|
Mùa thu về lãng đãng ở vùng đất ven biển này bằng những đợt heo may mỗi chiều trên cánh đồng ven sông. Gió nhẹ lắm, chỉ đủ sức lay động những chiếc lá lúa ẻo lã dưới chân hay cành dương liễu trên đầu Nam. Anh cảm nhận từng đợt gió nhẹ mát gây gây và mỏng manh như tơ trời trên cao kia, hay cảm nhận niềm hạnh phúc trở lại trong bao mất mát của đời mình. Hạnh phúc của anh chỉ là sự bắt gặp bất chợt một hình ảnh quen thuộc trên dòng hồi tưởng, như tiếng xe thổ mộ lóc cóc chở người từ huyện về làng mỗi chiều trên con đường đất sau lưng anh gợi nhớ những ngày hè nơi quê cũ. Mùi cá tanh phảng phất chen lẫn mùi đồng nội là đặc điểm của vùng đất anh tạm sống ba năm qua. Mỗi chiều, người dân làng theo xe ngựa lên chợ huyện để mua tôm cá phân phối và thường về đến đầu làng thì trời bắt đầu sẫm tối. Nam đi dọc đường mòn về phía bãi ngô cuối hai mẫu ruộng của ông Bá. Đầu chân ruộng là chiếc chòi xiêu vẹo, mái lợp tranh, vách che bằng tấm cót thưa chân mục rách vì ẩm ướt. Tấm cót chỉ che đủ hai mặt, hai mặt còn lại trống hoác. Giữa chòi là chiếc chõng tre nữa thấp, nữa cao có lẽ do phía ngoài chịu sức ngồi của nhiều người hơn là bên trong.
Nam nhìn đồng hồ, còn sớm chán. Giờ này hẳn Huệ còn phải dọn cho xong bữa cơm chiều, rồi phải rửa chén bát xong mới ra đây với anh được. Anh bước đến tựa người vào gốc dương nhìn bâng quơ xuống phía bờ sông. Nắng chiều vàng lấp loáng, óng ánh trên mặt nước trong xanh. Một chiếc ghe nhỏ đang đi về phía cửa sông. Nam chợt nhớ đến quê hương anh, nơi ấy quang cảnh không khác gì mấy. Dòng sông quê anh đục ngầu phù sa và bãi ngô hai bên bờ lúc nào cũng xanh tốt chứ không còi cọc như ở xứ này. Anh nghĩ, có lẽ phù sa đã nuôi sống làng anh những năm mà chiến tranh đã không từ bỏ một nơi nào trong việc hủy hoại toàn bộ những gì có trên mặt đất. Năm anh bắt đầu vào lớp sáu, làng anh gà chó cũng không còn, trâu bò đã chết từ những trận mưa bom đạn đầu tiên. Bấy giờ chỉ có khoai, ngô từ vạt ruộng phù sa ven sông, vùng đất xám xịt ấy màu mỡ như một phép lạ. Hạt ngô vãi, hom khoai vùi xuống tuần lễ sau đã trãi một màu xanh. Ngô khoai ngắn ngày cung cấp đủ cho dân làng bữa rau bữa cháo chờ đợi ngày hòa bình. Trong khi đó, những làng trong chân núi, người chết đói không kịp đem chôn và trên cánh đồng khô cằn nứt nẻ là những nấm mồ tập thể. Nam tưởng dường như mình còn thấy bóng ma quá khứ chập chờn trước mắt mình. Anh giật mình, hòa bình đã trở về từ lâu kia mà.
“Anh nghĩ gì mà thừ người vậy”. Tiếng Huệ hỏi làm Nam trở về thực tế. Anh trả lời: “Anh đang nhớ lại chuyện cũ ở quê anh tận ngoài kia. Sao hôm nay em đến muộn vậy”.Huệ nhăn mặt: “Dóc tổ, mới có năm giờ. Hôm nay em dọn cơm sớm hơn mọi ngày mười lăm phút. Cha em còn nói, ngày mai anh đến chơi”.
Nam bước đến bên Huệ và nắm lấy tay nàng. Bàn tay mềm dịu nồng ấm. Anh nghĩ, không biết ông giáo Hai mời anh lại nhà làm gì đây vào ngày mai. Anh hỏi: “Em có biết cha em mời anh đến làm gì không? Sáng mai anh phải dạy suốt buổi sáng, chiều lên huyện gửi thư. Nếu rãnh cũng phải đến tối”. “Tối đến cũng được, anh mà không đến thì chết với em”! Huệ vừa trả lời vừa kéo tay anh bước chầm chậm theo con đường mòn luồn trong cánh đồng ngô. Vài con chim sẽ đuổi nhau lào xào trong ruộng. Một người dân gánh lúa đi ngược về phía hai người. Anh ta còn trẻ lắm và khuôn mặt làm Nam nhớ mình đã gặp đâu đó. “Chào thầy giáo”. Nam gật đầu chào lại và hỏi Huệ khi anh ta gánh đi đã xa. “Phó chủ tịch nông hội chứ ai, anh Trực ở sau nhà em anh không nhớ sao? Mới tuần trước họp ở trường anh Trực đề nghị mở thêm một lớp mẫu giáo nữa, anh nhớ chưa?”
Nam gật đầu và nhớ lại khuôn mặt Trực, người thanh niên đóng góp nhiều ý kiến xây dựng trong việc giáo dục cộng đồng. Tuy ít học, nhưng Trực phát biểu nhiều ý kiến xác đáng và thực tế không như Hoàng chủ tịch xã chỉ khoa trương những điều không tưởng. Anh nhớ lại câu, làm một cuộc cách mạng tin học bằng cách treo thêm bốn chiếc loa trên đầu trụ sở xã của Hoàng mà buồn cười.
Hai người qua khỏi đám ruộng ngô đến đầu ấp Đông mặt trời bắt đầu lặn. Nam dừng lại kéo Huệ vào lòng và hôn phớt lên môi nàng. Bàn tay trái của Huệ nắm chặt tay anh khiến anh xúc động. Huệ là nguồn an ủi duy nhất, đã chia xẽ với anh biết bao sự đau đớn mà anh đã gặp trên miền đất hiền hòa nhưng bướng bỉnh này. Huệ bênh vực anh khi anh đề nghị không nên xây nhà hát cạnh chùa Linh Quang mà dùng số tiền đó để xây thêm hai lớp học có thể tăng bốn buổi dạy giải quyết số trẻ em và những người mù chữ còn lại trong làng. Nam bị tẩy chay và mua thêm thù oán của lớp cán bộ cốt cán trong làng. Bấy giờ Huệ cũng chỉ là cô giáo dạy trẻ đầu ấp đông và anh là người giáo sinh vừa tốt nghiệp chân ướt chân ráo vào nghề sư phạm.
Ông Giáo Hai, cha của Huệ và Trực đã ủng hộ anh cùng vận động bà con làng trên xóm dưới mà kế họach dù miễn cưỡng cũng được thực hiện dần dần. Qua bốn năm, điều còn làm Nam day dứt là số trẻ con mù chữ tuy không tăng nhưng hình như nó cũng chẳng giảm đi chút nào. Anh bỏ thời giờ rãnh rỗi để dạy mỗi tuần thêm ba tối ngoài thời biểu chính thức và Huệ đã phải đi kiếm thêm học trò cho anh vì hình như có một thế lực vô hình nào đó mà đám trẻ con không thích đến trường bằng đi rong ngoài đồng dưới sông để đào cua, bắt dế, câu cá...
Khi hai người đến đầu ngõ nhà lão Thứ trời đã tối mịt. Tiếng chó sủa sau cánh cửa tre làm Huệ giật mình. Nam gọi to: “Bác Thứ ơi ra mở cửa cho cháu đi”. Anh xuỵt chó nhưng chỉ làm cho nó sủa lớn hơn. Đằng xa có ánh đèn và tiếng lịch kịch mở cửa. Từ cái vũng ánh sáng vàng ệch hiện dần khuôn mặt lão Thứ. “Ai đó?” “Tụi cháu đây bác Thứ ạ!”. Nam và Huệ cùng trả lời. Mái tóc bù xù của lão như bao kín lấy khuôn mặt tròn và sưng sỉa, khuôn mặt của người nghiện rượu. “À thầy giáo, cô giáo”. Lão cầm cây gậy trên tay vụt mạnh vào con chó dưới chân. Nó kêu ăng ẳng mấy tiếng rồi chạy mất. Nam và Huệ lách mình qua khoảng trống vừa mở hé theo lão vào nhà.
Lão Thứ đặt cây đèn lên bàn rồi mời Nam và Huệ ngồi. Lão dựng chiếc gậy tre cạnh cửa và khép cánh cửa bằng phên lại. Giọng lão Thứ khàn khàn: “Cô cậu ngồi đây, tôi đi lấy nước uống”. “Bác để chúng cháu tự nhiên, bác đã ăn cơm chiều chưa ạ!” Huệ hỏi trong lúc Nam quan sát khắp nhà. Tiếng lão Thứ trả lời: “Tôi vừa ăn xong”, vọng ra từ đằng sau tấm vách tre dán đầy giấy đỏ. Trên mặt vách rất nhiều bài vị thếp vàng và những lá bùa xanh đỏ. Nam nghe nói hai mươi năm trước lão là thầy phù thủy và gia đình lão đã từng làm khiếp vía dân làng bằng tài kêu ma gọi quỹ. Theo những người lớn tuổi trong làng thì hậu quả của những năm tháng nuôi nhốt âm binh trong nhà mà đến đời lão đã tuyệt tự. Bây giờ lão sống một mình với Thiểu, đứa con nuôi mười hai tuổi lão lượm nó mười hai năm trước trong thùng rác trên huyện khi lão đi nhậu với đám bạn bè trong làng. “Thiểu có ở nhà không bác Thứ, năm hôm rồi không thấy nó đi học. Tụi cháu đến xem nó có bệnh hoạn gì không, nó học cũng khá lắm bác ạ, bốn phép tính nó đều làm được cả rồi”.
Nam nói vọng vào trong nhà. Lão Thứ cười ùng ục, giọng lão sống sượng: “Khá gì mà khá, thời buổi này học nên ông nghè ông cống gì. Học lắm thì cũng đói rách, chẳng nhẽ nhai chữ thế cơm à. Tôi cho nó lên huyện học nghề thợ mộc rồi thầy cô ạ”.
Bóng lão hiện ra từ bóng tối một tay cầm hai chiếc tách tay kia xách chiếc bình tích, anh cảm tưởng như lão là chiếc bóng ma từ âm phủ hiện lên. Anh nhỏ nhẹ nói: “Học gì cũng được, nhưng dẫu nghề nào chăng nữa có chút chữ nghĩa cũng đỡ hơn là không. Thiểu nó bỏ học nửa chừng cũng uổng. Phải chi qua hết khóa hè này nghỉ thì tốt hơn mà thợ mộc thì làng này đâu có thiếu mà bác phải cho nó lên huyện học?”. “Tôi cho nó học đóng hòm, thứ gì làng này có cả nhưng nghề đóng hòm thì không. Thầy cô không thấy mỗi khi có người chết phải lên tận huyện mua hòm, vừa tốn công vừa tốn của. Thằng Thiểu khi ra nghề về đây mở trại hòm là ấm thân. Tôi tính ngoài làng mình ra, bốn làng cửa sông khoảng hơn bốn chục ngàn dân bổ đồng ngày nào cũng có ít nhất hai ba người chết, lúc ấy hòm đóng chỉ sợ không kịp. Tôi lúc ấy chỉ đi uống rượu và xem hát chứ không như bây giờ gần bảy mươi rồi mà còn phải chân lấm tay bùn với mảnh ruộng bằng bàn tay sau hè!”. Lão Thứ vừa nói vừa rót nước. Giọng lão sống sượng, tay lão run run, nước từ chiếc vòi sứt chảy tràn lan lên mặt bàn. Nam chận tay lão vừa nói: “Đầy rồi bác Thứ ạ!” Lão rê chiếc vòi sứt qua chiếc ly thứ hai rồi tiếp tục rót, lão phân bua: “Thầy cô thấy đấy, tôi già quá rồi. Mắt kém, tai lãng. Tay chân vụng về, lỏng khỏng, nhưng nào người ta để cho tôi yên. Sáng họp, trưa họp, tối họp. Rồi phê bình, nào là say sưa, làm gương xấu trong làng. Tôi uống rượu kệ cha tôi, có uống của nhà nó đâu mà cứ mỗi lần họp là đem tôi ra mà chửi”.
Lão Thứ cộc cằn và cay cú trong lời nói. Lão ám chỉ đến Thành, trưởng công an xã, người thường đem lão Thứ ra mỗi buổi họp như con dê tế thần. Nam nhìn Huệ đang tủm tỉm cười với anh, anh khuyên lơn: “Bác đừng nóng, người ta phê bình gì thì mặc, nhưng bác nghĩ coi. Bác bảo bác già yếu rồi, uống rượu nhiều hại cho sức khoẻ của bác mà thôi. Vả lại, bây giờ một mình, đầu hôm sớm mai có bệnh hoạn gì, lấy ai mà săn sóc trong khi Thiểu nó lại ở tận trên huyện. Hay tụi cháu đề nghị thế này, ngày mai cháu lên huyện bỏ thư, cháu sẽ rước Thiểu về để nó học cho hết khóa, chỉ còn có hai tháng nữa thôi, sau đó nó sẽ lên huyện tiếp tục học nghề thợ mộc”.
Huệ nói tiếp: “Tụi cháu thấy nó bỏ học dở chừng uổng quá, nó sáng dạ lại chăm chỉ. Trong khi đám học trò ấp Thượng lười biếng và lêu lỗng lắm. Cháu và anh Nam đến đây chỉ có mục đích ấy bác Thứ ạ”.
Lão Thứ đứng dậy chỉ tay vào hai chiếc tách: “Thầy cô uống nước kẻo nguội, tôi hiểu ý hai người nhưng tôi quyết tâm cho con tôi học nghề vì tôi biết chắc làng ta không phát về mặt khoa bảng. Suốt cả đời tôi, à cả ông nội rồi cha tôi nữa, nào có thấy ai ra gì về mặt học hành. Làng này có sáu thôn mười ba ấp lác đác chỉ dăm ông thầy giáo, mà lỡ theo đuổi chữ nghĩa thì chỉ có nghèo. Xin lổi cô giáo, cha cô mà chỉ đi dạy học, không làm thêm nghề thầy địa thì làm sao nuôi nổi gia đình. Mình phải theo thời thầy cô ạ”.
Lão bước đến chiếc trang thờ cuối nhà vói tay rút một cây nhang rồi đốt lên và cắm vào bát. Nam nghĩ có lẽ lão cúng cô hồn vì chỉ có cô hồn mới có thể làm bạn với lão. Lời nói vừa rồi lão nhắc đến ông giáo Hai, cha của Huệ. Suốt mấy mươi năm làm thầy giáo nhưng cuộc sống lúc nào cũng chật vật khó khăn, chỉ có nhờ chút hiểu biết về địa lý do ông nội truyền lại, ông đi cắm huyệt mã mà cuộc sống gia đình sau này đã đỡ hơn trước. Tuy vậy, ông vẫn cho Huệ theo nghề dạy học, vì theo ông nghĩ chỉ có sự hiểu biết mới duy trì được nhân cách và phát huy được năng lực con người.
Nam nhìn đồng hồ, đã hơn tám giờ tối. Anh nhìn Huệ rồi nhìn lão Thứ đang lầm thầm khấn vái nơi góc nhà, trước chiếc trang phủ lụa điều đã bạc màu vì thời gian. Trong cái ánh sáng vàng đục, lờ nhờ của hai chiếc đèn dầu, bóng lão Thứ chập chờn như bóng ma trơi. Nam nhớ những người già trong làng thường kể, bốn năm mươi năm trước mỗi lần lão đồng Hạc là cậu lão Thứ bấy giờ ra chợ, đám hàng thịt sợ hãi đến mất mật. Lão dắt âm binh đi chợ. Tay lão đụng đến miếng thịt nào, lão quay đi chừng phút sau miếng thịt ấy xanh và thiu ngay. Lão lắm phép thần thông. Người trong làng thường kể về lão như kể về một huyền thoại,với đám trẻ con thì như chuyện cổ tích ma quái và lão đồng Hạc đôi lúc biến thành một thứ Thành Hoàng, Thổ địa những khi người dân đe nẹt lẫn nhau vì lão vừa thù vặt lại vừa thù dai. Lão đồng Hạc chết vào tuổi sáu mươi và lão Thứ bấy giờ mới mười sáu tuổi. Suốt một năm sau ngày lão đồng Hạc chết là chuỗi thời gian kinh hoàng cho những người dân trong làng có ân oán với lão. Lúc bấy giờ cứ năm ba hôm, trong làng lại xãy ra một đám cháy mà không ai biết nguyên nhân. Lửa phát cháy từ trên nóc nhà, lúc phát giác ra ai cũng bảo thấy thấp thoáng bóng lão Hạc trong đám khói đen kịt rồi tan dần theo ngọn lửa đỏ. Lão đồng Hạc quấy nhiễu không từ một người nào trong làng và người thừa hưởng toàn bộ cái gia sản từ vật chất cho đến tinh thần ấy là lão Thứ bây giờ.
Nam và Huệ ra khỏi nhà lão Thứ khoảng chín giờ. Trời tối mịt. Lão Thứ mở cỗng tre và đưa cho Nam ngọn đèn bão. Hai người đi được một đoạn đường thì đằng xa có ánh đèn ở khúc quanh xuống sông, có tiếng người loáng thoáng. Hai người đến gần thì nhận ra tiếng của Thành, trưởng công an xã. “Chuyện gì thế anh Thành?” Nam cất tiếng hỏi?” “Làng trên có người chết đuối, không tìm ra xác, có thể nó trôi xuống đây!” Thành trả lời.
Nam đưa cây đèn bão lên cao và theo Thành men con đường dốc xuống sông. Ba người vừa đi vừa tránh những bụi dứa dại mọc lan hai bên vệ đường. Dưới bến sông ánh sáng chập chờn của bốn ngọn đuốc cắm trên chiếc xuồng con, ba anh công an xã ở trần người ướt sũng nước lắc đầu bảo: “Không thấy gì cả, trời tối quá khó mà tìm được. Đã ném lưới đến hơn chục lần rồi anh Thành ạ!”
“Ráng xuống mò thêm vài lần nữa, để tôi xuống phụ xem sao. Không có thì đành chịu vậy”. Anh trưởng công an vừa nói vừa cưởi quần áo mắc lên ngọn sào tre cắm trên bãi cát. Nam quay lại bảo Huệ chờ anh thì có thêm hai người dân cầm đuốc xuống bến. Tiếng họ lao xao Nam nghe lẫn trong gió những tiếng ma da, người thế mạng... và khi họ đến nơi anh mới nhận ra là ông Bá và Trực, ngừơi thanh niên anh gặp ban chiều. Ông Bá chào hai người và quay lại hỏi Thành kết quả vớt xác người chết đuối. Trực tìm chổ cắm ngọn đuốc bã mía cháy gần quá nữa. Huệ bảo: “Chúng ta đi về, đứng đây chỉ tổ vướng chân người khác”. Thành cũng nói: “Khuya rồi anh Nam nên đưa cô giáo về thì tốt hơn”.
Hai người lên khỏi con dốc, Huệ mới nói: “Bến sông này năm nào cũng có người chết đuối, có năm đến hai ba người. Mà nếu không thì cũng có xác từ làng trên trôi xuống. Anh không tin, ngày mai sẽ thấy”. Nam bảo: “Anh không mê tín, chuyện chết đuối chỉ là bất trắc. Vì cuộc sống có cái chết trên bờ tất phải có cái chết dưới nước, có cái chết vì tai nạn xe cộ, cũng có cái chết vì bất cẩn nghề nghiệp... Điều đó nó lý giải rành rẽ cái muôn màu muôn vẻ của đời người. Anh không tin có chuyện mada kéo chân làm người chết đuối”. Huệ cười: “Anh lý sự như một ông già bảy mươi”.
Khi đưa Huệ về đến nhà Nam định quay trở ra bến sông nhưng anh nghĩ ngày mai phải dạy cả buổi sáng và có lẽ hơn mười một giờ khuya nên anh về nhà. Đêm tháng tám đầy sao, anh nhớ mùa trung thu sắp đến và ba cái tết anh trãi qua trên vùng đất này. Lẫn trong gió đêm mùi rạ ẩm và cỏ khô. Vài tiếng chó sủa đâu đấy, Nam rảo bước nhanh về nhà trọ. Càng về khuya gió thổi mạnh hơn và không khí hơi lành lạnh. Đường về ấp trung dọc theo bờ tre ven sông, tiếng gió xào xạc thỉnh thoảng lại có tiếng quẩy nước của những con rái cá ven bờ. Anh cảm thấy thất bại trong việc thuyết phục lão Thứ cho con lão tiếp tục học. Lão bướng bỉnh như đa số người dân trong làng này. Muốn làm gì thì làm, bất kể lợi hại. Đầu người nào cũng đầy sạn, chai cứng bảo thủ. Muốn cày xới đầu óc của người dân ở đây không phải là chuyện dễ dàng thì việc gieo hạt giống trong tâm hồn thế hệ trẻ lại càng không suông sẻ chút nào cả. Chính sách giáo dục có đó. Cơ sở vật chất không thiếu, nhân lực cũng tạm đủ, nhưng cái học ở xứ này không có chỗ đứng. Ai cũng thờ ơ với chuyện học hành chứ không phải chỉ lão Thứ.
Ngày mới được bổ nhiệm về, Nam ngạc nhiên vì cả sáu ấp gần mười ngàn dân chỉ vỏn vẹn có hai lớp học. Ông giáo Hai, cha của Huệ là hiệu trưởng của một cái trường vỏn vẹn có hai lớp học ấy. Thứ lớp học mái lá vách phên của những năm tháng kháng chiến. Học trò mỗi lớp trên danh nghĩa ba mươi hai em, nhưng hiện diện chừng hai chục mà lại luân phiên đi học tùy hứng theo mùa. Mùa ở đây là mùa gặt, mùa cá, mùa dế, mùa khoai... mùa mà các đứa trẻ có thể tham dự nhiệt thành hơn hai cái lớp học chữ nghĩa kia. Ông giáo Hai có tác phong của một giáo làng muôn thuở. Thiện chí thì cùn mòn theo năm tháng bởi làng không nằm vào thế đất hóa khoa hóa lộc mà suốt gần bốn chục năm nghiên cứu địa lý phong thủy ông không tìm ra chổ triệt của cái làng này. Ông đam mê những thứ đồ cổ đào được hơn là việc dạy học. Ông lúi húi suốt ngày với hòn non bộ làm bằng mãnh sành, lọ gốm xưa hay những hình nhân đất sét nung con con trong bộ sưu tập một đời thầy địa lý của ông. Ngày Nam mới đến, ông giáo Hai đã hể hã khoe với anh vừa kiếm được bộ Tam anh chiến Lã Bố bằng sành, đặc biệt chỉ nhỏ bằng ngón tay cái ở ấp thượng. Ông đã hợp đồng ngoài việc ăn tiền cắm huyệt, những thứ gì đào được thuộc về phần ông và những thứ đào được ấy trong hơn bốn mươi năm đã như một núi đồ cổ chiếm hết một nửa mãnh vườn sau nhà. Theo Nam, ông giáo Hai không may mắn chút nào, vì cả đời sưu tập như thế mà ông không vớ được thứ gì quí giá ngoài đống đồ như phế liệu kia trừ một thanh kiếm rĩ sét mà ông vẫn cho là thanh kiếm lệnh của Đức Trần Hưng Đạo dùng để ra quân. Càng lớn tuổi ông càng lẩm cẩm và không hiểu tại sao ông cứ mãi là hiệu trưởng của cái trường làng khốn khổ này dù chính ông đã xin về hưu nhiều lần cũng như bao đề nghị của anh cùng ủy ban nhân dân trong làng.
Nam vừa nghĩ đến Huệ thì đã đến nhà. Anh bước vào cổng, mắc ngọn đèn bão lên tường và đi ngủ. Có lẽ đã khuya lắm, bốn bề yên lặng chỉ có gió thổi sau nhà lồng lộng. Gió này xuất hiện đầu thu, cất lên từ nửa đêm thổi từ thượng nguồn con sông phía tây bắc cho đến gần sáng thì dứt. Gió không lạnh lắm nhưng mạnh, nghe như có cơn giông sắp đến vì khoảng ấp trung hai bờ sông rặng tre dầy, gió thổi luồn vào giữa tiếng ù ù vang vọng suốt đêm. Nam nghe cái âm thanh này đã ba lần, ba mùa thu nơi xứ lạ trong cái nhà mái tranh vách đất ven sông của hai vợ chồng anh Bộ, người bà con gần của ông giáo Hai. Anh vừa nhận được thư của chị Đông ban chiều bảo anh ráng về thăm nhà vào dịp tết, các cháu bây giờ đã lớn nhắc đến cậu Nam hoài. Có lẽ anh sẽ về thăm chị Đông vì gia đình anh bây giờ vỏn vẹn chỉ còn hai người. Ba người anh chết trong chiến tranh. Hòa bình vãn hồi một năm sau cha mẹ lần lượt qua đời vì đau xót, thương tiếc ba người con trai lớn. Căn nhà to lớn ngoài quê xa ấy bây giờ vợ chồng chị Đông ở. Vì là chị cả, chị Đông đã cáng đáng gánh vác bao nỗi khó khăn, bi thương ngay từ lúc chưa lập gia đình. Anh bùi ngùi nhớ đến những ngày xưa cũ và chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng gió thổi trên sông vang vọng liên hồi.
Buổi sáng vừa đến cổng trường nghe tiếng gọi đằng sau Nam quay lại thấy Huệ. Huệ nói: “Tìm được xác rồi anh ạ. Năm này đã có người thế rồi, anh có tin em không”. Nam lắc đầu. “Anh chỉ bướng”. Huệ bảo. Anh nhìn đồng hồ. Đúng tám giờ rồi mà trường học chỉ có lèo tèo khoảng hai chục em. Nam bước vào văn phòng lấy phấn. Không thấy ông giáo Hai. Anh Bình và cô Thanh dạy lớp ba đang ngồi kháo chuyện. “Sao hôm nay các em đến muộn vậy”. Anh hỏi. “Chắc chắn là ở ngoài bờ sông xem người chết đuối”. Cô Thanh bảo. Anh Bình nói thêm. “Đừng lo, để việc ấy cho công an xã. Chút nữa anh sẽ thấy”.
Quả nhiên khi Huệ nấu xong ấm nước trà thì ngoài cổng đám học sinh ùa vào, đằng sau là hai anh công an đi xe đạp vừa đi vừa xua như lùa bò vào chuồng. Nam nghĩ ngay đến quê mình, trong đám học trò lam lũ, dơ dáy rách rưới đó có anh ngày xưa, mỗi sáng mùa đông đến trường phải lót mo cau vào bụng cho đỡ rét, ngồi trong lớp học không khác chi cái chuồng trâu. Mái lợp lá cọ, bốn bề chỉ có những ống bương ống vầu gác ngang dọc. Mặt bàn chỗ thì tấm gổ tạp chỗ thì tấm nứa đan lồi lõm. Ghế chỉ là những thanh tre dài gác ngang ngồi phải thăng bằng không khéo thì ngã xuống đất. Gió bấc lùa vào lạnh cắt da thịt. Hai mươi em run lẩy bẩy chờ cô giáo vào lớp. Thầy cô ngoài ấy thường đến lớp muộn vì còn phải lo trăm chuyện, trăm bề mà cũng chẳng ai thắc mắc điều đó. Không như ở đây. Đến nhà năn nỉ cũng không thèm đến trường như trường hợp con lão Thứ. Rồi trên bờ với thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây bồ đề...dưới sông thì ma da đòi mạng hàng năm. Đám hung thần ấy đã triệt cái làng này hơn trăm năm rồi mà không thấy ai khoa bảng. Chỉ rặt lao động chân tay. Người có chút chữ nghĩa đa số tứ xứ trôi dạt đến. Trừ những thầy cô giáo được bổ nhiệm về, những người kia dần dần rồi cũng ra đi vì ngán ngẩm vùng đất bạc bẽo văn hóa này.
Nam chào hai anh công an đang đi ngược về phía văn phòng. Anh bước vào lớp. Đám học trò im bặt khi anh đập mạnh cây thước kẻ lên bàn. Anh điểm danh chỉ có hai mươi bốn. Vắng mặt chín. Những đứa trẻ quen biết bắt đầu kể lý do. Anh biết ngoài đau ốm là chính thì còn khoảng chục lý do khác trong đó có đi ăn giỗ ở làng trên xóm dưới, theo mẹ đi cấy, theo cha đi đánh cá... nhưng kỳ cục nhất là lý do đi xem hát đình. Cái gánh hát miền Trung cứ ba tháng một lần đến làng thì mọi sinh hoạt trong làng hầu như ngưng trệ lại. Từ người lớn cho đến trẻ con suốt ngày suốt đêm chầu chực quanh rạp hát đình vì làng qui định mọi gánh hát chỉ được hát đúng một tuần lễ rồi phải đi làng khác. Do vậy họ phải tổ chức diễn hai suất. Suất ngày bắt đầu từ mười giờ sáng hát cho đến hai giờ chiều. Suất tối mở màn lúc tám giờ và chấm dứt khoảng nữa đêm. Mỗi ngày một tuồng và bảy cái tuồng có thứ tự lớp lang được dân làng và đám trẻ con thuộc làu đến từng chi tiết hơn là công việc đồng áng hoặc bài vở nhà trường. Hình như gánh hát đến làng đã ba hôm rồi thì phải. Nam chán nản lật quyển sách tập đọc và bắt đầu một buổi học muộn như nhiều buổi học muộn màng của làng này trong hơn ba năm anh dạy học tại đây.
Nam vừa ra khỏi lớp thấy Huệ cũng chuẩn bị ra về, anh đến gần bảo: “Chiều nay qua huyện, em cần gì anh mua cho”. Huệ lắc đầu: “Em không cần gì. Anh nhớ về sớm rồi chiều ghé nhà em ăn cơm, cha em bảo thế”. Nam nhìn về phía văn phòng, không thấy ông giáo Hai. Anh hỏi: “Cha em hôm nay không lên trường sao?”. Huệ trả lời: “Có lên khoảng giờ đồng hồ rồi đi sang bên Ủy ban họp. Em không biết họp về việc gì, nhưng có bảo ở nhà cứ ăn cơm trưa, khỏi phải chờ”. Hai người dắt xe đạp ra khỏi trường trong tiếng ồn ào la hét của đám học trò tan học. Nắng mùa thu vàng óng ả. Hàng cây bàng hai bên đường lá đã lác đác nhuốm vàng. “Ở đây bốn mùa rõ rệt, hệt như quê anh”. Nam bảo. Huệ quay sang nói: “Thì anh cứ nhận nơi này làm quê hương đi”. Anh gật đầu: “Có lẽ”. Anh nghĩ mình có bao giờ dừng chân được, dù ước ao một ngày nào đó có một mái ấm gia đình với Huệ rồi anh sẽ đưa Huệ về Bắc. Anh không mặn mòi gì với mãnh đất đầy khó khăn này. Anh không sợ khó, sợ khổ, nhưng sao con người vừa bướng bỉnh vừa ù lì đến thế. Họ thích gì làm nấy, không thắc mắc đắn đo suy nghĩ. Nam bảo Huệ về trước khi đến khúc quanh về ấp Trung, chiều anh sẽ ghé nhà ăn cơm.
Đạp xe đi được đoạn ngắn anh gặp lão Thứ đang tất tả đi về hướng cầu. Từ xa lão cắm cúi bước nhanh như có chuyện gì khẩn cấp lắm. Người lão như đổ về phía trước với cây gậy muôn thuở trên tay. Lão Thứ có vẻ chạy hơn là đi. Nam nghĩ như thế. Anh đạp xe nhanh hơn cố bắt kịp lão. Anh gọi: “Bác Thứ đi đâu vội thế, lên xe cháu chở đi một đoạn”. Lão giật mình, ngẩng đầu lên nói: “Chào thầy giáo, tôi có việc phải lên huyện. Phiền thầy giáo chở dùm tới dốc cầu”. Khi lão ngồi lên yên, Nam bắt đầu đạp xe và hỏi: “Chắc bác lên thăm Thiểu?”. “Vâng, tôi lên thăm nó. Thú thật với thầy giáo, sáng nay tôi vừa khám phá ra tiền dành dụm bấy lâu nay bay biến đâu mất mà bà Tám May vừa ở huyện về có nói đã gặp thằng Thiểu đang đánh bạc trên ấy với quân du thủ du thực ngay ngoài góc phố”. Như để giải thích, lão nói thêm: “Nó mới về đêm hôm kia xin tiền để mua đồ nghề. Tôi cho nó rồi, thế mà nó dám cuổm mẹ nó số tiền để dành của tôi”. Nam nghe có mùi rượu, anh nghĩ lão Thứ đang say. Anh bảo: “Chắc gì nó đã lấy số tiền đó. Sao bác không báo cho công an xã”. Lão Thứ trả lời: “Tôi chắc là nó, chỉ có nó mới biết chổ tôi cất tiền. Mẹ chó thật, đúng là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Nhưng thầy đừng nói chuyện này cho công an xã. Tụi nó thù tôi rồi lại có dịp kiếm chuyện”. Nam nói: “Bác đừng lo, ai lại đi nói như vậy. Nhưng nếu lên huyện nhắm chừng nó bê tha theo đám trẻ con hư thì tốt hơn hết bác cho nó về để tiếp tục học bác Thứ ạ”. Lão vâng dạ liên hồi trong khi anh cố gò mình đạp xe lên khỏi con dốc.
Lão Thứ xuống xe cám ơn Nam rồi chỉ về phía chiếc xe ngựa đang đậu ở dốc cầu: “Tôi đi xe ấy sang huyện cho nhanh”. Nam quay trở về nhà đúng một giờ trưa. Chị Bộ và đứa bé đang nằm trên võng ngủ. Anh Bộ chắc đang ngoài ruộng. Nam nghĩ như thế và ngồi vào bàn ăn cơm. Bên ngoài nắng thu êm ả dù đang trưa và trong cái tịch mịch vắng vẻ ấy thỉnh thoảng có tiếng chim gọi nhau trên đầu ngọn tre hiên nhà. Anh vừa ăn vừa phân vân suy nghĩ đến lão Thứ, rồi đến Thiểu. Dân trong làng cứ nhỏ to rằng Thiểu là con ruột lão, là kết quả cuộc dan díu giữa lão với mụ bán rượu ở đầu chợ huyện. Nhiều người thấy lão dọn dẹp, gánh hàng cho mụ ta, một con mụ trông mập mạp trẻ hơn lão dể chừng hai chục tuổi. Mụ ta lột lão không thương tiếc. Mỗi tháng vài lần, lão phải sang huyện để nộp tiền cho con mụ ấy. Dân trong làng còn kháo nhau, mỗi khi gặp mụ lão phải đấm lưng, bóp chân, bóp tay cho mụ. Đã thế có người còn bảo. Mụ chửi lão không thương tiếc những khi lão bận công việc mùa màng không sang thăm mụ ta đúng hẹn. Mỗi lần sang thăm mụ nhân tình, lão ăn mặc đỏm dáng không kém thanh niên trong làng đi hỏi vợ và luôn luôn trả lời khi có ai hỏi là sang huyện dự tiệc cưới hoặc thăm bà con xa.
Lão Thứ mồ côi vợ khi lão còn trẻ. Người ta bảo vợ lão chết vì chịu không nổi cái không khí âm hồn trong nhà của thầy phù thủy. Lúc bấy giờ nhà lão còn ở giữa nghĩa địa làng. Làm thế nào mà có thể chịu được mỗi ngày ba lần trống, mỗi lần chín tiếng để kêu gọi âm binh ăn cơm. Rồi tiếng kèn giữa buổi để sai âm binh làm việc. Người cõi âm đâu dễ sai khiến, mỗi lần muốn họ làm việc cũng phải lo lót chẳng khác người dương gian. Phải dịu ngọt khi họ khó chịu, phải năn nỉ khi họ bất bình. Cùng lắm mới dùng biện pháp mạnh là xử dụng đến chiếc búa thủy tinh cán bạc. Theo lão Thứ kể trong những lúc trà dư tửu hậu sau khi giãi nghệ đã lâu, vì thời gian đầu âm binh vẫn còn lẽo đẽo theo lão. Mãi hơn mười năm sau lão mới dám kể những chuyện mà người trong làng nghe nửa tin nữa ngờ, tuy nhiên không ai phản bác ra mặt.
Chiếc búa thủy tinh cán bạc của lão Thứ đã năm đời cha truyền con nối. Chính lão cũng không biết xuất xứ của nó như thế nào, nhưng quyền năng của nó ghê gớm lắm. Đời cậu lão Thứ là lão đồng Hạc đã dùng chiếc búa ấy sai khiến âm binh tát nước hằng đêm mà hai thửa ruộng cao trên gò của lão lúc nào cũng đầy ắp nước. Lão đồng Hạc sang sông không cần đò. Lão chỉ ngồi lên chiếc nón lá là âm binh đưa lão sang bờ bên kia. Có lần lão đồng Hạc chỉ vì một câu nói móc của một phú hộ bên kia sông, mà ngay đêm đó lão sai âm binh vặt hết vườn cam chín vứt xuống sông dù vườn cam ấy lúc nào cũng có hai người lực điền và hai con chó săn canh giữ. Lão Thứ còn nói chiếc búa cán bạc ấy có thể làm Bà Cửu Thiên Huyền Nữ dừng chân mỗi khi bà đi ngang nhà lão. Chiếc búa ấy là vật chi bảo của nhà lão nó giúp lão chữa mọi thứ bệnh có liên hệ đến tà ma quỉ ám và lão Thứ đã là thầy phù thủy nổi tiếng một thời. Đêm đêm khi chín tiếng trống vang lên, người trong làng nhìn về phía nhà lão Thứ sẽ thấy ma trơi chập chờn vây phủ. Rồi những khi chữa bệnh, nhà lão ầm ỉ như rạp hát đình. Tiếng kèn trống, tiếng la hét sai khiến âm binh cùng tiếng ồn ào của người dân và đám trẻ con trong làng chen lấn để xem lão Thứ tắm nước sôi, đi trên lửa... Vợ lão Thứ kiệt dần trong cái không khí khi thì âm u khi thì ầm ĩ nhộn nhịp ấy mà đến năm thứ ba, cô gái hai mươi lăm tuổi ấy chỉ còn da bọc xương. Người trong làng bảo cô ấy không chỉ làm vợ lão Thứ mà còn phải làm vợ lũ âm binh chết tiệt của lão. Vợ lão chết, lão có vẻ buồn phiền. Nhưng người trong làng không tin chỉ cho là lão đóng kịch. Tuy nhiên từ đó không cô gái nào dám làm vợ lão dù lão có đi hỏi vợ thêm dăm ba lần.
Bây giờ đã đổi đời. Lão Thứ giãi nghệ thấm thoát đã hơn hai mươi năm. Lão bỏ căn nhà giữa nghĩa địa và dựng căn nhà mới trên mảnh ruộng gò ở ấp đông. Lão không dám đèo bòng chi thêm nữa. Nhưng trong hơn chục năm trở lại đây lão mắc phải cái tật nghiện rượu mặc dù từ khi có đứa con nuôi lão có vẻ chăm chỉ hơn với nữa mẫu ruộng sau nhà. Lão quên dần quá khứ, quên những lá bùa xanh đỏ. Chiếc trống lão hiến cho nhà trường. Bộ tam sên kèn, nhị và đàn bầu lão bán rẽ cho ban tương tế. Chỉ còn chiếc búa cán bạc không biết lão còn giữ hay đã bán đi rồi. Ai thắc mắc hỏi, lão Thứ tảng lờ đi không trả lời. Anh Bộ thì bảo. Chiếc búa ấy bây giờ con mụ nhân tình của lão trên huyện giữ. Ngày xưa lão dùng chiếc búa ấy để sai khiến âm binh thì bây giờ con mụ ấy dùng chiếc búa ấy sai khiến lão. Đời có vay có trả mà...
Nam đạp xe đến giữa cầu thì dừng lại. Anh muốn hứng cơn gió mát rượi đang thổi hắt từ mặt sông lên. Nước sông mùa thu trong xanh uốn lượn giữa hai bờ tre, chầm chậm và lặng lẽ từ thượng nguồn cho đến hạ lưu. Dòng sông này hiền hòa, dù sang đông mưa nhiều cũng không tạo nên lũ lụt. Những phụ lưu dọc hai bên bờ đã giúp dòng sông không hung bạo vào đông dù nước có lên cao hơn những mùa khác. Nam dắt xe đi chậm rãi, thỉnh thoảng anh phải nép vào thành cầu tránh chiếc xe thổ mộ chạy phía sau với quang gánh mắc quanh xe như chiếc lồng đèn. Những chiếc xe lên chợ huyện mua tôm cá về bán chợ chiều.
Khi anh đến Bưu điện của huyện đã gần ba giờ. Anh gửi cho chị Đông lá thư báo rằng Tết này anh sẽ về ăn Tết với anh chị và gửi thăm Thái người bạn cùng khóa giáo sinh sư phạm đang dạy học trên tận cao nguyên. Nam đạp vòng xe chợ huyện, đến đầu chợ phía tây anh ghé vào quán sách. Không có sách mới, anh lựa hai tờ báo, một xấp bao thư và sang quán nước bên kia đường uống ly nước mía. Tuy là chợ huyện, nhưng không khí buồn tẻ. Chiếc loa mắc trên đầu cột điện đang đọc bản tin nửa giờ không làm phố xá sinh động lên được. Tự dưng Nam nghĩ đến cá chết, những con cá ươn nằm trên mẹt. Khu phố chợ buồn thiu và những con cá ươn nằn trên mẹt. Lác đác vài người đang đi về phía bờ sông. Bản tin chấm dứt. Điệu nhạc tuyên truyền tiếp tục. Anh đứng lên trả tiền, đạp xe về hướng nhà Hát.
Ở đây có một cửa hàng cho thuê sách. Anh thuê tiếp quyển truyện tình lãng mạn thời tiền cách mạng Nga mà anh đã đọc dở dang tháng trước. Anh nhớ Huệ cũng thích quyển truyện này. Vừa ra khỏi quán sách Nam gặp ngay cô Thanh. Cô nói ngay: “Anh biết không, bác Thứ đã bị công an huyện bắt rồi”. Nam giật mình hỏi: “Chị có biết lý do tại sao không?”. Cô Thanh lắc đầu: “Không hiểu được, nhưng khi tôi đạp xe đến cửa đông chợ, tôi đã thấy ông ta bị công an điệu lên xe, người bu lại xem rất đông. Tôi có nghe loáng thoáng là ông ta đánh một người đàn bà bị thương vì ghen tức gì gì đó”. Nam nghĩ ngay đến mụ đàn bà mà người ta đồn là nhân tình của lão. Anh chào cô Thanh và đạp xe về phía công an huyện. Đi một lúc Nam nghĩ mình vô lý, anh quay xe trở lại và đạp về làng. Anh sẽ báo cho Thành biết để Thành có thể lên huyện nhận lão Thứ về. Lão Thứ bây giờ chỉ có Thiểu là người thân duy nhất. Nghe nói họ hàng lão đã từ bỏ lão từ lâu lắm rồi, từ lúc lão còn làm thầy phù thủy. Nam tự hỏi không biết giờ này Thiểu ở đâu. Việc ăn cắp tiền lão Thứ nói có thật hay không và lão đã giải quyết như thế nào?
Nam về đến đầu làng anh đi thẳng đến công an. Không có ai ở đó cả. Anh nhìn đồng hồ thì đã gần sáu giờ. Có lẽ mọi người đã về ăn cơm. Anh viết lại cho Thành vài chữ nói sơ tình trạng lão Thứ bị bắt và đạp xe đến nhà Huệ thì trời đã gần tối. Anh chào bà giáo đang chuẩn bị dọn cơm. Huệ và anh lên phòng khách. Ông giáo Hai đang lúi húi lau những cái tượng bằng đất nung. Ông nói gần như reo khi thấy Nam: “Bác được cho về hưu rồi cháu ơi. Sáng nay họp ở Ủy ban, bác đã nhận được quyết định của sở Giáo dục tỉnh. Bác mừng lắm”. Nam cũng vui lây, vì anh nghĩ việc này đáng lẽ xãy ra từ lâu. Anh phụ giúp Huệ dọn bàn ăn và hỏi: “Em có biết hiệu trưởng mới là ai không?” Huệ trả lời: “Không biết, nhưng nghe nói sở giáo dục có đề nghị còn bầu bán là ở đây. Tuy nhiên anh cũng được đề nghị đó”. Nam cười: “Làm thế nào được, anh còn trẻ mà cũng chẳng phải đoàn hoặc đảng viên, Hiệu trưởng phải lớn tuổi, đạo mạo như Bác Tùng dạy lớp năm mới coi được”. Ông giáo Hai bước tới nói: “Đúng là ông Tùng được đề nghị đầu danh sách nhưng người thứ hai lại là cháu vì công lao đóng góp phong trào xóa mù chữ và mở thêm được ba lớp học bổ túc văn hóa. Ai làm được những thành tích đó!” Huệ nói chen vào: “Nhưng đám cán bộ ở đây ghét anh Nam lắm, từ lúc anh Nam phản đối việc xây nhà hát ở cạnh chùa, rồi công trình hoãn lại hai năm nay. Tụi nó mất ăn thành ra nó hiềm thù cho tới bây giờ”. Nam nói: “Nhưng cháu không thích gì cái chức hiệu trưởng hiệu phó, để đó cho các ông đảng viên lo”. Ông Giáo lấy chai rượu nếp than ra rót hai ly và nói: “Bác với cháu uống một bữa cho vui. Bác cũng nghĩ mặn mòi chi cái chức hiệu trưởng trường làng. Bác mang nó như cái gông mấy chục năm nay, trãi qua bao chế độ chính trị. Chức vụ bao giờ cũng là bình phong, tuy nhiên, bác thật thà giản dị nên cả đời chỉ đứng mũi chịu sào cho bao bia miệng mỉa mai đàm tiếu!”
Bà giáo và Huệ bưng lên đĩa gà luộc cùng nồi cơm đang bốc khói. Bốn người ngồi vào bàn ăn. Bên ngoài trời đã tối hẳn. Ánh sáng ngọn đèn dầu lớn tim tròn làm căn phòng ấm cúng hẳn lên. Ông giáo Hai nâng ly mời. Hai người uống cạn. Đến ly thứ hai Nam thấy đầu muốn bừng bừng, anh phải nhai mấy cọng rau thơm cho đỡ khó chịu. Bà giáo nói: “Hai bác muốn nói chuyện của cháu và con Huệ. Cháu nghĩ thế nào? Ở đây người ta cũng nói hơi nhiều về chuyện hai thầy cô giáo”. Nam nhớ đến khuôn mặt Huệ ban trưa. Anh nhìn lên. Bên kia bàn, ngồi cạnh bà giáo, Huệ đang làm mặt nghiêm. Anh trả lời: “Cháu cũng định thưa với hai bác. Tết này cháu sẽ về quê ăn Tết và sẽ nói với anh chị cháu. Anh chị cháu sẽ vào đây thưa chuyện với hai bác ạ!”. Ông giáo Hai lại rót ly thứ ba mời anh. Nam bảo: “Cháu uống rượu kém lắm xin bác uống đủ ba ly mà thôi”. Huệ xới cho anh chén cơm thứ hai thì ông giáo đã đổi đề tài từ chuyện ở trường sang chuyện đồ cổ. “Quê cháu đồ cổ rất nhiều, lại có Tả Ao là ông tổ của thầy địa lý”. Ông tặc lưỡi nói tiếp: “Ngoài đó khai quật chắc không biết cơ man nào mà kể nhỉ. Bác đọc báo hôm trước có nói đến chiếc chén ngọc của Minh Thành Tổ lưu lạc đến Lạng Sơn, vào tay của một gia đình người Dao. Theo bác nghĩ, nó cũng thuộc vào loại quí giá cất giấu dưới mồ mả, có thần giữ của mà phải thầy phù thủy cao tay lắm mới lấy ra được”. Nam uống cạn ly nước trà Huệ vừa mới rót nói: “Vâng, ở ngoài cháu đồ cổ Tàu trôi dạt sang theo đám con cháu tôn thất nhà Minh lúc mất nước. Cha cháu thường kể rằng người sở hữu nhiều thứ cổ vật Trung quốc quí giá trước kia là Tổng đốc Hà đông Vi văn Định, rồi người Pháp vơ vét một số, nhà nước quản lý một số, phần còn lại trong dân gian bây giờ cũng chẳng còn bao nhiêu!”
Ông Giáo Hai lại dẫn Nam sang phòng bên sau khi ăn cơm xong. Ông bảo: “Cháu ngồi đây chờ Bác, bác sẽ cho cháu coi thứ đồ cổ này. Ông cẩn thận khép cánh cửa hông rồi loay hoay mở khóa chiếc tủ bằng gổ mun đen bóng ở góc nhà. Nam nghĩ ông giáo uống rượu khoẻ thật, ông uống tám ly trong khi anh chỉ uống có ba mà bây giờ đã muốn chóng mặt. Ông bưng chiếc hộp gỗ cũ màu son loang lỗ đến trước mặt Nam mở nắp. Anh nhìn vào. Trên lớp vải lụa điều đã bạc màu là chiếc búa con con, lưỡi dạng búa tầm sét bán nguyệt cở gói thuốc lá trong suốt như thủy tinh. Cán búa làm bằng kim khí, không phải bạc cũng chẳng phải đồng. Nó xám xịt màu đất bùn. Nam buột miệng: “Chiếc búa cán bạc!”. Ông giáo Hai ngạc nhiên: “Sao cháu biết”. Nam trả lời: “Cháu nghe người trong làng kể nó là vật gia bảo của nhà lão Thứ mà”. Ông giáo hạ giọng như sợ người ngoài nghe thấy: “Bác mua đã hơn ba tháng, lúc lão túng tiền đánh bạc. Bác biết chắc nó là loại cổ vật quí giá lắm của người Tàu. Cháu coi đây”. Ông chỉ vào chổ nối giữa cán và lưỡi, có một hàng chữ Tàu li ti cố lắm mới nhìn thấy được. “Đại Minh niên chế. Ít ra cũng hơn ba trăm năm đấy”. Nam chợt nhớ lão Thứ bị giam trên công an huyện. Anh bảo: “Chủ chiếc búa này bị bắt rồi”. Ông giáo Hai hỏi: “Thế nào mà bị bắt?” Nam trả lời: “Cháu không biết, chỉ nghe cô Thanh kể ban chiều. Cháu có báo cho anh Thành rồi không biết anh có can thiệp kịp hay không?” Ông giáo Hai trầm ngâm một lúc rồi chậm rãi nói như nói với chính mình: “Kẻ nào làm chủ nó mà để mất tất gặp nhiều sự không may!”
Nam nghĩ đã khuya lắm khi anh đạp xe về nhà. Đi một quãng ngắn, anh quay lại hình như Huệ còn đứng trên hàng hiên nhà nhìn theo anh. Bên ngoài không khí mát mẻ làm anh tỉnh hẳn. Tiếng trống hát đình xa xa vọng lại. Trăng mồng tám chưa đủ sáng. Mọi vật lờ nhờ trước mắt. Qua khỏi hàng keo là đến khúc quanh. Xe vừa quẹo mặt, Nam đã thấy lố nhố bóng người ở bến sông. Lại có người chết đuối. Nam quay xe lại thì gặp một người cầm đuốc đi lên. “Việc gì thế chú”. “Chết đuối”. “Ai vậy”. “Con lão Thứ!” Nam dựng vội chiếc xe vào gốc dương bên lề đường và chạy xuống dốc. Anh lấn vào giữa đám người đang bu quanh. Giữa cái vòng tròn người ấy là đứa bé trần truồng nằm ngữa. Dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn đuốc bã mía da nó xanh tím. Đúng là Thiểu, học trò của anh. Nó ở tận bên huyện kia mà. Sao lại ở đây? Ngước mặt lên anh thấy Thành. Thành bảo: “Ban chiều nó đánh bạc ăn thua sao đó với tụi du côn bên huyện, rồi đánh nhau. Nó chạy và nhào đại xuống sông. Nước cuốn, dân bên đầu cầu huyện cố cứu mà không được. Khi trôi xuống bến sông, may sao chú Sáu đang tắm ngựa thấy lội ra vớt được đem vào đây, nhiều người làm hô hấp nhân tạo nhưng trễ quá rồi...” Nam cúi xuống đuổi những con ruồi xanh đang bám trên khoé miệng đứa trẻ chết đuối. Khuôn mặt Thiểu bất động, không diễn tả được tí gì. Hệt như đất nắn. Nam nhớ đến con cá ươn nằm trên mẹt, cũng ruồi bâu đầy như thế này. Anh đứng dậy kéo tay Thành ra ngoài cái vòng tròn người ấy bảo: “Sao anh biết được chuyện thằng Thiểu đánh bạc”. Thành trả lời: “Tôi ở bên huyện ban chiều. Tôi còn biết lão Thứ bị bắt. Nhưng không lãnh ra được ngay. Ít ra cũng đến chiều mai lão mới ra được vì bên huyện có lệ giam hai mươi bốn giờ những tội vi cảnh. Không biết lão thế nào khi nghe tin con bị chết đuối!”
Nam buồn bã bước lên dốc. Anh nghe bên tai có tiếng ai đấy nói "Làng ta năm nay đã có người thế mạng". Về đến nhà nằm lăn ra giường với cảm giác rã rời chân tay xen lẫn trí óc bần thần mệt mõi, Nam thiếp dần trong tiếng gió thổi vi vu trên mặt sông sau lưng nhà. Anh nằm mơ thấy mình bồng bềnh trong những cảnh đời trôi nỗi: ngồi với Huệ trên xe đò về quê mẹ, nhìn lão Thứ đang ngồi trong chiếc hòm mà Thiểu đóng. Anh lại thấy ông giáo Hai đang cầm trên tay chiếc búa cán bạc đứng trên bờ sông và trong khu phố chợ buồn thiu, Thiểu ngồi co ro, người ướt sũng nước, khuôn mặt thễu não nói với anh: “Thầy xin cha con cho con được tiếp tục đi học...”
|
|