Phố Chiều Năm Cũ

*Tưởng niệm cố nhạc sĩ Trúc Phương

 
 
 

Khi tôi đến căn chung cư Hảo ở trời đã sẫm màu. Không còn tia nắng nào ở khu phố này nhưng ánh sáng tận đâu đấy còn lãng vãng ở khu phố bên kia làm trời đất dường như âm u buồn bã hơn. Sau khi đậu xe, leo lên tám bậc thang tôi dừng lại thở, có chút ẩm ướt như mồ hôi trên cổ dù trời hơi lạnh. Những dấu hiệu thoái hóa cuộc đời? Hôm trước Quân nói sao trừu tượng quá, mày cứ bảo là các bộ phận trên thân thể bị lão hóa dễ nghe hơn không? Tôi gay gắt nói với bạn những lúc tâm trạng không được vui và Quân chỉ cười không nói gì.

Bước lên thêm mười hai bậc thang đến đầu căn phòng của Hảo, tôi bấm chuông. Hảo mở cửa, ánh mắt sáng lên khi nhìn thấy tôi. Nàng bảo anh vào đi khi thấy tôi còn chần chừ trước cửa. Tôi đi đến sa lon và ngồi xuống. Hảo đóng cửa đi đến mở tủ lạnh ở góc phòng cầm một chai bia đưa lên hỏi tôi có uống hay không? Tôi gật đầu nhìn chiếc áo sơ mi tím của Hảo đang mặc nhớ đến chiếc áo dài lụa tím màu mận chín ngày xưa của Loan.

- Anh nghĩ gì mà thừ người như vậy?
- Đang nghĩ đến Buồn trong kỷ niệm!
- Bản nhạc của Trúc Phương?
- Ừ!

Tôi trả lời rồi nhìn bâng quơ khắp phòng. Trên chiếc bàn cạnh cửa sổ, chiếc laptop đang mở và bên ngoài cửa sổ một chậu xương rồng nở hai hoa đỏ trên nền xám của bầu trời hoàng hôn. Vẫn cô đơn. Tôi nhìn Hảo hỏi:

- Con em đâu?
- Gửi nó cho bà chị rồi, ngày mai mới đón. Anh đến chơi sao không điện thoai trước để em mua cái gì đó ăn cho vui.
- Lấy đại thứ gì còn trong tủ lạnh cũng được.
- Đồ đông lạnh sao bằng đồ tươi được?

Tôi không nói gì thêm chỉ rót bia ra ly rồi uống một ngụm. Bia mát lạnh, thơm nồng dễ chịu. Hảo lấy chiếc đĩa đổ đậu phụng rang đặt lên giữa bàn rồi ngồi xuống bên tôi nói:

- Người ta thật bất công với Trúc Phương.
- Tại sao?
- Người ta nghe nhạc của ông ta khắp nơi.
- Có gì là bất công?
- Ông ta chết trong nghèo đói!
- Không phải bất công mà số phận của nghệ sĩ!
- Sao có nghệ sĩ giàu có?
- Cũng là số phận nghệ sĩ!
- Anh có thể giải thích hay không?
- Không!

Tôi bốc hai hạt đậu phọng bỏ vào miệng nhai. Đậu phọng rang muối dòn, thơm. Hảo nhìn tôi trừng trừng. Nàng đang nổi giận? Tôi cười nói:

- Nghệ sĩ thường sống và chết trong cô đơn. Giàu nghèo là số mệnh. Thiếu gì người số phận thê thảm kém gì Trúc Phương! Làm nghệ sĩ là định phận còn bất công vốn thuộc tính…

Tôi muốn nói thêm nhưng thấy nét mặt Hảo giản ra rồi trầm tư tôi dừng lại. Hảo gật đầu dường như bằng lòng với ý nghĩ trong đầu. Chắc là như thế! Tôi chỉ chiếc laptop hỏi:

- Em đang làm việc?
- Vâng, thế nên em mới gửi con cho chị Nhân để ngày mai dẫn nó đi hội chợ. Phải chấm dứt bản báo cáo tài chính cuối năm. Ngày mai là hạn chót.
- Như thế là anh làm phiền em rồi. Anh ngồi thêm năm phút rồi về để em làm việc!
- Không sao, em vừa làm xong. Chỉ cần một giờ đồng hồ kiểm tra lại mà thôi. Anh đến em cũng mừng lắm. Bộ anh thích nhạc Trúc Phương hay sao?
- Cũng thích vài bản.

Hảo cười:

- Em nhớ anh nói gần nửa thế kỷ nay anh chỉ nghe nhạc Trịnh công Sơn kia mà?
- Thời gian này là lúc xem xét kiểm điểm lại đời người. Anh nghe nhạc Trịnh công Sơn từ năm mười lăm tuổi. Nghe một thứ nhạc suốt ba mươi bảy năm cũng là điều bất công như em vừa nói lúc nãy. Nhưng bất công đối với chính anh chứ không phải Trịnh công Sơn đâu!
- Mình có tự do trong thưởng thức nghệ thuật chứ?
- Đồng ý, nhưng với kiểu thưởng thức của anh có khi không phải tự do mà là nô lệ. Thế nên bất công. Nhìn chiếc áo tím của em mặt anh mới thấy sự bất công và mất tự do của mình.
- Nếu anh thấy mình bất công thử viết bài kêu gọi người ta giúp đỡ cho gia đình nhạc sĩ Trúc Phương đi?
- Anh không có khả năng để viết như thế, tuy nhiên anh sẳn sàng đóng góp nếu có người quyên góp.

Hảo quàng tay qua vai tôi rồi dịu dàng nói:

- Để em hỏi người bạn quen biết gia đình Trúc Phương. Anh nhớ em bao nhiêu tuổi rồi không?

Tôi im lặng nhìn vào khoảng trống trước mặt nhớ ra đã sắp hết năm. Cuối năm hỏi tuổi của mình xem ra Hảo can đảm lắm. Bốn mươi bốn tuổi khi quen với tôi. Lúc bấy giờ tôi năm mươi sáu và vợ mất đã hai năm còn Hảo ly dị sáu tháng và nuôi con gái năm tuổi. Từ ngày ấy đến nay đã ba năm. Tôi cúi ngửi mùi tóc quen thuộc của Hảo nói:

- Bốn mươi bảy tuổi và chúng ta quen nhau ba năm hai tháng.
- Trí nhớ anh còn tốt! Không phải em sợ tuổi thật của mình mà em thật sự không nhớ được rõ ràng mình bao nhiêu tuổi. Cứ lẫn lộn giữa bốn mươi sáu và bốn mươi bảy. Nhiều khi nhìn gương buổi sáng lại nghĩ năm mươi tuổi. Có khi em làm việc nhiều nên quên hết hay là đầu óc thoái hóa rồi!

Hảo nói đúng. Bao giờ tôi gặp, nàng đang có ít nhất một công việc phải làm. Xã hội dù không bắt buộc nhưng bản thân bắt buộc. Tôi cũng không ra ngoài cái nền nếp ấy. Khi bắt đầu làm việc tôi an tâm và càng làm việc tôi bớt dần sự an tâm rồi bắt đầu lo lắng. Càng làm việc càng lo lắng vì kết quả của việc làm quá tích cực nên ai cũng sợ mất việc. Hảo phải lo cho con nhỏ vì người chồng cũ trở về VN và ở luôn bên ấy với người vợ trẻ thế nên nàng không hề được tiền phụ cấp con từ người chồng. Ngày quen Hảo, tôi bảo:

- Anh thực sự cảm thấy trống trãi và cô đơn. Sự cô đơn ấy lớn dần và nếu sự cô đơn là sa mạc thì anh mong em là ốc đảo.
- Em cũng là thứ ốc đảo cô đơn trong sa mạc. Tuy nhiên em cảnh báo anh, có khi cái mà anh gọi là ốc đảo kia lại là cơn bão tố phong ba. Không khéo nguy hiểm bản thân.

Ngày ấy tôi biết mình cần cái gì ở ốc đảo kia và cũng chẳng hề sợ phong ba bão tố như Hảo nói. Chỉ có tình yêu mới là thứ cuồng phong đáng sợ trong khi lòng tôi phẳng lặng im ắng thiên thu. Với tôi Hảo không phải là thứ gió cuồng mà chỉ là cơn mưa vội vã trong mùa hè oi bức. Chúng tôi trở thành điều kiện của nhau nhưng hình như một lúc nào đó thiếu vắng một người chúng tôi cảm thấy khó chịu, buồn bã. Tôi nắm tay Hảo nói:

- Anh và em đều cô đơn, hay chúng ta đi uống café. Lâu lắm rồi anh không uống café tối! Sau đó đi ăn cơm.

Hảo đồng ý và vui vẻ đi thay quần áo. Hai chúng tôi đi xuống cái cầu thang 20 bậc thì trời bên ngoài nhá nhem tối. Đèn góc phố vàng ệch gợi một quá khứ. Tôi nói với Hảo, nàng bảo:

- Chúng ta ai cũng đã từng đi qua những con phố chiều mà màu nắng nhạt nhòa nhường cho ánh điện vàng sậm dần xua bóng tối khỏi mỗi bước chân qua. Và bước chân ngày hôm nay lập lại một nhịp điệu cũ tưởng như đã quên lãng lâu rồi anh nhỉ?

Hảo nói như đọc thơ khiến tôi nhớ Bước chân chiều chủ nhật của Đỗ Kim Bảng vào thời trung học và ao ước được nghe ai đó ngâm những bài thơ thuộc năm tháng xưa cũ ấy. Loan thích nghe ngâm thơ trong bóng tối, những chiếc đĩa CD thơ mà nàng mua chưa kịp nghe còn trong ngăn tủ, Loan theo những bài thơ chui nằm trong ký ức của tôi và tôi thưởng thức những bài thơ ấy trong giấc mộng ngoại trừ Loan. Chưa bao giờ tôi gặp lại nàng trong giấc mơ của mình. Đấy là nghịch lý, tuyệt vọng! Tôi nói với Hảo:

- Ừ, chúng ta cũng là thứ quên lãng trong cái xã hội luôn luôn đào thãi những gì tồn tại cỡ năm năm. Tụi mình tệ hơn chiếc xe cũ. Những thứ cũ ở đây có tồn tại cũng được tân trang, đánh bóng lại và bày trong tủ kiếng còn chúng mình chỉ chờ vứt vào sọt rác.

Hảo cười vang. Tôi cũng cười. Chúng tôi quàng tay nhau đi trên hè phố vắng người trong khu phố cũ. Lúc này tôi thấy mình như thêm sinh lực và đang cùng người yêu lang thang trong buổi chiều đường phố sinh viên thời chiến tranh. Qua hai ô đường chúng tôi vào quán Starbuck gọi hai ly cappuchino nóng rồi mang ra vỉa hè ngồi. Chỉ thiếu tiếng nhạc chứ khung cảnh tương tự những quán cafe trường đại học. Gió mang hơi lạnh, Hảo kéo cổ áo và ghế rồi ngồi dựa vào tôi. Tôi đưa tay cho Hảo nắm. Ấm và bớt cô đơn! Hôm nay cũng thế, chúng tôi ngồi gần nhau thấy bớt cô đơn nhưng không hề hết cô đơn. Thế nên chúng tôi cần nhau nhưng không yêu nhau dù bao nhiêu người bảo tình yêu trước tiên bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ cần thiết.

Hảo uống ngụm café nói, tối nay ngủ lại nhé. Tôi lắc đầu bảo. Anh phải về nhà. Về làm gì? Hảo nhìn tôi vừa hỏi vừa cười.

- Anh có một số công việc phải làm, cứ hứa mãi và làm dỡ dang chưa xong!
- Viết hay vẽ tranh?
- Viết.
- Về nhà em viết cũng được.
- Anh nghe nhạc và thức khuya. Em không ngủ được đâu!

Hảo không nói thêm, chỉ uống chầm chậm từng ngụm café mắt nhìn ra phía công viên trước mặt. Nàng đeo đuổi sự cô đơn của mình. Tôi cũng thế. Nỗi cô đơn của chúng tôi cũng không giống nhau. Những hi vọng hão huyền về một bến bờ hạnh phúc! Có thể hạnh phúc bao giờ cũng là ước mơ của chúng tôi còn hình dạng nó ra sao không ai nhớ cả. Còn ai hỏi tất nhiên tôi trả lời ừ có một thời... mùa xuân cho rất nhiều hoa, nhưng cũng có mùa xuân không có nụ hoa nào cả… Hạnh phúc là hoa của mùa xuân, nhưng cũng có những mùa xuân không có hạnh phúc. Từ đó về sau hạnh phúc chỉ là ước mơ và không bao giờ hiện thực cả với tôi. Thế rồi mùa nào cũng là mùa xuân cả… Thứ mùa xuân ước mơ tội nghiệp!

Hảo có thể khác. Nàng cần một tổ ấm, một nơi chốn trú ẩn bình yên. Có thể biến nơi trú ẩn là một tổ ấm chỉ bằng vào định mệnh và định mệnh là cuối con đường nếu có một con đường cho người ta đi. Tôi và Hảo đều đi trên một con đường nhưng không cùng một nhịp bước và mỗi người có một điểm đến không giống nhau. Bốn tháng trước Hảo nói:

- Chúng ta không có cái gì giống nhau cả.
- Có chứ, nổi phiền muộn!
- Em không chắc, vì cái phiền muộn của anh xuất phát từ sự đau thương còn nỗi phiền muộn của em từ sự tức giận.

Hảo nói xong đôi mắt long lên như vừa cảm nhận cả một quá trình thất bại đã qua. Nàng nói đúng, cô đơn của chúng tôi không cùng một nguyên nhân. Mà hạnh kiểm bản thân từng bước hình thành trực tiếp từ cuộc sống. Tôi đứng lên vươn vai nói với Hảo, chúng ta đi ăn cái gì, dù bụng còn no café sữa. Tôi không muốn nói đến những cảm nghĩ vừa đến với mình với Hảo và chợt chán cái không khí của quán cafe.

Hảo chịu nhiều bất hạnh. Nàng lớn lên trong viện mồ côi. Điều này Hảo cũng mới biết sau khi đến Mỹ và ngỡ ngàng khi người cha bị bệnh trước khi mất cho nàng hay ông ta chỉ là người cha nuôi. Cha nuôi cô cũng không biết cha mẹ ruột của Hảo vì ông bảo đã đến viện mồ côi xin Hảo lúc nàng ba tuổi và viện mồ côi không hề cung cấp thông tin nào liên hệ ngoài một đứa trẻ vô thừa nhận. Mẹ nuôi cô đã mất sáu năm trước cũng không hề tiết lộ chuyện kinh khủng này. Vài lần Hảo cay đắng nói với tôi:

- Em sinh ra từ thùng rác vì không có chút bằng chứng nào em có cha mẹ đẻ của mình. Giờ phút cuối cùng em đã năn nỉ cha nuôi em hãy cho em biết cha mẹ ruột nhưng cha em vẫn lắc đầu. Thực ra sau này em nghĩ lẽ ra ông đừng tiết lộ chuyện này thì hơn.
- Tại sao?
- Vì việc ông nói nhưng không có giải đáp chỉ làm cho cuộc sống của em bi đát hơn!
- Em chỉ tưởng tượng bởi em biết được cha mẹ ruột em lại càng đau khổ hơn vì sự suy nghĩ của mình. Điều này em tự hiểu.

Hảo gật đầu nhìn chăm chăm khoảng trống, đôi mắt lại long lên nét giận dữ, khuôn mặt căng thẳng nhưng bất động. Nàng là tượng đá dõi mắt về một quá khứ đã chìm trong sương mù. Khi sự thất vọng tràn ngập, đôi mắt chỉ còn mơ hồ một niềm uất hận khôn nguôi. Nàng tự bảo, không phải chính tôi là rác rưỡi hay sao? Lúc ấy tôi an ủi, chúng ta đến cuộc đời như một sự đào thãi, em ạ! Dù tôi biết rằng tái sinh hay đào thãi cũng như nhau vì tùy trạng huống cuộc đời của mình mà cho nó một ý nghĩa.

Từ ngày ấy, Hảo thường giận vô cớ. Khi như tức giận với chính mình rồi tủi thân. Tôi nắm tay Hảo đi trở lại con đường về nhà. Hảo im lặng. Tôi hỏi có cần ăn uống? Hảo lắc đầu. Hai chúng tôi qua khỏi một ô đường đến một ngỏ hẻm sâu. Hảo dừng lại, chỉ chiếc thùng rác cao to nằm sâu trong hẻm. Nàng kéo tôi đi đến thùng rác và ném hai chiếc ly café mà chúng tôi còn cầm trên tay sau đó nhón chân nhìn sâu xuống đáy như tìm kiếm vật gì đó. Ánh điện vàng trên cao cắt thùng rác hai vũng sáng tối rõ rệt. Tôi kéo Hảo lùi lại hỏi:

- Em tìm gì trong thùng rác hôi hám này ?

Hảo không trả lời ngoan ngoãn theo tôi ra khỏi con hẻm. Đến đầu hẻm Hảo nói, em thấy một con mèo chết trong thùng rác. Tôi nghe muốn buồn nôn. Hảo lại nói :

- Ngày xưa nếu không có người nhặt em ra khỏi thùng rác, em cũng đã chết như con mèo ấy!

Nàng cười tiếp:

- Và chúng ta không như thế này hôm nay!

Hảo lặng lẽ đi bên tôi bình thản nói, xã hội này chỉ có thùng rác và rác anh nhỉ? Người ta đẻ con rồi bỏ vào thùng rác. Đứa trẻ chết dĩ nhiên là rác nhưng sống cũng là một thứ rác rưỡi của cuộc đời. Thứ rác này gặp thứ rác kia. Sống với nhau rồi đẻ ra rác và rác ly dị. Ly dị chính nó cũng là thứ rác khác của thời đại. Bởi chỉ có rác mới chia lìa, đoạn tuyệt. Có một thời nào đó người ta bảo vinh hạnh thay cuộc đời này. Lúc ấy cuộc đời chỉ có một màu xanh để vươn lên đơm hoa kết trái. Thời ấy không còn nữa. Thời chúng ta chỉ là thời của những con người rác…

Tôi chua xót kéo Hảo vào lòng. Nàng nhích ra khỏi tôi và lầm lũi đi về. Tôi bước theo sau. Trời dường lạnh hơn, vĩa hè cuối năm rộng thênh thanh, hoang vu trong tầm mắt nhìn. Nỗi cô đơn như bám chặt lấy hai người và tôi nhận rõ chung quanh mình những chiếc bóng cô đơn khác lang thang trên phố như những bóng ma. Khi chúng tôi về đến phòng, Hảo ngồi xuống sa lon cỡi bỏ áo ngoài rồi mở máy sưởi. Chiếc laptop vẫn còn mở cô đơn lặng lẽ trên bàn. Tôi ngồi xuống bên cạnh Hảo, nàng quay nằm ngang gác chân lên hai chân tôi nhắm mắt không nói tiếng nào. Tôi cũng nhắm mắt lại nghe từng tiếng tích tắc vang vọng của chiếc đồng hồ treo tường.

Khi tôi mở bừng mắt, dường như Hảo đã ngủ. Nỗi khổ tâm dìm nàng sâu vào giấc ngủ mệt nhoài của những xung đột tinh thần. Tuy hôm nay tôi tỉnh táo nhưng bản thân mình như chia xẽ trọn vẹn khổ đau bất tận của nàng. Nhẹ nhàng tôi nhấc chân Hảo lên rồi nhích ra ngoài chổ ngồi. Đứng lên tôi bồng Hảo vào giường ngủ, nàng vươn tay ôm cổ tôi và mĩm cười.

Chờ Hảo ngủ yên, tôi ra phòng khách mở thêm chai bia uống và nhìn ra ngoài cửa kính. Trời bên ngoài tối đen không còn nhìn thấy hai đóa hoa xương rồng nữa. Tôi nhắm mắt lại rồi mở mắt ra. Chiều đi, đêm xuống. Tôi lại ngồi uống bia trong tiếng lê thời gian của chiếc kim giây đồng hồ trên tường. Tôi thèm nghe một bản nhạc và biết chắc là bản nhạc Trúc Phương duy nhất tôi thích mà từng nốt nhạc như từng cơn gió thổi lật mỗi trang sách tuổi trẻ thời mà men tình yêu bám rễ lên từng con đường, góc phố, trường học, nhà thờ, tàng cây… để rồi một ngày giết tình yêu cũng chính trên từng trang kỷ niệm ấy.

Tôi đứng lên lấy bút viết cho Hảo vài chữ hẹn gặp vào chiều cuối tuần rồi nhẹ nhàng khóa cửa xuống cầu thang ra về. Đứng dưới chân cầu thang tôi nhìn lên phòng Hảo, chiếc bóng đèn trên đầu cửa vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng đậm đặc nặng nề vàng ệch một thời.

 
 

Lê Lạc Giao