Tản Mạn Một Năm

 
 
 

Chiều nay thứ hai đầu tuần tháng giữa hạ. Bắt đầu buổi chiều sau khi đi làm về đến điểm hẹn nơi phòng mạch bác sĩ nha khoa. Một giờ sau trở về nhà. Sáu giờ chiều vừa nghe gió ngoài cửa vừa trả lời trên phone với tiếng người bạn hai mươi năm xa. Buổi cơm chiều trong quán ăn của một khách sạn. Bốn người bạn cũ, ăn cơm uống bia nghe thời gian như dừng lại trong tiếng nhạc buồn ba mươi hai năm trước. Quê hương vẫn lãng vãng đâu đây chung quanh tôi. Bên kia quầy, giữa bốn bức tường treo những cành trường sinh, những bức tranh quá khứ, trong không gian dầy đậm đặc mùi ký ức, nồng nồng buồn buồn và vang vọng nỗi niềm cô liêu. Tôi cảm thấy như thế! Và vẫn thường cảm thấy như thế! Khi trong tôi cảm nhận sự thiếu thốn một nơi chốn trở về tôi biết tôi sẽ lang thang mãi những nơi mà chung quanh mình có vô số thiên đường giả tạo. Ôi, buổi chiều buồn đầu tuần. Khi tôi tách mình ra khỏi mọi ràng buộc xã hội và bước vào những sở thích riêng tư, tôi tìm cho mình niềm hạnh phúc tạm bợ trong sự trống rỗng của bản thân. Đấy là mất mát, là thiếu vắng một quê nhà bên kia vùng ánh sáng đủ nhạt nhòa ước vọng để rồi chỉ nghe tiếng trống tiếng kèn tiếng sáo và điệu tango ngày cũ.

Tôi vẫn thường viết về những cảm nhận bất chợt của mình trong nhịp sống quen thuộc mười lăm năm trên xứ lạ quê người. Tình cảm ấy đến và đi theo ngày tháng như dấu vết thời gian mài mòn thân thể mình. Tôi cứ nghĩ mình thiếu cái gì đó, có nghĩa không trọn vẹn, vẫn mãi dang dỡ như cuộc chơi dỡ chừng và rồi tự an ủi rằng thật vô nghĩa nếu chờ đợi một cái gì đó hoàn hảo! Những quanh quẩn ấy trong tôi là thứ ấn tượng có phong cách gặm nhấm. Xen kẻ nhịp sống đều đặn tôi gặm nhấm những vấn nạn bất chợt lúc như hồi tưởng, khi thấy bi quan rồi như trầm cảm. Tôi không bao giờ thắc mắc là mình sẽ làm gì với những cảm nhận bệnh lý ấy. Khi ấy tôi quên những thứ không đáng quên và nhớ những thứ mình ghét nhất. Rồi tôi tự đối thoại với chính mình qua âm nhạc. Tôi tìm chút kỷ niệm qua điệu hò câu hát ngày xưa để thấy lòng an ủi với nỗi nhớ nhung một vùng ánh sáng nữa xa nữa gần. Tôi dìm mình trong dòng âm thanh thê thiết mourna của tây bắc Phi vì thấy thân quen gần gũi lắm và thấy linh hồn dẫy chết theo tiếng kèn tiếng trống đơn ma quái. Rồi những bài ballads buồn thảm đông Phi, tiếng kêu gào kể lễ ai oán sự ra đi phũ phàng của thượng đế mang theo tình yêu thương đất mẹ và nỗi hoan lạc trai gái. Trong âm thanh tuyệt vọng vẫn có những hi vọng, rồi dòn dã những niềm tin esperanca irisada…. Âm nhạc bây giờ trong tôi là ngày tháng là thời gian và chờ đợi. Tôi tìm hi vọng như tất yếu cuộc sống và nó vẫn có trong tôi xen kẻ từng phiền muộn nỗi niềm hằng ngày.

Hôm Memorial Day, tôi có đi Berkeley và về San José ghé thăm Phạm Việt Cường, vợ chồng Phan Nhật Tân-BTThanh Liêm một ngày. Rất tiếc vì Tân quá nhiều việc nên không nói chuyện lâu được. Phạm Việt Cường đã hồi phục và đi tập thể dục trở lại. Bắc California khí hậu mát mẻ như cao nguyên Việt Nam. Nhà cửa đa số cổ kính thấp thoáng trong vùng cây cối xanh tươi khiến cho những ai bận rộn lo toan mấy cũng cảm thấy phần nào nhẹ nhõm thoải mái trong không gian màu sắc êm dịu ấy. Tôi chờ Cường dưới sân để đi ăn cơm tối. Bảy giờ rưỡi nhưng mặt trời còn cao chỉ chừng bốn giờ chiều mùa đông. Con đường trước nhà vắng ngắt, chiều thứ sáu của một cuối tuần dài biểu hiện rõ rệt trên đường phố. Vắng hơn như để chuẩn bị những ngày sắp tới ồn ào tấp nập hơn. Gió nhẹ, gây gây lạnh. Trên cao trời xanh biếc gợn những nõn mây trắng. Đâu vẫn thế, thấy mây bay tôi cứ nghĩ đến quê nhà thời còn thơ dại với ước mơ và hoài bão đầu tiên. Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại? Tôi đứng đó mà hồn gửi tận đâu. Ngày hôm nay giấc mộng đời gửi tôi đi theo những bến bờ ký ức. Có lẽ tuổi tác không cho phép tôi nghĩ tới nhiều như nghĩ lui. Vả lại nghĩ tới biểu hiện nghĩ gần, chỉ là những tính toán ngắn ngủi như thói quen ăn ngủ hằng ngày. Còn nghĩ lui lại như thèm khát, tác động ấy xãy ra với những kẻ mà cô đơn thường xuyên là người bạn đường trong những tháng năm đã qua cuộc đời mình. Tôi nhìn lên khung cửa sổ căn phòng của Cường và hình dung sự cô độc của bạn. Vẫn có những tinh cầu lẻ loi trong thế giới muôn màu muôn vẻ này chưa kể đến sự cô đơn bất chợt trong sự ồn ào của chính cuộc sống. Không ai muốn tự cô lập mình mà chỉ có cuộc sống đẩy đưa con người đến bến bờ vô vọng của nghịch cảnh. Tuy nhiên, không có những nỗ lực bản thân giải phóng chính mình thì sự đã rồi mang màu sắc định mệnh và càng lớn tuổi con người dần dần đối diện với sự bất lực của chính mình. Những cố gắng rất mực của chúng ta làm nổi bật ý nghĩa tính tạm bợ và vô thường của cuộc đời này.

Triết Văn kỉ niệm một năm tròn online đồng thời cũng nhận được tin buồn Phạm Quang Phước ra đi. Tôi thường gọi sự chia lìa trong cuộc đời này là điêu linh trần thế. Nhưng điêu linh trần thế chỉ là biểu hiện của tính vô thường. Tôi không ngỡ ngàng khi nghe bạn bè thông báo về người bạn đã vĩnh viễn ra đi mà chỉ thấy lòng mình nặng nề hơn với những điêu linh trần thế:

Dòng kinh nghiệm chãy xuôi nước mắt
Bể điêu linh trôi nỗi kiếp đời
Gặp lại nhau nói chuyện đầy vơi
Chân cố bước sao đành ngày tháng cũ


Tôi nhận tin Phạm Quang Phước mất qua hai emails, một của Sơn Giấy và một của chị Châu. Buồn rồi nhớ lại hôm uống bia trong chiều mưa tháng sáu Sàigòn. Hình ảnh “gã nhà văn buồn rầu” phía góc bàn bên kia giống như cây nến cũ. Một cây nến đang chảy ba ạ! Bác ấy thật giống một cây nến bị hơi nóng nung cong và từ từ chảy xuống. Con gái tôi mô tả Phạm Quang Phước hôm ấy như thế. Thật ra chân dung “gã nhà văn buồn rầu” ấy không khác hình ảnh cây nến bao nhiêu! Hôm ấy ba người: Phạm Việt Hùng, Phạm Quang Phước và tôi ngồi uống bia nói chuyện trong tiếng mưa rơi rỉ rã ngoài hàng hiên. Đáng lẽ ra phải đông người hơn nhưng cơn mưa lúc bốn giờ kéo dài đến tối đã làm một số bạn hủy bỏ bửa ăn chiều vì đường lên Phú Lâm có những đọan ngập nước đến bụng. Tuy nhiên thật quí hóa khi Phạm Việt Hùng đèo Phạm Quang Phước sau lưng vượt qua dòng sông trong lòng phố ấy để đến nơi hẹn. Có lẽ lần về quê hương năm ngoái có nhiều kỷ niệm khó quên và hôm uống bia ăn tối tại nhà chị Châu với Hùng và Phước lại là lần gặp gỡ cuối cùng với “gã nhà văn buồn rầu” ấy. Kỷ niệm của tôi với Phạm Quang Phước rời rạc, nhưng những chấm phá ấy cũng thật ấn tượng. Có thể như Phạm Quang Phước nói “Cùng một lứa bên trời lận đận chăng?” Ngày xưa tôi gặp Phước vài lần đến nhóm để uống café hoặc đi uống rượu. Noel năm 1973 Phước và Hùng đến nhà tôi dự tiệc giáng sinh và năm ấy chúng tôi uống champagne thật là sang. Lúc bấy giờ Phước đã vào quân đội, gã nhà văn những năm ấy mặc đồ trây di đi chơi và chưa buồn rầu như những năm sau này. Những năm ấy liên hệ với Phước thường qua Phạm Việt Hùng vì Hùng và Phước đã có quan hệ thân tình từ những năm nào xa lơ xa lắc (thuở còn trong thi văn đoàn gì đó như hôm uống bia Hùng có kể) và những tên văn nghệ không thiếu đồng tình, đồng cảm với nhau dù chỉ mới nghe tên hay nghe một câu thơ gì gì đó. Nhóm Nghiên Cứu Triết học quần tụ bạn bè như thế và cho đến hôm nay có thể nói với nhau, chí cốt lắm đám “ta hồ, văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ”!

Ngày hôm nay nhớ lại kỷ niệm với Phạm Quang Phước đồng thời nhớ đến đám bạn bè ngày xưa. Rồi một khung thời gian với những hình ảnh dù nhạt nhòa hay đậm nét đều không bao giờ quên được. Sau biến cố 30-4-1975 chúng ta tan tác khắp nơi để rồi ngày hôm nay nếu có ai nhắc đến một người quen cũ đều thấy lòng ngậm ngùi vì thời cuộc đẩy đưa. Tôi biết mình vẫn mãi luyến tiếc cái gì đó, sau này tôi cho rằng lòng còn mãi vấn vương chút tro tàn tuổi trẻ. Vì luyến tiếc nên dẫu đã hơn ba mươi năm chút tro tàn này vẫn còn ấm hơi người và nồng tình bằng hữu. Tôi cứ gặp bạn thì vui và khi xa nhau lại thấy quên chút chuyện này hay chuyện kia mà tiếc không nói bạn mình biết để chia xẽ. Đọc thơ văn bạn bè tâm đắc một mình và tự hứa khi có dịp ngồi nói với nhau câu thơ ngày cũ. Thí dụ khi sang Mỹ rồi mới nhớ không hỏi hai câu trước tiếp theo hai câu: “ta kinh hãi bỗng thấy mình đứng ngó/dòng sông đen trôi nỗi một kiếp người” của Văn Nhược Ba trên tờ Văn năm 1974 hôm “hội ngộ Sài gòn” tháng sáu năm 2006. Rồi July 4th vừa qua, Đinh hữu Hiền đưa tấm hình scan bốn tên: Hiền-Dũng- Hà- Cường trong những ngày quân sự học đường Quang Trung mới thấy vó câu thời gian chỉ một cái nhảy vọt ba mươi bảy năm mà bên tai còn vẳng đâu đây tiếng hò lơ của Nguyễn quốc Kỳ chen lẫn tiếng hát bè trầm buồn bài “Còn nắng trên đồi” của Lê Uyên Phương. “Một ngày nào chúng ta, một ngày nào thiết tha… Như mây trôi, như thời gian đem lãng quên… Em, em ơi, nắng lưng đồi.” Tôi còn nhớ dòng chữ bằng viết nguyên tử “Please, give me a nipple” trên lưng áo trây di của Trần Hòa Vinh mỗi khi đại đội tan hàng cuối tuần về Sàigòn. Rồi tiếng hát gào thét “Lý ngựa ô” của đám thành viên Nhóm Nghiên Cứu Triết Học đi phép cuối tuần trong sân nhà Vương quang Tuệ trước khi vào tiệc thịt cầy. Ôi chao, kỷ niệm những buổi sáng sớm uống café trên căn gác nhỏ nhà Phạm Việt Cường trong con hẻm đường Huỳnh Tịnh Của trước khi xuống trường Văn Khoa. Bên tai còn vang vang tiếng đàn ghi ta của Phạm Việt Hùng bài “La plage romantique” mà anh ta dịch sang lời Việt, rất ấn tượng với hai chữ chấm dứt bài “…rồi quên !” Rồi những xa cách vì thời cuộc, tôi và một số thành viên vào lính. Bạn bè kẻ đi người ở ngược xuôi những năm sau mùa hè đỏ lửa 1972. Đi đâu thì đi gặp lại nhau cũng tại văn phòng nhóm Triết rồi kéo nhau qua câu lạc bộ hoặc rủ nhau ra café Nguyễn Du. Hàng me xanh của những năm cuối thời tuổi trẻ chúng ta. Trong tôi hình ảnh như cuộn phim quay ngược, Phan nhật Tân chiếc honda dame hai màu, Nguyễn anh Dũng chiếc Suzuki dame đen cõng trên yên bộ xương cách trí thi sĩ Văn nhược Ba, Tô chí Để lúc nào cũng sơ mi màu xanh đỏ lấp ló trên hành lang giảng đường. Phạm Việt Cường bao giờ cũng “ngây thơ công tử” với những câu nói sặc mùi triết tây. Rồi Sơn Sartre đôi mắt hấp hem sau đôi mục kỉnh, Sơn Giấy muôn đời chững chạc trên chiếc suzuki đam đỏ, Trần hòa Vinh lê tấm thân hành giả … và tất cả những khuôn mặt chấm phá ấy đều im lặng trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo của quán café Hồng Pasteur và chìm đắm trong dòng nhạc Trịnh công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly ma quái. Từ năm 1972 trở đi Nhóm Triết tiếp nhận thêm một số thành viên từ nhóm Chùa Xá Lợi như Phan Tấn Hải, Trần Đình Hoành, Phạm Hữu Thành, Cung Nhật Thành và những bằng hữu từ Vạn Hạnh và Khoa học như Nguyễn thế Nghiệp, Phan quốc Cường… Thời trẻ của chúng ta nhớ lại sao mà luyến tiếc ngậm ngùi! Tôi nói thế chứ không phải một thiên đường đã mất. Phải không các bạn? Không vàng son, không hạnh phúc mà chỉ là những dỡ dang kiếp người vì số phận giết chết hoài bão có nghĩa không ai vượt qua được định mệnh lịch sử. Viết những dòng này, chúng ta đang đi tiếp chặng đường đời của mình trong tương quan một đời bằng hữu. Dù chưa trọn vẹn nhưng không thiếu những chia xẽ cần thiết. Triết Văn online mãi mãi là sân chơi của những tên “phiêu lãng” một thời nhưng không bao giờ nhớ mình đang “lãng du” vậy*.

 
 

Tháng 9/2007

Lê Tấn Hà

*Mượn ý một bản nhạc Trịnh Công Sơn