|
Người đàn ông đi qua khỏi con dốc trời đã xế bóng. Đứng lại lau mồ hôi trên cổ và nhìn con đường ngoằn ngoèo như một một sợi dây vắt qua cánh đồng hoang lòng ông ta chợt thấy bơ vơ lẻ loi. Trời sang thu và cảnh vật sao thật hoang dã tiêu điều! Một chiếc quán lá vách tre đứng trơ bên vệ đường. Trên khung cửa xiêu vẹo chỉ có tấm chiếu rách treo. Người đàn ông đến trước quán đứng cạnh tấm chiếu toan vén lên để bước vào nhưng chợt nghĩ. Có phải một quán nước hay nhà của ai? Kiểm tra nỗi hoài nghi của mình bằng cách dí sát mắt vào khe hở của tấm chiếu sờn rách quan sát ông thấy nhà trống hoác trên nền đất chỉ có chiếc bàn gỗ cũ, hai chiếc ghế tre và hai con ngựa gỗ để ngồi. Trên vách tre sau treo duy nhất bốn chữ hán chân phương còn nguyên nét mới viết: Hà dĩ giải ưu?
Người đàn ông thấy câu thơ mừng lắm bèn vén tấm chiếu bước vào nhà. Dừng lại nhìn chung quanh căn phòng rách nát, không thấy ai. Ông lên tiếng: “Có ai đấy không? Tôi muốn uống nước.” Không tiếng trả lời. Ngồi xuống ghế tre, tháo tay nãi trên vai đặt lên bàn và thở phào người đàn ông tự bảo. Thây kệ mình nghỉ một chút rồi đi. Đừng đụng gì vào! Dựa vào thành ghế ông quan sát. Sát bên vách trái một chiếc chõng tre nhỡ dùng làm bàn. Trên mặt bàn một bộ đồ trà cũ vàng ệch trên chiếc đĩa sứ cũng ố vàng vì nước trà lưu niên. Bên cạnh một chiếc ấm đất, một chiếc bát sứ mẻ miệng và cạnh chõng là lò bếp bằng đất sét đắp đen ám khói nhưng nguội lạnh. Trên tường đen bò hóng lại lờ mờ câu chữ hán trên giấy bồi vàng ám khói. Tò mò người đàn ông đứng lên bước đến gần để xem. Tuy bò hóng che phủ gần hết nhưng ông vẫn còn đọc được nét chữ thảo hào sảng: tọa đối hiền nhân tửu/ gia tàng thái sử thư.
Người đàn ông mỉm cười tự nhủ: gớm thật, không biết có rượu mà uống hay không trong cái quán trống hoác này. Ý nghĩ trong đầu chưa dứt đã nghe bên tai tiếng nói chậm nhưng âm thanh phát ra như tiếng tên bắn vào không khí:
-Huynh muốn rượu hay trà?
Ngay khi tiếng nói vừa cất lên người đàn ông đã nghiêng người chân xoạc sang trái theo trắc bộ kiềm dương, hai bàn tay chấp lại đưa lên đòn vịnh xuân than thủ người nghiêng nhìn ra sau như có ý chào. Chỉ cách một tầm tay một thanh niên gầy nhom, áo rách tả tơi nhưng khuôn mặt rắn rỏi đang nhìn ông ta mỉm cười hỏi.
Người đàn ông hỏi lại:
-Hà dĩ giải ưu?
-Duy hữu Đỗ Khang.
Anh thanh niên lùi sang bên đáp ngay và nói thêm:
-Thực ra không chỉ Đỗ Khang nhưng phải chờ cho đệ đun ấm nước đã.
Người đàn ông bước về chỗ cũ ngồi xuống thờ phào trong khi anh thanh niên lúi húi nhóm bếp. Nắng xế từ phía sau nhà hắt vào phòng qua khung cửa tre sau soi rõ khuôn mặt người đàn ông. Khoảng bốn mươi lăm, đầu tóc còn đen nhưng lại bạc trắng hai bên thái dương, khuôn mặt buồn bã tương phản với đôi mắt sáng quắc và vẻ cương nghị qua chiếc cắm vuông lởm chởm râu.
Từ cánh cửa thông ra sau người đàn ông thấy một vườn hoang đầy cỏ và thấp thoáng cuối vườn một chiếc chòi tre mái rạ. Trên đầu mái chòi, trời xế chiều xanh cao tĩnh lặng với vài cụm mây trắng mỏng tạo chút nên thơ xa vắng làm lòng người đàn ông có chút bâng khuâng.
Bếp lửa cháy chậm rãi và người thanh niên sau khi bắc ấm nước đi đến ngồi lên con ngựa gỗ đối diện người đàn ông nói nho nhỏ:
-Huynh là Hoàng Trác, Lê hoàng Trác.
Người đàn ông gật đầu.
-Đệ là Tiểu Kỷ, Ngô tiểu Kỷ. Sư phụ nhắc đến huynh luôn. Hai ngày trước sư phụ có nói hôm nay hoặc mai huynh sẽ đến.
Người thanh niên tự giới thiệu. Nghe xong Hoàng Trác gật đầu và nghiêm nghị hỏi:
-Đệ sống một mình ở đây bao lâu rồi?
-Hơn hai năm, nơi này chỉ là trạm đón anh chị em. Đệ ngủ cái chòi phía sau. Cái quán này của một người quen cũ đã đi vào Nam. Tuy nhiên chỉ tạm thời. Người quen đệ mới tiếp. Kẻ lạ nó chỉ là cái nhà hoang. Đệ ở trong chòi góc vườn quan sát rất kỹ. Dù mới gặp huynh lần đầu, đệ cũng nghĩ ra huynh là niên trưởng. Vừa rồi trông bộ pháp biết ngay là sư huynh vì sư phụ có mô tả cho đệ biết mà nhận diện.
-Chúng ta đều là học trò một thầy mà chẳng biết mặt nhau. Hoàn cảnh đất nước thật đau lòng!
Hoàng Trác ngậm ngùi nói. Từ khi Trung quốc trở mặt bá quyền nước lớn chiếm hai nhóm đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt nam, không riêng người dân Việt căm hờn phẫn nộ mà cả vùng đông nam Á lẫn thế giới đều lên án tập đoàn cai trị bá quyền Trung quốc. Tuy nhiên nhà cầm quyền Trung quốc giả ngơ, giả điếc và liên tiếp xâm lăng những đảo nhỏ khác của Phi luật Tân, Nam Dương… Cuối cùng những nỗ lực ngoại giao hàng dọc lẫn hàng ngang (song phương và đa phương) đều thất bại Việt nam quyêt định dùng chiến thuật du kích đánh chiếm lại. Nhìn chung rất nhiều bộ phận tham gia cuộc chiến tranh giữ nước này. Tuy nhiên, với chiến lược thâm độc và tinh vi, ngoài việc tuyên truyền trên khắp thế giới rằng mình chỉ có bổn phận bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của mình, Trung quốc đào tạo nhiều lực lượng bí mật cắm sâu vào lãnh thổ Việt nam không chỉ trên phương diện kinh tế, thương mại mà còn tung các toán đặc nhiệm dưới nhiều ngụy thức mục đính dò tìm những tài nguyên quí hiếm cũng như vẽ các bản đồ địa chất Việt nam hầu trong tương lai đất nước ta sơ hở để thôn tính và ngụy tạo bằng chứng những vùng biên giới, đăc biệt bảy tỉnh giáp với Trung quốc.
Tiểu Kỷ đứng lên vì nghe nước reo trong ấm đất. Pha ấm trà xong, anh mang đến bàn sư huynh. Rót trà ra chén tống, một làn hương thơm thoảng qua. Đón tách trà móc câu từ tay sư đệ, Trác đưa tách trà qua mũi ba lần. Gật gù anh nói:
-Trà sao không dưới 7 lần mới có cái hương không hương như thế này.
Dứt lời anh chiêu một ngụm nhỏ. Lắng nghe vị trà tan trong miệng và thấm xuống cổ họng. Trác nói tiếp:
-Đúng như vậy và đây là thứ trà ba lá mà sư phụ rất thích. Huynh có mang về hai lạng đây.
-Anh có tiếng uống rượu giỏi mà thưởng thức trà chẳng kém chút nào. Trà này ba lá ngọn và chính tay đệ sao 8 lần dành cho sư phụ và những người khách đặc biệt. Đi đâu cũng mang trong người.
Tiểu Kỷ nói xong móc túi áo ngực một túi lụa màu mỡ gà, tháo hai lần gút bên trong một gói giấy bạc tròn như nắm tay để lên bàn. Hoàng Trác nâng gói trà trên tay như ước chừng nặng nhẹ rồi thở dài nói:
-Huynh thật sự nóng lòng gặp mặt sư phụ. Tình hình chiến sự miền Trung mỗi ngày một cấp bách. Đám Tàu phù tuy chưa đưa vào mặt trận chính qui nhưng những toán xung kích và tình báo chiến thuật thật nguy hiểm. Chúng nó tài giỏi không kém lực lượng đặc công và tàn ác không thua những thằng oa khấu ngày xưa. Nhưng giết người, hãm hiếp, cướp của là thủ đoạn của đám lưu manh! Anh đã tổ chức nhiều toán vệ binh làng để bảo vệ sau khi nghe tin hàng lọat những đảo nhỏ trong nhóm Nam sa bị hải quân Trung quốc lấn chiếm.
Tiểu Kỷ ngắt lời:
-Huynh định nói đặc khu 17 hay làng mạc của huynh?
-Vừa làng mạc vừa đặc khu. Cứ mười làng lại tạo một đặc khu. Thực ra đặc khu để huấn luyện chiến đấu và phân phối nhân lực về các làng. Nếu chiến tranh bùng nổ đặc khu là hạt nhân có thể tung ra hoặc thu vào theo dạng cánh cung. Nơi nào chưa có chiến tranh đặc khu là khu huấn luyện thuần túy. Đến đâu anh cũng giảng giãi hình thức tổ chức nhờ vào đám học trò dạy được trong hơn mười năm qua.
Hoàng Trác trả lời vừa uống ngụm trà đầu tiên rồi tiếp: “Anh muốn trình bày cho sự phụ biết kỹ thuật chiến đấu của chúng ta quá lạc hậu so với đám giặc Tàu. Hai năm gần đây, tụi xung kích nghiên cứu quyền pháp của Việt nam chúng ta và sáng tạo kỹ thuật chống lại.”
Tiểu Kỷ nghe xong hỏi lại: “Anh nói thế thì kỹ thuật liên hoàn bát đả đã bị phá hay sao?”
- Đúng rồi nhưng anh đã cập nhật tam thập liễu diệp liên hoàn thủ.
- Anh sáng tạo?
- Không có thì giờ tham khảo với sư phụ thế nên anh phải tự sáng tạo vì tình thế cấp bách.
- Cơ bản thế nào?
- Bởi nội công của quyền pháp hoa nam chủ trên cương, nhu, bức, trực, phân, định, thốn, đề, lưu, vận, chế, đính của thiết tuyến quyền nên anh dựa trên bát thủ pháp Vịnh xuân bàng, than, phục, trầm, xuyên, tiêu, thác, đỉnh mà sáng chế tam thập liễu diệp liên hoàn thủ. Ba mươi thế khống chế toàn bộ chiêu thức trực tiếp công thủ trên thượng trung hạ.
- Hay lắm, em hi vọng nay mai sẽ được huấn luyện kỹ thuật này!
- Dĩ nhiên sau khi anh trình lên để thầy cho ý kiến, sau đó nếu thầy đồng ý anh xin thầy chuẩn nhận bài quyền trong khuôn khổ môn phái mình. Có như thế mới phổ biến rộng rãi được.
Tiểu Kỷ tò mò hỏi:
- Trong ngũ hình, bài tam thập liễu diệp liên hoàn thủ chủ con nào?
- Xà hạc, nói chung chủ tốc độ trên nền khí công.
- Như thế không khác quyền pháp Vịnh Xuân hay sao?
- Đúng vậy, Vịnh Xuân quyền của Hoa nam Phật sơn, nhưng anh dùng “gậy ông đập lưng ông” cho họ biết rằng chính phần âm của bát thủ pháp Vịnh Xuân sẽ khống chế toàn bộ quyền pháp Hoa nam nói riêng và Trung hoa nói chung!
- Em không nắm được?
- Khi nào rãnh anh sẽ giải thích cho em hiểu. Thực ra những kẻ luyện quyền năm năm trở lên đều hiểu nguyên lý này.
- Nhưng Vịnh xuân vốn thuộc nội gia mà?
- Dĩ nhiên, nếu không sao gọi nó là Tiểu thái cực được. Do đó luyện công của Vịnh xuân là luyện khí công.
- Khí công không phải một sớm một chiều luyện được làm thế nào mà người dân có thể lĩnh hội và khả thủ bài quyền?
Hoàng Trác gật đầu:
- Đúng như thế trên lý thuyết, nhưng thực tế chủ thực dụng hiểm độc. Phổ vào binh khí chứ không thuần túy quyền lý. Đó là song tô, song xỉ, đoản côn và cầm nã. Riêng cầm nã phải phối hợp kỹ thuật điểm huyệt.
- Điểm huyệt cũng đâu phải dễ học và xử dụng trong điều kiện gấp rút thế này?
- Anh chỉ muốn nói nguyên tắc của các yếu điểm trên tay chân phối hợp bằng kỹ thuật nhâm thần. Phải nói kỹ thuật chiến đấu của chúng ta rút tỉa một phần từ y học cổ truyền. Ngày hôm nay súng đạn chủ yếu giết người mau chóng, nhưng tự vệ chính đáng nhất của anh lại là võ thuật. Dường như đấy là một quan điểm lạc hậu nhưng võ thuật là văn hóa. Chúng ta tự vệ bằng văn hóa của mình để cho bắc phương biết rằng phương nam không thiếu nhân tài và văn hóa phương nam có nét đăc thù riêng của nó.
Tiểu Kỷ thích thú nghe Hoàng Trác nói. Cậu bấy lâu nay cô đơn trong góc vườn này, không ai nói chuyện. Vâng lời thầy đón các huynh đệ đặc khu 21 ngoài Trung vào, nhưng đặc biệt ngưỡng mộ Hoàng Trác. Chả là trưởng tràng đại sư huynh, còn đám sư đệ lom com chưa sạch nước cản, mỗi lần gom về Tiểu Kỷ phải dạy lại căn bản chiến đấu vì hai sư huynh khác Đoàn mộc Châu và Đinh viết Lập không đủ thì giờ huấn luyện cho lớp thanh nhiên đặc khu 21.
Hoàng Trác là vị sư huynh duy nhất văn võ song toàn của môn phái. Anh học võ từ khi lên tám và tốt nghiệp đại học khoa văn Huế lúc 21 tuổi. Lê Hoàng Trác ghi danh học đại học võ thuật bằng cách thi đấu, trường hợp rất hiếm chỉ có nơi người võ thật giỏi để đủ sức hạ 15 huấn luyện viên cấp một trong hai ngày mới có thể bước trực tiếp ngành huấn luyện mà không phải học ngày nào vì chiến tranh Việt Trung trước khi bùng nổ thông qua việc xâm lăng kiểu tằm ăn dâu lãnh hải Việt nam của Trung quốc. Hơn nghìn đảo nhỏ trong cụm Hoàng sa thuộc Việt nam của thế kỷ trước giờ bị xâm lăng theo kiểu du kích và phá hoại di tích lịch sử để cài cắm những chứng cớ giả tạo hầu làm bằng chứng cho cuộc chiến tranh tương lai.
Hải quân Trung quốc cho những toán biệt hải xâm nhập và thanh toán từng cá nhân chiến sĩ đồn trú trên đảo. Họ còn khủng bố tinh thần gia đình chiến sĩ bằng cách bắt cóc hoặc phá hoại những công trình trồng trọt hoặc chăn nuôi trên đảo. Biến cuộc sống bình yên trở thành hổn loạn đầy tính khủng bố vì các toán người quần áo đen trùm mặt tấn công vào ban đêm. Họ thoạt biến thoạt hiện như các bóng ma. Khi bị truy đuổi họ nhảy xuống biển rồi biến mất. Không dấu vết, không một bằng cớ nào chứng tỏ sự hiện diện của họ ngoài việc nạn nhân bị giết hay mất tích.
Sáu tháng đầu năm đại mạc thứ mười bốn, Hoàng Trác theo toán tiền phương ra điều tra và khám phá các nạn nhân chiến đấu với đám người này hầu hết chết vì nội kình. Có nghĩa đám sát thủ Tàu đều là cao thủ nội gia. Đòn đánh hầu hết là phiêu chỉ kỹ thuật cao nhất Vịnh Xuân quyền.
Phiêu chỉ phá nát yết hầu, thái dương, hội chẩm, quan nguyên, đản trung minh chứng họ khủng bố tinh thần dân chúng trên đảo qua cách thức giết người. Họ nghĩ rằng sợ hãi làm người dân sẽ bỏ đảo vào đất liền sau đó tàu Trung quốc sẽ bắt đầu cắm cọc và ngụy tạo bằng chứng. Kiểu này họ làm khắp nơi trên biển đông.
- Họ có thành công hay không?
- Không ai hiểu Tàu bằng Việt nam chúng ta, nếu cần nhượng bộ để lùi một bước sau đó tiến lên hai bước thì chúng ta có lùi cũng chỉ là những lập lại lịch sử để tồn tại. Nếu chúng ta có tạo ra khoảng trống phía sau lưng chúng ta điều ấy tương đương với hiểm địa cho tụi bành trướng Trung quốc. Nó tiến vào để rồi sau đó bỏ xác hay bỏ của mà chạy lấy người. Bên cạnh đó người dân Việt quyết bám trụ, không bỏ đất cha ông dù có chết cũng không sờn lòng. Do đó các chiến binh chúng ta sống lẫn với dân cư trên đảo và tổ chức bảo vệ đảo như bảo vệ làng mạc trên đất liền vậy. Chiến thuật này hữu hiệu vô cùng. Họ đến như bóng qua thì chúng ta nào kém. Nếu cần biến mất rồi tối lại xuất hiện với chiến thuật gậy ông đập lưng ông. Do đó đã hơn ba năm qua mà Trung quốc không làm được gì những cụm đảo mà người dân Việt đã sinh sống hằng bao thế kỷ qua. Dã tâm của họ dần dần bị lột trần trên thế giới và có lẽ việc làm đê tiện này sẽ chấm dứt nay mai, tuy vậy chúng ta lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Tiểu Kỷ mỉm cười gật đầu đồng tình với sư huynh sau đó đứng lên chỉ cho Hoàng Trác chiếc chõng tre phía góc nhà trong bảo:
- Anh có thể nghỉ cho đỡ mệt chiều nay chúng ta đi thăm sư phụ. Nếu anh muốn tắm ra sau vườn có chiếc giếng con tuy cạn nhưng đủ nước để dùng tắm rửa và nấu giặt. Em ra sau vườn thu gọn ít đồ dùng để chiều nay đi về chùa.
Hoàng Trác sau khi rửa mặt xong vào chõng tre nằm chợp mắt chưa đến nữa giờ thì nghe có tiếng thú chạy rầm rập sau vườn. Chồm dậy chạy ra sau anh thấy Tiểu Kỷ đang dựa vào gốc xoài hoang đối diện một con trâu cổ đen mun đang muốn chồm đến húc. Thấy sư huynh, Tiểu Kỷ nói:
- Con trâu cổ điên vô chủ… này rất nguy hiểm. Đã nhiều người chết vì nó húc...
- Cho nó húc vào gốc cây.
Hiểu ý sư huynh Tiểu Kỷ nhào về phía trước như tấn công. Con trâu lùi lại rồi xông lên húc anh. Né nhanh sang phải con trâu mất trớn đâm thẳng vào gốc cây . Chiếc sừng bén ghim vào gốc xoài hoang cổ thụ và nó cố rút ra nhưng không được. Trong khi trâu vùng vẫy làm cây xoài rung rinh như muốn ngã, Hoàng Trác chạy lên phía bên trái đầu trâu cúi xuống chụp chân phải của nó đồng thời nghiêng mình đánh một đòn Thiết Ngưu Canh Địa bằng cùi chỏ phải. Con trâu lật nhào qua phải vặn xéo đầu nghe rắc một tiếng đỗ ầm xuống giãy dụa một chốc rồi nằm im. Tiểu Kỷ nhìn Hoàng Trác phát đòn đánh mà không tin vào mắt mình. Đòn phụng dực này do sư huynh xử dụng nhanh, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả đến độ không tin.
Hoàng Trác nói giọng hơi ngỡ ngàng, vì nghe em nói là trâu hoang anh mới giết nó. Nếu nó là trâu có chủ, chúng ta phải đền tiền và giải thích cho người chủ hiểu.
Tiểu Kỷ chặt một số cành lá cây hoang trong vườn phủ lên con trâu chết nói với Hoàng Trác:
- Anh đừng lo chiều nay em ghé Lộc Sơn nói với những người quen ở đấy lên xẻ thịt. Ba tháng trước con trâu này không biết của ai từ rừng chạy về đây, rồi xuống chân núi húc chết ba người trong làng Long Sơn rồi lại chạy vào rừng. Thanh niên trong làng đã phóng lao vào lưng nó nhưng da nó dày quá nên không ăn thua gì. Bằng đôi sừng dài cong và bén ngót nó từng dí con hổ vào gốc cây sao rồi đâm chết hổ bằng sừng. Có người đi rừng thấy đã mô tả trận đánh kinh khủng ấy vì sức mạnh ghê hồn của nó. Ai cũng muốn giết nó nhưng không được vì con trâu hoang này quá tinh khôn. Bảo vệ làng bắn nó ba lần nhưng nó đều chạy thoát. Hôm nay không có anh có lẽ em cũng chạy mất rồi. Em không ngờ anh giải quyết nhanh lẹ như thế.
- Không có gì ghê gớm lắm đâu. Đó chỉ là thế, mà ông bà mình hay nói thế thần đấy mà. Trong võ thuật phép chiến đấu là đòn thế. Con trâu cổ to làm thế nào mà dùng sức lại nó. Hổ còn phải chết với nó thì anh chỉ lợi dụng đòn đánh căn bản để vật một con trâu song nhờ nó mắc sừng vào thân cây nên dụng đòn đánh lật ngang tất nó phải gảy cổ.
Sau bữa cơm chiều đạm bạc, Hoàng Trác xách tay nải theo Tiểu Kỷ băng rừng vượt hai trái đồi đến một thung lũng. Đứng trên cao trong nắng chiều vàng ươm nhìn khói lam quyện từng mái tranh của xóm làng Long Sơn dưới chân núi, Hoàng Trác bâng khuâng. Anh nhớ câu thơ của thi sĩ Duy Năng thế kỷ trước làm lúc hành quân qua đèo Cả:
Qua đỉnh non cao bốn phương trời bát ngát
Sóng gió hát đưa rừng tím lạnh một màu
Ai mang chiều về nắng ngập lũng sâu
Ta dừng chân nghe mùa thu mới lớn
… rồi những ngày tươi đẹp với Khải Vân ở một xóm chài dưới chân đèo Cả. Lúc bấy giờ hai người lấy nhau được sáu tháng và đặc khu bắt đầu chiến dịch Lùng Giặc. Hoàng Trác và Khải Vân có những ngày hạnh phúc trong suốt thời gian huấn luyện chiến binh đánh du kích đám Tàu xâm nhập duyên hải Khánh hòa vào mùa đông. Thoắt mà đã mười năm. Khải Vân chết trong trận chiến Trường sa trong khi Hoàng Trác đi công tác huấn luyện tận trong Nam. Theo lời kể của Trần An, một chiến binh sống sót trong trận tập kích của một đại đội đặc nhiệm thuộc hải quân Hải Nam vào trung tâm huấn luyện đặc khu 21 trên đảo. Chỉ có hai mươi tám người phải chống cả trăm tên đặc nhiệm này. Trịnh Khải Vân chỉ huy đồng đội dùng súng chống trả đến tận cùng phải đánh cận chiến. Một mình cô giết đến ba tên giặc. Tất cả chết vì tiệt quyền dù tụi tàu giỏi thoái pháp cũng không làm gì được Khải Vân bởi tiệt quyền vốn khắc tinh của thoái pháp. Thoái pháp chỉ hữu hiệu trong tầm đá trong khi tiệt quyền triệt tiêu đòn đá từ gốc. Khải Vân tiệt quyền và nhậ
p nội đánh cùi chỏ phá vỡ đản trung, đứa thứ hai bị lôi oanh chưởng đánh vỡ phổi và tên thứ ba chết vì bị tiêu chỉ phá yết hầu. Trong khi giao chiến Khải Vân bị một tên núp phía sau sân phơi lúa dùng súng bắn vào hông trái. Mất máu quá nhiều cô chết trong đêm đó và được dân làng an táng trên đảo. Hoàng Trác mỗi năm ít nhất một lần ra đảo thăm mộ vợ. Anh dự tính năm tới sẽ bốc mộ thiêu và rãi tro lên biển như ngày nào Khải Vân từng nói với anh.
Trong lúc Tiểu Kỷ vào làng thông báo việc con trâu điên bị giết, Hoàng Trác leo lên cây bằng lăng nhìn ra xa. Hoàng hôn đang xuống dần, mây tháng tám xây thành trên đầu núi. Một vạt rừng bên trái lá nhuốm vàng lấp lánh trong ánh nắng còn sót lại. Xa tít mắt trong vạt rừng ấy dường như vừa phát ra tiếng chuông ngân. Ban đầu âm thanh mơ hồ sau rõ dần như theo gió thu mang đến cho anh một thông điệp. Hoàng Trác nhớ đến sư Ngộ Chiếu, người thầy sáu mươi hai tuổi chỉ điểm võ thuật vừa là người cha tinh thần của anh. Bốn năm chưa gặp lại, lần cuối cùng chia tay thầy trên phá Tam Giang. Thầy Ngộ Chiếu bảo:
- Duyên thầy và con có thế và làm gì con cũng hãy thuận duyên. Không gượng ép, không cưỡng cầu. Kẻ sống thuận duyên thì từ cuộc sống vốn trùng trùng duyên khởi mà ngộ được lý nhân quả mà hiểu lý nhân quả không phải là con đường con đang đi hay sao?
Bốn năm qua Hoàng Trác thấu hiều dần thâm lý nhân quả mà thầy Ngộ Chiếu đã gợi cho anh. Lợi ích tha nhân là mục đích trong tâm anh, lợi ích dân tộc là gánh nặng trên vai anh. Hoàng Trác bước đi mỗi ngày với tâm thanh thản và quyết tâm đấu tranh cho bằng được sự bằng an của người dân qua niềm tin thuận duyên nhân quả ấy. Nghĩ đến việc sắp gặp lại thầy, lòng anh dấy lên một niềm vui.
Tiểu Kỷ đưa sư huynh đi theo con đường mòn luồn trong vạt rừng chồi bên trái. Hai mươi phút sau qua một khúc quanh trong ánh sáng mờ ảo của buổi hoàng hôn trong rừng đã thấy mái chùa Lộc Sơn rêu xanh thấp thoáng.
Trước sân sư Ngộ Chiếu đang lúi húi tỉa hoa trà trong chậu. Hoàng Trác và Tiểu Kỷ đến gần chào thầy. Sư Ngộ Chiếu hỏi:
- Con vào đến đây có trở ngại gì không?
Hoàng Trác lắc đầu và ba thầy trò đi vào hậu liêu. Chùa tuy có ba gian nhỏ nhưng được bao bọc một lớp tường cao. Sân sau chùa khá rộng dùng dạy võ và góc sân bên trái có ba chiếc mộc nhân để tập luyện. Đến gần anh thấy mộc nhân mòn lẵng và trên thân nhiều vết khuyết chứng tỏ được xử dụng hằng ngày. Nếp chùa đơn sơ, mộc mạc. Gian giữa chính điện hai chú tiểu chừng mười tuổi đang thắp đèn và đốt nhang. Hai chú đưa tay chào Tiểu Kỷ và tò mò quan sát Hoàng Trác. Anh cười vẫy tay hỏi thầy:
- Thầy có thêm hai người phụ tá ?
Tiểu Kỷ trả lời thay thầy:
- Hai chú Thiện An, Thiện Bình đến tu đã hai năm. Hai chú đều mồ côi vì cha mẹ chết trong các trận chiến với giặc tàu ở Hòn Khói Khánh Hòa.
Đêm trong rừng tối rất nhanh. Tiểu Kỷ thay thầy đánh chuông. Lần này chuông triệu tập hội họp. Một giờ sau ba mươi học trò từ các làng lân cận đều đến tập họp đông đủ ngoài sân sau. Hai mươi sáu trai và bốn gái. Tất cả không ai quá ba mươi tuổi. Người lớn nhất hai mươi sáu, kẻ trẻ nhất chưa đến mười tám. Sư Ngộ Chiếu giới thiệu Hoàng Trác với đám học trò. Khi anh đến bắt tay từng người ai nấy đều ngẩng cao đầu, ánh mắt sáng rực và gọi anh một tiếng “đại sư huynh” .
Dưới ánh sáng của tám ngọn đuốc dầu thông, Hoàng Trác nói rõ tình hình chiến cuộc phía bắc và các tỉnh duyên hải miền trung. Anh nhấn mạnh đến sự quả cảm của các chiến binh và quyết tâm chống giặc của đồng bào. Tiếp theo phương pháp chiến đấu để chống giặc và nhu cầu chiến trường đối với lực lượng đặc nhiệm do anh huấn luyện. Hoàng Trác miêu tả chi tiết những điều kiện khách quan chiến đấu khắc nghiệt với kẻ thù trên biển và các đảo. Vì là những chiến binh chống giặc xâm nhập nên điều kiện đòi hỏi khả năng cá nhân chiến đấu rất cao. Ví dụ ngoài đơn đả không loại trừ khả năng quần đả vì địch đông người, lúc bấy giờ quyết tâm phải cao và không khoan nhượng với kẻ thù.
Trong khi Hoàng Trác thuyết trình tình hình. Sư Ngộ Chiếu ngồi một góc như đang thiền định. Lúc Hoàng Trác giảng phương pháp tác chiến mới dựa trên đấu pháp “tam thập liễu diệp liên hoàn thủ” sư mới mở mắt quan sát.
Hoàng Trác gọi một sự đệ lên trình bày một thế liên hoàn liễu diệp thủ bằng cách cho tấn công bất kỳ nơi nào trên thân thể mình với tay quyền biến thế tốc độ cực nhanh. Với hai bàn tay anh đã vô hiệu đấu pháp bằng cách diệu biến pháp niêm tay quyền của địch sau khi đã đánh ba yếu điểm địch thủ. Hai bàn tay anh vờn múa mềm mại như giải lụa nhưng nguy hiểm khôn lường. Hoàng Trác giải thích, diệu pháp liên hoàn thủ luôn phong tỏa tay quyền của địch dù địch thủ nâng, đè, kéo, đẩy, chận hay phát đều bị nhốt trong quyền phong và khi phong tỏa tay quyền địch được ta hạ địch thủ dễ dàng.
Sư Ngộ Chiếu đến gần và xử dụng cước pháp xem Hoàng Trác đối phó như thế nào. Anh đã khéo phối hợp thân pháp, bộ pháp và thủ pháp liên hoàn hóa giải vô hiệu đòn đá của sư phụ dễ dàng.
Hoàng Trác đêm ấy đã dạy cho tất cả ba mươi mốt sư đệ đấu pháp liễu diệp liên hoàn. Sư Ngộ Chiếu cho hai chú tiểu mang đến mỗi người một bát chè đậu để ăn sau buổi tập luyện. Sau khi các sư đệ tan hàng lúc năm giờ sáng, Hoàng Trác và Tiểu Kỷ mới ra suối tắm và trở về chùa ngủ bù. Buổi trưa hai người thức dậy đã thấy sư phụ dọn sẵn bửa cơm trưa. Sau bửa cơm Hoàng Trác xin ý kiến sư phụ chấp thuận bài quyền trong giáo án huấn luyện của môn phái Long Sơn và anh bắt đầu viết quyền phổ.
Tuần lễ tiếp theo Hoàng Trác huấn luyện và phân công ba mươi người tháng kế tiếp phải lên đường ra bắc để bổ sung nhân lực các đặc khu. Riêng Tiểu Kỷ lần này theo anh về đặc khu 21. Buổi tối cuối cùng Hoàng Trác và Tiểu Kỷ được đại diện làng Long Sơn mời ra chân núi Lộc Sơn dự buổi lễ mừng công sau vụ mùa thu.
Dưới ánh sáng của các ngọn đuốc dân trong làng nướng những xiên thịt trâu, thịt nai trên đống lửa hồng giữa sân. Rượu nếp đong liên tục vào chén và Hoàng Trác trong đêm ấy phải uống đến mười hai chén đầy như một thượng khách sau khi dân làng biết anh đã giết con trâu điên và là người chiến sĩ chiến đấu trực diện với kẻ thù trên biển. Các thanh niên thiếu nữ trong làng tiếp tục múa hát và sau mỗi một đợt giúp vui họ đều đến mời Hoàng Trác và Tiểu Kỷ uống rượu. Tuy không nói ra nhưng dân trong làng đều ngầm hiểu Hoàng Trác là người huấn luyện số đông thanh niên trong bốn làng quanh chân núi lên đường chống giặc tàu xâm lược.
Cuộc vui quá nửa đêm, Hoàng Trác đứng lên tay trái nâng chén rượu, tay phải chào tất cả mọi người, mã bộ túy bát tiên vừa bước quanh đống lửa vừa ca:
Giang sơn hề, đầu sóng ngọn gió
đất nước hề, gánh nặng trĩu vai
giặc bắc phương hề, dày xéo quê cha
hờn núi sông hề, biển đông dậy sóng
trợn mắt ngẩng cao đầu hề, khạc nhổ vào mặt kẻ thù
tự hỏi lòng tại sao hề, không xứng với cha ông?
ruộng đồng hoang vu gió hiu hắt lạnh, sao lạnh bằng nước mất nhà tan
núi rừng bơ vơ mưa sớm tháng ba, như ai khóc nỗi niềm vong quốc
thân ba thước vung gươm ba thước
chân bước đi tay điểm mặt thù
con thuyền ta, hải đảo ta hề, con tôm con cá nuôi thời cha ông
nước Việt ta, dân Việt ta hề, không bao giờ để mất một tấc núi sông
cành cây ngọn cỏ hề, công lao bao người đi trước
ruộng lúa bờ đê hề, mồ hôi nước mắt tổ tiên
ngày hôm nay nước biển đông hề, không đủ rửa sạch vết nhơ
ta quyết tâm rửa bằng máu quân thù hề, cười vang thiên hạ
ha ha ha, ra đi lửa Đại Việt cháy bỏng trong lòng…
quyết không trở về khi giang sơn chưa tròn một mối.
Hoàng Trác thân thủ túy quyền, ngửa người nâng chén rót hết rượu vào miệng. Ực một miếng, khà một tiếng ném chén lên cao và tung thân người phát “tả hữu hồi cung” dực cước đá nát chén rượu trên không. Rơi xuống theo qui tấn anh chào mọi người và nâng Tiểu Kỷ đang say khướt lên vai theo đường mòn dưới bóng trăng khuya về chùa.
Xế chiều hôm sau, Sư Ngộ Chiếu tiễn huynh đệ Hoàng Trác, Tiểu Kỷ đến chân núi Lộc Sơn rồi chia tay. Nhìn bóng hai người đổ dài theo dốc nắng, sư mỉm cười nói, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” rồi lặng lẽ về chùa. Vào sân, sư Ngộ Chiếu đánh năm tiếng chuông sau đó đi đến chánh điện thắp nhang rồi ngồi xuống thiền định.
Ngoài thung lũng Lộc Sơn nắng vàng óng ả lung linh theo tiếng chuông ngân trong mùa thu đại mạc thứ hai mươi bảy.
|
|