Thành Phố và Mùa Hoa Lục Bình

(Chương 9 - Có Một Thời Nhân Chứng)
 
 
 

9.

Sáng nay Thành dậy sớm, nhưng anh không vội ra khỏi giường. Từ cửa sổ phòng ngủ tầng trên nhà Lâm nhìn sang bên kia đường trời hãy còn sớm lắm, cảnh vật mờ nhạt dưới con mắt ngái ngủ của anh. Quán cơm tấm bên cạnh nhà vang tiếng lách tách của chén đủa được sắp lên bàn buổi sáng. Một con chim bồ câu trắng vừa bay đến đậu trên đường giây điện trước mắt Thành và gió thổi đung đưa những sợi giây điện thoại giăng ngang cửa sổ đầu giường. Thành nhìn sang chiếc giường bên cạnh không thấy Lâm, anh nghĩ Lâm hôm nay có giờ dạy học buổi sáng. Nhìn đồng hồ đã bảy giờ và Thành lại nghe tiếng động của ly tách lanh canh dưới nhà, anh đoán Lâm đang pha café.

Lúc Thành xuống nhà dưới thấy Lâm chểm chệ ngồi uống café ngoài phòng khách. Trong nhà mùi café thơm lừng. Thấy Thành Lâm nhắc, “Sáng hôm nay mày chịu khó chờ Thịnh đến. Nó mang cho tao chiếc máy hát Sony của bác nó cho. Có chiếc máy này, tụi mình có thể ngồi nhà nghe nhạc uống café khỏi phải đến quán này hay quán kia nữa!” Thành vào trong nhà tắm làm vệ sinh vừa nghĩ “Lâm suy nghĩ không khác một ông lão!”, nhưng Thành biết chắc rằng café Đông Sanh của Pleiku không khi nào thiếu trong căn nhà này vì bạn bè, người thân từ Pleiku về Sài gòn món quà duy nhất ai cũng thích là mang café Đông Sanh biếu Lâm. Do đó Lâm cho rằng nếu có nhạc hay thì nhà anh nào kém quá café chuyên nghiệp vậy đến quán làm gì cho tốn tiền? Khi Thành đánh răng rửa mặt xong bước ra salon đã thấy Lâm chuẩn bị ra khỏi nhà. Anh đề nghị đi ăn phở trước khi đi dạy thì Lâm lắc đầu bảo, “hôm nay tao ăn sáng ở trường, mày chờ Thịnh đến ăn luôn. Nó đến lúc tám giờ rưỡi!” Lâm rời khỏi nhà trong đầu luôn nghĩ không biết chiếc máy hát stereo của Thịnh có còn tốt hay không?

Ngồi uống café nhìn ra cửa. Thành nhớ cái hẹn với Loan lúc mười giờ sáng. Nhà Loan trong khu Bàn Cờ, học trường Kiến Thiết gần ngã tư Trần quí Cáp và Lê văn Duyệt nên Loan hay đi bộ ngang trước cửa nhà Lâm từ những năm học lớp đệ tứ. Thành về Sài gòn học khóa 4/68 Thủ Đức về phép ở nhà Lâm. Anh để ý đến Loan rồi từng bước làm quen cô nữ sinh đệ tứ xinh xắn mỗi sáng đi bộ qua trước nhà. Ba năm sau về tập huấn Nhảy dù mười hai tuần lễ, tình yêu hai người đã sâu đậm. Năm nay Loan học đệ nhất, nghĩ đến năm tới Loan lên đại học nếu đậu tú tài Thành thở dài. Tháng tới anh về đơn vị, không biết tiểu đoàn nào nhưng quân nhân binh chủng nhảy dù dẫu là lính hay sĩ quan đều không có tương lai. Loan đồng ý lấy Thành sau khi đỗ tú tài nhưng điều này vô nghĩa với anh. Những hứa hẹn thời chiến đều mang sắc màu bi kịch. Rõ ràng ai cũng có thể hứa hẹn, nhưng không hề có niềm tin tưởng bền vững dù tình yêu nào cũng đều thề non hẹn biển! Nhớ tới Hải, Thành không khỏi cho là may mắn vì không biến mất trên cõi đời này. Nghĩ thêm đến Phác, Phan, Thịnh anh cho rằng không ai tránh khỏi việc vào quân đội. Dẫu gián tiếp hay trực tiếp cũng phải hoàn thành nghĩa vụ của mình. Thành quan niệm đơn giản như thế nên khi vừa rớt tú tài phần hai, anh tình nguyện đi khóa 4/68 trừ bị Thủ Đức. Nhớ lần về phép đầu tiên với gia đình, cha của Thành chỉ trầm ngâm nhìn anh không nói gì trong khi mẹ anh bắt anh đến bàn thờ tổ tiên thắp hương lạy ông bà. Những ngày kế tiếp Thành chỉ thấy mẹ ngồi với mình lại rơm rớm nước mắt thế nên về sau, Thành rất e ngại về thăm cha mẹ khi được nghỉ phép.

Thành là bạn cùng lớp với Lâm nhưng học trên Phác, Phan, Hải một lớp. Lúc còn là học sinh trung học công lập Pleiku, Thành có quen biết Phác, Phan và Hải nhưng không chú ý vì lúc bấy giờ anh vẫn xem ba người là hạng đàn em vì tuổi tác cũng như việc học đều dưới mình. Tuy nhiên, vào quán café Dinh Điền để uống thì hình như Thành không thường xuyên hơn ba gã đàn em này. Những năm cuối cùng trung học, đến quán sáng hay chiều Thành đều thấy Phác, Phan, Hải phì phèo thuốc lá và trầm ngâm như đang suy nghĩ những vấn đề lớn lao đất nước vậy! Đến khi Phác, Phan vào Sài gòn, Hải đi Qui nhơn học thì năm tiếp theo Thành rớt tú tài phần hai và không chờ lệnh động viên, Thành tự nguyện vào khóa 4/68 Thủ Đức. Ra trường Thành về trung đoàn 31, sư đoàn 21 bộ binh đóng tại Bạc Liêu thuộc quân kku 4. Năm tháng sau Thành lên thiếu úy, và sau vài lần tạm thời làm đại đội phó, Thành được đề nghị về Thủ Đức học tham mưu căn bản vốn là bước đầu tiên để đặc cách trung úy chỉ huy cấp số đại đội. Sau khi hoàn tất khóa tham mưu sơ cấp này, về đơn vị Thành làm đơn tình nguyện chuyển sang binh chủng Nhảy dù. Lúc bấy giờ lệnh của bộ Tổng tham mưu dành ưu tiên cho bất kỳ sĩ quan tình nguyện chuyển sang lực lượng tổng trừ bị là Nhảy Dù và Thủy quân lục chiến. Thành trở thành sĩ quan nhảy dù dễ dàng vì bản thân đã từng trãi qua chiến đấu trong lực lượng bộ binh hai năm, thêm nữa lại vừa tốt nghiệp khóa tham mưu căn bản. Thành chỉ cần hoàn tất thủ tục của một chiến binh nhảy dù là trải qua chín tuần lễ huấn luyện căn bản Vương mộng Hồng và ba tuần huấn luyện nhảy dù tại Hốc Môn. Thành bấy giờ tuy là sĩ quan trừ bị nhưng không hề thua kém một sĩ quan hiện dịch tốt nghiệp từ trường võ bị liên quân Đà Lạt. Từ khi bắt đầu là sinh viên sĩ quan Thủ Đức, về Sài gòn Thành đều ở nhà Lâm. Nơi đây quần tụ đám đồng hương miền cao Pleiku. Thành trở thành thân thuộc với Phác, Phan, Hải, Thịnh để rồi chia xẽ buồn vui cuộc đời lính chiến của mình bằng những lần về phép Sài gòn.

Lâm từ lúc còn là một học sinh đệ nhị trường Hưng Đạo đến khi trở thành một giáo sư hóa học khả kính đều trong tư thế chủ căn nhà hai tầng trên đường Trần quí Cáp đối diện tiệm hủ tiếu Hồng Phát và láng giềng quán cơm tấm nổi tiếng Trần quí Cáp. Căn nhà này là nơi hội tụ đám thanh niên Pleiku về Sài gòn học, hoặc lên đường nhập ngũ như Thành là một ví dụ. Lâm dễ dãi trong việc đón tiếp bạn bè tại nhà xem như giúp đỡ người đồng hương lúc khó khăn, và bắt buộc khó tính để nhà mình không trở thành nơi vô trật tự, vô chính phủ với đám thanh niên từ học sinh choai choai cho đến sinh viên sĩ quan thường xuyên ra vào như một quán trọ miễn phí.

Cha mẹ Lâm người Quảng Nam vào Pleiku lập nghiệp với nghề thợ may từ thuở mảnh đất nhiều núi đồi này còn gọi là đệ tam quân khu, trước khi chuyển sang thành lập bộ tư lệnh quân đoàn 2 năm 1961. Vốn làm việc cần mẫn và chịu khó, sau mười năm cha mẹ Lâm gầy dựng được một cơ ngơi đáng kể tại Pleiku. Lâm là con một, học giỏi và chuyên cần nên trước khi anh lên đại học, cha mẹ đã mua nhà tại Sài gòn để anh đủ điều kiện học hành với kỳ vọng người con trai duy nhất này làm vẻ vang giòng họ. Nhưng Lâm không trở thành kỹ sư hay bác sĩ mà chỉ theo đuổi khoa học và tốt nghiệp cử nhân hóa học sau bốn năm dùi mài. Lâm hoãn dịch gia cảnh nên anh thoải mái học theo ý thích và tận tình giúp đỡ đám bạn cùng quê Pleiku với mình. Thành là bạn của Lâm từ thuở còn học tiểu học, đến trung học chỉ học chung đệ nhất cấp. Lên đệ nhị cấp, hai người khác ban và Lâm vào Sài gòn học đệ nhị trong khi Thành xuống Qui Nhơn thi tú tài. Lên tú tài hai, Thành thi hỏng vào lính và Lâm tiếp tục học đại học khoa học Sài gòn.

Mỗi khi được phép Thành về nhà Lâm và vui vẻ những ngày cuối tuần tại đây. Trên lầu có hai phòng ngủ và một hành lang. Trên hành lang này có một móc áo thật dài đóng chặt vào tường, treo rất nhiều bộ quần áo sinh viên sĩ quan của bạn bè thân hữu Lâm. Dĩ nhiên có quần áo của Thành, Hải, và cả Phan, Phác sau này. Không biết có phải những người này quên hay cố tình để lại như thứ đánh dấu tuổi trẻ, gợi cho mọi người thực trạng đất nước bằng bộ quần áo lính mà Lâm thường mỉa mai gọi là thời trang dân tộc.

Lâm là giáo sư hóa học chính thức của trường Trí Đức trên đường Cao Thắng. Từ nhà Lâm đến trường chỉ không đầy một ki lô mét. Bên cạnh trường góc hẻm 51 có tiệm bánh mì thịt nguội Hà Nội. Đến trường sớm Lâm thường sang tiệm bánh mì ăn sáng. Lâm gọi một khúc bánh mì với ba tê gan và thịt jambon hun khói kiểu Pháp, ngoài ra còn có đồ chua cà rốt và dưa leo.

Sáng nay Lâm ngồi ăn bánh mì và uống thêm tách café sữa dù anh đã uống ở nhà. Vừa ăn Lâm vừa vơ vẫn nhìn những bài thơ ca tụng café và bánh mì của khách được viết tay hoặc in treo trên vách. Một số bài trên bàn dưới tấm kính lót. Lâm thầm nghĩ tính sính thơ của người miền Bắc trong khi người Nam cũng thích ca tụng món ăn, thức uống ngon nhưng họ không làm thơ. Họ khen trực tiếp nếu cần họ thưởng bằng cách này hay cách khác. Người Bắc văn nghệ, và người Nam thực tiễn, Lâm thầm nghĩ như thế sau khi nghe một số khách ra vào nói chuyện. Nhiều người lớn tuổi nói tiếng bắc là khách quen với chủ tiệm. Có kẻ là bạn từ ngoài Hà nội, họ kể chuyện cũ và nhắc lại vô số kỷ niệm. Lắng nghe họ nói, có thể hình dung được cuộc đời quá khứ và hiện tại đang diễn ra. Nghĩ đến đấy có tiếng chuông reo dài bên kia vách quán, Lâm vội đứng dậy đến quầy trả tiền và đi về trường. Đúng tám giờ sáng.

Khi Thịnh đến nhà Lâm đã thấy Thành hút thuốc lá, tay cầm tách café đứng ở cửa ngóng nhìn về phía rạp hát Capitol. Dựng xe Thịnh gọi Thành đến phụ mang chiếc máy hát sony vào nhà. Cắm điện và thử, chiếc máy chạy băng từ còn tốt. Bản nhạc “hoa soan bên thềm cũ” Lệ Thu hát âm thanh nổi và không bị đoạn nào nhòe tiếng! Thịnh vừa đứng lên đi ra cửa đã nghe tiếng Thành nói chuyện với Loan trước nhà. Loan đẹp sắc sảo, dong dỏng cao trong chiếc áo dài trắng thật là một nữ sinh điển hình thời đại! Thịnh thầm tán tụng như thế trong khi Thành đưa Loan vào nhà. Thấy Thịnh Loan lí nhí chào. Thịnh gật đầu chào lại Loan rồi nói với Thành, “tao về đây, mày nói với Lâm chiếc máy chạy còn tốt và mày hãy mang lên lầu giúp nó.”

Khi tiếng xe honda của Thịnh vang xa, Thành đóng cửa nhà quay sang ôm Loan và nồng nàn hôn lên môi cô. Loan nửa xô nửa đẩy Thành nhưng cuối cùng nụ hôn nồng cháy ấy cô cũng tham dự không kém tích cực. Thành dìu Loan đến chiếc ghế dài thì cô đẩy anh ra nói, “để em đi, coi chừng người ta thấy!” Thành bảo, “anh đóng cửa rồi, ai vào đây?”

Loan đến bên cửa cầm lấy chiếc cặp vừa rồi đã ném xuống đất mang về salon. Thấy Thành đang đứng nhìn cô như tiếc rẻ, Loan hỏi, “anh bao giờ vào trại?” Thành trả lời, “ngày mai!” Loan lúc này đăm đăm nhìn Thành:

“Anh nói dối, hôm trước bảo tuần sau, hôm nay bảo hôm sau là sao?”

“Thì anh nhớ lộn, hôm nay em nghỉ học hay sao?”

Loan lắc đầu, “em nghỉ hai giờ đầu, hai giờ sau học như mọi ngày!” Loan biết Thành muốn gần gũi với cô để thỏa những ngày xa cách nhớ mong. Cô cũng thế nhưng dù sao mình không thể buông thả như vậy được! Loan nhớ tới lời khuyên của Hằng, người bạn cùng lớp đã trãi qua bao đau khổ vì tình do bản tính nông nỗi mà ra. Hằng thành thật nói với Loan những hệ lụy cuộc đời chỉ do sự yếu mềm chốc lát của người con gái. Loan nói với Thành:

“Em ngồi chơi với anh lát nữa sẽ đi học. Anh ra mở cửa để người ta không hiểu lầm chúng ta.”

Thành lắc đầu thở dài rồi ra mở hé cửa. Anh biết Lâm sẽ rủa mình nếu biết việc đóng cửa với người yêu như thế này. Thành đã từng bị Lâm nhắc nhở, “mày phải đàng hoàng kẻo mang tiếng đến tao!” Ngồi bên Loan Thành tâm sự, “anh nhớ em nhưng cuối cùng về đến thành phố, gặp em anh coi như tan biến mọi buồn khổ, cực nhọc trước kia!”

Nghe Thành nói Loan cười, “anh diễn tả hay thật. Nhưng có thực như thế hay không? Còn có người con gái nào khác? Nói cho em biết đi?” Lắc đầu Thành nói gọn ghẽ:

“Chỉ em duy nhất!”

“Em không tin những người lính hôm nay, nhất là sĩ quan như anh. Có biết bao cô gái hậu phương! Phải không?”

“Đúng, nhưng em là người em gái hậu phương duy nhất ấy!”

Nói xong Thành lại ôm Loan và hôn lần nữa. Loan nhượng bộ, cô không khỏi có cảm giác hưng phấn lẫn xót thương. Cô yêu Thành thực lòng và tha thiết mong mọi việc sẽ xãy ra tốt đẹp nhưng hình như đáy lòng cô lúc nào cũng cảm giác bất an. Cuối cùng tình cảm vẫn đè bẹp sự lo lắng ấy, cô chỉ mong mình một ngày làm vợ Thành như đã hứa hẹn nhiều lần với anh. Thời gian lắm lúc chậm rãi đáng ghét, cô chỉ mong mình học xong trung học rồi hai người sẽ làm đám cưới. Nghĩ đến đấy cô lại giựt mình vì bàn tay của Thành đang sờ soạng trên ngực cô. Loan hất tay Thành ra rồi nói:

“Anh phải đàng hoàng với em. Chút nữa em còn đi học.”

Loan nói xong vuốt lại tà áo dài vừa nhìn thấy Thành đang nhăn nhó cười, cô bảo, “anh vui lắm sao mà cười!”, Thành không nói thêm tiếng nào lặng lẽ đến chiếc ghế góc nhà ngồi rồi nhìn Loan. Loan hiểu ý Thành, lòng cô lại gợn lên bao xót xa cho tình yêu của mình. Cô cũng nhớ Thành, và nếu Thành buồn khổ nhớ thương bao nhiêu thì ngược lại cô cũng không kém. Nhưng cô biết đè nén nỗi lòng mình, không biết có phải thói quen hay không, thỉnh thoảng đọc báo cô thấy phụ nữ chịu đựng quá nhiều bi thương mà sự thiệt thòi ấy cô cho là thói quen. Cô không suy nghĩ sâu xa nhưng bản tính phụ nữ gặp chuyện tiêu cực vẫn hay im lặng, chịu đựng như ông bà, cha mẹ cô đã từng chịu đựng. Từ đấy Loan suy luận nỗi đau của phụ nữ đã thành nếp gấp trong tiềm thức. Càng đau đớn thì những nếp gấp ấy càng hằn sâu như vết thương và vết thương này ngày càng sâu thêm cho đến lúc không chịu đựng được nữa thì nạn nhân chịu chết. Cô tưởng tượng và chính cô sau này lại là chứng nhân cho sự suy nghĩ này.

Sau khi Loan đi học, Thành chuẩn bị ra khỏi nhà. Anh tính đến nhà Đông ở quận năm rủ đi Thủ Đức chơi. Đông cùng khóa Nhảy dù và hai người đều là cựu hướng đạo sinh nên dễ thân nhau. Lúc Thành đóng cửa nhà khóa lại thì Lâm về tới. Thành làm lạ hỏi lý do về sớm, Lâm bảo, “tao nhờ người bạn dạy thế hai giờ vì hôm nay có hẹn đi ăn giỗ tại nhà anh Kỷ ở Tân Định vào buổi trưa. Mày muốn đi thì đi với tao luôn. Xuống nhà Kỷ uống rượu nếp than.” Thành có gặp Kỷ vài lần ở nhà Lâm nên đồng ý. Lâm chở Thành bằng xe gắn máy, lúc lên xe Lâm hỏi, “mày tính thế nào với Loan?”, Thành trả lời, “tao còn hẹn với Loan cả tuần kia mà!” Lâm nói:

“Tao hỏi là mày có tính lâu dài với Loan hay không?”

“Dĩ nhiên, trước khi về đơn vị tao sẽ về Pleiku nói với ba má tao. Nhưng mọi việc đều phải sau khi Loan tốt nghiệp trung học.”

Nghe Thành trả lời Lâm không nói gì, Thành hiểu Lâm quan tâm đến mình vì sau này khi đi học ngang qua nhà Lâm, Loan thường ghé lấy thư hoặc hỏi thăm tin tức Thành khiến Lâm phần nào hiểu hoàn cảnh hai người. Thành vổ vai Lâm nói, “yên chí, tao yêu Loan và quyết tâm cưới cô ấy. Chỉ mong mọi việc đều tốt đẹp như mình mong!” Câu nói này có lẽ không chỉ ước mong của Thành mà với Lâm hình như cả dân tộc Việt Nam đều mong như thế.

Phác có lần nói với Lâm, “bi kịch dân tộc mình là những kẻ cầm súng đều nói câu ước mong được sống. Khả năng sống hàm ngụ rằng còn sống còn có tương lai, và không ai cần biết tương lai ấy nó như thế nào!” Lâm chia xẻ quan điểm của Phác vì anh hiểu thế hệ mình thiết tha đến cuộc sống ngần ấy trong khi việc giết nhau mỗi ngày lại mỗi dữ tợn hơn. Bởi mâu thuẫn này mà không thấy mảy may chút ánh sáng hòa bình nào! Nhưng Lâm cũng một ngày ngạc nhiên khi nghe Phác nói rằng, “Ngày hôm nay kẻ cầm súng biểu hiện nỗi khát khao được sống là chính đáng, nhưng rồi đây có ngày những kẻ cầm súng đều ước mong được chết và mọi người chung quanh phải chết như họ, họ mới cam tâm. Trạng huống ấy đáng sợ hơn hết. Vì lúc ấy khát vọng chết thắng thế ước muốn sống. Sống là gánh nặng và chết là giải thoát. Ý chí khao khát sống hoàn toàn bị triệt tiêu!”

Thật bất ngờ khi đưa xe vào nhà Kỷ, Lâm đã thấy Phác và Phan ngồi tại bàn tiệc đã được dọn xong. Thành bắt tay Kỷ trong khi Lâm nói với Phác, “tụi mày đúng là ma xó, đi ăn uống là thấy mặt ngay!” Phan cười bảo, “đừng quở như thế, tụi tao mới ra trường ăn uống chút đỉnh trước khi tham gia việc bóp cò súng mà!” Thực ra Kỷ cũng là bạn của Phác và Phan. Kỷ học cả hai trường Khoa học và Văn khoa. Lúc tốt nghiệp cả hai cử nhân toán và triết học. Kỷ dạy toán tại trường Trí Đức với Lâm và lớn hơn cả Thành đến ba tuổi. Kỷ được hoãn dịch lý do sức khỏe vì chân trái teo nhỏ do sốt tê liệt gây ra lúc còn bé. Kỷ có tiếng thông minh và học giỏi, nhưng tính tình lập dị và khó hòa đồng nếu không quen thân. Kỷ cùng nhóm với Phác ở Văn khoa và có viết tờ báo triết học chung của nhóm. Phải nói Kỷ đa tài và nổi tiếng tuy vóc người nhỏ bé và tàn tật. Kỷ đã ba mươi tuổi nhưng hãy còn độc thân. Sống biệt lập ở một căn nhà nhỏ với một tầng gác gỗ nhìn ra bờ kênh cầu Bông. Kỷ thân với Lâm và thường mời Lâm xuống nhà chơi và cư xử như bạn đồng nghiệp.

Lâm là người cẩn trọng trong giao tiếp. Anh chỉ thân duy nhất với đám bạn đồng hương Pleiku, những bạn Sài gòn lại rất dè dặt. Với Kỷ, Lâm giao thiệp thân mật hơn vì dù sao Kỷ cũng là bạn của Phác và Phan và đồng nghiệp với mình. Cả đám ngồi vui vẻ với nhau trong đám giỗ lần thứ ba mẹ của Kỷ. Mọi người ăn uống thoải mái với cà ry gà và gỏi tôm thịt. Bình rượu nếp than được rót đi vòng cho từng người. Uống ba tuần rượu mặt ai cũng đỏ gay, Phan nói với Phác, “rượu ngọt sao dễ say thế này?” Phác không nói gì chỉ gật đầu nhưng thâm tâm cũng cảm thấy rượu ngon. Lâm cũng uống nhưng rất ít, Thành uống bình thường như mọi người, nhưng Phan vừa đứng dậy đi tiểu đã thấy choáng váng, lảo đảo đi vào nhà vệ sinh sau bếp.

Phan vịn cánh cửa nhà tắm rất lâu mới bước ra khỏi nhà vệ sinh, anh định lên nhà trên tiếp tục thì cảm thấy nôn nao khó chịu ở bụng. Chung quanh không có ghế ngồi, nhìn cầu thang gỗ bên trái bếp Phan nghĩ mình lên lầu nằm nghỉ cho giã rượu, xong tiệc sẽ theo Phác về nhà. Từng bước Phan chầm chậm leo lên mười hai bậc thang. Tầng gác gỗ cửa ra vào bao lơn đóng kín chỉ có thông với tầng dưới qua chiếc cầu thang gỗ mà Phan đang đi. Vừa ló đầu lên cầu thang anh đã thấy chiếc giường bên trái đang giăng mùng và có tiếng quạt để bàn đang quay vù vù. Phan tiến đến giường trong ánh sáng lờ mờ của các khe hở trên vách, anh vén mùng nhào đại lên giường để ngủ nào ngờ đụng phải một cô gái đang nằm làm cô bật dậy và hét lên. Phan nói xin lỗi vội vàng quay xuống thì đã thấy Kỷ ló đầu lên khỏi ô vuông cầu thang, chụp chân Phan nói to, “Phan, mày đang làm gì? Em có sao không Hồng?” Lúc này Phác cũng đã leo lên lầu sau Kỷ, Phan nói, “Chỉ hiểu lầm, tôi say định kiếm chỗ ngủ, thấy gác tưởng không có người. Xin lỗi việc vô ý này anh Kỷ ạ!” Kỷ văng tục nhiều lần, mặt hầm hầm nhìn Phan như muốn ăn tươi nuốt sống khiến ai cũng ngạc nhiên. Phác không ngờ Kỷ dữ tợn như thế, nhưng nghĩ lại Kỷ hiểu lầm Phan say rượu muốn làm bậy cô em gái của anh ta!

Xuống lầu, Kỷ giải thích Hồng là em từ quê lên giúp anh nấu nướng đám giỗ mẹ. Kỷ quay lại bảo Phan, “Em nên biết trong nhà người lạ lên gác cũng phải quan sát, nếu người khác đã gây án mạng rồi!” Lúc chở Phan về nhà Phác nói với bạn, “thực cũng lạ lùng, anh Kỷ trước kia có kể anh là con duy nhất, làm gì có em gái. Anh ấy tác phong bao giờ cũng điềm đạm, nói năng chừng mực không kích động dữ tợn như muốn đánh ghen vậy, tao nghi ngờ việc này!” Phan ngồi sau nói, “lỗi tại tao, nếu có em gái trường hợp như thế này tao cũng hành động vậy thôi! Bỏ qua đi.” Phác và Phan ghé ngang nhà Thịnh mới biết tin Quận đã vào khóa 28 võ bị đà lạt. Thịnh gặp Quận ở nhà người bà con đang về phép và nhờ Thịnh nhắn giùm Phác. “Quận bảo tao, dù ra trường trước nhưng mày sẽ lên cấp bậc sau nó!” Thịnh cười nói thêm, “Quận đâu biết mày biệt phái về làm công chức đâu nhỉ!”

Lâm chở Thành về nhà cùng một tâm trạng thắc mắc cô em gái của Kỷ như Phác nhưng Lâm kín đáo không nói tiếng nào. Điều Lâm ngạc nhiên là phản ứng mau lẹ của Kỷ khi nghe tiếng hét của cô em gái. Kỷ xô ghế đứng dậy lao vào bếp và Lâm cũng đứng lên bước vội theo. Vào đến bếp, Lâm đã thấy Kỷ ở tầng trên nắm chân Phan. Kỷ nhanh đến độ Lâm không thấy Kỷ lên cầu thang bằng cách nào trong khi Thành lại vô tâm không để ý. Kỷ là người tàn tật kia mà! Lâm nghĩ không ra cái gút mắc của vấn đề có vẻ bình thường nhưng không bình thường này! Buổi chiều Loan đến, Thành mượn xe Lâm chở Loan đi chơi ở chợ cũ và bến Bạch Đằng.

Mùa mưa Sài gòn với những cơn mưa giông bất chợt trong ngày, và những khóm lục bình trôi trên sông cũng bất ngờ dưới mắt của Loan. Cô ngồi trên ghế băng dài của quán café sát mé sông Sài gòn sau khi cơn mưa đi qua, Thành ngồi bên cạnh hút thuốc nhìn theo cơn mưa đang chạy ra xa hai người và chỉ còn là vết bụi mỏng về phía cầu Tân Thuận. Loan chỉ một vạt lục bình hoa trắng đang trôi chầm chậm dưới chân bờ tường hỏi:

“Sao có hoa lục bình đẹp thế kia trôi đến hả anh?”

“Vì trời mưa bất ngờ đầu nguồn sông, tách vạt lục bình ra từng khóm nhỏ và trôi xuống hạ lưu.”

Thành giải thích theo những bài học quê nhà lúc anh còn bé theo mẹ qua bên kia sông trong mùa mưa lũ. Mẹ anh giải thích như thế về những trận giông bão mùa đông Quảng Trị. Rồi Thành theo cha mẹ lên cao nguyên. Pleiku với những trận mưa vuốt mặt không kịp và thành phố nhỏ bé sũng ướt như bị nhận chìm trong làn mưa trắng xóa cả tuần lễ. Câu hỏi của Loan làm anh nhớ một khoảng nhỏ quá khứ.

Hôm nay Thành mặc sơ mi xanh dương nhạt, quần tây xám sậm và mang giầy da nâu. Loan cười bảo, “anh hôm nay giống một thầy giáo ngố!” Thành ngạc nhiên hỏi lý do, Loan trả lời, “vì tóc anh cắt ngắn quá. Em thích anh mặc quần áo nhà binh hơn!” Thành nắm tay Loan nói, “anh biết, nhưng anh là lính thứ thiệt mà!” Loan hiểu ý Thành và cả hai đều cười. Thời gian ngắn ngủi bên nhau thật quí giá, và trân trọng. Loan nghĩ rồi buồn nhưng không nói ra trong khi Thành như đã quên đi những lo lắng buồn phiền chung quanh. Anh chỉ biết gần Loan được lúc nào quí lúc ấy. Ngày mai sao biết được việc gì có thể xãy ra? Tuần rồi được tin người hạ sĩ quan truyền tin bên cạnh anh lúc còn ở đại đội thuộc trung đoàn 31 đã tử thương tháng trước, và viên đại đội phó thay thế anh giờ vĩnh viễn mất đi chân trái trong trận đụng độ với cộng quân tại Chương Thiện. Chết và tàn phế là hai viễn ảnh tiêu cực đời lính hôm nay. Người ta tránh nhắc đến nhất trong tình yêu đôi lứa, nó hoàn toàn mâu thuẫn và triệt tiêu tính xây dựng của hôn nhân. Loan chợt ôm Thành nói, “em không muốn mất anh!”, chỉ có thế nhưng Thành thấu hiểu một số mệnh an bài như thế nào. Anh chợt có ý nghĩ “giá mình không quen Loan ba năm trước!” nhưng đồng thời lại bảo tính cầu an trong ta hay sao? Khi tình nguyện vào quân ngũ ta đã chọn một số mệnh. Vui với số mệnh mới là điều can đảm. Thành mỉm cười quay sang nói với Loan, “chúng ta đi ăn bò bía, em thích lắm mà!” Loan gật đầu, thoáng quên đi những suy nghĩ tiêu cực vừa đến trong đầu trong khi Thành chở cô đến ăn quán bò bía gần trường Gia Long.

Khi Phác và Phan ra về, Thịnh đưa mẹ đi khám bịnh. Bà cụ bị thấp khớp nên ban đêm nhức mõi không ngủ được. Bố Thịnh mất năm rồi cũng khiến bà cụ rầu rĩ nhiều hơn vui. Tuy chuẩn bị trước vì ông cụ mắc bệnh nan y nhưng bà chưa lấy lại quân bình được dẫu đã hơn một năm trôi qua. Phúc, người anh cả của Thịnh là sĩ quan pháo binh trung đoàn, về sau được đưa về bộ tư lệnh sư đoàn hai mươi mốt làm sĩ quan tùy viên cho thiếu tướng tư lệnh. Do đó cũng ít về thăm gia đình và vẫn còn độc thân. Bà cụ giờ chỉ còn hai người thân, một ở quá xa nên mọi việc trong gia đình Thịnh phải cáng đáng hết.

Thịnh sống với mẹ và vui vẻ với bổn phận của mình. Bà cụ cũng thương yêu hết mực cậu con út này. Thịnh nhỏ con hơn Phúc, nhưng anh có khuôn mặt điển trai, cười má lúm đồng tiền như con gái. Thỉnh thoảng, hai mẹ con ăn cơm với nhau, bà cụ hỏi, “Con có muốn lấy vợ hay không để mẹ lo!” Thịnh cười lắc đầu, “con còn đi học, mẹ lo cho anh Phúc trước đi! Khi nào con tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm hãy tính, còn lâu mà!” Bà cụ nghiêm mặt nói, “con phải biết, anh con là lính, nó hiểu và tự lo được. Một ngày nó cưới vợ thì vợ nó cũng không ở trong nhà này. Lính rày đây mai đó, vợ phải đi theo chồng. Chưa kể đời lính rủi may ai biết được!” bà im rồi thở dài nói tiếp, “Con sống với mẹ, mẹ phải lo. Ngày hôm nay mẹ còn khỏe còn lo được, khi đau yếu thì như thế nào? Lúc ấy mẹ không yên tâm được! Nhưng mẹ không ép con, con hiểu không?” Thịnh cảm động biết mẹ thương lo cho mình, nhưng anh cũng là người ngoài xã hội chứ không phải ru rú trong nhà kiểu cậu ấm được mẹ đùm bọc. Thịnh chỉ mong sao tốt nghiệp xong rồi tính bước kế tiếp. Về sau lâu lâu bà cụ lại hỏi, “bộ con không có bạn gái hay sao mà không thấy cô nào đến nhà cả?” Thịnh bối rối trả lời, “con có bạn gái trong trường nhưng là bạn học mà thôi. Con chưa để ý đến ai cả.” Bà cụ nghe xong lắc đầu, trong lòng thắc mắc thằng con quá nhiều bạn trai đến nhà, ngủ lại và ăn cơm, uống rượu, nhưng không hề thấy mống con gái nào cả! Hải, Phác, Phan, Lâm, Thành, mẹ Thịnh đều quen mặt nhưng tánh bà dễ dãi nên không gây cho ai chút nào khó chịu. Đôi khi nhìn đám bạn của Thịnh, bà cụ hỏi, “không đứa nào có bạn gái hay sao?”, cả bọn cười rồi đồng trả lời, “chưa có bác ạ!” Mẹ của Thịnh hỏi, “tại sao?” Phan trả lời ngay:

“Không cô nào muốn làm quả phụ cả bác ạ!”

Bà cụ nghe thở dài rồi đi vào phòng. Trong đầu bà nghĩ ngay đến đám trẻ tuổi trước mặt có đứa đã vào lính và đám còn lại cũng sẽ là lính thì câu trả lời không phải vô lý. Trong đầu bà chợt hiện lên khuôn mặt rắn rõi của Phúc, đứa con cả đang làm việc ở bộ tư lệnh sự đoàn 21. Tháng trước bà đi xe đò xuống thăm, Phúc mới nói với mẹ rằng mình về làm tùy viên cho thiếu tướng tư lệnh sư đoàn được một năm rưỡi, và thường đi đó đây với tư lệnh khắp vùng bốn chiến thuật. Bận rộn nhiều nhưng rủi ro cũng ít đi so với thời kỳ đi hành quân liên miên với tiểu đoàn trong vị trí pháo đội trưởng 105 ly. Hôm mẹ xuống, Phúc có đưa bà đến nhà thiếu tướng tư lệnh ăn cơm tối do lời mời của vị phu nhân tư lệnh. Bà cụ hôm ấy để ý cô con gái của vợ chồng thiếu tướng tuổi chừng đôi mươi thân mật với Phúc. Tối về nhà bà hỏi con và Phúc trả lời rằng chuyện ấy còn xa nhưng Phúc và cô ta có chút tình cảm. Về Sài gòn bà nghĩ chuyện viên tư lệnh chọn Phúc làm tùy viên có thể chấm định con trai mình làm rể sau này hay chăng? Kể với Thịnh, anh bảo, “mẹ lo làm gì cho mệt, khi nào anh ấy làm rể hãy hay. Anh Phúc có tiếng đào hoa mà!” Bà cụ nói, “mẹ chỉ muốn có dâu và cháu bồng mà thôi!” bà nói như thói quen nhưng bà hiểu mọi chuyện của Phúc đều ngoài tầm tay bà.

Những đêm không ngủ được, Thịnh có nghĩ đến những người con gái anh quen nhưng không ai anh đặc biệt chú ý ngoại trừ Quế Anh. Cũng như Phan, Thịnh mặc cảm chiều cao của mình trong khi Quế Anh lại quá cao dù dưới mắt Thịnh, cô ta thật xinh đẹp dễ thương! Thịnh thầm tiếc rẻ rồi sau đó thiếp ngủ mất. Buổi sáng hôm sau, Thịnh đi học trưa về nhà nấu cơm cho mẹ xong, anh ra bao lơn sân thượng ngồi đánh đàn, hát một mình. Những lúc ấy, Thịnh muốn có bạn bên cạnh ngồi nghe và anh thực sự cảm thấy vui sướng đồng thời quên hết những cay chua cuộc sống mà Phác hay nói với mình. Tuy vậy anh vẫn nhớ và nghĩ rằng mình cùng đám bạn hôm nay chỉ là những tên hát rong, hay là loài kên kên đói khát sống trong một mùa địa ngục dân tộc.

Thứ năm tuần kế tiếp Thành trở về bộ tư lệnh Nhảy Dù ở trại Hoàng hoa Thám. Sau khi trình diện quản trị Sư đoàn anh được đưa về Tiểu đoàn 7. Trước khi trình diện Tiểu đoàn, Thành được hưởng hai tuần lễ phép. Lần này Thành quyết tâm về thăm cha mẹ với ý định nói trước về tình cảm của mình và Loan để cha mẹ biết hầu năm tới có thể cưới nàng làm vợ. Trước ngày Thành về Pleiku, anh có ghé thăm Loan và chào cha mẹ của nàng. Gia đình Loan nghèo, cha chạy xe taxi, mẹ bán quầy thuốc lá tại ngã ba Bàn Cờ, Phan đình Phùng. Những hôm đi học về sớm Loan lo cơm nước xong ra bán thế để mẹ về ăn cơm. Buổi tối cha Loan khuya mới về nhà. Sau khi ăn cơm tối, ông đi ngủ ngay vì mệt mõi. Đứa em trai của Loan năm nay mười ba tuổi cũng chăm chỉ học hành, thỉnh thoảng đi mua thuốc lá cho mẹ bán. Niềm vui gia đình là hai đứa con đều ngoan và thương cha mẹ. Khi Loan kể chuyện Thành, mẹ nàng ngạc nhiên nhưng bà cụ không khó khăn chỉ khuyên Loan nên học hành và sau khi xong trung học hãy tính. Hôm gặp Thành, cha mẹ Loan đều vui vẻ khi thấy cậu con rễ tương lai khôi ngô và thực thà. Tuy có chút lo lắng về cuộc sống của một quân nhân tác chiến, nhưng ông bà không thấy trở ngại trong việc con gái thương yêu một sĩ quan nhảy dù trẻ tuổi. Trước kia ông bà chỉ không muốn Loan lập gia đình sớm vì hoàn cảnh gia đình còn cần đến bàn tay của đứa con gái lớn, nhưng thái độ kiên quyết của Loan và năm này cuối cùng bậc trung học, cả hai không thấy lý do gì ngăn cản cô con gái. Thành tuy mới gặp lần đầu nhưng ông bà tin rằng Thành là người đàng hoàng thương yêu con gái của mình. Gia đình Loan gốc Bắc công giáo di cư năm 1954, thái độ chống cộng rất quyết liệt, do đó Thành hội nhập gia đình vợ tương lai dễ dàng thêm nữa, Thành cũng gốc công giáo miền Trung.

Khi Thành trở lại Sài gòn, anh và Loan hẹn nhau tại nhà Lâm sau đó hai người có chuyến đi chơi Thủ Đức, chiều về Thành ghé nhà Loan chào cha mẹ nàng để ngày mai vào trại. Tuần lễ kế tiếp Thành trở về bộ chỉ huy tiểu đoàn tại Tam Hiệp, Biên Hòa và chỉ ba ngày sau có lệnh đưa tiểu đoàn ra vùng một khu vực Huế-Quảng Trị. Từ ngày ấy Thành chỉ liên lạc với Loan qua thư từ. Đôi khi quá lâu không được tin của Thành, Loan đến nhà Lâm, cô biết được tin tức của Thành dễ dàng hơn qua các nguồn tin xuất phát từ Pleiku và gia đình của Thành. Tại nhà Lâm, Loan gặp Phác, Phan và những người bạn chung quanh người yêu của nàng. Tiếp xúc nói chuyện nhiều lần với họ về sau Loan hình dung được vòng tròn khép kín một thế hệ trong đó diễn ra không ngớt những xung đột nội tại do cuộc chiến tranh đang diễn ra mà nàng cũng là một nhân tố tham gia vào cuộc chơi tàn nhẫn này.

Đối thoại với Phác, Loan nhận ra dần tính chất trầm luân không thay đổi được của dân tộc mà nàng không biết lý do hoặc nguyên nhân gây ra. Có lần hỏi Phác, anh lắc đầu nói mơ hồ, “có lẽ phần lớn do truyền thống, thứ khuôn đúc có hai mặt, mặt tốt đẹp luôn bị đè bẹp bởi mặt xấu xa, tiêu cực. Điều đáng phê phán là dân tộc chúng ta chỉ biết bằng lòng hiện tại, luôn cổ xúy quá khứ và cho rằng đấy là những khuôn vàng thước ngọc không thể thay đổi được. Trong khi thời đại thay đổi, tiến bước mà suy nghĩ con người không thay đổi, chỉ quanh quẩn với bao khuôn mẫu không còn hợp thời. Cứ như thế đám con cháu cắm cúi đi theo thứ định mệnh lịch sử ấy. Chiến tranh là một trong những di sản lịch sử dân tộc khô cứng, nhục nhằn, bi đát nhất vì nó gặt hái bằng máu xương đồng bào nhưng được hành xử khiến một dân tộc vốn hiếu hòa lại dường như hiếu chiến, khôn ngoan lại tỏ ra ngu xuẩn vì chính cái truyển thống kể trên…” Loan không có cơ hội để hỏi Phác nhiểu hơn vấn đề này vì sau khi học xong khóa 5/72 Thủ Đức, Phác cũng như Phan rất hiếm khi ghé nhà Lâm.

*
Phan và Phác ngồi uống café ở quán Dala gần sân vận động Cộng hòa lúc xế chiều. Quán đang chơi những bản tình ca Lê Uyên Phương. Bài Vũng Lầy Của Chúng Ta thật sexy, Phác thầm nghĩ rồi nói với Phan, “mày có nhớ ngày xưa thầy Lộc ở Pleiku là một giáo viên hiền lành, trầm lặng thích âm nhạc, một con người mà nếu so sánh với bản nhạc vừa rồi mình cũng lấy làm lạ. Nhưng phải chăng nội tâm con người là một không gian bí hiểm, nó ẩn chứa vô tận chất liệu có thể hình thành tác phẩm nghệ thuật một cách tuyệt đối?” Phan hỏi, “thế nào là tuyệt đối?” Phác trả lời:

“Nói hơi cường điệu nhưng không sai, tác phẩm nghệ thuật nào không phản ánh tâm tình của nghệ sĩ. Bởi vậy khi sáng tác tính tuyệt đối không thể thiếu nơi bàn tay và khối óc của họ. Cứ như thế mà bao tác phẩm bất hủ ra đời!”

Phác nói tiếp, “nếu thầy Lộc ngày đó không rời Pleiku đi Đà lạt, làm sao có bao bản nhạc tuyệt vời của Lê Uyên Phương hôm nay!” Phan nói xen vào, “nhưng chuyện ra đi nào phải tuyệt đối để có những bản nhạc hay? Còn phải kể đến tình yêu đóng vai trò quyết định kìa!” Phác trả lời:

“Đúng thế, tao chỉ nói tính định mệnh trong việc hình thành các bản nhạc hiện nay đang lưu hành của thầy Lộc. Có nhiều yếu tố tạo nên một định mệnh, như là chữ Duyên vậy, mà Duyên liên hệ với Nghiệp mà nên. Mày nghĩ lại hành trình cuộc đời không phải là chuỗi Duyên, Nghiệp liên lĩ nhau hay sao?”

Nói xong Phác lại hình dung những núi đồi chập chùng cao nguyên Gia Lai, nơi lưu giữ một phần kỷ niệm thời niên thiếu của mình và bạn bè. Bản “Còn nắng trên đồi” như còn vọng bên tai Phác trong buổi văn nghệ cuối khóa năm nào tại Quang Trung. Nó không chỉ cho riêng anh mà cả đám bạn bè Pleiku chạy, nhảy vui buồn trong khoảng trời xanh bao la của tuổi mới lớn. Kỷ niệm nhớ lại kéo theo cảm giác hạnh phúc lẫn đau đớn theo từng số mệnh con người trãi qua. Phan chợt thở dài khi nghe Phác hỏi, “thực sự mày không về Nha Trang trước khi ra đơn vị hay sao?”

“Không, tao có viết thư cho bố mẹ rồi. Chừng năm sau tao sẽ về! Tao về nhà để cho người thân hình dung ngày mai vào lửa đạn sẽ như thế nào hay sao!”

Nghe Phan nói Phác hiểu ý bạn, không chỉ nổi lo lắng gia đình mà còn ẩn dấu việc gặp mặt Jackie. Nếu về mà không gặp đấy là tội lỗi thêm nữa như Phan đã từng viết thư dứt khoát. Phác nói, “Ngày mốt tao về Pleiku, mày muốn đi với tao hay không? Có thể không gặp được Hải vì nó đang học sư phạm Huế. Mày nghĩ sao?” Phan lắc đầu, “tao đang buồn, nhưng tao về Pleiku càng buồn thêm! Tao ở lại Sài gòn chơi với Thịnh thêm tám ngày nữa rồi về đơn vị. Tao hi vọng còn gặp mày uống ly bia trước khi ra đi. Cho tao gửi lời thăm Tính và đám bạn cũ nếu mày gặp!” Phác gật đầu và hai người nghe thêm một bản nhạc rồi chia tay.

Phác nhận tin cha anh yêu cầu về Pleiku gặp ông giải quyết một số công việc từ bác Dân. Anh không hình dung được chuyện gì xãy ra hiện giờ ở gia đình vì từ lâu anh không hề quan tâm đến công việc làm ăn của cha mẹ. Nhưng chuyện anh về làm việc tại phủ Tổng thống có lẽ có bàn tay của ông Xuân, cha anh. Ông Xuân là người ít nói, chỉ thích làm ra tiền dù đôi khi Phác nghĩ nhiều tiền để làm gì mà phải thức đêm hôm cực nhọc thế kia? Nhưng có tiền thì chổ đứng của ông trong xã hội thay đổi. Thế lực từ đó cũng mở rộng và khả năng giải quyết công việc hiệu quả hơn nữa. Tính ông Xuân trầm lặng nên chung quanh ông không ai biết ông đang suy nghĩ hay làm gì ngoại trừ những người thân của ông may ra mơ hồ chút ít công việc ông đang xúc tiến!.

Ông Xuân ngồi ở phòng khách chậm rãi uống tách trà buổi tối. Cơm chiều đã xong lúc bảy giờ. Bây giờ là tám giờ, ngồi đối diện ông là Phác. Ông hỏi, “con về bao nhiêu ngày?” Phác trả lời hơn một tuần thì ông nhướng mày lên hỏi thêm, “con về phủ tổng thống phải không?” “Đúng như thế, ba lo phải không ạ?” Ông Xuân không trả lời, cũng không gật đầu hay phủ nhận gì chỉ bảo, “con phải làm việc cho tốt, theo ba biết công việc này thích hợp cho những kẻ đọc sách nhiều!” Nghe ông nói, Phác hiểu ông ám chỉ anh. Hiểu con không ai bằng cha, nhưng sau này Phác cho rằng suy luận kiểu ấy chỉ đúng một nửa. Hiểu con là phần cha mẹ ở gần với con, còn con một nơi cha mẹ một nẻo thì hiểu thế nào được? Tuy nhiên anh cũng công nhận là cha anh hiểu anh, bằng không ông không cho anh tự do sống xa nhà như bây giờ.

Uống nửa ly trà, ông Xuân hỏi thăm bác Dân, “ông Dân lúc này sức khỏe có tốt không? Lâu quá ba không được tin nhưng ba biết con về nhà ông Dân cả năm nay rồi!” Phác chưa kịp nói, ông đã nói trước ý định của anh. Cha anh quả nhiên đi trước anh một bước. Có nghĩa anh chỉ nhìn bước chân của ông mà đi theo. Phác lắc đầu tỏ ý khâm phục cha đồng thời bảo rằng sức khỏe bác Dân bình thường, và bác nói nếu có dịp mời ba về Sài gòn chơi. Ông Xuân nghe, yên lặng một chốc rồi nói, “Hai ngày nữa, ba có người quen đến nói chuyện với con. Con cố gắng nghe ông ta dặn dò. Chổ ngồi của con trong thành phố thay vì trong rừng là do ông ta giúp đỡ. Thế nên ông nhờ con việc gì, cố hoàn tất cho ông ấy!” Phác lẳng lặng nghe và gật đầu rồi lên lầu đi ngủ. Lúc này mới chín giờ tối.

Nẳm trằn trọc mãi không ngủ được. Tiếng nhạc của quán café cạnh nhà cứ vang vang trong đầu Phác. Anh ngồi dậy bước ra bao lơn. Mùa hè Pleiku mát mẻ nhưng mưa nhiều. Bầu trời u ám, tuy mười giờ rưỡi đêm vẫn còn thấy những vạt mây thấp lưng chừng trời như muốn sà xuống mái nhà. Xa xa về hướng tây lại thấy một vạt ánh sáng kéo dài hắt lên từ mặt đất. Lắng nghe xen trong tiếng nhạc có tiếng ì ầm của đại bác lẫn tiếng máy bay rít vang vang. Không chỗ nào thiếu vắng âm vọng chiến tranh! Phác thầm nghĩ như thế rồi vào nhà. Trên bàn có chén chè của mẹ nấu hồi chiều cho anh. Chè bông cau là thứ Phác thích ngày còn bé, tuy bây giờ anh không còn thích thứ chè này như trước, nhưng anh cảm động đồng thời cảm thấy mình thật thiếu bổn phận với mẹ trong khi bà vẫn còn nhớ sở thích của đứa con lãng tử giang hồ này! Ăn hết chén chè đậu xanh ngọt thơm mùi bông bưởi, Phác tuy thấy ngon nhưng cảm giác ngày cũ như trốn chạy đi mất, thay vào đó một nỗi buồn chậm rãi len vào tâm tư. Anh nhìn mãi lên góc trần nhà, như cố thấy ít ra một nét quen thuộc nào đó nhưng vô ích. Phác chợt nhớ đến Thủy và tự hỏi nàng đang làm gì hay bận rộn với bài vở cuối khóa? Hai người bây giờ qui định chỉ có thể gặp nhau một tháng hai lần. Hôm biết Phác về làm việc Sài gòn, Thủy mừng vô hạn. “Em rất sợ thử thách. Những khó khăn chúng ta trãi qua em đều cho là thử thách. Và em không muốn thêm thử thách nào nữa đến với hai chúng ta!” Phác hiểu ý Thủy và anh cũng đồng ý sau khi nói “nếu có thời gian chúng ta chuẩn bị cho một kết quả thật tốt, nhưng em ít ra phải ra trường sau khi học xong bốn năm sư phạm.” Thủy gật đầu, và cả hai như yên chí về một dự án tương lai dù không ai nói ra cụ thể như thế nào?

*
Khi Phác gặp chị Hóa, làm như một phản hồi dĩ vãng, anh đang ngồi tại căn phòng cũ nhà xưa của Hải, dù bây giờ không còn nữa thay vào đó một căn phố ba tầng kiên cố và nguy nga. Bà Khánh thấy Phác lại bùi ngùi nhớ Hải, trong khi đó chị Hóa không tưởng gặp lại cậu bé ham học ngày xưa giờ là một thanh niên tóc ngắn, nghiêm trang ngồi trước mặt hai người. Chị bảo, “em thay đổi nhiều, nếu ở ngoài đường chắc chắn chị không nhận ra!” Phác cười, “còn em nhận ra chị ngay, dù chị có khác xưa!” Chị Hóa lúc này tránh ánh mắt của Phác mà nói với mẹ, “phải chi có Hải ở nhà!” rồi quay sang Phác:

“Hải đã trở lại trường sư phạm Huế, điều mà nó có thể làm sớm hơn ba năm trước bây giờ mới hiện thực!”

Phác hỏi lý do và được chị Hóa tỉ mỉ kể chuyện của Vân và Hải. Phác nghe cảm động nhưng không nói gì, lòng xót xa tự nhủ bấy lâu nay bạn bè không ai hay biết chuyện tình cảm của Hải bi thảm như thế! Hôm sau Phác hỏi một số người quen về ngôi mộ của Vân và anh quyết tâm đi thăm.

Mộ Teresa Trịnh thị Hoàng Vân nhỏ nhắn bằng đá hoa cương đen nằm khiêm tốn trên lưng đồi thuộc nghĩa trang quân đội. Chiếc thập giá trắng tinh trên đầu mộ nhô cao đìu hiu trong gió nhẹ buổi trưa. Trời hôm nay vẫn còn mây dồn về góc tây thành phố, nhưng phía đông đã hé lộ một mảng trời xanh biếc. Nắng nhẹ mơn man, Phác đứng cuối mộ nhìn về phiến đá đầu mộ chứa tấm bia thấy bóng chiếc thập giá cô đơn in đậm trên thân mộ. Không có hình của Vân, nhưng Phác tưởng tượng đôi mắt long lanh, nụ cười tươi và mái tóc trắng của cô theo lời chị Hóa kể. Đầu mộ phía bên trái có hai cây hoa thược dược đang trổ nhiều nụ hoa vàng. Cả hai đều là cây nảy ra từ cây hoa mẹ đã tàn tạ héo úa dưới chân. Không hiểu sao Phác linh cảm bụi thược dược này do Hải trồng. Có thể lúc sinh thời Vân thích thược dược? Phác lại hình dung Hải cao lớn đứng lặng yên bên mộ Vân trên lưng đồi này vào mỗi buổi chiều gió lộng. Thật là buồn. Chỉ có thế, Phác đọc lại những dòng chữ trên mộ bia của Vân lần nữa rồi ra về. Ngôi nhà mồ của người con gái yểu mệnh mười bảy tuổi. Nghĩa trang không bóng người dù người chết thật đông đảo!

Thứ sáu Phác ngồi uống café vừa nói chuyện với một sĩ quan khá lớn tuổi nhưng mặc quần áo dân sự trên phòng khách. Ba của Phác giới thiệu tên ông là Chung, “con gọi bác Chung cho tiện!” ông Xuân chỉ nói thế rồi đi ra ngoài sau khi đặt một tách café đen cho ông ta trên bàn. Bác Chung bắt tay Phác, bàn tay to bản, đầy sức mạnh. Khuôn mặt bác đượm nét khắc khổ nhưng miệng lúc nào cũng mỉm cười thật tương phản. Nhưng nhờ nụ cười mà người đối diện không thấy lúng túng. Phác cũng thế, anh hiểu người đàn ông này tất vị trí và thế lực không bình thường thế nhưng cần gì nơi anh, một kẻ mới bắt đầu bước vào đời với một công việc mà anh chưa hình dung ra được như thế nào? Tuy nhiên anh cũng vui vẻ chào ông ta thì ông cất tiếng giọng Quảng Trị khá nặng, “Con về thăm nhà bao giờ trở về Sài gòn?”

“Con có tám ngày, và dự định ba ngày nữa trở lại Sài gòn.”

Ông Chung nói chuyện thân mật sau khi giới thiệu mình là đại tá công binh kiến tạo thuộc quân đoàn hai. Gia đình ông ở cư xá Trần quí Cáp và là bạn kết nghĩa với ông Xuân, cha của anh. Ông Chung biết anh rời bỏ gia đình đi học xa rất sớm và hết sức khâm phục ý chí học hành của anh. Ông biết cả Phác thân với Phan và Thành. Ông nói Phan sắp sửa nhận đơn vị ở Liên đoàn ba Biệt động quân tại Chơn Thành, trong khi Thành đã về Tiểu đoàn 7 nhảy dù và đang hành quân ngoài Huế. Ông Chung hiểu rất rõ bạn bè của Phác, ông nói, “con đừng thắc mắc những lời bác nói vì tất cả những sĩ quan Việt nam cộng hòa đều phải sạch sẽ lý lịch. Công việc của con sau này quan trọng thuộc lĩnh vực an ninh nên họ phải sưu tra cẩn thận.” Ông đề cập đến hai người bạn thân của Phác nhưng không hề nhắc đến Hải, Lâm hoặc Thịnh. Có thể Hải bây giờ là thương binh, trong khi Lâm, Thịnh không hề dính líu gì đến quân đội.

Sau đó ông Chung cho biết mình có hai người con, con trai lớn là một trung úy đang làm việc ở Ban mê Thuộc ngành quân pháp và cô con gái đang học năm thứ ba Luật khoa Sài gòn. Tiếp theo ông xuống giọng, “bác nhờ con vào Sài gòn đến đường Nguyễn bỉnh Khiêm, cạnh thảo cầm viên đến chiếc kiosk màu xanh dương trước khi đến trường Võ trường Toản, đưa giùm cho bác chiếc bao thư cho một người. Đến ngày con vào Sài gòn, bác sẽ đến giao cho con bao thư này cùng một số dặn dò mong con giúp dùm bác. Bác nhắc cho con rõ, việc này chỉ có bác và con. Ngoài hai chúng ta tuyệt đối không để cho người thứ ba biết!” Ông Chung nói xong, ung dung uống tiếp tách café và không thấy Phác hỏi gì thêm, ông đứng lên từ giã anh. Ra đến cửa ông gặp ba anh và hai người vừa đi vừa nói chuyện cho đến lúc lên xe jeep có tài xế đang chờ sẵn trước sân chở ông về.

Buổi tối, Phác đi uống bia với Tính tại một quán ăn trên đường Hoàng Diệu. Không hiểu tại sao sau khi gặp ông Chung, Phác lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi. Ngồi với Tính ở chiếc bàn cạnh cửa ra vào, Phác nhìn chung quanh, quán rất vắng khách. Hai người sau khi ăn xong tô phở, tiếp tục gọi một đĩa lòng gà xào bông bí. Khi Phác nói gần xa tới ngành công binh quân đoàn, Tính cho biết Liên đoàn 2 công binh kiến tạo hiện nay đại tá Luận chỉ huy. Hỏi vị chỉ huy trước kia Tính nói, “Đại tá Chung đã về sở hai an ninh quân đội lâu rồi.” Phác hiểu ngay, và thấy lại hết nội dung câu chuyện mà ông Chung đã nói với anh buổi sáng.

Tính là bạn thân của Phác, quen biết Phan, Hải, Thành, Lâm nhưng không thân. Tính hiền lành, chăm chỉ làm việc, sau khi rớt tú tài vào ngành quân cụ hằng ngày sửa xe nhà binh, cuối tuần sửa xe tư nhân tại nhà để kiếm thêm tiền. Vẫn còn độc thân tuy mẹ bắt lấy vợ nhiểu lần nhưng Tính luôn tìm cách hoãn binh. Tính tâm sự, “tao có người yêu, nhưng lại sợ lập gia đình!” “Tại sao?” Phác hỏi. Tính nhăn mặt:

“Thì tao sợ mất tự do, nếu tao không lầm từ ngày còn đi học mày hay nói đến giá trị hai chữ tự do kia mà!”

“Ừ, mày nói không sai, nhưng mày không thể tự do mãi mãi được. Mày đi lính quân cụ, có phải tác chiến đâu mà lo, trong khi đó bà cụ của mày đã lớn tuổi. Bà thèm cháu bế và người chăm sóc. Mày nên để dành tiền cưới vợ chứ đừng dữ ngươi, tụi gái bán ba lột mày hết tiền bây giờ!”

Tính có tiếng mê gái, nghe Phác nói nó cười rồi cả hai cụng ly uống cạn chai bia thứ hai. Rót chai thứ ba ra ly, Tính nhắc đến Can và Lộc đang đồn trú ở Kontum. “Tụi nó tháng rồi xuống đây tìm thăm thằng Hải, gặp tao mừng lắm hỏi thăm mày và Phan. Can và Lộc đã lập gia đình và đều có con ba tuổi rồi!” Tính nói như than và có vẻ ngậm ngùi khi nhớ lại quảng thời gian cả bọn học trung học với nhau tám năm trước. Phác cũng buồn lây rồi cả hai đốt thuốc lá lơ đãng nhìn ra sân. Nước mưa buổi chiều trên sân còn đọng lấp lánh ánh sáng, phản chiếu ánh đèn vàng trên đầu trụ điện dưới tàn thông tím sẫm. Chợt Tính chồm qua vỗ vai Phác nói nhỏ, “tao và mày đi chơi đĩ! Lâu lắm rồi không có dịp đi chơi với nhau!” Phác cười nhìn Tính nhận ra tính cố hữu của người bạn xưa. Uống rượu vào là nhớ đến gái. “Mày lâu rồi chưa bỏ thói quen này hay sao?” Tính lắc đầu triết lý:

“Mày hỏi tao trả lời: Pleiku, chiến tranh, nỗi buồn, đĩ điếm và chết chóc! Một miêu tả khá trung thực! tao phải sống trong một thực tại phi lý không thể phủ nhận được!”

Phác nhìn bạn như thắc mắc thì Tính nói thêm, “một thực tại không vượt thoát được vì tiền đề lớn lao và phi nhân!” Phác hỏi ngay, “thế nên tìm đến đĩ điếm có thể vượt thoát được tiền đề này hay sao?”

“Không phải, đĩ điếm là phương tiện khả dĩ có thể giúp quên đi bản chất thực tại, đồng thời cũng là phương thuốc tạm thời cho căn bệnh trầm kha của những người đang sống tại một nơi tên gọi là Pleiku, gió lạnh, mưa mùa vậy.”

Nói xong thì Tính vứt điếu thuốc, uống thêm một hớp bia bảo, “mày nói phần nào đúng nhưng tao mô tả cũng không sai!” Tính nói xong gọi tính tiền và lấy xe gắn máy chở Phác về phía chợ cũ. Trên đường đi Tính nói, “tụi mình xuống khu nhà thằng Đoàn gần sân vận động, nhưng không phải thăm nó vì nó đã lên Kontum làm ăn rồi. Mày cứ theo tao rồi biết!”

Quả nhiên như Phác dự đoán, Tính đưa Phác đến một ổ mãi dâm hạng sang. Khi cô gái tên Helen mà Tính gọi xuất hiện làm Phác ngạc nhiên. Chính cô gái ngồi cùng hàng ghế trên chuyến bay bảy ngày trước từ Sài gòn về Pleiku. Một cô gái lai tây rất đẹp, đôi mắt xanh sẫm, mái tóc hung rất dễ nhận dạng dĩ nhiên cô ta không nhìn ra Phác. Phác tự hỏi với vóc dáng quyến rũ như thế, cô ta lên cao nguyên làm ăn hay chỉ là một cô gái gọi, muốn kiếm thêm tiền trong khoảng thời gian lên chơi nơi đây?

Lúc vào buồng, cô gái lai tây nói, “Em là Helen, anh người ở đây hay ở xa đến?” Cô ta hỏi như điều tra khiến Phác thắc mắc nhưng anh không trả lời, cô ta lại bảo, “Em ở Sài gòn ra đây, ngủ với em rất mắc tiền đấy!” Phác không hỏi thêm chỉ làm công việc đàn ông một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cô ta quả nhiên đáng giá như đã tự giới thiệu. Lúc về nhà, Tính bảo, “Helen là bồ của tiểu đội trưởng quân cảnh tư pháp ở đây. Ba tháng mới về Pleiku một lần. Lần này là lần thư ba, có lẽ ông ta bảo kê cho cô ấy!” Phác không hỏi thêm thì Tính nói tiếp, “tao chơi nó hai lần rồi, lần này giới thiệu cho mày phải biết công tao đấy nhé, gái lai tây là ngoại hạng, phải không!” Phác không trả lời mà lại nhớ đến Hải rồi tự bảo, “người bạn một thời là thương binh, giờ đang học làm thầy giáo nếu có uống rượu chắc sau đó phải ngủ đò sông Hương?” tiếp theo nghĩ đến ngôi mộ cô độc trên đồi cao mà mình thăm viếng buổi sáng, tâm trí chợt mông lung!

Tính trả anh về nhà đã mười một giờ đêm. Xuống xe đứng trước nhà, Phác nhìn theo Tính phóng xe ra về. Lúc này anh nghe rõ mồn một tiếng đại bác ì ầm liên tục từ hướng Kontum. Lên lầu, trước khi vào giấc ngủ Phác nhớ Thủy gay gắt và thèm được nói chuyện với nàng.

Thứ sáu về lại Sài gòn, nghe theo lời cha, Phác đến phi trường Cù Hanh sớm hơn nửa giờ. Đại tá Chung đã đến và chờ Phác tại trạm hành khách. Phác theo ông ta ra ngoài sân, ông Chung mở cặp samsonite lấy ra một bao thư vàng to như một quyển sách dày đưa cho Phác. Anh cẩn thận cho vào xách tay cá nhân đang mang trên vai. Ông Chung dặn, “Tuần tới cháu đến kiosk màu xanh dương, ở đó chỉ có một kiosk màu xanh dương mà thôi, hỏi gặp Năm Khương. Ông ta chừng 55 tuổi có một vết sẹo trên mắt trái và lông mày trái, nói giọng Huế. Đưa cho ông ta bao thư này nói của Ba Chung. Nếu không gặp thì lần khác đến và chỉ có gặp Năm Khương mới đưa mà thôi.“ Ông Chung dừng lại liếc nhìn chung quanh rồi nói tiếp, “Công việc chỉ có thế, bác nghĩ không có gì phức tạp đâu! Khi nhận được bao thư, Năm Khương sẽ cho bác biết. Bác cám ơn cháu, và chúc cháu gặp nhiều may mắn trong công việc sắp đến. Chào cháu!” Ông Chung bắt tay Phác rồi lên xe jeep về trong khi Phác quay vào trạm hành khách chuẩn bị lên máy bay về Sài gòn.

 
 

(Trích Truyện Dài "Có Một Thời Nhân Chứng")

Lê Lạc Giao