|
(tiếp theo)
Ngày 01 tháng 5 năm 1975
Buổi sáng Cường con trở lại nhà Sơn mang tin đám bạn miền Trung trở về đang uống cà phê trên khu Trương minh Giảng. Trong bộ quần áo dân sự Cường con trông trẻ trung hơn, hắn nói như đùa:
--Tao trẻ ra vì cỡi bỏ chiến y. Tao vui vì đất nước thanh bình. Chỉ thiếu một cô gái chờ mình trở về quê cũ để hát khúc Về thôn xưa mà thôi.
Hắn hồn nhiên cho biết Hải, Thành, Vinh từ miền Trung di tản về an toàn đang ngồi uống cà phê trước hẻm chùa Kim Cương. Nó nói thêm:
--Chỉ có hòa bình tụi mình mới có dịp đông đủ gặp nhau. Dịp may lịch sử là đây! Tao mong bạn bè không mất đứa nào!
Giọng nói của Cường con rất tự nhiên làm Thái nhớ những ngày anh và nó lê lết trên đại giảng đường đại học khoa học. Trước khi học Văn Khoa, anh cùng Cường con và đám bạn ngoài Trung vật lộn với các chứng chỉ MPC, MG, và SPCN của đại học khoa học. Đang học dở chừng Thái vâng lời cha thi vào Quốc Gia Hành chánh ngạch đốc sự. Hôm thi đầu tiên trời khéo dung rủi thí sinh bên phải Thái là một cô gái bắc xinh xắn má lúm đồng tiền nói giọng Hà nội ngọt ngào như quả mơ đầu mùa chín mọng. Lan Thái, tên cô gái ngồi cạnh anh dư thừa sắc đẹp nhưng thiếu thốn chữ nghĩa phải nhờ anh giúp trong bài thi Pháp văn. Thái tích cực giúp đỡ cô ta đến nỗi hai người bị đuổi ngay trong giờ thi thứ hai. Anh và Lan Thái rũ nhau đi uống cà phê và bắt đầu một cuộc tình lãng mạn nhưng mỏng manh vì chỉ kéo dài có tám tháng. Lan Thái lên đường sang Tây Đức du học sau khi hứa mỗi tháng sẽ thư cho anh. Thái nhận đủ sáu lá thư rồi bặt tin. Anh lang thang làm thơ và uống rượu. Có ai hỏi sao buồn lúc bấy giờ anh bảo thất tình. Hai tháng sau anh ghi danh văn khoa và học triết.
Triết lý giúp anh hiểu được bản thân mình cũng như giá trị của kẻ sĩ trong thời đại nhân tâm nhiễu loạn. Anh cùng bạn bè chia xẽ quan điểm chính trị và vai trò của thanh niên yêu nước nhưng không vỡ ra được bến bờ chân lý. Bạn bè anh một số không chịu nỗi tâm trạng bèo dạt mây trôi nên trốn vào chiến khu theo cộng sản. Thái tuy không định được hướng đi của mình nhưng anh ghét cay đắng cộng sản. Anh không tin họ vì anh là con người tình cảm. Lúc bấy giờ anh cho rằng làm chính trị mà sắt đá giết người thì làm thế nào mà cứu vớt đám đông được bởi giết chóc chỉ là khí cụ của kẻ độc tài và độc tài tương đương với hèn nhát vì không đủ tài trí mà đấu tranh với kẻ đối nghịch cũng như tranh thủ nhân tâm bằng con đường chính đạo. Lúc bấy giờ chế độ chính trị độc tài mà anh biết được khắp nơi trên thế giới hình như khác xa với cái độc tài của đảng cộng sản. Đảng cộng sản không phải ra đời vì lịch sử đòi hỏi hay sao như giáo sư Nguyễn văn Trung giảng bài về chủ nghĩa Mác xít. Giáo sư Trung nhóm trong lòng sinh viên một chút lửa lãng mạn khi học Karl Marx và chung quanh Karl Marx. Đám học trò giáo sư Trung mê mẫn những buổi du thuyết ngoài trời với ý niệm Duy vật Biện chứng và Duy vật sử quan bềnh bồng như mây trắng trên trời cao kia. Những buổi học ấy Thái chỉ tìm chổ ngồi hút thuốc vặt vì không ý kiến. Bạn bè hỏi, anh trả lời với chủ nghĩa Duy vật anh kính nhi viễn chi.
Đám học trò thầy Trung vài niên học sau một số từ giã thành phố lén lút vào bưng hoạt động tìm hiểu chủ nghĩa Duy vật thực sự ra sao và có lẽ ngày hôm nay họ trở về thành phố trong chiến thắng.
Thái ngày ấy ngây thơ và thật thà trong suy nghĩ của mình. Những năm tháng rời bỏ trường học tiếp giáp trường đời trong cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt giúp anh tiến thêm bước nữa trong nhận thức đồng thời đẩy anh ra xa đám bạn bè tả khuynh. Tuy nhiên anh không thù ghét họ mà chỉ tự bảo chọn con đường đấu tranh cho quốc gia dân tộc không khác chọn tín ngưỡng cho mình và ai ai cũng có quyền tự do lựa chọn còn ai đúng ai sai chờ kết cục trả lời.
Hôm nay kết cục đã đến, Thái thầm nghĩ một chặng đường mới cho những kẻ đi ngược quyền lợi quốc gia dân tộc như anh và Cường con dưới cái nhìn của người cộng sản. Anh thấy mình lại ngây thơ như những ngày còn học đại học. Những danh từ đao to búa lớn mà người cộng sản gọi đám người chiến bại có trong lượng và mang cả tính chất lịch sử vì lịch sử đối với họ không thể ngây thơ dù trong ý nghĩ bởi bánh xe lịch sử luôn nghiền nát cái gì cản đường nó. Với tòa án nhân dân không ai có thể bào chữa vì lý do này hoặc lý do kia mà phải nói tôi đã lầm lạc theo kẻ thù chống lại nhân dân và nhân dân tùy quyền định đoạt số phận những kẻ ác ôn và nợ máu như tiếng kêu gọi ra rã từ những cái loa phường khóm trong ngày quốc tế lao động. Thái lại nghĩ sự đánh giá của của các đài phát thanh ngoại quốc sau khi cộng sản vào Sài gòn: tắm máu. Và có nên tiếp tục đổ máu hay không khi mà chiến tranh đã kết thúc? Hoà bình có thực sự đến như ước mơ của người dân hay chỉ là sự dối trá của những kẻ đầu cơ chính trị? Lịch sử Việt Nam không phải đã từng được viết từ những nỗi nhục nhằn cay đắng để có ngày hôm nay hay sao?
Cường con chở Thái lên Trương minh Giảng còn Sơn hứa sẽ lên gặp các bạn sau khi đi tìm hai người em về trông chừng nhà. Dọc đường cứ vài chục mét Thái thấy một hai người tay mang băng đỏ lái xe gắn máy chạy về hướng dinh Độc Lập. Một cuộc mít ting chiến thắng vĩ đại trong ngày quốc tế Lao động một tháng năm. Đã thấy báo mới in cờ Mặt Trận Giải phóng và cờ đỏ sao vàng. Màu đỏ khắp nơi làm Thái nhức mắt. Anh gục đầu lên lưng Cường con trong khi qua cầu Trương minh Giảng. Quán cóc cà phê đường Trần quang Diệu trước hẻm chùa Kim Cương đông người. Thái bước xuống xe ngồi ngay vào chiếc bàn cạnh đường đã chật kín bạn bè anh. Nhóm Nghiên Cứu Triết học hầu như đông đủ. Mọi người nhìn ra đường như chiêm ngưỡng biến cố đang xãy ra. Từ chiếc xe đạp, xe gắn máy cho đến chiến xe jeep nhà binh mui trần trên cắm cờ giải phóng chở đám người băng đỏ chạy dọc ngang đang tham dự vào sự đổi thay của thành phố. Đã thấy nón cối và dép râu. Cường mập chỉ chỏ. Hải lắc đầu nói:
--Ngồi xe jeep mà chân mang dép râu coi kỳ kỳ làm sao!
Rồi sẽ quen, Huệ nói thêm và Vinh trả lời Thái:
--Mình từ miền Trung về hôm qua theo đám dân di tản.
--Đúng là theo đoàn lưu dân như bài hát của Trần quang Lộc. Không biết xáo trộn thế này nó lạc loài nơi nào?
Tân hỏi nhưng không ai trả lời. Bây giờ đâu phải thời để yêu mà là thời để chết.
Kỳ ngồi im lặng hút thuốc. Thái chợt thấy thèm uống bia. Anh vổ vào túi quần nặng trĩu hai trăm nghìn đồng nói với các bạn:
--Chúng ta đi uống bia.
Thái và các bạn dời sang tiệm phở bên cạnh ngồi. Mỗi người một tô phở một chai bia và ở giữa bàn một tô xí quách lớn. Thái nâng ly bia uống một hơi quá nữa. Còn khát, hơi thứ hai gần hết chai bia trâu. Anh gọi thêm chai nữa thì Cường mập đã sang chai thứ ba. Nó lúc nào cũng thế. Bia rượu là quê nhà, cho nên thấy hơi men là thấy quê hương, nó từng tuyên bố như thế. Nhưng càng nhậy cảm, nó càng mau bỏ cuộc. Tuy nhiên khi chuếnh choáng là lúc nó bắt đầu làm thơ. Mọi người nói chuyện huyên thuyên. Hàn huyên tâm sự chuyện ngoài trung đâu đâu. Chai thứ tư Cường con bắt đầu lè nhè:
--Từ Bắc vô Nam tay cầm cái cây. Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy.
Ai cũng cười chỉ có Vinh nghiêm mặt khuyên nên cẩn thận lời nói. Cường mập đầu cúi thấp xuống mặt bàn vừa nói:
--Chúng ta đi đâu ngày mai. Chúng ta về đâu hôm nay. Nơi nào để chúng ta về.
Lịch sử đang sang trang. Ai ai cũng chờ đợi để xác định chỗ đứng của mình như thượng tướng Trần văn Trà đọc diễn văn trên đài phát thanh Sài gòn sáng nay, mọi người hãy xác định chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc! Những kẻ như anh và bạn bè thực sự có lòng dân tộc để mà dựa vào hay không khi mà chiến tuyến đã bị san bằng và thất bại nhục nhã. Nỗi lo lắng ấy trĩu nặng trong lòng mỗi người. Thái chợt nhớ đến Hiền, Dũng và Nghiệp. Anh hỏi thăm các bạn. Cường mập nói đùa:
--Không gặp hơn tuần nay. Không chừng tụi nó có mặt trong ủy ban quân quản thành phố Sàigòn - Gia định rồi.
Hiền từ Quảng Nam theo đợt di tản về tuần trước. Thái không gặp nhưng có nhắn nó ghé nhà. Thái nhớ bạn và những ngày quân sự học đường. Làm thơ, viết báo, sống lang thang với những cuộc tình có thật và không thật trong chuỗi ngày vô định vì không lối thoát cho mình. Anh thở dài nhìn vạt nắng chiều cuối ngày trước quán như mãnh đời đã qua của mình và nhớ tháng trước Dũng viết cho anh bài thơ Ca Sĩ:
Ai đã hát đau thương chiều tóc rối
Cho mười phương thiên hạ rủ nhau buồn
Anh muốn chết như mặt trời mất nắng
Máu si tình rờn rợn mãi trong xương
Dũng xuống dạy Nguyễn đình Chiểu như cách thức trốn chạy tình yêu. Xa Sàigòn với nỗi nhớ thương bức rứt một cô sinh viên ca sĩ khuynh tả làm cho Dũng làm thơ nhiều hơn cũng như hay hơn. Dũng không có mặt hôm nay để cùng bạn bè chia xẽ thân phận chính mình trong số phận dân tộc dù cuộc chiến huynh đệ không hề mang ý nghĩa giải phóng như những người bên kia kêu gọi.
Tháng giêng vừa qua Hiền trong dịp về thăm bạn bè có nói đến cuộc đấu tranh chính trị mà nó phải đối mặt hằng ngày với kẻ thù. Cách nhau một giao thông hào Hiền với tư cách sĩ quan chiến tranh chính trị đại đội phải luôn miệng trên loa phát thanh hướng về bên kia vừa giải thích ý nghĩa hiệp định Paris năm 1972 vừa yêu cầu cộng quân tôn trọng hiệp định ngưng bắn trong ba ngày tết nguyên đán.
Hiền bảo có một khoảng cách lớn giữa thực tế chính trị và mặt trận quân sự. Lúc này lấn đất dành dân là khẩu hiệu của chúng ta còn thực tế dân và đất không hề mang nhản hiệu cộng sản hay quốc gia. Hôm qua cũng dân và đất ấy là quốc gia nhưng không có gì chắc chắn đêm nay họ không là giao liên hay chứa chấp cộng sản dưới hầm. Chúng ta đấu tranh bấp bênh trên cái nền đất không có móng. Phải tranh thủ nhân tâm trong điều kiện mình không phản ánh được chính mình là chổ trú ẩn an toàn cho người dân cũng như cho họ sự tin tưởng lâu dài. Từ lúc ký hiệp định Paris, đất đai lộ rõ bao vùng xôi đậu và diễn ra cái cảnh bắt cóc bỏ dĩa. Chúng ta chỉ còn lui vào thế thủ, chịu đựng hơn là phát triển tích cực chiến thuật của mình như trước kia. Tao nghĩ trên toàn miền Nam Việt Nam đều như thế chứ không riêng vùng một chiến thuật. Hiền chua chát nói thêm:
--Chỉ có điều khi ngưng bắn thật sự hai bên ra khỏi giao thông hào và hầm trú ẩn. Bắt tay nói chuyện thì có chút ngậm ngùi trước thực tế đang xãy ra. Dù con người cán binh cộng sản khó có thể tin cậy được bởi tính chất tuyên truyền nhà nghề nhưng trên nét mặt của họ không che dấu được cái khao khát vượt thoát nổi buồn chiến tranh đang bao trùm thực tại.
Hiền đã nói lên ước muốn của bất kỳ ai đang sống trên đất nước này. Nhớ lại năm bảy mươi hai khi nghe ký hiệp định Paris. Trên đường xuống sở, Thái chãy nước mắt lúc nhìn thấy những tấm bích chương và giải băng treo các ngã tư đường ca ngợi một giai đoạn hoà bình sắp đến. Dù trí óc anh không tin nhưng lại cảm giác rất rõ niềm xúc động choáng ngợp lòng mình. Đó là sự thật nỗi ghê tởm chiến tranh cao độ của mọi người vì chiến tranh hiện diện khắp nơi trên miền Nam tự do này. Đi đâu cũng thấy nó. Trong bữa ăn, giấc ngũ, lúc học hành vui chơi giải trí và ngay cả trong tình yêu đôi lứa bóng ma chiến tranh lúc nào cũng thấp thoáng trên đầu hai người. Chiến tranh là chia ly và vĩnh biệt mà việc ấy không ai muốn. Còn bây giờ chiến tranh đẫy lùi vào bóng tối và hòa bình đang ở vào giờ thứ hai mươi lăm. Thực sự miền Nam đang vẫy chào một ngày mới hay một mùa địa ngục chỉ mới bắt đầu?
Ai nấy đều chuếnh choáng và chia tay khi bóng chiều đã sẫm màu trên hè phố. Thành phố lên đèn như những ngày xưa cũ hay tiếng loa kêu gọi mọi người tiếp tục tham gia vào công tác trị an phố phường bằng cách khuyên nhủ người thân là viên chức ngụy quân ngụy quyền ra trình diện với chính quyền cách mạng để hưởng lượng khoan hồng là một biểu mẫu mới đang hình thành. Mọi người rồi phải quen và phải quên đi dù hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ là định mệnh dân tộc mà không phải dân tộc Việt Nam chúng ta không từng banh da xẽ thịt để có nên những ngày hôm nay hay sao?
Sơn không đến, mọi người hẹn nhau ngày mai đi uống cà phê Nguyễn thiện Thuật để mau chóng thông tin cho nhau những quyết định kịp thời. Thái theo Cường con về nhà Sơn. Nữa đường anh thay đổi quyết định và nhờ Cường chở về nhà. Xuống xe đầu đường Bà Hạt, Thái quan sát kỹ lưỡng từ đầu ngã ba Sư Vạn Hạnh. Không có gì lạ, phường Nhật Tảo gần nhà đóng cửa im ỉm. Cuộc Cảnh Sát bên cạnh với những giải khẩu hiệu và cờ cộng sản treo sặc sỡ chung quanh. Trên đầu cổng một tấm hình Hồ Chí Minh với khẫu hiệu "Không có gì quí hơn độc lập tự do" treo ngay bên dưới. Không thấy người gác nơi lô cốt. Trên hè phố vài người đi lại bình thường. Thái chầm chậm về nhà. Đến cỗng anh rung nhẹ cánh cửa sắt, chị anh ra mở cửa. Ngạc nhiên khi thấy anh lách vào nhà. Chị khoá cửa và theo anh vào phòng khách. Cha anh đang đọc báo. Giữa nhà là chiếc máy may và một lá cờ giải phóng miền Nam to đang may dỡ dang.
Thái cùng cha ra nhà sau, ngồi xuống chiếc ghế và uống ly nước lạnh nghe ông nói:
-- Ba tưởng con đã ra đi.
Ông không nói gì thêm nhưng Thái biết cha anh mong anh đi được nước ngoài. Qua khuôn mặt bơ phờ hốc hác và giọng nói buồn phiền của ông, anh biết sự thật không phải như anh và một số người hi vọng. Còn tệ hơn thế nữa. Đau khổ biết bao khi con phải bắt đầu cuộc đời mình dưới chế độ cộng sản vào lứa tuổi bây giờ. Cha anh nói như thế rồi ông xuống giọng:
-- Thực ra chúng ta với người cộng sản không hề có mẫu số chung nào cả. Ba hiểu người cộng sản vì năm 1950 ba đã từng theo họ và đã ngỡ rằng khát vọng của mình không khác lý tưởng của họ. Sau khi biết rằng mình lầm lẫn, ba đã trở về thế giới của chúng ta và hi vọng rằng mình có thể tự chủ trong vùng đất tự do này. Bây giờ cộng sản chiếm cái thế giới ấy và họ ban phát cho chúng ta những gì chúng ta cần cũng như ra lệnh cho chúng ta làm theo ý họ.. Hôm nay họ đã đạt được mục tiêu như họ mong mõi thì chúng ta phải chịu nhục nhã của kẻ thua trận vì mình không làm nên cơm cháo gì trong ván bài lịch sữ này trong hơn hai mươi năm! Bây giờ không còn thì giờ để phân tích hay mổ xẽ tìm lý do tại sao chúng ta thua mà chỉ có một cách thức duy nhất là tìm cái sống trong cái chết. Với những người quốc gia như con lúc nào cũng phải tâm niệm rằng người cộng sản luôn luôn dành bản án tử hình cho những kẻ mà họ gọi là lầm đường lạc lối. Tuy dùng nhiều chữ khoan hồng đẹp đẽ nhưng con phải biết họ ít khi thực thi điều họ rêu rao trừ trường hợp có lợi cho họ mà trong cuộc chiến thắng to lớn hôm nay thì đám người chế độ cũ làm gì có thể làm lợi cho họ bây giờ ?
Thái im lặng suy nghĩ, cha anh nói bằng kinh nghiệm của ông từ quá khứ. Mà so sánh quá khứ với hiện tại, những việc đang xãy ra trong thế giới bên kia bức màn sắt không khác nhau bao xa. Bao nhiêu tác phẩm của Solzennitsin không từng mô tả cái địa ngục nhiều tầng dành cho những người chống đối họ cụ thể biết bao trước dư luận của thế giới phương tây, tuy nhiên không có một lối thoát nào cho anh hiện tại. Chỉ còn có lợi dụng tình hình chưa ổn định mà tìm một lối thoát. Thái nói với cha ngày mai sẽ lên nhà người bạn cũ trên đường Đồng Khánh. Bạn anh đã đi du học nhưng gia đình của Châu anh thường đến thăm những khi rãnh rỗi ở rất gần bến xe miền Tây. Từ đó anh có thể về vùng bốn và may ra tìm được một chiếc tàu vượt biển.
Ngày 02 tháng 5 năm 1975
Thái lên nhà Châu thì ông bà cụ đã ra ngoài chợ. Ngồi ở salon, Thái nhìn sang bên kia đường. Sinh hoạt dường như bình thường ở cái khu phố người Hoa này chỉ khác hơn là thêm cờ đỏ treo khắp nơi. Cờ Trung Cộng với bốn ngôi sao vàng nhỏ chầu ngôi sao vàng lớn ở góc trên bên trái lá cờ. Dù là cộng sản, đám người Mao Trạch Đông vẫn không quên tinh thần Hán tộc. Mãn, Mông, Hồi, Tạng phải chầu Hán không phải là căn bệnh muôn đời của đám người mưu bá đồ vương trung nguyên hay sao? Trên Chợ lớn, cờ Giải Phóng miền Nam nhiều nơi nhỏ hơn cờ Trung cộng và hầu như không thấy cờ cộng sản Bắc Việt.
Đám em của Châu lên trường sinh hoạt theo yêu cầu của Uy ban Quân quản Thành phố chỉ còn có Sơn ở nhà vì nó là nhân viên Lục quân công xưởng. Sơn rót trà xong im lặng nhìn ra cửa. Thái cũng không buồn nói chuyện. Đầu óc anh tính toán lung tung. Không biết chọn đường nào khi Sơn cho biết mọi con đường xuống miền tây đều bị cộng sản cắt đứt và cô lập. Càng suy nghĩ anh càng tuyệt vọng. Thái nói với người anh họ của Sơn vừa mới ghé nhà. Anh ta là sĩ quan Địa phương quân từ Đơn Dương chạy về Sài gòn. Thái nói như gieo lại cho mình hi vọng:
-- Chúng ta về miền tây xem may ra còn có chỗ trú ẩn vì vùng bốn hôm nay có thể nhiều vùng chưa bị cộng sản chiếm.
--Vô ích anh ạ. Bạn bè cho tôi biết vùng bốn đã tan hàng sau khi tướng Nguyễn Khoa Nam tự tữ. Không hi vọng vì Mỹ đã bỏ chúng ta từ khi họ ký hiệp định Paris và không ai công khai nói điều nhục nhã ấy cho chúng ta biết mà thôi. Hiệp định Paris là cái bình phong để cho người Mỹ ra đi trong danh dự đồng thời từng bước rước cộng sản vào. Quyền tự quyết dân tộc không hề có dù dân chúng miền Nam Việt Nam luôn khát khao một nền hoà bình công chính.
Thái nghe anh ta nói như nghe lòng mình nhắc nhỡ hay lập đi lập lại nhiều lần mà chính anh phải tự dối lòng không hề nghe hay biết điều ấy. Anh mở tủ kính salon lấy chai martel còn đầy của ông cụ Châu rót vào tách trà đã uống cạn và rót cho người anh họ của Sơn một ly. Hai người nốc cạn. Thái cảm thấy vị đắng cay của rượu tràn ngập cả thân thể của mình. Hút thuốc rồi lại cụng ly. Không ai nói thêm lời nào! Hai giờ chiều chai rượu cạn sạch, người anh họ của Sơn lảo đão lên lầu ngủ. Thái vào trong nhà nằm trên chiếc ghế bố của ông cụ và thiếp ngay cùng lúc tiếng lao xao của đám em Châu trở về.
Thái thức giấc nhiều lần trong giấc ngủ nhọc mệt vì men rượu và nổi khổ tâm tận đáy lòng. Ong cụ không cho đánh thức dù đã đến bữa cơm chiều. Cả nhà của Châu đang chia xẽ nỗi đau đớn của Thái và lo lắng chung của mọi người trong không khí rộn rịp của xã hội đang thay da đổi thịt.
Thái ra về trời đã khuya. Trong khi nghe ông bà cụ Châu an ủi và khuyên nhũ, anh kín đáo thấy đám em gái của Châu người nào cũng cắt tóc ngắn và mặc đồ bà ba xanh đậm. Ai cũng đang thích nghi với cuộc sống mới chỉ trừ ta. Thái thầm nghĩ và chầm chậm đạp xe đi qua các con phố rực rỡ màu cờ chói mắt rồi chợt nhớ đến bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần:
...Tôi đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Anh nghe thấm thía nỗi cô đơn chan hòa trên làn da sớ thịt. Định mệnh lịch sử nuốt chững số mạng từng con người chế độ cũ trong những ngày tháng năm này. Có nổi ngạc nhiên hay không khi một sự thay đổi quá nhanh trong cấu trúc hạ và thượng tầng cơ sở xã hội cùng cảm giác tâm sinh lý dường biến đổi theo chuyển biến thời cuộc. Có lúc Thái nghe bụng mình quặn đau, dạ dầy khó chịu và trí óc rã rời mệt nhọc. Anh muốn quên đi và phủi tay những lo âu thời cuộc nhưng vô ích. Anh là con ốc han rĩ trong bộ máy cũ kỹ không thể tháo ra được vì số phận anh cũng là định mệnh của nó và chờ đợi được vứt bỏ vào đống rác lịch sử.
Bước vào nhà anh chỉ kịp đọc những dòng chữ nhắn lại của một người bạn cũ trên cao nguyên và những lời nhắn của Huệ phải đi trình diện vào ngày mai vì ngay đơn vị cũ của anh yêu cầu. Thái ngũ vùi trong sự quên lãng của chính anh.
(Còn tiếp)
|
|