Nhật Ký Bốn Mươi Lăm Ngày

Lời mở đầu: Lịch sử là tập hợp những biến cố hay sự kiện xãy ra của loài người theo thứ tự thời gian và định mệnh lịch sử là kết quả những vinh quang hoặc nhục nhằn đã xãy ra cho từng cá nhân hay tập thể gắn liền với các biến cố lịch sử ấy. Thế nên có thể nó là niềm hạnh phúc của một số người và đồng thời lại là nỗi bất hạnh của những kẻ khác. Bên cạnh đó không loại trừ khả năng một bộ phận con người lại là nạn nhân của chính thời đại họ đang sống vì họ sống nhưng không hề đóng góp gì được cho đất nước tài năng sức lực họ có để rồi ước mơ một ngày tan rã theo cuộc đổi đời...
 
 
 

Khi bước ra khỏi rạp hát Capitol, Thái nhìn đồng hồ đã năm giờ rưỡi. Phim OK Coral không lưu lại trong anh ấn tượng gì ngoài một lần đứng lên chào cờ và mặc niệm cho những chiến sĩ hi sinh vì Tổ quốc. Hôm nay, hai mươi tám tháng tư năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm. Thành phố Sài gòn đã bắt đầu nhuốm mùi xác chết. Tiếng đại bác ầm ì ven đô, đâu đây tiếng súng nhỏ rải rác khắp nơi. Vẫn bình thường chứ, Thái tự bảo như vậy khi dắt xe ra khỏi bãi đậu và đi về nhà.

Sài gòn chật chội khác thường khi đoàn người di tản từ các tỉnh miền Trung lũ lượt kéo về thành phố. Nhưng bình thường sao được lúc đứng lên trong rạp hát, anh đã chảy nước mắt khi nhìn thấy quốc kỳ bay trên nền trời xám xịt của nghĩa trang quân đội và tượng Tiếc Thương gục đầu chảy nước mắt như anh bấy giờ. Đã hơn mười năm chưa bao giờ biểu tượng Tổ quốc lưu lại trong trí não Thái mãnh liệt như những ngày cuối tháng tư này. Có lẽ mọi người cũng như anh, đã nín lặng nén tiếng khóc khi bản nhạc Việt Nam Việt Nam cất lên trong cảnh hàng trăm nghìn người chen lấn nhau bỏ phiếu bằng chân như cách gọi của báo chí nước ngoài trong những ngày miền Nam nguy kịch để tìm một chỗ an toàn và tự do còn lại trên mãnh đất quê hương rách nát này.

Thái ghé vào sạp báo mua tờ Chính Luận và đi về nhà. Cha anh mở cửa hỏi ngay: "Có tin tức gì không con?" Anh đưa tờ báo cho ông và trả lời: "Không có tin gì, nhưng Sàigòn đang nguy, có thể bị mất trong nay mai!". Cha anh theo vào trong lo lắng hỏi: "Sao con không đi cho rồi, ba thấy nhiều người như con đã đi từ tuần trước. Khi họ vô đây liệu con có tránh được tội chết hay không?" Cha anh đang nhớ lại cảnh xử tử rùng rợn của những năm kháng chiến. Cái bản án tử hình viết nguệch ngoạc nhét trên ngực nạn nhân, máu loang lổ trên tờ giấy hiện lên đậm nét trong trí ông. "Con đang lo liệu đây, để chiều nay vào sở xem sao." Thái trả lời và đi ra sau. Không có ai trong nhà, hai đứa em anh có lẽ còn ở trong trường Đại học. Có thể chúng nó cũng đang tìm đường ra đi, không đứa nào tỏ ý thích Cộng sản cả.

Gia đình anh không có gì đặc biệt. Khi còn ở quê nhà không là địa chủ, chỉ đủ ăn bằng sức lao động của cha và đôi quang gánh tảo tần của mẹ. Lên thành phố gia đình vẫn tiếp tục miệt mài đổ mồ hôi mà đổi lấy bát cơm. Cái hi vọng duy nhất của cha mẹ anh là niềm hi vọng vào ba đứa con. Cho con ăn học để có thể thay đổi được giai cấp trong xã hội bấy giờ. Điều đó thật tự nhiên, lương thiện và không có gì là ảo tưởng cả. Mọi gia đình trên phần đất miền Nam Việt Nam này đều nghĩ như thế. Gia đình anh không ra khỏi cái bình thường ấy.

Nhưng hình như thứ giai cấp kiểu gia đình anh gần gủi Cộng sản lắm dù lý thuyết Mác Xít mà Thái học những năm Đại học không hề làm cho anh có tí cảm tình gì. Anh đã đào sâu, nghiên cứu những tài liệu của Đông lẫn Tây, rồi đến ngày đi làm anh lại được đọc những Tài liệu của chính người Cộng sản. Anh ngạc nhiên khi thấy bạn bè, tầng lớp thanh niên rồi những người trí thức say mê Cộng sản. Anh đã phải tự hỏi xem mình có chủ quan hay không? Nếu không dĩ nhiên là loại phản động dưới cái nhìn của người Cộng sản. Đến ngày hôm nay, lý thuyết Cộng sản đối với anh chỉ là lừa bịp, dối trá. Thứ lừa bịp dối trá lịch sử bởi theo anh không một lý thuyết nào đúng đắn nếu nó không theo được cái tự nhiên của cõi lòng, cái khát vọng của con tim. Lý thuyết Cộng sản được đẻ ra từ khối óc nhưng ngụy tạo bằng con tim để rồi mơ hồ lòng người và lợi dụng đám đông mà không từ bỏ một thủ đoạn nào.

Nhiều khi Thái tự hỏi mình có được tự do hay không? Có quyền quyết định cuộc sống của mình hay mình đang sống trong một xã hội mà con người bị tước đoạt mọi quyền sống, bị đàn áp và chà đạp nhân phẩm. Nô lệ, mất chủ quyền đối nghịch với tự do, độc lập là những từ nghe thật kinh khủng trong một xã hội theo anh đang băng rã vì chiến tranh hơn là vì động lực cách mạng mà quần chúng thực sự chỉ là nạn nhân không hơn không kém. Anh nhớ đến Hùng, người bạn cùng khóa Sĩ quan trừ bị năm 1972. Sau khi ra trường, Hùng không đi trình diện đơn vị mà đi thẳng vào mật khu Bến Lức. Đêm trước khi ra đi, Hùng gặp Thái không giấu diếm nói thẳng, "Tao đi theo tiếng gọi Tổ quốc, theo vận động của lịch sử bởi vì kẻ nào đi ngược lại nó, kẻ đó phản lại dân tộc."

Sau khi Hùng ra đi, Thái suy nghĩ không biết Hùng gặp anh nói những lời ấy có ngụ ý gì vì Hùng không cho anh một lời khuyên cũng không hề xem anh là kẻ thù tuy Hùng biết rõ anh về làm việc cho đơn vị Tình báo Chiến lược. Ngày hôm nay Thái nhận rõ được câu nói ấy của Hùng là một câu nói xác định lập trường của một người bạn học chọn cho mình một chiến tuyến và hàm ngụ rằng quyết định ấy rất đúng đắn.

Tháng trước, Thái theo Phùng, một người bạn thân đang là Thiếu tá chỉ huy trưởng đơn vị Đặc nhiệm Hải quân, đến gặp một tổ chức thanh niên bí mật đa số là trí thức trẻ tuổi Sài gòn. Theo như Phùng bảo, tổ chức lập ra do sự đau đớn trước thãm kịch quốc gia. Bên ngoài là Cộng Sản, bên trong tham nhũng hối lộ hoành hành, đất nước đang ngấp nghé bên bờ vực thẵm. Thanh niên ngồi lại với nhau tìm một con đường để giải quyết thực trạng bi thãm này. Thái đã thầm nghĩ, đúng là như thế, nhưng có muộn lắm không? Sau khi giới thiệu, Thái nhận ra được một số người anh quen biết qua báo chí, một số người qua hồ sơ anh đọc nơi phòng tài liệu. Tuy nhiên, những người này không ai theo Cộng sản cả, nhưng họ chống cả hai bên. Qua cách phát biểu, họ chú trọng đến kẻ thù bên trong là chính quyền hiện tại hơn là Cộng Sản đang tấn công bên ngoài. Đến lượt Phùng lên phát biểu, mọi người vỗ tay nhiệt liệt khi anh nhấn mạnh sự cần thiết của lực lượng quân sự vì Cộng Sản sắp sửa tấn công vào Sàigòn, do đó không thể ngồi lý luận suông mà phải tích cực tham gia chiến đấu chống lại quân thù. Phùng tiết lộ rằng anh đang thành lập hai tiểu đoàn quyết tử và nhờ vào vị trí Chỉ huy trưởng đơn vị đặc nhiệm anh có quyền tuyển chọn bất kỳ ai. Kế hoạch anh đã trình lên một vị tướng Hải quân và đã được ông đồng ý phê chuẩn.

Là một người lợi khẩu, Phùng làm cử tọa phấn khởi khi anh bảo đơn vị quyết tử này sẽ có y phục và dấu hiệu riêng. Phùng lấy trong tập tài liệu, một mẫu vẽ hình nước Việt Nam màu vàng trên nền xanh lam. Anh bảo, chúng ta cần một Việt nam đoàn kết cũng như chiến đấu cho một Việt Nam thống nhất. Huy hiệu này sẽ may trên túi áo trái nơi trái tim mang ý nghĩa dâng hiến hi sinh.

Phùng đưa ra trước cử tọa một danh sách dài tên của các chiến sĩ mà anh đã chọn từ các đơn vị hải quân. Theo anh, những người này hoàn toàn tự nguyện vì họ ý thức được tình thế bi đát hiện tại và sẳn sàng đi ngay ra mặt trận. Nam, một Bác sĩ sắp sửa ra trường xin Phùng ghi tên mình vào Tiểu đoàn để phục vụ công tác y tế. Mọi người phấn khởi và hoan nghênh nhiệt liệt trước sự tình nguyện của Nam, và sau đó thêm hơn mười thanh niên nữa lần lượt xin gia nhập để được chiến đấu thực tiễn hơn là ngồi yên ở hậu phương trong khi bao nhiêu người đang hi sinh ngoài mặt trận. Thái hôm ấy làm thư ký cho Phùng, ghi tên từng người vào cái danh sách dài quyết tử ấy.

Sau khi ra khỏi cuộc họp, Thái hỏi Phùng:"Liệu họ có đáng tin cậy hay không?" Phùng trả lời:"Tôi điều tra họ kỹ lưỡng rồi. Anh mới đến lần đầu chứ chúng tôi đến với nhau đã lâu." Ngồi trên xe, Phùng đưa cho Thái xem Cương Lĩnh của Tổ chức. Trong lúc Thái đọc, Phùng hỏi:"Anh thấy thế nào?" Thái không hiểu ý Phùng hỏi anh. Tuy nhiên, Thái trả lời:"Làm được như anh rất có ý nghĩa, nhưng tôi nghĩ hai tiểu đoàn có quá ít ỏi lắm không!" Phùng cười:"Bước ban đầu là như thế, tiếp theo tôi sẽ tổ chức thêm dần cho thành một sư đoàn, nhưng anh phải nhớ rằng quân quí hồ tinh bất quí hồ đa."

Thái hiểu bạn, một người sống và làm việc theo triết lý Đông phương. Trong một xã hội hỗn loạn vì thời cuộc, đầy mâu thuẫn vì những thế lực ngọai lai chi phối, Phùng luôn luôn điều chỉnh cuộc sống và chính con người anh theo tinh thần Trung dung Trung Đạo. Anh làm việc nhiệt tình theo phong thái của một chính nhân quân tử lúc Tổ quốc lâm nguy, nhiều khi hi sinh cả hạnh phúc gia đình. Phùng đã miệt mài theo đuổi con đường chống Cộng trên cả hai mặt lý luận và thực hành. Và cái thực tiễn nhất của ngày hôm nay là anh đã thành lập được hai tiểu đoàn quyết tử. Phùng hỏi Thái:"Anh viết xong phần một của quyển thứ hai hay chưa?" Thái trả lời:"Viết xong rồi, tuy nhiên anh cần cho tôi thêm tài liệu để viết tiếp chương hai." Thái móc trong áo tập giấy anh viết đêm trước đưa cho Phùng.

Thái đã đọc kỹ quyển thứ nhất Những Kẻ Đứng Bên Lề trong bộ Cờ Đỏ Sao Vàng Đi Về Đâu? do Phùng viết. Phùng phê bình thẳng tay tầng lớp trí thức Sài gòn. Từ giới sinh viên cho đến giáo sư bác sĩ... không ai thoát khỏi lý luận thực tiễn của Phùng. Anh bắt đầu bằng xã hội và cuộc sống để đi đến một thái độ sống mà anh cho là vừa phi nhân vừa khốn cùng. Những kẻ sống nhờ vào xã hội nhưng luôn luôn đứng bên lề xã hội. Họ giả ngơ giả điếc trước thời cuộc và bàng quang trước việc hàng trăm nghìn thanh niên miền Nam khác đang chịu gian khổ hi sinh ngoài chiến trường trong một cuộc chiến một mất một còn với Cộng Sản. Tuổi trẻ Sàigòn đắm chìm trong ánh sáng mờ ảo của quán café, vũ trường, quán rượu. Giáo sư đứng trên bục giảng nói với sinh viên những ngôn từ đao to búa lớn, nhắc nhở bổn phận và trách nhiệm đối với nước nhà một cách vô trách nhiệm bởi chính bản thân họ ù lì và khép nép bên lề cuộc sống. Phùng mô tả sự trái ngược của xã hội trong cuộc chiến tranh sống còn với kẻ thù. Ai thực sự quan tâm đến sự sống còn của miền Nam tự do và cái ý chí quyết chiến quyết thắng của những con người sống trên phần đất phía nam sông Bến Hải liệu có thể đi đến chiến thắng hay chỉ dẫn đến thất bại?

Tuần lễ trước, Khoa, một người bạn thân đến thăm thầy cũ dạy Triết học Đại học Văn Khoa Saìgòn, anh làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng. "Thưa thầy, tình tình miền Nam đang nguy ngập. Ban mê Thuộc, Phước Long đã mất vào tay Cộng Sản. Là trí thức miền Nam thầy nghĩ gì?" Giáo Sư N. chậm rãi và từ tốn trả lời bằng một câu nói cũng không kém phần từ tốn chậm rãi:"Chúng tôi là những người chỉ biết dạy học, không dính dáng gì đến chính trị và không hiểu gì về quân sự cả. Chúng tôi là thành phần độc lập trong cuộc chiến tranh này." Đáng lẽ ra Khoa dự tính còn một số câu hỏi nữa cho thầy mình, nhưng nghe câu trả lời của giáo sư N. Khoa cụt hứng và sau đó chấm dứt cuộc phỏng vấn. Khoa gặp Thái bảo:"Thực ra lúc ấy tao muốn văng tục vì sau câu trả lời của ông ấy, ông không còn xứng đáng là thầy tao nữa. Nhưng vì lịch sự tao lặng lẽ rút lui."

Giáo sư N. giống như hằng bao nhiêu trí thức Sài gòn khác đứng bên lề cuộc chiến. Họ bàng quang đến mức Thái lắm lúc nghĩ họ là những cột đèn, ghế đá trong thành phố bi thảm này. Họ tệ hơn cả cây cỏ vì cây cỏ gió thổi lên còn làm nó rung động chứ đám trí thức Sài gòn vẫn cứ trơ trơ. Thái cho rằng khi nói đến lập trường độc lập của đa số giới trí thức Sài gòn hàm ngụ họ là thành phần thứ ba chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc. Cái thành phần này lúc ban đầu rất mơ hồ, nhưng khi miền Nam bước vào giai đoạn giẩy chết nó hiện ra rõ ràng dần. Cuối cùng biến thành một thực thể mà cái thực thể này theo anh không ngoài là một thứ vi trùng độc hại cùng thứ vi trùng nguy hiểm hơn là Cộng sản đang gặm dần mòn cái thân thể miền Nam tự do này. Không kể những cán bộ cộng sản nằm vùng và lũng đoạn, đám trí thức thành phần thứ ba này đứng bên lề nhưng sẳn sàng nhảy vào ăn có khi có cơ hội. Họ là thứ hoạt đầu với cái vỏ bọc kiên cố là độc lập, nếu cần là trung lập không theo bên nào và trung thành với cái tháp ngà cố hữu của họ.

Trong cuộc chiến một mất một còn hôm nay, chính nghĩa lập loè như con đom đóm những đêm tối trời. Điều tốt khó nhận thấy trong khi gương xấu nhan nhản khắp nơi. Tham nhũng và thối nát của giới cầm quyền, sự bạo tàn của chiến tranh, rồi tình trạng bình chân như vại của những kẻ trí thức, người giàu có trong các thành phố là những cảnh đời trái ngược bi thảm. Cạnh tiếng ì ầm của bom đạn, bên tai không bao giờ ngớt tiếng hát nỉ non than vãn cho một cuộc chiến tranh dài triền miên như định mệnh của dân tộc Việt Nam. Tính chất phản chiến của những bản nhạc góp phần nhanh chóng vào sự sụp đổ mà người Cộng Sản luôn luôn cho là tất yếu. Còn bài học hậu Cộng sản thì không mấy ai chú ý tới.

Sáng thứ ba, nhiều tờ báo đăng tin Tướng Lư Hán của Quốc Dân đảng Trung hoa được chính quyền Mao Trạch Đông phóng thích sau hơn hai mươi lăm năm cầm tù càng làm nhụt chí chiến đấu tạo sự hiểu nhầm cho người dân hơn là tiếng cảnh tỉnh cho một chế độ đang sắp sụp đỗ vì bản thân nó không biểu hiện gì được ngoài sự ăn chơi đàng điếm của đám lãnh đạo và sự tham lam ích kỷ của những người đang nắm vận mệnh miền Nam này.

Trên phần đất này người ta có chiến đấu chăng là sự chiến đấu cô đơn mà không hề có mảy may một mẫu số chung nào. Thái nhớ đến những con người cô đơn trong cuộc chiến đấu cô đơn, Phan Nhật Nam để lại nỗi ngậm ngùi lẫn phẫn uất trong những trang sách của ông. Theo Thái đó là những cáo trạng trung thực nhất trong những ngày tháng hấp hối này. Sau này nếu ai có còn muốn biết gì về cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt này hãy tìm lại những trang sách viết về Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh và Hòa Bình của Phan Nhật Nam.

Thái hỏi Phùng, "Anh có biết cụ thể tại sao trong một cuộc chiến mà tương quan lực lượng hai bên tương đối như nhau nhưng một bên lại cứ lùi dần rồi đi đến thất bại thảm hại. Tôi muốn nói đến Miền Nam Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay." Phùng trả lời, "Thật dễ hiểu nếu biết được cụ thể rằng số tiền Nga Tàu viện trợ cho Bắc Việt được hoàn toàn xử dụng để phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Nghĩa là không một xu, một cắc nào chạy ra ngoài guồng máy phục vụ chiến tranh. Trong khi đó, cứ một tỉ đô la viện trợ Mỹ thì một nữa đã chạy ra ngoài guồng máy chiến tranh, tôi không muốn nói là một nữa phần mất đi ấy chui vào túi của những người lãnh đạo miền Nam này." Thái hiểu câu trả lời của Phùng phần nào miêu tả được cái nguyên nhân dẫn đến sự thất bại ngày hôm nay. Hậu phương của Bắc Việt thiếu ăn, thiếu mặt, ngay cả nhà cửa còn giữ nguyên trạng của những năm chiến tranh chống Pháp. Tài liệu từ cơ sở tình báo Trung Hoa quốc gia đặt tại Sàigòn cho biết nỗ lực sản xuất của Bắc Việt để xuất cảng lấy tiền phục vụ tiền phương miền Nam. Xi măng, vải vóc, thịt cá hàng ngày xuống cảng Hải Phòng xuất đi các nước để đổi lấy súng đạn, xăng dầu máy móc phục vụ chiến tranh. Hơn tám mươi lăm phần trăm nhà ở miền Bắc còn làm bằng tre nứa, và hơn năm mươi phần trăm người dân miền Bắc còn phải ăn độn khoai và trung bình mỗi năm họ chỉ được hai bộ quần áo.

Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt với chiến lược tuyên truyền tinh vi, không từ một thủ đoạn nào biến cuộc chiến tranh bi thảm này thành cuộc Cách mạng thần thánh mà người dân miền Bắc đóng một vai trò cao cả. Dù mất mát hi sinh, mỗi gia đình người dân miền Bắc đóng góp cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước này là một nghĩa vụ thiêng liêng. Mục tiêu giải phóng một nữa đất nước có cùng một lịch sử bốn ngàn năm đang bị tràn ngập bởi quân đội Mỹ và hàng hóa Mỹ được thế giới xem như là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Có những nước ủng hộ Bắc Việt ra mặt dù chính họ đang là đồng minh của Mỹ, đa số quốc gia trên thế giới dành cho Cộng sản Bắc Việt một nụ cười, trong khi nhắc đến miền Nam Việt Nam có những nhà ngoại giao nhăn mặt nhíu mày hỏi: "Hình như Việt Nam Cộng hòa có một Ông Tướng cowboy lãnh đạo phải không?"

Tôi chống Cộng vì gia đình tôi một thời là nạn nhân của Cộng Sản. Anh chống vì Cộng Sản đã giết cha anh năm bốn lăm. Bác tích cực chống cộng vì gia đình bác đã bị họ đấu tố. Chú xung phong ra mặt trận vì chú biết rằng nếu cộng Sản thắng thì con gà con vịt gốc tre cũng phải đóng thuế. Còn Thái chống vì anh chỉ thấy lý thuyết Mác Xít là lừa bịp. Có hằng vạn lý do để chống Cộng và không có lý do nào là không đúng cả. Nhưng dựa trên những lý do ấy để chiến đấu thì chúng ta chỉ chiến đấu cô đơn và không sớm thì muộn cũng chỉ mua chuốc lấy thất bại mà thôi. Miền Nam Việt Nam đã anh dũng chống Cộng bằng những lý do như thế. Trong khi cái bóng ma tả khuynh thì lúc nào cũng bàng bạc khắp nơi. Bởi một khi anh không ưa thích gì hữu thì tất nhiên anh dễ dàng có cảm tình với tả, và tả lại là thứ bà con xa của Cộng sản.

Tầng lớp lãnh đạo miền Nam mỗi ngày mỗi xô đẩy quần chúng vào vòng tay rộng mở của Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam, đứa con đẻ của Cộng Sản Bắc Việt mà không hề hay biết. Họ sống trong sự ngụy tín rằng Miền Nam không bao giờ có thể thua được vì còn có Mỹ. Còn biết bao ràng buộc bằng những văn kiện hoặc chính thức hoặc không chính thức mà bao đời Tổng thống Mỹ đã ký và đã hứa hẹn. Về mặt lô gíc thì họ nghĩ không sai. Nhưng họ quên đi một tiền đề quan trọng vô cùng là không ai muốn đem tiền bỏ mãi vào một nơi mà nơi ấy không những không đem lại lợi lộc gì trong khi phải mất cả sinh mạng của họ nữa. Trong lòng xã hội Hoa Kỳ đã hình thành đạo quân thứ năm và đạo quân này mỗi ngày một lớn mạnh hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ Cộng Sản và Mặt Trận giải phóng Miền Nam đồng thời cô lập dần Chính quyền Miền Nam tự do.

Thái bực bội khi nhớ đến giai tầng lãnh đạo miền nam, họ làm việc vừa cho đất nước vừa cho bản thân họ. Đôi lúc việc nước không quan trọng bằng việc nhà mà việc nhà là làm thế nào cho thật nhiều tiền, làm thế nào cho mọi người phải sợ hãi cái thế lực họ đang nắm trong tay, còn sinh mạng của hàng triệu triệu đồng bào trong tay họ họ không hề biết đến. Đam mê theo đuổi cái ảo vọng do sự ngu dốt của bản thân, họ từng bước rơi vào tình trạng nô lệ cho chính cái tham lam của họ. Thế rồi họ quên hẵn rằng mỗi ngày Cộng sản mỗi thắng lợi trên cả hai mặt trận: quân sự và chính trị đặc biệt về mặt uy tín quốc tế. Trong khi đó Việt Nam cọng hòa mỗi ngày một co cụm với một hình ảnh bôi bác trên mặt báo chí trong và ngoài nước.

Sàigòn trong những ngày cuối cùng tự do là một thành phố quốc tế. Báo chí khắp nơi trên thế giới đổ xô đến cái điểm nóng đang giẫy chết này để lấy tin, chụp hình và cũng để làm chứng cho kiểu mẫu của một nền văn minh chiến tranh sắp sửa biến mất trên trái đất này. Thái thầm nghĩ đến một phần tư thế kỷ chiến tranh và một phần tư thế kỷ còn lại đất nước Việt Nam mến yêu này. Anh không biết được những ngày sắp đến sẽ ra làm sao trong khi cái viễn ảnh không mấy sáng sủa lúc nào cũng đè nặng trong tâm hồn mình.

Một ký giả Pháp bị bắn chết trước cổng Tổng Nha Cảnh sát đã làm cho không khí rối ren càng hỗn loạn hơn. Thái lên xe đi vào sở làm. Thành phố này thực sự đang dẫy chết, anh thầm nghĩ như thế khi cố gắng vượt qua những nút chặn của Cảnh sát dã chiến để xuống bến Bạch Đằng. Lúc trình thẻ vào đơn vị anh thấy Hoàng đang cố gắng hết sức để đưa chiếc Lambretta qua khỏi cái đám đông chen chúc trước chiếc cửa hẹp của bộ Tư lệnh Hải quân.

Lúc vào cổng hai người gặp nhau. Nét mặt lo lắng không che dấu khác với con người điềm đạm hằng ngày của Hoàng. Thái lên tiếng:
-Tao nghĩ mày đã ra đi từ tuần trước.
Hoàng lắc đầu:
-Tao không đi sớm vì tao nghe có lệnh di tản toàn bộ sở của chúng ta. Mày không biết hay sao?
-Tao biết nhưng tin đó không phải là tin chính thức. Bây giờ tao phải lên trên ban. Hẹn chút nữa gặp nhau nói chuyện nhiều.
Nói xong Thái vội vã cho xe vào bãi đậu rồi nhãy qua hai cái hố sâu do hỏa tiển 122 ly của cộng sản bắn hôm tuần trước hướng về phía ban của mình đi như chạy. Không hiểu tại sao vào sở Thái thấy tình thế có vẻ khẩn cấp vô cùng. Mọi người anh gặp ai nấy căng thẳng cực độ. Tiếng nổ đại bác đì đùng ven đô và tiếng súng nhỏ rải rác khắp thành phố như pháo mùa xuân. Thái nói thầm, khóc lên đi quê hương yêu dấu.
Bước vào trong phòng đặc nghẹt người. Cả ban anh đang kẻ ngồi người đứng. Anh Phụng đang ngồi trên bàn của Điền ra dấu cho Thái đến gần rồi bảo:
-Tôi nhắn tin cho ông mấy lần qua Phạm Thanh. Thế nó có nói lại với ông không? Tôi cần ghi địa chỉ.
Thái lắc đầu nhìn xuống xấp giấy mà Phụng đưa cho anh. Danh sách di tản đây. Anh điền địa chỉ của mình vào và ghi vào cột thân nhân là ba người khi nhớ đến hai người em và cha. Anh hỏi Phụng trong tiếng ồn rầm rĩ chung quanh:
-Ông Xếp đâu rồi mà không thấy?
Phụng không trả lời đưa tay chỉ vào phòng Giám đốc. Thái đi ra cửa thì Đức bên trường Dược vừa bước vào. Đưa tay chào bạn, anh ra phía cửa sổ nhìn xuống con đường ra cổng. Vài người đi như chạy. Tất cả thành phố này đang chạy đây. Thái thầm nghĩ và nhớ đến Phùng. Anh tự nhủ chốc nữa sẽ ghé nhà Phùng. Phùng có thể giúp anh di tản bằng đường tàu biển một khi nguy cấp. Tuy nhiên trong óc của anh vẫn bảo rằng đi chung với đơn vị là tốt nhất. Nhìn sang phải ban tham mưu, một cột khói đen kịt bốc lên phía lò thiêu hủy tài liệu. Thái chỉ cột khói và hỏi Vinh khi thấy hắn vừa bước lên khỏi cầu thang.
-Phòng nhân viên đang đốt hồ sơ. Tôi vừa ở dưới ấy lên. Đáng tiếc quyển Bạch Thư của tôi viết bị hủy trước tiên.
Vinh trả lời có vẻ tiếc rẻ. Thái lấy làm lạ là giờ thứ hai mươi lăm này Vinh còn suy nghĩ như thế được. Anh hỏi:
-Ông tính thế nào?
-Thì cũng nhờ vào sở thôi! Phát giác sớm tình trạng bi thảm này mà có quyết định như Bùi Bảo Trúc thì không khéo mang tội bội phản, bán nước hay đào ngũ. Chúng ta không đi sớm là vì chúng ta muốn biết một sự thật và có thể phải trả giá thật đắt cho sự thật này.
-Thế không phải những người đang làm công tác ở ngoại quốc biết được sự thật sớm hơn chúng ta hay sao? Thái độ lựa chọn của họ liệu thích đáng hay không?
Vinh nhìn thẳng mặt Thái nói:
-Lúc này sự thích đáng mà ông hỏi mang ý nghĩa khôn ngoan hay không khôn ngoan mà thôi. Lòng yêu nước của mỗi người bây giờ không phải là sự hi sinh mà là lựa chọn cho mình một lối thoát sau đó rồi tính toán lại. Đời tụi mình tính toán bao nhiêu lần rồi nhưng không lần nào đúng cả!
Nói xong Vinh không chờ ý kiến của bạn mà tất tả chạy vào phòng nhân viên. Thái chợt thấy buồn chán và tâm hồn anh chững lại. Trí óc anh dừng suy nghĩ và hình như đang cảm nhận cả một quá trình cuộc đời. Những hình ảnh lộn xộn như cuốn phim rối không tháo gỡ được, nhưng không che dấu được tàn tích quá khứ của một thời đấu tranh để có một ngày tàn lụi như hôm nay.

Thái và đám bạn của mình đã đem tuổi trẻ cống hiến cho một giai đoạn lịch sử bạc bẽo nhất. Những ước mơ đi đôi với hành động được bù đắp bằng ê chề thất vọng. Con đường anh và bạn bè đi bị những chướng ngại do thế hệ đi trước chặn lại. Dù cố gắng biết bao để vượt qua, bạn bè anh dần dần bỏ cuộc. Có kẻ chạy sang hàng ngũ bên kia để tìm một chỗ đứng vì họ cho rằng ít ra ý niệm dân tộc rõ nét hơn trong cuộc chiến đấu của người cộng sản. Ngày hôm nay Thái chợt nhận ra không cần biết những người bạn của mình ngày xưa đã đi vào chiến khu đúng hay sai nhưng họ đang chiến thắng, và anh cùng đám bạn bè còn lại thua cuộc. Ván bài quyết định ăn thua đã rõ ràng chỉ có chính nghĩa vẫn còn là nan đề cho anh mà thôi.

Lắm lúc Thái nhận rõ từ là kẻ tác động anh cùng bạn bè rơi vào thế bị động rồi cuối cùng trở thành nạn nhân cho chính thời đại mình. Anh và bạn bè đã đuối sức và trong những ngày cuối cùng tháng tư này trôi dạt đi theo bánh xe lăn lịch sử. Anh đang trốn chạy thực tại hay thực tại minh chứng cho anh thấy được những cố gắng vô bổ mà bạn bè anh đôi lúc biện minh rằng bất phùng thời.

Thái thẩn thờ bước vào phòng giám đốc. Huệ, Vinh, Cảnh và một số người làm việc của các phân khoa đại học đã ngồi sẵn đang lắng tai nghe những lời nói chân tình cuối cùng của người chỉ huy một thời anh không hề có tí cảm tình:

-Chúng ta thua rồi. Bây giờ mỗi người phải tìm con đường sống riêng. Bên tòa đại sứ Mỹ hứa sẽ di tản chúng ta nhưng hơn một tuần rồi vẫn không thấy trả lời dù danh sách đã gửi đi. Viên cố vấn trở về toà đại sứ đã hai ngày không thấy trở lại và đứt liên lạc luôn. Hồ sơ tài liệu của phòng Nhân viên và ban tham mưu đã thiêu hũy chứng minh cho thấy đơn vị đã tan hàng.

Người giám đốc trẽ im lặng như chờ ý kiến của nhân viên. Ít khi thấy hành động như thế này. Thái thầm nghĩ như thế. Những ngày vàng son có bao giờ ông ta chờ ý kiến của thuộc cấp đâu! Lúc nào cũng lịnh là lịnh, thi hành ngay không có ý kiến.

Sau lưng chổ ngồi của ông ta là cây AK 47 treo trên khung gỗ lót vải nhung đỏ, chiến lợi phẩm của những ngày chiến đấu chống cộng không ngơi nghĩ trong hàng ngũ sinh viên Sàigòn. Cây súng được lau chùi bóng loáng như đang mai mỉa một quá trình công lao đem đổ xuống đại dương và ban tham mưu của nó đang trên đường tan rã.

Đứng lên đi về chiếc tủ sắt cuối phòng, ông ta mở tủ lấy ra hơn mười gói bạc. Vứt lên bàn ông nói:
-Quĩ của tổng hội sinh viên còn hơn bốn triệu đồng. Các anh chia nhau đi rồi tìm đường mà thoát thân. Tôi cũng không hơn gì các anh. Phải đi ngay chứ đã quá muộn rồi.
Không đợi trả lời, ông ta kéo ngăn bàn lấy ra ba hộp giấy vuông đẩy về phía nhân viên nói tiếp:
-Trong này có ba khẩu beretta, anh nào cần cứ lấy mà phòng thân. Tôi phải đi ngay đây.
Nói xong ông ta đứng dậy xách chiếc cặp Samsonite rồi đi ra cửa. Không ai có lời nào cả. Sự im lặng là câu trả lời chính xác cho tình trạng nguy kịch hiện tại.
Mỗi người chia được hai trăm ngàn. Thái cầm xấp tiền cùng hộp súng Huệ đưa lòng buồn bã không nói gì trong khi Trí hì hục tháo khẩu súng Colt treo trên vách cạnh cây AK 47. Nhét khẩu súng vào thắt lưng Trí nói:
-Tao đi miền Tây tìm đường biển. Ai muốn đi thì đi luôn ngay bây giờ. Hi vọng có thể thoát thân dưới ấy.
-Tại sao không lên phi trường Tân sơn Nhứt xem còn có chuyến nào không? Vinh lên tiếng.
-Không hi vọng gì đâu. Giờ thứ hai mươi lăm rồi. Máy bay không lên xuống được vì phi trường bị pháo kích. Chỉ còn trực thăng mà thôi. Trong khi ngã tòa đại sứ lại không có chổ vào. Không biết phải làm thế nào thôi thì theo lời xếp mạnh ai nấy chạy.
Cảnh nói xong chạy sang phòng thư ký. Thái và Huệ đi xuống cầu thang. Nhìn lần cuối cùng đơn vị mình đã làm việc gần hai năm Thái ngao ngán hỏi bạn:
-Chúng mình làm gì bây giờ?
-Về nhà hãy tính, có thể tìm đường biển mà đi. Hay liên lạc với anh Phùng xem sao?
Huệ trả lời và Thái gật đầu nói:
-Hôm trước anh Phùng có bảo, dù thua cũng không bỏ nước ra đi. Anh ta sẽ chiến đấu tới phút cuối cùng.
-Hôm trước khác bây giờ khác. Cứ thử lên nhà anh ấy đi vì bên bộ tư lệnh Hải quân xem ra có vẻ chuẩn bị rút lui mà phương tiện bên ấy tốt nhất.

Hai người lên xe về nhà. Thái hẹn xuống nhà Huệ ngay sau khi ghé nhà Phùng. Cố gắng vượt qua hàng rào xe cộ ầm ỉ hổn độn của thành phố trong ngày hấp hối Thái đến khu cư xá của cục quân cụ trên đường Trần quốc Toản. Phùng ở với người anh ruột là Đại tá Cảo. Nhà Phùng là căn phòng sau cùng nằm khiêm tốn trong khu vườn hoa. Nhìn cánh cửa đóng im ỉm Thái thấy có vẻ khác lạ. Gỏ cửa ba bốn lần không thấy ai trả lời, anh xô mạnh bước vào và luồn theo hành lang đi về phía vườn hoa.

Nhà Phùng cửa cũng đóng kín. Qua khe cửa sổ Thái nhìn vào trong nhà. Trừ bàn ghế tủ trong phòng trống trơn. Hiện trạng cho biết Phùng và gia đình đã ra đi. Thái chợt thấy chán chường, đã thất vọng anh càng thấy tuyệt vọng. Phùng xem anh không những là bạn thân mà còn là đồng chí hướng. Thái ngồi bệt xuống chiếc ghế gỗ cạnh cửa sổ, nơi anh thường ngồi nghe thằng bé con Phùng đọc Luận Ngữ và Mạnh Tử những buổi chiều đến nhà Phùng uống trà bàn chuyện. Phùng có nói trước dù có biến chuyển đến đâu cũng sẽ cho Thái biết tình hình. Bây giờ Phùng lặng lẽ rút lui là một phủ nhận lớn lao bản thân người bạn vốn từng là mẫu mực của mình và niềm hi vọng trong những ngày tháng mà tuổi trẻ của đất nước này lạc loài mất mát niềm tin từ lâu.

Thái hình dung đêm Giáng sinh năm rồi ngồi uống trà với Phùng. Anh kể đời mình như chuyện cổ tích, rồi nói đến đất nước tổ quốc như nói đến hoài bão của cả thế hệ thanh niên Việt Nam trong đó bao gồm cả anh và nhóm Nghiên cứu Triết Học. Phùng có bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm trên nhiều mặt. Có anh bên cạnh không ai cảm thấy cô đơn lẻ loi trong cuộc đấu tranh hiện tại. Phùng làm việc hăng say và nghiêm túc. Quyết định dứt khoát và hữu hiệu. Mọi tính toán của anh có tính chiến lược và vững chãi về mặt lý luận lẫn thực hành. Có nhiều người ũng hộ anh và nhìn anh bằng đôi mắt kính trọng. Linh mục Kim Định là người cha tinh thần của anh với triết lý Việt Nho từng là thần tượng của tuổi trẻ trí thức Sàigòn, luôn đứng cạnh cổ vũ anh. Phùng từng bảo chiến tranh phân hóa xã hội miền Nam. Quân đội đồng minh đến như cơn lốc, thổi tung cái nền nếp văn hoá á đông lâu đời chúng ta. Mặt tích cực thì ít mà tiêu cực lại quá nhiều. Đặc biệt ý niệm dân tộc không còn đậm nét vì cuộc chiến tranh càng lan rộng, di sản tinh thần càng bị mất mát và tình trạng tha hóa, vong bản càng nổi bật hơn trong khi kẻ thù lại có nhiều lợi điểm hơn về mặt tuyên truyền.

Bây giờ Phùng lặng lẽ rút lui không nói một lời nào với Thái khiến anh cảm thấy mình hụt hẫng. Tâm hồn anh trĩu nặng như một kẻ đánh cuộc trắng tay trong khi hi vọng quá nhiều vào thắng lợi mà mình đã đầu tư vào. Thái khó khăn đi về nhà vì con đường Trần quốc Toản bị phong tỏa bỡi đoàn người di tản của tỉnh Biên Hòa. Trên bầu trời thành phố Sàigòn ầm ĩ tiếng máy bay. Những chiếc trực thăng đảo lượn như tìm người quen trong cuộc hỗn loạn này. Tiếng súng nổ lác đác khắp nơi và đã thấy nhiều người dân sự mang vũ khí chạy trong thành phố.

Thái không thấy đói dù cha anh gọi ăn cơm nhiều lần. Trí óc anh rối bời. Gia đình anh còn kẹt một nữa ngoài trung. Tin tức cho biết cộng quân đã cắt đứt quốc lộ một ngay Phan Thiết. Tuần lễ trước cuộc phản công của sư đoàn 18 tại Long Khánh với chiến thắng tạm thời nhưng sau đó phải rút lui co cụm lại vì áp lực nặng của nhiều sư đoàn cộng quân và sự thiếu thốn yểm trợ của không lực lẫn pháo binh nên lực lượng bộ binh không thể tiến thêm bước nào. Thái biết rõ không còn hi vọng gì nữa vì Mỹ đã bỏ cuộc. Mọi toan tính hay bàn tán hiện tại cũng chỉ là chuyện vô bổ. Đài BBC và VOA công khai nói rõ điều này hơn tuần lễ qua. Hiện tại họ nói nhiều đến kế hoạch di tản và cuộc tắm máu một khi người cộng sản bước vào thành phố Sàigòn. Sự thật đã hiển nhiên tuy rằng trong tuần Thái đã gặp nhiều người nhưng nhìn chung không ai cho rằng Cộng sản đang thắng lớn. Họ cũng như anh bám lấy một tia hi vọng mơ hồ nào đó hết sức vô lý dù niềm tuyệt vọng đang lớn dần trong tâm hồn mỗi người.

Giờ thứ hai mươi lăm đang hiện ra và vào thời điểm ấy bản chất của thực tại không thay đổi. Sẽ có một tấm hình vĩnh cữu cho giờ thứ hai mươi lăm và tấm mình ấy sắp sữa được chụp bỡi thời đại. Nó mô tả đủ một thời điểm của con người văn minh và văn hóa nhưng thiếu khả năng bảo vệ thành quả do chính họ tạo ra.

Thái xuống nhà Huệ với hi vọng cùng bạn tìm ra một lối thoát. Những con đường phố thênh thang ngày trước bây giờ chỉ có hình ảnh tàn bạo của chiến tranh. Người chạy xuôi ngược như mắc cửi. Tiếng trực thăng đảo lượn trên trời, súng nổ như pháo tết. Thành phố vào cơn hấp hối. Thái chua xót nghĩ đến một thời yên ổn của đời người khi dừng xe trước cổng nhà Huệ trên đường Công Lý. Anh chưa kịp bước vào nhà, Huệ đã chạy ra nhảy vội lên yên sau nói lớn, xuống số hai Nguyễn Hậu sau lưng bưu điện.

Hai người len lõi vào cái dòng người xuôi ngược để đi đến địa điểm mà Huệ nói rằng điểm hẹn của cơ quan. Từ nơi ấy Mỹ sẽ cho người đến rước đi. Thái hỏi Huệ phương tiện để ra đi thì Huệ bảo không biết. Nhưng giờ phút chót này có cái phao còn hơn bị chết đuối.

Khi chạy ngang qua các lô cốt của những điểm quan trọng trong thành phố Thái vẫn thấy những người cảnh sát dã chiến bình thản ngồi gác. Họ bình thản đến độ Thái nghĩ đến tượng đá chiến binh trong nghĩa trang quân đội. Không còn nút chặn trong ngày hai mươi chín này nữa. Thành phố đã bỏ ngỏ trong khi trên đài phát thanh nhạc nhiều hơn tin tức. Bản tin lập đi lập lại lời yêu cầu của thành phần nội các mới với Tổng thống Dương văn Minh vị tổng tư lệnh tối cao. Mọi yêu sách của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đang được thỏa mãn. Hai vị cầm đầu hành pháp và lập pháp nhắc nhiều đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Bàn cờ đã đến hồi chung cuộc. Những con cờ quan trọng dần dần hiện ra, lá bài úp sắp sửa lật ngửa. Không biết có bao nhiêu người là thành phần thứ ba vào giờ thứ hai mươi lăm này, Thái tự hỏi.

Tổng thống nói, tôi đã cho người tiếp xúc với Mặt trận rồi. Quân đội không được có hành động quá khích. Ai nấy giữ vị trí của mình chờ quyết định trung ương.

Xen kẻ lời phát biểu của tổng thống, hai bản nhạcViệt Nam, Việt Nam của Phạm Duy và Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh công Sơn được hát liên tục không phải là không có ý nghĩa. Hai bản nhạc này được phát thanh từ khi Tổng thống Trần văn Hương từ chức và đại tướng Dương văn Minh được coi như lá bài sáng giá có thể giải quyết được tình thế dầu sôi lửa bỏng này lên thay. Mẫu số chung là Việt Nam. "Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời." Thái nghĩ ngay đến anh hùng Nguyễn Thái Học cùng đồng chí của ông bước lên đoạn đầu đài. Việt Nam của miền Nam và Việt Nam của miền Bắc bây giờ khác nhau hay cùng là Việt Nam cả? Chắc chắn là khác nhau vì bây giờ tổng thống Dương văn Minh đang tìm cách làm cho giống nhau. Đất nước chỉ có một, mà con người thì lại hai. Ước mơ của Trịnh công Sơn làm cho đất nước chỉ có một và ông ta không cần biết sau đó chuyện gì xãy ra. Vấn đề lịch sử không phải chuyện của ông ta. Chắc chắn ông ta nói rằng con người có quyền ước mơ. Cho nên "...cờ bay trăm ngọn cờ bay" và không cần nói ra cờ đó là cờ quốc gia hay cờ cộng sản. Một thứ cờ là đủ. Không thể có hai thứ cờ trên cùng một thực thể Việt Nam dù rằng vì màu cờ sắc áo người ta đã đỗ biết bao xương máu trong hơn hai mươi năm nay.

Lúc này cũng không còn nghe tiếng nói cộng quân vi phạm hiệp định Paris nữa. Người ta chỉ có tiếng nói khi còn thực lực và đối thủ chỉ tôn trọng nhau khi tương quan lực lượng còn tồn tại. Tương quan lực lượng mất rồi thì thắng bại đã rõ. Thái lòng chua chát cùng Huệ chen lấn vào đám đông người cùng đơn vị chờ nhận diện trước chiếc cổng hẹp của ban Kiểm thính A10 sau bưu điện Sài Gòn với hi vọng tìm thấy lối thoát cuối cùng thì trời bắt đầu nhá nhem tối.

Hai người ngồi bệt xuống một góc chiếu của Điệp, một người bạn cùng ban trải dọc theo hành lang chật kín người. Tiếng nói ồn ào xen lẫn tiếng trẻ con khóc la. Chúng ta chờ di tản. Điệp trả lời Thái, đặc ủy phó đang liên lạc với tòa đại sứ trên lầu ba. Có hơn một nghìn người trong cái cao ốc ba tầng chật hẹp này. Nhân viên và thân nhân của họ còn đang lục tục đến. Ba người nhân viên ban an ninh làm việc bở hơi tai với cây đèn pin soi mặt và xem giấy tờ chứng minh cùng một người chạy đi chạy lại gọi người bên trong ra nhận diện. Cơ quan an ninh với nguyên tắc ngăn cách làm cho khó khăn vào lúc di tản như thế này. Phụng nói với Thái:
-Tin tình báo cho biết cộng sản xâm nhập vào bất kỳ tổ chức nào đang chuẩn bị di tản với mục tiêu phá hoại cho nên chúng ta phải cẩn thận là hơn.

Thái mệt mõi nhìn chung quanh anh. Giống như một con tàu. Chúng ta đang cùng đi một chuyến tàu. Liệu chuyến tàu này có trót lọt hay không? Anh tự hỏi và buồn bã nhìn vào một vũng tối trên góc trần nhà. Bạn bè anh đã đến. Ban anh hơn ba mươi người có mặt trong giờ phút sinh tử này nhưng tin tức lạc quan vẫn chưa thấy.

Mười giờ rưỡi mất liên lạc với tòa đại sứ. Tiếng trực thăng chinook từ biển vào và từ tòa đại sứ ra đi càng làm cho hàng nghìn con người đang ngồi đây như đang ngồi trên đống lửa. Càng về khuya tâm trạng càng tuyệt vọng. Huệ nói với Điệp, có lẽ chúng ta nên sang tòa đại sứ hay hơn. Thanh, ban thẩm vấn ngồi bó gối bên cạnh trả lời:
-Vô ích, đã có rất nhiều người sang bên ấy cho biết không thể nào vào tòa đại sứ được. Thủy quân lục chiến Mỹ canh gác bắn bỏ bất kỳ ai muốn vượt qua cổng.
-Hay là chúng ta vào ngã Cảnh sát quận Một?
-Cũng không làm gì được đâu! Đã có một số người bị bắn khi leo qua tường bằng ngã này.
Vinh lắc đầu trả lời. Thái nhìn quanh, thân nhân đa số đã ngủ. Hơn một giờ sáng. Nhìn sang tòa đại sứ, trực thăng vẫn tiếp tục di tản người trên nóc. Người Mỹ đến và ra đi như thế đấy. Không trách những người có thẩm quyền với đất nước đã trả lời trong giờ phút thập tử nhất sinh này là "Tại người Mỹ bỏ chúng ta..." Người Mỹ đúng là nỗi hi vọng của miền Nam chúng ta trong cuộc chiến đấu sống còn với Cộng sản. Thái đã chua xót nghĩ như thế trong suốt thời gian Tổng thống Thiệu từ chức và Phó Tổng thống Trần văn Hương lên thay thế. Thái nghĩ thêm thân phận nhược tiểu hay sự bất tài vô tướng của đám người lãnh đạo miền Nam này. Anh chưa bao giờ thấy ai tự kiểm điểm và nhận trách nhiệm về mình. Họ chỉ có đổ trách nhiệm cho người khác và có một số người gánh vác hơn hai mươi triệu dân miền Nam trả lời theo thuyết định mệnh an bài.

Bây giờ người Mỹ ra đi vì hèn nhát, thua cuộc trong ván bài chính trị với Cộng sản hay vì chính sách của họ thay đổi như những bài báo trên thế giới nhận định. Thái hình dung cả bộ máy cai trị khổng lồ miền Nam Việt Nam mà lòng thấy cay đắng. Những ngôn từ đao to búa lớn một thời còn vẵng bên tai trong khi thực tại chỉ là sự bội phản của hàng ngũ lãnh đạo và cảnh đem con bỏ chợ. Cuộc đấu tranh với cộng sản hơn hai mươi năm do chính sự tự quyết của hơn hai mươi triệu đồng bào miền Nam bây giờ thua cuộc lại đổ lỗi cho Mỹ. Một khi đổ lỗi cho người Mỹ thì vô hình chung xem cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Họ là vai chính còn chúng ta chỉ đóng vai phụ. Cái khát vọng thật sự của một dân tộc Thái nghĩ rằng bất kỳ ai cũng phải tôn trọng. Trong suốt thập niên sáu mươi bảy mươi. Bối cảnh chính trị miền Nam bát nháo. Nhìn hàng ngũ lãnh đạo miền Nam mà ngao ngán. Ngô không ra ngô, khoai cũng chả ra khoai. Mạnh ai nấy tranh quyền đoạt chức, mua quan bán tước trong khi ngoài chiến trường bao quân nhân phải chết cho đám xôi thịt ăn trên ngồi trốc. Tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam rất anh dũng và hi sinh cho đám lãnh đạo vô tài bất tướng tham quyền cố vị kia!

Hai năm sau cùng miền Nam sống trong hoàn cảnh bi hài. Nếu tỉnh táo ai không cảm thấy lạ lùng cho một định mệnh! Bảo rằng định mệnh ấy là thiếu người có tài lãnh đạo miền Nam trong cơn dầu sôi lửa bỏng thì ước muốn thật sự của một dân tộc là sự vô nghĩa trước sự bành trướng của chủ thuyết quyền lực trung tâm. Lý luận như thế cũng khập khiễng vì quyền lực trung tâm xác định bằng quyền lực địa phương. Miền Nam chúng ta không làm nên đại cuộc vì những người lãnh đạo không đủ liêm khiết đức độ và khả năng gương cao ngọn cờ chính nghĩa để người dân có thể đoàn kết thành một khối và tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới tự do ngược lại chỉ nhan nhãn những gương xấu của giai cấp cầm quyền từng bước lũng đoạn bộ máy chiến tranh. Phải có thời gian để tự phán xét lấy tất cả việc mình làm chứ không thể bảo rằng miền Nam chúng ta mất vì người Mỹ bỏ đi.

Trầm tư mặc tưởng làm Thái dường như quên đi thực tại. Nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ sáng. Cuộc di tản trên nóc tòa đại sứ đã chấm dứt và chung quanh Thái một số gia đình đã ra về. Tuy ai nấy cũng muốn ra đi vì cuộc tắm máu có thể xãy ra một khi người cộng sản bước vào Sài gòn nhưng điều kiện hiện tại chỉ cho phép tự mình quyết định. Đúng hay sai tự mình chịu trách nhiệm lấy vì không còn ai chỉ huy ai hay bàn thảo phân tích để có một quyết định cuối cùng.

Thái lấy tay sờ khẩu beretta trong túi quần như ngầm chấp nhận đây cũng là một thứ giải pháp. Bước ra đầu cổng, vọng gác trống không còn người canh gác. Nhìn sang cây xăng bên kia đường không thấy chiếc xe của mình nữa Thái biết xe đã bị mất cắp. Lúc vào building ban tối anh không buồn khóa xe vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ xử dụng nó nữa. Thật là lạc quan. Huệ nói chúng ta cứ nghĩ là ra đi. Thôi lấy đỡ chiếc xe có khóa bên cạnh. Huệ lấy khẩu beretta ra định bắn vào chiếc ổ khóa thì hai vợ chồng và hai đứa con của người đồng sở bước đến nói, xe của chúng tôi các anh ạ. Huệ tiu nghĩu cùng Thái đi bộ ngược trở lên tòa đại sứ Mỹ.

Không khí buổi sáng sớm của thành phố vẫn như thuở nào dù thỉnh thoảng có vài tiếng súng lác đác đâu đó. Một chút hanh lạnh như mùa đông. Xe vẫn ngược xuôi nhưng Thái và bạn đang tìm một đất sống trong cái ước vọng làm lại từ đầu. Cái khung sống của miền Nam đang tan rã và những con người sống dựa vào nó đang lạc loài. Huệ đưa tay ngoắc lấy một chiếc xe honda đang chạy ngược chiều lại hai người. Chiếc xe dừng lại và người thanh niên hỏi ngay:
-Các anh muốn đi đâu.
Cám ơn sự tốt bụng của người thanh niên cho quá giang, hai người chạy về phía chợ lớn với mục đích ghé nhà Sơn, một người bạn trong nhóm nghiên cứu triết học. Dãy phố Sơn ở đóng cửa im ỉm. Thái gỏ cửa một lúc mới thấy Sơn ra mở cửa. Hai người vào nhà theo Sơn lên lầu. Sơn cho biết cha mẹ và chị em Sơn đã thuê khách sạn ở dưới bến tàu để tối có thể theo tàu của người quen ra đi. Thái hỏi, sao mày không đi luôn. Sơn lắc đầu không nói lý do. Ba người uống cà phê đen hút thuốc lá. Bên ngoài súng nổ lác đác và đại bác ven đô vẫn ì ầm xa xa. Vẫn còn trực thăng đảo lượn trên thành phố. Thái nằm xuống ghế sa lông và ngủ thiếp đến khi tỉnh dậy đã hơn mười giờ sáng. Huệ về Tân Định. Sơn ngồi bình yên đọc sách coi như không có gì xãy ra. Thái hiểu bạn, Sơn không có tì vết quá khứ và chỉ là nhà giáo chân chính. Theo cách suy nghĩ của Sơn anh ta không việc gì phải lo âu khi cộng sản vào Sàigòn. Sơn giống thầy tu hơn là thầy giáo. Mà tu sĩ thì Sơn cho là chế độ chính trị nào cũng như nhau. Càng tệ hại càng thử thách con người trong trần ai này và có thể giúp đến gần con đường giải thoát hơn.

Ra lan can lầu hai Thái nhìn xuống đường, chỉ một đêm mà con phố hầu như đổi khác. Quần áo ka ki của những người lính tan hàng cưỡi bỏ lung tung. Bên kia đường toán lính nhảy dù cở một trung đội đang nghe vị sĩ quan chỉ huy phân công bố trí. Họ leo lên các cao ốc tìm vị trí tốt để canh gác. Thái cúi xuống nhìn thấy Cường con mặc thường phục đang gỏ cửa nhà và đưa tay chào anh. Cường con do đám bạn bè đặt tên vì hắn nhỏ con và cũng để phân biệt với Cường mập dưới Tân Định, đang lên thang lầu vừa chửi thề luôn miệng. Hắn còn đòi sang bên kia đường nhập với đám lính nhảy dù tử thủ. Thái khuyên bạn:
-Đồ trây di mày đã vứt đi rồi nếu sang bên ấy họ nghi việt cộng bắn mày toi mạng bây giờ.
Cường con lại chửi đổng, đám chỉ huy tiểu đoàn đi đâu mất để hắn phải giải quyết cả một đại đội vào giờ phút sinh tử này dù hắn còn muốn đi đánh nhau nữa. Hắn nghiến răng:
-Biết thế này tao ở nhà rồi tìm đường mà chẩu đi nước ngoài chứ tình nguyện ra mặt trận làm gì dù còn đang bị thương. Suốt cả buổi sáng phải năn nĩ ỉ ôi gần trăm người lính để cho họ an tâm cởi bỏ quần áo mà về nhà. Giờ chót tao còn hét "Biệt động quân - Tan hàng" coi có bi thảm hay không!
Thái im lặng không nói gì cùng Cường con đi vào phòng thì Sơn mang chai rượu rhum Saint James đặt lên bàn. Cường con sáng mắt cầm chiếc chai vừa lắc vừa nói:
-Saint James chính hiệu đây. Uống đi chia buồn sự thua cuộc của chúng ta.
Thái cụng ly như thói quen nhưng đầu óc như để tận đâu. Cường con nói một mình như người điên:
-Thằng cộng sản vào đây là đàn bò vào thành phố. Còn chúng ta uống rượu thì đêm buồn lại buồn hơn. Trịnh công Sơn đúng là tiên tri.
Rượu Rhum cay như đốt cháy cuống họng. Thái đặt ly xuống Cường con đã rót đầy ly thứ hai. Sơn ngồi ở góc phòng nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Tiếp ly thứ hai rồi ly thứ ba. Rượu mỗi ly mỗi đắng chát chứ không dễ chịu như những ngày trước. Chỉ mới vài ngày mà như đã lâu lắm rồi và hai khung cảnh không hề liên hệ gì với nhau cả. Tiếng súng nổ đì đùng và có tiếng loa gọi vang vang đâu đấy. Sơn bảo, không nghe rõ nhưng loa phát ra từ hướng Bàn Cờ.

Mọi việc từng bước diễn ra như điều không ai mong nhưng lắng sâu trong đáy tâm hồn mỗi người. Miền Nam Việt Nam chúng ta thật sự nào mong cái ngày hôm nay xãy ra dù trong gia đình có người bên kia chiến tuyến. Thay đổi chế độ bây giờ là lột da xẽ thịt, là bị chôn sống trong nỗi nhục nhã của kẻ cầm súng như Cường con hay cầm bút như Thái. Là sự trơ trọi vì anh em ruồng bỏ, nỗi ngẩn ngơ của kẻ đầu tư không đúng chỗ hay sửng sốt vì bị phá sản trong cuộc chơi dở chừng.

Càng uống đầu óc càng quay cuồng như trong cơn lốc. Thái chỉ cảm nhận nổi thống khổ của chính mình trong bối cảnh hiện tại. Nó không chỉ cô đơn vì mất mát mà có cả sự sợ hãi và nhục nhã của kẻ đầu hàng sau khi tổng thống Dương văn Minh, lá bài hi vọng cuối cùng của miền Nam tuyên bố trên đài phát thanh. Những lời của ông ta đã đóng sập cánh cửa ngăn cách miền Nam Việt Nam với thế giới bên ngoài, cắt đứt mọi tương quan thời gian và không gian làm cho anh có cảm giác không còn môi trường sống cho mình và bạn bè lẫn người thân. Đưa tay sờ khẫu súng beretta trong túi quần, Thái nghĩ nếu cuộc sống này vô nghĩa thì sự tồn tại của thân xác cũng vô ích. Đã cắt đứt thì không còn tương quan. Thái đứng dậy lảo đão đi xuống cầu thang. Sơn đi theo và giựt phắt khẩu súng trong tay Thái khi đoán được hành động của bạn.

Dìu Thái đến sa lông và đỡ anh nằm xuống, Sơn bảo:
-Ngủ đi, thức dậy tất cả sẽ thay đổi. Và tao tin rằng mọi thay đổi bao giờ cũng tốt đẹp hơn cái đã qua vì con người ta mỗi lúc mỗi khôn ngoan và nhân bản hơn.

Sơn nói như thầy giáo và thầy tu và quên rằng cộng sản vừa là thầy tu vừa là chính ủy. Thái thiếp đi trong ý niệm cuối cùng hình thành trong óc mình khi tiếng loa phát thanh và tiếng súng mỗi lúc một ầm ĩ trong khu vực Bàn Cờ Phan thanh Giản.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao