|
Tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” gồm 54 bài thơ mà với tôi là một ước muốn: sự trở về. Không hiểu tại sao khi đọc tên tập thơ gồm 8 chữ này tôi nghĩ ngay đến kỳ vọng, ước ao của tác giả. Cách viết tên của mỗi bài thơ cũng mang tích cách đặc biệt của anh, nhưng dù cách nào đi nữa nó cũng hàm chứa ý thơ hay đúng hơn ý nghĩa mà anh đặt cho. Tôi đọc hai ngày tập thơ của anh. Cứ mỗi một bài tôi nhắm mắt và nhớ lại. Đấy là nỗi niềm riêng tôi đối với cõi thơ. Và khi đọc xong tôi hình dung ra được mỗi bài như một hạt sương kỷ niệm. Là hạt sương vì những bài thơ là những cảm xúc từ một nỗi niềm và tổng hòa bao kỷ niệm mang dấu ấn vô thường cuộc đời. Dẫu gọi trăm năm nhưng không kém hạt sương đêm, vô cùng thoáng chốc! Đọc kỹ còn thấy bao ngậm ngùi không ra khỏi nỗi niềm riêng tư của anh đối với phần đời đã qua của mình. Những bài thơ được viết trong ba năm (2016-2019) cũng là những gì riêng tư nỗi niềm của một thời cô đọng trong hồn anh, nhưng tính chất thơ nói lên được những bài thơ của một người qua tuổi 75 sáng tác.
Bài đầu tiên “ngấn lệ thôi tìm môi tủi thân!.!” Chỉ một cảm hứng nhưng bản thể lại là ý nghĩa “tìm nhau”. Tìm nhau là một vận hành tương quan nhưng trong bài thơ hàm chứa cả một quá trình cuộc đời. Thời gian từng bước mang cuộc đời thành phế tích. Phế tích thuộc về dĩ vãng nhưng nhìn phế tích, thấy cả một khát vọng sống để rồi từ đó ước ao kỳ vọng cho dẫu bước chân không còn mạnh mẽ như một thời đã qua. Mỗi một khổ thơ, một bắt đầu và chính nó cũng chấm dứt:
“tìm nhau, khi lá chưa lìa gốc” “tìm nhau, khi gió còn neo sóng” “tìm nhau, trí nhớ chưa lên nước” “tìm nhau, sấp ngửa thời bom, đạn” “tìm nhau, từ đấy như . . . cổ tích”
Để rồi tự hỏi:
tìm nhau, ai đã tìm nhau nhỉ?
nghe được gì trong tiếng guốc, xưa?
Những bài thơ kế tiếp cũng là các hạt sương vỡ vụn trăm nghìn kỷ niệm đan xen nhau trong tâm cảnh cuộc đời. Đấy là những hồi ức đẹp đẽ xen kẻ những điều ngang trái không ra khỏi ý niệm tao ngộ để rồi chia lìa; là thứ nỗi niềm của chính anh, một chủ thể luôn vực lại bao buồn vui cay đắng được anh viết qua các bài thơ. Những mốc thời gian đi qua cùng địa danh một thời làm nên số phận: “Pleiku, tháng chạp, cũ,” là thứ vết cắt ký ức :
ký ức tôi , một trưa nào nắng: sốt!
vàng ngang vai, hạt nhớ vịn hiên người
ai trước bảng, còn e rừng thảng thốt:
gọi tên người, buốt một góc chia phôi.
Khổ thơ kế: “ký ức tôi, những ngày mưa tháng chạp” “ký ức tôi, vẽ hình ai rạng rỡ” để rồi vết cắt đóng lại:
dù người nhớ hay quên thì, cũng vậy
chúng ta đà chạm đến đáy thương yêu.
Tập thơ này gồm thật nhiều, những bài thơ chia xẻ. Anh như gửi cho bạn bè, bằng hữu những chất chứa tâm sự qua các câu thơ. Thế mới nói, tất cả đều là những hạt sương kỷ niệm, dù trên hạt sương biểu hiện bao màu sắc rực rỡ hạnh phúc hay đắng cay, chua chát cuộc đời, để rồi những cảm xúc ấy cô đọng một ước vọng: “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình”. Tôi nghĩ đây là Theme của tập thơ dù bài thơ chỉ có bốn câu:
nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ,
cần bàn bay của mẹ thuở lên năm.
như mưa / nắng rất cần cho cây, trái;
em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình.
Tuổi thơ và tình yêu là khát khao của con người bởi cả hai đều gợi ra một quê hương nếu hiểu quê hương là nơi bắt đầu và trở về. Chỉ bắt đầu và trở về mới có thể biểu hiện trọn vẹn ý nghĩa triết lý đời người. Không phải ai bắt đầu vào đời với một thời boăn khoăn, loay hoay tìm kiếm tình yêu mãi cho đến một ngày nhận ra tuổi thơ là nơi chốn mình khao khát được trở về? Lúc bấy giờ một đời đã qua và phế tích của nó là phần nền dĩ vãng. Như thế một đời người quay lại để thấy “nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ,” và lúc này cường độ của hồi ức là “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình.” Câu kết miêu tả rất đẹp, tuyệt vời cho những người vốn lạc quê hương. Bởi lạc nhưng không hề mất. Trong cuộc đời bao nhiêu lần đi lạc nên tìm về. Bài thơ của Du Tử Lê nhắc nhở một khát vọng của người đi đoạn đường cuối cuộc đời.
Du Tử Lê viết những bài thơ kỷ niệm với những người bạn như nhắc nhở chính mình. Bài “thơ ở mai thảo,” anh viết để xác nhận giá trị một con người trong hoài niệm sau khi kể những gì xảy ra chung quanh nhà văn Mai Thảo lúc cuối đời:
. . .
chẳng phải vì ông đã đi xa. quá xa. rất lâu.
mà. vì họ đã có ông trong tim.
như ông sẽ mãi sống trong ký ức đám đông,
tập thể.
đất nước.
Với nhà thơ Nguyên Sa bài “thơ ở nguyên sa,” Du Tử Lê nhấn mạnh vị trí Nguyên Sa trên văn đàn và chính anh “tôi ẩn trú trong giao-thông-hào-xanh của thơ Nguyên Sa.” Trong bài thơ của mình Du Tử Lê trích một số thơ tình Nguyên Sa và anh viết những câu cuối như sau:
. . .
dù không biết “Nga” là ai,
nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn thầm cám ơn
linh hồn của những bài thơ hiếm, quý ấy.
như chúng tôi hãnh diện khi 20 năm thơ miền Nam
có được một thi sĩ,
như Nguyên Sa.
Và tác giả “Người đi qua đời tôi”, thi sĩ Trần dạ Từ bài “thơ ở bạn-tôi-thi-sĩ,” Du Tử Lê viết như một thứ “kháng thư” sau khi vinh danh vai trò người làm thơ như bạn anh, và lên án những thế lực độc tài đàn áp những người cầm bút:
có thể những ngôi nhà chúng ta đang sống
đã xóa sạch hết thảy, mọi thứ,
(luôn cả bạn tôi
một tài năng thi ca ngoại khổ)
nhưng mưa trên những mái nhà quê hương dột, nát,
vẫn thở tiếp những dòng thơ bạn tôi đã viết.
Cùng những kỷ niệm đan xen:
có thể những ngày vui ngắn ngủi
đã vùi lấp chúng ta
như sớm mai mưa
tuổi thơ cớm.
(những trái sâu ăn từ ruột).
nhưng ánh sáng “nụ hôn đầu”
vẫn rạng ngời trước, sau
một kiếp người
dẫu ngắn
. . .
Và những khát vọng con người bị vùi dập, đàn áp:
có thể những nhà tù từng nhốt giam thanh xuân bạn
không biết bạn sống / chết!?!
nhưng những bước chân đầu tiên hăm hở,
nâng ngọn cờ phẩm giá con người
biết bạn vẫn sống
. . .
một lần nữa,
lại là chìa khóa . . . “vàng”
để độc tài mở cửa ngục nhốt giam bạn
cùng nhiều người cầm bút khác . . .
hàng chục năm !!!
không xét xử !!!
. . . với thời gian cái còn lại mãi mãi:
. . .
thời đại chúng ta đang khép lại.
chúng ta rồi cũng sẽ lần lượt đi xa.
nhưng những tận hiến của bạn cho mai sau,
sẽ mãi ở lại
cùng hân-hoan-biển-lớn.
Viết “như dòng sông tôi, tuổi nhỏ,” bài thơ một biểu mẫu diễn tả trừu trượng:
tôi từng nhốt, giam em trong những khuy áo
mặc vào / cởi ra
ngày / đêm đổi thay thời tiết bốn mùa, bất trắc.
. . .
chỉ những hạt mưa,
vẫn chứa trong nó cả một đại dương thất lạc.
. . .
Khổ thơ thứ hai:
tôi từng giam, nhốt em trong những tán lá vườn sau,
vô tình chao nghiêng, rình rập ngoài cửa sổ
gió không quên hỏi chúng ta:
-nhớ một thời? góc kín, khuất nào? thân thể?
. . .
ký ức. sầu đông,
thở bằng tim-kỷ niệm.
tôi ôm và, hôn em từ phía sau.
thấy lưng buồn như dòng sông tuổi nhỏ,
bị đánh cắp,
khi chúng chưa kịp tượng hình.
vôi vữa cho đời khác !.!
Như một bức abstract expressionism chen lấn những cảm xúc quay quắt, biểu tượng cả tâm hồn và ngoài thân xác. Thật tuyệt vời !
Bài thơ “những ngón tay lần, tìm địa chỉ trăm năm,” với subtitle (hay “có một tháng sáu, như thế”) là một cảm xúc bất chợt tồn tại trong không, thời gian thể hiện qua biểu tượng:
những con sáo đen đeo khoen vàng, dậy sớm.
đánh thức đám hoa loa kèn trong hồ nước.
không ai hỏi loa kèn thả hương thơm
thử thách khứu-giác-sớm-mai để làm gì?
Dù những câu hỏi chỉ để hỏi từ một cảm xúc kéo dài trong trí tưởng mang tính trường cửu trên một cấu trúc vật chất:
. . .
buổi tối quần áo ngủ mới thay của em
khiến trái tim nhiều lần ngưng đập.
từ sau lưng em,
những ngón tay định mệnh lần, tìm
địa chỉ của trăm năm –
(khi tình cờ chúng ta đến,
Rồi ở lại đời sống này).
Vẫn chỉ những cảm xúc bất chợt mang tính biểu tượng được biểu hiện qua bài thơ bằng cách sắp xếp những con chữ theo kiểu cách riêng, tài năng đặc biệt của nhà thơ:
. . .
bây giờ mùa mưa đã qua.
(ác mộng cũng chọn ngõ khác).
chúng ta vẫn có những đêm tỉnh dậy
nhưng không phải hỏi nhau:
-cần gì?
-đủ thứ!
vì chúng ta đã có với nhau,
nhiều hơn những gì
nhân gian coi là nên có nhiều nhất!.!
mà, không ai,
ngay đời sống,
phải hỏi lại:
-tại sao?
-cớ gì?
-tháng sáu!
như thế!.!
Có lẽ bài thơ “mưa qua sông, thập giá cúi thương dòng,” làm tôi nhớ lại những bài thơ xưa của Du Tử Lê. Với tôi, thơ bảy, tám chữ của anh giàu tính đặc thù. Nghĩa là khi đọc lên chúng ta biết bài thơ do anh sáng tác mà không ngoài ai khác. Loại thơ này có thể tạm dùng chữ cổ điển vì rất phổ thông nhưng Du Tử Lê dùng nhiều dấu chấm câu (punctuation) trong thơ. Đặc biệt dấu phẩy, dấu chấm, chấm than, vạch nối, vạch chéo thường được anh xử dụng trong các câu thơ. Phương thức mới này làm thơ anh biểu hiện đậm nét cảm xúc. Du Tử Lê không chỉ cách tân mà còn cách mạng trong phong cách biểu hiện thi ca.
đêm cắt lát những bình minh lỗi hẹn.
thịt, da khuya: mở cửa đón hương, nguồn.
mỗi sợi tóc chờ nghe ! chiều. phiến loạn.
mưa qua sông. thập giá cúi thương dòng.
môi an nghỉ chỗ riêng, sau ngấn cổ.
tiếng hát tìm góc phố: ủ tai ương.
vai gom giữ những lần răng … thảm thiết …
sớm mai không độ lượng vết thương, buồn.
Bài thơ chỉ tám câu nặng tính biểu hiện được các dấu chấm câu gia tăng cường độ cảm xúc: phẳng lặng nhưng gợn sóng, có hân hoan nhưng thấp thoáng ngậm ngùi.
Bài tiếp theo “nụ hôn nào cư ngụ với mai sau?” rất nhiều chỗ ngắt câu. Đọc lên cảm giác không thể liên tục diễn ra như ai đó ra dấu phải dừng lại dù tạm thời để chờ ý nghĩa chữ kế tiếp hiện lên:
hương thanh-sát chỗ ngồi xưa, em bỏ.
ghế, bàn tôi: thơm một góc thiên thu.
chiều tán lạc mưa mưng. đèn. trí nhớ.
phố chôn chân. hàng cây. đứng. cụt đầu.
những vết sẹo tấy sưng cùng cửa, khép.
như nỗi niềm riêng, giữ để mang theo.
sông hỏi suối. phụ lưu tìm hỏi tóc:
-nụ hôn nào cư ngụ với mai sau?
. . .
khi nước mắt thôi tìm tôi để khóc
dù bóng, hình thức, nhức tự xa xăm
môi khó ấm, khi tiếng cười đã lạnh.
tôi cuộn tôi trong thảm bụi. ai nằm?
Chủ đề bài thơ vẫn là hồi ức khi bắt gặp một vết cắt trí nhớ: các dấu chấm câu làm nổi bật niềm cay đắng riêng tư và những câu hỏi cho ai đó lại như hỏi chính mình. Bài thơ “bài nắng, mưa kế tiếp” là một tự sự với mở đầu:
sông núi đã chối từ tên phản bội
giống nòi ta thực sự ở bên kia
chút quê cũ còn nơi đôi-mắt-gió
đã từ em khép lại buổi đêm về
. . .
giàu tính độc thoại, tự vấn:
ta mất tích giữa đường ngôi thứ nhất
rẽ bên nào cũng chỉ lấp chôn nhau
đi suốt kiếp vẫn là mưa với nắng
thôi đợi gì nơi kẻ đã vong thân
đời vốn ngắn lối về hoa với cỏ
gọi âm u lên từng phiến thương tâm
. . .
Đắm chìm trong trôi nổi, hoài niệm một thuở nào cho đến thực tại hiện tiền:
thân xác nhẹ xe khó đầm tuyệt vọng
một mai tôi không thể ở với đời
người sẽ thấy chẳng cách gì kịp nữa
phấn son nào đi dự một ngày . . . vui
rất thong thả tôi ngồi nghe rã mục
ở bên này hay vẫn ở bên kia
lối quen thuộc ai về nhen bếp lửa
cảnh tượng tôi chăn chiếu cũng ê chề
. . .
Rồi qua ẩn dụ người đàn bà, người mẹ cho đến Quan Âm bồ tát hay chúa Ba Ngôi, tâm tưởng vẫn nổi trôi quanh một tình yêu mang tính cứu rỗi:
. . .
tình yêu ta đi gần hết địa cầu
mai nhìn nhau thấy nhỏ bé năm châu
cả thế giới nở đầy hoa-bồ-tát
môi tháng chạp, tháng giêng em ngào ngạt
miếu đền ta xin mãi thủy tinh ròng
. . .
tôi chẳng thể lắng nguôi hình bóng mẹ
vì qua em tôi thấy mẹ tôi còn
vì qua em tôi rộn rã yêu thương
cả cây cỏ. Ngợi ca người hiếu hạnh
em nhan sắc chưa một lần ố bẩn
ôm tôi đi bằng tay Phật Thích Ca
ghì tôi đi bằng ý Chúa Ngôi Ba
son phấn nữa khắp lòng nhau thơm ngát
. . .
Cuối cùng những câu thơ đóng lại rất lạ lẫm:
. . .
tôi đã gọi: này em giờ phút cuối.
rất yêu dấu: với tôi là thứ nhất
nhưng đời sau, ai hiểu? chuyện tôi, em?
hay có người sẽ bảo chúng ta điên
vì chẳng thể đợi chờ nhau kiếp khác.
Kinh-nắng-gió. Như Lai gầy yếu quá.
Trong tập thơ có mười ba bài thơ năm chữ. Bài nào cũng hay, lạ. Trong “kịp rơi cùng tiếng nấc” những tự vấn một ta như tồn tại lẫn lộn dư thừa ngày tháng? Là thứ phế phẩm của đêm, mưa, sông, tai ương, và nhân gian?
ta, phế phẩm của đêm?
ai ẩn mình kén, cũ?
vắng, xa đem cuồng điên
dội xuống ta héo quắt
ta, phế phẩm của mưa
mong người về theo nắng
dù những bậc thang cao
đã quên ta: chiếc bóng.
ta, phế phẩm của sông?
buồn sâu hơn đáy biển
núi neo chân đầu nguồn
xót chim chiều lẻ bạn.
ta, phế phẩm tai ương?
lậm căn phần tao loạn
đội-nón-rách-non-sông
mẹ còm nhom: mụn nấm.
ta, phế phẩm nhân gian?
dập vùi giông, bão, mới
tìm nhau trong nghiệt oan
hoài công thôi. lá rụng !.!
.
về đi để bước chân
kịp rơi cùng tiếng nấc.
khổ cuối cùng hai câu kết một nỗi ngậm ngùi thân phận. Trong bài “lẻ loi từng hạt bụi,” :
. . .
tôi nhìn tôi: rơi. Rơi.
lẻ loi từng hạt bụi.
Bài “mưa từ đôi mắt nhau,”:
. . .
người về trước trăm năm
thả tàn phai xuống đáy
tôi, một ngân hà, riêng
tình yêu ngoài quỹ đạo (?)
Bài: “tôi xóa xong hình tôi / chẳng còn ai nhớ nữa,”:
. . .
tôi đi / về vẫn tôi!
đâu ngờ là xác chết !?!
mùi hương quen cho môi
/ tôi / nỗi buồn: tháng sáu.
tôi xóa xong hình tôi!
chẳng còn ai nhớ nữa.
Riêng bài “thương mẹ đã lưng đồi” vẫn bắt đầu bằng giới thiệu một ta vô cùng hàm súc:
ta, bia mộ lãng quên
níu gì thời đã mất?
mở tung ta. Gió ngất
cháy rực nỗi đìu hiu.
những gì ta đã hỏi:
không một ai trả lời
những điều ta đã nói:
tuồng như mây bay thôi.
trách gì nhân thế đó,
buồn chi nỗi nhục này.
có phải đây là nỗi cô đơn nghiệt ngã của người nghệ sĩ :
. . .
ta ngồi mòn ghế cũ
nghe mưa trên ngọn cây
muộn phiền còn bủa vây
cách gì ta quăng lưới?
trong cô quạnh của đất trời và một đời trải qua:
. . .
thương mẹ đã lưng đồi.
còn nghe rừng hú mãi
. . .
người ngồi trong cõi Cha.
chói lòa ơn nghĩa, mới
biển, bình minh réo gọi
ta hoàng hôn, mất nhau.
Du Tử Lê luôn viết về chính mình như một vấn nạn không giải đáp nỗi. Tuy nhiên thơ anh lại là một giải tỏa khắc nghiệt các mâu thuẫn đa dạng đời thường. Đấy chính là cõi riêng của thơ. Tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” tổng hòa những cảm xúc gặt hái được trong ba năm 2016-2019 từ một con người sống với thơ hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiều chủ đề trong tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” như tình yêu, tình bạn, tình quê hương, đất nước … luôn có một nỗi buồn dàn trải suốt tập thơ. Phải chăng đây là thứ số phận thường trực hiện diện trong các bài thơ của Du Tử Lê, biểu hiện tính trở về vĩnh cửu (eternal recurrence) của một tiền định số phận (predeterminism) trong dòng chảy thời gian?
|
|