CUỘC ĐẢO CHÍNH TRONG ĐIỆN KREMLIN[1]

Putin và Cơ quan An ninh đã nắm Nhà nước Nga như thế nào


Nina Khrushcheva
Foreign Affairs - May 10, 2022
 
 
 

Russian President Vladimir Putin at a military parade in Moscow, May 2021

Mikhail Metzel / Sputnik Photo Agency

Vào ngày 20 tháng 12 năm 1999, Vladimir Putin phát biểu trước các quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tại trụ sở Lubyanka gần Quảng trường Đỏ của Moscow. Vị Thủ tướng 47 tuổi vừa được bổ nhiệm, người từng mang cấp bậc trung tá trong FSB, đã đến thăm để đánh dấu ngày lễ tôn vinh các cơ quan an ninh Nga. Putin châm biếm: “Nhiệm vụ xâm nhập vào cấp cao nhất của chính phủ đã hoàn tất.”

Các đồng nghiệp cũ của ông ta cười khúc khích. Nhưng trò đùa là ở Nga.

Chưa đầy hai tuần sau, Putin trở thành quyền tổng thống. Ngay từ khi bắt đầu cầm quyền, ông đã nỗ lực củng cố nhà nước để chống lại sự hỗn loạn của chủ nghĩa tư bản thời hậu Xô Viết và quá trình dân chủ hóa không ổn định. Để đạt được mục tiêu đó, ông thấy cần phải nâng cao các cơ sở an ninh quốc gia và đặt các viên chức an ninh trước kia phụ trách những cơ quan quan trọng của chính phủ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phương thức của Putin thay đổi. Càng ngày, cơ chế quan liêu càng thay thế những nhân vật nổi bật vốn thống trị trước đây. Và khi Tổng thống Nga dựa vào các thể chế quan liêu này để củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của mình, quyền lực của họ đã tăng lên so với các cơ quan khác của nhà nước. Nhưng phải đến tháng 2, khi Putin ra lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, rồi sau đó vài ngày đưa quân đội Nga vào Ukraine, bộ máy an ninh mới tiếp quản toàn bộ trở nên rõ ràng.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, hầu hết các bộ phận nhà nước Nga dường như bị bất ngờ bởi quyết tâm xâm lược của Putin, và một số quan chức nổi tiếng thậm chí còn tỏ ra rụt rè đặt câu hỏi về quyết định này. Nhưng trong những tuần kể tiếp theo, chính phủ và xã hội đều xếp hàng phía sau Điện Kremlin. Bất đồng chính kiến giờ đây là một tội ác, và những cá nhân từng nắm quyền ra quyết định - ngay cả khi bị giới hạn - đã tự nhận thấy mình là con tin của các cơ quan có mục đích duy nhất là an ninh và kiểm soát. Thực ra, việc xảy ra là chính FSB đảo chính FSB: Nga từng là một quốc gia mà lực lượng an ninh thống trị, nhưng giờ đây, một bộ máy an ninh quan liêu vô danh tính đã trở thành nhà nước mà Putin là người đứng đầu.

TÀN DƯ CỦA CHEKISTS

Nguồn gốc FSB hiện đại bắt đầu từ cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, khi Ủy ban đặc biệt toàn Nga, còn được gọi là Cheka, truy lùng những kẻ thù của nhà nước Xô Viết mới dưới sự lãnh đạo dữ tợn của Felix Dzerzhinsky. Các lần lặp lại sau đó của nó, Ban Nội chính Nhân dân (NKVD) và Bộ An ninh Nhà nước (MGB), đã phát triển dưới sự cai trị của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và được lãnh đạo nổi tiếng nhất Tướng quân Yionary trong những năm 1930s và Lavrenty Beria trong những năm 1940s và 1950s. KGB trở thành cơ quan an ninh chính của Liên Xô vào năm 1954 dưới thời Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin. Trong thập kỷ tiếp theo, Khrushchev đã mở rộng sự giám sát của Đảng Cộng sản đối với các thể chế quyền lực của nhà nước Liên Xô, hạn chế ảnh hưởng của chúng. Nhưng sau khi Khrushchev bị lật đổ vào năm 1964, Yuri Andropov, người đứng đầu lâu năm của KGB, đã giành lại quyền lực đã mất của tổ chức, đưa hoạt động an ninh lên đỉnh cao quyền lực vào những năm 1970.

Andropov tiếp tục lãnh đạo Liên Xô với tư cách là tổng bí thư Đảng Cộng sản từ năm 1982 đến năm 1984. Ông ta đã nhẫn tâm áp đặt sự kiểm soát về ý thức hệ. Bất kỳ sự “dao động bấp bênh” tư tưởng nào — chẳng hạn như bí mật bất đồng với chính kiến Soviet — đều là cơ sở để truy tố. Một số người bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù hoặc bị đưa vào khu tâm thần để “đào tạo lại”, trong khi những người khác bị buộc phải thay đổi nơi cư trú. Sống ở Moscow vào thời điểm đó, tôi nhớ những cuộc đột kích của cảnh sát để bắt những công dân lười biếng và các sĩ quan KGB mặc thường phục — hoạt động giống như “cảnh sát tư tưởng” Orwellian — bí mật đi lang thang trên các con đường trong thành phố, bắt giữ những người bị tình nghi bỏ ngang công việc hoặc có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Đó là bầu không khí toàn bộ kiểm soát do KGB của Andropov hoàn toàn phụ trách.

Vào cuối những năm 1980, những cải cách do Mikhail Gorbachev, người đứng đầu Liên Xô đưa ra đã nới lỏng sự kìm kẹp của lực lượng an ninh. Perestroika được cho là sẽ đổi mới Liên bang Xô viết - một số học giả thậm chí còn cho rằng Andropov đã nhúng tay vào chương trình này - nhưng nó cuối cùng lại đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhà lãnh đạo Liên Xô cuối cùng đã quay lưng lại với những người chủ KGB của mình, vạch trần tội ác của chủ nghĩa Stalin và tiến hành mở cửa cho phương Tây. Khi Bức màn sắt sụp đổ vào năm 1989 và các quốc gia vệ tinh của Liên Xô ở Đông Âu rời khỏi vùng ảnh hưởng của Moscow, KGB đã chống đối Gorbachev, hai năm sau đó tiến hành một cuộc đảo chính thất bại thúc đẩy nhanh Liên Xô sụp đổ.

Bộ máy an ninh đã bị sĩ nhục - nhưng nó không giải tán. Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô Viết, coi chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải KGB, là thảm họa lớn hơn cả. Ông nghĩ rằng chỉ cần đổi tên KGB thành FSB cũng sẽ thay đổi tổ chức, cho phép nó trở nên nhân từ và ít quyền lực hơn. Đây là suy nghĩ viển vông. Các cơ quan an ninh của Nga truy tìm nguồn gốc của họ từ tận tập đoàn vệ sĩ tàn bạo của Ivan the Terrible, oprichniki, vào thế kỷ XVI và Pháp quan bí mật của Peter Đại đế vào thế kỷ XVIII. Nỗ lực cải cách của Yeltsin không thể dập tắt vĩnh viễn một hệ thống có nguồn gốc lịch sử sâu xa như Khrushchev có thể làm bốn thập kỷ trước đó.

Nga từng là một đất nước bị lực lượng an ninh thống trị, nhưng giờ đây bộ máy an ninh quan liêu đã trở thành nhà nước.

Trên thực tế, các sĩ quan KGB được trang bị tương đối tốt để chịu đựng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản. Đối với các cơ quan an ninh, lời kêu gọi từ thời Xô Viết về một xã hội vô sản vô giai cấp luôn chỉ là một khẩu hiệu; hệ tư tưởng là một công cụ để kiểm soát công chúng và tăng cường sức mạnh bàn tay nhà nước. Các cựu thành viên đã áp dụng phương pháp thực dụng đó khi họ vươn lên những vị trí ưu tú ở nước Nga thời hậu Xô Viết. Như Leonid Shebarshin, một cựu đặc nhiệm cấp cao của KGB giải thích, việc những người được huấn luyện dưới sự chỉ đạo của Andropov cho một cuộc chiến bí mật chống lại kẻ thù bên ngoài và bên trong — NATO, CIA, những người bất đồng chính kiến và phe đối lập chính trị — trở thành Giai cấp tư sản Nga mới. Họ có thể làm việc không theo thời biểu bình thường, thành công trong môi trường thù địch, và sử dụng thẩm vấn, và vận dụng chiến thuật khi được yêu cầu. Họ đã vắt kiệt sức lao động của nhân viên và cấp dưới của họ.

Một người trong số họ, Putin, được các nhà ngoại giao phương Tây ca ngợi là người thực dụng sau khi ông vươn lên từ bóng tối để trở thành tổng thống Nga vào năm 2000. Ngay cả khi đó, ông không giấu giếm ý định thiết lập quyền lực tuyệt đối theo phong cách Andropov, nhanh chóng chuyển sang hạn chế quyền lực các nam tước tư bản đã phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990s suốt nhiệm kỳ điên cuồng của tổng thống Yeltsin. Trong suy nghĩ của Putin, một nhà tài phiệt độc lập nắm quyền kiểm soát các ngành công nghệ chiến lược kiểu như dầu khí, đe dọa sự ổn định quốc gia. Ông đảm bảo rằng các quyết định kinh doanh liên quan đến lợi ích quốc gia được đưa ra bởi một số ít những người đáng tin cậy — được gọi là siloviki, hoặc chi nhánh các cơ quan quân sự và cơ sở an ninh nhà nước. Những cá nhân này trở thành nhà quản lý hoặc người bảo vệ tài sản do nhà nước kiểm soát một cách hiệu quả. Nhiều người đến từ Leningrad, quê hương của Putin (St. Petersburg ngày nay) và hầu hết đã phục vụ cùng với ông trong KGB. Về thành phần của họ, vị trí bao gồm Igor Sechin (Rosneft/dầu hỏa), Sergey Chemezov (Rostec/bảo hiểm y tế) và Alexey Miller (Gazprom/khí đốt), trong khi vấn đề bảo vệ nhà nước được xử lý bởi Nikolai Patrushev (thư ký Hội đồng Bảo an), Alexander Bortnikov (giám đốc của FSB), Sergei Naryshkin (giám đốc Cục Tình báo nước ngoài), và Alexander Bastrykin (người đứng đầu Ủy ban Điều tra), cùng những người khác.

Putin tin chắc rằng việc củng cố “các cơ quan đặc biệt” nhà nước sẽ ngăn chặn được những biến động dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết vào năm 1991. Việc đặt để các cựu đặc nhiệm KGB phụ trách dường như mang lại một số ổn định kinh tế và chính trị. Trong một nỗ lực để duy trì sự ổn định đó, vào năm 2020, Putin đã hành động để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của mình, đề xuất tu chính hiến pháp để hủy bỏ các giới hạn nhiệm kỳ khiến ông phải rời nhiệm sở vào năm 2024.

Kể từ khi được phê chuẩn, những thay đổi trong hiến pháp đã mang lại cho nhà nước quyền lực rộng lớn giải quyết các vấn đề từ COVID-19 đến các cuộc biểu tình hàng loạt ở Belarus cho đến luật sư đối lập người Nga Alexei Navalny trở về Moscow. Như trường hợp của thời Andropov, tất cả các vấn đề đang được điều hành thông qua các cơ quan quản lý trung ương — các tổ chức liên bang giám sát mọi thứ từ thuế đến khoa học (từ nadzor, có nghĩa là “giám sát”, trong nhiều tên tiếng Nga của họ khiến họ dễ dàng nhận ra) . Truy tố hình sự là một chiến thuật ngày càng phổ biến được sử dụng để chống lại những công dân Nga phàn nàn về việc lạm dụng quyền lực, yêu cầu phục vụ tốt hơn hoặc bày tỏ sự ủng hộ Navalny, người bị kết án dựa trên cáo buộc giả tạo về gian lận và các tội danh khác. Một bộ máy trừng phạt kiểm soát siết chặt vòng vây của nó, dẫn đầu bởi Thủ tướng kỹ trị Mikhail Mishustin, một cựu quan chức thuế, và một loạt các nhà quản lý cấp trung trong bộ máy quan liêu của chế độ.

Putin with members of the Security Council in Moscow, February 2022

Sputnik Photo Agency / Reuters

CÚ ĐẢO CHÍNH FSB

Quyết định của Putin công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk, và sau đó tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “phi phát xít hóa” Ukraine, theo kiểu trừng phạt đối với hành vi lệch lạc chính trị: Putin tìm cách trừng phạt cả một quốc gia vì những gì ông ta cho là sự lựa chọn "chống Nga" của họ để phù hợp với phương Tây. Nhưng bên trong nước Nga, các biến cố dẫn đến và theo sau cuộc xâm lược cũng đánh dấu sự hoàn tất của một thay đổi chính trị kéo dài nhiều năm. Họ phơi bày sự suy yếu quyền lực của siloviki, kẻ thống trị thời kỳ đầu Putin — và sự thay thế của họ bằng một bộ máy an ninh và quyền lực quan liêu vô danh tính.

Vào ngày 21 tháng 2, trong một phiên họp của Hội đồng an ninh được phát sóng toàn quốc, những người thân tín nhất của tổng thống dường như hoàn toàn mù tịt về những gì mà sự công nhận của Donetsk và Luhansk sẽ yêu cầu. Naryshkin, thuộc Cơ quan Tình báo Nước ngoài, đã phải lắp bắp nói khi Putin yêu cầu xác định ủng hộ quyết định này. Vào cuối cuộc trao đổi này, Naryshkin dường như đang run lên vì sợ hãi. Ngay cả Patrushev, một người theo chủ nghĩa Chekist bảo thủ cứng rắn, cũng muốn thông báo cho Hoa Kỳ về kế hoạch đưa quân đến Ukraine của Nga - một gợi ý đã không được trả lời.

Đối với một quyết định mà hậu quả là cuộc xâm lược quốc gia láng giềng, điều đáng chú ý là có bao nhiêu cơ quan của nhà nước đã nằm ngoài vòng vận hành. Các cơ chế kinh tế đã bị bất ngờ - khi Elvira Nabiullina, người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga, cố gắng từ chức vào đầu tháng 3, bà được yêu cầu chỉ cần thắt chặt dây an toàn và đối phó với tình hình kinh tế sa sút. Quân đội dường như cũng không biết về toàn bộ kế hoạch và đã dành nhiều tháng di chuyển hàng chục nghìn quân dọc theo biên giới mà không biết liệu họ có được yêu cầu tấn công hay không.

Hoạt động bí mật của Putin thậm chí còn bị che giấu khỏi các hoạt động bí mật khác. Ví dụ như các nhà lãnh đạo của bộ phận FSB chịu trách nhiệm cung cấp thông tin tình báo cho Điện Kremlin về tình hình chính trị của Ukraine hoàn toàn không tin rằng một cuộc xâm lược sẽ xảy ra. Nhiều nhà phân tích đã tự tin lập luận rằng điều đó sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia Nga. Thoải mái khi cho rằng một cuộc tấn công quy mô lớn là điều không cần đề cập đến, các quan chức tiếp tục kể cho Putin câu chuyện mà ông muốn nghe: Người Ukraine là những người anh em Slav sẵn sàng được giải phóng khỏi các tổ chức cộng tác phát xít do đám bù nhìn phương Tây kiểm soát ở Kyiv. Một nguồn tin ở Điện Kremlin nói với tôi rằng nhiều viên chức hiện đang hình dung một thảm họa tương tự như cuộc chiến ở Afghanistan vào những năm 1980, kết thúc trong một cuộc rút quân nhục nhã và giúp đế chế Liên Xô tan rã. Nhưng trong một chính phủ ngày càng trở nên kỹ trị, thể chế hóa và phi cá nhân hóa, những ý kiến như vậy không còn được cho phép.

Khi cuộc xung đột tiếp tục bước sang tháng thứ ba và bằng chứng về tội ác chiến tranh ngày càng gia tăng, hầu hết các quan chức và chính trị gia tiếp tục ủng hộ Putin. Doanh nghiệp lớn phần đông im lặng. Giới ưu tú kinh tế, tách khỏi phương Tây, đã tập hợp lại dưới lá cờ. Mặc dù một số người có thể càu nhàu riêng tư, nhưng rất ít người lên tiếng trước công chúng. Những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi bao gồm tỷ phú nhà công nghiệp Oleg Deripaska, người đã nhiều lần kêu gọi hòa bình; cựu cộng sự của Putin, Anatoly Chubais, được biết đến với việc lãnh đạo quá trình tư nhân hóa của Nga dưới thời Yeltsin, người đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ; nhà tài phiệt và cựu chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, Roman Abramovich, người đã cố gắng tạo điều kiện cho một dàn xếp thương lượng; và doanh nhân Oleg Tinkov, người đã bị buộc phải bán cổ phần của mình trong ngân hàng online Tinkoff cực kỳ thành công, để lấy đồng tiền Nga kopeks sau khi lên tiếng phản đối “chiến dịch quân sự ”.

Putin chưa bao giờ giấu giếm ý định thiết lập quyền lực tuyệt đối.

Phần còn lại của 145 triệu công dân Nga - ngoại trừ hàng chục hoặc có lẽ hàng trăm nghìn người đã chạy ra nước ngoài - cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bị mất quyền truy cập vào các chuyến bay, thương hiệu và hệ thống thanh toán nước ngoài, hầu hết buộc phải chấp nhận rằng cuộc sống của họ gắn liền với Điện Kremlin. Một khởi đầu mạnh mẽ từ những ngày đầu của chiến dịch Ukraine, khi dư luận có thể cảm nhận được như bị sốc và người dân xuống đường bày tỏ tình cảm chống chiến tranh, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 80% hiện nay ủng hộ chiến tranh. Con số thực tế có thể thấp hơn — khi nhà nước thực hiện toàn quyền kiểm soát, mọi người sẽ đưa ra câu trả lời mà chế độ muốn. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện của riêng tôi với người thân và bạn bè trên khắp nước Nga khẳng định rằng việc nói chống chiến tranh ngày càng không được ưa chuộng. Chẳng hạn, một người quen ở thị trấn nghỉ mát Kislovodsk ở Bắc Kavkaz khẳng định rằng Putin cần phải hoàn thành “sứ mệnh‘ phi phát xít hóa ’, chăm sóc Donbas và cho người Mỹ thấy không được lộn xộn với Nga”.

Khi cú sốc qua đi, nỗi sợ hãi đã xuất hiện. Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào giữa tháng 3, Putin khăng khăng rằng các nước phương Tây “sẽ cố gắng đặt cược vào cái gọi là đạo quân thứ năm, vào những kẻ phản bội quốc gia”, ngụ ý rằng tất cả những người chống đối “chiến dịch” của ông đều là những kẻ thù không yêu nước. Các cơ quan an ninh của chính phủ trước đó đã công bố một luật mới: phát tán “thông tin giả” hoặc bất kỳ câu chuyện nào mâu thuẫn với câu chuyện chính thức của Bộ Quốc phòng là tội phạm có thể bị phạt tới 15 năm tù. Các phương tiện truyền thông độc lập đã bị chặn hoặc giải tán, bao gồm báo Novaya Gazeta, đài phát thanh tự do Ekho Moskvy và Dozhd TV, tất cả đều thường xuyên chỉ trích chính phủ cho đến hai tháng trước. New York Times, BBC, CNN, và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác đã thu xếp và rời khỏi đất nước. Kể từ cuối tháng Hai, hơn 16.000 người đã bị giam giữ, trong đó có 400 thanh thiếu niên. Những người đã bị bắt chỉ vì ở gần một cuộc biểu tình. Đối với một người Muscovite, chỉ cần xuất hiện tại Quảng trường Đỏ với bản sao cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy là đủ để bắt giữ.

Trong bầu không khí bị đàn áp toàn diện này, ngay cả những nhân vật chính trị từng có vẻ đưa ra những ý tưởng khác biệt giờ cũng lặp lại những lời lẽ không khoan nhượng của Putin. Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định rằng những lời chỉ trích về chiến dịch này là phản quốc. Ngay cả Naryshkin, một người hoài nghi chủ nghĩa vào tháng Hai, đã tìm thấy chỗ dựa cho cuộc chiến của mình và hiện là con vẹt trung thành ủng hộ đường lối của chính phủ. Mọi người không còn nói bằng tiếng nói của chính họ; cái bóng của chủ nghĩa Putin Chekist giờ đây đã bao trùm toàn bộ đất nước.

NHÀ NƯỚC AN NINH MỚI

Nhà báo kiêm nhà văn Masha Gessen có lần mệnh danh Putin là “người không có khuôn mặt”. Tuy nhiên, ngày nay, ông ta là gương mặt duy nhất, ngồi trên đỉnh cơ quan an ninh quan liêu ẩn danh thực hiện mệnh lệnh của ông ấy. Một cuộc đảo chính khác dù là trong các hành lang của Điện Kremlin hoặc trên các đường phố ở Moscow, không có khả năng xảy ra. Nhóm duy nhất có thể hình dung được tổng thống là FSB, về mặt kỹ thuật vẫn được điều hành bởi siloviki theo chủ nghĩa dân tộc, những người hiểu rằng một số chính sách đối ngoại mềm dẻo là cần thiết cho sự phát triển nội bộ. Nhưng những quan chức như vậy không còn là tương lai của FSB nữa. Đội ngũ kỹ thuật viên an ninh mập mờ hiện đang nắm quyền bị ám ảnh bởi sự kiểm soát toàn diện, bất kể hậu quả quốc gia hay quốc tế.

Lần cuối cùng Điện Kremlin xây dựng một nhà nước kiểm soát hoàn toàn như vậy, dưới sự lãnh đạo của Andropov vào đầu những năm 1980s, mọi chuyện sáng tỏ khi lực lượng an ninh nới lỏng sự kìm kẹp và cho phép cải tổ. Putin biết rõ câu chuyện đó và không có khả năng để xảy ra kết quả tương tự. Và ngay cả khi không có ông ta, hệ thống mà ông xây dựng sẽ vẫn tồn tại, được duy trì bởi nhóm an ninh mới — trừ khi một cuộc khủng hoảng kiểu Afghanistan những năm 1980 ở Ukraine phá hủy tất cả. Với bộ máy quan liêu đang nắm chặt quyền lực này, chủ nghĩa phiêu lưu nước ngoài của Moscow có thể sẽ giảm bớt. Nhưng khi mà cấu trúc này còn duy trì ổn định, Nga sẽ vẫn còn áp bức, cô lập và không tự do.

NINA KHRUSHCHEVA is Professor of International Affairs at the New School.

 
 

Hồ Lạc Hồng dịch

___________________________________________
[1] The Coup in the Kremlin_How Putin and the Security Services captured the Russian State – Nina Khrushcheva Foreign Affairs May 10, 2022