Có Một Mùa Xuân

 
 
 

Khi Hải giới thiệu Tính, trưởng xưởng cưa của nông trường Nhị Xuân, tôi có cảm tình ngay với anh ta. Điều này ngoài trực giác ra khuôn mặt vuông vắn và nụ cười thật tươi cho tôi biết đây là một người trung thực đáng tin cậy. Tính mời tôi vào văn phòng vừa đi vừa nói, tôi cũng là người chế độ cũ như anh. Trước là hạ sĩ quan không quân, không đi di tản vì còn mẹ già. Sau ngày ba mươi tháng tư chỉ học tập tại địa phương sau đó lăn lộn kiếm sống đủ nghề, cuối cùng là thanh niên xung phong và leo cho tới cái chức trưởng xưởng cưa ngày hôm nay là tột đỉnh rồi. Tính nói chuyện từ tốn, rót hai tách nước trà và ra dấu mời hai anh em tôi. Tôi vào đề ngay:

-Hải có nói vấn đề hợp đồng gỗ, chỉ tiêu cuối năm của nông trường sau khi kết toán còn dư được tám mươi khối. Không có vốn, tôi xin ứng số vốn này và trên danh nghĩa gỗ của nông trường nhưng sau khi kéo về, tôi bán tiền lời chia cho nông trường năm phần trăm và xưởng mười hai phần trăm anh có đồng ý hay không?

Tính gật đầu nói:

-Anh không cần nói thêm, tôi đã bàn kỹ với Hải rồi dù sao Hải cũng là phó xưởng và anh nên yên tâm. Vấn đề quan trọng là chuyện đi đường anh phải lo cho tươm tất vì trạm kiểm lâm Cầu Hang rất khó. Nếu xe gỗ bị tịch thâu nông trường tất chịu trách nhiệm và người trực tiếp là tôi sau đó vốn liếng của anh đi đứt. Anh nên tính sao cho an toàn.

Tôi hiểu có cái khó nói ra của những cán bộ nông trường vì Hải có cho tôi biết từ những ngày đầu tiên nhận hợp đồng. Điều ngầm hiểu là cốt lõi còn chuyện giấy tờ chỉ có ý nghĩa hình thức. Hợp đồng trên tay Hải đã hết hạn nhưng không được minh định rõ bằng chữ nghĩa, do đó cứ việc lên lâm trường mua gỗ. Lâm trường căn cứ vào chỉ tiêu và số lượng gỗ tồn kho. Tiền trao ra gỗ kéo về. Ra khỏi lâm trường gỗ trôi nỗi đi đâu thì đi. Lúc ấy trách nhiệm trong tay người lấy gỗ. Đối phó gay go nhất là đám kiểm lâm dọc đường. Qua được họ là xong.

Trời tháng chạp không khí hanh hanh khi chúng tôi đi về phía chợ Hốc Môn. Ngước nhìn bầu trời trong xanh Hải thở dài bảo:

-Hai mươi ngày nữa là Tết. Không biết công việc có êm xuôi hay không?

Tôi không trả lời nhưng biết Hải đang lo cho số vốn vay mượn của cha. Bảy lượng vàng không phải là nhỏ với cái thời buổi lộn xộn thị trường này. Tom góp số vàng còn lại cha tôi tin nơi tôi hơn Hải vì tôi chưa bao giờ có tì vết quá khứ chuyện tiền bạc vả lại ông tin rằng tôi đã nghiên cứu kỹ chuyến buôn gỗ này. Gổ dầu những tháng cận tết mua một bán mười. Món lời có thể đem về cho hai anh em một số vốn làm ăn trong khi cuộc sống của tôi bị bế tắc từ ngày ra khỏi trại cải tạo.

Khi chúng tôi gặp Thắng, người áp tải gỗ đã hơn một giờ. Ba người vào quán cơm ở Gia định ăn trưa. Thắng cười nói vui vẻ và trấn an chúng tôi:

-Đừng lo gì cả, tôi bảo đảm chúng ta sẽ ăn một cái Tết lớn. Ap tải gần trăm chuyến gỗ, đường đi thuộc như lòng bàn tay, chỉ có điều hai ông lo cho tôi đủ tiền lót đường.

Đẩy đỉa cơm sang một bên, Thắng móc túi lấy tờ giấy và cây viết ra cọng trừ lia lịa. Đúng như Hải có nói từ trước, cái đầu của Thắng không kém cái máy tính. Chỉ trong năm phút Thắng đưa tờ giấy cho tôi. Hai lượng vàng tiền chi phí dọc đường. Có nghĩa một triệu bốn trăm ngàn đồng phân phối cho đám người liên hệ đến hai mươi lăm khối gỗ dầu mà chúng tôi sắp mua. Thắng giải thích:

-Tôi đã tính dư ra khoảng năm trăm ngàn tiền phòng hờ bất trắc. Cái bất trắc này chưa chắc đã xãy ra. Nhưng bất kỳ chuyến áp tải nào cũng phải tính. Êm xuôi thì số tiền này cũng nằm trong túi anh mà thôi. Không có gì ra ngoài dự đoán của tôi cả. Anh nên nhớ rằng khi đã nhận áp tải tôi chịu trách nhiệm và anh Hải có lạ gì tôi. Bây giờ phải tranh thủ thì giờ, ăn xong chúng ta đi mướn xe ngay. Gần tết đám cần cẩu không rảnh đâu.

Tôi lẳng lặng đi theo Hải và Thắng mà không có lời bình luận nào vì tôi biết mình đã lao thì phải lao cho trót. Tôi chỉ là người cầm tiền còn việc bán buôn trong cái xã hội này quá phức tạp. Về với gia đình hơn một năm rồi nhưng hình như cái gì đối với tôi cũng mới mẻ cả.

Tại trụ sở công ty Cimexcon của cựu dân biểu Dương văn Ba, tôi ngồi ngoài xe chờ trong khi Hải và Thắng đi vào làm hợp đồng mướn xe kéo gổ. Chúng tôi đã đến ba công ty nhưng nơi nào cũng bận việc. Không có xe trống vào dịp Tết. Khi Hải và Thắng trở ra thì trời bảng lãng tối. Thắng vui vẻ nói:

-Thuê được rồi. Cái may mắn cuối năm đây. Chuyến xe này mới chở gổ từ miền Trung vào, tài xế cũng là người quen. Đang nghỉ nếu chúng ta không đến kịp thì ngày mai có người tới thuê ngay. Hợp đồng xe bắt đầu có hiệu lực lúc tám giờ tối cho nên chúng ta phải đi gấp, anh và Hải về nhà ăn uống gì qua loa, tôi về sắp xếp chuyện nhà hẹn gặp nhau lúc tám giờ tại đây.

Thắng nói xong rồi lên xe honda đi mất. Tôi và Hải về đến nhà nói sơ cho cha rõ về diễn tiến công việc. Cha tôi chỉ nói một câu "Con phải hết sức cẩn thận" rồi lên lầu uống trà. Khi hai anh em mang chiếc túi xách đựng quần áo xuống cầu thang, tôi thấy cha tôi đang ngồi nhâm nhi tách trà trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ. Mái tóc ông bạc trắng lấp lánh dưới ánh đèn dầu. Lẳng lặng hai anh em lên xe honda hướng về phía chợ Bà Hạt địa điểm đổi tiền. Hải nói: "Không biết sao em cảm thấy lo lắng quá, nếu có chuyện gì xãy ra chắc ba buồn lắm." Tôi trấn an, "không việc gì quá lo như vậy, mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên."

Từ nhà bà Ba Tri bán vàng ra, Hải đi trước quan sát từ đầu hẻm đến cuối hẻm xem có ai chú ý không rồi ra dấu cho tôi xách chiếc va li tiền trĩu nặng ra xe honda chạy về nhà và sau đó chúng tôi đi xe ôm đến điểm hẹn với Thắng. Còn sớm, Hải đề nghị đi mua bánh mì, tôi lắc đầu bảo chờ Thắng đến có đói đi ăn hủ tiếu luôn. Ôm chiếc túi xách chứa gần năm triệu bạc, tôi nhìn con đường trước mặt vắng người với tâm trạng của một kẻ bàng quang. Ánh đèn từ hai chiếc bóng tròn trước cổng trụ sở công ty Cimexcon tạo thành hai chiếc vòng hào quang. Khi tôi nghĩ hôm nay khu vực này không cúp điện thì Thắng cũng vừa đến nơi. Thắng đi xe honda ôm. Bước đến gần chúng tôi hắn giải thích, tôi phải đi mua chút đồ cho thằng Thịnh, nhân viên kiểm gỗ lâm trường. Nó mê bút máy Pilot nắp vàng vô cùng, lần này tôi mua năm cây hết mười lăm ngàn. Cho nó hai cây, một cho ông Đa trưởng phòng tổ chức, hai cây còn lại sẽ có việc dùng. Đám cán bộ miền bắc mơ tưởng bút máy không khác chi mơ tưởng đàn bà hai thầy ạ.

Thắng nói xong đưa chiếc túi cói cho tôi rồi cùng Hải đi vào cổng sau của công ty. Nhìn tấm bảng đồng nạm chữ Cimexcon nổi sáng loáng trên chiếc cổng ra vào tôi nhớ ra là miền Nam sống dưới chế độ cộng sản đã mười năm. Năm phút sau Hải đi ra nói với tôi chờ xe đổ hai trăm lít dầu cặn rồi mới đi và bảo tôi lấy sổ ra ghi chi phí để sau này kết toán cho dễ.

Chiếc xe cần cẩu vàng ra khỏi cổng công ty tôi nhìn đồng hồ gần tám giờ bốn lăm. Xuống xe Thắng gọi Sanh người tài xế đến giới thiệu với tôi. Người thanh niên nhỏ con như đứa trẽ mười bốn bắt tay và móc gói thuốc Zet ra mời tôi một điếu. Sanh vừa bật lửa vừa nói, các ông lên xe ngay cho kịp giờ. Đến lâm trường khoảng mười một giờ đêm và tranh thủ ngủ ngay để sáng mai vào rừng lấy gổ sớm. Tôi dự tính thủ tục xong ít nhất mất một ngày, nhưng bất kỳ khi nào xong là lên đường ngay dù là một, hay hai giờ sáng. Hợp đồng xe chỉ có ba ngày, thêm một ngày các ông phải chịu chi phí gấp đôi.

Hải lục trong túi quần áo xé cây thuốc lấy ra ba gói thuốc lá Zet. Phân phối cho mỗi người một gói xong nó nói với Thắng, tao có mang thuốc theo đầy đủ cần ngoại giao mày nói với tao. Thắng, Hải và tôi ngồi khoang tài xế. Tuy chật nhưng chúng ta sẽ ấm khi lên Trị An. Thắng nói trong khi châm điếu thuốc cho Sanh.

Chúng tôi lên lâm trường Hiếu Liêm bằng đường Biên Hòa. Chạy đến Hố Nai, Thắng ra dấu ngừng xe và mọi người ghé vào một quán hủ tiếu ven đường ăn tối. Tôi hỏi đường đi thì Thắng cho biết còn phải hơn một giờ lái xe nữa. Chúng ta đi ngang qua đập thủy điện Trị An và Trị An đang làm việc nên đường đi hơi khó. Tuy nhiên nếu ban ngày khung cảnh đẹp lắm. Tôi ăn tô mì nhạt nhẽo, trong khi Hải, Thắng và Sanh ăn có vẻ ngon lành. Ăn xong mỗi người thêm một ly cà phê và một điếu thuốc. Quán vắng ngắt mang âm hưởng của những ngày cuối năm. Tôi lục túi xách lấy chiếc áo khoác ra mặt vì lên vùng núi không khí dường như lạnh hơn.

Qua khỏi Hố Nai, xe rẽ trái chạy lên Trị An. Đường đêm heo hút lạnh. Ánh sáng nhờ nhờ của từng cây cột điện không soi rỏ khung cảnh hai bên đường. Bắt đầu lên đến công trường, đường đi ngoằn ngoèo khó khăn hơn vì các đụn đất cao ven lề lấn ra tận lòng đường. Những bóng đèn rải rác trên mô đất cao như những con đom đóm trong khi sương mù mỗi lúc mỗi dày dặc. Xe lên núi, xuống đèo và cuối cùng cũng đến lâm trường. Tôi thầm nghĩ ngày mai có trở về tôi không thể nào nhớ ra được lộ trình mình đã đi qua. Đã hơn mười một giờ khuya. Chiếc cần cẫu vào bãi đậu. Sanh nói, các ông tìm chỗ ngủ đi, tôi ngủ trên xe. Thắng xua tay, không được theo tôi vào nhà thằng Thịnh, nhà nó rộng lắm. Sanh miễn cưỡng đi theo sau trong khi Thắng trấn an người tài xế. Xe đậu ở bãi an toàn lắm không mất mát gì đâu. Nếu có mất gì tôi chịu trách nhiệm.

Bốn người lầm lũi theo Thắng đi dọc qua hai dãy nhà lá và đến căn cuối cùng Thắng gõ cửa. Thịnh còn thức, tay cầm súng AK ra mở cửa. Bốn người vào nhà, tôi ngồi yên nhìn gia chủ đang nói chuyện. Thịnh còn quá trẻ, chỉ khoảng hai lăm. Mẫu thanh niên bắc kỳ sau bảy lăm. Da ngâm đen, dáng tầm thước, chào từng người và kêu vợ ra giới thiệu. Vợ Thịnh trẻ đẹp giọng nói miền Nam. Tôi nghĩ cái chỗ ngồi của các cô gái miền Nam sau này không gì yên ổn hơn là lấy chồng cán bộ miền Bắc.

Thịnh suýt xoa cám ơn luôn miệng khi nhận hai cây bút máy nắp vàng của Thắng và kêu vợ dọn trà lên uống. Nếm tách trà bốc khói vị đắng và ngòn ngọt ở cổ, tôi biết ngay trà móc câu Bắc Thái loại thượng hạng. Thắng hỏi, mày không về Bắc ăn Tết à. Thịnh lắc đầu, công việc nông trường bề bộn lắm. Tao sẽ về thăm nhà sau Tết. Gỗ tốt mới hạ ở bãi ba, xe phải vào rừng sâu lắm, có tới hai mươi cây số đường rừng cho nên ngày mai phải dậy sớm tranh thủ chứ ông Tiến ở Biên Hòa mang hai xe lên hồi chiều. Chậm tay chỉ có gỗ xấu. Sáng mai mày cứ lên văn phòng lâm trường làm giấy tờ đóng tiền, tao theo xe vào rừng lấy gỗ trước. Làm như thế là không hợp lệ nhưng để tao lo. Gỗ lên xe rồi là chắc ăn. Lần này chỉ cần ba lóng là hơn hai lăm khối! Cây nào cũng như chiếc đũa nhìn thấy là mê ngay!

Chúng tôi ra sau nhà rửa mặt. Thắng nói nhỏ với tôi, anh thấy thằng Thịnh nó lo cho tôi hết, yên tâm và ngày mai lên lâm trường đóng tiền. Trể lắm tối mai sẽ chở gổ về. Thắng cười nói thêm, Thịnh đòi gả em gái cho tôi. Không chừng sau Tết này tôi theo nó về Bắc chơi một chuyến và coi mắt vợ.

Tôi và Hải ngủ trên hai tấm phản gỏ dày hơn gang tay. Hải xoa tay lên mặt phản láng bóng xuýt xoa, hai tấm này hơn hai lượng vàng đây! Chỉ có cán bộ lâm trường mới dám xài gổ gõ. Đem hai tấm này về Sàigòn lời to. Anh biết không? Thắng nói thằng Thịnh giàu lắm! Nghe đâu nó mới xây một căn nhà ba tầng ở Nam Định. Tôi chỉ nói, nhất phá sơn lâm mà!

Hải và tôi mang tiền ra phân từng loại để ngày mai đi đóng cho dễ dàng. Tôi lấy sổ ra ghi từng món chi phí một. Từ lúc bắt đầu cho chuyến buôn gỗ này, hơn sáu giờ đồng hồ chi phí gần năm chục ngàn đồng. Hải nói, mình còn chi nhiều lắm. Ngày mai anh sẽ rõ, tuy nhiên tiền có ra mình mới đi êm xuôi được. Thôi chúng ta đi ngủ, mai em phải theo Thịnh vào rừng sớm.

Tánh trà đậm đặc không làm tôi ngủ được trong khi Hải đã ngáy đều đều. Qua vách lá tôi nghe Thắng còn nói chuyện với Thịnh. Hai người đang bàn chuyện ăn Tết. Xa xa vọng lại vài tiếng súng khiến tôi nghĩ đến pháo tết và nhớ đến cái Tết năm một chín bảy mươi bảy tại trại Thủ Đức. Nằm trong phòng giam cuối trại cách một bức tường cao dày kẻm gai là khu nhà dân. Đêm giao thừa nghe pháo nổ râm ran và tiếng trẻ con bi bô bên kia rào cảm giác như đang sống trong một thế giới xa cách mịt mù. Lúc ấy tôi mới biết mình nhớ nhà. Cái bâng khuâng ấy như đêm hôm nay tại lâm trường Hiếu Liêm này và tôi thiếp đi khi tiếng gà bắt đầu eo óc gáy.

Hải đánh thức tôi dậy đúng sáu giờ sáng. Tính ra tôi ngủ có hai giờ đồng hồ. Buổi sáng vùng núi lạnh lẽo làm tôi nhớ khí hậu vùng trung du miền Bắc. Sương mù trắng đục lờ nhờ che khuất một vạt núi phía đông. Phía phải hòn núi nhỏ là hồ Trị An. Ánh nắng sớm xé một góc sương mù hắt xuống một góc hồ phản chiếu lấp lánh như thủy tinh. Tôi ra phía trước sân đứng nhìn xuống thung lũng. Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thiên nhiên phụ lòng mong ước của mình cả vì dù có điêu tàn nó cũng không che dấu cái đẹp độc lập của nó trong cái tàn lụi thường do con người tạo nên. Tôi biết mình cảm tính, nhưng cái cảm tính hun đúc theo ngày tháng làm nên cá tính của tôi. Cái cảm tính thường ngày đã giúp tôi tồn tại trong suốt những năm dài khó khăn của đời mình. Nhờ nó tôi có cái lạc quan trong khi bạn bè đang chìm trong tuyệt vọng và cái cảm tính mang chút triết lý ấy lại giúp vực bạn bè dậy để phấn đấu chờ ngày ra khỏi trại.

Hôm nay tôi đứng bên hồ Trị An này như thoáng một giấc mộng. Hồi tưởng đời mình lại thấy bé nhỏ và vô nghĩa. Những chết chóc, khó khăn và đấu tranh không ngơi nghĩ trong tâm hồn suốt hơn mười năm qua bây giờ đã thành tập quán. Đương đầu và tránh né là phương thức sống còn dù là trong trại cải tạo hay ngoài xã hội. Cố gắng tồn tại không hề mang chút hơi hướm tương lai mà chỉ làm nổi bật ý nghĩa số phận. Tôi đang cố gắng để sống bằng chuyến buôn gổ cuối năm này và bằng đương đầu hay tránh né tôi cũng chỉ làm tròn ý nghĩa số phận an bài.

Hải bảo dậy trể quá không kịp vào rừng. Thịnh nó đi lúc năm giờ và không nỡ đánh thức em dậy. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền xong ba người chúng ta vào rừng sau. Thắng nói như giải thích với tôi, Thịnh nó tình nghĩa lắm, nó đi sớm để chọn gổ tốt cho chúng ta. Là nhân viên kiểm và xuất gổ tại bãi, mỗi lần có xe lên gổ chi phí riêng cho nó hai chỉ vàng. Làm cho mình miễn phí vì tình nghĩa đậm đà của nó và tôi. Thắng nhắc lại như muốn kể công, nó muốn xem tôi như em rể ông thầy ạ. Bây giờ chúng ta đi uống cà phê rồi lên lâm trường đóng tiền.

Chúng tôi đi về phía chợ của lâm trường Hiếu Liêm. Thắng đã quen thuộc lắm với nơi này. Vừa đi vừa giải thích hắn nói. Giám đốc Ban có bà con với vợ của Trường Chinh nên hắn hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Tốt nghiệp ở Liên Xô về nên cũng là dạng trí thức khác với một số cán bộ cấp cao khác dốt nát. Hắn tổ chức lâm trương theo kiểu đơn vị sản xuất cấp huyện miền cao. Có khu cư xá cho công nhân viên chức lâm trường. Ở giữa là chợ. Chổ cao nhất là văn phòng các ông xem kìa có giống dinh Độc Lập không?

Thắng nói không ngoa, từ dưới chân đồi nhìn lên cơ ngơi lâm trường nguy nga không kém dinh tổng thống. Mà nói thế cũng đúng. Giám đốc Lâm trường có khác thổng thống là bao! Giám đốc Ban đi chiếc xe Nhật trị giá bốn trăm khối gỗ gỏ. Chiếc xe này theo yêu cầu trang bị an toàn theo kiểu xe tổng thống đi. Kính dày chống đạn và người ngoài nhìn vào không thấy bên trong. Trong xe có cả một quầy rượu nhỏ và máy lạnh. Ngồi trong xe không khác như đang ngồi trong một nhà hàng sang trọng Sài gòn.

Hải nói xen vào, mày làm như đã từng đi xe của Giám đốc. Thắng gật đầu trả lời, không sai. Không những được ngồi mà còn vinh hạnh uống rượu với ngài giám đốc.

Ba người chúng tôi bước vào quán hủ tiếu nhỏ như chiếc hộp con thì một chiếc xe máy cày chạy vụt qua bụi đỏ mù mịt. Chợ của Lâm trường này có ích cho cả vùng Trị An. Công nhân lâm trường, thủy điện, người đãi vàng hội họp về đây cuối tuần nên nhộn nhịp lắm. Thắng chỉ chiếc nhà hình hộp màu bụi đỏ trên đồi bảo:

- Chốc nữa lên đóng tiền ghé vào nhà thú rừng của giám đốc Ban. Có một con gấu ngựa con dể thương lắm. Ngoài ra còn có vượn, trăn, rắn, báo hoa mai. Như là một cái sở thú mini vậy.

Ăn xong tô phở nhạt nhẽo, ba người chúng tôi uống cạn tách cà phê đen hút hết điếu thuốc rồi tính tiền bước ra. Không khí buổi sáng vùng cao dể chịu. Đường lên dốc gập ghềnh. Tôi bảo, giá đem chiếc xe theo thì tốt. Không phải lội bộ quá xa. Hải gật đầu trong khi Thắng đưa tay chào hỏi những nhân viên lâm trường đang chạy xe honda lên văn phòng như thân quen lắm. Vài cô gái trong bọn họ đưa tay vẫy chúng tôi nữa chào nữa chọc ghẹo. Tác phong những cô gái xã hội chủ nghĩa, tôi nghĩ như thế vì suốt năm năm ở tù miền bắc hiếm khi nào tôi gặp được một cô gái dịu dàng nữ tính. Đám nữ công nhân lâm trường miền bắc nói chuyện với nhau chỉ khác giọng nói chứ tác phong rặt đàn ông và đặc biệt thường chữi thề không kém các tay anh chị giang hồ. Khi đưa ra nhận xét này với cán bộ quản giáo đội, họ thường trả lời. Không phải con gái miền bắc ai cũng thế đâu. Khi nào có dịp ra Hà nội tôi chỉ sợ các anh mê các cô mà quên đường về nam.

Tác phong của các cô gái lâm trường là phản ứng tự vệ của họ giữa tập thể đàn đông. Ban đầu không quen nhưng dần dần cũng phải quen. Bầy dê chỉ có thể tồn tại trong đám sói bằng cách làm cho bầy sói hiểu rằng tác phong của họ không kém loài sói là bao và hoàn cảnh đó đã làm thay đổi nhân cách của không biết bao nhiêu cô gái lâm trường. Ở đây cũng thế và tôi nhớ ra cả nước Việt nam bây giờ là xã hội chủ nghĩa chứ nào có phải riêng gì miền Bắc đâu! Cái thay đổi ngoài xã hội có chút gì không ăn khớp với tâm hồn của tôi. Không biết có phải tôi chưa quên được quá khứ hay là tôi muốn khư khư giữ lấy nó như một nơi trú ẩn trong thân phận một người bị lưu đày trên chính quê hương của mình!

Trong tôi hiện tại lúc nào cũng có chút hoài niệm quá khứ. Dù đang cảm nhận thực tại, không khí hanh lạnh những ngày cận tết vẫn là cái mơ hồ của những mùa xuân năm cũ. Chính thân phận chính trị làm thay đổi nhận thức và mọi sự hồi tưởng đều có ý so sánh mang chút tiếc nuối bởi bản thân mình không thấy an ổn trong thực tại và hi vọng ở tương lai.

Ba người chúng tôi đi ngang qua dãy phòng tiếp tân tầng trệt của lâm trường trước khi đến phòng thu ngân. Vẫn những thủ tục hành chánh trước khi bước đến gia nhập vào cái đội ngũ con người xếp hàng chờ gọi tên đóng tiền. Tính theo đầu người và chia đều cho thời gian tôi nghĩ khi mình đến cái khung cửa sổ đóng tiền kia ít nhất cũng phải đến hai giờ chiều. Tôi tính kỹ lưỡng lắm vì không phải đến được cái khung cửa sổ là xong chuyện. Những cọc tiền giấy sau khi tháo bỏ giây buộc được bàn tay chuyên nghiệp của cô thu ngân đếm thoăn thoắt trông tội nghiệp vô cùng. Chỉ một người đếm ít nhất vài ba triệu cho mỗi người thì làm thế nào mà đến phiên mình sớm được. Thắng đi đâu mất bỏ lại tôi và Hải chờ đợi gọi tên đóng tiền.

Có tiếng cãi nhau, và một người vác bao tiền đi ra. Người đàn ông vừa đến đứng sau tôi và Hải giải thích. Không nhận tiền dưới hai trăm. Mười triệu chỉ toàn tiền lẻ thì ai có thể đếm được. Anh ta không thấy tấm thông báo trên đầu quầy tiền. Lúc này tôi mới để ý tấm giấy nhỏ như bàn tay trên khung cửa sổ và nghĩ đến cái bao tiền của mình. May mắn cho anh ta. Ông Tiến, người đàn ông đứng trước mặt tôi nói. Có một số người xếp hàng rồng rắn hơn nửa ngày để khi đến được cái khung cửa tò vò đọc cái thông cáo chết tiệt kia rồi vác tiền trở về.

Tôi đang trả lời một câu hỏi của ông Tiến thì Thắng đến ra dấu cho tôi và Hải theo hắn. Ra ngoài Thắng nói, đã có giấy giới thiệu của trưởng ban tổ chức lâm trường. Chúng ta đóng tiền cửa sau.

Tuy là cửa sau, đếm năm triệu bạc cũng mất gần hai giờ đồng hồ. Xách chiếc túi rỗng trở về tôi thấy nhẹ nhõm. Tờ giấy giới thiệu của ông trưởng ban tổ chức Đa giá một trăm ngàn đồng. Ông Đa thật tội nghiệp. Thắng nói như kể lể, là người có đảng tịch cao nhất nhưng sống đạm bạc vì tính tình hiền lành và chút khờ khạo. Cho thì ông ta lấy chứ không yêu cầu hay bắt buộc. Vào Nam được hơn bốn năm, vẫn hai bộ quần áo và chiếc xe đạp dù rằng Giám đốc Ban là đàn em đi xe huê kỳ. Giám đốc Ban dành cho nhiều ân huệ trong đó có cả một cái nhà ở Biên Hòa nhưng ông ta không dám nhận. Hồi tối Thịnh có nói ông mới mua được chiếc xe honda và đang tập đi. Mình cho một trăm ngàn ông ta sẽ hết mình cho những lần lấy gỗ tới. Anh phải biết, ông ta có quyền triệu tập chi bộ đảng để cách chức những tai to mặt lớn ngay cả giám đốc lâm trường. Nhưng hiền lành kiểu ông Đa chỉ làm cho đám cán bộ cấp dưới coi thường mà thôi. Trưởng ban tổ chức lâm trường mà lúc nào cũng thèm được ăn cơm phần với khổ qua dồn thịt ở chợ Biên Hòa!

Cái vòng lẫn quẫn của con người mà. Trong tôi luôn có tiếng nói như thế. Không ngạc nhiên. Hãy bình thản tiếp nhận như chuyện đã rồi. Chuyện một con người hiền lành như ông Đa hay tai quái như ông Ban giám đốc lâm trường vẫn là nét chấm phá muôn đời của bức tranh xã hội trong bất kỳ một chế độ chính trị nào. Tham vọng và quyền lực giúp bức tranh nhân sinh thêm phần ý nghĩa.

Không có mùa xuân ở đây vì cái lạnh cuối đông còn gay gắt lắm trong rừng sâu. Chiếc cần cẩu vàng đi nhờ đưa ba chúng tôi lên xuống theo những hố bùn sâu do mùa mưa để lại. Rừng cây xanh ngắt và thăm thẵm. Xa hơn sương mù còn bao phủ dù lúc này đã gần mười hai giờ trưa. Con đường đi vào bãi ba hơn hai mươi cây số nuốt mất ngót hai giờ đồng hồ. Không biết chiếc xe có gổ phải mất bao lâu mới ra khỏi rừng. Tôi tự hỏi như thế khi thấy một chiếc xe ủi đất lật nằm chỏng chơ bên vệ đường.

Khi tôi đến bãi ba chiếc xe của Sanh đang lên lóng gổ dầu thứ ba. Thịnh nhảy xuống xe đến gần Hải và tôi nói nhỏ:

-Ba lóng hơn hai mươi lăm khối. Tôi tính dư dã về xưởng chịu khó đo lại nhé anh Hải.

Thắng đến gần đưa gói thuốc lá mời Thịnh. Hai người kéo nhau ra xa to nhỏ. Tôi nhìn ba lóng gổ tròn và thẳng ước tính số lượng. Thịnh nói không ngoa đâu. Phải hơn hai mươi lăm khối. Nhưng ba lóng gổ quá đẹp này về đến thành phố êm xuôi hay không khiến tôi lo ngại. Tôi nghe nói quá nhiều đến kiểm lâm lộ trình xã hội chủ nghĩa. Một thứ cá mập trên cạn sẵn sàng nuốt chửng mọi thứ dù bao tử đã đầy ắp thức ăn. Tuy nhiên tôi tin Thắng qua lời Hải giới thiệu và nghĩ rằng dù có khó khăn bao nhiêu chỉ cần một khe hở nhỏ đủ để một con người chui qua được như câu nói "cái khó ló cái khôn" tôi thường nghe trên quê hương xã hội chủ nghĩa miền bắc. Cái khôn này phải chăng là sự mỉa mai con người. Khôn vặt hay là biến chất người. Quê hương tôi khó khăn lắm nên đã ló biết bao cái khôn để cho đất nước cứ phải dẫm chân tại chổ trong cái thế kỷ liên hành tinh này!

Có đến hai kiểm lâm tại bãi ba lên gỗ. Họ săm soi ba lóng gỗ vừa kéo lên xe. Thịnh kéo họ lại nói chuyện. Thịnh là nhân viên phân phối gỗ nên chịu trách nhiệm trực tiếp thứ đến là nhân viên kiểm lâm lâm trường. Ba người này làm việc ăn khớp với nhau. Sau khi Thịnh nói xong. Hai nhân viên kiểm lâm mang súng vào rừng. Thắng bảo, họ đi săn và tìm bọn ăn cắp gỗ. Không tuần nào mà không bị mất cắp. Tháng trước lâm trường mất đứt trăm khối gõ. Không biết thế nào mà bọn nó kéo gỗ ra tận sông Đồng Nai rồi thả bè trôi về Biên Hòa. Ông phải biết trăm khối gõ đủ sống vua chúa một đời rồi. Thắng nói một cách thèm thuồng. Có thể Thắng muốn làm thằng ăn cắp gỗ hơn là nhân viên áp tải như Hải đã nói với tôi.

-Xã hội này làm giàu mau lắm, chỉ cần có chút gan dạ thì thay đổi cả cuộc đời.

Thắng nói thêm như lý giải cái ước mơ của hắn một cách đơn giản. Có thế thôi. Đủ là một nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Nó hàm ngụ thứ thiên đường có trên trần gian này mà không cần gọi đến biện chứng pháp.

Tôi và Hải thỉnh thoảng phải xuống xe vì ba lóng gỗ dầu có thể làm chiếc xe dễ dàng lật bởi những hố sâu lầy lội. Ba giờ đồng hồ lên dốc xuống triền cuối cùng chiếc xe cũng về đến lâm trường.

Ông Tiến đứng ngắm ba lóng gỗ hồi lâu rồi đến gần nói với tôi:

-Đẹp thật, có thằng Thắng lo phải biết. Anh hên lắm. Xe của tôi lên trên này ba ngày rồi mà vẫn còn trong bãi hai. Không biết bao giờ mới lấy được gỗ.

Ông cho biết thêm không phải ông không biết lo nhưng giám đốc Ban với Thắng nghe nói có ân oán giang hồ gì đó. Thắng có thể thông qua các phòng của lâm trường dễ dàng và có thể hưởng ưu tiên trong việc lấy gỗ. Thế mà nó ước mơ ăn cắp gỗ, tôi thắc mắc hỏi Hải. Hải cười:

-Anh chưa quen với cách suy nghĩ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên rồi anh sẽ quen dần đến không lúc còn thắc mắc gì nữa.

Buổi chiều tôi ngồi uống rượu với ông Tiến ngoài bãi chợ. Cùng hoàn cảnh rất dễ cảm thông. Ông Tiến cũng như tôi lấy quá khứ xa lắc xa lơ để nhận bà con. Ly rượu đế thứ ba thấy ngòn ngọt. Cảm giác mùa xuân chập chờn theo nhịp cụng ly của hai người. Ông Tiến nói đến thời gian còn tại chức. Hạnh phúc có thật phải không ông? Giọng ông nhừa nhựa. Tôi trả lời, hạnh phúc có thật là quay trở lại. Điều này chỉ có nơi chúng ta. Ông không thấy mai rừng bắt đầu nở rồi hay sao? Kia kìa. Tôi chỉ những nhánh mai rừng nở sớm được cắm trong chiếc ché màu nâu sẫm trên quầy thu tiền. Ông Tiến cười:

-Ông hay thật! Làm tôi nhớ đến những bông mai trên cổ áo ngày xưa. Hạnh phúc đúng là liên tưởng!

Nói xong ông cạn ly rồi rót tiếp. Chúng tôi uống với nhau như bạn cũ lâu năm không gặp. Đâu đấy có tiếng pháo nổ lẹt đẹt và ánh nắng vàng úa của những buổi chiều cuối năm trở về. Hai chúng tôi chia tay khi Hải tìm tôi nói rằng xe gỗ chờ đóng búa và có thể trở về lúc mười giờ.

Tôi nằm lăn xuống tấm phản gõ đánh một giấc đến mười giờ đêm mới thức dậy vì khát nước. Hải đang uống rượu với Thịnh và Sanh. Tôi hỏi Thắng đâu không thấy thì Hải trả lời:

-Nó đi chơi với giám đốc lâm trường để chờ con mộc xuất gổ. Chắc là phải ngủ thêm đêm nữa.

Thịnh nói:

-Em bảo đảm là ngày mai mới có thể về thành phố được. Anh ngồi dậy uống thêm vài ly. Có thịt heo rừng non của đám kiểm lâm mới hạ ngon lắm.

Tôi lắc đầu vì không còn thấy thích thú uống rượu nữa và hỏi Thịnh xin ly trà. Thịnh gọi vợ nấu nước và chỉ năm phút sau mang lên một bình trà nhỏ. Tôi ngồi trên chiếc võng nilon đu đưa nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài đen kịt gió làm những tàu lá cọ lợp mái đung đưa đập nhè nhẹ lên vách nhà.

Trà đậm làm tôi tỉnh ngủ và hết khát nước. Đêm càng khuya càng lạnh và nổi buồn đang dâng lên trong lòng thu hẹp dần như ly trà đậm đặc. Tôi cứ lui mãi trong ý nghĩ với những hình tượng quá khứ trong ngôi nhà cổ kỷ niệm tuổi hoa niên của mình. Nổi cô đơn và sự ray rứt cứ bám rễ tận đáy lòng. Đó là hoài niệm hay sự mất mát quá lớn lao của một con người trong bối cảnh lịch sử mà nơi ấy tình cảm cá nhân trở nên vô nghĩa. Nhưng dù không có nghĩa lý gì mỗi người có nỗi đau riêng mà gom góp lại đủ làm nổi bật ý nghĩa một thời để yêu thương và một thời để mất mát đau khổ.

Có tiếng gõ cửa. Thịnh ra mở thì Thắng bước vào khuôn mặt có chút giận dữ. Hải suỵt nhỏ ra dấu im lặng khi Thắng ngồi xuống ghế cạn một hơi ly rượu của Thịnh vừa rót. Tôi ngồi xuống cạnh Hải thì Thắng thở dài vổ vai Sanh và nói:

-Ông tài có quyền ngủ đêm nay ở đây. Ngài giám đốc đã về Biên Hòa với vợ nhỏ rồi. Con mộc xuất gỗ chỉ có giám đốc mới có quyền đóng vào.

-Không phải hồi chiều đến giờ mày đi chơi với ông Ban hay sao?

Hải hỏi trong khi Thịnh bỏ chúng tôi xuống bếp lấy thêm thức ăn. Thắng trả lời:

-Đúng là như vậy nhưng ông Ban không chịu. Ông ta chỉ bỏ túi hai trăm ngàn tôi đưa và nói ngày mai lên sẽ nói chuyện. Thôi cũng không sao cả, chỉ có mất thêm thì giờ mà thôi.

Tôi thầm nghĩ những rắc rối của chuyến buôn gỗ cuối năm thì Thắng đến gần nói với tôi như trấn an:

-Anh đến uống ly rượu, tôi bảo đảm chiều mai chúng ta sẽ lên đường.

Tôi bước đến bàn ngồi xuống vừa lúc Thịnh mang thêm chén đủa và một đĩa heo rừng xào lăn bốc khói. Tiếp ly rượu do Thịnh rót tôi nói với Thắng như tự an ủi mình:

-Hi vọng rằng giám đốc Ban ngày mai trở về. Nếu trể một ngày chúng ta phải trả thêm tiền mướn xe.

Thắng uống một hơi ba ly rồi gắp miếng thức ăn bỏ vào miệng vừa nhai vừa nói:

-Ông Ban không phản bội tôi bao giờ dù thực lòng không ưa tôi.

Tôi không hiểu câu nói của Thắng nhưng không muốn hỏi thêm vì thấy không tiện trong khi mọi người không ai để ý câu nói của hắn ta. Sanh đưa ly rượu lên mời tôi:

-Làm cạn đi ông anh chuyện gì cũng ngày mai mới giải quyết được.

Uống thêm ba ly tôi vào buồng và ngủ chập chờn dưới ảnh hưởng khó chịu của trà và rượu và khi tỉnh giấc đã hơn chín giờ sáng. Căn nhà vắng ngắt khi tôi bước ra phòng khách. Sanh còn ngủ vùi trên võng trong khi những người khác có lẽ đi ăn sáng hoặc uống cà phê ngoài chợ lâm trường.

Tôi ra ngoài bãi xe nhìn săm soi ba lóng gỗ dầu. Thật đẹp. Hiếm khi nào thấy được những cây gỗ dầu như thế này. Ít nhất cũng được ba mươi tuổi và may mắn không thấy dấu vết bom đạn nào trên thân cây. Vài mãnh bom có thể làm mỗi lóng mất đi vài chỉ vàng. Tuy gỗ dầu không phải loại quí hiếm nhưng hiện tại là gỗ xây dựng thông dụng nhất. Người cộng sản đã có dấu hiệu nhượng bộ sự đòi hỏi của nhân dân và cái gọng kềm kinh tế có phần nới lỏng. Liệu đây là sự thức tỉnh thực sự hay chỉ là trò trăm hoa đua nở để vơ vét tài sản nhân dân lần nữa. Chỉ nghĩ như thế tôi thấy buồn và chán nản. Đầu óc lại nhớ đến những người bạn đang chuẩn bị tàu vượt biển. Tôi đã đăng ký và mong đến ngày được ngồi trên cái bè cứu rỗi ấy với hi vọng tìm một chỗ dung thân. Bây giờ xoay sở trong khe hở để sống. Những khe hở đặc trưng xã hội chủ nghĩa đã dung nạp biết bao thân xác vật vờ tủi nhục vì thân xác có mà linh hồn thì vất vưởng đâu đó trong cái xã hội chỉ biết có khẩu hiệu và thần tượng mà thôi.

Tôi đã làm thứ lục bình trôi trong hơn hai năm tính từ ngày ra khỏi trại cải tạo. Bây giờ đóng vai trò người kinh doanh gỗ bất đắc dĩ và trong lòng chỉ mong sao may mắn hơn là tính toán được thua trong cái công việc mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ là mình có khả năng làm được. Tôi tin nơi em tôi và Thắng vì không còn biết suy nghĩ gì hơn đến những cái may mắn mà tôi từng chứng kiến trong hai năm qua trong cái xã hội xã hội chủ nghĩa này với châm ngôn muôn đời là "bôn ba không qua thời vận" để an ủi mình trong mọi công việc làm hằng ngày.

Khi tôi trở về nhà Thịnh, Sanh đã thức giấc ngồi hút thuốc ngoài sân rủ tôi đi ăn sáng. Đến quán hủ tiếu có người gọi quay lại thì ông Tiến đang ngồi uống rượu với người em họ đưa tay chào và hỏi:

-Bao giờ về thành phố ông bạn?

Tôi lắc đầu ra dấu không biết thì chiếc xe huê kỳ đắc giá của giám đốc Ban chạy vụt qua. Tôi nói với Sanh cứ ăn sáng trước và đi theo hướng chiếc xe chạy. Bụi mù từ đằng xa cuốn lên đồi cao. Chiếc xe chạy đến cái sở thú mini của lâm trường rồi dừng lại. Tôi cố gắng đi như chạy lên dốc. Đến lưng chừng đồi nhìn từ xa thấy có bóng của Thắng bước ra khỏi xe và chiếc xe tiếp tục chạy về hướng văn phòng lâm trường. Khi gặp tôi Thắng móc trong túi ra tờ giấy vừa phe phẩy vừa nói:

-Có giấy phép xuất gỗ rồi. Chúng ta chuẩn bị về thành phố.

Thắng kể chuyện gặp giám đốc Ban cho tôi nghe. Câu chuyện tuy ngắn nhưng rất đặc trưng xã hội chủ nghĩa thời bao cấp.

*
Thắng đưa tay ra dấu chặn chiếc xe của giám đốc Ban lại. Chiếc xe dừng và Ban mở cửa xe đưa tay ra dấu cho Thắng lên xe. Ban bảo tài xế cho xe chạy rồi hỏi:

-Đưa giấy đây cho tao ký. Lần này bao nhiêu khối?

-Hơn hai mươi khối. Hồi tối anh về Tân Mai hay Cù Lao Phố. Thắng vừa hỏi vừa cười móc tờ giấy phép đánh máy sẵn đưa cho Ban. Giám đốc Ban trừng mắt:

-Hỏi làm gì. Mày sao hay xen vào đời tư của tao? Lấy gỗ xong thì cút đi cho rồi.

-Anh có lỗ bao giờ đâu mà quạu với tôi. Tôi đã đưa cho anh hôm qua hai trăm nghìn rồi mà. Thắng bốp chát trả lời.

-Tiền của thiên thì trả địa. Hồi tối lại đưa cho Hồng rồi. Giám đốc Ban cay cú nói.

Thắng cười thầm trong bụng. Hồng là em họ của hắn và là vợ nhỏ của giám đốc Ban. Nhỏ hơn Ban hai mươi tuổi và có chút nhan sắc. Được Thắng giới thiệu với Ban hai năm trước trong một kế hoạch làm ăn gỗ lâu dài. Hồng lột Ban không thương tiếc. Tiền vào tay Hồng bao nhiêu thì cô ta chia cho ông anh họ Thắng một nữa vì công lao to lớn của hắn biến một cô gái đốn củi hầm than trong vùng rừng núi Phan Thiết thành bà vợ nhỏ của ngài giám đốc lâm trường Hiếu Liêm.

Đưa tiền cho Hồng có nghĩa Ban đã về căn nhà ở Tân Mai với vợ nhỏ. Hiếm hoi giám đốc Ban trở về thăm vợ lớn ở cù lao Phố dù Trường Chinh có tận tay viết thư khuyên nhủ hắn nhiều lần. Ban coi như con số không vì hắn thấy việc hắn làm là chuyện tự nhiên. Cán bộ nào không có hai vợ. Thậm chí có người ba bốn vợ. Số lượng vợ hoặc nhân tình tỉ lệ thuận với chức vụ. Trong lúc trà dư tửu hậu, chuếnh choáng say Ban cao hứng nói:

-Vợ lớn là quá khứ. Tuy lớn mà nhỏ. Vợ nhỏ là hiện tại và tương lai. Tuy nhỏ mà lớn. Hiển hiên hiện tại và tương lai quan trọng hơn quá khứ rồi. Đạo lý của ngày hôm nay là thế.

Cái đạo lý ấy là quyền lực của các cán bộ cao cấp có chức vụ ngày hôm nay khuynh đảo đất nước không kém thời phong kiến.

Thắng đưa tay lấy chai whisky Mỹ trên quầy rượu trong xe rót vào ly uống ực một cái và nhét tấm giấy phép vừa được Ban ký vào túi áo rồi bước xuống xe. Anh tài xế đưa tay chào Thắng tự nhiên như không có việc gì xãy ra và cho xe chạy lên đồi.

Thắng nói với tôi bảo mật câu chuyện, đó là nồi cơm của tôi đấy ông thầy. Hắn nhăn nhở cười nói thêm:

-Tôi sẽ giải nghệ sau khi lấy hết gỗ cái vạt rừng này. Ít cũng phải hai năm nữa. Anh phải biết, gỗ gõ và cẩm lai còn hơn một trăm hecta chưa khai thác hết. Tôi tính ra mình phải có phần trong đó, dại gì cho lũ cán bộ nó ăn một mình!

Tôi nói với Thắng cái tương lai môi sinh bị tàn phá thì hắn cười ồ lên trả lời:

-Anh chưa quen với lối tư duy xã hội chủ nghĩa. Tôi đã dự hằng bao nhiêu buổi họp về việc bảo vệ rừng từ khi tôi bắt đầu cái nghề buôn và áp tải gỗ này. Anh phải biết đầu này họ trồng rừng thì đầu kia họ phá rừng. Gổ khai thác chính thức, bán chính thức, gổ ăn cắp, gổ làm củi, làm than đã biến khu rừng già nguyên sinh trở thành rừng chồi và đồi trọc. Trồng được mười mẫu thì phá một trăm, một nghìn mẫu. Ban đầu tôi cũng chùng tay khó chịu nhưng khi quen với lối tư duy xã hội chủ nghĩa mới thấy mình chậm chân chỉ uống nước đục. Ông thầy chưa bao giờ thấy được có những vùng lấy gỏ, cẩm lai, giáng hương, thao lao làm củi kia kìa!

Tôi lắc đầu không muốn nghe Thắng nói thêm về những viễn tượng không mấy tốt đẹp của cái quê hương rừng vàng biển bạc mà các cán bộ cũng như viện sĩ hàn lâm Việt Nam thường nhắc nhở trên báo cũng như đài phát thanh. Thắng và tôi trở về nhà Thịnh để chuẩn bị chở gỗ về.

Rời khỏi lâm trường lúc ba giờ chiều trong tiếng pháo đón xuân nổ lác đác khắp nơi. Xe đi đường tắt phải leo lên con dốc phía đông và vòng qua hồ Trị An mới đến Biên Hòa. Ngồi trên ca bin với Hải và Thắng, tôi nhìn rừng mai đang nở trong ánh nắng chiều vàng cuối đông thấy lòng thanh thản trở lại. Chiếc xe nặng chạy chậm rãi trên đồi núi Trị An như đang dạo chơi và một con kỳ đà to như con sấu con đang bình thản băng qua đường trước mũi xe. Sanh thắng xe lại. Mọi người im lặng không ai nói gì. Chiếc xe lại tiếp tục bò lên núi, xuống dốc thẳm và trong cái không khí mùa xuân bàng bạc mọi người ai như có tâm sự nấy chỉ trầm ngâm hút thuốc lá hết điếu này đến điếu khác cho đến khi chiếc xe ra quốc lộ Sanh mới dừng lại bên vệ đường và hỏi Thắng:

-Chúng ta đi lối nào về Sài gòn?

-Đi ngã Cầu Hang. Thắng trả lời rồi im lặng như tính toán. Hải lo âu hỏi thêm:

-Liệu lối trong có đỡ hơn ngả Vũng Tàu hay không? Tao nghe nói kiểm lâm Cầu Hang là hạm rừng đấy!

Thắng gật đầu:

-Đúng là như thế nhưng trạm nào tôi cũng quen biết cả. Ngã Cầu Hang ít người dòm ngó hơn. Thôi lên đường anh Sanh ạ.

Khi đến Cầu Hang trời vừa bảng lãng tối. Không khí vùng quê tháng chạp không biết có phải tâm lý hay không mà sao ấm cúng lạ lùng. Đứng bên vệ đường chờ Thắng vào trạm tôi nhìn chiều xuống êm ả trên vạt ruộng lúa ngã màu vàng sậm trong ánh nắng còn sót lại từ đường chân trời. Pháo nổ đì đùng như dư âm của một cung đàn xưa bềnh bồng trên con đường đi từ những chân ruộng khô cuối đông dẫn từ làng tôi về quê ngoại. Mùa xuân gợn lên trong trí tưởng một tổ ấm đồng thời một quê hương lưu đày.

Tôi đưa cho Thắng túi tiền trĩu nặng sau khi hắn lắc đầu trả lời tôi là thêm hai chỉ vàng nữa. Gò lưng vác bao cát tiền đi vào trạm kiểm lâm và năm phút sau Thắng trở ra tay không với khuôn mặt tươi cười thắng lợi.

Chiếc cần cẩu chui qua Cầu Hang đúng tám giờ tối. Thắng đốt điếu thuốc cho Sanh xong quay nói với tôi:

-Chưa bao giờ tôi lo lắng cho bằng hôm nay. Chính con kỳ đà cản mũi trên Trị An khiến tôi không tin rằng mình có thể êm xuôi chuyến này. Nào ngờ đám kiểm lâm chỉ đòi thêm hai chỉ vàng. Quá ít trong khi mình dự trù gấp đôi. Chúng ta có thể ăn một cái tết lớn rồi. Tôi bảo đảm về đến xưởng cưa nông trường nhắm mắt ba lóng dầu này phải lời trên bốn cây…

Tôi ngủ thiếp đi khi chiếc xe bắt đầu vào địa phận Hốc Môn và lần đầu tiên sau hơn mười năm tôi có lại cái cảm giác yên bình dễ chịu của những ngày xuân cũ.

 
 

Lê Lạc Giao