Lối Cũ

 
 
 

Anh đứng tần ngần mãi ở đó. Bến đò ngày xưa giờ là đầu cầu kiên cố được đúc bằng bê tông cao đến tận đầu ngọn tre làng. Dưới chân anh chen chúc những mái tranh mái ngói xám xịt thời gian. Rặng tre xanh um bao đời uốn khúc theo bờ sông Cái giờ xơ xác còi cọc. Anh nhìn xuống con nước xanh trong vắt như tìm lại hình ảnh của thời đã qua. Anh không thấy gì. Giữa sông là cồn cát chỉ nổi lên vào mùa hạ, bây giờ là đám rau muống xanh um nổi bật trên nền cát trắng. Sông kia rày đã nên đồng. Trong trí nhớ cô đọng của anh một quê hương huyền hoặc thời thơ ấu chỉ là nỗi xót xa khi nhìn lại bến cũ, lối mòn, con nước được thay thế bằng lớp bê tông, con đường nhựa, dòng nước cạn lờ đờ dưới chân amh.

Con đường quốc lộ duy nhất này nối liền nam bắc, nó có từ thuở anh chưa hiện diện trên cõi đời này. Mẹ anh sinh ra lớn lên đã đi trên con đường mòn heo hút luồn sâu trong hàng tre xanh um ấy để gánh từng gánh củi đổi gạo mưu sinh những ngày bom đạn. Ông nội anh tự miền Trung xa tít mù nào đó đã khi đi bộ, khi cưỡi ngựa hằng tháng trời trên con đường này khi ông mười tám tuổi để đi tìm đất hứa. Mãnh đất hứa ấy là nơi này, một làng xóm um tùm sau rặng tre xanh, dọc dòng sông Cái hiền hòa xuôi ra biển. Và nhà anh, ngôi nhà to lớn sừng sững nhìn ra quốc lộ đã chứng kiến bao chuyện vật đổi sao dời.

Anh vẫn tần ngần đứng đó. Quê hương sao kỳ lạ, nó thiết tha gọi anh từ những ngày đầu tiên đặt chân lên xứ lạ rồi kéo dài trên những dặm đường đời dong ruỗi để mái đầu xanh giờ điểm bạc, nó vẫn thôi thúc anh trở về bến đò cũ, ngôi nhà xưa, thăm lại hàng xóm láng giềng đã cùng chia xẽ nổi buồn vui của những năm tháng thơ dại ấy. Anh nhìn qua bên kia sông, chùa Hoa Tiên dưới nắng chiều vàng úa, trơ trọi, lẻ loi trên bờ cát trắng. Ngày xưa có bao giờ anh nhìn thấy được mái chùa Làng ấy nhỉ, anh chỉ thấy những rặng cây xanh um đến tối mắt và từ đó thoảng vang tiếng chuông trầm buồn kéo dài lặng lẽ những buổi chiều từ lớp về muộn. Anh cũng đã chìm vào giấc ngủ êm đềm theo cái âm thanh vang vọng của đợt công phu tối. Bây giờ chùa Làng không ai gọi, người ta đã gọi theo cái tên nguyên thủy của nó là chùa Hoa Tiên vừa đẹp vừa huyền hoặc như chuyện cổ tích nào đó anh đã được nghe bà kể trong những ngày đông rét mướt bên nồi bắp rang thơm phức. Anh đã cuộn tròn trong chăn bên con mèo mướp khoanh mình trên chiếc rế mây ám khói lim dim lắng nghe tiếng tí tách của bếp lửa hồng. Anh đã nghe bà kể nhiều về miền đất hứa mà ông nội anh đã một thân một mình dựng nên được một mái nhà, xây một tổ ấm và bây giờ là cái nhà từ đường của giòng họ anh mà con cháu phiêu bạt giang hồ không người trông coi, phải nhờ hàng xóm láng giềng chăm sóc trong những tháng năm vắng chủ.

Anh bước lên thành cầu chậm rãi đi qua bên kia sông. Gió chiều mát rượi mơn man phả lên anh nổi thích thú nhẹ nhàng êm dịu. Bây giờ đã thámg tư, đang bắt đầu vào hạ, gió chiều thường là nồm từ biển thổi vào xua giạt cái oi bức buổi trưa còn sót lại. Anh dừng lại đốt thuốc, dưới chân anh dòng sông của thời thơ ấu trôi lặng lẽ, nó quá nhỏ bé và khiêm tốn so với chiếc cầu dài nửa cây số này. Anh nghe nói lượng nước sông bị lấy đi quá nữa ở đầu nguồn để làm thủy lợi, bây giờ nó chỉ là con suối, con lạch nhỏ và con sông cũ giờ đã nên đồng.

Anh bước xuống dốc cầu thoai thoải đi qua hai dãy nhà mới xây san sát mái ngói đỏ au tường quét màu xanh sậm để đến nhà cô Năm. Anh không thể nào quên được dù đã hơn ba mươi năm. Hai hàng cột trước nhà vuông vức trên đầu cột hai quả cầu tròn, chân cột bát giác ngày xưa anh và Nguyện thường chơi trò cút bắt đuổi nhau chạy quanh hai chiếc cột này. Cô Năm là con nuôi ông nội anh, cô mồ côi cha lúc cô mười tuổi. Mẹ cô tin dị đoan đã tìm cho cô một người cha nuôi và ông nội anh đã nhận cô làm con theo yêu cầu của bà nội vì nhà cô Năm là trạm dừng chân của bà mỗi tháng hai lần trên đường lên chợ quận và mẹ cô là bạn tâm đắc của bà. Cô Năm không nhận ra anh, ngày anh rời quê hương chỉ là đứa trẻ bắt đầu lên bậc trung học. Bây giờ bốn mươi bốn tuổi trở về thì cô Năm của anh ngày nào còn son trẻ bây giờ là một bà cụ tóc trắng phau, hiền hòa ngồi nhai trầu trên chiếc phản mun đen bóng nhìn anh vừa ngỡ ngàng vừa xa lạ. Cô Năm đếm trên đầu ngón tay:

-Ba mươi hai năm rồi cháu ạ! Giờ cô đã sáu mươi bốn tuổi rồi!

Cô nói chuyện huyên thuyên, hỏi anh bao điều những năm anh xa quê cha đất tổ. Có những điều anh không trả lời được vì anh có quá nhiều chuyện trong đời mình đáng quên đi cũng như đáng ghi nhớ. Anh uống từng ngụm trà nóng trầm ngâm nhìn căn nhà hiu quạnh vắng vẻ. Anh vừa hỏi vừa thoáng nhớ lại đôi mắt đen huyền hạt nhãn, má lúm đồng tiền của Nguyện:

— Thế Nguyện đâu rồi để cô bây giờ phải sống một mình?

Cô Năm cười:

— Cháu còn nhớ đến Nguyện sao? Nó bây giờ làm cô giáo dạy học ở Nha Trang, chỉ có ngày chủ nhật mới rãnh về thăm cô. Bây giờ cô sống với người bà con bên ngoại, nó đi làm trên quận chưa về.

Cô vừa têm miếng trầu mới vừa nói tiếp:

— Con Nguyện nó vẫn chưa lập gia đình cháu ạ, cô khuyên nó dễ thường đã hơn hai mươi năm rồi, nhưng nó vẫn cương quyết từ chối bao người dạm hỏi. Nó bảo lấy chồng không chăm sóc cô được, nhưng bây giờ mỗi tháng về thăm bốn ngày chủ nhật, cũng có chăm sóc gì được cho cô đâu!

Anh bùi ngùi nhìn cô rồi nhớ lại những ngày xa xăm ấy. Bấy giờ cô Năm còn trẻ đẹp đến khi lập gia đình sau khi sinh Nguyện thì chiến tranh nổ ra trên mãnh đất êm đềm hiền hòa này. Làng anh bị cháy quá nữa, chồng cô Năm chết trên đường tản cư xuống thành phố. Cô Năm góa bụa tuổi hai lăm và Nguyện mồ côi cha ở tuổi vừa biết đi chập chững. Mãnh đất phù sa màu mỡ dọc dòng sông Cái hiền hòa này đã một thời dung nạp bao điều tang tóc. Cha mẹ anh đã gồng gánh bồng bế chị em anh sáng về ngoại tránh Tây ruồng, tối xuống quận để không bị liên lụy đến người anh em trên núi. Những ngày lửa đạn ấy, chị anh và anh chia hai đầu quang gánh nằm lọt thỏm trong chiếc thúng cái ngủ ngon lành bên tiếng rít,tiếng nổ inh tai của bom đạn. Mẹ anh đã kể tháng ngày sôi động thiếu ăn thiếu uống vì trận đánh nổ ra bất ngờ trên đồng lúa vàng chưa kịp gặt hái. Những đêm tối tháng mười đen kịt, ông nội anh chống xuồng sang sông đến nhà cô Năm mượn gạo. Gia đình cô đã tiếp tế tận tình trong suốt thời gian làng anh bị phong tỏa vì trận đánh. Cô Năm cắt ngang giòng suy nghĩ của anh khi hỏi về chuyện gia đình:

— Cháu bây giờ làm gì, vợ con ra sao ?

Anh trả lời:

— Cháu chưa lập gia đình cô ạ, cháu không đủ khả năng lo lắng cho gia đình trong hoàn cảnh hiện tại thế này.

Anh kể cho cô nghe anh đã sống thế nào trong các trại giam từ Nam chí Bắc và mục đích anh về thăm quê lần này trước chuyến đi xa sắp đến. Bên ngoài cửa sổ, cây tầm ruột ngày xưa giờ cổ thụ, oằn sai những chùm trái vàng óng ả, lấp loáng dưới ánh nắng chiều. Anh còn nhận ra trên thân cây những vết dao xẻ dọc ngang, lồi lõm sù sì của anh ngày trước. Anh và Nguyện đánh đáo, đánh khăn đuổi bắt nhau từ vườn đến tận bờ sông. Rồi những ngày hè oi bức, tiếng ve sầu inh ỏi vang vọng đầu xóm cuối làng theo anh cùng con đò xuôi dọc bờ sông về quê ngoại... Anh bước đến bên cửa sổ, hàng mãng cầu, nọc thanh long quen thuộc của quá khứ cùng niềm vui được mặc quần áo mới tung tăng với Nguyện trong ngày Phật Đản theo xe hoa lên chùa Quận lỵ làm anh choáng ngợp. Anh trả lời cô rằng anh nhớ ngày xưa, nhớ đến cô, đến Nguyện và vô cùng lưu luyến quê hương nên anh mới về đây và được ngồi nói chuyện với cô hôm nay. Anh từ chối bữa cơm chiều của cô lần nữa và từ giã sau khi hẹn sẽ sang thăm cô vào ngày chủ nhật.

Chiều đã xuống sậm màu ngoài bờ sông. Anh theo bờ gạch sau nhà đi ra chùa Làng. Ngôi chùa cổ kính ngày xưa bây giờ hoang phế hơn nữa với màu rêu xám xịt, loang lỗ trên vách chùa. Hoàng hôn xuống thêm từng vạt tối đậm nét trên mặt thềm cũ. Anh chậm rãi bước lên ba bậc tam cấp khoanh hai tay trước ngực nhìn vào hậu liêu. Phải rồi, anh đi từ sau chùa vì chùa Làng quay lưng ra mặt đường, có lẽ vị sáng lập không muốn cảnh đời ô trọc quấy nhiễu thiền môn. Anh theo hông chùa đi dần về phía trứơc cổng. Cổng tam quan màu đá xanh rêu đứng sừng sững trên nền cát trắng, hàng sao xanh và rặng dương liễu xưa kia trứơc chùa bị đẵn tận gốc. Gió thoáng mát từng đợt thổi dọc theo bờ sông, anh nghe đâu đó thoảng mùi hương trầm và bồi hồi nhớ đến khoảng thời gian dài xa xứ. Ba mươi hai năm đã trôi qua, đời người bắt đầu từ chữ A rồi chấm dứt ở chữ Z. Anh bắt đầu ở đây, đã lót giấy viết chữ a vỡ lòng trên hòn gạch vỡ trong những ngày đầu đình chiến và lớn lên theo giòng phù sa bồi đắp đôi bờ. Anh đã được nuôi dưỡng dưới chiếc bóng cổ thụ của ông bà nội và cứng cáp trong vòng tay mẹ cha để biết yêu thương đức hạnh con người và thù ghét cái ác độc cũng của con người. Anh bước vào chánh điện thắp hương đảnh lễ, không có ai trong cái ánh sáng lờ mờ của bốn ngọn đèn dầu ở bốn góc. Anh lặng lẽ ra cổng tam quan đi dọc bờ cát đến đầu cầu về nhà trong cái chập choạng tối của buổi chiều tháng tư.

Tiếng chim chìa vôi đầu chái nhà làm anh thức giấc. Hình như ba con thì phải. Ba giọng hót líu lo ríu rít đuổi nhau như làm vỡ tan cái không khí lắng đọng sớm mai miền quê cũ. Anh lim dim đôi mắt, mơ màng cái cảm giác thân quen của ngày còn bé muốn nằm thêm giây lát để được chìm vào cái lâng lâng khoan khoái bên tai lắng tiếng chim hót trên ô cửa sổ tròn cuối giường ông nội, mãi đến khi tiếng trống đình làng vang vọng anh mới tỉnh giấc hẳn thì bóng nắng đã tràn lên quá nữa chiếu. Ngày xưa chỗ này là giường ông nội anh, nó nhỏ nhắn như vóc dáng của ông nhưng lại đầy tham vọng như ngôi nhà từ đường mà ông cưu mang gia đình. Ông nội anh mồ côi cha mẹ từ thủa bé, ông sống chật vật khó khăn với bà con đến năm mười tám tuổi mới bỏ quê hương đi tìm đất mới. Ông cứ theo hướng nam mà đi. Khi đi bộ, khi cưỡi ngựa, ngày đi đêm nghỉ. Đến đâu có việc làm ông lăn xả vào để kiếm cơm rồi tiếp tục rong đuổi. Ông đi mãi và con đường bắc nam đã dẫn ông đến mãnh đất phù sa tả ngạn sông Cái ông mới dừng chân lại bến đò này. Nếu muốn đi nữa, ông phải qua sông, nhưng nơi này như có duyên có phận với ông nên ông đã chọn một quê hương lần nữa để rồi con cháu ông lần lượt ra đời sau này.

Lúc bấy giờ con đường quốc lộ ấy chỉ là lối mòn hun hút chạy ngoằn ngoèo mãi miết theo hướng bắc nam, lầm lũi nối tiếp nhau từ tỉnh này sang tỉnh nọ, từ làng quê này đến thị trấn kia,vượt qua sông suối núi đồi để dẫn ông nội anh đến cái bến sông vắng vẻ tịch mịch phủ kín tre xanh này. Ông nội anh đã lùi lại đúng ba trăm bước chân rồi quay mặt về phía bên phải cứ thế phát quang dọn đất. Ban ngày làm, đêm mắc võng trên cành cây chay cây bứa mà ngủ. Có những hôm mõi mệt, ông đi ngược lên phía bắc nơi ấy có một xóm nhỏ, ông mua một chai rượu cùng vài người sơ quen uống với nhau giãi buồn. Sau ba tháng làm việc cật lực, ông đã dựng lên được trên mãnh đất một mẫu vuông ấy một căn nhà nhỏ và trồng tỉa được một số cây ăn trái. Bạn bè đầu xóm trên đã giúp đỡ ông nhiều, tình bạn ấy ngày hôm nay vẫn còn được con cháu họ nhắc lại như là những kỷ niệm về một trong những người đầu tiên khai phá và lập nên cái làng Phú Lộc này. Ông nội anh đã nỗ lực dựng xây nhà cửa ban đầu bằng sức lực của đôi bàn tay nhưng cái nghề nghiệp chính mà ông đem tự quê hương vào lại là nghề cẩn khắc xà cừ. Đôi liễn giữa nhà với hai câu:

Trác ngọc ân thành tân mỹ khí.
Đạm kim thích ngộ cựu tri âm.


Đã biểu hiện trung thực một con người, gói trọn đầy đủ cá tính mã thượng phong lưu. Trong trí nhớ của anh, ông nội đã một đời oai hùng như một võ tướng, đôi bàn tay gân guốc như thép từng đấm vỡ sọ một con bò điên hung hãn chạy lạc vào nhà cũng đã sáng tạo nên biết bao tùng hạc, trúc cúc mai lan, cầm kỳ thi tửu... hay cẩn khắc những bức hoành, câu đối óng ánh xà cừ ngũ sắc như cẩn khắc lên cuộc đời nét vẻ vang nghề nghiệp. Ông nội anh có tiếng là người khéo tay nhất trong đám thợ cẩn xà cừ thời bấy giờ, nhưng nổi tiếng hơn cả có lẽ là tính chiêu hiền đãi sĩ. Khi anh bắt đầu hiểu biết, anh còn nhớ không bao giờ nhà anh thiếu khách trừ những khi ông nội anh vắng nhà. Ông kết bạn trên những dặm đường làm việc và phiêu bạt của mình.

Thuở ấy, nghề cẩn khắc không ở cố định một nơi vì phương tiện giao thông vận chyển khó khăn và nghèo nàn. Khó có thể giao thứ hàng nặng nề như liễn, hoành, câu đối làm bằng gỗ quí dễ dàng. Thế nên người đặt hàng phải mời người thợ về nhà nuôi ăn ở, mua tất cả mọi vật liệu cần thiết theo yêu cầu và thường một đôi liễn hoàn tất ít nhất hai cho đến bốn tháng tùy theo nội dung và hình thức của nó. Do tính chất phức tạp đòi hỏi nên tiền công một đôi liễn thường rất cao và những người đặt hàng cũng thường là những kẻ có vai vế và giàu có trong xã hội.

Ông anh đã kể lại, làm một đôi liễn gia đình có thể sống một năm và số vật liệu còn dư có thể làm được một đôi liễn khác. Ông nội anh lưu lạc làm việc khắp nơi, khi miền trong, khi miền ngoài và mỗi lần về nhà lại có thêm bạn mới. Năm ông ba mươi tuổi, trong một chuyến làm liễn ở Ninh Hòa, ông đã gặp một cô hàng nước mồ côi cha mẹ như ông, ông phải lòng và mang về nhà. Người ấy là bà nội anh. Bà hiền thục, chịu đựng cũng như giỏi quán xuyến đã lèo lái đưa gia đình đến chỗ thịnh vượng sau khi đẻ hai người con là bác anh và cha anh. Bà nuôi gia đình bằng cửa hàng xén trên chợ quận, còn tiền bạc ông nội anh mang về chỉ đủ chiêu đãi bạn bè quanh năm suốt tháng.

Năm ông nội anh bốn mươi lăm tuổi, ông làm lại nhà. Căn nhà mới ba gian hai chái được xây bằng gạch, lợp ngói và bề thế nhất làng lúc bấy giờ. Bốn đôi cột mun đen bóng mang bốn đôi liễn làm bằng loại ốc đặc biệt trong đêm tối óng ánh màu ngọc bích, ban ngày thì phản chiếu ngũ sắc rực rỡ khắp nhà. Ngay chính diện, bức hoành phi “Chính Khí đường” phản ánh trung thực cá tính của ông và hôm treo nó lên là ngày bạn bè ông tứ hải hội tụ về để ăn mừng nhà mới. Bà anh kể lại bạn bè của ông anh đủ loại thành phần xã hội, từ miền trong cho đến miền ngoài, cả võ lẫn văn đến hai mươi người hiện diện trong ngày trọng đại ấy. Họ là những kẻ trọng nghĩa khinh tài, không câu nệ tiểu tiết, suốt ba ngày đêm khi uống rượu, ngâm thơ khi đi quyền, múa kiếm dưới gốc mai già giữa sân và ông anh đã chiêu đãi tận tình như Mạnh Thường Quân thời chiến quốc. Hôm ấy ông anh cũng chính thức tuyên bố giải nghệ và dành thời gian còn lại đời mình dạy dỗ hai người con cùng chăm sóc vườn hoa cây cảnh chung quanh nhà.

Bác anh và cha anh là hai thái cực. Bà anh kể rằng, bác anh từ thuở bé đã ham mê võ nghệ, bao người bạn của ông nội giỏi võ là thầy của bác anh, chỉ trong một thời gian ngắn đều chịu thua trước tài ba và năng khiếu đặc biệt của cậu bé mười hai tuổi. Ông nội anh không quản ngại xa xôi tốn kém ra tận miền ngoài rước thầy có tiếng tăm về dạy cho con và đến năm hai mươi tuổi bác anh đã nổi tiếng là một thanh niên giỏi võ nhất vùng. Nếu bác anh hằng đêm miệt mài tập luyện trứơc sân nhà thì cha anh ngồi trong phòng đọc sách. Thầy của cha anh là sách vở, kinh điển. Bất kể ông anh dù khuyên bảo hay la rầy bắt buộc phải theo bác anh tập võ, cha anh cũng chỉ thuộc làu các bài thiệu hơn là đi quyền múa kiếm. Tuy là người theo võ nhưng bác anh tính tình điềm đạm, hiền lành và ngoan ngoãn đã cáng đáng hầu hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà trong khi đó kẻ theo văn là cha anh lại bướng bỉnh nóng tính và rất khó dạy. Ông nội anh thường bảo kẻ đọc sách quyền biến thiên hạ mà tâm không bình, tính không ổn thì tùng văn bất như tùng võ. Suy nghĩ sâu xa, hành động chính chắn, cái mưu lược có chỗ dùng đến thì tùng võ bất như tùng văn. Ông đã có tham vọng đào tạo được hai người con văn võ song toàn nhưng mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên. Cha anh đi ra ngoài vòng kiềm tỏa của gia đình rất sớm, tự ý chọn cho mình một hướng đi và thoát ly gia đình năm ông mười tám tuổi. Cả nhà chỉ còn kỳ vọng vào bác anh, nhưng dù bác anh văn võ tài trí thế nào cũng không thoát được số mệnh. Một trận dịch thương hàn quái ác đã quật ngã bác anh cùng hơn nữa số người trong làng. Năm ấy bác anh hai mươi bốn tuổi và cha anh mười chín tuổi. Hôm đám ma bác anh, cha anh hứa trở về chăm sóc gia đình, từ đó cha anh thường xuyên có mặt ở nhà và thay thế hầu hết mọi công việc trước kia của bác anh.

Bác anh mất đi để lại bao đau buồn cho gia đình và tiếc thương của những người trong làng. Cây mai già trước sân do bác anh bứng gốc từ rừng đem về trồng năm năm trước mùa xuân năm ấy không ra hoa, qua tháng hai nó ủ rũ khác thường. Cha anh đề nghị với ông nội chặt bỏ để đào giếng nước nhưng ông đã phản đối như muốn lưu giữ một kỷ niệm cuối cùng của bác anh. Mãi một hôm cha anh bảo rằng nhiều đêm nằm mộng thấy bác anh về khuyên nên đốn bỏ gốc mai đi để đào giếng vì nơi ấy có một mạch nước ngầm rất tốt ông bà nội mới bằng lòng. Quả nhiên chỉ đào năm thước đã gặp một mạch nước lớn nằm ngay giữa đáy giếng, nó phun rất mạnh và chỉ chốc lát lòng giếng đã tràn ngập nước. Chiếc giếng giữa sân ấy sau đó đã cung cấp nước cho hơn hai mươi gia đình láng giềng suốt bao nhiêu năm trời mà không bao giờ cạn.

Anh bước ra sân đến bên bờ giếng, nắng đã lên cao quá nữa thân cau già. Anh nhìn xuống lòng giếng, nước trong vắt chỉ với tay là múc được. Nước vẫn ngọt mát như ngày xưa từ một cội nguồn mà ba thế hệ nhà anh đã uống. Bao kẻ lữ hành trên con đường vạn dặm trước nhà đã ghé vào đây múc gáo nước giải khát, ngồi dưới bóng mát của cây mít quì đầu ngõ để quên đi bao nhọc mệt. Dậu bạch hạc chen lẫn dâm bụt không người chăm sóc um tùm và hai cây ổi xá lị giờ chỉ còn là hai chiếc gốc trơ trọi cạnh hòn non bộ vỡ nát quá nửa. Không còn dấu vết những cây thủy tùng, trường sinh và hình ảnh sự tích Tây du ký một thời ông nội anh bận bịu chăm sóc. Mãnh đất trước sân nhà ngày ấy rực rỡ bao loại hoa khoe sắc, là mẫu mực của bao vườn hoa trong làng. Anh còn nhớ sáu thứ cúc, năm màu thược dược, rồi hồng nhung, thủy tiên, cẩm chướng cho đến hằng chục lọai hoa vạn thọ, bươm bướm chập chờn trong nắng hè gay gắt quây tròn quanh bốn bụi duối cắt tỉa hình long phụng tranh châu. Bây giờ trước mắt anh chỉ là khoảng đất trống, cây mai tứ quí thay thế cội mai già đứng dựa bờ giậu cô đơn giữa cái khoảng trống ấy như cái khoảng trống trong tâm hồn anh với dăm đóa hoa vàng lạc lõng.

Kỷ niệm về ông bà nội đối với anh như niềm an ủi, nỗi hi vọng thường xuyên tạo bao nghị lực cho anh phấn đấu như chịu đựng suốt những năm tháng tưởng dường như khó khăn nhất đời mình. Quãng đời thơ ấu ấy ví như khúc giao hưởng đồng nội mà ông bà nội anh là những nốt nhạc, những trường canh dài vô tận trong cái ngắn ngủi của đời người mà anh đã trãi qua. Cha anh đi làm xa vì nghề nghiệp, mỗi năm chỉ về nhà một lần vào dịp Tết. Mẹ buôn bán tảo tần chợ quận. Chị em anh là những cây con mềm yếu mỏng manh được ông bà vun trồng nâng niu trong tình thương yêu hạnh phúc nhất mà anh nghĩ không có gì sánh được. Anh nhớ đến tiếng trống chầu dòn dã của ông trong đêm hát bội, những chiếc thẻ tre thưởng tiền màu đỏ mà ông tung lên sân khấu khi Triệu Tử Long vượt bao hiểm nguy đem Á đẩu về cho Lưu Bị. Anh được ông dạy cho biết nghĩa khí con người trong ngày đầu tiên tập võ và bao giềng mối phải có nơi người đàn ông. Những khi ấy ông thường bảo, giá chi bác con còn sống con mới hiểu được những lời ông bảo.

Bác anh vẫn là hình mẫu lý tưởng của gia đình dù ông mất đi đã lâu. Bên cạnh đó cha anh vẫn là chiếc bóng xa xăm không hề được nhắc đến. Sự quên lãng ấy lúc bấy giờ đối với anh là bất công và thật khó hiểu. Đến khi anh trưởng thành, anh mới hiểu được rằng bác anh là mẫu người tài hoa nhưng mệnh bạc và cha anh trước sau vẫn là con ngựa bất kham trong nhà dù sau này con ngựa ấy đã phải kéo chiếc xe gia đình đi khắp mọi nơi và cuối cùng ông đã đến tột đỉnh của sự vinh quang thành đạt.

Nắng lên khá cao và bắt đầu gay gắt. Vài chiếc xe chạy vụt qua và có tiếng trẻ con reo đùa lao xao đầu ngõ. Không khí tỉnh lặng trở lại chỉ còn tiếng trầm buồn của hàng trăm con ve sầu mà chú ý lắm mới nghe thấy. Anh bước vào nhà mặc quần áo rồi theo ngõ sau đi thăm gia đình người láng giềng bao năm chăm sóc nhà anh, khi anh trở về mặt trời đã đứng bóng. Anh mở cửa chính, lau sạch sàn nhà rồi nằm lên nền xi măng mát rượi. Trước mắt anh cây huyền đăng bám đầy màn nhện, ngày xưa ông nội đã phân công anh lau chùi nó vào dịp tết và khi thắp lên trong đêm trừ tịch, cả nhà quây quần lại uống trà ăn mứt gừng để đón giao thừa dưới cái tán ánh sáng tròn đường bệ uy nghi của nó. Anh nhìn lên khung cửa sổ, khoảng trời xanh cao với bao cụm mây trắng nõn lặng lẽ trôi về một góc. Những cụm mây ấy đã từng chuyên chở biết bao ước mơ của anh ngày còn thơ dại đến những vùng đất xa xăm đầy huyền thoại lãng mạn để mình trở thành hiệp sĩ cứu khổn phò nguy hay là chàng nghệ sĩ tài hoa nghèo nàn được làm phò mã. Anh nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, cái khoảnh khắc nhanh chóng ấy là cả một đời người. Đứa bé buổi sáng theo bà lên chợ quận, bà cháu ngồi trong sạp hàng xén của mẹ giữa hàng trăm mặt hàng chen chúc. Mẹ mua cho chén cơm rượu ăn chưa đã thèm, bà cho chén thứ hai rồi thứ ba. Buổi trưa về đến nhà là nằm lăn quay ra ngủ li bì vì say cơm rượu. Anh tưởng dường như mình là cậu bé ngày xưa ấy, mỗi trưa hè nằm giữa nhà nghe gió nồm mơn man giấc ngủ trong tiếng xào xạc của bờ tre sau nhà. Rồi có tiếng con Bi sủa khách, bóng ông nội lom khom trong vườn, bà nội hái rau đầu chái nhà, và cha anh treo bánh pháo trên cành mai vàng trước sân. Đâu đó xa xa mẹ anh đang gánh hàng lên chợ Quận, chị anh bồng em trên tay đang cùng anh chạy theo lối mòn dọc bờ tre xanh sang nhà bác Chín để hái những quả bồ quân nếp đầu mùa chín mọng.

Anh đang đi, về trên lối cũ của đời mình và của đời người. Lối cũ ấy cũng là bao con đường mòn xưa mà ba thế hệ gia đình anh đã đi. Nó là con đường thiên lý trước nhà dẫn ông nội anh đến bến đò năm xưa, nơi ấy cũng đã là nơi dừng chân của bao thế hệ tiền nhân. Cha anh bảo Đức Tả Quân Lê văn Duyệt, quan Đại Thần Phan thanh Giản bao lần dừng chân chờ đò ngang ở cái bến sông ấy những lần từ triều đình Huế trở về và văn miếu làng anh có thiếu gì những bài văn, câu thơ của những bậc tiên hiền, danh nho một thời vang bóng. Anh nghĩ người ta ai cũng muốn một lần trở về lối cũ để hiểu cái sức sống họ đang có xuất phát từ trăm vạn lối mòn đời người trước khi con đường họ đang đi tới trở thành xưa cũ. Anh đang ngủ, đang mơ, đang từng bước trên lối mòn hạnh phúc và có cả bất hạnh của đời mình. Nó giúp anh biết yêu thương và bảo vệ tình cảm của mình trước mọi sự lăm le tước đoạt của người khác. Nhưng nào ai có thể làm được điều đó khi chính bản thân họ cũng cần yêu thương thì việc giết chết những ước vọng của người khác chỉ là điều không tưởng, họ ngày càng xa cách cội nguồn gốc rễ và hạnh phúc của họ nếu có chỉ là thứ hạnh phúc què quặt mù lòa.

Anh sinh ra trên mãnh đất này, đã hít thở không khí đồng nội và được vun trồng khát vọng về một tương lai đẹp đẽ. Gia đình anh dạy cho anh biết đi biết chạy, và quê hương anh chỉ cho anh biết sống như một con người. Chính vì lẽ đó mà vạn nẻo đường đời cũng xuất phát từ một lối cũ. Trở về thăm quê nhà là tìm lại bản thân mình, tắm gội cái thân thể đầy bụi bặm thời gian và ô nhiễm bao thói hư tật xấu. Anh hôm nay trở về sống lại những kỷ niệm ấu thơ chính là muốn sống thêm nữa, và cũng cố thêm nữa cái niềm tin tưởng vào tương lai của mình trước khi tiếp tục cuộc hành trình dang dỡ.

Anh bước ra đầu ngõ mặt trời đã xế bóng. Anh muốn nhìn thấy lại guồng xe nước đã múc nước sông lên con mương lớn trước nhà và dẫn đi tưới cánh đồng lúa chính trãi dài đến chân núi của tứ thôn Đại Điền vào mùa hạ. Anh không thấy gì cả. Con đường trước nhà chắn che tầm mắt, anh phải leo lên mặt đường mới thấy được bao quát quang cảnh quê nhà. Quê hương anh thay đổi quá nhiều trong khi tâm hồn anh lại tưởng dường như ngày còn bé. Nhìn ngược về hướng đông cánh đồng lúa vàng bị những căn nhà rãi rác cắt làm nhiều mãnh nhỏ. Xóm Đạo thấp thoáng sau mái nhà Thờ và rặng dừa xanh bao quanh. Lúc này anh mới thấy được guồng xe nước, trước kia nó có ba guồng bây giờ chỉ còn có một. Ngày trước nó ầm ì chạy suốt ngày đêm, bây giờ nó im lìm bất động và hoang phế. Người ta thay thế nó bằng cổ máy bơm khổng lồ dưới chân cầu với hai đường ống như hai chiếc vòi bạch tuộc góp phần tích cực vào việc vét sạch nước sông và biến sông thành đồng rau muống. Có được máy bơm, người ta không buồn gỡ bỏ guồng xe nước, nó biến thành thứ mộ bia kỷ niệm nằm cuối nghĩa trang làng anh ở phía bên phải con đường. Nơi này là chỗ yên nghĩ của bao thế hệ dân làng, trong đó có mộ bà nội và bác anh. Hiện tại thì bà và bác anh cùng những người trong làng không còn được yên nghĩ. Nghĩa trang được xử dụng vào việc công ích, và bao nhiêu mộ phần phải được bốc đi trong thời hạn một năm. Quá thời hạn ấy, những nấm mộ không được bốc đi được xem là vô chủ và nghĩa trang sẽ bị san bằng bằng xe ủi đất.

Đứng trên mặt đường cao nhìn xuống, nghĩa địa làng bây giờ thật trống trải. Dân làng đã bốc mộ đi gần hết , những hố đất như những hố bom chen lẫn gạch đá, mộ bia cùng những tấm ván thiên chỏng chơ chẳng khác chi một bãi chiến trường. Anh bước xuống cái vùng hỗn độn ấy để tìm mộ bà nội. Bà nằm đây khi anh lên chín tuổi và ông nội anh đã hứa sẽ nằm cạnh bà nhưng dòng đời xô đẩy, ông bây giờ nằm tận miền nam xa lơ xa lắc. Ước muốn của con người lắm lúc thật nhỏ nhoi nhưng không thực hiện được vì đời người tuy ngắn ngủi, chỉ từ a đến z nhưng lại là cả một dòng sông. Mỗi dòng sông có cái nguồn sống riêng của nó. Đã có bao tham vọng con người muốn kiểm soát từ a đến z, muốn bóp nắn đứa trẻ chỉ mới bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ như bóp nắn một cục đất sét hoặc bắt người đã nằm xuống trong nghĩa trang phải ngồi dậy theo sự phân công của tri giác điên rồ. Họ muốn kiểm soát cả trăm triệu dòng sông, nhưng dòng sông nào ai có thể kiểm soát được. Dòng sông nào cũng có cội nguồn và cũng đổ ra đại dương. Mỗi dòng sông tự nó có một cuộc sống riêng tư mãnh liệt mà không một quyền lực nào có thể chi phối được. Dòng sông phải được tôn trọng hơn là xem nó như công cụ để phục vụ cho dã tâm con người. Dẫu cho tham vọng con người có lớn lao bao chăng nữa cũng chỉ là đôi bàn tay, nào che lấp được mặt trời hay tát cạn được đại dương. Họ chỉ ngụy tín và vô vọng.

Trời về chiều không khí bớt dần oi bức. Anh cúi xuống nhổ những bụi cỏ chỉ đan chằng chịt trên mộ bà nội. Chỉ vì đau ốm mà trong hai năm mẹ anh không về chăm sóc, mộ bà và bác anh cỏ mọc um tùm. Anh bước sang trái, mộ bác anh cỏ dại cao phủ đến nữa người, tấm bia chân mộ chìm trong đám cây ngái, cây dành dành khiến anh phải đạp xuống mới nhìn thấy được. Anh bồi hồi nghĩ đến ngày nào tre đã khóc măng. Bà anh đau buồn ủ rũ từ khi bác anh mất đi dù cha anh tìm đủ mọi cách làm cho bà khuây khỏa. Mãi đến khi cha anh lập gia đình, và đám cháu nội ra đời bà mới phần nào quên đi cái chết của người con trai trưởng. Ngày mai anh bốc mộ bà và bác anh đưa về nam rồi bốc mộ ông nội, sau đó đưa tất cả ba lọ cốt vào chùa như ước mơ thuở sinh tiền của ông bà là lúc nào gia đình cũng đoàn tụ. Thực ra, gia đình anh nào đã đoàn tụ được khi mà cuộc sống và hoàn cảnh xã hội đẩy đưa người góc biển kẻ chân trời. Có muốn sống gần nhau cũng không thể nào thực hiện được. Trong sự ly tán đó điều tốt đẹp nhất theo anh nghĩ là cố gắng trở về quê cha đất tổ một lần dù rằng điều đó chỉ là hoài niệm. Bởi chính hành động và suy nghĩ ấy cũng là một thứ đoàn tụ vì theo anh, đoàn tụ mang ý nghĩa trở về. Ông bà nội và bác anh đoàn tụ là trở về cát bụi, hay những dòng sông trở về đại dương là đích điểm mà cũng là khởi điểm để dòng sống không bao giờ gián đoạn.

Những ngày sắp tới anh sẽ đi lại trên con đường làng, thăm cô Năm và Nguyện cùng ngôi trường xưa vì anh muốn nhìn hàng keo, gốc bàng ngày nào anh đã trồng trước khi anh lên đường theo cha mẹ lên cao nguyên. Anh sẽ thăm lại Văn miếu, Đình làng và đi dọc con đường ven sông dưới hàng tre xanh để được thấy hàng phượng vĩ bên kia sông đỏ rực, tai nghe tu hú gọi hè và bầu trời xanh muôn thuở của quê nhà trước lúc ra đi.

 
 

12/1993

Lê Lạc Giao