|
At the U.S. Capitol, Washington D.C., January 6, 2021
Leah Millis / Reuters
Hơn bất kỳ hiến pháp hay luật pháp nào, dân chủ dựa trên cái mà nhà khoa học chính trị quá cố Robert Dahl gọi là “hệ thống an ninh tương tác”. Mỗi bên trong cuộc thực thi dân chủ phải tin tưởng rằng bên kia sẽ chơi đúng luật của trò chơi dân chủ, chấp nhận thất bại nếu đó là số phận của mình và quay lại tranh đấu vào một ngày khác. Cuộc tranh đấu chính trị phải được kiềm chế bằng sự tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau và ràng buộc lẫn nhau — tôn trọng quyền tranh chấp và phê bình của các lực lượng chính trị đối lập, tin tưởng rằng bên kia sẽ không loại bỏ nó nếu nắm quyền và kiềm chế trong các phương pháp được sử dụng để tranh giành và nắm giữ quyền lực. Không một nền dân chủ nào có thể tồn tại lâu dài trong một bầu không khí chính trị mà không có những chuẩn mực này. Nhưng đó lại là vực thẳm mà nền dân chủ Mỹ đang đi xuống.
Vào ngày hôm nay, một năm trước, Hoa Kỳ đã phải chịu đựng sự đau đớn nghiêm trọng nhất của mình với sự thất bại hiến pháp kể từ sau cuộc Nội chiến. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về vụ tấn công bi thảm và kinh hoàng vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì về quy mô của bạo lực hoặc về mức độ gần mà Hoa Kỳ chứng kiến việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình bị phá hoại lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước. Thiệt hại từ "Dối trá Lớn lao" (Big Lie) của cựu Tổng thống Donald Trump – nghĩa là ông không thực sự thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 - là độc hại và lâu dài. Hầu hết các đảng viên Đảng Cộng hòa và tới một phần ba công chúng Mỹ không tin rằng Tổng thống Joe Biden đã đắc cử một cách hợp pháp. Và một loạt các cuộc thăm dò khác nhau, sử dụng các từ ngữ và phương pháp luận khác nhau, đều ghi nhận sự sẵn sàng ngày càng tăng của người dân Mỹ trong việc xem xét hoặc dung thứ cho bạo lực chính trị. Khi sự phân cực giữa hai phe chính trị đến mức mà mỗi bên coi bên kia là không thể dung thứ về mặt đạo đức, như một mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai của đất nước, thì nền dân chủ sẽ có nguy cơ bị đe dọa.
Cuộc nổi dậy ngày 6 tháng Giêng không phải là khởi đầu cũng không phải là kết thúc của tình trạng xuống dốc này. Trong hai thập kỷ, các nhà khoa học chính trị đã lo lắng về sự gia tăng phân cực của nền chính trị Mỹ, như bằng chứng của sự gia tăng bế tắc tại quốc hội, sự miễn cưỡng thỏa hiệp và luận điệu cực đoan, không bỏ tù của tin tức cáp, đài radio và truyền thông xã hội. Trước khi Trump bắt đầu sử dụng quyền lực và uy tín của nhiệm kỳ tổng thống để chà đạp lên các chuẩn mực dân chủ, các cơ quan xếp hạng đã ghi nhận sự suy giảm chất lượng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Các nhà phân tích tại Freedom House đã cho thấy sự suy giảm diễn ra đều đặn từ năm 2010 đến năm 2020, giảm “tỷ số tự do” của quốc gia này xuống 11 điểm — từ 94 xuống 83 — trên thang điểm 100. Một phần do làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các định chế dân chủ, Economist Intelligence Unit đã hạ cấp Hoa Kỳ xuống một “nền dân chủ rạn nứt” vào năm 2017. Và vào năm 2020, International IDEA (Viện Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử), một tổ chức tư vấn quốc tế được kính trọng rộng rãi về phát triển dân chủ, đã phân loại Hoa Kỳ là một "nền dân chủ thoái hóa".
Trong số các đồng minh dân chủ của Washington ở châu Âu và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như nhiều nền dân chủ mới nổi trên toàn thế giới, có mối quan ngại gia tăng, thậm chí là cảnh báo về tình trạng dân chủ đang gặp khó khăn sâu sắc ở Hoa Kỳ. Trong khi người Mỹ phân hóa đất nước họ, các nền dân chủ mong manh đang rút lui trước làn sóng dân túy phi tự do (illiberal populism), các chế độ độc tài ở Trung Quốc và Nga đang gia tăng quyền lực và tham vọng, cũng như các chuẩn mực và hạn chế của trật tự tự do sau Thế chiến II - bao gồm cả các chuẩn mực thiết yếu chống lại sự xâm lăng lãnh thổ — đang sụp đổ. Tháng trước, chính quyền Biden cuối cùng đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ được chờ đợi từ lâu để tập hợp quyết tâm quốc tế và đẩy lùi làn sóng phi tự do. Đó là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng, bởi vì bất chấp sức nặng tập thể của Liên minh châu Âu và sự can đảm về địa chính trị và sự trợ giúp hào phóng của các nền dân chủ nhỏ ở châu Âu như Cộng hòa Séc, Lithuania, Na Uy và Thụy Điển - vốn không chịu sự khống chế của Trung Quốc và Nga— Hoa Kỳ vẫn là bức tường thành dân chủ quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, một phản phong trào dân chủ toàn cầu sẽ cho thấy năng lượng và niềm tin của nó bị thách thức, miễn là nó phụ thuộc vào sự lãnh đạo của một nền dân chủ đang gặp khó khăn như Hoa Kỳ. Đây là nghịch lý của nền dân chủ toàn cầu ngày nay: số phận của tự do vẫn thuộc về một siêu cường dân chủ đầy thiếu sót và không ổn định. Bên trong nghịch lý đó còn vô số nghịch lý khác - một tập hợp các trở ngại nghiêm trọng đối với giấc mơ đổi mới dân chủ toàn cầu.
TUỘT DỐC
Điều đầu tiên trong số những nghịch lý này là việc phục hưng nền dân chủ ở Hoa Kỳ đòi hỏi sự phi phân cực hóa (depolization) và do đó có những thỏa hiệp có thể thu hẹp sự chia rẽ đảng phái và xây dựng các liên minh từ trung tâm ra ngoài. Sự thỏa hiệp gợi ý một nền tảng trung gian giữa hai cực và các tác nhân ở mỗi bên sẵn sàng giành lấy nền tảng đó. Nhưng đặc điểm chính của cuộc khủng hoảng dân chủ của đất nước là một trong hai đảng chính trị lớn đang phá hoại các điều kiện thiết yếu cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đặc biệt là các thể thức trung lập và phi đảng phái để quản lý và chứng nhận các cuộc bầu cử. Trong năm kể từ ngày 6 tháng 1, nhiều bang của Hoa Kỳ đã chứng kiến các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thúc đẩy và trong một số trường hợp thông qua luật cho phép họ khẳng định quyền kiểm soát của đảng phái đối với quá trình bầu cử và do đó có thể đảo ngược kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Và thậm chí nhiều bang đã thông qua các điều khoản khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn đối với những loại người có xu hướng ủng hộ đảng kia.
Tồn tại một biện pháp lập pháp đối với mối đe dọa nền dân chủ: Đạo luật Tự do Bầu cử (Freedom to Vote Act), được tạo ra thông qua sự thỏa hiệp giữa các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cấp tiến và ôn hòa của Hoa Kỳ. Nó sẽ không chỉ giải quyết những nguy cơ ngày càng tăng của việc đàn áp cử tri và sự phá hoại của đảng phái đối với quá trình bầu cử mà còn là hai vấn đề khác của nền dân chủ Mỹ, đó là gian lận khu vực bầu cử (gerrymandering) và tiền bạc bất minh. Nó sẽ đưa nền dân chủ của Mỹ ít ra gần hơn với các tiêu chuẩn của quản lý bầu cử công bằng, độc lập, chuyên nghiệp, giúp cho chức năng sinh động không phải bàn cãi này ở các nền dân chủ giàu có, chẳng hạn như Úc, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Đài Loan và hầu hết các thành viên EU, và ngay cả ở nhiều nền dân chủ kém thịnh vượng hơn, bao gồm Costa Rica, Ấn Độ và Mexico.
Tuy nhiên, Đạo luật Tự do Bầu cử (Freedom to Vote Act) thiếu sự ủng hộ của dù chỉ một đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ. Do đó, nó chỉ có thể được thông qua bằng cách loại bỏ một trong những đặc điểm phức tạp và rối loạn chức năng nhất của nền dân chủ Hoa Kỳ, sự câu giờ, trì hoãn Thượng viện (Senate Filibuster). Điều này làm nảy sinh một nghịch lý thứ hai. Mặc dù đã có hai thế kỷ là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho các nền dân chủ mới nổi, hệ thống của Hoa Kỳ đã trở nên cũ kỹ trong khả năng chống lại cải cách và không theo kịp các đổi mới dân chủ toàn cầu. Hoa Kỳ thiếu nhiều định chế quốc gia về trách nhiệm giải trình và quản trị tốt phổ biến ở các nền dân chủ ngang hàng, chẳng hạn như ủy ban chống tham nhũng độc lập, ủy ban nhân quyền và thanh tra để điều tra các khiếu nại của công dân. Đất nước vẫn mắc kẹt với một hệ thống bầu cử “trước sau chỉ một” (first past the post) đã được gian lận để giành lợi thế đảng phái thông qua phân chia lại vùng và điều đó rất dễ dẫn đến phân cực, vì nó có xu hướng chỉ lôi kéo hai đảng chính trị: cử tri thường từ chối các lựa chọn của bên thứ ba để không "lãng phí" phiếu bầu của họ.
Trong suốt phần lớn thế kỷ 20, hai đảng đã cạnh tranh để giành được những cử tri “trung dung” và giữ khuynh hướng cấp tiến hơn — mặc dù phải trả giá khủng khiếp là bỏ qua sự kỳ thị chủng tộc phổ biến và việc tước quyền bầu cử của người da đen ở miền Nam. Nhưng khi sự tái tổ chức bắt đầu vào cuối những năm 1960, các đảng trở nên gắn bó hơn, các cuộc bầu cử sơ bộ ngày càng chọn ra nhiều ứng cử viên đảng phái và ý thức hệ hơn, và các thỏa hiệp quốc hội ngày càng khó thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề còn sâu sắc hơn. Tại Thượng viện, tính ngăn chặn trì hoãn thông qua (filibuster) hiện đang ngăn chặn cải cách chính trị, nhưng cải cách thể chế diễn ra chậm chạp ngay cả trước sự câu giờ trì hoãn hình thành (chỉ trong những thập kỷ gần đây) trở thành một yêu cầu tự động đối với lập pháp. Do đó, một nghịch lý thứ ba: mặc dù Hoa Kỳ tự coi mình là một mô hình thử nghiệm và thích ứng dân chủ, nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ khó tu chính nhất trên thế giới. Sự thay đổi sâu sắc thường đòi hỏi nhiều thập kỷ vận động ủng hộ quyền cho bầu cử phụ nữ và quyền bình đẳng của các sắc tộc thiểu số.
Tất nhiên, cải cách có thể diễn ra từng bước, từng bang. Alaska và Maine gần đây đã áp dụng một cuộc cải cách bầu cử được gọi là bỏ phiếu theo lựa chọn có xếp hạng, mang lại hứa hẹn thực sự về việc giảm phân cực hóa. Theo hệ thống đó, sẽ có ý nghĩa đối với các ứng cử viên độc lập và bên thứ ba tranh cử và các cử tri không hài lòng bỏ phiếu cho họ, bởi vì không có phiếu bầu nào là “lãng phí”. Thay vì chỉ bỏ phiếu cho một ứng cử viên, cử tri sẽ xếp hạng các lựa chọn của họ và nếu không ai giành được đa số phiếu ưu tiên số một, thì những ứng cử viên ít ưa chuộng nhất sẽ bị loại và các phiếu có ưu tiên thấp hơn được tính trong "cuộc bỏ phiếu tức thì" cho đến khi ai đó giành được đa số phiếu. Tùy chọn này và các tùy chọn khác, bao gồm các hệ thống đại diện tỷ lệ khác nhau có thể thay thế “trước sau chỉ một” (first past the post) trong các khu vực quốc hội của nhiều thành viên, mang lại triển vọng dài hạn tốt nhất là giảm sự phân cực của đất nước.
Và sau đó, hãy xem xét một nghịch lý thứ tư: mặc dù chèn ép cử tri và cố gắng lật đổ bầu cử hiện đang đe dọa nghiêm trọng nền dân chủ của Hoa Kỳ, các quy trình bầu cử thiếu sót của đất nước vẫn còn cho hy vọng tốt nhất ngăn chặn sự suy thoái dân chủ. Các quốc gia khác đã vượt qua nghịch lý này để bảo tồn hoặc hồi sinh nền dân chủ. Ở Ấn Độ vào giữa những năm 1970, Chile vào cuối những năm 1980, Mexico vào năm 2000, và gần đây là ở Peru, Sri Lanka, Ukraine và Zambia, các chế độ độc tài và các lực lượng phi tự do đã bị đánh bại thông qua việc vận động bầu cử sâu rộng và kiên quyết. Ngày nay, các khối đối lập ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đang vận động cùng mục đích, đối mặt với những khó khăn lâu dài chống lại các chế độ đã chồng chất lên nhau lợi ích cho riêng họ.
Một bài học thiết yếu rút ra từ những tình huống đa dạng này. Mọi người nói chung không bỏ phiếu ủng hộ hay chống đối nền dân chủ; việc lạm dụng quyền lực trở nên rất tồi tệ và thường vẫn điển hình tồi tệ trong một thời gian dài trước khi nó trở thành vấn đề chiếm lĩnh hàng đầu. Vì vậy, các lực lượng chính trị tìm cách bảo vệ hoặc cải cách nền dân chủ phải nói đến những vấn đề khác, đặc biệt về kinh tế, và họ phải tạo ra các liên minh rộng lớn nhất có thể để làm điều đó. Điều này đòi hỏi phải chống lại xu hướng phân cực bằng cách thể hiện sự tôn trọng đối với mối quan tâm của những người trước đây ủng hộ các lựa chọn phi tự do. Trong cuộc bầu cử thành phố năm 2019 ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đã đạt được những lợi ích đáng kinh ngạc trước đảng độc tài cầm quyền bằng cách chỉ tạo ra một chiến dịch toàn diện như vậy. Các nhà lãnh đạo gọi tên chiến lược là “tình yêu triệt để”. Tại Hungary, trong cuộc sơ bộ gần đây để đề cử một ứng cử viên đối đầu với Thủ tướng Viktor Orban trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, liên minh đối lập gồm 6 đảng khác nhau của đất nước đã thực hiện một cách tiếp cận tương tự, chọn người ôn hòa độc lập Peter Marki-Zay, thị trưởng của một thành phố nhỏ cấp tỉnh. Marki-Zay đang hứa hẹn trở lạị châu Âu và quay về với chính phủ có trách nhiệm — nhưng với quan điểm dân túy.
CHÚNG TA CẦN MỘT NỀN MÓNG TO LỚN HƠN
Và có lẽ cái nghịch lý khó khăn và quan trọng nhất ở chỗ: đôi khi, dùng một liều thuốc dân túy để chống lại chủ nghĩa dân túy. Mặc dù những nỗ lực chống lại chủ nghĩa phi tự do thành công phải bắc cầu phân cực hóa đảng phái, họ thường chiến thắng bằng cách lên án tham nhũng và chủ nghĩa tư bản bè phái và bằng cách kêu gọi sự công bằng và hội nhập kinh tế - những lời hứa cũng được đưa ra bởi những nhà độc tài tham vọng, những người có lần bỏ rơi họ khi cầm quyền và chuyển hướng chú ý khỏi những chính sách thất bại của họ và hạn chế thông qua kêu gọi về đồng nhất và than phiền về văn hóa. Những người bảo vệ nền dân chủ cần phải tránh sự chia rẽ tàn bạo, sự khinh thường thể chế, tính cực đoan với chủ nghĩa đa nguyên và sự tán dương nhà lãnh đạo xác định chủ nghĩa dân túy phi tự do. Nhưng họ nên cố gắng tiếp thêm sinh lực cử tri bằng cách bày tỏ sự phẫn nộ về mặt đạo đức và sự đồng cảm đối với sự bất an và mất mát của mọi người và khi có thể, bằng cách đưa ra những ứng cử viên lôi cuốn thể hiện thông điệp thay đổi. Một chiến lược như vậy đã đưa nhà hoạt động môi trường Zuzana Caputova lên làm tổng thống Slovakia vào năm 2019 và hiện nó cho các đảng đối lập cơ hội chiến đấu giành chiến thắng trong bầu cử ở Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mở rộng cơ sở ủng hộ cải cách dân chủ là điều thiết yếu, bởi vì những nhà độc tài và dân chủ phi tự do luôn tìm cách làm nghiêng sân chơi chính trị ở mức độ đòi hỏi phe đối lập phải giành chiến thắng lớn hơn bình thường. Phe đối lập bỏ quên mối nguy hiểm này - và không vượt qua được sự chia rẽ của chính họ và những yêu sách đồng nhất thay thế - thường chùn bước.
Cuộc nổi dậy ngày 6 tháng Giêng là sản phẩm của một bầu không khí chính trị, nếu không phải là một âm mưu chính trị, được cố ý tạo ra bởi một nhà lãnh đạo và phong trào dân túy độc tài. Trump cũng có thể tìm cách trở lại Nhà Trắng, lần này hướng đến các bang chiến trường quan trọng, nơi các đồng minh Đảng Cộng hòa của ông đã dễ dàng làm vô hiệu các kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử. Để đánh bại nhãn hiệu chủ nghĩa dân túy của ông ta, Đảng viên Dân chủ cần tránh những lời kêu gọi của phe dân quân đối với những bất bình dựa trên danh tính mà những người theo chủ nghĩa dân túy phi tự do lợi dụng để gán ghép những người Dân chủ là những người ủng hộ “phá bỏ văn hóa”, “đảo ngược kỳ thị” và nỗ lực “tước bỏ bảo trợ cảnh sát”. Ngoài việc đấu tranh chống lại sự bài trừ chủng tộc và truy tố chủ nghĩa dân tộc da trắng bạo lực, đảng viên Dân chủ nên mượn một trang từ chiến sách của Thị trưởng Thành phố New York Eric Adams và cứng rắn với tội phạm. Đám cực hữu sẽ tìm cách gây lo âu chủng tộc trong mọi trường hợp, nhưng các đảng viên Đảng Dân chủ không nên làm cho thông điệp đó dễ dàng gây tiếng vang với các cử tri thay đổi.
Vào năm 2022 và 2024, các cuộc bầu cử phải tập trung thẳng vào câu hỏi đảng nào mang lại cho người dân một thỏa thuận kinh tế công bằng hơn. Rời khỏi chính trị bản sắc sẽ khó khăn với thời điểm hiện tại, vốn được xác định bởi sự thay đổi dân số học và niềm đam mê truyền thông xã hội. Nó sẽ đòi hỏi sự tập trung có kỷ luật vào tạo việc làm, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, giáo dục mầm non, mở rộng chăm sóc sức khỏe, đầu tư cơ sở hạ tầng, nền kinh tế xanh mới và đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại Hoa Kỳ. Ba tổng thống của đảng Dân chủ, những người đã phục vụ đầy đủ hai nhiệm kỳ trong thế kỷ trước - Franklin Roosevelt, Bill Clinton và Barack Obama - đều hiểu sự cần thiết của một thông điệp về hy vọng và sự lạc quan tập trung vào các vấn đề kinh tế cơ bản. Thành công của đảng Dân chủ cũng có thể đòi hỏi một ứng cử viên tổng thống có thể tạo ra một hình ảnh người ngoài cuộc, chống lại giới ưu tú chính thống và thuyết phục hơn hình ảnh mà Trump đã hoàn thiện — loại trừ khuynh hướng phi tự do. Trong ngắn hạn, đó có thể là nghịch lý khó vượt qua nhất đối với nền dân chủ Mỹ.
• LARRY DIAMOND is a Senior Fellow at the Hoover Institution and Mosbacher Senior Fellow in Global Democracy at Stanford University’s Freeman Spogli Institute for International Studies. He is the author of Ill Winds: Saving Democracy from Russian Rage, Chinese Ambition, and American Complacency.
|
|