|
Khi chiến tranh đi qua mọi người như ra khỏi cơn ác mộng nhưng sự thật không phải giản dị và dễ dàng như thế. Bóng tối quá khứ nhuốm đen quãng đời còn lại những người một thời từng là chứng nhân và nạn nhân của cuộc chiến tranh. …
Hậu về thành phố sống trong một căn nhà tồi tàn bên cạnh phố chợ nhỏ. Ngôi nhà gỗ với gác phía trước và dưới sân tầng trệt có một mảnh đất tráng xi măng bằng chiếc chiếu nằm. Chung quanh mảnh đất hình chữ nhật ấy cỏ mọc rải rác. Mỗi chiều Hậu mang hai chiếc ghế con, một chiếc để ngồi và chiếc còn lại làm bàn đặt trên mảnh đất tráng xi măng ấy, anh ngồi uống nửa xị rượu thuốc mắt nhìn về phía chợ như trông ngóng ai. Mỏi mắt Hậu nhìn những ngọn cỏ chung quanh. Anh muốn nói chuyện nhưng như cỏ cây chỉ nói trong thinh lặng và phiền muộn. Ngày lại ngày.
Trước đấy mười năm căn nhà này của anh. Bây giờ vẫn là của anh nhưng anh cứ nghĩ mình thuê mướn nó. Anh không thấy chút gì quen thuộc nơi một thời anh đã sống như chị anh nói. “Phải cố nhớ lại chứ, trong đầu ít ra còn chút kỷ niệm.” Hậu hỏi lại, “Kỷ niệm gì đây?” Chị anh nhắc, “Như cô A. người con gái một thời em yêu, bây giờ cô ở tận bên Mỹ...” Hậu lắc đầu uể oải nói:
-Cô A. là ai, đầu óc nhẹ tênh như mây, nó bay lãng đãng và chỉ có mây mà thôi…
Kiểu nói của Hậu xuất phát từ cơn mơ thường xảy ra vài lần trong tháng. Anh lềnh bềnh trên tầng mây rồi lãng đãng bay đi. Bên dưới một vũng ánh sáng vàng vọt không miêu tả gì rõ rệt ngoài nỗi buồn bàng bạc trong khoảng không gian tàn tạ của buổi hoàng hôn và cảm giác ấy kéo dài suốt cả ngày dù cơn mộng mị đã qua đi…
Phố chợ nơi anh ở bốn giờ chiều hoang vắng lắm. Thành phố này có một thời rộng lớn nhưng từ khi Hậu về nhà khoảng không gian bao la trước kia dường co lại. Cái phố chợ ngày xưa ồn ào nhộn nhịp giờ cũng thu hẹp trong ánh mắt của kẻ đi hoang trở về. Buổi sáng không còn tiếng rao của người bán bánh mì, bánh giò, bánh chưng mà thay vào đó chỉ có tiếng động của bánh xe chở rác nghiến trên mặt đường. Bảy giờ sáng khu phố sau lưng ồn ào dần nhờ những chuyến xe búyt chở công nhân đi làm ngọai thành. Hậu lấy làm lạ cái không khí tĩnh tại của một thành phố một thời ồn ào vì tiếng động. Nhưng anh cũng không nhớ rõ ràng trước kia cái khung cảnh ấy có gì bên trong. Anh từng nghĩ về nó rồi hoang mang như đánh mất một món sở hữu quí giá và bao bọc anh lại có một thứ khoảng trống. Nó không rõ ràng là cái gì nhưng anh cảm nhận như thứ vô vọng bảng lảng chung quanh mình mỗi khi tiếp giáp với nó. Anh uống rượu mỗi chiều với cảm giác lạc loài một nơi xa lạ. Rồi suy nghĩ.
Hậu không hề thấy chút quen thuộc nào trong một không gian mà anh đã sinh ra và trưởng thành. Cha mẹ ở xa anh chưa có dịp tiếp xúc lại nhưng chị em anh người nào cũng lạ lẫm sau khi anh trở về. Chị anh bảo, “em đã là một người khác, em không còn thuộc về quá khứ”. Hậu hỏi lại, “có gì trong quá khứ?” Chị anh im lặng, đôi mắt đăm chiêu rồi chậm rãi nói:
-Quá khứ chỉ có thất vọng và mất mát. Nhưng quên mất quá khứ là điều bất hạnh!
Hậu bao lần tự hỏi, nhớ được quá khứ có thực sự là điều hạnh phúc hay cũng là thứ bất hạnh trá hình. Tuy nhiên nhiều lần cố nhớ lại một cột mốt nào đó trong quãng đời đã qua anh chỉ thấy những khoảng cách tối sáng nhảy múa như trong giấc mơ thường xãy ra khi bị sốt cao. Anh cũng biết mình không bằng lòng về một quãng đường tuổi thơ mà cơn lốc lịch sử đi qua cuốn phăng mọi ước mơ của mình. Có quá nhiểu thay đổi từ ngày anh ra đi trong mùa thu mười năm trước. Hậu hỏi chị anh nhiều lần về sự thay đổi này, chị không trả lời, chỉ nhắc lại nhiều lần câu “cuộc đời đổi thay …” mà không nói thêm tiếng nào nữa. Anh lại suy nghĩ, mình thay đổi, chị anh thay đổi hay cuộc đời này thay đổi? Hậu nói với chị:
- Không cần quá khứ em cũng có thể đi đứng được kia mà!
- Em đi như người mù mang vác một gánh nặng trên vai!
Hậu thầm nghĩ chị anh nói đúng, không phải chính anh đang mò mẫm từng bước trên quãng đường điêu linh này hay sao? Thà anh bắt đầu như một đứa trẻ tập đi rồi sẽ đi, chạy được, còn bây giờ anh mang vác trên lưng thứ hành trang quá khứ không hình thù, không xuất xứ thì quãng đường gập ghềnh dưới chân không khéo đưa anh đến hố thẳm tuyệt vọng.
Buổi sáng Hậu ngồi uống trà một mình ở mái hiên sân nhà, nhìn vẻ tự tin của người kéo xe rác thấy lạ lùng. Lắm khi nhìn lại mình anh có cảm giác rụt rè, nhỏ bé trước dáng hiên ngang của người quét đường đi lại trước con phố mỗi sáng. Những cô gái mặc áo bà ba xanh, đen đi ngang nhà nhìn anh rồi nhìn xuống đất như cố hồi tưởng điều gì đó. Anh cũng thế, có cảm giác vừa quen thuộc vừa xa lạ trong ánh mắt của những cô gái và anh cũng cúi đầu như tìm vật gì đó vừa biến mất trên mặt đất. Anh thất vọng! Hình như chung quanh anh ai cũng thất vọng khi cố tìm chút quen thuộc từ một chốn lãng quên.
Buổi chiều khi nhìn về góc phố lạnh lẽo Hậu cũng không biết mình trông đợi gì mỗi lần ánh nắng vàng rớt xuống góc phố và nhanh chóng biến mất. Hậu vừa nhớ vừa quên một vùng ánh sáng mơ hồ huyền ảo và những buổi chiều ấy anh đã nghe tiếng hát của người khách trọ bên kia đường.
Khi ông ta đến ở căn gác bên kia thì Hậu đã trở về thành phố hai năm. Người đàn ông khoảng năm mươi gầy guộc với mái tóc muối tiêu dài chấm vai mỗi chiều ngồi trên bao lơn lầu một bên kia đường hát một bi khúc kể lể bằng tiếng phổ thông. Hậu vừa uống rượu vừa lắng nghe.
Có một thời ta lên rừng, lang thang tìm tuổi thơ.
Ngày xanh như lá cây, đời như nắng sáng
Bỏ ta đi một thời thơ ấu, mòn bước chân ta đi về nguồn
Ta tìm ta một thuở trưởng thành
Mù sương nhòa trí nhớ, nắng chiều phai tóc xanh
Nhớ tình yêu ta về tìm tuổi trẻ
Bỏ ta đi một thân xác hao gầy
Người mang đời ta lên rừng, xuống biển
Gieo trong gió dữ những oan khiên…
Hậu say men rượu. Tiếng hát khản đục của người khách trú cất lên anh nghe lòng tan vỡ và những mảnh vỡ ấy cuộn trong cơn lốc quá khứ tung lên cao, thấp thoáng bóng dáng hạnh phúc rồi đau đớn chia lìa cuối cùng biến thành những gợn sóng âm ỉ trong hồn anh. Vài ngày sau hỏi thăm mới biết ông ta cũng mới trở về sau những năm dài lên núi lãng quên. Điều này nhắc nhở Hậu kỷ niệm duy nhất: một thời vàng úa điêu linh để rồi anh thường đến viện bảo tàng ký ức thành phố tìm lại mình. Ở đó nhiều người như Hậu: họ còn thân xác nhưng mất một phần trí nhớ, và cùng đến nơi bày cổ vật với hi vọng tìm thấy ký ức của mình qua đống đồ vật quen thuộc một thời.
Thứ hai tuần rồi Hậu gặp gã đàn ông ngồi hát mỗi chiều trước nhà anh tại viện bảo tàng ký ức thành phố. Hậu thấy anh ta đang đứng nhìn chăm chú chiếc chân giả bằng cao su cứng. Hậu nghe anh ta lầm thầm như cầu kinh. Rồi đôi mắt xa xăm. Hậu hỏi “anh thấy gì?” Giật mình quay lại, anh ta mỉm cười rồi nhăn mặt nói, “cái chân của tôi!” Hậu nhìn xuống chân anh ta, hai chân bình thường và không có dấu hiệu tàn phế.
“Anh nào mất chân?” Hậu nói. Giọng gã cất lên buồn rầu , “cái chân ba mươi năm mà!” Đưa tay chỉ cho Hậu thấy cái chân thứ hai bằng gỗ nằm nghiêng trên một đống sách bỏ túi, gã nói:
- Tôi tìm cái chân ấy mười hai năm rồi, anh nhìn kìa. Cái chân tôi mất là chân đi, còn chân tôi đang đi là chân về. Chân về không phải của tôi. Anh có mất gì không?
Hậu không trả lời vì mãi chăm chú nhìn đống sách. Anh ngờ mình vừa thấy lại một cái gì đó thật thân quen. Cảm giác thoáng qua rồi biến mất. Hậu lại nhìn xuống chân mình như kiểm chứng chiếc chân gỗ trước mặt không phải của anh và một lần nữa nhìn sang chân của người đàn ông bên cạnh như để xác định anh ta có thực sự mất chân hay không? Anh thất vọng vì người khách trú mặt quần dài với cả hai chân mang giày. Có thể anh ta đang mang một chân giả. Còn chiếc chân trên quầy là chiếc chân của anh ta đã mất trong chiến tranh. Nhưng Hậu nhớ anh ta không hề đi khập khiễng kia mà! Trong buổi hoàng hôn khu phố, chiếc bóng gã đàn ông cúi đầu bước về phía chợ đỗ dài trên đường thêm nét ảm đạm. Gã đã miêu tả xong một phần số mệnh và bây giờ lê tấm thân về một nẻo đường xa. Hậu nghĩ lan man về gã và về mình. Gã đi như ta từng đi, gã hát như ta tâm sự với đất trởi tự thuở hồng hoang! Thuở hồng hoang ấy chỉ có rừng cây xơ xác, những con dốc mùa đông nhầy nhụa, mùa hè bụi nóng và những cơn gió hoang nam Lào cháy bỏng thịt da. Rồi những động đá xám thời tiền sử, thạch nhủ rũ xuống khe nước như những bàn tay ma, đám khỉ lông vàng cười nhăn nhở cùng anh chia những củ khoai mài nướng thỉnh thoảng vổ ngực chí chóe như nhắc nhở Hậu phải công bình trong việc chia chác thức ăn.
Hậu nhớ từng phần thời điêu linh của mình. Nó là phần quá khứ bị ngắt quãng. Hậu không biết bằt đầu từ lúc nào nếu có người yêu cầu anh kể. Anh nhớ một vầng ánh sáng xa xăm hui hút, ở đó chỉ một bóng anh sáng lên trong bóng tối của những hang động màu xám đen trên núi cao. Từng đêm anh nghe tiếng thác đổ, voi rừng kêu trên nền gió lạnh thế kỷ. Hậu nhớ anh hai mươi sáu tuổi và chiếc bóng của mình ở tuổi mười hai rồi chấm dứt. Bóng dáng cậu học trò tỉnh lẻ đạp xe đạp đến trường là niềm hạnh phúc quá khứ và hạnh phúc ấy không bù nổi bất hạnh lúc bấy giờ như cơn đói khát trên rừng không kinh khủng bằng nỗi cô đơn sừng sững như núi cao trong tâm hồn của thời thanh niên. Hậu nói với bóng mình hằng đêm để xác định mình còn sống thật chứ không phải từ một cơn mơ của thời chiến tranh trước kia.
Đưa tay lật đống sách trước mặt, Hậu thấy một quyển sách quen. Quyển Le Gai Savoir của Nietzsche. Loại sách bỏ túi tiếng Pháp. Anh nhớ nhà sách Liên Châu và bộ sách Nietzsche của nhà Minuit. Rồi đứt quãng trí nhớ. Anh chỉ biết mình từng có những quyển sách như thế cùng nổi thèm khát đọc sách ngày đêm. Kostas Axelos. Ngày ấy, thuở ấy… Chỉ thấy những mảng bóng tối lốm đốm, những đọan sáng tối đứt quãng. Chịu thua không cố gắng hơn được. Quay sang anh bạn khách trú, Hậu hỏi:
- Anh nhớ được gì, tôi chịu thua. Tôi tên Hậu ở trước nhà anh đấy. Đường B. chung cư X. Tôi nghe anh hát mỗi chiều.
Người khách trú chăm chú nhìn anh như dò xét rồi đưa tay ra bắt. Hậu cảm lòng chân thành trong nắm tay và cảm giác an ủi của người cùng cảnh ngộ. Người khách trú nói:
- Tôi là Pó, Trần Pó. Gọi tôi a Pó cho tiện. Tôi mất một cái chân lâu lắm rồi. Từ thuở tôi còn vợ con. Bây giờ một mình.
Không nói thêm, a Pó nhìn ra ngoài cửa. Hậu đặt quyển sách xuống sau khi lật ba tờ đầu tiên. Anh muốn tìm chữ ký của mình, một thói quen hồi học đại học mà anh còn nhớ. Mua sách trước tiên ký tên và viết ngày mua lên trang đầu tiên.
Dẫu không là quyển sách của mình, Hậu nhớ lại được vài thói quen ngày trước. Những tập quán tuổi trẻ và tuổi trẻ của anh một thời gắn liền với tiếng động bên ngoài và nỗi háo hức bên trong! Đó là nhiệt tình sôi nỗi và trên cái nền rong rêu ký ức ấy bám rễ những ước mơ không hình thù rõ rệt. Quay sang a Pó, Hậu hỏi:
- Anh có từng lên rừng sau chiến tranh?
- Mười năm, từ mùa thu năm đại mạc. Tôi ở suối Tiên sáu năm và thung lũng bò đen bốn năm.
A Pó trả lời khuôn mặt nhác vẻ hoang mang. Hậu đến gần đưa tay khoác vai anh ta ôn tồn nói:
- Tôi ở núi Dài ba năm, hai năm trại Khỉ và ba năm sau cùng trôi dạt đến rừng Dó. Tôi tưởng mình quên nó nhưng những tuần lễ vừa qua nghe anh hát tôi nhớ lại rất nhiều. Chúng ra ra quán uống ly café nói chuyện.
Hậu kéo a Pó ra quán café lề đường trước viện bảo tàng. Hai người hai tách café đen đậm và ngồi dựa lưng vào vách tường xám nhìn vỏ hai quả bom sáng bóng treo trước cổng tòa nhà chính của viện bảo tàng vốn là biểu tượng một thời chiến tranh và khi treo nó lên hội đồng thành phố đồng ý mỗi chiều thứ hai lúc sáu giờ đánh lên mười tiếng như tiếng chuông hòa bình nhắc mọi người nhớ đến những kẻ đã chết vì bom đạn. Hậu chép miệng nói người bạn mới quen:
- Những ngày mới về nghe tiếng kẻng bom này tối không ngủ được. Nó làm tôi nhớ tới những tiếng ngân vang ám ảnh trong thời kỳ núi Dài.
- Tôi có khác gì anh. Chúng ta đã từng đi chung một đoạn đường!
A Pó vừa nói vừa cho đường rất nhiều vào ly trong khi Hậu uống café không đường. A Pó hỏi:
- Anh nhớ gì khi nghe tôi hát.
- Trước kia tôi hay đi tìm thứ mình mất dù tôi không biết mình mất cái gì? Sau khi nghe anh hát tôi dần dần nhớ lại trong những thứ mình mất có đam mê, có tuổi trẻ… Nhưng bây giờ chúng ta đâu còn tuổi trẻ! Cả một chút đam mê cũng không có. Dẫu lớn tuổi nhưng đam mê nào có già bao giờ, phải không anh? Đam mê bỏ tôi đi, tuổi trẻ lại là cơn mộng dữ! Tôi lan man trong vô định, vô tình. Chỉ khi anh hát tôi nhớ tôi như đang đi trên con đường mòn quen thuộc với những bụi cây, khóm cỏ hai bên đường. Nó không là gì rõ rệt nhưng tôi còn thấy tôi hiện diện trong một cảnh đời quen vừa là mình vừa là khách của một thời điêu linh thăm thẳm… Bài anh thường hát do anh sáng tác?
- Đúng, bài thơ những năm tháng trên ngàn. Nhiều người hỏi tên bài hát tôi chỉ nói đó là bài mùa thu lá bay!
- Tại sao?
- Vì tôi rời bỏ gia đình mùa thu năm đại mạc. Và khi tôi trở về thì cơn hồng thủy mười năm trước đã giết tất cả vợ con tôi.
- Tôi hiểu, nếu tôi và anh có trở về nhà năm ấy, hai ta cũng đã chìm sâu …vào cơn hồng thủy lãng quên!
A Pó và Hậu im lặng đăm chiêu cùng nhớ một thời mà hai người không quen nhưng lại cùng chia xẽ một định mệnh. Hậu nói:
- Tôi nghe anh hát như thấy lại mình. Có lẽ những năm sau chiến tranh thân phận chúng ta giống nhau. Anh lên rừng tháng nào của năm đại mạc?
- Cuối tháng tám. Tôi đi bỏ lại vợ con vì trong thời kỳ chiến tranh tôi làm việc ở bộ sắc tộc mười năm. Khi tàn cuộc chiến tôi mất khả năng đối thoại và di chuyển. Có lẽ anh thắc mắc lý do gì mà tôi xem như tàn phế khi đất nước vãn hồi hòa bình?
- Đúng như vậy.
- Đơn giản thôi. Trong chiến tranh tôi phải đi và nói chuyện quá nhiều. Người ta bảo rằng đấy là tuyên truyển, nhưng với tôi không phải. Tuyên truyền là nói dối hoàn toàn hoặc nói dối từng phần bằng cách dựa vào một số sự thật để bóp méo sự thật. Mười năm làm việc, tôi nói thật, không có chút nào lừa bịp cả…
Hậu ngắt lời a Pó:
- Anh nói cái gì ?
- Tôi nói sự thật cuộc chiến tranh và hậu quả ghê tởm của nó. Tôi nói mãi cho đến khi hòa bình vãn hồi thì người ta bảo rằng tôi tuyên truyền. Tôi không đồng ý và nói rằng những điều tôi nói giá trị ngang với một nền hòa bình công chính. Người ta lại không hiểu cho rằng tôi tuyên truyền quá nhiều nên bị hủy hoại tâm thần. Họ bảo bất kỳ nền hòa bình nào sau chiến tranh cũng là nền hòa bình công chính. Tôi bảo nói như thế mới là tuyên truyền thì được đề nghị đi chữa bệnh. Tôi có hai chọn lựa một vào bệnh viện hai lên rừng để chữa trị căn bệnh tâm thần của mình. Tuy không chấp nhận lý luận ấy nhưng tôi cho rằng mình đã bị tàn phế một phần thân thể sau chiến tranh và chấp nhận lên rừng với hi vọng có thể thấy lại một quê hương an bình cũng như nghe lại hòa âm tuổi thơ đã mất. Tôi ra đi hoàn toàn bằng hi vọng. Đôi chân tôi hăng hái bước trên hi vọng và suốt mười năm trên rừng hi vọng dần dần ra đi để rồi cuối cùng tôi lê từng bước trên hoài nghi vì niềm tin không còn nữa!
- Tại sao anh không lựa chọn bệnh viện mà lại lên rừng?
- Tôi vốn yêu thích và tin rằng rừng núi có thể giúp tôi hồi phục căn bệnh thời chiến tranh. Bệnh viện với tôi không giúp ích gì ngoài khả năng làm người ta nghi ngờ chính bản thân mình. Tôi chỉ có một ý niệm công chính duy nhất của một nền hòa bình.
A Pó im lặng, đôi mắt xa xăm như nhớ lại một thời đã qua. Hậu nói:
- Chiến tranh đã xóa đi quê hương thực sự mỗi người bù vào đó trong tâm hồn chúng ta lại được dựng lên một hình ảnh quê nhà tan rã cùng một tâm trạng lưu đày trên chính xứ sở của mình. Dù nhỏ tuổi hơn anh và tham dự vào cuộc chiến tranh chỉ có ba năm nhưng trước khi bước vào guồng máy ấy, tôi và bạn bè cùng tuổi đã thương tật một phần trí não.
- Thương tật thế nào?
- Mất ngủ, thường không biết mình muốn gì và thù ghét tôn giáo. Trong đám đông tôi thường đã kích tôn giáo bất kể lý do gì. Có những cơn giận dữ bất ngờ và tuyệt vọng. Tôi không còn tin vào bất cứ ai. Trong suốt thời kỳ chiến tranh tôi đã bị kỷ luật nhiều lần và hai lần tự tử nhưng được cứu sống.
Ngày ấy tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng chủ nhật, tiếng chuông chùa trong mùa Phật đản. Tiếng chuông vừa mỉa mai vừa xa lạ, âm thanh sắc nhọn cất lên như kẻm gai cứa vào da thịt. Bật máu, đau đớn, tiếng chuông tra tấn linh hồn Hậu, giam hãm tâm hồn anh trong bóng tối nghiệt ngã của những đối nghịch tuyệt vọng. Đêm cao nguyên tiếng chuông chùa và nhà thờ chen lẫn tiếng bom đạn và cầu kinh cho hòa bình là điệp khúc của bản trường ca địa ngục. Rồi những đống xác chết sình thối trong công viên mà tiếng ruồi nhặng như thứ âm thanh ma quái của thời tiền sử. Anh không còn tin vào chính anh khi mà chiến tranh cứ theo đuổi anh trong từng góc cạnh cuộc đời với những miêu tả vừa thực tế vừa mộng mị như thế!
***
Trời hãy còn tối đen và hầu như mọi thứ trên cõi đời lúc bấy giờ hãy còn nằm trong bóng đêm; chỉ có chút ánh sáng lờ mờ trên đất nước tang thương này khi mọi người đều bảo chiến tranh đã chấm dứt. Không lý do gì phải đổ máu thêm nữa. Tự do, dân chủ vãn hồi trong khi hòa bình là điều mà ai ai cũng cho là sự thật sau hai mươi năm chém giết lẫn nhau. Cái ánh sáng lờ mờ ấy tuy không thực sự soi tỏ con đường đi đến đâu nhưng lúc bấy giờ trong tâm tưởng mọi người nó không khác ánh hào quang lộng lẫy của một thiên đường trước mắt những kẻ mà cả đời dường như chỉ sống trong bóng tối bạo tàn chiến tranh.
Hai ngày trước khi rời bỏ thành phố, Hậu bỏ những bài thơ của mình vào chiếc hộp sắt và chôn nó xuống sân sau như chôn quá khứ của mình. Lúc lấp đất anh cảm tưởng mình đang chôn tuổi trẻ và nghĩ chính mình nằm co ro trong lòng đất lạnh khiến anh lại muốn đào nó lên. Cứ như thế, anh ngồi ngay ngôi mộ tuổi trẻ của mình suốt buổi chiều. Khi dứt khoát ý định. Hậu vào nhà và chuẩn bị hành trang.
Trung tuần tháng tám Hậu đến công viên trung tâm nghe những người lãnh đạo đất nước nói chuyện. Người ta nói rất nhiều về một tương lai rực rỡ của đất nước nhưng Hậu chỉ chú ý có câu “hãy thổi bùng lòng yêu nước cho thành lửa ngọn…” và một tháng rưỡi sau với ngọn lửa yêu nước ấy dẫn đường Hậu ra đi.
Hậu hăm hở mang balô ra đi như đáp ứng lời kêu gọi sông núi. Trên con đường anh đi, Hậu nhìn ngắm không chán mắt đồi núi chập chùng trước mặt. Anh không có cảm giác sợ hãi hay tiếc nuối như trước kia. Chỉ có hòa bình người ta mới thấy núi sông và đất nước. Hậu tự nhủ như thế. Trước đó ai cũng có núi sông nhưng là núi sông của phe nhóm và chiến tranh đã làm cho núi sông bạc màu xơ xác với nhiều tên gọi khác nhau. Người ta chỉ thấy núi sông trong những cơn ác mộng và lúc ấy sông núi là nỗi phiền muộn con người. Làm thế nào để biết đâu là núi sông thực sự? Những đêm dài trên núi trằn trọc không ngủ được, Hậu hỏi vị tù trưởng bộ lạc núi Dài. Gã đàn ông to lớn râu ria xồm xoàm như con khỉ đột ngồi uống trà buồm trước đống lửa to giữa nhà trả lời:
- Anh chỉ biết sông núi thật sự khi anh đã mất sông núi vì lúc còn nó anh chưa bao giờ thật sự xem nó là sông núi ngược lại xem nó như thứ nô lệ, thứ tài sản để bóc lột không tiếc thương. Anh chưa bao giờ thấy nó là xương máu tổ tiên thế nên người ta đã lợi dụng nó rồi vùi dập, tàn phá nó. Thậm chí có kẻ cho thuê mướn, cầm cố nó như thứ sở hữu của riêng mình. Thường những kẻ làm điều đó họ sống cuộc đời nô dịch trong cái ảo tưởng tự do.
- Thế các anh có còn sông núi hay không?
- Sông núi với chúng tôi là một. Không có ý niệm riêng lẽ phạm trù giữa chúng tôi và sông núi. Rừng núi, đất đai và chúng tôi là một thực thể duy nhất. Bởi thế dù chúng tôi có chết sông núi sẽ chuyển giao cho thế hệ con cháu và bổn phận của chúng nó tiếp tục bảo vệ núi sông vì cha mẹ ông bà đã hóa thân vào thứ di sản muôn đời này.
Hậu phần nào hiểu ý của Rchôm Grư, vị tù trưởng cao ngạo này những ngày cùng ông ta phát rẫy làm đất trên rừng. Hậu nhớ hôm gặp Grư lần đầu anh chưa kịp tự giới thiệu ông ta đã hỏi:
- Anh lên trên rừng làm gì khi mà chiến tranh đã chấm dứt? Hòa bình vãn hồi thì những kẻ đấu tranh cho hòa bình không còn lý do gì ở trên núi nữa. Mọi người xuống núi để xây dựng đất nước và các anh dù thắng hay bại đi nữa bây giờ đứng chung trên một mảnh đất. Nếu cùng đứng trên một quê hương thì không còn phe này hay phe kia nữa, lên đây tìm cái gì bây giờ? Chẳng lẽ chưa có hòa bình thực sự hay sao?
- Hòa bình thực sự rồi vì ngày hôm nay người ta đã bắt đầu lên án những quả mìn, bom còn sót lại thời chiến tranh!
Nghe Hậu nói, Grư tròn mắt ngạc nhiên rồi chỉ vào ngực nói:
- Hòa bình ở đây và chiến tranh cũng tại chỗ này. Bom mìn nào tạo ra chiến tranh mà lên án. Kẻ phải lên án là các anh, những con người làm nên chiến tranh. Chiến tranh còn hay mất nào phải do bom mìn cũng như hòa bình chưa phải từ khát vọng con người chân chính làm nên mà chỉ do một nhóm người tham vọng điều khiển. Hòa bình thực sự ở trong giấc mơ mà thôi.
- Anh không tin nền hòa bình trước mặt hay sao?
Hậu hỏi lại, gã tù trưởng rít một hơi thuốc lào rồi nói:
- Nói cho vui, tôi chỉ tin rừng núi. Đấy là thứ hòa bình chân chính. Thế nên không bao giờ tôi muốn xuống thị thành. Không phải tôi không tin cái không khí rộn ràng tấp nập miền kinh nhưng khi tôi muốn tin rằng có những nền văn minh và văn hóa đáng cho mình tham dự thì đồng thời tôi mất đi sự an ổn tự nhiên tâm hồn.
Hậu ngạc nhiên, không thể tin rằng con người rừng núi như Rchom Grư nói được như thể. Gã tù trưởng màu da đen bóng chỉ có một chiếc khố che thân lại hiện thân như một thực thể rừng núi nguyên thủy. Anh hỏi ông ta:
- Anh có từng ở với người Kinh?
- Tôi từng ở một thời rất xa. Nhưng hôm nay tôi quên mất tôi đã từng học được bao điều đối nghịch với thiên nhiên rừng núi trước mặt. Tôi bằng lòng với cái quên của mình.
- Tôi không hiểu?
- Rất dễ hiểu vì tôi yêu thích thiên nhiên như yêu mến chính bản thân mình và tôi không bao giờ muốn trở thành người chiến thắng hoặc chinh phục thiên nhiên cả! Kẻ nào bảo rằng chinh phục thiên nhiên thì chính họ bắt đầu cuộc đời nô lệ. Nếu có từ chinh phục thì chính thiên nhiên chinh phục, dạy bảo tôi rất nhiều. Do đó ngày hôm nay tôi còn đứng đây nói chuyện với anh như người bạn trong khi anh là kẻ chiến bại sau bao nhiêu năm chiến thắng. Kẻ chiến thắng từng là kẻ chiến bại và ngược lại có nghĩa cuộc chém giết, hủy diệt vô nghĩa kia chỉ làm số phận điêu linh mà thôi!
- Tôi vẫn không hiểu?
- Làm sao mà anh hiểu được khi anh lúc nào cũng cho mình là kẻ chiến bại hoặc chiến thắng. Với tôi, không có chiến thắng và chiến bại. Tại sao? Vì trong hai mươi năm tôi sống ở đây chứng kiến cái mà mọi người thường gọi là chiến thắng và chiến bại chỉ là thứ ngu dốt dấu mặt.
Hậu trở về chỗ nằm suy nghĩ suốt đêm. Anh thiếp ngủ khi gà trên nương bắt đầu cất tiếng gáy.
Tháng mười một Hậu từ giã Rchom Grư và làng Reo trong bịn rịn luyến tiếc. Hậu dù muốn ở thêm cũng không được. Ủy hội hậu chiến tranh cho người chiến bại gửi bao thông điệp nhắc nhở đoạn đường Hậu phải đi nếu không muốn bị gửi trở về nguyên quán. Chính sách hậu chiến thực chất là chiếc ruột tượng nhưng lúc người ta nhìn cứ ngỡ đó là cánh đồng xanh hay rừng núi bao la để cho những con người như Hậu có cơ hội tìm trở lại bản thân mình rồi tự nguyện bước vào. Kẻ nào bước vào sẽ cắm cúi đi mãi vì không trở lui lại được. Khoảng không gian bao la kia càng ngày càng hẹp lại và thít chặt người đi trong nhiều lối mòn nghiệt ngã. Ai thối chí trở về sẽ được chỉ định nơi cư trú và nơi cư trú này chỉ là căn cứ địa thời kỳ tiền chiến tranh thuộc vĩ tuyến 12 kinh bắc nổi tiếng sốt vàng da và ít ai sống nổi quá ba năm nếu bị lưu đày.
Hậu vai mang ba lô đi bộ đến trại núi Dài. Anh cùng Trấn, người dẫn đường phải vượt qua hai mươi tám cây số đường núi mất ít nhất ba ngày hai đêm. Trấn nói với anh như thế! Con đường mòn ngoằn ngoèo luồn theo từng trái núi, vượt qua thung lũng và lên cao dần. Con đường dường như chỉ có người đi bộ, vài đọan có dấu chân ngựa. Hậu và Trấn lội qua tám con suối trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai lúc vượt con suối thứ sáu nước vàng ệch như nhiễm phèn thì trời đã về chiều. Hậu ngồi bên bờ suối cởi giày và tất ra phơi. Lúc lộn tất ra ngoài thấy lông chân cuộn phía trong, anh lấy thuốc chống sốt rét ra uống. Đang uống thuốc nhìn vách núi phẳng như gương trước mắt phản chiếu ánh nắng chiều Hậu tự hỏi, mình có thể mãi mãi sống trên rừng núi này như Grư không nhỉ? Anh bị ám ảnh một cách tiêu cực ý niệm văn minh. Thực sư văn minh là hạnh phúc hay bi kịch nhân loại đây?
Trong tĩnh lặng nắng chiều soi vạt rừng chồi bên trái, màu hoa rừng vàng ánh, vài cánh hoa tím sẫm và có tiếng ong bay lẫn tiếng chim hót xa xa. Cái đẹp của thiên nhiên độc lập, bình dị, trật tự và không chút liên hệ gì đến văn minh, văn hóa cả. Trấn đang lúi húi hút thuốc lào và đốt một đống lửa để nướng bắp. Tuy trời trong xanh nhưng trên đầu nguồn vẵng tiếng ì ầm như sấm sét. Trấn đứng lên tay trái còn cầm trái bắp nướng dở đưa tay phải chỉ về hướng bắc nam nói:
- Trên đầu nguồn đang có cơn giông to. Chúng ta phải tạm ngủ lại đây chứ không thể tiếp tục theo con đường dọc bờ suối về bảng Láng để ngủ qua đêm vì nguy hiểm. Ngay từ bây giờ có thể lũ đến tức khắc trở tay không kịp. Đêm nay chờ lũ đi qua và sáng mai chúng ta sẽ lên đường.
Trấn và Hậu dựng tạm chiếc lều trên ghềnh đá cao. Trấn lấy bản đồ ra xem và ước lượng dù có lũ lớn nước cũng không thể lên đến chân lều được. Bữa cơm chiều Hậu ăn hai trái bắp nếp to do Trấn nướng đã no lưng lững. Anh không buồn lấy cơm lam trong ống nứa của Grư đưa hai hôm trước ra ăn thêm. Đưa cho Trấn, nó cũng lắc đầu rồi ra đầu ghềnh đá thổi harmonica. Hậu rót hai ca nhôm trà xanh mang đến cho Trấn rồi ngồi xuống vừa uống trà vừa nghe tiếng nhạc dặt dìu trong gió. Bản nhạc “Chiều vàng” Trấn thổi điêu luyện. Âm thanh vờn trời xanh, nắng vàng như nhảy múa và lúc bấy giờ Hậu thấy lòng ấm áp trong buổi chiều rừng hoang dại này. Anh có chút thấm thía những lời Grư nói hôm trước. Thiên nhiên cho ta hạnh phúc. Thứ hạnh phúc này không thể định nghĩa hay phân tích được. Chỉ có cởi bỏ được cái gì ràng buộc, vướng mắc là có hạnh phúc. Anh nằm xuống vạt cỏ mắt lim dim tưởng mình đang được ánh nắng chiều nâng theo âm thanh lên tận trời cao.
Hậu ngủ yên bình trên ghềnh đá. Giấc ngủ thơ ngây như núi rừng nguyên thủy chung quanh với giấc mơ bình dị của quãng đời thơ ấu. Anh mĩm cười sung sướng khi cha mua cho chiếc xe đạp và đã đạp xe đi trên con đường làng suốt những năm học tiểu học. Anh nghe lại tiếng ve mùa hè, tiếng cuốc kêu từng trưa nắng vàng ươm khoảng sân nhà phơi thóc. Sang thu nắng trong veo, mây xây thành chân núi. Rồi những tối mùa đông bên bếp lửa hồng và những bước chân reo vui trên bờ ruộng quê ngoại khi xuân trở lại. Giấc mơ là thứ ước mơ hay hoài niệm một thiên đường đã mất? Hậu thức giấc tự hỏi mình trong khi cái lạnh bắt đầu theo cơn gió nhẹ thổi lên từ mặt suối. Trấn đốt ngọn đèn bão treo đầu lều vì trời bắt đầu bảng lảng.
Trong lều Trần nằm phía trong đọc sách nhờ ánh sáng ngọn đèn bão thứ hai treo trên cọc lều bên kia. Một quyển tiểu thuyết nước ngoài. Thứ tiểu thuyết nói về tình yêu cách mạng. Trấn xuất thân là bộ đội xuất ngũ sau chiến tranh. Không có nghề nghiệp ổn định sau tám tháng đi một vòng đất nước khám phá ra mình không có khả năng gì ngoài làm hướng đạo viên cho các trung tâm phục hồi hậu chiến. Hậu hỏi Trấn:
- Em bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi tuổi bốn tháng. Còn anh?
- Anh hai mươi sáu.
- Em tuổi con gì?
- Em không biết, thế hệ em hầu như không ai biết mình tuổi con gì nữa. Cũng bởi em sinh miền Bắc nên không bận tâm nhiều về những phong tục tập quán đất nước. Khi đi học chỉ nghe nói về cách mạng và chiến thắng. Những gì con người ao ước trong chiến tranh bây giờ đạt được thì ý nghĩa của cuộc chiến tranh đã đổi khác.
- Đổi khác như thế nào?
- Với em chiến tranh kết thúc là một tham vọng đã hoàn tất mà tham vọng là gì nếu không là đầu mối của quyền lực. Mà khi có quyền lực tham vọng lại phát sinh, con đường này với em không phải thực sự ước mơ con người.
Hậu nghĩ Trấn nói không sai, tuy anh là kẻ bại trận nhưng qua một năm trôi nổi trên rừng núi anh chiêm nghiệm cuộc chiến tranh mà không đứng về một phe nào. Anh nhận ra mình là người con của một dân tộc kiêu hãnh về lịch sử đến nỗi đánh mất dần sự khôn ngoan cần thiết để có thể sản sinh một tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Anh cho rằng nỗi bất hạnh của dân tộc là niềm kiêu hãnh mù lòa kia xuất phát từ chiến tranh và điều này khi nói với Thỏa, người cán bộ miền bắc chiến thắng, anh ta trả lời:
- Khổ nổi dân tộc ta đâu được chọn lựa nơi chốn bình yên mà lập quốc? Thôi thì cha ông làm sao, ta như vậy. Vả lại kiêu hãnh từ tinh thần đấu tranh chống xâm lược nào phải là điều bất hạnh, phải không?
- Đúng như thế nhưng điều tôi muốn nói là điểm yếu của dân tộc. Dường như điểm yếu này sản sinh từ điểm mạnh kia.
- Tôi không đủ khả năng để đi sâu trong lý luận nhưng với tôi, dân tộc chúng ta không có điểm yếu nào cả và tôi bằng lòng lẫn kiêu hãnh về một cuộc chiến thắng.
- Anh bằng lòng về một cuộc nội chiến hay sao?
- Tôi muốn nói chiến thắng đối với những âm mưu to lớn của người nước ngoài cho nên tôi không coi cuộc chiến vừa qua là nội chiến. Còn việc các anh thất bại tôi chỉ tin vào chính sách.
Hậu thiếp đi sau một đoạn hồi ức và giật mình thức giấc khi Trấn kéo tay anh hét, lũ đến, lũ đến! Ngoài suối tiếng ầm ầm như thiên binh vạn mã và dưới chân Hậu rung rinh như động đất. Trấn nắm tay Hậu kéo chạy lên bờ triền đá phía sau cao hơn vừa la to:
- Lũ lớn lắm không khéo kéo cả mỏm đá chúng ta nằm, chạy mau lên cao!
Hậu vừa chạy theo Trấn vừa nhìn về phía suối nhưng trời tối đen không thấy gì. Tiếng ầm ầm vang dội và dưới chân anh cảm giác sụp xuống hụt hẫng. Không đến năm giây Trấn và Hậu ngã xuống dòng nước lũ đang hung dữ cuốn phăng về phía hạ lưu. Không có gì bám vào sau khi tuột khỏi tay Trấn, Hậu ráng ngoi đầu khỏi mặt nước kêu to Trấn, Trấn hai tiếng thì một thân cây lớn va vào đầu rồi nhận chìm anh trong dòng cuồng lưu.
(Còn tiếp)
|
|