Tùy bút

Điều Kỳ Diệu của Nỗi Cô Đơn Cùng Một Tiếng Hát

 
 
 

Có một buổi chiều và một nỗi buồn. Tất cả đều bất chợt vì không ai muốn tìm đến một nỗi đau âm ỉ kéo dài theo ngày tháng nhưng không hề tan biến như ước mong. Nhiều lần tôi cố quên với hy vọng nỗi cô đơn hình thành từ bao đau thương thống khổ một thời rồi sẽ ra đi theo thời gian. Nói chung, nếu bao điều không hạnh phúc cuộc đời vẫn cứ âm ỉ mãi trong tâm hồn thì nỗi cô đơn kia trở thành túp lều cho bao đau thương trú ngụ, và ngày mỗi lớn dần theo năm tháng vì chứa chấp quá nhiều điều bất hạnh. Nội dung tiêu cực bấy giờ từng ngày xây dựng kiên cố hơn thành quách tâm hồn, và trở thành thành viên của ngôi nhà cô đơn mất rồi. Cứ như thế, nỗi cô đơn là thứ đời sống khác vô hình lẩn quẩn trong hồn như thứ ma túy và sẵn sàng hành hạ tâm hồn những khi bản thân vô tình tìm đến nó.

Có thể ngôi nhà cô đơn chứa chấp nhiều thứ buồn phiền đau thương đa dạng, như đau thương trong tình yêu vốn dĩ nổi bật hơn cả. Nó ghê gớm vì mỗi khi đau buồn xuất hiện, làm cho ai đó cưu mang nó đi vào một thế giới hoang vu lạc lõng, không định hướng được, và lúc bấy giờ người ta bắt đầu nhớ tới những hào nhoáng vàng son một thời đã mất. Tuy nhiên, có những người không có cả một hình tượng để hoài niệm một thời quá vãng vì mất mát niềm tin. Nỗi đau thương trong ngôi nhà cô đơn lúc bấy giờ thật kinh khiếp, vì không có gì để bám víu và thế giới bên ngoài chỉ là vô vọng. Người ta chỉ còn biết quay về bên trong chính mình để kể lể, an ủi ngay cả khóc than. Phải chăng tiếng khóc âm thầm lặng lẽ quay về đó đã khiến nước mắt biến thành lệ đá xanh như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền sáng tác bài thơ và được nhạc sĩ Cung Tiến phổ thành bài nhạc?

Âm nhạc cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác thường được sáng tác trong ngôi nhà cô đơn bởi chính cô đơn chấp cánh cho cảm hứng sáng tác. Với nỗi cô đơn, người nghệ sĩ từng bước hoàn tất mối sầu dở dang của mình bằng cách viết nó lên thành bài thơ, bài hát như nén nỗi đau thương xuống tận đáy lòng. Để rồi những giọt lệ thành những hạt đá xanh đi nữa, không ai có thể phủ nhận ngôi nhà cô đơn từng nuôi nấng, vỗ về ấp ủ nỗi thống khổ để chính mình không tự hủy diệt. Chính sự cô đơn khởi đầu cho cảm hứng sáng tác bấy giờ trở thành phép lạ xoa dịu, cứu chữa bao con tim thống khổ, tuyệt vọng không tìm đến sự hủy diệt. Từ đó mọi hình tướng sản phẩm của tâm hồn cô đơn kia, có khả năng giúp con người vượt qua bao thống khổ, mang niềm hi vọng dù rất lẻ loi hoàn toàn mang tính cứu rỗi con người.

Có một buổi chiều và một nỗi buồn. Để rồi tôi được nghe ca sĩ Thu Vàng hát. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ hát bài nhạc Lệ Đá Xanh này, nhưng nỗi buồn lạnh giá cô đơn của tôi trong buổi chiều ngày nọ được giọng hát Thu Vàng mang trở về căn nhà ấm áp đơn sơ kỷ niệm. Nơi đó có một quãng đường xa xăm ký ức tuổi thơ, và một thời thanh niên chìm trong bóng tối dông bão lịch sử. Ngày ấy mọi thứ tôi xây dựng trong tâm hồn đã bị nghiền nát hủy hoại để rồi tâm thức được thay thế bằng thứ bóng đêm sa mạc. Một khi niềm hi vọng, khát vọng mất mát tan rã thì nỗi cô đơn khốn khổ thống trị con người. Tôi thường xa rời thế giới bên ngoài, vì không còn niềm tin để bám víu mà trở về lang thang với thế giới bên trong, nơi mà dù không ai chia sẻ vẫn thường thấy an ủi chính mình nếu không chọn một cái chết để giải quyết.

Và buổi chiều cô đơn ấy, tôi nghe ca sĩ Thu Vàng hát Lệ Đá Xanh. Chị hát thật giản dị tuy bản nhạc được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác không giản dị chút nào! Tôi không chú ý đến kỹ thuật chị hát mà tâm hồn hoàn toàn chìm đắm trong nguồn suối dịu vợi của bài hát diễn tả qua giọng hát truyền cảm của chị. Trong giòng đời đa đoan muôn nẻo, tiếng hát người ca sĩ như giòng chảy len lỏi vào tận những ngóc ngách sâu kín của cõi lòng người. Tiếng hát xoa dịu bao cơn cuồng nộ, sưởi ấm những giá buốt con tim trong mùa đông bất hạnh cuộc đời. Có người bảo âm nhạc chính là nhịp đập của con tim thì với tôi ca sĩ Thu Vàng đã làm con tim kia có hơi thở. Nỗi niềm cô đơn được hơi thở con tim nuôi nấng vỗ về để rồi con người không còn tuyệt vọng, ngược lại có kẻ còn thấy chính mình hạnh phúc trong nỗi cô đơn bất hạnh kia.

Tôi muốn nói đã có một ngày, một nỗi buồn trong ngôi nhà cô đơn, tôi được chính tiếng hát Thu Vàng sưởi ấm, cho tôi tìm thấy niềm hạnh phúc ngày nào trở về qua giọng hát ngọt ngào truyền cảm của chị. Tôi thầm nói, “Cám ơn chị, nếu bảo mỗi ngày con người ta cần một chút thi vị, một mẩu hạnh phúc thì chính giọng hát của chị là món quà tinh thần tuyệt vời nhất!” Thêm nữa giọng hát của Thu Vàng còn mang một chiều kích ẩn giấu bên trong. Chính là chiều kích thời gian thêm vào chiều sâu truyền cảm. Có thể tôi tâm lý chủ quan, nhưng về sau mỗi lần nghe Thu Vàng hát, tôi thấy lại bao điều từ lâu chôn kín trong bóng đêm ký ức như được vực trở lại. Không phải sự tiếc nuối hay oán than vì bao điều không hạnh phúc nhưng như lần một sợi chỉ, âm thanh lúc này là thứ ánh sáng chậm rãi êm đềm soi trên nền vàng úa kỷ niệm một khuôn mặt, một nụ cười từ lâu tôi mong ước nhưng dường như không bao giờ tìm lại được. Tôi thực sự ấm cúng khi nghe giọng hát của chị, gợi trong tâm tư tôi một khuôn mặt, gieo trong hồn tôi một nụ cười vốn như một nỗi niềm từ lâu thất lạc quay trở về chốn cũ.

Nghe Lệ Đá Xanh, tiếng hát Thu Vàng còn cho tôi ấn tượng mãnh liệt vai trò của người ca sĩ trên cõi đời này. Bấy lâu nay người ta nghe nhạc với tâm tình xa xỉ mang tính giải trí, vui chơi mà quên đi bản chất nhân văn của nó. Giọng hát Thu Vàng cho tôi bao hi vọng, niềm tin yêu trên đống đổ nát tuyệt vọng của tâm tư một thời mà nỗi buồn từng ngày lớn dần như sa mạc. Thời nỗi cô đơn mang bao thống khổ cứ mãi quấy nhiễu trầm luân tâm hồn con người, thì tiếng hát của chị quả đã hồi phục trở lại bản chất thi vị con người, trong một thế kỷ mà người máy và người thật gần như không hề có sự khác biệt!

 
 

Tháng 5/2021

Lê Lạc Giao