Truyện dài

NHỮNG DÒNG ĐỜI LUÂN LẠC

. . . Chảy đi sông ơi chảy lên đồi cao cuốn thuyền trông đợi đá tượng đưa tay mắt người vời vợi chảy qua thang mây thành trận

cuồng phong chảy về nhân gian nước mắt ròng ròng chảy về địa ngục hồn oan thương khóc cháy đỏ buồn đau còn mất được thua

chảy qua bốn mùa vàng phai nắng cũ hồn nhiên xanh rêu bình yên sóng vỗ đá thành cuội cát đêm thở than lời nỉ non than van dâu

biển thay rồi . . . (1)

 
 
 

Hiểu về đến nhà trời đã tối mịt dù chỉ mới năm giờ rưỡi chiều. Mùa đông Nam California làm ngày ngắn đi, cuối tháng mười mà trời đã lạnh hơn tháng trước mười độ. Dù đã đổi giờ mục đích kéo dài thời gian mặt trời ở với con người, nhưng buổi chiều mùa đông ở đây với Hiểu thật thê lương. Ngồi thật lâu ở phòng khách nhìn ra sân sau, Hiểu cứ nhớ những ngày đông quê nhà thuở bé và anh thả trí óc của mình thoải mái bơ vơ, lưu lạc trong vùng sương mù cổ tích của chính mình như thứ giải trí tinh thần sau một ngày làm việc mệt nhọc với những nhu liệu thiết kế ngành hàng không.

Hiểu xuống phố mua thức ăn. Trong tủ lạnh tuy còn bánh mì nhưng anh ngấy chán khi nghĩ mình phải ngồi nhai những mẩu bánh mì nướng lại với những phần thịt cá còn lại từ ngày hôm trước. Anh lái xe ra khỏi khu mình ở, đi qua những con đường đầy bóng tối, vắng người. Vài cô gái điếm đứng bên lề đưa tay chào khi xe chạy qua. Đến ngã tư con phố chính thành phố, xe cộ cũng đã bật đèn như thành phố sáng lấp lánh, Hiểu rẽ trái đến quán café Rose anh dừng xe và bước khỏi xe. Đến thềm quán Hiểu đứng lại quay nhìn dãy phố bên kia. Thói quen này cũng bởi anh nhớ Hải Lan. Hai người đứng dưới tấm biển chào khách vào chợ ba mươi năm trước. Cố hình dung sự mãn nguyện một thời và nỗi ngậm ngùi một đời lẻ loi, Hiểu buồn bã nhưng không có ý định xua đuổi những tồn đọng dĩ vãng trong trí anh hôm nay như mọi khi. Có ai đấy mở cửa quán, tiếng nói chuyện lao xao khiến anh nhớ mình cần mua thức ăn chứ không phải uống café.

Ngồi xuống chiếc ghế của chiếc bàn trống thứ ba, Hiểu nói với người chạy bàn là cô gái còn rất trẻ cầm bút ghi chép các yêu cầu thức ăn uống của khách. “Cháu cho chú một phần bò kho bánh mì và một ly trà nóng.” Anh nhìn cô gái hỏi tiếp, “Cháu mới đến làm việc ở đây?” Cô gái gật đầu mỉm cười, “Vâng cháu mới đến làm việc được hai ngày.” Hiểu nghe giọng Bắc nặng và thầm nghĩ cô gái là sinh viên du học ở phía Bắc Việt nam. Gần ba mươi năm sống ở Mỹ trong người Hiểu vẫn còn mang nặng dấu ấn kỳ thị đối với những người miền Bắc Việt nam hiện diện trên đất Mỹ dù là sinh viên du học hay người đi du lịch. Anh nói với cô gái sau khi nhìn bản tên trên túi áo cô, “Cháu tên Lan?” Cô gái gật đầu, “Cái gì Lan?” Hiểu lại hỏi, “Cháu tên Hạ Lan”. Hiểu nói, “Tên cháu thật đẹp, tất cả thức ăn chú mua mang về nhà, trừ ly nước trà.” Cô gái tên Hạ Lan cười rồi đi ra phía sau.

Hiểu nhớ đến người đàn bà sưởi ấm anh hai mươi năm gắn liền với bản nhạc Hạ Trắng mà cô gái vừa rồi mang tên Hạ Lan đánh thức anh. Hiểu rùng mình. Nhìn chung quanh không ai chú ý đến cái đầu của anh vừa hình dung một ý niệm. Sự ấm cúng một thời và nỗi lạnh giá hiện tại. Một thời anh là một chú gà được chăm sóc tốt, mỗi sáng ra khỏi nhà mang theo cả tiếng gáy trên cả tám giờ làm việc. Bây giờ là chú gà trống già xơ xác câm nín, nhảy tới nhảy lui vẫn không khỏi chiếc bóng gầy gò của mình. Hiểu chạnh lòng nhưng lại cười thầm về sự gợi nhớ bất chợt rồi đứng lên đến quầy tính tiền.

Ngồi ăn lặng lẽ, Hiểu nghe buổi chiều rơi rớt chút mờ ảo bên ngoài cửa sổ lại như tận đáy lòng. Những bóng người thấp thoáng rồi nhạt nhòa. Anh uống cạn ly rượu vang rồi đứng lên đến bờ cửa sau chăm chú nhìn vũng tối câm nín ngoài sân. Bên ngoài hoàn toàn mờ mịt vì đêm đã nhanh chóng ập xuống. Quay vào trong, Hiểu nhìn chiếc bàn ngổn ngang chén bát anh tự nhủ sẽ dọn dẹp vào ngày mai, rồi lấy cây đàn trong góc nhà ra lau chùi và dạo một bản nhạc anh thường đàn và hát mỗi khi có người đàn bà bên cạnh. Lâu không đàn hát, Hiểu nhớ mười năm trước mình vẫn thường nói với bạn bè mỗi khi được yêu cầu: “Tao đã hát và đàn từng đêm trong mỗi giấc mơ của mình! Bình thường như thế này tao lại có cảm giác xa lạ với dụng cụ âm nhạc này.”

Nghe Hiểu nói, Trãi lắc đầu bảo, “Mày chỉ gàn dở, giọng hát tốt để mai một thật uổng.” Hiểu nói:

“ Tao thật có cảm giác mình không có khả năng đàn hát và cây đàn này không phải của tao.”

Và Hiểu không đàn hát cho ai nghe từ đó. Hôm nay, Hiểu lấy cây đàn bụi lặm ra lau, ôm nó vào lòng nhớ lại Hải Lan, và những người đàn bà anh từng hát cho họ nghe như mỗi đêm anh đàn hát trong giấc mơ của mình. Rồi buổi sáng ngồi nhớ lại, anh nhận ra mình từng đêm ôm giấc mơ rã mục, hơn thế nữa những thứ trong chính giấc mơ từng là hạnh phúc bây giờ chỉ còn là nỗi khốn khổ của một tâm thức điêu tàn vì thời gian và khát vọng phôi pha một thời. Hiểu thấy mình chết khát trong khi ước mơ chỉ là những giọt nước rơi trên nền cát nóng. Biến mất nhanh chóng, cái còn lại là chiếc bóng của nó. Và chính chiếc bóng tiếp tục sống trong nỗi lẻ loi, cô đơn của một mùa đông dài.

Hiểu bỏ cây đàn xuống sau khi bấm hai hợp âm. Tay đau điếng, lưng buốt đau. Anh đứng lên, bước lên nhà trước mở cửa nhìn ra đường. Ngọn đèn trước nhà không soi đủ ánh sáng khỏi ba mét. Bóng tối đen kịt phía sau quầng sáng. Hiểu như thấy lại bóng đêm tháng tư nuốt chửng tuổi trẻ đồng thời tiêu hủy vĩnh viễn niềm tin yêu vào cuộc đời tự do cho đến ngày hôm nay. Trong lòng anh dựng lên một vách ngăn biệt lập như thứ biên giới phân chia nhận thức, mang tính chính trị rõ rệt với những con người đối lập một thời trên quê hương anh.

Hiểu nhớ ban chiều cô sinh viên du học Hạ Lan nói giọng Hà nội khiến anh thụt lùi sau bức tường phân cách của mình. Trong khi tên Hạ Lan cho anh một cảm giác dễ chịu, âm thanh giọng nói của cô khiến anh thấy lại những thác ghềnh ngày nọ từ một quê hương xưa cũ bên kia đại dương. Hiểu tập trung trí nhớ cố hình dung khuôn mặt du cô học sinh ban chiều làm việc trong quán ăn. Không chút ấn tượng nào còn sót lại trong trí. Chỉ có sự trống rỗng của một ước muốn bình thường nhưng sao vô vọng! Hiểu thở dài nhặt cây đàn nằm sóng soãi dưới chân, bấm một hợp âm đồng thời trong đầu dạo lên một khúc nhạc. Hiểu hát một đoạn nhạc nhưng đến lần thứ hai anh mới nhận ra mình đàn và hát. Bài hát một dòng sông xa nguồn của người nhạc sĩ đã chết trong Tết mậu thân 1968. Nghĩ đến tác giả, Hiểu như nghe lại tiếng ho của ông trong những đêm dài trước tết Mậu Thân. Hiểu hồi tưởng những trăn trở thời chiến tranh trong đó thế hệ của anh đắm chìm trong những đêm dài không ngủ. Sự bế tắc tâm thức con người lúc bấy giờ, biểu hiện cụ thể qua sự phung phí tuổi trẻ cho một thời điểm đậm nét phi lý, hư vô. Để rồi sau cuộc chiến tranh, bóng tối quá khứ nhuộm đen quãng đời còn lại của những nạn nhân và chứng nhân cuộc chiến.

*
U Minh thượng, trên con kinh xáng cây số mười một. Từ chi khu Hiểu xuống ghe trở về thị xã Rạch Giá. Trời đã về chiều nhưng bóng nắng còn gay gắt lắm, trên chiếc ghe máy có ba người tính luôn người chủ ghe. Người đàn bà trung niên ngồi trầm ngâm cuối ghe trong khi Hiểu đứng nhìn cảnh vật hai bên bờ kinh. Anh nghe tiếng con thuẫn tre tinh tang trầm buồn trong gió. Chiếc ghe chậm lại và tấp vào bờ vì có người gọi. Một thanh niên tay xách chiếc va li vải nhỏ bước xuống. Chậm chạp và lưỡng lự. Cô gái chừng người yêu đứng trên bờ nắm chặt tay người thanh niên. Cả hai tuổi đôi mươi, bên cạnh cô gái còn có năm người tiễn đưa. Hiểu chừng là cha mẹ, anh chị em và người yêu. Khuôn mặt ai cũng buồn, đôi mắt long lanh và người yêu đẫm nước mắt. Chỉ có tiếng nức nở lẫn lắp bắp của người ra đi. “Con sẽ viết thư khi vào trại, anh sẽ viết thư cho em và em đừng khóc nữa.” Hiểu hiểu ngay người thanh niên đang lên đường nhập ngũ và nghĩ đến đấy lòng anh chùng xuống. Hiểu ngồi xuống be thuyền khi chiếc ghe bắt đầu chạy. Người thanh niên vẫn đứng đưa tay vẫy và đôi mắt nhìn đăm đắm những người thân yêu xa dần ở chân trời. Hiểu nhìn xuống bộ quân phục sinh viên sĩ quan đang mặc trên người lòng nặng nề tự hỏi có bao giờ chia ly từng xảy đến với mình như người thanh niên đứng đầu ghe kia? Năm trước Hiểu gia nhập quân đội từ lệnh tổng động viên lần thứ hai và hình như lúc bấy giờ mọi việc xảy ra hết sức dửng dưng. Tại sao? Phải chăng Hiểu và những người bạn của anh, trong tâm khảm đều thừa nhận cuộc đời mỗi người là một cuộc chia ly vĩ đại, chứa đựng trong lòng bao cuộc chia ly khác xảy ra hằng ngày trên đất nước quê hương? Trước mắt anh hôm nay là một thí dụ cụ thể. Cách anh không đến hai mét một tác nhân và nạn nhân của một cuộc chia ly. Hiểu buồn rầu nhìn người thanh niên ngồi bó gối tư lự, mắt nhìn đâu đó trong hồi ức nỗi niềm hạnh phúc lẫn đau khổ đan xen vào nhau. Hiểu cười chua chát đứng lên bước đến gần người thanh niên ngồi xuống. Tự dưng Hiểu muốn chia sẻ. Anh lên tiếng:

“Anh bạn đang lên đường nhập ngũ?”

Người thanh niên còn trẻ lắm, đôi mắt mở to nhìn Hiểu gật đầu, “Sao anh biết?” Hiểu cười, nụ cười lần này mang tính trấn an, an ủi thông cảm. Hiểu nói:

“Tôi là người lính nên nhạy cảm với bao cuộc chia tay.”

Hiểu không xử dụng chữ chia ly vì anh thấy khuôn sáo. Đôi mắt của người thanh niên sao ngây thơ và đau khổ hòa lẫn. Sanh tên người thanh niên sau khi cho Hiểu biết, vồn vã tâm sự như muốn chia sẻ bao đau khổ vì phải xa người yêu và gia đình nửa giờ trước đó. Giọng ngậm ngùi Sanh bảo: “Em đi lính vì thi rớt tú tài. Nếu đậu em có thể học tiếp dù có lệnh đôn quân. Lần này lên trung tâm nhập ngũ có lẽ sẽ về Quang Trung tập huấn quân sự hay ra miền trung học hạ sĩ quan.”

Sanh tỏ ra không sợ đi lính nhưng chỉ đau buồn vì chia tay người yêu vốn cùng học một trường với Sanh. Người yêu của anh cũng thi rớt và Sanh tỏ ý sẽ kết hôn một khi hoàn tất tập huấn hạ sĩ quan. Lên đến thị xã, hai người chia tay. Hiểu nhìn theo bóng Sanh nhỏ dần trên đường về bến xe anh mới đi bộ đến nhà Huyền tại Chợ Rạch Giá. Anh chuẩn bị tinh thần về Sài gòn vì viên Trung úy Hưởng, trưởng ban năm chi khu cho toán của Hiểu gồm ba người, Hoàng đã về Gò Công hôm qua, Huyền thoải mái mười ngày phép tại nhà mình ở thị xã, nhưng Hiểu quyết tâm về Sài gòn. Trong khi tấm giấy phép của Hưởng chỉ cho mười ngày nghỉ trong tỉnh Rạch Giá với lý do lệnh cấm trại của Tiểu khu năm mươi phần trăm.

Huyền hỏi, “Mày nhớ người yêu nên phải về dù thời gian có quá eo hẹp?” Hiểu lắc đầu, “Tao về vì thích về, có một lúc nào đó mơ tưởng thôi thúc hết sức mơ hồ. Tao quyết về.” Huyền lắc đầu, “Mày thật khó hiểu. Nhưng mày phải cẩn thận, cảnh giác đám quân cảnh.” Huyền nói, “Hôm qua Hoàng về ngay Gò Công, mày như thế này mất hết một ngày phép!”

Hiểu thức dậy bốn giờ sáng, ra bến xe lên chuyến xe sớm nhất về Sài gòn trong khi mẹ Huyền đã dậy từ sớm đun nồi phở để bán. Đến Bắc Vàm Cống Hiểu đứng cạnh bờ phà nhìn xuống nước đục ngầu đang lặng lờ trôi với từng mảng lục bình xa xa rồi ngẩng đầu nhìn ráng sáng đang lên từ chân trời. Chung quanh anh người buôn bán rất đông, chỉ một số ít quân nhân hay học sinh đang đi học. Hiểu tự hỏi mình đã đứng bao lần như thế này trên con đường Cà mau, Rạch giá về Sài gòn? Anh nghe bên tai vẳng tiếng hát buồn thảm của người thương binh cụt chân trên Bắc Mỹ Thuận. Những lần đi xa là bao lần khắc ghi tâm hồn anh nỗi buồn đất nước. Dần dà Hiểu nhận ra vẻ đẹp bi thảm của quê hương mình hơn là những miêu tả hào hùng khoa trương trong trang lịch sử dân tộc. Về sau anh càng nhận ra vẻ ù lì giả dối của dòng lịch sử được viết, vẽ lên cố che đậy sự bất lực của một đất nước triền miên điêu linh vì chiến tranh. Ban đầu Hiểu còn tin vào nhận thức của mình gặt hái được từ trường học. Khi bước vào trường đời ở tuổi đôi mươi, Hiểu từng bước thấm nhuần bản chất dân tộc qua chính bản thân mình gặt hái được trên những dặm đường đời theo thời gian. Hiểu nghi ngờ bản thân với con tim khối óc chủ quan trong việc nhận thức quá trình hình thành truyền thống dựa trên lịch sử dân tộc. Hiểu quan sát xét lại ý nghĩa hạnh phúc, để rồi nhận ra hạnh phúc chỉ là một cảm giác gắn liền tồn tại bản thân mang tính đấu tranh, thử thách trong môi trường sống xã hội. Thế nên hạnh phúc là một sản phẩm tâm lý hơn là lý tưởng, mục tiêu để đấu tranh đạt đến thuần nhất mang tính xã hội.

Khi về đến Bắc Mỹ thuận, Hiểu xuống xe đò qua phà đến bên kia sông. Anh không lên xe vì chỉ trả tiền đến đây. Hiểu ghé thăm chú Nghĩa, đang làm việc tại một văn phòng thuế quan của Bắc Mỹ Thuận bộ phận tỉnh Mỹ tho. Nhìn đồng hồ mới tám giờ rưỡi sáng, Hiểu đứng nhìn dãy hàng quán trên bờ trước bắc: cửa hàng ổi, mận, cam quít. Xen kẽ là quán hủ tiếu, mì thịt quay, hàng bánh mì thịt đang được treo lên cao với chùm nem chua, chùm bòn bon hay ổi xá lị nổi tiếng Giáo Đức. Nắng đã lên cao và tiếng ồn ào xe cộ lẫn tiếng rao bán ầm ĩ. Hiểu bước xuống dốc, đi chừng trăm mét đến căn nhà đầu tiên trong dãy nhà gỗ sơn màu xanh dương. Cửa mở, Hiểu bước vào thấy chú Nghĩa đang ngồi tại bàn làm việc uống café và săm soi trên tay bao thuốc lá capstan trắng. Ngẩng đầu thấy Hiểu, chú Nghĩa mừng lắm đứng lên bước ra khỏi bàn bắt tay anh thật chặc.

Hiểu nhìn chú chăm chú. Tuy mới gặp hai tháng trước, khuôn mặt chú Nghĩa già trông thấy. Biết Hiểu đi chiến dịch Rạch Giá tháng trước lúc ngang qua Bắc Mỹ thuận có kể, chú Nghĩa hỏi ngay:

“Sao về phép, hay trốn trại? Ba con có khỏe không?”

Hiểu cười gật đầu nói, “Con trốn về Sài gòn, ba con cũng khỏe vì tháng rồi có nhận thư của chị hai.” Chú Nghĩa kéo ghế cho Hiểu ngồi, không đợi ý kiến của anh, chú bảo người phụ việc văn phòng ra mua hủ tiếu và café cho Hiểu. Sau đó chú bảo Hiểu ngồi ăn uống trong khi chú ra gian nhà sau phân công việc trong ngày của tổ quan thuế. Chú Nghĩa người Mỹ Tho, lên Pleiku làm viên chức quan thuế tỉnh năm 1967. Chú ở nhà Hiểu và kết nghĩa với ba anh. Nhỏ hơn ba Hiểu năm tuổi, lúc nào chú cũng anh anh em em với ba của Hiểu theo kiểu người Nam. Tính tình bộc trực, chơn chất, phóng khoáng chú Nghĩa rất dễ mến và trong nhà Hiểu ai cũng quí chú. Đầu tháng tám 1968, Hiểu vào Sài gòn học, chú Nghĩa cho chiếc đồng hồ báo thức để anh không dậy muộn trể giờ học. Chú biết Hiểu thi rớt tú tài sẽ phải đi lính nên thường khuyên nhủ anh cố học để lên đại học. Hiểu xem chú Nghĩa không khác người ruột thịt trong nhà. Biết Hiểu hút thuốc lá Lucky, mỗi tháng có người quen đi Sài gòn chú gửi cho Hiểu vài cây thuốc Lucky trắng. Mỗi lần Hiểu về Pleiku ăn Tết, chú Nghĩa hay hỏi, “Sao có bồ chưa, kể chú nghe coi?” và bao giờ Hiểu cũng lắc đầu bảo, “Không có bồ, phải lo học chú ạ!” lúc bấy giờ chú Nghĩa nhìn chăm chú Hiểu, cười lắc đầu rồi bỏ đi và Hiểu không biết chú nghĩ gì. Năm 1970, chú Nghĩa xin về làm việc tại Mỹ Tho cho gần nhà.

Khi khóa 5/72 đi chiến dịch vùng 4 năm tháng trước. Hiểu ghé thăm chú Nghĩa, và chú cũng nắm tay Hiểu hỏi, “Sao, có bồ chưa?” Lần này Hiểu gật đầu. Chú cười như chia vui với anh. Chú Nghĩa kéo anh ngồi vào bàn, “Trốn về Sài gòn thăm bồ phải không?” Hiểu gật đầu, thấy chú cầm trên tay bao thuốc lá bèn hỏi, “Chú tìm gì trên bao thuốc vậy?” Chú trả lời ngay, “Chiều ấy phố sầu tình anh nặng.” Nghe chú nói, Hiểu cười biết chú đọc câu nôm na ví von bảy chữ capstan. Một thứ văn hóa chiến tranh, trong đó có nói dối vì chiến cuộc làm người quân nhân lúc nào cũng thấy thấp thỏm, bấp bênh vì tự hỏi quá nhiều. Nếu không còn sự lo âu, có nghĩa người lính ấy sắp giải ngũ và lý do để giải ngũ rất nhiều tuy nhiên lý do nào cũng rất tiêu cực hoặc bi thảm.

Chú Nghĩa cho biết con gái chú đã vào đại học luật khoa Sài gòn. Nhìn Hiểu chăm chú, chú bảo, “Chú luôn muốn giới thiệu con với Ngân, con gái chú nhưng không có cơ hội. Lúc chú ở Pleiku, nó lên thăm chú, con lại vào Sài gòn học. Lúc này có cơ hội như bây giờ thì nó lại lên ở Sài gòn học trường Luật và con lại khoác áo nhà binh.” Im lặng không thấy Hiểu tỏ thái độ gì, chú Nghĩa nói, “Thôi chú cho địa chỉ của Ngân, khi nào về Sài gòn tiện thăm nó. Chú luôn muốn tại Sài gòn con và Ngân làm bạn với nhau.” Chỉ có nói như thế, Hiểu thầm hiểu ước muốn của chú Nghĩa. Nhưng rồi Hiểu cũng tự hỏi ước muốn của mình là gì bây giờ? Văn hóa chiến tranh khiến Hiểu thêu dệt chuyện người yêu, chứ anh thật sự chưa hề có người con gái nào anh cho là người yêu của mình. Hiểu trả lời câu hỏi của chú Nghĩa theo kiểu thay đổi suy nghĩ chứ mãi một kiểu trả lời thật chán. Cũng may là chú Nghĩa không bao giờ hỏi thêm. Và thái độ của chú có gì đó bí hiểm, nhưng lần chiến dịch vừa rồi thăm chú, nghe chú kể con gái tên Ngân vừa đỗ tú tài và lên Sài gòn học, Hiểu dần dần hiểu những gì có trong đầu chú khi hỏi anh từ những năm anh còn học trung học trên cao nguyên.

Hiểu nhìn tờ giấy chú Nghĩa ghi địa chỉ của Ngân ở Đa Kao rồi gấp làm tư cẩn thận bỏ vào bóp. Khi chú hỏi Hiểu bao giờ về Sài gòn, Hiểu bảo vào buổi xế trưa. Trong lúc Hiểu ra sau hè vẫn vơ ngồi nhìn lục bình trôi, chú Hiểu ra khỏi văn phòng đi công việc sau khi nói với anh:

“Buổi trưa ăn cơm, uống với chú chai bia rồi xế chú gửi con cho xe đò quen về Sài gòn.”

Hiểu ngồi hút thuốc, chăm chú nhìn trời mây bao la trên Bắc Mỹ Thuận. Lúc gần lúc xa, sau lưng âm thanh của bến phà ầm ĩ xe cộ người qua lại dần dần nhỏ đi rồi biến mất. Trong đầu Hiểu hiển hiện bầu trời quê nhà thơ ấu, rồi mây trắng trên cao rừng thông xanh ngắt một ngày nắng cao nguyên. Hình ảnh chợt hiện chợt biến như những quãng âm thanh của một bài hát. Êm đềm, khắc khoải, phiền muộn âm ĩ rồi bừng sáng như sau một giấc ngũ. Hiểu nhìn trời mây buổi trưa của một ngày tháng tư trên bắc Mỹ Thuận như đi ngược vào một quãng quá khứ cuộc đời mình. Anh chợt nghe mùi gió nồm của làng cũ ngày còn học tiểu học. Mùi mơ màng trong trẻo bao trùm cái oi nồng mùa hạ và tiếng ve sầu tràn đi trong cơn gió mát luồn theo vạt tre ven sông. Hiểu thẩn thờ thiếp đi cho đến khi chú Nghĩa kéo anh đứng lên vào nhà. “Ăn cơm rồi ngủ một giấc, nếu cần sáng mai hãy về.” Hiểu cười đi theo chú Nghĩa nhưng bên tai như còn nghe tiếng tu hú gọi hè.

Cơm canh của một vùng quê phong phú thóc lúa và tôm cá thật thú vị. Người giúp việc làm một nồi canh chua cá ngát. Cá tươi to béo ngậy, bông so đủa ngọt lành, tôm càng xanh kho gạch đỏ tươi cùng bát cơm gạo nàng hương chợ Đào đầu mùa điển hình bữa ăn miền Tây. Hiểu ăn ngon lành ba chén cơm và uống nửa chai bia lớn cùng chú. Chú Nghĩa chợt hỏi anh:

“Con có dự tính gì hay có biết trước đơn vị sau khi ra trường Thủ Đức hay chưa?”

Hiểu gật đầu nói với chú:

“Con học khóa năm 72 này chỉ là tập huấn quân sự vì con là công chức ở Sài gòn. Hết khóa sẽ trở về nhiệm sở cũ chú ạ!”

“Nghe con nói chú cũng mừng, như thế con đã làm việc trước khi đi lính.”

“Dạ, con đã đi làm hơn sáu tháng mới bị dính vào lệnh tổng động viên lần hai.”

Hiểu cho biết nếu anh không vào công chức sớm có lẽ anh cũng phải đến đơn vị nào đó của bốn vùng chiến thuật sau khi mãn khóa Thủ Đức. Hiểu hứa với chú Nghĩa sau khi chú nhắc lần thứ hai Hiểu có phép về Mỹ Tho ghé nhà chú chơi. Ngồi ngay bàn làm việc của chú, Hiểu lấy điếu capstan đốt chép miệng, “Còn đâu những ngày hút Lucky!” rồi cười. Chú Nghĩa bảo, “Thuốc lá Mỹ bây giờ đắt và hiếm chứ không tràn lan như ngày chú còn làm việc ở Pleiku.” Hiểu gật đầu, “Quân đội Mỹ ra đi bỏ phía sau một khoảng trống, và cái khoảng trống rỗng ấy là sự thiếu thốn rất nhiều thứ cho cả miền Nam chúng ta.” Chú Nghĩa đồng ý thì Hiểu nói tiếp, “Cái thiếu ghê gớm nhất không phải là thuốc lá, rượu bia mà là niềm tin vào cuộc chiến tranh.” Nghe Hiểu nói chú thở dài. Hiến lại đứng lên ra sân sau nhìn trời. Anh chợt thèm nghe tiếng tinh tang của con thuẫn tre vùng kinh Xáng U minh hạ. Mỗi lần ý niệm tiêu cực hiện lên, Hiểu thấy mình cần âm thanh, lời ca, tiếng hát hay một ai đó nói một câu dịu dàng, ân cần. Đó là chút hi vọng của Hiểu. Lúc này thoáng bóng Thủy mơ hồ lẫn âm thanh ngọt ngào của nàng, “Chúng ta nghe nhạc đi anh, mùa mưa năm nay đến sớm!” Tiếng mưa rơi xen trong âm thanh bài nhạc Mùa Thu Trong Mưa tháng tư năm 1969 văng vẵng trong hồn anh. Bốn năm trôi nhanh như ánh chớp.

Đến Sài gòn, Hiểu đi ăn đĩa cơm gà rồi đón xe về nhà trọ trời đà khuya lắm. Trên đường đi không trở ngại, nằm trên divan, Hiểu mới nhận ra mình về thành phố mà không hề có mục đích gì rõ rệt. Nhớ lại buổi trưa ăn cơm với chú Nghĩa ở Giáo Đức, Hiểu buồn cảm giác mọi tình thân trong đời như những sợi khói mây bị ngọn gió thời gian thổi đi tan tác. Anh đốt một điếu thuốc hít thật sâu, thổi khói qua bên kia cửa sổ. Trời oi bức, Hiểu ước ao một cơn mưa. Những hồi ức một mảng bóng tối tuổi thơ quyện trong thương nhớ mơ hồ quãng đời bất hạnh của mình. Hiểu thiếp đi trong nỗi niềm xâu xé ấy và giấy ngủ đến với anh thật mệt nhọc.

Sáng Hiểu thức dậy sớm vì tiếng gọi của chị Lâm xuống nhà uống café. Căn phòng này anh thuê lúc còn đi học. Sau khi Hiểu bị động viên phải đi lính, chị Lâm căn dặn trong suốt thời kỳ quân trường về phép cứ về phòng ngủ vì căn phòng này chị không cho ai thuê, nên Hiểu vẫn còn để sách và một ít tư trang ở đó. Chị Lâm xem Hiểu như em nên anh không nề hà và rất tự nhiên. Ngồi uống café với chị Lâm, Hiểu mới biết Thủy có ghé thăm Hiểu ba tháng trước. Chị nói, “Cô Thủy khi nghe em đi lính mới ngạc nhiên nhưng lại không hỏi chi tiết nên chị không biết cô ta với em quan hệ như thế nào.” Hiểu cười bảo chỉ là bạn học và sau đó lấy xe ra khỏi nhà sau khi bảo với chị đi thăm bạn bè không chắc sẽ trở về nhà sớm.

Hiểu mặc quần áo dân sự. Thấy mái tóc húi cua của mình không ai không nghĩ đến người lính, anh tự nhủ khi nhìn mình trong gương. Căn cước lính là thứ xác định sự tồn tại của cuộc chiến tranh. Không chỉ biểu hiện cụ thể khái niệm vật chất mà còn bàng bạc giá trị văn hóa hủy diệt của nó. Tuy nhiên nó củng cố sự tồn tại của đại đa số con người trên đất nước vì người ta cũng nhờ nó mới nuôi sống bản thân và của cả gia đình. Ôi chiến tranh, Hiểu thở ra rất mạnh như từng đã nuốt nó vào lòng tự bao giờ!

Ghé nhà Trình, Hiểu hi vọng gặp lại người bạn thân duy nhất không phải đi lính và hơn hai năm nay anh không có dịp gặp. Trình đi làm, Hiểu tần ngần trước nhà rồi lấy mảnh địa chỉ ghi của chú Nghĩa ra xem, anh chạy xe xuống Đa Kao tìm nhà trọ của Ngân. Căn nhà hai tầng đóng cửa, người mở cửa là một bà cụ lục tuần tóc bạc phơ. “Ngân đi học rồi. Con chiều hãy ghé vì Ngân lúc ấy nó mới về. Con là bạn của Ngân?” Hiểu lưỡng lự gật đầu, “Bác nói Ngân có Hiểu đến thăm.” Không ai có duyên với mình hôm nay, Hiểu cười thầm về sự thất vọng của mình ở đáy lòng. Anh vẫn quen như thế trong khoảng ba năm nay. Trước ngày vào quân đội và những lần lỡ hẹn với bạn bè. Hiểu dắt xe ra khỏi hàng rào khu nhà Ngân thuê rồi chạy xuống quán café Hân trên đường Đinh tiên Hoàng. Biết đâu sẽ gặp bạn cũ, quán mà anh và Thủy uống café với nhau nhiều lần. Tại đây, Thủy rất thích nghe những bài concerto không tên của Mendessohn và từ đó Hiểu dần dà mê nhạc của ông ta. Lâu rồi không nghe nhạc và không gặp Thủy. Cả hai đi vào quên lãng của chính Hiểu một thời ràng buộc thân quen để yêu như Thủy từng thắc mắc hỏi anh:

“Chúng ta là gì nhỉ, không phải là bạn thì là thứ gì?”

Thủy tránh chữ tình yêu, không biết tại sao nhưng Hiểu đồng ý. Anh từng bảo với Thủy, “Anh không đánh hơi được nỗi nhớ thương.” Thủy im lặng, sau đó gật đầu rất nhẹ mà bốn năm sau, anh cho là cái gật đầu ẩn chứa sự phản đối một thực tại phi lý. Hết sức nghịch lý vì nặng tính thỏa hiệp để chịu đựng.” Tình yêu làm người trong cuộc thành thật với sự dối trá rồi an tâm. Cứ như thế Hiểu và Thủy chạy trốn lẫn nhau mãi miết và không ai khám phá ra điểu gì mới lạ. Đấy là chuyện khá lạ lùng mà suốt nhiều tuần lễ ở mãi U minh hạ, Hiểu tự hỏi và cuối cùng cũng thắc mắc Thủy có giống tâm trạng mình hay không. Anh tự hứa nếu về Sài gòn gặp Thủy để hỏi chuyện này.

Gọi xong ly café, Hiểu ra trước quán mua gói thuốc lá Lucky mà anh thấy bày trên sạp bán thuốc lúc bước vào quán. Bóc lớp giấy kiếng gói Lucky, Hiểu đưa lên mũi ngửi. Mùi nho khô đậm đặc quyến rũ xen mùi café thơm nồng trong cái lạnh cắt da trên cao nguyên thoáng qua trí Hiểu. Anh đốt điếu thuốc thật chậm rãi, vừa lơ đãng nghe những nốt nhạc trầm lắng của bài Hương Xưa. Hít thật sâu rồi nhìn theo khói thuốc quyện trong khe ánh sáng như một dòng hồi ức lạc loài nhưng vô cùng thi vị. Hiểu rùng mình, một ai đó vừa vổ vai anh.

Khanh đưa tay ra bắt, “Mày về lúc nào, đã ra trường hay còn trong khóa.” Khanh hỏi vừa đưa tay sờ mái đầu húi cua của Hiểu. Cả hai ngồi xuống im lặng sau cái vồn vã ồn ào chào hỏi nhau. Hiểu nhìn chung quanh chỉ có hai bàn phía xa có khách. Khanh học cùng năm dự bị văn khoa, sau chuyển sang ban Pháp văn. Tốt nghiệp xong đang đi dạy học ở miền Trung. Rồi bị động viên trước Hiểu, lên Đà Lạt học chiến tranh chính trị đang về phép. Khanh cho biết đang hẹn người bạn gái uống café và bất ngờ gặp Hiểu. Hiểu bảo nói chuyện xong sang bàn khác để không phải gián đoạn tình cảm hẹn hò hai người. Khanh cười, “Không hề chi, tao chả ngại mày lo gì!” Lúc này nhìn mái đầu tóc dài dày của Khanh liền hỏi, “Mày ra trường rồi hay sao?” Khanh lắc đầu:

“Còn ba tháng nữa.”

“Tóc sao dài quá, tao cứ ngỡ mày đã ra đơn vị!”

“Chiến tranh chính trị bản chất như thế, vừa cầm súng vừa làm thơ mà!”

Hiểu cười vừa nhìn ra cửa thấy một cô gái bước vào, thấy Khanh đang đưa tay vẩy bèn bước đến bàn. Thấy Hiểu có vẻ chút ngạc nhiên, Khanh kéo ghế cho cô gái bảo, “Anh Hiểu bạn anh bất ngờ gặp. Lâu lắm không gặp nhau.” Cô gái khá xinh đẹp như hiểu chuyện tự nhiên mỉm cười chào Hiểu. Khanh bảo, “Phương là bạn học văn khoa sau chúng ta ba năm.” Hiểu hiểu, những mối tình đại học. Nhưng anh cũng tự bảo mình không có mối tình đại học nào cả! Thật đáng thương rồi cười nói với Khanh, “Tao chỉ mong có một người bạn gái đại học mà chưa may mắn.” Lúc này Phương cười tỏ vẻ không tin chút nào lời nói của Hiểu. Nhưng Hiểu lại nhớ đến Thủy, bây giờ đang học y khoa, một thứ nghề nghiệp mà khi nghĩ đến anh không thấy chút thích thú. Thủy còn xa vời với hai chữ tình yêu. Tuy nhiên khoảng cách hai người như thật xa trong suy nghĩ nhưng lại hết sức gần trong kỷ niệm. Nghĩ đến nó thật an ủi mỗi khi Hiểu cảm thấy mình lẩn quẩn với nỗi cô đơn. Phương chợt hỏi Khanh, “Anh về chừng nào rồi đi?” Khanh không trả lời trực tiếp mà ôn tồn nói, “Còn lâu mới hết phép, chúng ta còn đi chơi với nhau nhiều ngày em ạ.” Lúc này Hiểu mới thấy mình thừa thãi ở đây. Uống thêm hớp café anh đến quầy tính tiền rồi đưa tay chào Khanh và Phương. Khanh xua tay ra vẻ không đồng ý nhưng Hiểu không cần. Anh muốn rời quán café và bỗng dưng thèm lang thang. Hiểu nhận ra mình cô đơn nhưng lại muốn ôm ngấu nghiến cô đơn vào lòng.

Chạy xe đến nhà thờ Đức Bà, trời chợt đổ mưa. Hiểu tấp xe vào nhà sách Liên Châu. Anh nhảy lên ba bậc thềm tránh mưa. Tiếng mưa rơi ngoài hiên đều đặn êm ả, làm Hiểu nhớ những đêm mưa trên cao nguyên, và những đêm mưa trên nhà Hiền khu Triệu Đà năm cuối thi tú tài hai. Bên kia đường Nguyễn Kim là café Phố Lạng, cái tên thú vị và sát vách nhà Hiền phía đông là nhà của Hướng, một cô gái xinh đẹp, học trường Bái Ái và mỗi tối lên lầu ngồi học bài cạnh cửa sổ trong khi Hiểu cũng đang ngồi làm những bài toán vật lý khó để luyện thi tú tài hai bên này cửa sổ. Anh nhẩm tính đã gần năm năm, rồi nhớ đến chú Nghĩa mới từ giã hôm qua tại bắc Mỹ Thuận. Rồi cậu thanh niên tên Sanh trên cây số 11 U minh hạ giã từ người yêu chiều hôm kia. Tất cả như là giấc mơ. Và những tìm kiếm khỏa lấp khoảng trống vô định của lần về phép không giấy tờ hôm nay.

Hiểu tính ra trời mưa ba nơi: quê nhà thời thơ ấu, cao nguyên thời mới lớn và Sài gòn thời thanh niên. Có hai bản nhạc và một bài thơ của ba thời khắc đời Hiểu lúc bấy giờ: bài Mưa Rơi của Phạm Duy, bài Mưa Sài gòn Mưa Hà Nội của Phạm đình Chương và bài thơ Buồn Đêm Mưa của Huy Cận. Đấy là Nghìn Thu Rớt Hột theo kiểu nói của Bùi Giáng rất hợp với câu “Mưa Rơi từ nghìn xưa, mưa rơi từ nẻo mơ, mưa đem sầu tương tư đến cho ta” trong bài Mưa Rơi. Bên ngoài mưa đã tạnh, một cô gái dắt xe cady ra khỏi mái hiên nhà sách vừa nhìn Hiểu như lạ lùng trong khi anh vẫn còn vấn vương với cơn mưa bất chợt vừa rồi. Nhìn theo bộ váy ngắn trắng tinh và dáng vẻ cô gái tuổi học trò đệ nhất cấp, Hiểu nhớ đến cơn mưa bất chợt trên đường Nguyễn Thiện Thuật khiến anh lúc ấy mười bảy tuối và một cô bé nữ sinh mười lăm tuổi trú mưa dưới mái hiên của tiệm đàn Đức Thắng. Khi Hiểu giúp cô kéo chiếc cady tắt máy lên bậc thềm trú mưa, anh gợi chuyện. Cô bé thật thà cho biết tên cô Paulette Trần Lê Mỹ. Đôi mắt cô to tròn nhìn Hiểu thơ ngây xiết bao và lúc về nhà đêm ấy Hiểu viết, “Sao đắm đuối mắt hồn nhiên tiền kiếp/Mộng thiên đường thơ dại tuổi mười lăm.” Gặp nhau bất chợt, ngắn ngủi như hai câu thơ nhưng tâm hồn lãng mạn làm nó gắn bó với ước mơ. Lúc bấy giờ Hiểu tự bảo, “nếu gặp Lê Mỹ lần nữa chắc chắn là tình yêu.” Vì sao, Hiểu tự hỏi và tự trả lời, “Mình sẽ làm thơ và bài thơ đó không bao giờ chấm dứt. Bài thơ không bao giờ chấm dứt phải là bài thơ tình.” Hiểu kết luận chắc nịch như thế, cho đến ngày hôm nay. Hiểu không gặp lại Lê Mỹ thế nên anh không làm bài thơ nào cho cô, ngược lại bài thơ anh làm cho Thủy chỉ có vỏn vẹn bốn câu và Hiểu không làm thêm được câu nào trong hơn hai năm. Và anh cũng tự hỏi bốn câu thơ đó là một bài thơ đã hoàn tất hay cũng chỉ là một bài thơ dang dở?

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao


________________________________________
(1) Đời Tôi Một Nhánh Sông (trietvan.com) - Thơ Phan Nhật Tân