|
Chúng ta đang sống trong thời đại của những cửa sổ. Có rất nhiều cửa sổ chung quanh chúng ta, và những cửa sổ này hầu như lúc nào cũng mở. Tiếng Mỹ gọi nó là Windows. Tuy giản dị nhưng sức hàm chứa to lớn, rất kinh khủng! Ngày 20 tháng 11 năm 1985 nhu liệu Windows ra đời. Có thể gọi đó là một cuộc cách mạng về thông tin của loài người. Ba mươi lăm năm trôi qua từ khi Microsoft Windows ra đời, lợi ích của nó không thể kể xiết vì hình như ngày hôm nay, chúng ta có một công trình nào đó dù nhỏ hay lớn, tầm ảnh hưởng rộng hay hẹp cũng đều có mặt trong những cửa sổ này.
Trước tiên chúng ta hãy nói đến ý nghĩa của những cửa sổ đối với con người. R. W. Emerson có nói “mỗi bức tường là một chiếc cửa” (Every wall is a door), ý nghĩa câu nói rất lớn lao về mặt nhân văn. Khuynh hướng chung con người hay xây tường cho mình, cho gia đình và cho cả một dân tộc. Khi dựng xây bức tường như thế, tính sở hữu rất cao và không ai phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, tính bảo vệ, che chở cơ bản của bức tường bao hàm cả tính cô lập, bưng bít bóp nghẹt con người ngay từ ban đầu. Người ta sống trong những bức tường vây quanh và sáng tạo ra bao luật lệ qui ước để có cái gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc tạo ra trong những bức tường mù lòa, què quặt như thế nào có lẽ ai cũng thấy! Con người có thể vui vẻ với hạnh phúc mình tạo ra nếu chính họ tự xem những bức tường xây dựng thành nền văn hóa. Và văn hóa có thể nói đại biểu sự khôn ngoan thông minh con người. Tuy nhiên, có những nền văn minh đứa con trực tiếp của nền văn hóa lại sụp đổ, và lịch sử từng ghi chép bao nền văn minh đã thành phế tích trong bốn bức tường văn hóa của chính mình. Văn minh hình thành từ những bức tường không thể là sự khôn ngoan thông minh được. Sự thông minh khôn ngoan chỉ có thể xuất phát từ những cửa sổ. Vì sao? Bởi trong bốn bức tường người ta không thấy bầu trời, hoặc nếu có thấy chỉ thấy một mảnh trời và hoàn toàn không thể thấy hết cái bao la vĩ đại của nó. Ngược lại từ những cửa sổ người ta có thể thấy trọn vẹn bầu trời rồi khám phá được sự tự do, từ đó thông cảm thấu hiểu nhau để cùng tiến lên. Người ta chỉ có thể thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau với điều kiện người ta nhìn thấy nhau. Có một thời con người chỉ nhìn thấy bản thân mình hay nhìn thấy mình trong tất cả những người chung quanh hay ngược lại mà hoàn toàn không hề thấy sự khác biệt nào. Đấy là hình thái bức tường mà mọi người chung sức với nhau xây dựng, để rồi vui vẻ sống với nhau trong những bức tường thành dân tộc đó. Biết nhau qua trung gian hoặc bên kia, bên này sự ngăn cách rất dễ lầm lẫn, ngộ nhận hoặc ước đoán không chính xác. Nói cách khác, con người một thời sống trong những bức tường với tâm thức của loài rùa, và một ngày mở được những cửa sổ để trở thành loài chim trong nhận thức. Bài học lịch sử cụ thể ai nấy không quên: Chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình vua Tự Đức (1847-1883), cùng thời Minh Trị Thiên Hoàng Nhật Bản (1867-1912) mở toang cửa để cải cách đất nước.
Từ khi có cửa sổ, con người đã thực hiện những bước nhảy vọt. Ngày hôm nay nhờ những cửa sổ người ta có thể hiểu nhau, thông cảm, chia sẻ đồng thời có thể dễ dàng khám phá những âm mưu, phá hoại của một thiểu số người. Có thể nói cửa sổ còn là tấm gương soi. Bởi vì khi nhìn thấy người tất cũng nhận ra mình để có thái độ sống thích hợp. Mọi nỗ lực bưng bít xây tường chỉ tỏ lộ bản chất của một nhóm người toa rập, cơ hội cho cái xấu xa có chỗ tồn tại phát triển.
Truyền Thống, bức Tường Thành của một Dân Tộc
Đối với một dân tộc, có thứ tường thành vô hình nhưng tác dụng đối với người dân vô cùng to tát vĩ đại. Đó là truyền thống. Truyền thống dân tộc được sùng bái, ca ngợi, và đặc biệt người người kiêu hãnh phô trương mỗi khi có dịp nhắc đến. Không một nước nào không có truyền thống tùy theo chiều dài ngắn trong việc đất nước đã hình thành và tồn tại. Cho đến hôm nay chính thời đại toàn cầu hóa (globalization) hay thời đại của những cửa sổ, con người mới có cơ hội xem xét lại giá trị truyền thống, thứ trước kia đối với một số nước xem như vật tổ (totem) không ai dám đụng chạm đến. Truyền thống bấy giờ thay vì là những kinh nghiệm lịch sử, nó trở thành khuôn thước, biểu mẫu mà thế hệ này nối tiếp thế hệ kia phải bắt buộc noi theo. Không ai phủ nhận quá khứ vốn là nơi tập họp mọi biến cố để hình thành bao giá trị lịch sử, và con người nhìn truyền thống để có một thái độ sống thích ứng. Nhưng có những dân tộc nhìn truyền thống lịch sử như một kho tàng báu vật, mà không hề thấy những mặt tệ hại của nó nếu so sánh với bước đi thời gian. Truyền thống lúc bấy giờ chính là những bức tường, không những quây hãm trí óc con người mà còn trói buộc cả một dân tộc. Truyền thống không làm dân tộc cựa quậy được thì thế nào đất nước có thể phát triển được! Tự do, dân chủ là con đẻ tinh thần khai phóng có được từ khi con người biết phá bỏ mọi bức tường đã từng dựng xây, xem xét cách tân lại những giá trị truyền thống, và đưa truyền thống trở về bảo tàng lịch sử. Truyền thống chỉ xử dụng giá trị lịch sử mang tính giáo dục cho các thế hệ con em biết được cội nguồn, gốc rễ dân tộc, và tuyệt đối không xử dụng với mục đích chính trị. Bài học “Nhà Truyền thống, Ngành nghề truyền thống, Làng truyền thống…” đã được đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay xử dụng vào mục tiêu chính trị, ru ngủ bao thế hệ ngủ mê trên những đống đổ nát lịch sử, nhưng sơn phết hào nhoáng mang đậm nét mị dân lẫn ngu dân.
Di sản đích thực của một dân tộc mang tính cải cách nếu biết rút tỉa, xem xét bài học quá khứ. Và từ những bức tường truyền thống, con người nhân văn trổ ra những cửa sổ giúp sàng lọc giá trị một thời lịch sử để lại. Có như thế con người mới tiến lên đồng bộ với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật toàn cầu để có được mẫu số chung.
Trong khi đó chiến tranh lại là một di sản nhục nhằn, không dám nói là nhục nhã của loài người và là một trong những hình mẫu điển hình nhất của truyền thống. Thời đại của những cửa sổ giúp chúng ta thấy được những cuộc chiến tranh phi lý, đáng lẽ ra con người có thể tránh được và không có núi xương sông máu ghi lại ngày hôm nay. Điển hình gần nhất là chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản. Phát xít Đức với Hitler cầm đầu cùng Ý, Nhật tạo ra cuộc thế chiến thứ hai. Những người cộng sản một thời tin vào một thế giới đại đồng hoang tưởng mà gây nên bao nhiêu cuộc chiến tranh khác, để lại di sản khổng lồ là tính phi nhân của nó. Ngày hôm nay chủ nghĩa cộng sản hầu như sụp đổ, và quay nhìn lại mới thấy rõ Phát xít và Cộng sản là thứ chủ nghĩa của những bức tường chứ không phải của những cửa sổ. Từ cuộc cách mạng Nga 1917, một bức tường vô hình vĩ đại xây dựng trong 74 năm quây kín 15 đất nước trong Soviet Union và 6 nước thuộc Đông Âu, 5 nước Á châu và Cuba thuộc Trung Mỹ theo chủ nghĩa Cộng sản. Đến năm 1991 bức tường chủ nghĩa Cộng sản này bị phá bỏ, và kéo theo sự sụp đổ “bức tường ô nhục” Berlin đã chia cắt hai miền Đông và Tây Đức. Ngày hôm nay phải nói người dân trong những nước Cộng sản trước kia được sống với bầu trời xanh tự do. Những cửa sổ thời đại sẽ giúp họ từng bước biết được vị trí đất nước và bản thân, đang đứng ở đâu để mà thấm thía nỗi ô nhục của những bức tường chủ nghĩa, cùng di sản nhục nhằn của nó vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.
Một thời chúng ta được nghe “bên kia bức màn sắt, bức màn tre” chính là biểu tượng trung thực của những bức tường. Cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc Việt Nam sau hai mươi mốt năm (1954-1975), để rồi phe chiến thắng ngày hôm nay thực hiện những cải cách vốn có mặt trên miền Nam từ lâu thì thử hỏi có phải cuộc chiến tranh vô ích và vô lý với hằng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh ấy? Đến Bức tường Berlin sau đệ nhị thế chiến. Bức tường này một thời người ta còn gọi là bức tường ô nhục. Nó tỏ rõ hơn nữa sự bất lực con người vì bức tường một khi xây dựng nên đã nói lên được bản chất của nhóm người chủ trương xây dựng nó.
Thời đại của những cửa sổ hôm nay cho thấy rõ ràng hơn nữa bức tường chỉ biểu hiện sự ngu dốt, lầm than con người. Tuy nhiên, thế giới loài người ngày hôm nay vẫn tiếp tục có những cá nhân hay phe nhóm điên rồ xem việc xây tường là giải pháp để giải quyết vấn đề.
Bàn về giá trị bảo vệ của bức tường thì không bức tường nào cụ thể hơn Vạn lý trường thành của Trung quốc được xây dựng hai mươi ba thế kỷ trước. Bức tường xây dựng nên để ngăn chặn rợ Hung nô phía bắc. Nếu nói giá trị thực của một công trình được tính theo công sức con người tiêu hao vào nó, có lẽ bức Vạn lý trường thành này không có công trình nào có thể so sánh được. Giá trị vật chất của bức tường không bù vào được sự lầm than bi đát tinh thần do bức tường mang đến. Thật mỉa mai nếu có ai đó tự hào và tự mãn bức Vạn lý trường thành thì rõ chính họ thay vì học được bài học lịch sử, đã biến bức tường vật chất kia thành thứ truyền thống tinh thần, xiềng xích cả một dân tộc mà chính họ không biết.
Nhìn lại lịch sử, Vạn Lý Trường Thành là một bức tường vật chất vĩ đại nhất vì chiều dài, thời gian và số người ngã xuống để xây dựng nó. Có lẽ nó cũng mang tính thời đại rõ ràng nhất vì vào thời kỳ đó, bức tường chưa mang ý nghĩa nhân văn như ngày hôm nay dù bản chất của nó không hề thay đổi.
Thay vì xây tường, con người phải tự mở cửa
Thay vì xây thêm tường chúng ta phải mở cửa, trổ cửa nếu từ lâu bị bưng bít bởi những bức tường. Cửa ở đây không chỉ bên ngoài thế giới vật chất mà còn mở cửa tâm hồn. Cõi lòng con người vốn dĩ phụ thuộc vào cảm quan nói theo kiểu nôm na, như thành kiến vốn là thứ bức tường xây trong lòng người. Xóa bỏ thành kiến đồng nghĩa phá bỏ bức tường và còn thêm ý nghĩa mở cửa tâm hồn. Từ thành kiến cho đến sự kỳ thị không xa bao nhiêu, và cơ bản cũng là thứ tường thành để che chở cho những thứ giá trị mang tính ưu tú hay ưu việt của một nhóm người gán ghép dựng xây lên. Hậu quả của nó thê thảm hơn nữa cho con người, vì trường hợp xây tường kỳ thị này vô cùng tế vi, ngụy tạo bằng nhiều nhãn hiệu, tên gọi mà một nhóm người tự vinh danh cho mình bất kể những người khác chỉ vì sự khác biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, phái tính, tuổi tác, địa phương … Hậu quả của nó là thứ áp bức, xiềng xích tinh thần lẫn thể xác gây nên bao nhiêu cái chết oan khuất, uất ức của bao nạn nhân. Trước kia chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi, gần đây phong trào BLM (Black Lives Matter) tại Hoa Kỳ là những điển hình. Nhờ toàn cầu hóa, tác động cuộc đấu tranh lan rộng khắp cả thế giới sau cái chết của công dân da đen người Mỹ George Floyd bị một cảnh sát da trắng đè xuống đất, dùng đầu gối chẹn cổ trên tám phút khiến anh ta phải chết vào ngày 25 tháng 5/2020 vừa qua. Bức tường kỳ thị người da đen như là thứ quốc nạn tại Hoa Kỳ.
Truyền thống chính là thứ bức tường vạn đại mà mỗi thế hệ tự động bồi đắp thêm sau khi ngẩng mặt, vỗ ngực xưng tên “con người truyền thống”, “giá trị cha ông”… mà không hề biết rằng khi ca ngợi truyền thống đồng thời đã vô tình cho bản thân, thế hệ, đất nước vào trong một ngục tù xây dựng bởi những bức tường rất dày, vì một khi tôn vinh nó tức đã tự động bồi đắp khiến nó dày thêm và những con người truyền thống này cho đến một ngày không còn nhìn thấy trời xanh và những gì chung quanh mình. Cứ như thế con người truyền thống đã giam hãm, vây kín cả một dân tộc trong những bức tường giá trị tự phong tế vi vô hình mà rất ít người phát giác ra điều đó. Tại sao? Vì truyền thống trở thành “Vật tổ” (Totem) nằm trên bàn thờ Dân Tộc chỉ để mọi người cúi đầu vái lạy thờ phượng, và sẵn sàng bị tổn thương, sỉ nhục khi có ai đó cố tình hay vô ý đụng chạm đến nó. Để rồi thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, vui vẻ an phận trong sự ngụy tín rằng di sản kia của cha ông vô giá, và hoàn toàn không gì có thể thay thế được.
Loài người chúng ta một thời vun đắp tường thành để bảo vệ lấy mình và để bảo vệ cộng đồng, dân tộc. Điều này không gì sai nhưng tường thành nghĩ cho cùng, dù là vật chất hay tinh thần cũng chỉ là công cụ thích ứng thời đại để con người tồn tại. Ý nghĩa tồn tại ở đây còn bao hàm sống còn (survive), do đó để được sống còn người ta tìm đủ mọi cách, vừa cải thiện vừa bảo vệ cuộc sống chính mình và dân tộc mình. Bao thứ công cụ ra đời biện minh cho sự sống còn kia, và tường thành tinh thần tự động xây dựng lên trong lòng mỗi người. Dần dần tường thành theo thời gian biến thành truyền thống và tùy theo cách cư xử, quan niệm truyền thống mà nó trở thành sự kiện lịch sử, hay tường thành vây hãm hạn chế trí óc con người; và nếu có gì mới mẻ cũng chỉ xảy ra trong cộng đồng con người sống trong các bức tường thành kia. Kinh nghiệm cho biết lúc bấy giờ người ta chỉ nhìn thấy nhau, không có sự khác biệt để tiến lên nên tha hồ tự vinh danh mình, cho mình là số một, thông minh nhất, tài giỏi nhất … Lý do duy nhất là họ bằng lòng cuộc sống trong bốn bức tường truyền thống, cũng như không buồn tìm hiểu phía sau bức tường có gì khác hơn, và cứ như thế con người và đất nước cùng chung một định mệnh, có nghĩa không thể thay đổi thân phận con người thì thế nào thay đổi được vận mệnh đất nước!
Thế nên mở cửa tâm hồn là vấn đề lớn. Tuy nhiên ngày hôm nay vấn đề này không mấy khó khăn sau khi đã xảy ra cuộc cách mạng toàn cầu (globalization). Cơ hội rất nhiều vì con người trong mọi đất nước nhìn thấy nhau, hiểu biết, gần gũi nhau giúp sàng lọc lựa chọn cái xấu, tốt dễ dàng hơn. Do đó cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hôm nay với hệ thống thông tin toàn cầu thông qua những nhu liệu điện toán mà cơ bản là Windows, chính nó mang ý nghĩa to lớn mở cửa tâm hồn, đón nhận cái hay mới lạ chung quanh ta; và cũng là cơ hội nhận ra mình ngu dốt, tệ hại đến chừng nào với những năm tháng đóng cửa xây tường vây hãm tâm hồn, trí óc mình. Nói như thế để thấy cái kinh khủng nhất chưa phải bức Vạn lý Trường thành, bức tường Berlin mà là bức tường vô hình dựng xây trong lòng người.
Tình hình Việt Nam và Trung quốc ngày hôm nay, hai đảng Cộng sản bắt buộc định hướng đất nước đi theo xu thế tất yếu của cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, nếu không muốn sụp đổ toàn diện với nguyên trạng chủ nghĩa xã hội, thứ tường thành đã giam lỏng con người bên kia bức màn sắt bao nhiêu thập niên. Một thời những người Cộng sản kêu gào 3 dòng thác cách mạng trong sự nghèo đói, lầm than của người dân. Họ không ngừng theo đuổi việc dựng lên những bức tường ngăn cách với xã hội loài người tiến bộ, phát triển. Qua việc làm của họ mới thấy những kẻ xây dựng tường thành vật chất hay tinh thần, đều xuất phát từ ý tưởng dùng quyền lực khống chế, đàn áp con người. Đấy là nền tảng của chế độ độc tài và ngày hôm nay muốn tồn tại, người Cộng sản âm thầm phá bỏ cơ cấu chủ nghĩa xã hội không tưởng ngày trước, dựng lên thứ sản phẩm ngụy tạo kiểu “chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất là chủ nghĩa kinh tế tư bản dấu mặt. Với kiểu mở cửa cải cách, Đảng Cộng sản Trung quốc và Việt Nam hôm nay không chút mảy may thay đổi cơ chế độc tài, độc đảng mà chỉ cố gắng mở hé những cánh cửa với chủ ý ban phát cho người dân chút mảnh trời tự do nhưng đồng thời răn đe sẵn sàng đóng sập cửa trở lại nếu không ngoan ngoãn theo ý họ muốn. Tuy vậy một khi người dân khám phá ra không chỉ mảnh trời tự do trên đầu, còn có bao nhiêu không gian bao la khác sau lưng, họ nhận ra bức tường ngày trước, hôm nay vẫn vô hình tồn tại với thân phận con người bị tước đoạt mất những giá trị cơ bản như quyền tự do chính trị, ngôn luận, tư tưởng, quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc...
Riêng Việt Nam điều cay đắng nhất vẫn là có một khoảng cách to lớn giữa tuyên truyền và thực tế. Quan hệ chính phủ Việt Nam và Trung quốc cho thấy đất nước vẫn trong những bức tường vô hình dựng xây không những qua truyền thống bị lợi dụng, mà còn thêm bao bức tường khác do đảng Cộng sản dựng lên để bảo vệ chế độ sau này. Để tồn tại họ không ngừng rêu rao tình đồng chí anh em với Trung quốc, vừa kêu gọi người dân bảo vệ đất nước theo truyền thống lịch sử mà cha ông đã từng làm. Tình hình đối nội, họ không chùn bước đàn áp tiếng nói nguyện vọng của người dân phản ứng trước việc Trung quốc xâm lấn lãnh hải và đàn áp ngư dân Việt Nam hàng ngày trên vùng biển mà Trung quốc ngang nhiên cho là của họ. Nếu khách quan nhìn kỹ sự việc xảy ra trên đất nước hôm nay, rõ ràng đảng Cộng sản Việt Nam đặt lợi ích phe nhóm lên trên lợi ích dân tộc. Do đó họ xây thêm tường thành bao bọc, che chở chính họ mà không hề thực tâm bảo vệ đất nước. Bằng thứ âm mưu quỉ quyệt họ đóng mở bức tường dân tộc để lừa bịp nhân dân và cả thế giới. Trong khi đó giải pháp thật sự không khó có cách giải quyết. Chỉ cần có chính sách mở cửa công khai thực sự để người dân chọn lựa cách giải quyết trong sự giám sát của một thế giới đã toàn cầu hóa chính là giải pháp cấp thiết cho Việt Nam hôm nay. Làm được việc này chính là đưa đất nước hội nhập vào thế giới văn minh tiến bộ. Đến lúc đó mọi người không phải than thở mãi câu“nước nhỏ ở cạnh một nước lớn” như nghìn năm trước, vì mọi nước đứng trong cùng một bầu trời bình đẳng với nhau với biên cương, lãnh thổ, lãnh hải qui định bằng văn bản giấy tờ trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Lúc bấy giờ người dân mới biết Độc lập, Tự do, Hạnh phúc thật sự như thế nào!
Ngày hôm nay nhắc đến mở cửa tâm hồn, không ai không thấy bức xúc trước bức tường độc tài cố chấp của chính quyền Cộng sản Việt Nam. Nguyện vọng dân tộc chính là kêu gọi những con người lãnh đạo đất nước Việt Nam hiện tại hãy mở cửa tâm hồn, cõi lòng của họ để hội nhập vào thế giới văn minh hầu giải quyết tình hình mỗi ngày thêm bi đát của Việt Nam, trước sự hung hăng bành trướng của Trung quốc. Chắc chắn đảng Cộng sản Việt Nam không thể nào giải quyết vấn đề đất nước được với định chế hiện tại. Đã quá đủ cho những con người đảng viên, cha truyền con nối trên chiếc ghế lãnh đạo đất nước Việt Nam hôm nay. Hãy rút lui, mở cửa để đón lấy ngọn gió mới, bầu trời mới, và trả lại những giá trị con người đã bị mất cắp bởi những bức tường dựng xây vô lý trên một đất nước nghìn năm liên miên sống trong bóng tối bạo quyền. Không làm được điều đó, chính đảng Cộng sản Việt Nam đã tự động nối những tường thành trong lòng họ vào Vạn Lý trường thành của Trung quốc vậy.
|
|