|
Không giống như những nhà phê bình chủ nghĩa Cộng sản khác, Koestler đánh giá lý thuyết Marxism một cách thấu đáo.
Photograph from Erich Hartmann/Magnum
Vào ngày 1 tháng 12 năm 1934, Sergei Kirov, người đứng đầu Đảng Cộng sản Leningrad, bị bắn chết tại hành lang bên ngoài văn phòng ông ta. Kẻ ám sát là một người thất nghiệp đã bị khai trừ khỏi Đảng, thù hận với cấp lãnh đạo bị bắt ngay tại chỗ, nhưng vụ án vẫn còn nhiều câu hỏi. Làm thế nào mà kẻ giết người có được khẩu súng? Tại sao không có những vệ sĩ bảo vệ Kirov như mọi ngày?
Ngày nay, hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng chính Joseph Stalin đã ra lệnh giết người để loại bỏ một đối thủ tiềm năng. Nhưng cuộc điều tra chính thức đã đưa ra những kết luận hoàn toàn khác. Trong bốn năm tiếp theo, nó lan rộng thành một cuộc âm mưu-săn lùng tuyên bố sẽ vạch trần tội ác gây căm phẫn ở cấp cao nhất chính phủ, quân đội và ngành công nghiệp Nga. Trong một loạt các phiên tòa được công khai trên toàn thế giới, một số nhà lãnh đạo Bolshevik lâu đời và đáng tin cậy nhất, những người đã cùng với Lenin lãnh đạo Cách mạng Nga bị buộc tội là những kẻ phản bội. Được cho là hành động theo lệnh đối thủ của Stalin đang lưu vong là Leon Trotsky, họ đã âm mưu sát hại Stalin, giao lãnh thổ Liên Xô cho Đức Quốc xã và khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Nga. Các phương pháp bị cáo buộc của họ không chỉ bao gồm các vụ ám sát mà còn phá hoại công nghiệp, hay “hủy diệt”—thậm chí là bỏ bột thủy tinh mài vào nguồn cung cấp bơ của quốc gia.
Khi kết thúc phiên tòa xét xử hai nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đảng, Lev Kamenev và Grigory Zinoviev, người đứng đầu công tố nhà nước Andrey Vyshinsky đã tố cáo các bị cáo bằng những luận điệu hoa mỹ kiểu Stalin: “Những con chó điên chủ nghĩa tư bản này đã cố xé xác những người giỏi nhất tốt nhất của đất nước Liên Xô chúng ta. . . . Tôi yêu cầu những con chó phát điên này phải bị bắn - tất cả bọn chúng!” Không bao giờ có bất kỳ nghi ngờ gì về bản án hoặc kết án. Và các nhà lãnh đạo Đảng bị kết án trong cái được gọi là Phiên tòa Moscow chỉ là những nạn nhân nổi bật nhất. Từ 1936 đến 1938, cuộc thanh trừng vĩ đại của Stalin cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của một triệu công dân Liên Xô và đưa hàng triệu người khác đến Gulag.
Vào cuối những năm 1930s, những trí thức phương Tây có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản đã chứng tỏ chính họ có khả năng chấp nhận rất nhiều vụ giết người nhân danh chính nghĩa. Những “bạn đồng hành” như vậy thường biện minh cho tội ác của chủ nghĩa Stalin là cái giá phải trả để xây dựng một tương lai xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nó trước một thế giới tư bản thù địch. Walter Duranty, phóng viên của tờ Times tại Moscow, đã bào chữa cho ba triệu người chết vì đói do nỗ lực tập thể hóa nền nông nghiệp của Liên Xô viết rằng, “nói một cách tàn nhẫn - bạn không thể làm món trứng tráng mà không đập trứng.”
Tuy nhiên, các Phiên tòa Mát-xcơ-va lại đưa ra một loại thách thức khác đối với đức tin Cộng sản. Giải phóng sức mạnh của nhà nước để chống lại kulak, những nông dân giàu có là những nhân vật ác độc chủ chốt trong thần thoại Xô Viết. Nhưng làm thế nào mà những người Bolshevik Cũ, những người cho đến ngày hôm kia là những người lãnh đạo Liên Xô lại là những kẻ phản cách mạng bí mật? Mặt khác, nếu các cáo buộc là sai, tại sao các bị cáo nhận tội? Zinoviev, người từng là thành viên của Bộ Chính trị đầu tiên vào năm 1917, và là người đứng đầu Comintern nói, "Chủ nghĩa Bôn-sê-vích khiếm khuyết của tôi đã chuyển thành chủ nghĩa chống Bôn-sê-vích, và thông qua Chủ nghĩa Trotsky, tôi đến với Chủ nghĩa Phát xít." Kamenev kết thúc tuyên bố của mình bằng cách nói với các con của mình: “Cho dù bản án của cha sẽ như thế nào, cha vẫn coi đó là đúng đắn. Đừng nhìn lại. Hãy cùng nhân dân Liên Xô tiến lên, đi theo Stalin”.
Có phải những người như vậy chỉ đơn giản là đầu hàng trước cuộc thẩm vấn kéo dài—cái gọi là “chuyển tải”, theo đó các tù nhân bị một nhóm đặc vụ làm việc theo ca thẩm vấn trong nhiều ngày liên tục—hay bị tra tấn thẳng tay? Có phải họ đang cố gắng bảo vệ vợ con của họ, những người thực sự là con tin trong tay Stalin? Hay họ cảm thấy rằng, theo một cách mơ hồ nào đó, họ đáng bị trừng phạt vì những tội ác mà họ không phạm phải? Đây là một vấn đề đối với một nhà tâm lý học - hay đúng hơn là đối với một tiểu thuyết gia, một người hiểu chủ nghĩa Cộng sản từ bên trong và biết thế nào là một tù nhân chính trị.
Tiểu thuyết gia đó là Arthur Koestler, và cuốn sách Những Phiên Tòa Mátxcơva đã truyền cảm hứng cho ông viết là “Bóng tối giữa trưa”, cuốn sách đã trở thành một trong những tiểu thuyết chính trị quan trọng nhất của thế kỷ XX. Kể câu chuyện về một người Bolshevik kỳ cựu đang chờ xét xử vì tội phản quốc, cuốn sách lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 12 năm 1940, chỉ hai năm sau những sự kiện mà nó gây ra, và đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới. Tại Mỹ, nó là cuốn sách bán chạy nhất và là cuốn sách được Câu lạc bộ Sách lựa chọn làm Sách-Trong-Tháng, và nhanh chóng được chuyển thể thành một vở kịch trên sân khấu Broadway. Khi xuất hiện ở Pháp(2) vào mùa xuân năm 1945, nó đã bán được nửa triệu bản. Một số nhà quan sát cho rằng “Darkness at Noon” đã làm nghiêng cán cân chống lại phe Cộng sản trong cuộc bầu cử tại Pháp năm 1946.
Giờ đây, Scribner đã xuất bản một bản dịch mới cuốn sách của Philip Boehm, dựa trên bản thảo gốc bằng tiếng Đức, được phát hiện trong kho lưu trữ của Thụy Sĩ vào năm 2015 sau khi thất lạc 75 năm. Câu chuyện về việc nó đã biến mất như thế nào ngay từ đầu mang đến một cảm giác sống động về thế giới biến động mà từ đó cuốn tiểu thuyết xuất hiện. Koestler bắt đầu viết “Bóng tối giữa trưa” – với tựa gốc là “Vòng luẩn quẩn” – vào đầu năm 1939, tại Pháp, nơi ông đã sống như một người tị nạn không tổ quốc kể từ khi Hitler lên nắm quyền ở Đức sáu năm trước. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, vào tháng 9 năm đó, chính phủ Pháp đã tận dụng cơ hội để truy quét những người nhập cư như vậy, đặc biệt là những người như Koestler có liên hệ với Đảng Cộng sản, và tống họ vào các trại tập trung.
Từ tháng 10 năm 1939 đến tháng 1 năm 1940, Koestler phải từ bỏ công việc viết tiểu thuyết khi đang là tù nhân tại một trại ở tây nam nước Pháp. Khi được trả tự do, sau khi được một số người bạn văn học và chính trị có uy tín giúp đỡ, ông quay trở lại Paris và nhanh chóng hoàn tất cuốn sách. Khi Koestler làm việc, cô bạn gái người Anh của ông, Daphne Hardy, ngồi cùng phòng tạo ra một bản dịch tiếng Anh, và vào đầu tháng 5 cả hai bản thảo đều được gửi đi, bản tiếng Anh cho một nhà xuất bản ở London, và bản tiếng Đức cho một nhà xuất bản ở nước Thụy Sĩ trung lập.
Mười ngày sau, quân Đức xâm lược Pháp và nhanh chóng chiếm đóng đất nước này. Koestler, một người Do Thái, một người Cộng sản và một người tị nạn biết rằng nếu rơi vào tay Đức Quốc xã, ông ta chắc chắn sẽ bị giết, nên ông và Hardy bắt đầu lao vào một cuộc hành trình táo bạo tới khu vực phía nam chưa bị chiếm đóng của đất nước, tách rời nhau con đường đi. Hardy, công dân Anh đã trở lại London khá dễ dàng, nhưng Koestler trải qua một cuộc phiêu lưu kéo dài hàng tháng, trong thời gian đó ông ta gia nhập và rồi rời bỏ đạo quân Lê Dương của Pháp, hai lần định tự tử (một lần bằng morphine, một lần bằng cyanide, thật kỳ diệu cả hai đều không thành công), và cuối cùng trốn qua Ma-rốc và Bồ Đào Nha, đến Anh ông bị bắt ngay lập tức một lần nữa.
Trong khi ông quá cảnh, Hardy đã trao đổi thư từ với nhà xuất bản ở London, mặc dù có một số e ngại nhà xuất bản này đã chấp nhận in cuốn tiểu thuyết. Khi nhà xuất bản phản đối tiêu đề ban đầu của Koestler, chính Hardy, người không thể liên lạc với Koestler, đã quyết định gọi nó là “Bóng tối giữa trưa”. Cụm từ này ám chỉ đến Job 5:14: “Họ gặp bóng tối vào ban ngày, và rờ rẫm giữa trưa cũng như trong đêm”(3) một mô tả về cả những câu hỏi khó khăn về đạo đức mà nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết phải đối mặt và hoàn cảnh tuyệt vọng của chính Koestler. Trong khi đó, bản thảo tiếng Đức được cho là đã bị thất lạc trong chiến tranh hỗn loạn, và vì vậy bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết trên thực tế đã trở thành bản gốc, từ đó tất cả các bản dịch tiếp theo được thực hiện, bao gồm cả một bản dịch trở lại tiếng Đức. Ấn bản mới là ấn bản đầu tiên quay trở lại văn bản tiếng Đức của Koestler, và nhằm mục đích thay thế ấn bản của Hardy, vốn là công việc vội vàng của một dịch giả thiếu kinh nghiệm, mặc dù rõ ràng nó đủ tốt để đảm bảo tiếng vang thế giới của cuốn tiểu thuyết.
“Darkness at Noon” mới này xuất hiện ở một thế giới rất khác so với thế giới chào đón bản gốc và một điểm khác biệt quan trọng liên quan đến danh tiếng của Koestler. Năm 1940, ông ba mươi lăm tuổi và ít được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh. Ông đã từng là một nhà báo thành công ở Berlin và là một nhà hoạt động của Đảng Cộng sản ở Paris, nhưng “Bóng tối giữa trưa” là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của ông. Nó đã biến ông từ một người tị nạn không xu dính túi thành một người đàn ông giàu có và nổi tiếng, đồng thời cũng là cuốn sách hay nhất mà ông từng viết. Tiếp theo đó, vào những năm 40, một cuốn sách quan trọng gồm các bài tiểu luận, “The Yogi and the Commissar,” và một số tiểu thuyết kích thích tư duy nhưng ít hệ quả hơn về chính trị và tư tưởng, bao gồm “Arrival and Departure” liên hệ đến chủ nghĩa Freud, và “Thieves in the Night,” kể về những người định cư Do Thái ở Palestine.
Nhưng sau đó, danh tiếng của Koestler suy sụp khá nhanh, khi ông chuyển từ tiểu thuyết hư cấu sang các tác phẩm khoa học bình dân khiến các nhà khoa học hiện tại coi thường khinh rẻ, đặc biệt là khi ông bắt đầu chấp nhận E.S.P. và các hiện tượng huyền bí khác. Vào thời điểm Koestler qua đời, vào năm 1983 trong một vụ tự tử kép với vợ ông, Cynthia, sau khi ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối, Koestler dường như đã thuộc về lịch sử. Và vụ việc suy sụp tai tiếng đã trở thành một cú lao dốc không thể phục hồi sau khi Michael Scammell và David Cesarani xuất bản tiểu sử của ông, trong hai thập kỷ qua cho thấy Koestler là một con quái vật tự cao tự đại với hình mẫu trường kỳ lạm dụng tình cảm và thể xác phụ nữ. Ít nhất một phụ nữ cáo buộc Koestler hiếp dâm, nhưng nhiều người khác mô tả hành vi mà ngày nay chắc chắn sẽ bị xếp vào hành vi lạm dụng tình dục. Simone de Beauvoir kể rằng ông ta liên tục “đẩy và đẩy” cô ngủ với ông ta cho đến khi cô phải chịu thua: “Tôi thực sự ghê tởm ông ta, đồ ngu xuẩn kiêu ngạo”.
Nếu tiểu sử của Koestler dựng lên một chướng ngại đối với sự tiếp nhận ông, thì môi trường chính trị thay đổi lại đặt ra một rào cản khác. Thời hoàng kim của Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô đã phục vụ nhiều người trên khắp thế giới như một tôn giáo thế tục. Ngày nay, mặc dù các ý tưởng của chủ nghĩa Mác và nhãn hiệu “xã hội chủ nghĩa” đang trỗi dậy ở cánh tả, nhưng ảnh hưởng to lớn từng gây ra bởi Chủ nghĩa Cộng sản giờ đây dường như là một hiện tượng xa vời. Đối với những người ủng hộ nó, Chủ nghĩa Cộng sản không chỉ là một đặc điểm nhận dạng đảng phái mà còn là một lý thuyết hoàn chỉnh về cuộc sống và lịch sử, thứ quy định cả đạo đức cá nhân và chính trị. Và chính sự xung đột giữa đạo đức đó và bản năng đạo đức thông thường—lên án những thứ như nói dối và giết người, mà Đảng thường yêu cầu, đã tạo nên trọng tâm kịch tính của “Bóng tối giữa trưa”. Cuốn tiểu thuyết nhắc nhở chúng ta về một thời mà văn học được cho là thứ chính trị khẩn cấp, khi nhà phê bình Lionel Trilling có thể nói về “giao thoa đen tối và đẫm máu nơi văn học và chính trị gặp nhau”. Điều này đã mang lại cho Koestler, giống như những người cùng thời với ông như Jean-Paul Sartre, George Orwell và Albert Camus, một thứ uy quyền mà ngày nay không tiểu thuyết gia nào đạt được.
“Darkness at Noon” chắc chắn đã có niên đại, theo nghĩa là cần có nỗ lực tưởng tượng để hiểu được thời điểm và địa điểm của nó. Nhưng chủ đề trung tâm có lẽ sẽ luôn có vẻ hợp thời, bởi vì mọi đức tin chính trị cuối cùng phải đối mặt với câu hỏi liệu những mục đích cao cả có thể biện minh cho những phương tiện xấu xa hay không. Như Koestler đã thấy, vấn đề này đã đạt đến hình thức thuần túy trong Chủ nghĩa Cộng sản bởi vì mục tiêu được công khai của nó là mục tiêu cao cả nhất: xóa bỏ vĩnh viễn bất công xã hội trên toàn thế giới. Nếu điều này có thể đạt được, cái giá nào sẽ là quá cao? Có thể một triệu hoặc mười triệu người sẽ chết hôm nay, nhưng nếu hàng tỷ người sẽ hạnh phúc vào ngày mai thì điều đó có đáng không? Nhà cách mạng Cộng sản Koestler viết, “mãi mãi bị nguyền rủa khi làm điều mà ông ta ghê tởm nhất: trở thành đồ tể để dập tắt nạn tàn sát, hi sinh cừu để cừu không còn bị hi sinh nữa.”
Nhân vật chính của Koestler, Nikolai Salmanovich Rubashov, là một trong những người bán thịt chính trực như vậy, giờ đang phải đối mặt với cái thớt. Nhân vật mà Rubashov đặc biệt gợi lên là Nikolai Bukharin, một lý thuyết gia kỳ cựu của cuộc cách mạng, người nổi tiếng nhất trong số các bị cáo trong Phiên tòa Moscow. Giống như tất cả các bị cáo khác, Bukharin cuối cùng đã nhận tội và ấn bản mới của “Bóng tối giữa trưa” tái lập một cách hữu ích bài phát biểu mà ông ta đã đưa ra tại phiên tòa xét xử mình. Ông nói: “Tôi thấy mình phải chịu trách nhiệm về một tội ác nghiêm trọng và ghê tởm chống lại tổ quốc xã hội chủ nghĩa và toàn thể giai cấp vô sản quốc tế.
Tuy nhiên, có sự mơ hồ trong việc “coi mình là người chịu trách nhiệm”, vì Bukharin khẳng định rằng ông ta không biết về bất kỳ âm mưu phá hoại và ám sát cụ thể nào mà ông ta đã bị buộc tội. Tội ác của ông, dường như ông đang nói, không phải là thực tế mà là tinh thần, thậm chí là siêu hình. Có lẽ ông ta nhận tội chỉ vì ông biết rằng đó là sự phục vụ cuối cùng ông có thể cống hiến cho Đảng ông đã phục vụ bấy lâu nay. Bukharin nói trong phòng xử án: “Vì khi bạn tự hỏi: 'Nếu bạn phải chết, bạn chết vì điều gì?', thì một khoảng trống hoàn toàn đen kịt đột nhiên hiện ra trước mắt bạn với sự sống động đáng kinh ngạc.” "Không có gì để chết, nếu một người muốn chết mà không ăn năn.” Sự ăn năn, ngay cả sự ăn năn dối trá, có thể mang lại giá trị tuyên truyền cho cái chết vô nghĩa.
Trong “Bóng tối giữa trưa”, Koestler đưa vào một phiên bản của những từ này trong bài phát biểu của Rubashov tại phiên tòa xét xử ông ta. Nhưng mặc dù Rubashov chết với tư cách là một đảng viên trung thành của Đảng, nhưng đến cuối cuốn sách, ông đã không còn tin chắc rằng những điều ông đã làm khi phục vụ Đảng là chính đáng. Thật vậy, Koestler gợi ý rằng các bị cáo ở Moscow có thể đã nhận tội như một hình thức chuộc tội bí mật cho những tội ác mà họ thực sự đã phạm phải theo lệnh của Đảng. Koestler viết: “Tất cả bọn họ đều có tội, chỉ là không phải những hành động cụ thể mà họ đã thú nhận.”
Phần lớn sức mạnh của cuốn sách đến từ tính tức thời của báo chí và tính xác thực của các chi tiết. Ví dụ, những người cai ngục của Rubashov làm cho ông ta lo lắng bằng cách dẫn một tù nhân là bạn của ông đi ngang qua phòng giam ông trên đường đi hành quyết; Robert Conquest, trong cuốn lịch sử đột phá “The Great Terror” (1968), đã xác nhận rằng đây là một tiêu chuẩn kỹ thuật trong các nhà tù Liên Xô. Koestler giải thích mật mã mà các tù nhân chính trị đã phát triển để thực hiện các cuộc trò chuyện bằng cách gõ vào tường phòng giam của họ. Và ông biết rằng cách phổ biến nhất để hành quyết tù nhân là bắn vào sau đầu họ khi họ không ngờ tới, đó là cách Rubashov chết ở những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết.
Nhưng cốt truyện thực sự của “Darkness at Noon” gần như hoàn toàn là nội bộ. Nó nằm ở chỗ Rubashov ngày càng nhận ra tội lỗi của mình và mất niềm tin vào công lý không thể sai lầm của chủ nghĩa cộng sản. Đầu cuốn sách, một đoạn hồi tưởng cho thấy Rubashov đang thực hiện một nhiệm vụ ở Đức Quốc xã vào năm 1933, ngay sau khi Hitler lên nắm quyền và cấm Đảng Cộng sản. Trong một cảnh như phim kinh dị, Rubashov tình cờ gặp một người Cộng sản Đức tên là Richard, người này bày tỏ sự đau buồn của mình với người đại diện cho tổ quốc xã hội chủ nghĩa này: đồng chí của anh ta đã bị sát hại, anh ta đang lẩn trốn, và anh ta đang mất niềm tin vào chính nghĩa. Thay vì thông cảm với anh ta hoặc hứa giúp đỡ, Rubashov nói với Richard rằng anh ta sẽ bị khai trừ khỏi Đảng vì anh ta dám phân phát những cuốn sách nhỏ, trong khi ông ta lạnh lùng nói, “chứa những từ ngữ mà đảng coi như không thể chấp nhận được về mặt chính trị”. Đến cuối cảnh, rõ ràng là Richard đã bị đánh dấu cho cái chết của mình.
“Đảng không thể sai,” Rubashov nói. “Bạn và tôi có thể phạm sai lầm, nhưng đảng thì không.” Bất cứ ai không đồng ý với mệnh lệnh của Đảng là đi sai hướng của lịch sử, và do đó đáng bị loại bỏ. Koestler gợi ý rằng các Phiên Tòa Moscow chỉ là ví dụ mới nhất về xu hướng tự ăn thịt đồng loại đã có ngay từ đầu.
Không phải ngẫu nhiên, sử dụng một cụm từ được các nhà văn Cộng sản thời bấy giờ ưa thích mà Koestler nhận thấy cách Đảng đối xử với các đồng chí nước ngoài là ví dụ rõ ràng nhất về sự bất công của nó, vì ông đã dành phần lớn thời gian của những năm ba mươi với tư cách là một trong những đồng chí đó. Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hungary vào năm 1905, Koestler đã sống với nhiều cuộc sống lý tưởng và nghề nghiệp trước khi gia nhập Đảng vào năm 1931. Khi còn là một thiếu niên, ông là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã chuyển đến Palestine để làm việc trong một khu định cư nông nghiệp. Nhanh chóng ông nhận ra cuộc sống khắc khổ này không dành cho mình, Koestler biến mình thành một nhà báo, làm việc như một người viết báo cho các tờ báo Đức. Sau hai năm, ông trở lại châu Âu, và đến cuối những năm hai mươi, ông đã có một sự nghiệp thành công sớm ở Berlin, làm biên tập viên và nhà văn cho một trong những tờ nhật báo tự do lớn nhất của Đức.
Trong bài tiểu luận mà ông đã đóng góp cho “The God That Failed” (1949), một tuyển tập gồm sáu hồi ký của các nhà văn từng là Cộng sản, Koestler đã nhớ lại những điều kiện ở Weimar Đức đã biến ông thành một người Cộng sản như thế nào. Ông viết: “Nước Đức sống trong tình trạng tiềm ẩn nội chiến, và nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng để bị cuốn theo như một nạn nhân thụ động bởi cơn bão đang đến gần thì bắt buộc phải đứng về phía nào. Nếu tương lai là cuộc đấu tranh giữa Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản, thì Chủ nghĩa Cộng sản là lựa chọn khả thi duy nhất. Nhưng Koestler nhấn mạnh rằng ông không trở thành một người Cộng sản “bởi một quá trình loại trừ.” Thay vào đó, ông so sánh trải nghiệm này với một cuộc chuyển đổi tôn giáo. Ông viết: “Toàn bộ vũ trụ rơi vào khuôn mẫu giống như những mảnh ghép đi lạc trong trò chơi ghép hình. "Bây giờ có một câu trả lời cho mọi câu hỏi."
Trong bảy năm tiếp theo, chủ nghĩa cộng sản là trung tâm cuộc sống và công việc của Koestler. “Tôi đã phục vụ Đảng Cộng sản trong bảy năm — cùng khoảng thời gian Jacob chăn cừu của Laban để giành được Rachel, con gái của ông ấy,” ông viết trong “The God That Failed”. (Câu chuyện trong Kinh thánh, vào cuối thời điểm đó, Jacob phát hiện ra rằng mình đã bị lừa và cưới nhầm cô dâu.) Năm 1932, sau khi mất công việc được trả lương cao bởi vì, ông tuyên bố, những người chủ của ông biết ông đã tham gia Đảng, Koestler đã hành hương đến Liên Xô, nơi ông đã dành mười tám tháng đi khắp nơi để viết một cuốn sách tuyên truyền ca ngợi thử nghiệm của Liên Xô. Vào thời điểm rời Nga, năm 1933, Hitler đã nắm quyền và ông ta không thể quay lại Đức. Thay vào đó, ông đến Pháp, nơi ông làm việc cho một loạt ấn phẩm và cơ sở do Đảng tài trợ cho đến năm 1938.
Trong suốt thời kỳ này, Koestler sau đã viết, ông nhận thức rõ về hố sâu cách biệt giữa lý tưởng Cộng sản và thực tế mà chúng tạo ra. Ông đã chứng kiến những nạn nhân của nạn đói ở Ukraine, và ông đã đồng tình với sự áp đặt đường lối chính thức một cách tàn nhẫn của Đảng. Nhưng ông vẫn cảm thấy rằng cách duy nhất để cải thiện Đảng là từ bên trong. Thật vậy, ông sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình vì điều đó: năm 1937, Koestler đến đưa tin về Nội chiến Tây Ban Nha cho tờ News Chronicle, một nhật báo của Anh, biết rằng nếu ông bị những người theo chủ nghĩa Quốc gia của Franco bắt giữ thì mạng sống của ông sẽ gặp nguy hiểm. Vào tháng 2, ông bị bắt tại thành phố Málaga, khi nó rơi vào tay lực lượng của Franco, và bị bắt làm tù binh. Trong ba tháng tiếp theo, ông sống trong phòng giam không khác gì phòng giam của Rubashov, khi các bạn tù của ông bị hành quyết và ông chờ đến lượt mình. Tuy nhiên, vì ông đã được giao nhiệm vụ cho một tờ báo tiếng Anh, chính phủ và báo chí Anh đã quan tâm. Sự chú ý của công chúng đồng nghĩa với việc Koestler được tha; cuối cùng, ông ta được trả tự do như một phần của cuộc trao đổi tù nhân.
Kinh nghiệm này, mà Koestler đã viết trong cuốn hồi ký “Đối thoại với cái chết,” có thể đã củng cố niềm tin Cộng sản của ông —xét cho cùng, ông đã bị cầm tù với tư cách là một rojo, một Hồng quân. Thay vào đó, việc ông bị cầm tù đã đánh thức một ý thức mới về sự quý giá của tự do. “Thật kỳ lạ,” ông viết, “tôi cảm thấy chưa bao giờ mình được tự do như lúc đó.” Đây là một kiểu tự do theo chủ nghĩa hiện sinh, lạnh lùng và rõ ràng, sở hữu cuối cùng của một người không còn gì để mất.
Sau khi được trả tự do, Koestler nhận thấy không thể rút lui vào tính chính thống trí thức của đời sống Đảng. Các sự kiện ở Nga - kể cả tin ba người bạn thân nhất của ông đã bị bắt trong cuộc thanh trừng của Stalin - càng khẳng định sự vỡ mộng của ông. Năm 1938, năm ông từ chức khỏi Đảng, Koestler đã có một bài phát biểu trước cử tọa gồm các trí thức tị nạn ở Paris, trong đó ông khẳng định rằng “một sự thật có hại còn hơn một lời nói dối hữu ích,” và rằng “không có phong trào, đảng phái hay cá nhân nào có thể yêu cầu đặc quyền không thể sai lầm. Ông nhớ lại, những thính giả của ông đã chia rẽ trong phản ứng của họ: “Một nửa số khán giả không phải Cộng sản vỗ tay, một nửa Cộng sản ngồi trong im lặng nặng nề, hầu hết đều khoanh tay.”
“Bóng tối giữa trưa” mà Koestler bắt đầu viết vào năm sau, ở miền Nam nước Pháp, là nỗ lực của ông nhằm giải quyết những lý do tri thức và tình cảm để đoạn tuyệt với Đảng. Rubashov là một người Cộng sản tốt hơn Koestler, và niềm tin thuần khiết của Rubashov cho phép cuốn tiểu thuyết phơi bày những mâu thuẫn của nó. Làm thế nào mà Chủ nghĩa Cộng sản, với ước mơ về một xã hội hoàn toàn công bằng, lại dẫn đến Chủ nghĩa Stalin, với sự hoang tưởng, đàn áp, bất tài và tàn ác của nó? “Các nguyên tắc của chúng ta đều đúng, nhưng kết quả của chúng ta đều sai,” Rubashov trầm ngâm. “Chúng tôi mang đến cho bạn sự thật, và từ miệng chúng tôi nghe như một lời nói dối.”
Tính toán của Koestler với Chủ nghĩa Cộng sản rất khác với tầm nhìn của Orwell trong “1984,” được xuất bản chín năm sau. Trong tác phẩm đề cập đến sự đảo lộn xã hội vì áp bức và bất công của Orwell, “Ingsoc”, chủ nghĩa xã hội Anh, thực sự không phải là ý thức hệ, chỉ là một chuỗi những lời dối trá và một công cụ để thôi miên quần chúng. O'Brien nhà lãnh đạo Đảng đã nói một câu nổi tiếng với Winston Smith, sau khi anh ta bị bắt, rằng cốt lõi sự hấp dẫn của nó là sự bạo dâm thuần túy, khoái cảm khi thực thi toàn bộ quyền lực đối với người khác: “Nếu bạn muốn có một bức tranh về tương lai, hãy tưởng tượng một đôi ủng đang giẫm đạp trên khuôn mặt con người, mãi mãi.” Chủ nghĩa Stalin, đối với Orwell, đã tô điểm cho sự tôn thờ quyền lực này bằng rất nhiều học thuyết vô nghĩa mà mọi người học cách lặp đi lặp lại mà không cần suy nghĩ về nó, cái mà cuốn tiểu thuyết gọi là "vịt nói” (duckspeak).
Nói cách khác, cuốn sách của Orwell tương đối thờ ơ với nội dung trí thức của Chủ nghĩa Cộng sản, điều này có thể giải thích tại sao nó ngày nay phổ biến hơn cuốn sách của Koestler. Koestler rất coi trọng phép biện chứng. Marx tuyên bố đã chỉ ra rằng lịch sử là một quá trình xung đột liên tục tiến tới sự cứu chuộc cuối cùng, khi giai cấp vô sản cởi bỏ xiềng xích của mình và sự bóc lột con người sẽ biến mất. Đối với Koestler, chính niềm tin vào tính tất yếu lịch sử của kết quả này đã cho phép những người Bolshevik hành động một cách tàn nhẫn như vậy: những hành động mà đạo đức thông thường cho là sai sẽ được chứng minh là đúng và cần thiết một khi xã hội không có giai cấp được thành lập. Rubashov nói: “Cuối cùng, bất cứ ai chứng minh được mình đúng trước hết phải làm sai. Nhưng, khi ngồi trong phòng giam của mình, ông ta nhận ra sự bao la của canh bạc đạo đức này; vì nếu cách mạng thất bại, xã hội công bằng không ra đời, thì tội ác của bọn cách mạng vẫn chỉ có vậy. Rubashov nói: “Chỉ theo thực tế là chúng ta biết ai là người đúng ngay từ đầu. “Trong khi chờ đợi, chúng ta hành động dựa trên uy tín, với hy vọng được lịch sử tha thứ.”
Việc trì hoãn trách nhiệm về hành động của mình cho một tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như lịch sử, là điều mà Sartre, trong các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện sinh của ông vào thời đó, đã định nghĩa là “ác tín” (bad faith). Và sự thức tỉnh của Rubashov, giống như của Koestler trong xà lim ở Tây Ban Nha, là một dạng khủng hoảng hiện sinh - một sự nhận thức bất ngờ về sự cần thiết của phán đoán cá nhân. Koestler viết, Đảng Cộng sản có “xu hướng e ngại sử dụng ngôi thứ nhất số ít,” vì nó tính đến quần chúng chứ không phải cá nhân. Đối với Đảng, cái “tôi” không gì khác hơn là “sự hư cấu ngữ pháp”, một ảo tưởng cần phải vượt qua để đạt được công lý cho số đông.
Nhưng kinh nghiệm trong tù của Rubashov đã thuyết phục ông ta rằng cái “tôi,” mặc dù rất mong manh, nhưng lại có giá trị vô tận, bởi vì nó là căn nguyên và nền tảng tối hậu của đạo đức. Đối với Đảng, sự kiện cái “tôi” tham dự vào vô tận là điều khiến nó trở nên vô dụng đối với các mục đích logic: “Vô tận là một số lượng đáng ngờ về mặt chính trị,” Koestler viết. Nhưng nếu bạn loại bỏ chiều kích phi lý từ sự tồn tại của con người, gọi nó là tính chủ quan, hay theo thuật ngữ tôn giáo là linh hồn thì hóa ra bạn không còn có thể hiểu được con người sẽ cảm thấy và hành động như thế nào nữa. Như Rubashov nhận thấy, đối với chủ nghĩa cộng sản, đã có một “sai lầm trong tính toán, phương trình không tăng thêm được.”
Nếu Liên Xô, như những người bảo vệ nó thường nói, là một thí nghiệm thì đối với Koestler đó là một thí nghiệm sai lầm, trong đó “những người làm thí nghiệm đã lột da sống người thử nghiệm và để anh ta đối mặt với lịch sử cùng với mô, cơ và gân lộ ra ngoài.” Chính sự thất bại lâu dài của Rubashov trong việc hiểu ra sự thật này, chứ không phải những tội ác bị cáo buộc chống lại nhà nước của ông ta, cuối cùng đã khiến ông ta phải ôm lấy tội lỗi của mình:
Tại sao công tố viên không hỏi: “Bị cáo Rubashov, còn vô tận thì sao?” Anh sẽ không biết phải trả lời như thế nào, và ở đây, ngay tại đây là nguồn gốc tội lỗi thực sự của anh. Có thể còn bất kỳ thứ nào lớn hơn?
Về thực chất, “Bóng tối giữa trưa” xem chủ nghĩa Stalin như một vấn đề triết học. Nhưng nó là cái gì? Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết các tội phạm dưới danh nghĩa của nó đều xuất phát từ những động cơ bình thường hơn, như tham lam, sợ hãi và thù hận, giống như các bị cáo của Phiên tòa ở Mátxcơva thú nhận phần lớn là do kinh hoàng và kiệt sức hơn là ăn năn sám hối đối với tội lỗi tồn tại. Tuy nhiên, Koestler thấy rằng, trong thế giới hiện đại, cần có sự tàn nhẫn của một ý tưởng để biến sự tàn ác bình thường của con người thành một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Chính sự không tin tưởng vào sức mạnh chuyên chế của lý trí, ngay cả khi nó tự coi mình là công bình và nhân đạo nhất, đã khiến “Bóng tối giữa trưa” trở thành một cuốn sách lật đổ cho đến ngày nay. Những người tự coi mình là người đã giác ngộ vẫn khó chấp nhận kết luận khó thắng của Rubashov: “Có lẽ suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện không phải là một việc làm lành mạnh.”
Adam Kirsch là nhà thơ, nhà phê bình, và tác giả quyển sách mới xuất bản gần đây “Who Wants to Be a Jewish Writer?”
|
|