TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Chương Tám

Hai mươi mốt tháng tư, nhà hai mươi ba biên chế toàn diện. Nghĩa là mọi người được chia tổ lại và hai phần ba di chuyển lên khu trên. Thái, Uy, anh Tấn và cụ Nhụ đều có tên trong bảng phong thần như mọi người gọi thành phần sắp sửa lên đường. Bốn người lại lên căn nhà bát giác và chịu cảnh khám xét vật dụng cá nhân như ngày mới đến. Trong lúc Thái bước lên tam cấp để đặt gói quần áo, anh thấy Nghiệp vác quần áo chuyển xuống nhà bên dưới.

Xách bao quần áo vừa do trật tự và công an khám xong, Thái chui vào góc phòng bên trái cạnh hàng song sắt của góc nhà. Từ nơi này anh có thể quan sát cả hai phía trước và hông trái nơi có con đường nhỏ chạy dọc theo vách tường cao xuống khu bếp. Anh nhìn lại cái khung cảnh sáu tháng trước anh và Chấn ngồi bó gối dưới gốc mận già ngủ gà ngủ gật chờ điểm danh và khám xét hành lý trước khi vào phòng.

Mọi con đường rồi cũng về La mã như anh Tấn nói. Uy đang hút thuốc lào, anh Tấn lại tỉ mỉ sắp xếp những đồ lạnh do mình may như muốn đánh giá lại những chuẩn bị của mình trước khi ra đi. Lần này rất gọn ghẽ. Có người khều vai, Thái quay lại thấy Đình, anh bạn cao lêu nghêu thường đăm chiêu mỗi chiều dưới gốc bã đậu. Đình nói nhỏ:

--Anh nghĩ chúng ta ra đi thật?

Thái trả lời:

--Theo tôi thì chắc như thế. Anh phải chuẩn bị tinh thần và việc có thể xảy ra với mình.

Đình quay đi lẩm bẩm, chuẩn bị cái gì bây giờ. Anh ta có dấu hiệu khủng hoảng tinh thần. Anh Tấn nhìn theo bảo. Đình là cựu nhân viên nghiên cứu tình hình chính trị trong nước. Rất nhậy cảm vì trong thời gian ở Long Thành anh ta hay xúc động trước mỗi biến chuyển trong và ngoài trại. Nhận được thư, hay gặp mặt vợ khi thăm nuôi Đình hay khóc. Không biết tình hình gia đình có bi đát lắm hay không nhưng mỗi chiều Đình ra sân nhìn đăm đăm về hướng Sài gòn. Lúc ở Long Thành, không có tên kêu án ba năm tập trung cải tạo Đình hi vọng nhiều ngày về nhưng khi chuyển về Thủ đức anh thật sự mất tinh thần và hay ra sân ngồi dưới tàng bã đậu nhìn bầu trời xanh rồi thở dài. Hình ảnh của Đình giống nhân vật Traina của Georghiu, ngóng một thời điểm vô hình nhưng vĩnh cữu. Cuối cùng không chịu nỗi sự đày đọa tra tấn tinh thần ấy, Traina vượt rào để chịu chết trên hàng kẽm gai. Thái hình dung cảnh tượng bi thảm ấy trong lần xem phim ở câu lạc bộ sĩ quan trừ bị Thủ Đức thời gian thụ huấn quân sự năm 1972. Hơn ba năm trời bao thay đổi và lịch sử cứ tái diễn việc xây dựng và tàn phá liên lĩ không những cuộc sống mà cả tâm thức con người.

Hai mươi hai tháng tư mọi người lên hội trường nghe thuyết trình nhân kỉ niệm hai năm ngày lịch sử ba mươi tháng tư và con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Mọi người thì thào bàn tán về một lệnh tha có thể có trong ngày ấy. Thái thấy Nghiệp len lỏi lên gần anh nói nhỏ vào tai: Có thể chúng ta chuyển trại trong đêm nay hoặc khuya tối mai. Mày về mà chuẩn bị. Thái hỏi lại bạn có chắc chắn không thì Nghiệp gật đầu và chui về vị trí cuối hội trường.

Về đến buồng Thái nói nhỏ với anh Tấn và Uy chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Tin của Nghiệp thường phát xuất từ trật tự. Trật tự lại gần gũi với chánh và phó giám thị. Tuy kín miệng bình nhưng không có gì tuyệt đối đối với tù nhân trật tự vì làm trật tự là ân huệ to lớn đối với họ. Không phải lên đường đi lao động nơi ma thiêng nước độc hay ra các trại miền bắc xã hội chủ nghĩa chỉ nghe không thôi cũng đã ớn lạnh. Trật tự trại tù cộng sản lại là thứ tù nặng ký. Trại viên trật tự trại giam Thủ Đức cấp bậc thiếu tá cảnh sát đặc biệt. Cảnh sát đặc biệt cấp thiếu úy cũng đã lên đường ra bắc từ năm trước nhưng thiếu tá Bá của trại Thủ đức còn ở lại đây chạy máy điện và làm trật tự! Cấp bậc lớn và đánh giá nguy hiểm ác ôn mà còn được ở lại thành phố như thế không phải hàm ân là gì? Ý thức vai trò của mình, các cải tạo viên trật tự càng tận tụy với nhiệm vụ và mối liên hệ của họ với ban Giám thị trại giam càng thắm thiết hơn. Do đó tin tức từ trật tự đáng tin cậy nhưng không phải dễ gì lấy tin của họ trừ trường hợp của Nghiệp.

Nghiệp giỏi xã giao tuy trong trại cải tạo giao thiệp rộng hao tốn nhiều. Nó không bận tâm điều đó vì gia đình khá giả và cũng luôn đánh hơi sớm những biến chuyển trong trại. Nghiệp không ngờ thiếu úy địa phương quân như nó cuối cùng cũng phải lên đường ra bắc. Lúc xuống tàu nói chuyện với Thái, Nghiệp rầu rĩ than, "tao cứ tưởng cấp bậc của tao sẽ ở lại miền Nam nào đâu giờ chót mới biết cái nhãn hiệu sĩ quan ngụy trốn cải tạo đẩy tao lên tàu ra bắc. Thôi rồi không biết bao giờ mới có thể gặp lại vợ đây!"

Hai giờ sáng ngày hai mươi hai tháng tư buồng Thái bị đánh thức và thông báo chuyển trại. Anh lắng tai nghe tiếng xe ầm ì phía trước và biết mình sắp lên đường. Thái cuộn chiếc chiếu nilon và mền nhét vào túi xách rồi vội xách chiếc va li cùng túi nhà binh lên vai ra khỏi phòng. Đặt hành lý phía ngoài sân xong anh quay trở vào buồng phụ anh Tấn. Ánh đèn vàng soi những khuôn mặt buồn khổ chen chúc ngoài sân chờ điểm danh. Sau khi khám xét đồ dùng cá nhân sơ sài, mọi người sắp thành hai hàng và lần lượt nối đuôi nhau đi ra phía sân trước. Anh Tấn đứng phía trước Thái. Không thấy Uy, Thái đoán nó ở phía sau. Lần này không còng tay nên Thái đoán có lẽ không đi xa. Anh Tấn và Thái lên chiếc xe thứ hai. Có tiếng gọi từ đằng sau, quay lại Thái thấy ông Chưởng lý Nhụ đưa tay vẫy, phía sau ông ta, cụ chánh án Bùi Hòe Thực đang chất chiếc sắc cá nhân lên kệ xe một cách khó khăn. Thái giúp ông rồi quay lên ngồi xuống bên cạnh anh Tấn. Anh thở phào như trút những lo lắng ra phía sau khi chiếc xe đò bắt đầu mở máy. Mỗi xe có hai công an. Một người đầu và một người cuối xe. Họ ra lệnh kéo sập cửa và kiểm soát từng ô một trước khi ra lệnh cho xe chạy.

Xe ra khỏi trại giam Thủ Đức lúc ba giờ sáng. Nhìn về phía trước tài xế, Thái thấy xe chạy về phía Sàigòn. Con đường chạy xuyên qua làng đại học rồi nhập vào xa lộ. Có tiếng rì rầm phía trước, “chúng ta xuống Tân Cảng”. Không ai nói thêm nhưng hình như mỗi người có chung một nhận xét. Xe chạy khoảng mười phút, Thái kéo nhẹ tấm che cửa bằng gỗ xếp lên một tí và nhìn ra ngoài. Bên ngoài tối đen nhưng các vũng sáng của trụ đèn đường cho biết xe đang chạy qua ruộng lúa. Cuối cùng xe cũng dừng lại. Cả sáu chiếc đậu trên bãi đất trống trên bờ Tân Cảng. Một chiếc tàu hàng lớn một nửa trong bóng tối, nửa còn lại vươn hàng cột như bộ khung áo khổng lồ ra ngoài ánh đèn vàng đậm đặc buồn rầu cúi xuống nhìn hàng chữ trắng Sông Hương phơi ra trên nền xám của thân tàu.

Trên bãi tàu đã có đám người của bộ nội vụ chờ sẵn. Họ chỉ chỏ và ánh đèn pin vạch dọc ngang trên mặt đất hòa với tiếng gọi xuống xe ơi ới của đám công an áp tải lẫn với tiếng túi xách ném bình bịch trên đất. Mỗi xe xếp hai hàng và lần này điểm danh sơ sài sau khi cho biết tất cả mọi người sẽ lên tàu để đi đến một trại cải tạo mới thích hợp hơn cho việc lao động sản xuất giúp mau chóng tiến bộ để sớm đoàn tụ gia đình. Các cán bộ áp tải có lẽ cũng đi theo nên thấy họ cũng mang trên lưng ba lô như mọi người.

Từng người một nối đuôi nhau lên tàu theo chiếc cầu ván hẹp nửa thước như cầu khỉ ở quê. Thái đứng nhìn hàng người cắm cúi đi lên cầu thang như cảnh nào đó anh từng thấy trong giấc ngủ của mình. Thực và mộng không có bến bờ. Anh xách túi lên và theo anh Tấn lên tàu như đi vào một cơn mê dở chừng. Lúc bước qua cầu thang hẹp để xuống hầm tàu Thái mới thấy có nhiều người đã nằm ngồi ngổn ngang bên dưới. Tù trại Thủ Đức được hướng dẫn xuống khoang trái và mất cả nữa giờ mọi người mới an ổn vào chỗ ngồi cũng không hơn một chiếc chiếu và chờ được phát mỗi người bốn gói mì ăn liền và một hộp sữa.

Cầm trên tay hai thứ thực phẩm hiếm hoi này, Thái phân vân và anh Tấn như đoán ý nghĩ của anh liền nói:

--Không dễ gì ăn mì gói và uống sữa. Có lẽ chúng ta phải đi xa!

Cách Thái ba chiếc chiếu, Tuấn nói thêm:

--Cán bộ bảo mỗi ngày ăn bốn gói. Ngày nào phát theo ngày ấy. Sữa uống tùy thích nhưng không có nước nóng làm thế nào mà uống?

Câu hỏi của Tuấn được đám tù đến trước trả lời và cảnh cáo. Mì ăn khô và nước chín chỉ được phát để uống do đó sữa uống sống. Đau bụng ráng chịu nhưng ở trong hầm tàu này không có cầu tiêu, nhà tắm gì cả nên phải cẩn thận vấn đề vệ sinh cá nhân.

Họ nói không sai, hai cái sô trong góc hầm tàu được quây bằng bốn tấm nilon che mưa không ngăn được mùi khai hôi thối nồng nặc của nước tiểu và phân người. Thái nằm ngửa gối đầu lên sắc tay nhìn khoảng trời tối đen kịt trên đầu như nhìn tương lai của đám tù nhân chế độ cũ. Những vì sao le lói lác đác như những hạt mè trên chiếc bánh gai và phương đông bắt đầu có chút nhợt nhạt của buổi ban mai. Bên trái Thái anh Tấn đã ngáy dòn dã trong khi người tù bên phải vẫn còn ngồi im lặng chăm chú nhìn vào khoảng không trước mắt miệng thì thầm đọc kinh. Ba lần kinh Kính Mừng mỗi ngày như xác định sự nhẫn nhục và quyết tâm của con chiên trước thử thách như lời ông Đường ngày nào nói với anh.

Mắt Thái cay xè vì thiếu ngủ, nhưng anh tỉnh táo nhìn chung quanh mình khi buổi bình minh của một ngày tù bắt đầu. Tất cả tù nhân nhốt trong hầm tàu. Khoang hầm của tàu Sông Hương có thể chứa cả nghìn người. Thái nghĩ như thế vì chung quanh anh chỉ thấy nằm ngồi la liệt. Muốn đi tiểu anh phải len lỏi dò dẫm từng bước chân để không phải đạp lên bạn bè cùng cảnh ngộ. Cố gắng mất năm phút anh mới bước đến đầu chiếc chiếu của Bửu Uy. Uy còn ngủ. Thái nhìn Tùng nằm cạnh Uy đang nhai mì gói. Tùng không nói lời nào chỉ nhích người qua bên phải cho Thái bước qua. Thông cảm, thông cảm. Thái lầm rầm trong miệng như cầu kinh trên quãng đường xông pha đến xô nước tiểu. Nhiều người như ta, Thái tự bảo như an ủi chính mình. Càng đến gần góc tàu mùi hôi thối càng đậm đặc. Tuy nhiên, vẫn có những người nằm gần khu vực vệ sinh ấy. Có lẽ họ chậm chân nên không còn chỗ. Hai cái xô tràn nước tiểu và phân người mỗi khi tàu nghiêng và chảy theo các khe hở của sàn tàu. May mắn trên sàn còn một lớp bục gổ và tù cải tạo nằm bên trên như trên lớp bè.

Anh từ đâu đến? Người tù áo bà ba đen đứng tiểu bên cạnh hỏi Thái. Sau khi biết Thái từ Long Thành xuống Thủ Đức anh ta cho hay từ Bùi gia mập về hồi chín giờ tối. Có hai chiếc xe chở tù từ Tây Ninh và Trảng Bàng đến lúc mười một giờ. Chuyến chở Thái có lẽ là chuyến cuối cùng vào ba giờ sáng đủ làm đầy một chuyến ra đi không biết bao giờ trở lại. Anh bạn mới quen nói oang oang, chúng tôi gốc nhà binh, tù cũng nhà binh, cán bộ quân đội có cho chúng tôi biết sẽ ra Bắc và chịu công an quản lý. Không khổ sai thì cũng biệt xứ chứ cải tạo cái nỗi gì!

Đúng là nhà binh, Thái thầm nghĩ. Chúng ta đi chung chuyến tàu. Anh bảo sao, người bạn mới hỏi. Thái giật mình, không có gì, tôi không biết chúng ta sẽ đến nơi nào. Thái nói chữa khi anh vừa nghĩ đến bài diễn văn của Camus lúc nhận giải Nobel. Cách mạng khởi thủy bằng chung một chuyến tàu có nghĩa chia xẽ chung một số mệnh. Bây giờ chúng ta lại chia xẽ nỗi đau đớn của kẻ thua cuộc cũng trên một chuyến tàu mà cách mạng lúc này mang ý nghĩa một cuộc thay đổi số phận. Tự do thuộc về quá khứ và nó là nỗi thương nhớ một quê nhà lưu đày có trong ký ức của từng con người chế độ cũ.

Thái trở về bằng con đường đi lên núi sọ. Đúng như vậy vì khi đi ngang qua Bửu Uy, nó đã thức và cho anh biết đức cha Thuận cũng có mặt trên con tàu sông Hương này. Theo tay chỉ của Uy, giữa đám tù nằm ngồi ngổn ngang là bóng dáng một người mãnh khảnh đang ngồi trong góc trái của con tàu đầu cúi xuống như đang cầu kinh trong ánh sáng nhờ nhờ của một ngày bắt đầu trên con tàu đưa đám ngụy quân, ngụy quyền đến quần đảo Gulag. Uy nói nhỏ, đức cha bị bắt ở Phan Thiết trong khi về Sàigòn nhậm chức tổng giám mục thế đức cha Nguyễn văn Bình. Cha Thuận giỏi tổ chức nên Vatican yêu cầu thay thế cha Bình coi giáo khu miền Nam trong thời kỳ cộng sản. Uy nhìn bâng quơ lên bầu trời cao rồi nói tiếp, người cộng sản cũng biết chuyện này nên họ đâu để đức cha yên. Tao sẽ cố gắng tới thăm để nói chuyện với đức cha và xin ngài một lời khuyên.

Về chỗ nằm Thái im lặng nhìn bầu trời xanh. Ánh nắng sáng làm màu trời tươi hơn. Tàu im lặng lướt sóng với tiếng nước róc rách hai bên lườn. Thỉnh thoảng tàu chao nhẹ sang trái rồi phải cho anh một cảm giác bềnh bồng như mây trôi trên bầu trời cao kia. Tuy buồn ngủ, anh vẫn không ngủ được. Trên đầu hầm tàu một tấm bửng thép lớn chắn ngang nằm trên khung có bánh xe như ròng rọc có thể dùng máy kéo kín khoang hầm che mưa. Thái nhìn quanh hầm tàu. Không có kẻ hở. Giữ tuyệt đối bí mật chuyến hải hành di chuyển đám tù cải tạo miền Nam là mục tiêu hàng đầu của bộ nội vụ. Hai năm sống dưới chế độ cộng sản, Thái thấm thía ý nghĩa câu bên kia bức màn sắt khi nói về chế độ cộng sản. Trong lòng chế độ cũng khó thấy và hiểu được sinh hoạt của nhau rõ ràng trừ khi cố tình theo dõi. Nhất là tình trạng tù tội như đám ngụy quân, ngụy quyền. Nhớ đến chuyện cha Thuận mà Uy vừa nói anh chán nản. Hàng giáo phẩm Công giáo cũng như Phật giáo. Đâu cũng vào đấy, Giáo và Mác không thể sống chung theo kiểu nói ngày nào của các cán bộ giáo dục trại Long Thành. Thái thấm thía khi nghĩ đến Mác chỉ có thể lợi dụng Giáo để rồi khi thành công Giáo phải giải tán hoặc Giáo biến thành Giáo Mác chứ không có thứ Giáo thuần thành. Thái thiếp ngủ trong sự suy nghĩ vòng vo Giáo Mác ấy.

Nắng chan hòa trên mặt khoang hầm tàu chứa lúc nhúc người nằm ngồi la liệt. Tiếng kéo thuốc lào lẫn với tiếng kêu gọi nhau đi về phía góc phải tàu lấy nước nóng từ chiếc thùng phuy do hai công an thay phiên nhau đong cho mọi người. Khoảng hai giờ chiều, anh Tấn nằm cạnh đoán như thế khi Thái thức giấc hỏi. Tàu vẫn chạy và không ai biết mình đang đi về hướng nào mãi đến khi có người bảo có một cựu trung úy hải quân tuần duyên cho biết chúng ta đang đi về phía bắc thì mọi người tin chắc đang đi về quê hương xã hội chủ nghĩa. Thái lấy mì gói ra nhai. Anh Tấn ngồi dậy hút điếu thuốc lào. Say thuốc anh nằm vật xuống. Thái tợp ngụm nước trong bi đông cho đỡ khô cổ. Gói mì hiệu vifon như ngày trước chỉ khác bao bì bằng giấy dày thô trên in những con tôm cong như con tôm trong bộ bầu tôm cua cá ngày tết. Ăn hơn nữa gói, Thái thấy no bụng, anh mượn cái điếu cày của anh Tấn làm một viên thuốc lào rồi lăn quay ra tơ lơ mơ. Trên cao kia mây từng tầng trắng nõn bay chầm chậm. Khoang tàu kín nên không khí như cô đọng lại, Thái nghĩ đến cơn bão tố để con tàu tan tành, đám người chế độ cũ này chìm xuống đáy biển thành trầm tích và lịch sử có thêm câu chuyện chết chóc trên vài trang giấy cũ ố vàng cho các thế hệ đến sau.

Buổi tối cũng bằng bấy nhiêu chuyện diễn ra trên một diện tích nhỏ như cá đóng hộp. Có thêm chuyện, một vài con chiên đang tìm cách tiếp cận đức cha Thuận xin ngài một lễ xưng tội. Hình như có vài con chiên mới trong thời gian tù tội ráng đến được ngài xoa đầu cho một lời vàng ngọc. Cô đơn, bơ vơ, lạc loài lắm! Chỉ mong niềm an ủi và chút ơn thiên triệu trong những tháng ngày thử thách này. Những anh bạn tù thêm mắm thêm muối cho những linh hồn hầu như đang giẫy chết vì không được tin vợ dại con thơ trong cái xã hội mà con người lương thiện ai ai cũng có quyền làm chủ nhưng thực tế răm rắp tuân theo lũ đầy tớ cầm súng ống trong tay.

Tin tức được cập nhật dần dần, có khoảng hơn tám trăm người tù trong khoang tàu Sông Hương này. Ngoài trại Thủ đức mà đa số từ trại Long Thành về còn lại tù các trại bộ đội quản lý Bù Gia Mập Phước Long, Trảng Lớn Tây Ninh, Long Khánh, Mỹ Tho, và Chí Hoà. Đức cha Thuận đi cùng với những người thuộc lực lượng dân quân phục quốc từ trại Chí Hòa đến. Đám người phục quốc Chí Hòa gặp được các đồng chí của mình của trại Thủ Đức mừng rỡ hàn huyên và cho biết thêm tin tức bên ngoài vì tù Chí Hoà được thăm nuôi hàng ngày. Phải nói tin của tổ chức này nóng bỏng và hồ hỡi phấn khởi vô cùng. Thái lắng nghe những người cùng cảnh ngộ nói chuyện xã hội bên ngoài có cảm giác mình là tù binh chiến tranh đang chờ trao trả vì lực lượng dân quân phục quốc đang từng bước chiến đấu dành lại từng tấc đấc trong tay cộng sản. Những sư đoàn nghe tên lạ lẫm và huyền hoặc với những sư trưởng thuộc thế hệ đàn em được sự tiếp tay của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ như là truyện trinh thám gián điệp không ít thì nhiều làm các người tù chế độ cũ mĩm cười khoan khoái. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm họ không có ý kiến. Họ lắng nghe như chuyện cổ tích vì họ biết lịch sử nào đảo ngược dễ dàng như thế. Có chút mỉa mai nào đó đọng lại trong tâm trí của những con người chiến bại này khi nằm nhắm mắt nhớ về một quãng đường đã qua. Thái nằm mơ thấy những mồ chôn tập thể của bạn bè và chính mình trong tiếng gió gào thét của đêm giông bão tháng tư. Rồi anh giật mình tỉnh giấc với cảm giác bềnh bồng trên biển cả. Anh đoán khoảng hai giờ sáng. Chung quanh vẫn có tiếng thì thào trong ánh sáng lờ nhờ của chùm đèn vàng trên vách khoang tàu. Trên cao hai người công an gác đêm đi đi lại lại, thỉnh thoảng một vệt đèn pin loáng lên quét ngang trên mặt sàn tàu rồi tắt. Thái lấy chiếc chăn mỏng ra đắp ngang ngực và chìm lại vào giấc ngủ dở chừng.

Chuyến hải hành dường như hoàn tất khi bước sang buổi sáng thứ tư sau ba ngày bốn đêm vượt biển để đến quê hương xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Thái len đến góc phải cách chổ nằm của anh chừng bốn mét rồi bò lên một cầu thang nhỏ có năm bậc có lẽ là chỗ tựa để sữa chữa thành tàu. Từ chổ này nhìn ra một khe nhỏ hơn đốt ngón tay anh quan sát chung quanh tàu. Sóng êm và sương mù lờ mờ trên mặt biển. Tuy nhiên anh vẫn thấy những thuyền buồm cánh dơi xa xa. Loại này là thuyền buồm đánh cá miền bắc chứ miền Nam tuyệt nhiên không có. Những người tù lớn tuổi cho biết như thế. Một số cho rằng tàu Sông Hương sắp cặp bến nhưng không biết bến cảng nào. Mong là Hải Phòng. Cụ Nguyễn Mạnh Nhụ nói một cách hi vọng với Thái. Thì thầm vào tai anh cụ nói thêm, ghé cảng Thanh hoá chỉ có lên trại Đầm Đùn Cẫm Thủy. Cụ tính xa nhưng có ai biết được mình đi đâu khi mà số phận mình không làm chủ được!

Ba tiếng đồng hồ sau tàu cập bến. Cũng từ khe hở nhỏ ấy, Thái thấy cái thang gỗ dài đang thả từ tàu xuống bến. Vẫn cái thang lên tàu ở Tân Cảng và tuy cái khe hạn chế tầm mắt nhưng anh thấy nhiều người đứng lố nhố trên bến. Công an vai đeo sắc cốt, xuống hầm tàu thông báo cho mọi người chuẩn bị hành lý cá nhân và cho biết sẽ lên bến lúc mười hai giờ trưa.

Ông cụ Nhụ đến gần Thái bảo:

-- Năm 54 tôi từ cảng Hải Phòng xuống tàu há mồm vào Nam, hai mươi mốt năm sau lại đổ bộ lên cảng Hải Phòng. Đúng là vật đổi sao dời.

Thái cười thấy chút mai mỉa. Anh nói:

-- Chúng ta được thăm hình mẫu xã hội chủ nghĩa là điều đáng phấn khởi. Biết đâu chẳng khám phá thêm điều mới lạ và bổ ích.

Mọi người tập trung lại theo từng góc. Không ai bảo nhau nhưng tự họ biết bắt đầu một giai đoạn mới mà không hình dung ra sao được quãng đường chông gai đang chờ trên bến tàu.

Đám trại viên phía đức cha Thuận nằm ở góc trái xuống tàu trước tiên theo hướng dẫn của cán bộ. Từng người leo lên trên boong tàu nhìn xuống đám người còn lại. Họ vẫy tay chào theo kiểu thượng lộ bình an. Khoảng bốn trăm người đã lên cảng. Cán bộ ra hiệu ngưng lên boong. Ai cũng nghĩ rằng mỗi nhóm về mỗi trại khác nhau bởi trên quê hương miền bắc có rất nhiều trại cải tạo vì đất nước còn trong thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa.

Thái ngồi xuống cạnh anh Tấn hút một điếu thuốc lào. Gần nửa giờ từ khi đám trại viên nhóm đức cha Thuận lên đất liền. Nhìn lên cao đám công an bảo vệ mang AK đi đi lại lại. Mọi người hầu như đều ngồi dựa vào hành lý ngủ gà ngủ gật. Trời có vẻ hanh lạnh của không khí miền bắc. Một vài cán bộ của trại Thủ Đức xuất hiện và kêu gọi mọi người chuẩn bị lên đường.

Bước lên boong tàu cao. Thái nhìn xuống bến thấy hàng xe đò màu xám mười chiếc như đang chờ mọi người. Chung quanh xe đò là một hàng rào công an sắc phục đang lăm lăm tay súng. Bên ngoài đám người bao quanh dường như tò mò. Từng người khệ nệ sắc tay bao bị vừa bước xuống đất được công an hướng dẫn lên xe. Lại bít bùng như lúc chuyển trại Long Thành. Xe miền bắc thô sơ và chật hẹp theo kiểu xe đò năm sáu mươi. Hàng ghế lèn chặt người ngồi. Mặt và lưng ghế bằng gỗ cứng nhớp nháp với màu sơn tay vụng về. Thái lại theo thói quen ngồi sát phía ngoài hi vọng quan sát cảnh vật qua khe cửa và hưởng chút không khí trong lành. Anh vừa cúi xuống định tìm bao thuốc lá Vàm Cỏ thì ầm một tiếng như có ai ném đá lên cửa sổ. Giật mình Thái nghiêng đầu nhìn qua khe thấy một nhóm thanh niên cầm đá dứ dứ như muốn ném thêm về phía xe anh. Một người công an đứng cạnh đấy đang xua tay ra dấu mọi người tản hàng. Vừa lúc Cẩn bước lên tàu nói:

--Dân chúng ném đá và đang chửi rủa Mỹ Ngụy. Không sớm lên xe coi chừng vỡ đầu!!!

Đám tù miền Nam tiếp tục lên xe dưới sự che chở của công an tuy có vài viên đá ném trúng xe nhưng không làm ai bị thương. Thái nghe có tiếng cười khẩy phía trước:

--Mỹ Ngụy no đòn!

Đoàn xe lên đường ngay khi người tù cuối cùng bước lên chiếc xe thứ tám. Phía sau cùng hai chiếc molotova chở đầy công an áp tải đoàn xe. Trên mỗi xe còn có hai công an mang AK đứng ngay cửa lên xuống hai đầu. Tuy nhiên không ai bị còng. Thái nhìn qua khe. Cảnh vật chạy giật lùi nhưng cũng những con phố hẹp cũ kỷ và hai hàng cây già nua ven đường của một thành phố xa xăm nào trong trí anh. Thành phố miền bắc. Có thể là Hải Phòng trong nhạc Nguyễn đình Thi, hay phố cảng được mô tả trong các tác phẩm của Tự lực văn đoàn.

Ra khỏi thành phố đoàn xe đi về phía bắc, Thái đoán như thế khi cho rằng sau lưng anh là cửa biển. Nỗi lo lắng dường như tan biến khi không khí hanh hanh lạnh là lạ của một vùng đất mới tuy thù nghịch nhưng không gột bỏ nét quê hương cũ kỹ xa vời của thời thanh bình mô tả trong sách vở. Với anh hận thù chỉ tại lòng người còn bên ngoài xe đồng ruộng, xóm làng xa xa với hàng cau đậm nét ở chân trời có khác gì quê hương miền trung của anh những ngày thơ ấu.

Xe càng đi về phía bắc càng lên cao dần. Đã hơn bốn tiếng đồng hồ ngồi trên xe. Dư vị ba ngày bốn đêm trên tàu Sông Hương làm Thái lơ mơ. Xe dừng, mọi người xuống xe đi tiểu sau đó được phát thêm một khẩu phần ăn gồm ba bốn củ khoai lang luộc và một gói muối vừng. Quê hương xã hội chủ nghĩa có khác, thanh đạm thô sơ như những công an áo màu gạch cua khuôn mặt lầm lì vô cảm. Vài chiếc xe con của Nga chạy ngang qua, những đôi mắt tò mò nhìn đám tù miền Nam mặc áo khoác cảnh sát dã chiến rằn ri tập trung trước mỗi xe đò. Một chiếc xe đạp xa xa trên con đường nhỏ băng qua ruộng lúa. Sắp sang tháng năm mà vùng đất miền bắc này còn lạnh. Thái tự hỏi mùa đông chắc không phải dễ dàng như miền Nam thân yêu của anh. Anh nhớ đến danh từ khổ sai biệt xứ của những năm xa xưa khi nói đến người tù chống Pháp. Anh bây giờ cũng thế, bản án ấy hằn trong trí mọi người trên đoàn xe và hiện trên từng khuôn mặt đăm chiêu buồn bã. Có tiếng gọi lên xe. Xe đã ra khỏi Hải Dương để đi lên vùng trung du, một cán bộ công an ngồi cuối xe cho biết như thế.

Phía trước Thái, anh Tấn đang hút thuốc lào sau đó chuyền chiếc điếu cho anh. Thái kéo một hơi thật dài rồi ngây ngất muốn ngủ. Xe dằng xóc vì con đường đầy ổ gà cũng không ngăn đám tù cải tạo ngủ gà ngủ gật. Trời chiều đoàn xe vẫn mãi miết đi như đoàn người đang vào chiến dịch. Càng lên cao không khí càng lạnh hơn. Qua Việt Trì, đoàn xe lên dốc xuống đèo và đến một bờ sông thì đã nữa đêm. Anh đèn pin loang loáng chung quanh các chiếc xe như muốn kiểm soát xem có ai nhảy ra khỏi xe để chạy trốn hay không. Tuy nhiên tiếng sóng vỗ bờ êm dịu lạ thường. Được phép xuống xe nhiều người tù men đến bờ nước. Trời tối đen phía ngoài nhưng hai bóng đèn vàng trên bến phả một thứ ánh sáng nhợt nhạt xuống mặt nước lao xao. Có tiếng tàu xình xịch và một chiếc phà đang cặp bờ. Hai chiếc xe đò lên phà và một chiếc tàu nhỏ dùng mũi tàu ủi chiếc phà sang sông. Con sông khá rộng đủ một chuyến qua lại mất gần nữa giờ. Cứ như thế đến gần sáng đoàn xe mới qua hết bờ bên kia. Anh sáng lờ mờ từ chân trời cho thấy đoàn xe đang đậu giữa một bãi ngô dài tít tắp. Bãi ngô trồng trên triền đê dọc bờ sông nhưng anh không biết con sông nào trên miền bắc mới quen này. Ngô chỉ vừa trỗ cờ. Gió buổi sáng lạnh lẽo như thổi vào lòng người tù miền Nam nỗi cô đơn phiền muộn hơn.

Xe tiếp tục lên đường chạy luồn sâu vào con đường tối mịt vì hai hàng tre che kín ánh sáng mặt trời. Không thấy cán bộ công an tỏ vẻ cấm cản một số người kéo cửa sổ lên nữa chừng. Làng xóm dọc hai bên bờ tre lờ mờ. Không có bóng người chỉ có tiếng xe ầm ì mãi miết. Hơn hai tiếng đồng hồ luồn trong hai hàng tre đoàn xe lên một ngọn đồi cao rồi xuống dốc theo con đường đất mòn vào một khu rừng. Thái đếm đoàn xe đã vượt mười bốn con suối mới đến một khu có người ở. Chừng là một thị trấn miền cao. Qua một trường học, anh đọc tấm bảng tên trường mới biết đoàn xe đang đi vào huyện Yên Lập tỉnh Vĩnh Phú, trước kia là hai tỉnh Vĩnh Yên và Phú Thọ nhưng anh không biết mình đang đi vào tỉnh nào. Phú Thọ thời Pháp có nhiều đồn điền cam nhưng bây giờ anh không thấy cam đâu, chỉ toàn ruộng lúa và nương khoai. Đất đai canh tác triệt để qua những trái đồi như bát úp chia cắt từng khoanh ruộng từ thấp đến cao như những quả cam lột vỏ.

Ở đây xa miền Nam hơn hai nghìn cây số là ít. Thái nhẩm tính bài toán đơn sơ theo bờ biển hình cong chữ S của Việt Nam trong bài học địa lý lớp tiểu học. Nhưng xe vẫn còn chạy khiến anh nghĩ người cộng sản muốn dấu đám tù miền Nam càng xa càng tốt. Biện pháp này lợi ích thiết thực cho họ trong thời gian này. Tuy không đánh giá cao đám người chiến bại nhưng anh cho rằng về mặt đối ngoại lẫn đối nội đều có lợi cho chính quyền cộng sản vì thỏa mãn được yêu cầu an ninh xã hội và yêu sách với người Mỹ cái gọi là tàn dư của cuộc chiến tranh và sau nữa không biết chuyện gì xãy ra nhưng trong lòng mọi người có chút gì hi vọng trong cái tuyệt vọng của thực tại đang diễn ra trước mắt. Điều này thực ra không có gì khó hiểu vì trên giòng nước lũ ai cũng muốn bấu víu vào bất cứ cái gì tóm được trong tầm tay mình.

Xe lội qua giòng suối thứ mười lăm khá rộng. Đá từng tảng to giữa dòng như những cù lao. Có lẽ là mùa khô nên suối cạn đến như thế. Hai bên bờ lau sậy um tùm và có những đoạn nước chãy xiết trước khi chuyển dòng qua một khúc quanh rồi đổ dốc như những chiếc thác nhỏ. Qua khỏi con suối xe chạy theo một con đường rộng rãi hơn để cuối cùng vượt qua một dãy đồi đến một khu trại chìm khuất trong tàng cây xanh cao.

Xe đỗ mọi người xuống một sân trại rộng mênh mộng. Dọc theo lề sân là bức tường dài chia hai khu vực cách khoảng đều nhau bằng những ô cửa. Bên kia tường là bốn dãy nhà dài song song với mái lá vách quét vôi trắng. Chắn các dãy nhà này là một nhà cao rộng vách vôi quay mặt về phía sân có lẽ dùng làm hội trường. Thái và anh Tấn được đưa vào căn thứ tư và trước khi vào buồng mọi người đi qua hai hồ nước vuông đầu nhà. Nước đang được bơm vào chãy theo con mương xi măng nhỏ dẫn vào hồ.

Ba mươi người vào một nhà. Giường hai tầng, sàn gỗ nằm lọt lòng trong khung sắt. Loại giường này ít rệp và nếu có cũng dễ diệt trừ. Thái ném túi sắc lên tầng trên và leo lên nằm thở phào nhẹ nhõm. Anh Tấn phía dưới sau khi sắp hành trang lên giường hút điếu thuốc lào như xua đi mọi mệt nhọc của cuộc hành trình quá dài. Thái nhìn lên trần mái lá kiểu lá cọ miền nam. Gió thổi bên ngoài nghe xào xạc. Có tiếng gọi tập họp ra sân trước nhà. Sau khi chia tổ lại theo danh sách trích ngang của cán bộ trại. Lại một lần di chuyển qua lại. Anh Tấn xui xẻo hơn phải dọn qua dãy thứ nhất. Thái giúp anh khuân vác vật dụng cá nhân qua ba lần cửa ngang của ba bức tường ngăn cách các nhà với nhau để đến gian thứ nhất. Cả bốn dãy nhà đều giống nhau, hai gian và đầu nhà một nhà ngang làm phòng ăn và hai hồ nước. Phòng vệ sinh nằm ngay trong gian nhà ở. Mỗi gian tường dày đến năm tấc và chung quanh là cửa sổ với song sắt cỡ lớn nhưng hoen rĩ cả dấu hiệu trại đã có lâu năm. Cửa chính cài then sắt phía ngoài. Tất cả rập khuôn kiểu trại giam. Thứ trại giam cho tù khổ sai cần chỗ ăn ở lâu dài bền vững.

Thái về gian của mình nghe cán bộ trại Thủ Đức tập họp nói vài lời về chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đối với trại viên miền Nam đưa ra Bắc cải tạo và chào chia tay về Nam. Thủ tục thật đầy đủ, và người cán bộ công an miền Bắc phụ trách gian của anh giới thiệu chổ ăn ở mới cũng như cho biết mọi người tạm nghỉ vài ngày sau chuyến đi dài mệt nhọc. Phục, thiếu úy cán bộ giáo dục của trại Tân Lập Vĩnh Phú tự giới thiệu. Bên cạnh hai cán bộ quản giáo cấp bậc thượng sĩ đi từng giường nói chuyện với các người tù miền Nam một cách thân mật. Trên cổ áo người nào cũng quân hàm đầy đủ. Áo quần tươm tất kiểu công an nhà nghề. Họ nói nhiều đến nguyên tắc và chính sách. Sau cùng là an ủi và động viên. Nói chung bình mới rượu cũ. Không có gì khác ngoài việc chấp hành. Sau khi nói chuyện xong mọi người lại chia tổ. Tùng được chỉ định nhà trưởng. Cán bộ Phục nói:

--Tạm thời các anh phải ổn định tinh thần cùng chỗ ăn ở. Ít ra một tuần mới có thể lao động được. Các anh tắm giặt tại hồ nước đầu nhà. Buổi ăn sáng trưa chiều được tổ trực xuống bếp mang về nhà ăn chia cho từng tổ. Mong các anh giữ trật tự vệ sinh vì lợi ích công cộng và mùa hè sắp đến trời rất nóng bức dễ sinh bệnh đường ruột gây ra do ruồi nhặng. Có ý kiến gì thì thông qua anh Tùng chúng tôi liệu giải quyết.

Nhìn đồng hồ anh ta nhắc đến khoảng một giờ nữa sẽ có cơm trưa và mọi người bắt đầu sắp xếp lại chỗ nằm. Thái nằm tầng trên. Hai bên anh là Lộc và Chương. Lộc cùng ban nhưng khác khu vực tuy Thái biết mặt nhưng chưa từng nói chuyện. Lộc ít nói, khuôn mặt lúc nào cũng trầm ngâm nặng vẻ ưu tư. Chương nói luôn miệng. Ba người sau khi hút xong điếu thuốc lào từ chiếc điếu cày của Lộc, nằm ngữa nhìn lên trần nhà. Ai cũng im lặng như mệt nhoài sau chuyến đi dài. Chương thở dài lên tiếng:
--Sắp đến ba mươi tháng tư rồi các cậu ạ! Nghĩ đến nó lại rùng mình, thoáng đã ba năm !!!
Nghe bạn nói, Thái mới nhớ hôm nay ngày hai mươi sáu tháng tư và là ngày đầu tiên đặt chân lên một trại tù xã hội chủ nghĩa miền bắc. Anh ngồi dậy nhìn qua hàng song sắt. Nhà bếp bên kia rào thấp thoáng những tù nhân áo xanh đi lại. Phía sau bếp là cây cổ thụ và một con trâu đen nhánh cột dưới gốc cây. Chung quanh bếp hai xe kéo nằm chỏng chơ, bên cạnh những đống sỉ than. Một toán người đang lúi húi trên bếp lò khói bay mù mịt. Thái cúi xuống tầng dưới nhìn Tùng đang sắp xếp chỗ nằm. Mọi người đang loay hoay với chổ nằm mới của mình. Ông cụ Nhụ xui xẻo nằm cạnh lối ra vào nhà vệ sinh. Ông đang đọc Kiều. Quyển Tự điển Truyện Kiều của ông như muốn rách tung vì được người đọc chiếu cố tận tình. Nhìn ông, Thái lại nhớ đến Nam Huấn Ca ngày nào ông đọc cho anh nghe ở trại Thủ Đức. Lúc đọc ông nghiêm chỉnh, chậm rãi và mắt nhìn vào khoảng không như nhìn vào quá khứ của mình. Thái tưởng dường như ông đang trả bài cho thân phụ mình là cụ phó bảng Nguyễn Can Mộng từ sáu mươi năm trước. Thái độ ấy ghi sâu trong tâm khảm anh một nỗi buồn khó tả. Hình như đó là bổn phận làm con mà anh không thực hiện được và cụ Nhụ từng nhắc anh nhớ đến cái khoảng trống trong đời mình chưa được lấp đầy.

Chợp mắt chưa được mười phút Thái bị đánh thức bởi tiếng gọi nhau đi ăn cơm. Tùng đã được chỉ định làm nhà trưởng nên nói sơ cho mọi người biết cơm nước đã sẵn sàng và ra nhà cơm để ăn. Hai giờ ba mươi mới bắt đầu bữa cơm trưa đầu tiên. Ai cũng ngạc nhiên lúc xuống nhà ăn. Ba dãy bàn dài nối nhau đầy ắp thức ăn và chén đủa. Phải nói là thịnh soạn. Mọi người kháo nhau nho nhỏ. Bữa tiệc ra mắt trên quê hương xã hội chủ nghĩa. Có đến năm món ăn. Canh xào, chiên kho đủ cả theo kiểu miền Bắc. Hai thứ thịt trâu và heo đủ làm cho mọi người thoả mãn sau bao nhiêu ngày thiếu thốn. Ba bốn người tù hình sự lấp ló ngoài sân chờ dọn chén bát. Sau bữa cơm no đủ, mọi người uống trà đậm và xỉa răng bằng tăm tre đựng trong chiếc đĩa gốm bát tràng cuối bàn.

Các anh là nhất. Trại phải hạ đến ba lợn hai trâu đãi các anh. Một tù hình sự dáng lớn tuổi xuýt xoa nói khi nhận một điếu thuốc thơm miền Nam của nhà trưởng Tùng. Thế các anh không được ăn hay sao? Tùng hỏi.

--Chúng em chỉ có da và xương mà thôi.

Tảo, tên người tù hình sự được viết trên nền áo tù màu xanh sau lưng trả lời có vẻ mỉa mai và cười lộ chiếc răng vàng trên khóe miệng. Nghe tiếng nói đặc sệt giọng bắc khiến Thái nhớ đến những năm khai thác tù binh Bắc Việt. Không thiếu những mẫu mực con người mà thoạt nhìn và nghe giọng nói người ta có thể phân biệt được ngay là cán binh cộng sản xâm nhập. Tảo nói thêm:

--Các anh là trại viên cải tạo miền Nam nên hưởng chế độ đặc biệt. Chúng em chỉ có biết phục vụ mà thôi.

Kiểu nói của Tảo hình như làm đám tù chế độ cũ mũi lòng nên có người dúi cho hắn nguyên một gói thuốc capstan đầu lọc. Cách thức xuýt xoa cám ơn của Tảo có tác phong của những con người thời phong kiến. Trong lúc Tảo nói chuyện ba người tù khác còn trẻ hơn im lặng khuân dọn bát đĩa vào chiếc xe kéo lớn hơn chiếc xe cút kít nhưng nhỏ hơn chiếc xe ba gác miền Nam. Những người tù miền bắc gọi chiếc xe này là xe cải tiến.

Lúc về buồng mọi người lại bàn ra tán vào về bữa ăn đãi ngộ. Có người cho rằng kiểu này không khác tuần lễ đầu tiên vào trại được các nhà hàng nấu cho ăn. Không phải là không có lý nhưng cụ Nhụ bảo:

--Có chất tươi là tốt. Sức khoẻ quan trọng hơn cả các cậu thắc mắc làm gì.

Cụ thực tế nói với Thái:

--Mắc bệnh nghề nghiệp hay sao mà lo những việc ngoài tầm tay của mình. Liệu chúng ta có đủ sức khoẻ hay không một khi phải đi lao động ở một nơi xa xôi và không biết ngày trở về thế này!

Cụ không nói trắng ra nhưng ai cũng hiểu mình đang trong tình trạng khổ sai biệt xứ. Miền Nam có thiếu gì nhà tù mà phải tốn công sức đưa ra tận miền trung du bắc việt này. Tương lai mù mịt trong đầu mọi người trong khi đó đám tù dân quân phục quốc tụ họp trong góc nhà nhìn sự việc khác hơn. Phải nói họ hồ hỡi phấn khởi theo kiểu nói của các anh cộng sản. Họ cho rằng đưa họ đi càng xa càng tốt. Điều này chứng minh họ có thể trở thành tù binh và có thể trao trả trong tương lai. Lực lượng Dân quân Phục quốc đã thành lập chính phủ sáu tháng trước. Họ giải thích có chính phủ có nghĩa có lãnh thổ và họ có nơi để trở về. Dù không biết lãnh thổ ở đâu, cách nói của họ như thật khiến cho một số người chế độ cũ nhẹ dạ bán tín bán nghi và ngày hôm sau đã thấy vài khuôn mặt chế độ cũ ngồi rầm rì với họ trên tầng giường cao.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao