Mùa Xuân Trên Cao

 
 
 

Buổi trưa tháng chạp, trời lạnh hơn. Pleiku mấy ngày này như lùi lại thập niên trước. Hảo về đến nhà sau khi ăn cơm trưa nó chui vội vào giường kéo chăn lên tận cổ vì lạnh. Ngoài cửa kiếng nắng vẫn ràn rụa lấp loáng qua những khối thủy tinh hình hoa lá trong khung cửa. Hảo ngáp liên tục. Ông nội vói đầu qua cửa hỏi, “con bị bệnh hay sao?” Hảo vừa trả lời vừa hỏi lại ông, “con ăn cơm xong sao buồn ngủ quá, ông không thấy lạnh sao mà không chịu mặc áo len?” Ông nội hai tay xoa xoa bắp thịt ngực nhão cười, “ông lại thấy mát, con hôm nay có đi học không?”

Hảo không trả lời và chìm ngay vào giấc ngủ trưa. Lầu hai tuy đóng kín cửa nhưng không ngăn được tiếng nhạc rập rình từ quán bar cạnh nhà phía đông. Ông nội Hảo ra phía sau nhà bắc ghế nhìn qua sân thượng. Trước mắt ông một dãy túi mật gấu phơi giữa sân treo trên cây sào quần áo. Bảy cái mật phơi đến hai tuần lễ co lại chỉ bằng cái bóng đèn xe gắn máy. Ông thầm nghĩ đến công dụng quí giá của nó khi làm thuốc trật đã. Phải nói với cha thằng Hảo sau khi phơi khô, lấy một cái ngâm rượu với thuốc bắc để xoa bóp và uống khi bị đánh, té hay tập võ bị nội thương. Toa thuốc của Mười Thủ hay lắm! Hôm trước nói chuyện quê nhà Bình Định với ông, Mười Thủ có hứa cho một toa thuốc trật đả gia truyền. Ông nghe nói Hảo lúc này mỗi chiều đi tập võ ở võ đường Hà trọng Sơn. Không hiểu nó có tập đàng hoàng như bác của nó ngày xưa hay không? Ông nội Hảo tự hỏi tại sao ông không nhờ Mười Thủ dạy võ cho Hảo vì Mười Thủ giỏi bộ cầm nã qua lời khen của những thầy võ Bình Định. Nghĩ đến đó ông nhớ đến những ngày còn trẻ của mình và bác hai của Hảo, đứa con trai lớn giỏi võ nhưng chết còn rất trẻ của ông. Sáu mươi năm trước thoáng qua như giấc mộng!

Nắng trưa cao nguyên vàng hanh như những ngày tháng chạp Nha-Thành. Chỉ có con người thay đổi chứ trời đất nơi này vẫn man mác cuối đông, rực rỡ đầu xuân, oi ả những tháng hè và bàng bạc khi thu về trên hàng keo cuối xóm đông Phú Lộc. Ở đây, xa quê nhưng ông nội Hảo bằng lòng vì dẫu sao cũng gần gũi con cháu. Tám năm sau khi bà nội Hảo mất, ông không chịu nỗi cô độc trong căn nhà từ đường thênh thang nhưng thiếu vắng tiếng cười nói của đám cháu nội. Năm năm trước sau khi nói chuyện với cha của Hảo, ông đóng cửa nhà từ đường và lên cao nguyên ở với gia đình đứa con trai duy nhất. Vài ngày nữa là ông ăn cái Tết thứ năm xa quê. Cha Hảo dành căn lầu hai cho ông và hai đứa cháu đích tôn. Hảo đang học lớp đệ tam, và Trường lớp đệ lục. Trong hai đứa cháu nội, Hảo giống tính ông, nghệ sĩ và tháo vát trong khi Trường chỉ mới mười hai đã biểu lộ tính hiếu động ham chơi. Ông nội Hảo nhìn hai đứa cháu qua bản thân mình mà không hề so sánh với cha của nó để hiểu chúng nó có giống cha mẹ hay không? Ông nhớ con tu hú ông nắn bằng đất sét cho Hảo lúc nó tám tuổi. Ba ngày sau Hảo nắn một con trâu bằng đất tặng ông. Tháng tiếp theo Hảo nắn đủ mọi thứ vật dụng trong nhà. Ông khen Hảo khéo tay rồi nói với nó. “Con khéo tay và sẽ là một nghệ nhân.” Hảo hỏi lại ông, “nghệ nhân là gì hở ông?” “Là người tạo niềm vui cho mình và cho đời.” Ông nội trả lời chưa hết câu Hảo buột miệng hỏi thêm, “ông có phải là nghệ nhân hay không?” Ông nội nhìn ra khoảng trời mênh mông trên mái nhà rồi chậm rãi nói với cháu, “hình như ngày xưa còn bây giờ không phải như thế!”

Hảo nghe ông nội nói giọng buồn buồn. Nó cũng thấy lòng chùng xuống không biết tại sao? Hảo nhớ những buổi chiều năm cũ, lúc nó còn học đệ thất trường Đăng Khoa tại Nha Trang. Trước khi lên xe đò về Thành nhìn nắng chiều nghiêng nghiêng góc phố Hảo lúc nào cũng cảm thấy mất mát gì đó trong lòng. Đứng trước nhà sách Hoa Sen tại đường Độc Lập, Hảo dõi mắt theo vạt nắng vàng từ chân phố lên cao đến tận trời xanh. Lúc xe chạy Hảo mơ hồ một cuộc chia tay, không biết tại sao? Ba năm sau, đứng trên tầng hai nhà của cha trên cao nguyên, nghe câu nói buồn bã của ông nội, Hảo thấy mơ hồ cảm giác ngày cũ ba năm trước. Vào nhà, ngồi trên ghế sa lông Hảo nhớ mình đang học dỡ dang năm đệ thất, nó phải theo ông nội lên cao nguyên. Phải chăng mình sắp sửa ra đi? Hảo tự hỏi và ngờ vực chính bản thân mình. Nếu không sao cô bạn học da ngâm đen có đôi mắt long lanh lại chia tay nó tuần trước. Thủy theo cha về Bạc Liêu. Lúc đưa tấm tranh vẽ buổi hoàng hôn trên biển bằng màu nước cho Thủy, Hảo thấy cô bạn của mình bịn rịn nói nho nhỏ “Thủy không quên Hảo đâu!” rồi ù chạy ra cổng trường. Lúc ấy Hảo nhìn theo lòng bâng khuâng nhưng không hiểu mình muốn gì từ buổi chia tay ấy. Hôm nay Hảo thấy những cuộc chia ly sao quen thuộc quá, điều này mãi bốn năm sau khi lên đại học Hảo mới hiểu chữ định mệnh và từ đấy khi nghĩ về định mệnh nó chỉ thấy sự chia ly và sự rã rời tâm hồn.

Hảo nhìn đồng hồ đã bốn giờ chiều. Ông nội Hảo vẫn ngồi trên hàng hiên lầu một nhìn về một khoảng không gian xa trước mắt như một pho tượng. Không hiểu sao mỗi lần nhìn ông ngồi như pho tượng trên lầu Hảo thấy buồn không phải cho chính ông nội mà lòng nó cũng man mác một thứ cảm giác mất mát gì đó không thể giải thích được. Hảo chầm chậm xuống cầu thang và vào phòng ăn. Không có ai trong phòng. Ba nó đi làm, mẹ nó hình như đang tiếp khách phía nhà trước. Len lén Hảo luồn theo hành lang hông nhà chạy ra đường Hai bà Trưng. Nó đến nhà Tính rủ bạn đi uống cà phê.

Hai đứa ra khỏi quán sách nhà Tính trời đã chiều. Hảo nhớ truyện Vực Xoáy vừa mới đọc trong khi chờ Tính nấu cơm cho mẹ. Bà cụ mẹ Tính ngồi bán sách vừa nhai trầu phía trước. Hảo đọc cái truyện ngắn song ngữ mô tả một kẻ thoát chết khỏi vực xoáy của đại dương thì tóc đã bạc trắng. Đọc xong Hảo sờ đầu mình rồi nhìn mái tóc bạc của bà cụ và tưởng tượng đến sự sợ hãi có thể làm cho con người bạc đầu trong ba mươi phút. Hảo hỏi Tính đã đọc truyện này hay chưa, nó trả lời:

- Chưa có đọc và tao lười đọc sách!

Hảo hiểu bạn đơn giản và không thích tiểu thuyết. Nó lấy trong túi quần gói thuốc lá Kool đưa cho Tính. Hai đứa đốt thuốc. Mùi thuốc lá Kool thơm phức pha mùi bạc hà cay cay. Tính hỏi:

- Tại sao mày thích thuốc này? Hút giống đàn bà quá!
- Thì tại tiểu thuyết có nhân vật thích hút thuốc Kool làm tao thích lây. Ừ nhỉ, nhân vật này là đàn bà.
- Cô ta thế nào?
- Cô ta hình như bán ba.

Nghe Hảo nói Tính cười xòa, tao nói có sai đâu. Hết gói này tụi mình hút Pall Mall đi! Hảo không trả lời nhưng nó thầm đồng ý với bạn vừa tự hỏi, không biết ba của mình sẽ như thế nào nếu thấy mình hút thuốc thế này? Nhưng nhìn chung quanh bạn bè hình như rất ít người không biết hút thuốc. Hảo nhớ mình hút đã hai năm rồi chứ đâu phải mới bắt đầu. Tháng trước ông nội thấy Hảo hút thuốc có hỏi, con hút có thấy ngon không. Hảo gật đầu thì ông nội nó lại lắc đầu thở dài bảo. Con ghiền rồi, khó mà bỏ được!

Hảo và Tính dừng lại trước nhà của Quý. Hai đứa định rủ nó đi uống café thì nghe tiếng la của ba Quý, nó nhìn Tính lắc đầu rồi đi về phía Biệt điện. Hảo và Tính đều rõ Quý đang bị ba nó la rầy và có thể bị đánh đòn nữa. Ba của Quý là thượng sĩ Biệt động quân, tính nóng nãy và dữ tợn, dù đã lên lớp đệ tam, Quý vẫn phải nằm dài lãnh roi mỗi khi làm bài không đạt điểm trung bình.

Vào quán café Dinh Điền hai đứa gọi hai ly café đá. Trong lúc uống , Hảo nói với Tính:

- Tối nay tao và mày đi xuống chợ cũ.
- Để làm gì?
- Xuống nhà thằng Tư chơi, nó sắp về Đà nẵng. Mày không biết hay sao?
- Tao cũng nghe nói nhưng bao giờ nó mới đi.
- Tao không biết, nhưng nó đi tụi mình cũng buồn! Sáng nay Tư rủ tụi mình xuống nhà nó chơi tối nay.

Tính gật đầu nhìn ra phía rừng thông Biệt Điện. Hai đứa ngồi dựa vách quán café chật hẹp. Vừa đốt điếu thuốc thứ hai, Hảo nhìn vạt nắng vàng ươm trên mái ngói đỏ Biệt Điện lòng thấy bâng khuâng. Rừng thông vắng ngắt, hai đứa nhìn trời đất vừa nghe Lệ Thu hát Biển Nhớ. Bài hát nhắc Hảo lại một quãng quá khứ. Nha Trang và những ngày hè ba bốn năm trước. Hảo thấm thía buồn và cảm nhận nổi buồn ấy dằn vặt tâm tư mình. Lúc than với Tính, nó hỏi:

- Tại sao mày buồn như thế?
- Có lẽ tại tao ủy mị hay tao không quên được những ngày tiểu học tươi đẹp nơi thành phố biển? Thường ngày tao không biết làm gì với nổi buồn của mình Tính ạ?
- Thử yêu đi.

Hảo hỏi lại Tính:

- Mày có yêu ai chưa?
- Chưa nhưng tao có thích.
- Mày thích ai vậy?
- Không cho mày biết, bí mật!

Tính cười làm Hảo cười theo. Hai đứa làm bạn với nhau từ thuở học đệ thất. Càng lớn càng gắn bó vì tính tình giống nhau. Có chút nghệ sĩ trong tâm tính hai người. Làm thơ và nghe nhạc. Hai đứa già giặn lắm. Chị của Hảo phê bình, không giống con nít chút nào. Chị Trâm đọc thơ tình của Hảo trong tập thơ bí mật mà nó đóng lại thành tập bằng bàn tay dấu trong hộc tủ. Hảo đỏ mặt và sợ hãi khi nghe chị đe dọa cho cha biết. Chị Trâm la rầy:

- Sao em không lo học mà lăng nhăng như thế này. Nếu không đậu tú tài sẽ phải đi lính. Em biết chưa?

Hảo lúng túng không trả lời. Chị Trâm cũng không hỏi nó thêm lời nào mà bỏ đi xuống nhà dưới. Hảo nhìn ra cửa sổ nắng mùa thu như lợp vàng một quãng không gian, lòng nó buồn bã lẫn ray rức. Nó không chịu được thứ cảm giác nữa giấu kín trong lòng nữa muốn chia xẻ với ai đó. Nhiều lần nó định nói với Tính nhưng cuối cùng không cất nổi lời. Hôm nay tự nghe Tính giữ bí mật một người con gái nào đó nó thích khiến Hảo muốn nói ra “tao cũng vậy” nhưng vẫn không tiếng nào thoát khỏi cõi lòng nặng nề của mình.

Hai đứa ra khỏi quán café Dinh Điền, trời đà về chiều. Tính đồng ý xuống phố Phan bội Châu. Khi đi ngang qua cây phượng già trước nhà thuốc tây Phạm Khánh cũ Hảo nhớ Tùng đã về Sài gòn một năm. Đám bạn bè từ thuở vào lớp đệ thất trường cũ trước Dân Y Viện chợt hiện ra như những cụm mây trắng trên cao kia. Bảng lãng mơ hồ, tụ rồi tan, Tùng ra đi, Tư cũng sắp sửa về quê Đà Nẵng. Lộc lên đường đi lính tháng trước vì học trể không đủ điều kiện hoãn dịch. Những mái đầu chụm vào nhau trong đêm lửa trại hướng đạo hay trại hè. Hảo nhớ những đôi mắt bạn bè đăm chiêu, tư lự, buồn bã. Nó như ánh sáng thắp lên trong sự nuối tiếc thương cảm. Nó biểu hiện nỗi phiền muộn tuổi trẻ trong thời chiến tranh. Ánh mắt ấy dường nung nấu một sự trưởng thành bắt buộc trong khi còn lưu luyến quãng đời hoa niên ngắn ngủi của mình. Hảo tự hỏi mình sao thích hút thuốc lá, thích ngồi quán café mỗi chiều nghe nhạc như nghe tâm hồn đang kể lể với chính mình về nổi cô đơn của tuổi trẻ thời chiến tranh?

Tính gật đầu nói nho nhỏ, tụi mình già háp mà! Hảo chợt hỏi, mày có thích nhạc Từ công Phụng? Tính trả lời:

- Thích chứ
- Bản gì nào?
- Bản “Bây giờ tháng mấy” còn mày?
- Tao thích bản “Lời của thành phố” và “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”
- Tại sao mày thích hai bản này?
- Vì bản thứ nhất là nổi lòng và bản thứ hai là hạnh phúc của tao!
- Thực thế ư?

Hảo và Tính về đến chợ mới gần sáu giờ rưỡi chiều. Hai đứa làm một vòng thành phố rồi chia tay. Hảo leo lên lầu thấy ông nội đang ngồi hút thuốc ngoài sân. Vào phòng thấy Trường đang ngồi đọc truyện võ hiệp ở bàn ăn ông nội, nó lại đi xuống nhà dưới ăn cơm. Ba Hảo xuống phòng ăn thấy nó hỏi đi đâu mà về trể. Nó nói đi làm bài với bạn rồi ăn vội hai chén cơm xong lên lầu tính buổi tối xuống nhà Tư sau khi ra tiệm bán hàng ở đường Hai bà Trưng ngủ. Ba nó cho nó buổi tối ra cửa hàng để ngủ và cũng để tiện việc học vì thấy căn lầu hai anh em nó đang ở với ông nội ban đêm ồn ào vì nhạc xập xình từ cái bar bên cạnh nhà.

Tính đến gỏ cửa tiệm bán hàng lúc bảy giờ rưỡi tối. Hảo khóa cửa và hai đứa lại cuốc bộ xuống chợ cũ. Trời tháng chạp buổi tối lạnh rất mau. Hảo và Tính đều mặc áo fieldjacket của lính. Hai đứa vừa đi vừa hút thuốc nói chuyện. Hảo hỏi, mày thích ai vậy Tính?

Tính lắc đầu nói nhỏ, không có ai, tao chỉ đùa. Hảo vẫn không tin. Nó tự hỏi mình thích ai nhỉ? Có một cô gái tóc dài, trắng trẻo, xinh xắn hát hay và nói giọng Huế như chim hót? Chi hát thật truyền cảm và nhiều nam sinh trong trường theo đuổi. Chỉ mới đệ tam, còn bé quá mà nói chuyện yêu đương! Anh họ của Hảo tuần trước nói với nó sau khi nghe chị của Hảo kể về những bài thơ tình. Bây giờ Hảo ngờ mình có thích Chi mới làm những bài thơ ướt át thế kia? Thực ra Hảo đọc thơ mình lại không thấy rõ rệt bóng hình của Chi mà chỉ thấy những xúc cảm trước vẻ đẹp con gái mà thôi. Nó nói với Tính:

- Tao cũng không biết mình thích hay yêu ai nhưng tao có làm thơ.
- Chắc là Chi vì tao thấy mày hay hát những bài mà Chi hát. Phải thế không?
- Không phải? Tại Chi hát những bài hát mà tao thích đúng hơn.
- Theo tao nghĩ không bao giờ vì một đối tượng chung chung mà mình làm thơ tình, mày hỏi lại lòng mình đi.

Hảo im lặng nghe mặt mình nóng ran. Dường như Tính nói đúng? Hai đứa vào nhà Tư đã thấy đám bạn bè ngồi ở đấy nói chuyện rôm rã. Thuận, Lâm, Quang và Nhàn, Quyên, hai cô nữ sinh cùng lớp nhưng khác ban. Nhàn đẹp nhưng ốm và cao như con trai trong khi Quyên xinh xắn lại rất nhỏ con. Tư lấy máy hình và chụp rất nhiều tấm kỷ niệm. Tiếp theo cô của Tư mang lên một nồi chè đậu và múc cho mỗi người một chén. Hảo mang chén chè ra góc nhà ngồi cạnh Tính và Thuận vừa ăn vừa nói chuyện. Nhàn và Quyên ngồi đối diện với Lâm và Quang ở góc bên kia. Thuận nhắc Tư sau khi về Đà nẵng viết thư cho bạn bè. Lúc Tư đến bên Hảo hỏi và đề nghị trước khi từ giã Pleiku nên tổ chức một ngày cắm trại ở Biển Hồ. Ai nấy đều đồng ý và Thuận nói sẽ xin phép giáo sư hướng dẫn ngày mai lúc vào lớp.

Cả bọn ngồi kể lại những kỷ niệm trong niên học đã qua. Nhàn lắng nghe, lâu lâu chớp mắt hỏi lại như kiểu làm dáng làm Hảo tức cười. Mọi người ăn xong chén chè thì Chi đến. Lúc Chi bước vào nhà, Tính bấm tay Hảo thì thào, làm thơ đi, nàng thơ đến rồi kìa! Hảo không nói gì chỉ lặng lẽ nhìn đôi mắt to long lanh của Chi như đang cười với mình. Chi chào mọi người rồi làm như ngạc nhiên khi thấy Thuận lấy cây đàn ghi ta đang treo trên vách:

- Làm chi rứa vậy Thuận?
- Thì đàn cho Chi hát.
- Ai dư thì giờ mà hát, hôm nay đến vui với anh Tư vì nghe đâu tuần tới anh về Đà nẵng kìa?
- Thì hát để tiễn đưa.

Ai cũng phụ họa làm Chi phải nói để mình chuẩn bị. Trong khi Chi ăn chè nói chuyện với Nhàn và Quyên, Hảo ngồi xa nhìn Chi như nhìn một tác phẩm nghệ thuật. Ngồi khép nép trên ghế, hôm nay Chi mặc áo dài trắng ngoài khoác áo len tím xinh xắn, đôi mắt buồn mơ mộng và luôn nụ cười mỉm trên môi. Mãi những năm về sau đây đó Hảo mới biết nụ cười của Chi mang tính địa phương rõ rệt: nụ cười của những cô gái Huế. Nụ cười ấy làm tăng nét dịu dàng đắm thắm của các cô gái đất thần kinh và chính nụ cười Huế này đã đeo đuổi theo Hảo suốt cuộc đời của mình.

Thuận đệm cho Chi hát bản Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Tính ngồi bên cạnh Hảo thỉnh thoảng nhìn bạn cười như trêu chọc. Hảo không chú ý chỉ lắng nghe Chi hát. Giọng Chi ngọt ngào như quấn lấy tâm tư Hảo và trong ý nghĩ của mình từng lời nhạc Chi hát dường như rãi đều trên khoảng không bao la của trời mây cao nguyên mùa xuân. Và thật sự Hảo thấy mình bình yên trong tiếng hát của Chi. Âm thanh ấy dìu dặt ấm áp và an ủi bao buồn phiền, cô đơn tuổi trẻ.

Với Hảo tiếng hát của Chi đẩy lùi những rủi ro bất trắc của cuộc chiến tranh đi xa tít và biến mất. Bên cạnh đó tình yêu chậm rãi đến từng bước như cơn gió xuân mang nắng ấm cho vùng đất cao lạnh lẽo này. Chi hát thật hay, thật truyền cảm, Hảo chỉ mong được nghe mãi tiếng hát của Chi! Hảo tự nói với mình như nói với một Chi đang ngồi trước mặt.

Bài hát chấm dứt và mọi người vỗ tay. Thuận lại đề nghị hát thêm một bài nữa. Chi lắc đầu, Tư lên tiếng:

- Phải để cho ca sĩ nghỉ ngơi. Chi đáng được thêm một chén chè.

Hảo ngồi lặng lẽ ở góc phòng, thỉnh thoảng trả lời vài câu hỏi của bạn. Hồn Hảo để đâu đó và chợt nhớ đến mùa hè năm tới sẽ vào Sài gòn thi Cao đẳng Mỹ thuật. Lại xa cách, đời vô vàn những cuộc chia ly! Lúc đưa thuốc cho Tính hút, Hảo nhìn thấy Chi đang nói chuyện với Lâm nhưng mắt đang nhìn nó. Hảo lúng túng vì hình như đôi mắt ấy muốn gửi cho Hảo một câu hỏi và nó không hiểu câu hỏi đó thế nào mà giải đáp. Nó lại tự bảo mình chỉ giỏi tưởng tượng!

Tư đang nói chuyện với Tính về Đà Nẵng, quê hương của hai đứa. Tính nhắc lại những kỷ niệm mơ hồ thời thơ ấu của mình về một vùng đất khô cằn miền trung xa xôi. Tư bảo mẹ già thường đau ốm ở đó nên về sống với mẹ và quay sang nói với Hảo:

- Mình chỉ mong sao học xong đệ nhị để thi tú tài. Đậu có thể học tiếp mà rớt thì phải đi lính! Không biết bao giờ gặp lại các bạn? Ừ, sao hôm nay không thấy Hùng?
- Không biết, nhưng nó đang có cuộc vui riêng đấy!
- Vui gì thế?

Hảo lắc đầu trong khi Tính cười bí mật. Chi nói vói sang với ba người:

- Chi hát có Hùng đàn là hợp. Thuận đàn không giỏi như Hùng! Hảo có biết Hùng đi mô rồi không?
- Hảo không biết. Không thấy Hùng hai hôm nay.

Hảo, Tính và Hùng là bộ ba thân thiết từ thời đệ thất. Đi đâu cũng thường có nhau, hôm nay không thấy Hùng, hình như ai cũng thắc mắc. Tính kéo Tư ra sau nói chuyện. Hảo hiểu nó đang kể chuyện tình của Hùng với Giang một cô gái mới vào học năm đầu tiên tại trường công lập Pleiku. Hùng đã kể cho Hảo và Tính nghe nụ hôn đầu tiên của nó và Giang như thế nào!

Tính và Hảo từ giã Tư lúc chín giờ rưỡi tối. Lúc hai đứa ra cửa thì Chi cũng xin ra về. Chi đến gần Hảo nói nhỏ, Hảo và Tính đưa Chi về, quãng đường từ phố vào nhà Chi rất tối vì không có đèn đường. Tư cũng lên tiếng yêu cầu. Hảo gật đầu bước theo Chi, Tính đi sau lưng hai người.

Đêm tháng chạp cao nguyên lạnh lắm. Thấy Chi co ro trong chiếc áo len mỏng đi lặng lẽ bên cạnh, Hảo muốn mình đi gần Chi hơn nhưng không dám. Ba người tiếp tục im lặng đi một quãng xa. Hảo tưởng mình nói với Chi rất nhiều nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Tính đi phía sau cũng không hề lên tiếng. Đến đầu dốc rạp hát Diệp Kính, Chi quay sang Hảo hỏi:

- Hảo có thích nghe Chi hát không?
- Rất thích, sao Chi lại hỏi như thế?
- Vì Chi lúc hát nhìn mặt Hảo rất tức cười nên thắc mắc?
- Thế Hảo say mê nghe Chi hát mà tức cười lắm sao?
- Xin lỗi Chi không có ý thế!

Hảo im lặng một lúc rồi nói Chi:

- Chi biết không, lúc ấy Hảo chỉ ao ước mình suốt đời được nghe Chi hát mà thôi!

Chi quay sang nhìn Hảo, trong bóng tối đôi mắt Chi long lanh như có ánh lửa. Hảo muốn nắm lấy tay Chi nhưng vẫn không dám. Nhìn ra sau thấy Tính hút thuốc đi chậm rãi phía xa. Hảo nói với Chi:

- Chi có biết Hảo thật sự hạnh phúc khi nghe Chi hát. Rất nhiều lần. Hảo hi vọng mùa Tết này được nghe Chi hát nhạc Từ công Phụng trong đêm lửa trại.
- Rất tiếc Chi về Huế sớm ăn Tết nên không tham dự được đêm lữa trại Hảo ạ!

Hảo nghe Chi nói lòng dưng thấy buồn. Qua khúc quanh đến đầu nhà Chi, ba người dừng lại. Chi đến cạnh Hảo nói nho nhỏ:

- Chi mong có dịp chỉ hát cho một mình Hảo nghe.

Nói xong Chi đi vào nhà. Hảo và Tính tiếp tục đi bộ về chợ mới. Hảo đốt một điếu thuốc nhìn thấy khuôn mặt Tính thấp thoáng dưới ánh đèn đường như đang cười với mình. Lúc này Hảo không cảm thấy lạnh chút nào, mùa xuân năm nay dường như đến nhanh hơn Hảo nghĩ.

 
 

Lê Lạc Giao

(Trích “Tuổi Trẻ Cô Đơn”)