Ba Mươi Tháng Tư Nhân Đọc Một Bài Thơ Cũ

Lê Lạc Giao
 
 
 

Ba mươi tháng tư năm 1975 cho đến hôm nay (2023) đã 48 năm. Gần nửa thế kỷ nhớ về một biến cố chính trị từ đó nhận ra quyền lực chính trị chi phối lịch sử con người từ thời kỳ thô sơ cho đến thời hiện đại hết sức tận tình. Từ ước muốn khát khao nhân bản cho đến tham vọng cuồng nhiệt độc tài, con người tiếp tục xử dụng quyền lực chính trị đạt được, để giúp cho một số người tạm gọi là được an nhiên hạnh phúc đồng thời lại tiêu diệt, hủy hoại vật chất lẫn tinh thần của một số người, đẩy họ xuống một tầng địa ngục có thật khác. Phải chăng cũng là thứ hoàn tất công trình loài người?

Thông thường người ta trải qua kinh nghiệm đau thương mới gặt hái kết quả mỹ mãn. Đây cũng là lối mô tả những chiến công khủng khiếp mà con người đạt được từ những biến cố chính trị kinh thiên động địa kia! Và bao giờ con người cũng bảo đấu tranh để được hòa bình công chính. Thực ra đấu tranh, một cách nói bóng bẩy về mức độ của chiến tranh, tự nó đã không công chính chút nào, nếu nó không đem đến một số đông chiến thắng, và một số đông thua cuộc! Và chiến tranh càng kinh khủng hơn nữa thì chiến thắng mới vinh quang tột cùng. Do đó người chết càng nhiều thì cuộc chiến thắng mới gia tăng thêm ý nghĩa.

Như thế quyền lực chính trị đạt được sau mấy nghìn năm loài người kết quả vẫn y chang, nếu không nói là giẫm chân tại chỗ. Không có gì thay đổi từ thời đế quốc La Mã cho đến Vó ngựa Hung Nô, rồi đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến, cuộc chiến tranh lạnh, cuộc chiến Ukraine đang diễn ra. Người ta lại đang dự tính cuộc chiến tranh của Trung quốc với Đài Loan lúc nào cũng có thể phát động trong tương lai, thì rõ ràng không gì thay đổi cái bản chất ti tiện của quyền lực chính trị, nhưng vẫn luôn bảo rằng con người với trí thông minh nhân tạo có thể thay đổi số phận nhân loại nay mai. Thực ra điều cơ bản nhất mà mấy nghìn năm nay không thay đổi được thì quả nhiên con người ngu si, mê muội hơn nữa chứ khôn ngoan thế nào được với kết quả dường như đau thương vô tận kia nhỉ?

Gần năm mươi năm, bao thế hệ liên quan đến cuộc chiến tranh dẫn đến biến cố 30-4-1975 đã từng bước ra đi, còn chăng là nỗi ngậm ngùi khi hướng vọng về một quê hương xưa cũ. Sài gòn là quê hương ấy trong bài thơ “Sài Gòn” của Phan Nhật Tân, giản dị, hồn nhiên và khát khao . . . như phần tuổi thơ của một đời người:

SÀI GÒN

Sài gòn một ngày chia tay nhau
Hai ba mươi năm bạc mái đầu
Ngàn dặm có lần mơ hội ngộ ?
Trà suông, rượu nhạt, chuyện xưa sau!

Sài gòn một thời ta thanh xuân
Lửa khói mù khơi, trận chiến gần
Tráng chí ngạo cuồng như biển sóng
Hùng tâm lưu lãng tựa phù vân

Sài gòn một thời ta rong chơi
Quán cũ, đường khuya, nhạc vắng người
Ngày xanh lá trút trên làn tóc
Đang mùa hoa đợi nắng mưa phai

Sài gòn người đi dài tháng năm
Sài gòn người ở nhịp thăng trầm
Thương, sầu, nhung nhớ hay hờn oán
Lắng xuống hồn sâu những vọng âm

Sài gòn tìm nhau lạc nẻo đường
Nhớ nguồn, sông chảy tới trùng dương
Thành mây lang bạt về quê cũ
Sài gòn chiều mưa làm nhớ thương

Sài gòn về ngang tìm bóng cây
Tìm trên thềm cũ vết rêu dày
Qua vườn nhớ nụ cười nghiêng nắng
Mùi hương tóc gió vẫn chưa phai

Sài gòn nhìn nhau khẽ thở dài
Một thời rong ruổi thoáng mây bay
Một đời huyễn mộng trò khanh tướng
Một cuộc phong trần nửa tỉnh say

Sài gòn nhìn nhau nhìn thật gần
Thương người hay chỉ tủi thương thân
Cánh chim luân lạc còn bay nữa
Chờ đến khi nào sẽ nghỉ chân?

Phan Nhật Tân