bạn mình nhưng anh cảm nhận mình cũng giống như cái cây ấy. Cần sống và không hề đặt vấn đề cho chính bản thân dù nỗi cô đơn như bám rễ vào cuộc sống mình. Năm năm trước Thảo đã từng nói với Hậu rằng, “anh chỉ tự làm khó mình” khi đề nghị hai người chung sống với nhau và thấy Hậu cười. Anh chỉ biết cười sự bất lực của chính mình trước một vấn đề sống còn của bản thân. Năm ấy Hậu năm mươi hai tuổi.
Hậu gặp Thảo trong khi đi thuê nhà. Thảo ra khỏi căn apartment một phòng thì Hậu thế vào. Lúc Thảo quay trở lại tìm cái địa chỉ ghi bằng bút chì kẻ mắt trên vách phòng tắm, hai người quen nhau. Tuy cái địa chỉ bị Hậu cạo sạch trong ngày đầu tiên dọn vào, nhưng Thảo vẫn vui vẻ ngồi nói chuyện với anh về lý do cô không nhớ địa chỉ của một người nào đó, phải viết lên tường buồng tắm và cuối cùng cho anh số điện thoại của cô để bắt đầu một quan hệ bạn bè.
Thảo năm gặp anh đã ba mươi sáu tuổi. Đẹp và sắc sảo nhưng Thảo không chồng con, chỉ bươn chải trên đất Mỹ như bươn chải trên vùng quê một làng nhỏ ven biển tỉnh Thanh Hóa, nơi cô sinh ra. Tinh thần mạnh mẽ, thể chất khỏe mạnh, Thảo mang nét đặc trưng của cô gái sinh trưởng miền duyên hải thường phải chiến đấu với bão tố để sống còn. Điều này càng làm tăng khả năng mưu sinh của cô trên một đất nước tự do thoải mái như Hoa Kỳ. Khi đã thân với Hậu, Thảo tâm sự, “Không phải em thích cô đơn nhưng giữa cô đơn và lập gia đình, em chọn sống một mình. Lý do cũng không có gì khó hiểu, em còn bổn phận đối với mẹ. Em tin rằng nếu lập gia đình em không thể chu toàn cho mẹ em được và điều này em không hề muốn xảy ra.”
Tình bạn kéo dài ba năm. Những chiều cuối tuần Hậu và Thảo hay đi ăn tối với nhau. Trong bữa cơm thường có uống rượu. Một hôm uống nhiều rượu, cả hai đều không giấu diếm tình cảm của mình. Thảo nói trước, “Em có thể đã yêu anh. Còn anh như thế nào?” Hậu trả lời, “Anh không biết, nhưng anh thích ở gần em, tuy nhiên anh cho rằng không phải tình yêu!”
“Anh nói dối, nhìn mắt anh em biết mà.”
“Anh nói thực!”
Thảo buồn rầu rót thêm một ly rượu cho Hậu. Anh lặng lẽ nhìn lọn tóc cuốn tròn bên gáy nàng. Lọn tóc thật giống của Loan ngày xưa trên giảng đường Đại học Luật Khoa buổi sáng ngày ghi danh nhập học năm thứ nhất. Anh cầm ly rượu Thảo đưa, nhìn sâu vào mắt nàng chậm rãi bảo, “Ngày hôm nay với anh, yêu một người khó không kém ghét một người, em biết không?”
Thảo giật lại ly rượu trên tay anh quay mặt đi uống cạn rồi đứng dậy bỏ ra về. Hậu nhìn theo bóng Thảo chập chờn lao xao trong ánh nắng chiều còn sót lại bên ngoài mặt cửa kính. Hôm sau Hậu cho rằng giữa hai người, ít nhất có một kẻ đã ứa nước mắt trong bữa cơm chiều hôm trước.
Thảo kiếm nhiều tiền và cứ ba tháng cô gửi về cho mẹ một nghìn đô la. Thảo chỉ còn mẹ, cha cô là bộ đội phục viên, cụt cả hai chân vì đạn pháo của Trung Quốc trong trận chiến bảo vệ một cao điểm ở Hà Giang tháng ba năm 1979. Ông về và sống chỉ thêm được hai năm rồi mất. Thảo kể với Hậu, “Cha em chết vì lý do khác chứ dù cụt chân ông vẫn khỏe và ăn uống bình thường. Với sự giúp đỡ di chuyển trên xe lăn do mẹ và em, cha em vẫn thường tự hào về hai cái chân cụt của mình!” Nghe Thảo nói, Hậu nhíu mày hỏi ngay, “Cụt chân mà tự hào là sao?”
“Thì tự hào chống Trung Quốc, hi sinh hai chân để bảo vệ đất nước đấy mà!”
Hậu gật đầu tự bảo mình sao đần độn như thế thì Thảo nói tiếp, “Đến ngày hôm nay em vẫn còn nhớ như in những buổi chiều em và mẹ đẩy cha em trên xe lăn. Ông móc vào hai chân cụt bao nhiêu cái huân chương vừa đưa tay vẫy người trong làng khi từ quán bán rượu về nhà.” Lúc này Hậu mới cảm thấy xót xa cho cha của Thảo khi nhớ đến biết bao nhiêu người lính Việt Nam đã nằm xuống trong trận chiến chống Trung Quốc xâm lăng sáu tỉnh biên giới phía Bắc tháng ba năm 1979.
Thảo nói tiếp, “Cha em được hưởng tiền phục viên và nhiều khoản ưu đãi khác dành cho anh hùng quân đội chỉ có năm đầu, sang năm thứ hai không hiểu tại sao ông thay đổi tính tình và biến dần thành bệnh nhân tâm thần, tám tháng sau cha em chết vì nghiến răng.” Nghe đến đấy, Hậu tò mò hỏi, “Chết vì nghiến răng là thế nào?”
“Năm đầu tiên phục viên cha em sống bình thường, nhưng sang năm thứ hai ông bắt đầu nghiến răng và không thèm nói chuyện với ai. Bất kể lúc nào, ngay cả trong giấc ngủ ông cũng nghiến răng. Âm thanh nghe phát khiếp! Anh có biết tiếng tre nghiến khi gió lớn hay không? Cha em nghiến răng đến độ nhà bên cạnh cũng nghe thấy. Ban đầu người ta sang nhà em bảo là tre ngoài ao do dông bị nghiêng hay sao mà nghiến như thế. Sau biết tiếng nghiến răng do cha em tạo ra họ trợn mắt rồi bịt tai trở về nhà.”
Nghe Thảo kể, Hậu hỏi lý do. Thảo lắc đầu bảo, “Nếu biết lý do thì đã có thể cứu chữa được. Đưa ra bệnh viện tỉnh nằm hai tuần, các bác sĩ chịu thua. Sau lại bảo cha em bị thương tổn tinh thần chứ thể xác không có bộ phận nào bệnh hoạn cả. Cuối cùng, chỉ còn trông vào sự chăm sóc của gia đình.”
Thảo kể thêm cha cô sau này như người câm, cứ trợn trừng nghiến răng ngày qua ngày cho đến đầu năm thứ ba trong lúc ngủ ông nghiến răng và cắn đứt lưỡi rồi chết mà không ai hay biết. Thảo bùi ngùi kết luận, “Em đồng ý với mẹ là cha em tức giận mà chết, nhưng không biết tức giận ai hoặc cái gì đến nỗi bi đát như thế?”
“Em thật võ đoán. Cứ nghiến răng là tức giận hay sao? Nghiến răng gây ra có thể do sự hư hại một vùng giây thần kinh trong óc. Nghiến răng trong giấc ngủ không khác bệnh ngáy. Cả hai đều do trục trặc thần kinh… mà không chừng di chứng từ chiến tranh. Cha em có bị thương vùng đầu hay không?”
“Không, cha em chỉ bị cụt hai chân, ngoài ra không có thương tích nào khác. Cha em nghiến răng lúc tỉnh cũng như khi ngủ. Ý kiến của anh có phần xác đáng; tuy nhiên, ở VN thời đó khoa thần kinh còn thô sơ, không như bên Mỹ này, lúc ấy đã có thể dùng máy tính để tìm hiểu bệnh trạng hay tham gia vào diễn đàn nếu mình đăng ký tìm hiểu bất kỳ vấn đề y học nào. Nếu ngày ấy có phương tiện như bây giờ em đã có thể nhờ những bác sĩ trên internet cho ý kiến về căn bệnh quái ác ấy!”
Hậu khâm phục Thảo. Thích ứng và học hỏi, Thảo tạo dựng niềm tin từ chính bản thân mình. Khi nhìn mặt Thảo nói về cái chết của người cha, Hậu có cảm giác làm như cô hiểu rất rõ lý do cái chết ấy. Tính chất bệnh lý của việc nghiến răng đi ra ngoài phán đoán cơ bản bình thường, nhưng Hậu không chủ tâm bàn nhiều về nỗi đau của Thảo khi cô nhớ về cha. Hậu nhớ lại từ lúc hai người thân với nhau thì anh khám phá ra Thảo cũng có những cử chỉ không được bình thường.
Lúc ăn cơm, thỉnh thoảng Thảo không cho thức ăn vào miệng theo chiều thuận mà nghịch lại. Thí dụ như cho con tôm vào miệng, Thảo không gắp nó nằm ngang mà dựng con tôm đứng lên mới đưa vào miệng. Vì con tôm dựng đứng nên phải mở to miệng mới cắn được. Hành động ấy trông giống như đang đùa với thức ăn của một đứa trẻ con. Lần đầu tiên thấy như thế, Hậu ngạc nhiên và Thảo mắc cỡ nói, “Em có cái tật như thế hồi nhỏ. Tuy có cố gắng sửa nhưng vẫn không kiểm soát được!”
Về sau nhìn Thảo đưa miếng tàu hủ vào miệng, cô như muốn cán miệng mình bằng một vật thể để không thể ngậm miệng lại. Lúc ăn một lá cải, thấy Thảo đưa chiếc lá dựng đứng, Hậu manh nha tự hỏi, hành động ấy phải chăng một cách vô thức Thảo không muốn mình rơi vào tật nghiến răng như cha cô để rồi bị cắn vào lưỡi mà chết giống như là tự tử? Nói với Thảo điều này, cô lắc đầu phản đối, “Thói quen em có từ bé còn khi cha em chết em đã trưởng thành. Không có sự liên hệ giữa hai việc này.”
Hậu chịu thua nhưng anh cảm thấy thói quen kỳ cục này của Thảo dường như liên hệ đến cái chết của cha cô nhưng cô cố che dấu nó đi. Thảo vẫn thường nói với anh, “Cuộc sống luôn có bao việc chính mình không kiểm soát hay hiểu nổi, anh suy nghĩ xem!” Và Hậu dù có suy nghĩ về điều này, anh cũng đã xuề xòa nói với nàng, “Em nói đúng, như chiếc đồng hồ đeo tay này, mua hơn mười năm nhưng nó cứ tốt mãi dù giá chỉ có ba mươi hai đồng cũng là điều mình không thể hiểu được…” Mãi đến khi Thảo về VN thăm mẹ lần thứ nhất, lúc trở lại Mỹ gặp Hậu cô bảo, “Em cứ tưởng chỉ có cha em mắc bệnh nghiến răng, cả một làng dì em ngoài Đồ Sơn cũng gần hai mươi người mắc phải…” Rồi cô nói thêm, “Trước khi sang Mỹ em vào Sài gòn và thấy có một số người tỉnh bơ nghiến răng dù đang ngồi uống café hay ăn phở.”
“Thế em có biết nguyên do hay không?”
“Cũng như cha em, không ai biết lý do! Và những người này chưa hề ra mặt trận, họ chỉ là những người dân bình thường. Có người là ngư dân thuần túy hay làm ruộng, có kẻ làm thuê ở thành phố thậm chí có người đi ở cho những đại gia.”
“Em có nhận ra điểm gì đặc biệt hay không?”
“Em không hề thấy gì lạ hơn việc nghiến răng, nhưng thực sự em bị ám ảnh căn bệnh kỳ lạ này. Không biết có ai chết vì cắn đứt lưỡi trong lúc nghiến răng như cha em hay không?”
*
Khi Thảo gặp lại mẹ sau gần 14 năm xa cách, cô có cảm tưởng bà trẻ ra vì mẹ cô quần áo lượt là với nhiều nữ trang trên người. Khuôn mặt mẹ Thảo trơn láng, hồng hào, những nếp nhăn ngày trước chỉ là những nếp mờ dĩ vãng. Bà Trọn ngày xưa bán khoai, ngô luộc, giờ là một người đàn bà đẫy đà, nhàn rỗi thường vắng mặt trong những buổi lễ lạt lớn trong làng. Người quen hỏi thăm, bà cho biết vào Vinh để gửi thư, nhắn tin cho Thảo, con gái bà hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ.
Thực ra thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt những người sinh sống tại miền Bắc Việt Nam không thiếu người thân sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, số người miền Bắc sống ở những nước tư bản phương Tây không nhiều. Trường hợp giống Thảo định cư tại Hoa Kỳ tính theo khu vực huyện cô ở chỉ có ba người. Thảo vượt biên nhưng hai cô gái còn lại thì lập gia đình với hai người Việt quốc tịch Mỹ.
Hoa Kỳ đối với một số người dân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi về những trận không kích của máy bay Mỹ xuống cầu Hàm Rồng trên sông Mã vào những năm chiến tranh lan ra miền Bắc. Và không chỉ lịch sử của một cuộc chiến tranh, đất nước Hoa Kỳ hôm nay gần như phơi bày rõ ràng trên các trang mạng xã hội hay internet. Tuy mỗi thế hệ con người ở đây có cách nhìn riêng nhưng hình như ai cũng thừa nhận cái chung nhất là xứ Mỹ giàu và con người sống ở đấy được sung sướng, hạnh phúc. Vế thứ hai tiếp theo là tùy hoàn cảnh cá nhân mà sẽ có câu phán, hoặc khen hoặc chê, hay nửa khen nửa chê đại khái “Nói gì thì nói, Mỹ cũng là cường quốc số một bây giờ!” Hay “Giàu thì giàu nhưng cũng chỉ là đế quốc đầy rẫy âm mưu…” Hoặc “Tuy giàu có nhưng xã hội đầy rẫy bạo lực, kỳ thị…” Và những kẻ như Thảo một khi từ Mỹ trở về, người quen cũng như không quen trong làng vẫn nhìn cô bằng ánh mắt phân biệt giai cấp. Tuy có ngưỡng mộ nhưng cũng không khỏi có tiếng dè bỉu kiểu đố kỵ ganh ghét.
Không quan tâm đến những biểu lộ thái độ, Thảo luôn bặt thiệp và vui vẻ với mọi người. Cô không che dấu sự kinh ngạc về những thay đổi lớn lao trong làng từ ngày cô ra đi. Nhà cửa xây dựng nhiều hơn và hiếm hoi mới thấy mái nhà tranh vách đất ngày xưa. Tuy dân làng vẫn còn đa số làm ruộng và đánh cá mưu sinh nhưng con người thay đổi lề thói sinh hoạt, họ khá giả hơn và văn minh có bước nhảy vọt. Đặc biệt rất nhiều người sử dụng điện thoại cầm tay, điều này phần nào làm Thảo ngạc nhiên thích thú. Bằng chứng là trong túi áo mẹ cô lúc nào cũng có chiếc Nokia mạ vàng, tuy Thảo chưa thấy mẹ dùng nó để gọi cho ai. Mẹ cô thực sự đã lột xác dù đó chỉ là bề ngoài. Quần là áo lượt đã xua mất hình ảnh vất vả, cực khổ của bà trên cánh đồng cói ngày xưa, nhất là những tháng ngày sau khi cha Thảo mất. Thảo hỏi mẹ, “Mẹ có cần gì thêm cho con biết, con sẽ gửi cho mẹ.”
“Mẹ chỉ cần tiền, có tiền mẹ có thể mua cái làng này con ạ!”
Thảo nhớ đêm đầu tiên hai mẹ con ăn cơm tối với nhau sau mười bốn năm xa cách, mẹ hỏi, “Mày có chồng hay chưa?”
“Con chưa cần chồng!”
“Thế mày đã thành cô gái già rồi đấy biết không?”
“Con lấy chồng ai nuôi mẹ?”
“Thế chồng mày không cho mày gửi tiền nuôi tao hay sao?”
“Không phải thế, nhưng điều ấy xảy ra thì người thiệt là mẹ đấy.”
Bà Trọn không hỏi gì thêm trong khi Thảo biết mình bao giờ cũng cần một bờ vai đàn ông để tựa vào. Cô nhớ đến mái tóc ngắn, bờ vai rộng của Hậu, “Anh ấy giống người xứ mình!” Không hiểu sao nghĩ đến Hậu, Thảo nhớ đến mùi nước biển thoáng trên thân thể anh. Phải chăng nó làm cho Thảo nhớ một quê nhà bão tố thường xuyên của mình; và đêm ấy dù mệt mỏi vì cuộc hành trình hai ngày, cô vẫn thao thức không ngủ được.
Ba ngày sau, vào buổi sáng Thảo đi bộ ra hàng dương bờ biển cách nhà cô sáu cây số. Thảo đi bộ vì muốn tìm lại cảm giác ngày còn học trung học đã cùng bạn thân ra thăm biển nhìn mặt trời lên mỗi sáng chủ nhật.
Thảo ngồi rất lâu trên bờ biển. Hàng dương làng ở phía sau lưng cô vẫn còn tuy cằn cỗi hơn. Hàng dương làng cạnh đã bị đẵn sạch, thay vào đó là một loạt khách sạn đang xây dựng nghe nói kéo dài đến tận Sầm Sơn. Thảo nhìn quang cảnh trước mắt không còn chút gì quen thuộc, có lẽ chỉ có màu biển xanh thẳm lưu giữ cho Thảo chút ấn tượng, như mẫu ký ức tuổi thơ còn lại nằm thật sâu ở đáy lòng. Nghĩ về nó, trong cô gợn lên một chút bùi ngùi luyến tiếc.
Thảo chờ gì từ một quê nhà xa xăm trở lại trong hồi tưởng của mình? Mọi thứ hầu đã mất như điều cô hằng tưởng tượng ở Mỹ trước khi chìm vào giấc ngủ mỗi tối. Ngày hôm nay, bờ cát này từng in bao dấu chân thời thơ ấu của Thảo, nhưng cô vẫn thấy xa lạ dù xa xa sự nghèo nàn xơ xác ngày xưa giờ đã thay thế bằng những resorts lộng lẫy cho khách du lịch. Có rất nhiều chiếc dù sặc sỡ trên bờ cát trắng và những cô gái tóc nâu, vàng chạy nhảy, đi lại trên bờ biển. Bờ biển Nga Sơn giờ không kém bờ biển du lịch Acapulco xứ Mê hi cô! Thảo nhận ra mình đi thụt lùi trong nhận thức. Cô giật mình khi Trãi, người chủ tịch xã nhìn thấy cô ngồi bó gối trên bờ biển bèn đi đến gần hỏi, “Em nhận xét gì về quê nhà mình sau nhiều năm xa quê hương hở Thảo?”
Trãi là bạn học ngày xưa cùng học chung trường trung học huyện với Thảo. Trãi mặc bộ quần áo thể thao thời trang hàng hiệu Adidas. Không còn dấu vết gì của một anh chủ tịch xã quần áo tề chỉnh ngày hôm qua trên văn phòng khi Thảo trình giấy thị thực chiếu khán. Cô nhớ ngày xưa Trãi từng theo đuổi mình trong năm cuối cùng trung học. Thảo ngày ấy bận tâm nhiều đến người cha tàn tật hơn là nghĩ xa về một tương lai. Hôm nay Trãi đã bốn mươi sáu tuổi và có hai con đang học đại học. Thoáng mà đã hơn một phần tư thế kỷ! Thảo lắc đầu trả lời, “Em không có nhận xét gì vì mới về. Tuy nhiên mọi thứ đều mới lạ đối với em. Thay đổi thật nhiều.”
“Đúng thế, quê ta đang xây dựng và thay đổi là phát triển. Một ngày rất gần em sẽ thấy quê nhà không khác Mỹ bao xa đâu!”
“Thực thế ư?”
Thảo trả lời Trãi một cách vô thức vì cô mãi tìm trên biển xanh kia chiếc buồm cánh dơi ngày cũ. Hỏi Trãi, anh ta bảo, “Buồm cánh dơi thuộc về dĩ vãng, quê ta không còn nó nữa mà có rất nhiều du thuyền với thứ buồm trắng nhọn, khi chạy như những mũi tên lao vào trời xanh.” Thảo nhìn biển xanh thẳm trước mắt lắc đầu nói, “Em không cần những thứ đó!”
Không nghe tiếng Trãi, quay lại cô thấy anh ta đi về phía resort vì có bóng ai đấy đang vẫy tay gọi. Nắng đã lên cao, có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tràn ra bờ biển. Tiếng chửi thề xen lẫn những câu tiếng lóng mà từ xa cô cho là tiếng nước ngoài. Sau khi lắng nghe, Thảo không hiểu được họ muốn nói gì bằng thứ ngôn ngữ ấy. Thảo lặp lại lời Trãi vừa nói với cô, “thay đổi là phát triển!” rồi lặng lẽ đi về nhà.
Đến đầu làng. Quán tạp hóa bán rượu ngày trước giờ là một trạm bán xăng với người vào ra tấp nập. Con đường qua làng ngày xưa vắng lặng giờ ồn ào vì tiếng người, tiếng xe gắn máy chạy thông đến quốc lộ. Hai bên con đường chính chạy dọc vào làng là những lớp nhà gạch mái ngói san sát. Có những cửa hàng cho thuê máy vi tính để vào internet hay chơi game, đây đó những quán karaoke, café đèn mờ với những bài nhạc pop Mỹ phát inh ỏi. Hiếm hoi mới gặp một mái nhà tranh dù vẫn còn những con trâu, bò lang thang đó đây trong làng.
Nhà của Thảo đã được mẹ xây lại sau sáu năm nhận tiền của cô gửi về. Nhà gạch mái ngói đỏ với cung cách mới mà bà thường thấy ở những nhà giàu trong làng. Nội thất cũng được sắm đầy đủ từ bộ sa lông gỗ với nệm lót cho đến chiếc giường gỗ cẩm với nệm dày, gối thêu hoa, và chăn bông hai lớp. Điều đáng chú ý là nhà bếp và nhà vệ sinh riêng biệt, thứ mà mười năm trước còn hoàn toàn xa lạ đối với dân làng Mang Sơn này.
Thảo cùng mẹ đi thăm dì Đợi ở một làng chài ngoài Sầm Sơn. Dì Đợi nhỏ hơn mẹ Thảo ba tuổi, vui vẻ cám ơn Thảo khi cô cho dì hai trăm đô la. Khuôn mặt khắc khổ già hơn tuổi thật, dì Đợi của Thảo làm việc trong một trạm xá làng với vai trò người dọn dẹp vệ sinh cho người bệnh. Dì nói với Thảo, “Dì không thích việc này dù dì đã làm việc hơn mười năm. Có nhiều người bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và số người bị tâm thần gia tăng những năm gần đây.”
Thảo biết xã hội có phát triển thì bệnh tật càng phát sinh, đặc biệt là bệnh tâm thần. Cô quen với những thông tin của xã hội Mỹ về liên hệ xã hội và y tế trong những đất nước đang phát triển. Cô khuyên dì nên kiếm một việc làm khác vì chồng của dì vẫn còn đánh cá trên biển, thu nhập cũng đủ nuôi sống gia đình.
Ba người Thảo, mẹ và dì Đợi ra bến xe mua vé vào Vinh. Lúc ba người đi ngang qua một khúc quanh đầu làng chợt Thảo nghe tiếng nghiến răng của ai đó. Bà Trọn, mẹ Thảo cũng thế, bà mở to mắt lắng tai nghe. Tiếng nghiến răng là một ám ảnh tiềm thức và Thảo đưa tay lên bịt tai. Dì Đợi hỏi, “Có gì mà con phải sợ?”. Thảo lắc đầu bảo, “Tiếng người nghiến răng. Cha cháu ngày xưa cũng từng nghiến như thế!”
“Ngày hôm nay có rất nhiều người nghiến răng như cha cháu.”
“Thật sao?”
“Đúng như thế, chừng năm năm gần đây số người nghiến răng tăng thêm và bây giờ không phải là bệnh mà chỉ là tật. Một thứ thói quen thời mới. Tuy nhiên, nó chỉ có trong vòng mười năm gần đây.”
Mẹ Thảo thêm vào như mỉa mai, “Ngày nay người ta nghiến răng không phải như bố con. Bố con nghiến răng là bệnh, còn ngày hôm nay vui buồn gì cũng có thể nghiến răng được. Nghiến răng là mốt đấy!”
“Thế mẹ có nghiến răng hay không?”
“Không bao giờ!”
Nghe mẹ nói, Thảo buồn cười rồi ngạc nhiên không hiểu nhưng cả mẹ và dì Đợi không ai giải thích được rõ ràng. Sau đó, Thảo mơ hồ hiểu nhưng cô không nói được lời nào. Đến Vinh, họ vào một trung tâm mua sắm kiểu phương Tây, Thảo mua cho mẹ và dì khăn nỉ quấn cổ, bít tất dày và những bộ quần áo ấm mùa đông. Xong, cả ba vào một nhà hàng ăn cơm rồi lên xe đò về lại Mang Sơn.
Trên xe, Thảo hỏi dì Đợi, “Dì có thấy những người nghiến răng hay chỉ nghe nói?” Dì Đợi trả lời, “Làm việc ở bệnh xá nên dì tận mắt trông thấy và chăm sóc. Đa số là đàn ông. Phụ nữ rất ít. Tuy nhiên ngoài việc nghiến răng, cơ thể họ hoàn toàn bình thường thế nên y tá cho họ về nhà.”
“Dì có thấy họ chữa trị bệnh này thế nào không?”
“Người ta không cho là bệnh thì làm gì có thuốc.”
Thảo đi đến kết luận, “chỉ có trời đất biết… Con người phải chịu hậu quả của chính mình làm.” Điều này tuy mơ hồ để giải thích nhưng lại cụ thể ở biểu hiện. Không phải con người từng bước tàn phá môi trường đến nổi khí hậu hôm nay thay đổi ngày một tệ hại hơn hay sao? Thảo còn suy luận, “tâm thức con người cũng là một thứ môi trường, và có gì thê thảm hơn khi mà tâm thức con người điên đảo suy đồi như thế?” Khi nói với Hậu, cô từng bảo, “Anh cứ chờ xem, không phải chỉ nghiến răng mà một ngày nào đó con người còn gánh lấy những căn bệnh ghê gớm hơn nữa!”
“Em cho biết đó là bệnh gì?”
“Em không biết nhưng có linh cảm. Có thể có loại bệnh mà không bệnh vì người bệnh sống với nó hết sức bình thường, đến khi phát bệnh, chịu đau khổ mà vẫn không hề biết là bệnh.”
Thảo nói mơ hồ nhưng Hậu thấy điều này không phải không có khả năng. Đêm về anh suy nghĩ. Tâm thức con người đang bị tàn phá, và ngày hôm nay người ta đang sống trong sự ruỗng mục từng bước của nó. Thảo kể với anh sau khi trở về thăm mẹ lần thứ hai, trước khi sang lại Mỹ Thảo gặp Trãi ở đầu làng. Trãi mời Thảo vào quán uống café. Trãi nói, “Thế nào, lần thứ hai về thăm quê nhà em có thấy quê hương phát triển vùn vụt như anh từng nói hay không?”
“Em lại không hề thấy phát triển.”
“Em nói đùa hay sao? Thế em thấy gì?”
“Em chỉ thấy điêu tàn!”
“Em bảo sao?”
“Không! Một khi em không thấy vui từ cái gọi là phát triển thì đấy là sự điêu tàn. Có thể là sự điêu tàn của chính em.”
Trãi tròn mắt khi nghe Thảo nói. Cô lắc đầu không giải thích thêm vì lòng cô cảm nhận sự điêu tàn bàng bạc khắp nơi. Thứ tâm thức điêu tàn qua cái gọi là phát triển. Thảo thấy lại hình ảnh cha đang ngồi trên xe lăn, bên giậu bạch hạc mỗi chiều, mắt trợn trừng nhìn vào khoảng không và nghiến răng liên tục. Cha cô như chìm vào sự im lặng của buổi chiều miền quê rồi sau đó theo ánh nắng vàng vọt lung linh tan biến mất. Sự im lặng ngày xưa ấy còn kéo dài đến ngày hôm nay. Quấn quít không rời cô, không chỉ nơi quê nhà mà còn theo tận bên trời Tây xa xôi mỗi khi cô nhớ lại. Sự im lặng ấy bao hàm nỗi nhẫn nhục chờ đợi, chịu đựng sự bức bách thôi thúc như từ thuở hồng hoang đất trời. Và trong tình trạng im lặng để chờ đợi ấy người ta có xây dựng lên bao công trình vẫn chỉ là trò trớ trêu bên ngoài sự điêu tàn từng bước của tâm thức!
Thảo không nhận ra mình vừa nghiến răng, Trãi ngồi im lặng nhìn cô và bật cười. Anh không nói, đốt thêm điếu thuốc lá nhìn ra ngoài cửa sổ. Thảo nâng ly café đen lên uống và nghĩ nếu nước ở thể rắn cô có thể nhai nó như nhai một niềm đau hay một nỗi buồn. Bây giờ cô uống café và chất đắng này, cô chỉ có thể nghiến răng rồi nuốt tất cả vào bụng.
Một cậu bé chừng mười tuổi, quần áo rách rưới bước vào quán đến mời Trãi và Thảo mua giấy số. Trãi lắc đầu đưa tay như xua đuổi nó ra khỏi quán. Thằng bé lầm lũi ra ngoài sân, đứng nhìn trời rồi móc túi lấy ra một cái điện thoại di động bấm số nói chuyện với ai đó. Đứa bé vừa nói vừa chửi thề liên tục trên điện thoại. Âm vang tiếng chửi thề từng chặp đến tai Thảo như tiếng nghiến răng từ một thời quá khứ tàn tật của cha cô, mỗi chiều ngóng đợi mẹ con cô từ ruộng cói trở về.
*
Hậu im lặng suy nghĩ trong khi Thảo nằm bên cạnh đã ngủ từ lâu. Cô dường như bình yên hơn sau khi nói chuyện với Hậu. Anh đưa tay lên nhìn đồng hồ. Mười hai giờ rưỡi khuya, chiếc đồng hồ ngày cũ vẫn chạy tốt. Cây kim giây lặng lẽ chuyển động trong khi hai cây kim phút và giờ đang âm thầm làm việc. Chỉ có chiếc đồng hồ này mà mỗi khi Hậu nhìn nó, anh lại thấy cả bầu trời lạnh lùng quá khứ, rồi tiếc nuối hay dửng dưng từng thời sáng tối trong cuộc đời mình như ông Trấn thường nói với anh. Hậu lại tự hỏi mình có thể yêu thương Thảo, như cô đã yêu thương anh và gắn bó cùng một vùng đất ven biển xa xôi, trong lòng một quê hương khác mà nhiều khi anh tưởng đã mất tự bao giờ?
|
|