TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Thái bước vào gian giữa để tập họp, căn phòng không quá năm mươi mét vuông chứa ba mươi sáu người. Cán bộ Tư Điệp đứng giữa nhà làm nhiệm vụ chia tổ. Mỗi tổ mười hai người theo thứ tự danh sách trích ngang cắt ra. Tổ trưởng do người trong tổ bầu lấy. Tổ trưởng có nhiệm vụ giúp đở điều hành trong suốt thời gian học tập chính trị, cải tạo tư tưởng, và có trách nhiệm phân công từng người trong tổ lấy cơm, làm vệ sinh khu vực nhà ở cũng như từng tổ lại được phân công làm vệ sinh khu vực dưới sự điều hành của một nhà trưởng.
Dãy nhà Thái ở mang số hai mươi ba chứa mười tổ gồm một trăm hai mươi người. Nhà trưởng là Nguyễn văn Ca, vốn là cán bộ tình báo quốc ngoại hoạt động tại Pháp, thời gian tháng tư lộn xộn, tranh thủ về nước mục đích đưa vợ con ra đi nhưng không kịp và phải lên đường cải tạo. Ca chưa học tập được ngày nào, nhưng lại biểu hiện là người đã được cải tạo mau chóng không cần đến tài liệu, sách vở. Mở miệng ra thường dùng những từ mà chỉ có cán bộ Cộng sản mới dùng. Ca dùng hay đến độ nhiều người nghĩ rằng Ca là một nhân viên nằm vùng từ trước. Có người thắc mắc hỏi điều này, Ca chỉ mỉm cười một cách bí mật mà không trả lời. Tuy nhiên Chương bảo, “Cán bộ nằm vùng quái gì, nó chỉ học thuộc lòng những danh từ để bon chen thời gian này. Mồm mép thì đỡ chân tay mà.” Những lời nói của Chương thường được mọi người tin vì Chương là một nhân viên tình báo uyên bác. Là người thuộc ban huấn luyện, Chương dạy cho cán bộ tình báo môn Cộng sản quốc tế, ngoài ra lại đặc biệt chuyên trách Cộng sản Trung Hoa. Ngoài thì giờ huấn luyện, Chương đọc nhiều văn bản báo cáo của các ban để cập nhật kiến thức của mình. Chương lại đặc biệt có trí nhớ lạ lùng. Anh có thể nhắc lại nguyên văn một câu nói thoảng qua tai cách hơn hai mươi năm mà không mấy ai lưu ý cả. Nhờ vào trí nhớ dai và chính xác nên Chương có thể trả lời cho bất kỳ ai thắc mắc về các nhân vật Cộng sản quốc tế, cả về cá tính lẫn quá trình hoạt động của họ. Tài ba như thế, tuy nhiên tính nết anh lại bất bình thường. Điều này Thái nghe kể từ khi còn đi làm việc, tuy nhiên mãi đến hôm nay, anh chưa thấy dấu hiệu gì bất ổn ở tính tình của Chương cả.
Có tiếng gọi của Nghĩa, Thái bước vào nhà thì cả tổ đã quây quần ngồi ở một góc trên chiếc chiếu nilon của anh. Mọi người cũng đều đang họp. Nghĩa lấy ra một danh sách viết tay, đọc tên từng người. Tổ của Thái là tổ 5, gồm mười hai người. Nghĩa bảo:“Theo lệnh của cán bộ, chúng ta có thể bầu một tổ trưởng.” Kỳ tiếp lời,"bầu bằng cách nào đây?” Hùng người trẻ tuổi nhất, trước làm ở ban an ninh nội bộ lên tiếng, “Chúng ta có thể bầu cho người lớn tuổi nhất, ông Đường có thể là tổ trưởng của chúng ta. Đồng ý không?” Nghe thì hợp lý, nhưng sau khi bàn thảo mọi người đều nhất trí bầu Bạch văn Nghĩa làm tổ trưởng vì Nghĩa Bạch phân biệt với Nghĩa Trần cùng tên trong tổ, là người nhanh nhẹn, hoạt bát có thể điều hành kịp thời mọi công việc trong thời gian cải tạo này. Nghĩa Bạch khuyên mọi người không nên đi xa ra khỏi khu nhà mình đang ở vì cán bộ có khuyên như thế. Anh nói sau khi đi họp với cán bộ, trở về anh sẽ phổ biến nội qui của trại.
Thái kéo Kỳ đi về phía đầu nhà tìm Tuệ. Cũng may mắn, Thái nghĩ đám bạn thân anh cùng ở một dãy nhà chỉ khác tổ. Tân ở gian cuối, Tuệ ở gian đầu còn anh và Kỳ ở gian giữa. Tuệ đang ngồi dựa lưng vào chiếc xắc nhà binh dựng đứng và hí hoáy viết.
— Viết gì đây anh bạn.
Thái lên tiếng. Tuệ cười, “Có ý hay, viết chơi bản nhạc, nay mai gì đây có thể nhờ Bửu Uy soạn hòa âm. Nó đang ở gian nhà bên phải chúng ta. Hồi sáng sớm thấy nó tập thể dục ở đầu nhà.”
Tuệ cất tập giấy viết dở, ba người bước ra sân. Nắng đã lên cao, làng cô nhi Long Thành quang đãng trước mắt mọi người. Tiếng nói lao xao không ngớt từ các dãy nhà. Tuệ chỉ con đường phía đầu nhà và nói.
—Tối hôm qua xe chở người chạy ì ầm suốt đêm. Cuối con đường này là cái bãi đậu xe. Mình lại nghe có tiếng đàn bà, có thể có cả nữ trại viên cải tạo.
Thái nhìn theo hướng Tuệ chỉ. Một dãy nhà ngang nằm giữa, phía trước là cột cờ. Hình như có bóng đàn bà đi lại. Hai dãy nhà hai bên con đường giữa đầy người. Tuệ rủ hai người đi sang dãy nhà phía bên kia tìm xem có ai quen hay không nhưng Kỳ bảo, “Lệnh cán bộ không cho phép đi quá nơi ở.”
Nhìn về phía đông, nơi con dốc đổ xuống cổng trại Thái thấy thấp thoáng một tấm biển lớn với ba chữ “Chùa Siêu Hình”. Thái và hai bạn đi về phía khoảng đất trống giữa hai gian nhà. Nhiều người đang ngồi chồm hổm trên hàng hiên đánh răng, rửa mặt. Ca số lớn tuổi. Ba người ngồi bệt xuống đất. Tuệ nói:
—Có thể tất cả bộ máy đầu não của chế độ cũ bị nhốt cả vào đây.
Thái nhìn theo một chiếc molotova chở đầy bộ đội chạy qua con đường giữa không nói tiếng nào. Kỳ bảo:
—Những người chế độ cũ tập trung lên làng cô nhi Long Thành này đều được lệnh gọi đi học tập trong ba ngày 13,14 và 15 tháng sáu. Thông cáo này có giá trị cho những viên chức hành chánh từ giám đốc trung ương cho đến Tổng thống. Bên quân đội tương đương từ thiếu tá cho đến đại tướng. Kỳ như cố ý nhấn mạnh đến sự quan trọng của thông báo kêu gọi ba ngày trình diện đầu tiên.
Tuệ móc túi lấy bao thuốc capstan ra hút. Thái nhìn kỹ bạn, rồi nhìn quanh. Tuệ mặc bộ quần áo kaki vàng. Miền Nam đã được giải phóng cho nên tất cả đều thay đổi. Từ tên con đường cho đến con người. Cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói đổi khác. Có rất nhiều từ muốn hiểu phải nhờ tượng âm, và nghĩa của cụm từ trước hoặc sau nó mới có thể hình dung được. Người Cộng sản đề cao dân tộc nên các từ thường gốc Hán, họ thay đổi cả. Phải chăng cách thức thay đổi này là biểu hiện tinh thần độc lập và tự chủ như những người Cộng sản thường bảo.
Thái kéo hai bạn đứng lên đi về phía cuối nhà. Ba người nhảy qua con rãnh nhỏ bước lên con đường phía sau rồi leo lên bờ đường cao nhìn về phía Tây. Ở vị trí này cả ba có thể nhìn thấy bao quát khu trại họ đang ở. Làng cô nhi Long Thành nằm trên ngọn đồi cao, từ lưng chừng đồi trở xuống nhà cửa rải rác. Cạnh chân đồi là tỉnh lộ Biên Hòa-Vũng Tàu. Thấp thoáng những chiếc xe hàng đang chạy đi lại. Từ hơn nửa đồi trở lên, nắng tháng sáu làm cỏ cháy vàng từng vạt lớn. Chung quanh trại một vòng đai hàng rào kẻm gai sơ sài có vẻ mới được tu bổ lại với những cột gổ mới chen lẫn những cột cũ xiêu vẹo. Thái nói:
—Nơi này không có vẻ gì là nhà tù cả. Với hàng rào kẻm gai thấp lè tè kia chúng ta có thể vượt qua được dễ dàng.
Kỳ lên tiếng như để giải thích:
—Cái hàng rào này là của giai đoạn đầu. Không ai muốn trốn trong khi học tập cải tạo tư tưởng có ba mươi ngày mà thôi.
Tuệ tiếp lời:
—Trong ba mươi ngày, Cộng sản họ làm biết bao công việc. Làm sao mà biết được.
Những lời của Tuệ, Kỳ hàm chứa nhiều nghi hoặc. Thái cũng nghĩ như bạn nhưng không nói ra. Kinh nghiệm tuy xuất phát từ sách vở, nhưng không phải không là sự thật. Cộng sản không giản dị như thế cũng như cái thực tế Thống nhất Bắc Nam, anh em một nhà là một sự thật không thể chối cãi. Anh nhớ lại những ngày đầu tiên nghe các bản diễn văn của Tướng Trần văn Trà. Nội dung của nó như nước mát xối xuống nhân dân miền Nam bấy lâu chết khát. Niềm vui chan hòa và che lấp mất cái thực trạng kẻ chiến thắng là người Việt Nam Cộng sản. Người Việt Nam thì giống nhau đấy, cũng có thể chia xẻ tâm tư nguyện ước một thời. Có thể có cùng chung khát vọng thống nhất Bắc Nam. Nhưng Thái chắc chắn rằng người Cộng sản không bao giờ có cái suy nghĩ như những người miền Nam suy nghĩ. Cái bề ngoài của họ che dấu cái bên trong, mà cái bên trong này mới thực sự quyết định số phận của dân tộc Việt Nam sau này. Do đó, niềm vui mơ hồ không che lấp được sự nghi hoặc, nhất là đối với những người có hoàn cảnh như anh. Thái biết ngay từ bây giờ anh cùng các bạn bắt đầu là những con rối biết đi, cứ mặc cho dòng đời đưa đẩy vì không ai có thể biết được hoặc hình dung ra được phía trước có gì.
Tiếng nhạc trổi lên bất ngờ từ những chiếc loa mắc trên các cột điện bằng gổ đầu chái nhà làm ba người như nhớ lại thân phận hiện tại của mình. Bản nhạc “Chào anh Giải phóng quân, mừng mùa xuân đại thắng” làm Thái gai ốc. Anh không cảm thấy đó là những tiết tấu diễn tả niềm vui chiến thắng mà chỉ là những lời kêu gào sắt máu, chứa đựng hận thù mà cái hận thù này đã được đưa đẩy đến tận cùng tột.
Âm nhạc Cộng sản là một công cụ phục vụ hữu hiệu cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Chính nó cũng phản ánh được mức độ khát vọng của người Cộng sản. Cho nên không thể nghe nhạc của người Cộng sản với cung cách thưởng thức âm thanh như kiểu miền Nam trước đây được. Trong hơn một tháng Thái đã dần dần hiểu ra được anh trước đây không hề hiểu đúng Cộng sản là gì. Mà có lẽ ngay những kẻ thù của họ đã không hề hiểu được Cộng sản đúng mức độ của nó. Nếu chỉ nghe nhạc Cộng sản để rồi phê bình họ dưới khía cạnh nghệ thuật thì quả thật quá ấu trĩ. Còn nghe nhạc Cộng sản để cuối cùng bảo rằng Cộng sản chỉ giỏi tuyên truyền thì càng tầm thường hơn nữa. Nói triết lý hơn, âm nhạc Cộng sản là chính họ, là cái họ muốn vượt qua chính thân phận của họ. Do đó, âm nhạc biểu hiện một sức mạnh mà sức mạnh này không chỉ đơn giản giúp họ tiến lên phía trước mà còn tạo cho họ cái lẽ sống dù rằng nó chỉ là thứ ngụy tín nhưng đã dẫn dắt họ đi trót con đường họ đi. Âm nhạc cùng nhiều bộ môn giải trí khác tạo nên một thứ quyền lực vô hình khả dỉ hướng cho người cán binh Cộng sản đi đúng chiến lược mà những nhà lãnh đạo của họ vạch ra. Ngày hôm nay cái đám người đối thủ của Cộng sản trong đó có Thái đang có dịp nghe kỹ lại cái tiết tấu âm nhạc khó nghe ấy và học những bài học mà có lẽ là những bài học đích đáng nhất cho cuộc đời mình.
Thái ngồi xuống tấm nilon của mình thì đúng mười một giờ rưỡi. Cả tổ ngồi quanh Nghĩa nghe anh phổ biến nội dung cuộc họp với ban lãnh đạo trại. Mọi người có ba ngày thu xếp ổn định chổ ăn ở của mình. Ngày thứ tư là ngày đầu tiên lên lớp. Trước khi nghe giảng bài mọi người sẽ được phát tài liệu tham khảo trước. Về mặt nhu cầu cần thiết cá nhân, chính quyền Cách mạng sẽ cố gắng mở một căn tin để bán những nhu yếu phẩm cho trại viên. Phần đau ốm thì có một trạm y tế phía dưới cột cờ. Phía đông trạm y tế là dãy nhà vệ sinh. Nói chung Cách mạng sẽ lo trước khi trại viên lo, tuy nhiên cán bộ lãnh đạo trại có nhắn rằng vì thời gian đầu tiếp quản, công việc quá bận rộn nên có những khó khăn nhất định trại viên phải khắc phục mà vượt qua. Điều chính yếu nhất là mọi người phải cố gắng cải tạo tư tưởng và thi đua lao động vì chính thông qua lao động mỗi người mới có thể cải tạo được bản thân mình. Riêng nội qui trại có hai mươi mốt điều mỗi người phải chép,học thuộc lòng và chấp hành thật nghiêm chỉnh. Người nào vi phạm sẽ bị chế tài và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập cải tạo của mình. Nếu có cán bộ kiểm tra hỏi nội qui trại, phải trả lời ngay cho đúng.
Nghĩa nói một hơi như học thuộc lòng sau đó chia người trực nhật đi lấy cơm. Ông Đường xung phong làm người trực tổ đầu tiên và sẽ đi lấy cơm và nước uống cho anh em. Hùng tình nguyện đi theo giúp. Hai người có tổ trưởng đi theo vì nội qui qui định không ai được quyền tự ý xuống nhà bếp trừ giờ cơm và phải có tổ trưởng theo ký nhận phần ăn của tổ mình.
Mười lăm phút sau, ông Đường, Hùng và Nghĩa trở về. Ba người xách ba chiếc xô nilon. Một xô cơm, một xô thức ăn và một xô nước uống. Mỗi người được một bát cơm trắng, một chén nhỏ cá kho và một lon guigoz nước trà. Anh Tấn người nằm cạnh Thái chép miệng:
—Chúng ta bắt đầu hưởng chế độ ăn uống của trại cải tạo.
Hùng đưa khúc cá kho lên miệng nếm thử, khen cá ăn được và cho biết phía dưới nhà bếp có cả phụ nữ. Những người con gái này theo Hùng có lẽ được thuê từ bên ngoài. Chánh người nằm phía bên trái Thái thuộc tổ bốn ngao ngán đặt chiếc gà mên cơm xuống sàn nhà rồi thở dài:
—Chưa bao giờ trong đời tôi ăn uống như thế này. Tại sao không còn những ngày được ăn uống như ở trường Chu văn An nhỉ?
Chương cười:
—Cậu thật ngây thơ. Nên biết rằng ba ngày ở trường Chu văn An được nhà hàng Soái Kình Lâm nấu cho ăn là một ân huệ và hiện tại chúng ta là những người trại viên cải tạo. Hãy cố gắng mà ăn vì biết đâu được có lúc không có gì để ăn.
Nghe Chương nói Thái hình dung đến bửa cơm ân huệ cuối cùng của tử tội thì có tiếng suỵt nhỏ. Nhà trưởng Võ văn Ca bước vào phòng vừa đi vừa hỏi:
—Các anh ăn uống thế nào? Có mặn lạt, nhiều ít gì cứ cho tôi biết. Tôi có nhiệm vụ phản ảnh tình trạng ăn uống lên ban lãnh đạo trại.
Ca hỏi xong không đợi trả lời đi xuống gian nhà sau. Chờ Ca vừa khuất sau khung cửa trống, Chánh lắc đầu:
—Cứ như cán bộ Cách mạng. Có những người sao thay đổi mau như thế.
Ông Đường xuống giọng:
—Cậu nên cẩn thận lời ăn tiếng nói vì những người như Ca rất nhiều trong trại cải tạo.
Thái cầm chiếc ca nhựa đựng cơm ra hàng hiên. Bên ngoài gió nhẹ khiến anh cảm thấy mát mẻ dể chịu. Nhìn quanh quất anh thấy đa số mọi người ra ngoài ăn cơm. Khung cảnh như một trại lính hơn là trại cải tạo. Thực tình Thái cũng không hiểu thật sự trại cải tạo là gì ngoài những tài liệu và tiểu thuyết mà anh đã đọc trong những năm tháng còn đi học và đi làm. Những gì được mô tả thật ghê rợn và kinh khủng. Trong tài liệu và tiểu thuyết trại cải tạo và tập trung như nhau. Dù là trại tập trung của Cộng sản hoặc Quốc xã Đức, con người không hơn gì con vật,lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị vào lò sát sinh. Còn bây giờ Thái và bạn bè anh đang ở trong trại cải tạo của Cộng sản Việt nam, liệu có hơn gì Cộng sản Tàu hay Nga hay không? Anh tự an ủi và nhớ lại câu nói của một triết gia Tây phương “Chúng ta luôn luôn sẳn sàng trong tư thế ra đi.”
Nghĩa Bạch có cho biết toàn trại có khoảng hơn hai nghìn trại viên chia làm bốn khối. Khối một gồm tất cả những viên chức hành chánh Cao cấp trung ương, khối hai gồm những đảng ủy viên trung ương của các đảng phái phản động, khối ba toàn bộ cán bộ tình báo trung cấp và Cao cấp thuộc Phủ Đặc Ủy Trung Ương, và khối bốn gồm toàn sĩ quan cảnh sát từ cấp thiếu tá trở lên. Đúng ra là trại cải tạo Long Thành này chứa tất cả ngụy quân và ngụy quyền Cao cấp Trung ương và là thành phần vừa phản động vừa có nợ máu với nhân dân.
Nghĩa còn cho biết, lúc đi họp với ban lãnh đạo trại anh có gặp chị Mỹ, vợ anh Nghĩa Trần đại diện cho khối phụ nữ. Khối phụ nữ đa số là nhân viên của Phủ Đặc Ủy và khoảng hơn mười người thuộc khối một hành chánh và một người thuộc khối hai Đảng phái. Thái hình dung trong trí toàn bộ thành phần đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa đều nằm ở trại cải tạo Long Thành này mà cảm thấy vừa buồn cười vừa tức giận. Hai mươi mốt năm xây dựng và chiến đấu để rồi có ngày hôm nay toàn bộ đang ngồi trong trại cải tạo ăn chén cơm tù. Cuộc bể dâu này do ai gây nên? Có phải những con người này từng đi ngược lại bánh xe lịch sử như những người Cộng sản thường bảo hay chính họ bất tài không làm nên đại cuộc mà nhân dân giao phó? Người Cộng sản đúng hay chúng ta đúng?
Thái hồi tưởng cuộc đời mình trong khung cảnh hiện tại lòng cảm thấy buồn bã. Không có thứ định mệnh nào đến trước hành động mà chỉ có thứ định mệnh xác định những chuyện đã rồi. Định mệnh lịch sử là cả một quá trình tội ác do con người tạo nên, và chuyện đã rồi là cuộc bể dâu mà nhân dân trong một nước phải gánh chịu. Thái không cảm thấy mình sai, nhưng chỉ thấy tiếc nuối cho cuộc đời mình cũng như bạn bè đã phung phí mất tuổi trẻ, không làm được gì cho đại cuộc như những khát vọng ban đầu trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Buổi trưa tháng sáu oi bức, nhưng thật yên tĩnh dù có sự hiện diện của hơn hai nghìn người trong một không gian chật hẹp của trại cải tạo Long Thành. Mọi người hình như đang ngủ trưa, bởi vẫn có những kẻ đang ngồi trên hàng hiên phe phẩy quạt nhưng tâm hồn như để đâu đấy. Họ đang mơ trong khi đôi mắt vẫn mở vì giấc mơ kia là cái sự thật trước mắt, là cả một tương lai vô định và tràn ngập sự nghi hoặc. Nó chan hòa nổi khổ tâm của những người chưa bao giờ xa rời vợ con mái ấm gia đình quá hai mươi bốn giờ đồng hồ. Nó cũng là nổi khốn khổ của tâm tư dằn xéo vì chăn ấm, nệm êm, miếng ngon vật lạ. Nói chung nó biểu hiện sự tương phản giữa hai thái cực, giữa hai thế giới chỉ cách nhau một cái chớp mắt của giấc kê vàng.
Có tiếng lầm bầm trong cổ họng khiến Thái đứng dậy nhìn vào trong nhà. Chương mặc quần đùi, ở trần, ngồi xếp chân theo lối bán già, đôi mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt miệng lẩm bẩm những tiếng mơ hồ khó hiểu. Lắng tai anh thấy những tiếng “phản bội, phản bội” lập đi lập lại nhiều lần. Rồi tiếng nghiến răng ken két lúc ấy khuôn mặt Chương đổi khác. Hàng ria rậm giật giật liên hồi và nét thù hận tràn ngập trên khuôn mặt. Thái kinh hoảng chạy vào trong nắm tay Chương lo lắng hỏi:
—Chuyện gì thế anh Chương?
Chương giật mình, khuôn mặt một thoáng trở lại bình thường rồi bình tĩnh trả lời:
—Không có gì, không có gì.
Thái yên tâm khi thấy Chương nằm xuống, quơ cây quạt trên đầu ba lô quạt lấy quạt để. Bước ra sân, anh Tấn nắm tay Thái kéo về phía hàng hiên đầu nhà và cả hai ngồi xuống trên những thanh gổ thông vuông ngắn xếp chồng lên nhau như con ngựa gỗ. Anh Tấn bảo:
—Cậu đừng lo, Chương thường có những cơn bất thường như thế. Hoàn toàn vô hại. Tôi quen Chương hơn hai mươi năm rồi và biết cả cái tật của nó. Đó là thứ kích xúc tâm lý có tính chất bệnh lý. Nhưng cũng là di truyền của gia đình. Trong dòng họ Chương mỗi thế hệ và mỗi tông chi đều có một người mang máu điên khùng. Tuy nhiên có người nặng có người nhẹ. Trường hợp Chương coi như không có gì, và tôi nghĩ rằng cái điên của Chương còn dễ thương nữa kìa. Sau này cậu sẽ thấy.
Cang nói chợt anh Tấn im bặt, liếc mắt về phía đầu nhà, cán bộ Tư Điệp đang tiến về phía hai người. Anh Tấn muốn đứng dậy chào, nhưng Thái kéo ngồi trở xuống và nói nho nhỏ, “kệ nó, chúng ta cứ tự nhiên đừng làm cho nó chú ý.” Tư Điệp đến gần hỏi:
—Hai anh không nghĩ trưa sao? Có phải tại nóng nực quá hay không. Chiều nay sẽ có một xe nước cho mỗi nhà, tha hồ mà tắm. Nếu có gì cần cứ báo cáo cho tổ trưởng, tổ trưởng sẽ phản ảnh lên ban lãnh đạo trại. Chúng tôi sẽ giải quyết.
Anh Tấn hỏi ngay:
—Thế bao giờ chúng tôi được phép viết thư về thăm nhà.
—Ngày mai chúng tôi sẽ phổ biến chính sách viết thư. Đây là nguyện vọng chính đáng của trại viên. Thư từ gia đình sẽ động viên giúp các anh mau tiến bộ trên con đường cải tạo tư tưởng. Tuy nhiên các anh chỉ mới xa gia đình non một tuần mà đã sốt ruột như thế trong khi chúng tôi có người hơn hai mươi năm không nhận được một tí tin tức gì về thân nhân của mình. Các anh phải khắc phục những khó khăn nhất thời và phần còn lại chính quyền Cách mạng sẽ lo .
Nói xong Tư Điệp bỏ đi sang nhà mười ba. Nhìn theo Tấn lẩm bẩm,"Cán bộ cộng sản như đúc một khuôn. Ai cũng có bấy nhiêu câu, bấy nhiêu chữ, nói mà không thấy ngượng miệng.” Thái không hề cảm thấy thắc mắc điều ấy vì anh nghĩ rằng nếu Cộng sản không có cái rập khuôn ấy, họ đã không chiến thắng được đối thủ của họ. Anh Tấn vổ vai Thái nói nhỏ:
—Uống cà phê không?
Thái gật đầu. Hai người vào nhà trong. Kỳ và Nghĩa Bạch đang rì rầm nói chuyện ở góc nhà. Ông Đường rít thuốc lào sòng sọc. Chương có vẻ đang ngủ. Anh Tấn moi từ đáy sacmarin ra một lon guigoz, mở nắp lấy ra một gói cà phê múc hai thìa Canh đổ vào một chiếc lon trống khác. Hai người ra đầu nhà làm một cái bếp dã chiến bằng ba hòn gạch vỡ cạnh nhà tiểu. Anh Tấn nói:
—Mình làm bếp tại đây không ai để ý.
Thái lúc ấy mới chợt nhớ ra không có củi để đun nhưng anh Tấn cười, móc trong túi một bó bao nilon đưa lên trước mặt bảo:
—Thứ này là nhiên liệu đun nấu đây. Rất nóng, không khói, không màu sắc, mùi vị. Mưu sinh thoát hiểm mà.
Chỉ trong ba phút hai người đã có hai tách cà phê. Dẹp bỏ cái bếp xong, anh Tấn và Thái đi ngược qua bên kia đường, leo lên bờ triền dốc chui vào cái nhà kho nhỏ rồi ngồi xuống uống cà phê. Sau khi bỏ hai muổng đường cát trắng, anh Tấn vừa khuấy vừa nói:
—Sau khi đường tan. Phải chờ cà phê lắng xuống mới uống được. Không có phin phải chịu uống dở vậy.
Thái bảo:
—Anh chắc ghiền cà phê nặng. Tôi khi lên đường cải tạo, tôi nghĩ mình bỏ hết. Chỉ còn thuốc lá, nhưng có lẽ lúc hết thuốc thì cũng bỏ luôn.
—Cậu nói nghe hay lắm, nhưng không dễ dàng như cậu tưởng đâu. Tôi cà phê thuốc lá hơn ba mươi năm rồi, biết bao lần muốn bỏ, nhưng mỗi khi muốn bỏ lại thấy hương vị nó đậm đà gấp bội. Thế rồi đâu lại vào đấy. Nhưng cậu đừng lo, lần này không ai muốn bỏ cũng phải bỏ. Uống hết lon guigoz này rồi tính.
Anh Tấn nói xong, lấy bao thuốc lá đưa Thái một điếu. Hai người vừa uống cà phê vừa nói chuyện. Anh Tấn là nhân viên ban kiểm thính A10. Suốt ngày chỉ nghe lén điện thoại của các Tòa đại sứ, các nhân vật đối lập. Công việc hàng ngày lập đi lập lại rất nhàm chán nên lúc rãnh rổi thường đánh bài do đó nợ nần lung tung.
—Lúc sập tiệm tôi còn nợ hơn một tháng lương. Nhờ cọng sản vô đây tôi khỏi phải trả, nhưng bù lại thất nghiệp và đi tù. Đúng là Tái ông thất mã.
—Gia đình anh vẫn còn ở Sàigòn hay đã về quê?
—Ở Sàigòn. Một vợ bảy con còn nhỏ, không biết tôi đi cải tạo như thế này, vợ tôi làm gì để mà sống!
Anh Tấn nói xong rồi thở dài. Khuôn mặt đăm chiêu. Thái cũng im lặng nhìn bâng quơ xuống chân đồi. Anh biết mình không có lời nói nào để an ủi bạn. Mọi lời nói cũng chỉ là sáo rỗng vì mình cũng như bao nhiêu bạn bè đang chịu chung một đại nạn. Phía sau lưng ai cũng như nhau mà trước mặt lại cùng chia xẻ một khoảng trống vô định chan hòa những phẩn nộ, nghi hoặc, chán chường, tuyệt vọng. Nói chung là rất tiêu cực.
Hai đầu nhà bên cạnh có tiếng ồn ào rồi một đám người đổ ra phía citern nước. Anh Tấn và Thái đứng dậy bước xuống con đường nhỏ trước nhà kho. Thái thấy Bửu Uy, Lâm, Vinh những người bạn cùng ban trong đám người đang tranh nhau múc nước citern tắm. Người nào cũng trần trùng trục.
—Thật giống một trại lính.
Anh Tấn nói rồi đưa tay chỉ những dãy nhà xa xa. Từng toán người ra đầu nhà dành nhau múc nước xối. Tháng sáu trời còn nóng lắm. Thái cũng cảm thấy thèm được tắm như bạn bè anh. Anh chạy về gian giữa lấy khăn và rủ anh Tấn cùng tắm.
Sau khi tắm xong, Thái hỏi Bửu Uy đang mặc quần áo:
—Mày ở gian bên có thấy ai quen trong ban mình không?
—Cả nguyên sở của mình trong này. Gian nhà 10a có cả Đặc ủy trưởng nữa kìa!
—Đặc Ủy trưởng đi di tản rồi mà?
Bửu Uy cười:
—Tao nói là Nguyễn Phác Lộc, đặc ủy phó lên làm đặc ủy trưởng trong giờ chót sau khi Nguyễn Khắc Bình dông mất.
—À, ông Lộc viết Tử Vi Hàm Số. Viết hay như thế mà cũng không biết được ngày hôm nay.
Bửu Uy chép miệng nói như than:
—Dù có biết được, mấy ai tránh được số mạng.
Thái không nói gì nửa. Nhưng trong tâm hồn anh thoáng dấy lên niềm chán chường. Một thứ tiêu cực trong muôn vàn cái tiêu cực do những thất vọng chồng chất. Đó là những thắc mắc trong đời anh không được giải đáp thỏa đáng. Từ khi bước vào đời, anh cứ bước dẫm lên những thất vọng mà đi. Lắm khi anh muốn dừng lại nhưng không được vì nếu dừng anh nào tồn tại được trong cái xã hội mà gia đình anh muốn anh vươn lên.
Nguyễn Phác Lộc, một trong những thần tượng của nhiều người trong sở. Học vấn uyên bác, tài năng được thừa nhận không kém Khổng Minh, Chu Du ngày xưa. Thứ tài năng trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý của một quân sư có tài an bang tế thế. Năm 1970 đậu thủ khoa khoá Tham Mưu Cao Cấp với số điểm tuyệt đối. Làm việc trong môi trường tình báo với khả năng như thế thì như cá gặp nước. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Đất nước càng ngày càng lụn bại. Cả hai bình diện quân sự cũng như chính trị lần lượt thảm bại. Tiếng nói của Việt Nam Cọng Hòa trên trường quốc tế chỉ là tiếng nói cô đơn không có cả tiếng vang. Đâu đấy trên mặt báo chí cũng có khá nhiều quân sư trong khi đất nước đang vào thế dầu sôi lửa bỏng. Như Vũ Tài Lục chẳng hạn. Cũng là quân sư cho Nguyễn Cao Kỳ. Tăm tiếng không kém Nguyễn Phác Lộc. Về tử vi đẩu số thì nhắc tới ai cũng suýt soa là người giải đoán thần sầu. Viết sách tỏ ra khả năng thông kim bác cổ. Nhưng bài toán quốc gia thì không ai giải ra nổi. Nhắc đến họ Thái nhiều khi cảm tưởng như nghe chuyện đời xưa xa lơ xa lắc. Họ là những nhân vật trong chuyện Phong Thần, Tam Quốc, là “bầy hạc gổ trong ngôi miếu cổ” chỉ xứng đáng nhận hoa quả hương đèn.
Thái ra ngồi trên thanh gổ vuông trước sân. Chung quanh anh tiếng ồn ào không ngớt. Năm ngày đã trôi qua, mọi người như quen với môi trường sống mới. Ai ai cũng cảm thấy tự nhiên, tự tin hơn với cái khung cảnh mà ngày mới đến đầy đe dọa. Họ cũng như anh phần nào bớt cảm thấy cõi lòng trĩu nặng lo âu. Các cán bộ Cộng sản có vẻ cởi mở, thân thiện. Có người còn bảo, “Các anh phản bội tổ quốc là chuyện chẳng đặng đừng, nếu tôi ở miền Nam thì cũng như các anh mà thôi.” Một số người thường lấy câu nói đó mà nói với nhau như để minh chứng rằng cái thực tại trước mắt không có gì đáng lo cả. Rồi đâu cũng vào đấy. Ba mươi ngày sẽ qua đi và sau đó là đoàn tụ gia đình, dựng xây đất nước như các chính trị viên, cán bộ Cộng sản thường bảo.
Chiều bắt đầu xuống. Những tia nắng cuối như sáng chói hơn. Cả một vạt nắng vàng hắt lên cuối hai dãy nhà ba gian tạo nên hai khoảng sáng tối đậm nét. Từ hai dãy nhà đó, không ngớt những tiếng ồn ào lắm lúc thấy vui tai. Nội quy tuy đã học nhưng áp dụng lõng lẻo. Trại viên đi lại các nhà dễ dàng hơn, thăm hỏi nhau và cuối cùng như ai cũng hiểu được là trại cải tạo Long Thành này có khoảng hơn hai nghìn trại viên, là thành phần đầu nảo của chế độ cũ. Bốn khối một, hai, ba, bốn được cán bộ Cộng sản tiêu biểu đáng giá thành phần: Phản động, nguy hiểm, nợ máu nhân dân.
Khối một Hành Chánh trung ương là thành phần phản động nhưng không nguy hiểm. Khối hai Đảng phái như Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt, Nhân Xã, Hưng Quốc, Dân Chủ, Cao Đài, Hòa Hảo... là phản động và nguy hiễm. Khối ba Tình báo và khối bốn Cảnh sát có đủ ba yếu tố: Phản động, nguy hiểm và nợ máu với nhân dân. Ngoài bốn khối chính ra còn khối thứ năm mà cán bộ thường gọi là khối nữ. Khoảng tám mươi phụ nữ mà hai phần ba là nhân viên phủ Trung ương tình báo. Còn lại là viên chức hành chánh Cao cấp và đảng phái phản động. Nghe nói đâu đa số những viên chức hành chánh Cao cấp phụ nữ này là luật sư và chánh án các tòa án quân sự dính líu ít nhiều vào các buổi xử án cộng sản trước kia.
Tất cả những đáng giá của Cán bộ Cộng sản được mọi trại viên xem như chuyện tất nhiên. “Từ sau ba mươi tháng tư không phải chỉ những trại viên của trại cải tạo Long Thành mà toàn miền Nam Việt nam này ai ai cũng thay đổi cả. Không những ngôn từ thay đổi, mà cách ăm mặc, cư xữ cũng phải thay đổi cho thích ứng với cuộc đổi đời. Đánh giá toàn miền đất mới được giãi phóng là quyền của kẻ chiến thắng, còn bổn phận của kẻ chiến bại là thi hành. Bao nhiêu ngôn từ khoác cho người miền Nam thì người miền Nam nhận lấy không khác chi bộ quần áo bà ba thay cho chiếc áo dài. Đôi dép lốp cách mạng thay cho đôi giầy tư sản. Còn chuyện tiếp nối, lịch sử trả lời sau này.” Ông Đường chua chát bảo như thế. Ông nói tiếp:
—Tôi hiểu người Cộng sản như lòng bàn tay mình. Tôi đã sống với họ khá lâu và gia đình tôi đã trả giá bằng xương máu để có thể hiểu được họ.
—Ông hiểu họ như thế nào?

—Những điều gì họ nói, cậu nên hiểu ngược lại. Điều này thời gian sẽ cho cậu biết lời tôi nói đúng hay sai. Ông Đường nói xong lấy ống thuốc lào rít một hơi. Khói bay mù mịt. Thái ra hàng hiên chia cơm chiều thì đèn trong phòng bật sáng.
Tổ trưởng Bạch văn Nghĩa đi lấy cơm về bảo có một xe dụng cụ lao động chở về ban chiều. Nhà trưởng Ca bảo:
—Dĩ nhiên cải tạo tư tưỡng phải kết hợp với lao động. Lao động là vinh quang mà.
Không thấy ai trả lời hắn đi về gian nhà đầu. Thái bưng bát cơm và tô Canh bí đỏ ra hàng hiên ngồi ăn. Cơm canh nhạt thếch, anh chẳng buồn lấy chiếc lon guigoz mắm ruốc kho thịt mà Hạnh kho hôm anh lên đường đi cải tạo. Một chút ngậm ngùi khi anh nghĩ đến Hạnh. Thái xua hình ảnh Hạnh ra khỏi tâm trí. Vướng bận tình cảm làm gì trong một môi trường vô định này nhỉ. Anh nhìn về phía đầu nhà Tuệ đang ngồi ăn cơm với Nhượng và Ba. Ba người đang vừa ăn vừa nói chuyện có vẻ hăng hái sôi nổi lắm.
—Ăn cơm có vô không mà thừ người như vậy.
Chương hỏi và ngồi xuống bên cạnh Thái. Đưa cho anh chiếc lon guigoz đựng thịt chà bông, Chương bảo:
—Cậu lấy thịt này ăn thêm cho khỏi lạt. Nhà bếp cho chúng ta ăn chay.
Thái cám ơn và nhón tay lấy một nhúm thịt trắng như bông bỏ vào bát cơm. Anh nói đùa với Chương:
—Ngày mai chúng ta lên lớp. Anh Chương có chuẩn bị câu hỏi nào chưa?
Chương lắc đầu im lặng một chốc rồi nói:
—Chắc chắn “Ba dòng thác cách mạng” là bài đầu tiên. Nghe đâu chúng ta chỉ học có bảy bài. Tuy nhiên cán bộ giảng bài từ Trung ương đưa vào.
—Đúng thế, tôi nghe có cả Hoài Thanh nữa. Không lẽ ông ta giảng về Thi nhân Việt Nam sao?
—Hoài Thanh bây giờ nào phải là Hoài Thanh của thời tiền chiến. Cậu đừng ngây thơ.
Thái cười lấy chiếc lon guigoz nước trà uống một hơi. Anh hỏi cho có chuyện chứ anh cũng hiểu Hoài Thanh, Uy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư nào phải là những nhà thơ của những ngày vàng son xưa cũ. Lịch sử và cách mạng thường tạo những khoảng thời gian cô lập. Những khoảng thời gian dừng lại này kèm theo những nhân vật cũng dừng lại và chết trong cái khung thời gian ấy. Ngày hôm nay lịch sử Việt nam không phải đang tạo thêm cái khung thời gian ấy nữa là gì! Anh nói với Chương ý nghĩ của mình. Chương gật đầu nói:
—Khắp nơi trên thế giới đều có những mãnh thời gian trôi giạt trong dòng lịch sử. Những Sholokhov, Maiakhovski, Pasternak ... không phải là những Nguyễn Tuân, Văn Cao, Quang Dũng là gì? Tuy họ không có những vị trí Cao trong Trung ương đảng Cộng sản, nhưng thân phận họ coi như đã chết sau khi Cộng sản nắm chính quyền. Nhân loại nhắc đến họ là nhắc đến cái khung thời gian chết ấy. Nhưng họ chết để được sống muôn đời.
Trong lúc Thái và Chương đang rửa bát Nghĩa Bạch nhắc mọi người họp tổ lúc bảy giờ. Sau khi họp tổ xong sẽ tập hát. Đúng lúc ấy có tiếng khẩu cầm từ đầu nhà. Chánh nghe bản “Cầu sông Kwai” thích thú nói:
—Thế này có hay hơn những bản nhạc sắt máu không! Không biết ai thổi harmonica vậy?
Anh Tấn trả lời:
—Nguyễn Nhượng ban E đấy mà. Thằng đó nó thổi khẩu cầm hay lắm, yêu cầu bản gì nó cũng thổi được hết. Nó còn thổi bằng mũi nữa kìa.
Bản “Cầu sông Kwai” vừa dứt, Nhượng thổi tiếp “Giòng sông xanh”. Tiếng nhạc yêm ả, dìu dặt hình như làm mọi người chú ý. Gian nhà giữa im lặng hẳn. Bản nhạc cổ điển đã đưa mọi người vào lãng quên thực tại. Bản nhạc đã chấm dứt nhưng mọi người hình như chưa chấm dứt cái khao khát tự do quá khứ.
Nghĩa Bạch lên tiếng:
—Ngày mai chúng ta lên lớp và tối nay chúng ta phải thảo luận theo yêu cầu của ban lãnh đạo trại. Các anh trong tổ chuẩn bị nhé. Đúng bãy giờ chúng ta bắt đầu.
Bên ngoài trời bắt đầu tối. Hai ngọn đèn giữa phòng sáng hẳn dần. Ánh sáng trại giam như Thái nghĩ, sáng suốt đêm để cán bộ tuần tra dể quan sát sinh hoạt trại viên.
Tổ trưởng Nghĩa bê một xấp tài liệu để trước mặt, sau đó phát cho mỗi người một tập nhỏ. Thái đưa ra ánh sáng đọc. “Đề cương học tập Chính trị cải tạo tư tưởng” có bảy bài. Quả nhiên như Chương đã nói. “Ba dòng thác cách mạng” là bài đầu tiên.”
—Chúng ta có bảy lần lên lớp nghe giảng bài. Sau mỗi bài mọi người về tổ thảo luận. Buổi thảo luận được ghi biên bản từng lời phát biểu của mỗi người. Sau đó nộp lên ban lãnh đạo để cán bộ đánh giá mức tiến bộ từng người. Sau một buổi học tập chính trị sẽ có một ngày thảo luận và một ngày lao động. Mức độ cải tạo tiến bộ được đánh giá qua quá trình phát biểu thảo luận bài học, chấp hành nội qui và lao động cải tạo bản thân mình.
Chương nói nhỏ vào tai Thái, “Có tất cả hai mươi mốt ngày học tập.” cũng khá ăn khớp thời gian một tháng.
Thái gật đầu nhưng không trả lời. Hùng ngồi cạnh tổ trưởng hí hoáy viết biên bản, thỉnh thoảng đưa tay lên cổ đập muỗi. Tất cả mọi người trong tổ im lặng nghiêm chỉnh lắng nghe Nghĩa Bạch truyền đạt nội dung buổi họp. Nói xong đến phần phát biểu ý kiến, Nghĩa Trần lên tiếng đầu tiên:
—Tôi muốn biết sau khi học tập xong bao giờ mới trở về.
—Điều này Ban lảnh đạo không nói, nhưng có một tổ trưởng của khối một đặt câu hỏi như anh. Anh Hai Côn trả lời rằng nên yên tâm, sau khi học xong ngày đoàn tụ gia đình sẽ không lâu đâu.
Thái liếc mắt sang ông Đường thấy ông đang cười nhạt tỏ ý không tin. Nghĩa Bạch nói tiếp:
—Sau đây là ý kiến phát biểu của tất cả mọi người trong tổ. Theo chiều kim đồng hồ, trước tiên là anh Tấn, rồi anh Lâm cứ tiếp tục cho đến người cuối cùng là tôi. Ban lãnh đạo trại nhắc nhở, ý kiến cụ thể không được chung chung. Và thư ký tổ phải ghi nguyên văn ý kiến từng người. Xin mời anh Tấn.
Anh Tấn hắng dọng từ tốn phát biểu:
—Theo chính sách khoan hồng độ lượng của chính quyền cách mạng đối với những kẻ lầm đường lạc lối, tôi lên đường cải tạo đến nay được năm ngày. Tuy xa gia đình nhưng tôi biết đây là thử thách và tôi luôn luôn an tâm tin tưởng vào chính sách của nhà nước cách mạng, quyết tâm học tập chính trị cải tạo tư tưởng, và thông qua lao động để sớm trở thành một công dân lương thiện của một nước Việt Nam độc lập, tự do. Những lời phát biểu đầu tiên của anh Tấn biến thành mẫu mực cho những phát biểu của những người sau. Thái cũng không ngờ rằng đó cũng là mẩu mực phát biểu cho tất cả những tù nhân chế độ cũ trong suốt quá trình cải tạo mười mấy năm sau này.
Buổi họp tổ chấm dứt tiếp theo là tập hát. Nhà mười hai của Thái chia ba gian. Mỗi gian có một quản ca. Tuệ là quản ca của gian đầu. Thạc, quản ca gian giữa và Tân quản ca gian cuối. Gian giữa có ba tổ bốn, năm và sáu. Ba mươi sáu người bắt đầu mỗi tối lúc bảy giờ rưởi được quản ca tập hát một bài. Bài hát do ban lãnh đạo trại chỉ định. Tuyệt đối không tập những bài hát chưa được cho phép, đặc biệt không được hát nhạc vàng. Loại nhạc mà nhà nước cách mạng cho là phản động, ủy mị.
Quản ca đọc lời nhạc cho mọi người chép. Sau đó tập hát từng câu rồi đến nguyên bài. Trần Bình Thạc xuất thân từ chủng viện. Nhạc lý vững vàng và tập rất nhanh tuy dòng nhạc cộng sản rất khó hát. Bản nhạc đầu tiên là bài"Chào anh giải phóng quân, mừng mùa xuân đại thắng”. Thái buồn cười khi thấy những người bạn lớn tuổi nhăn nhó hát, tuy nhiên vì là hợp ca nên khi ba mươi sáu cái miệng cất tiếng âm thanh nghe không lấy gì là chối tai lắm.
Tổ trưởng Bạch văn Nghĩa đêm hôm sau mang về cho quản ca Thạc một quyển nhạc in ronéo dày cộm hơn hai trăm bài. Nghĩa nói:
—Chúng ta phải tập hết tập nhạc này. Đây là những bản nhạc theo lời ban lãnh đạo là loại nhạc có thể giúp chúng ta tiến bộ trên con đường cải tạo bản thân. Ngoài ra ban lãnh đạo còn khuyến khích chúng ta sáng tác. Bản nhạc nào hay, cán bộ sẽ cho phép chúng ta tập hát với nhau. Vũ thành An bên khối một sáng tác được hai bản nhạc cách mạng. Chờ duyệt xong chúng ta sẽ hát hai bản nhạc đó.
Chánh lên tiếng:
—Vũ thành An làm bài Không tên cuối cùng rồi mà. Còn ráng làm bài Có tên cách mạng số một.
Chương suỵt nói nhỏ:“Cậu đừng mỉa mai, coi chừng đó!” Thái chỉ tay ra hướng cửa sổ, cán bộ Tư Điệp đang đứng lắng nghe Nghĩa nói, nhưng hình như hắn không nghe hay làm bộ không nghe những lời của Chánh nói. Hình như sau khi thấy mọi người chú ý đến mình, Tư Điệp bỏ đi về gian nhà đầu.
Ông Đường đến bên quản ca Thạc mượn tập nhạc, lật vài trang rồi nói:
—Tập hát cho hết hơn hai trăm bài này ít nhất cũng nửa năm.
Chánh nói với Thái:
—Ông cụ Đường có lý lắm, đi học tập một tháng không có gì đáng tin cả.
Không ai nói thêm lời nào, nhưng mọi người ai cũng nghĩ lời nói của Chánh không sai. Chánh cũng là người đầu tiên dám nói những lời nghi ngờ chính quyền cách mạng sau khi hứa luôn luôn an tâm tin tưởng vào chính sách khoan hồng độ lượng của nhà nước. Tuy nhiên, Chánh bạo mồm bạo miệng vì nghe đâu Chánh có người cậu làm lớn trong bộ Nội vụ. Có lần Chánh nói với Thái, ông cậu đang làm đơn bảo lãnh cho nó sớm trở về. Buổi sáng lên lớp không khí trang nghiêm lắm. Chuẩn bị từ sáng sớm, mỗi người mang một tập giấy, một cây bút. Vì nghe tổ trưởng nói buổi học có thể kéo dài hơn năm giờ đồng hồ nên một số người mang theo ống thuốc lào và nước uống. Trước khi rời buồng, tổ trưởng căn dặn là chỉ có ý kiến khi nào cán bộ cho phép. Không được tự ý phát biểu làm mất trật tự buổi học.
Đúng bảy giờ rưỡi, các tổ tập họp trước nhà. Sau khi tổ trưởng điểm danh xong báo cáo cho nhà trưởng số người tham dự, số người đau ốm không lên lớp được. Nhà trưởng ghi vào giấy và đưa cho cán bộ phụ trách. Sau đó tất cả theo sự hướng dẫn của cán bộ lên lớp.
Lớp học của trại là một hội trường rất lớn có thể chứa hơn ba nghìn người nằm phiá trái cổng ra vào trại. Hội trường mái vách đều đóng bằng tole. Có hai cửa lớn bên hông và một cửa ra vào. Bên trong trống trải. Nhìn lên trên mái, sườn của hội trường bằng sắt củ kỷ, có vẽ là một công xưởng hơn là một hội trường. Bên dưới hai hàng ghế ngồi làm bằng những cây gỗ vuông, đóng sơ sài tạm bợ. Đằng sau của hội trường là gian nhà gạch của khối hai đảng phái. Lúc đi ngang qua khối hai đang tập họp Thái thoáng thấy Thúc trong đám người đang sắp hàng chuẩn bị lên lớp. Thúc là bạn của anh, là người trong nhóm Nghiên Cứu Triết học của Đại học Văn khoa Sài gòn. Lúc Sài gòn thất thủ, Thúc đang là Giáo sư phụ giảng của Đại học Minh Đức. Thúc đi cải tạo vì anh là ủy viên trung ương đảng Nhân Xã Thiên Chúa giáo.
Tại hội trường, bạn bè có thể gặp nhau và nói chuyện mà không sợ bị phạm nội qui trại. Thái, Tuệ, Kỳ, Tân tìm chổ ngồi với nhau. Tuệ nói:
—Chút nữa kiếm Thúc nói chuyện. Nghe nói nó ở khối hai, hôm nay mới thấy.
Kỳ ra dấu im lặng khi cán bộ Tư Điệp đang đi đến chổ bốn người ngồi. Hắn chỉ lên phía trước ra dấu mọi người lên đó ngồi gần chỗ cán bộ giảng bài. Thái cùng bạn chen lấn đi dần lên trên. Cả hội trường ầm ỉ như một cái chợ. Ai cũng lợi dụng dịp này tìm bạn bè mà nói chuyện.
Tám giờ khai mạc buổi học. Hai Côn, nghe đâu là Chính ủy sư đoàn đang đứng trên bục nói chuyện. Mọi người im lặng, tiếng Hai Côn từ micro vang vang. Giọng Thanh Hóa rất khó nghe, nhưng diễn tả khá hùng biện. Nội dung không khác trong đề cương học tập chính trị cải tạo tư tưởng đã phát hôm trước bao nhiêu. Điểm đặc biệt Hai Côn thường nhắc đi nhắc lại: “Các anh các chị phải luôn luôn tự xác định vị trí của mình. Điều này rất cơ bản vì là kẻ lầm đường lạc lối, muốn trở lại trong lòng dân tộc các anh chị phải ra sức thi đua lao động cải tạo bản thân mình và lập công chuộc tội. Nay mai đây chính quyền cách mạng sẽ tạo cơ hội cho các anh làm điều đó vì dù đất nước đã hòa bình nhưng đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược. Do đó điều kiện tiên quyết để sớm đoàn tụ gia đình là lập công chuộc tội cùng thi đua lao động cải tạo.” Trong một câu nói Hai Côn nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ lập công chuộc tội. Hình như Hai Côn chuẩn bị tinh thần cho mọi người trong những ngày sắp đến.
Sau khi giảng bốn mươi lăm phút, mọi người được nghĩ giải lao mười lăm phút. Trong mười lăm phút ngắn ngủi giải lao ấy, mọi người chạy đi chạy lại tìm bạn bè nói chuyện. Khối phụ nử cũng thế. Một số người có chồng trong các khối một hai ba bốn, nhưng có lẽ nhiều nhất là khối ba tình báo vì Phủ Trung Ương tình báo ngày trước theo nguyên tắc an ninh chỉ tuyển chọn nhân viên trong vòng gia đình hoặc bà con thân thuộc. Cho nên có người gần như cả gia đình phải đi cải tạo cả. Thái thấy hai vợ chồng anh Nghĩa đang nói chuyện với nhau ở góc hội trường. Vợ anh Nghĩa là chị Mỹ hình như đang khóc. Thái nhớ những ngày làm việc chung trong ban. Chị Mỹ là thư ký văn phòng ban anh. Chị là người phụ nữ Mỹ hiền như tên của chị. Đi làm lúc nào cũng tà áo dài duyên dáng, đã làm không ít người trong sở chú ý. Tuy nhiên chị rất đứng đắn và nghiêm trang. Bây giờ phải đi sống trong môi trường tù tội, Thái thấy một chút bùi ngùi cho chị.
Tân nói:
—Nghe Nghĩa tổ trưởng đi họp bảo Chị Mỹ làm nhà trưởng bên khối phụ nữ.
Thái tiếp lời bạn:
—Có chức sắc trong tù may ra chị Mỹ đỡ cực khổ vì tao nghĩ nhưng ngày sắp tới không phải lúc nào cũng như thế này.
Buổi học tiếp tục. Hai Côn thao thao bất tuyệt với “Ba dòng thác cách mạng”, nào là sự lớn mạnh của phong trào độc lập dân tộc, sự giẩy chết của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới, và bước tiến vững chắc của chủ nghĩa xã hội. Mỗi chủ đề có dẫn chứng hẳn hoi. Bài giảng đã được soạn sẵn và hình như được thuyết trình nhiều lần. Có lẽ biết rằng đám cải tạo viên là thành phần trí thức cốt cán của chế độ cũ nên giảng viên như Hai Côn rất thận trọng trong lúc giảng bài. Tuy nhiên, bài giảng có đủ phân tích và tổng hợp thì cũng chỉ là phân tích tổng hợp một chiều. Dù cố gắng truyền đạt bằng vào tài ăn nói của mình, Hai Côn cuối cùng cũng chỉ là con vẹt tuyên tryền của chế độ Cộng sản. Càng về sau Thái càng nhận rõ được mỗi cán bộ cộng sản là một con vẹt biết nói. Mà là con vẹt thì dù cán bộ cấp Cao hay cấp thấp cũng như nhau.
Sau ba lần giải lao lớp học chấm dứt lúc mười hai giờ rưởi. Trước khi ra về Hai Côn đọc mười câu hỏi cho mọi người về tổ thảo luận. Tiếp theo là thời khóa biểu cho những ngày sắp tới. Đặc biệt Hai Côn nói rằng vì thời gian quá ít với một số lượng cải tạo viên đông đảo thế kia, không thể nào giải quyết những thắc mắc được ngay cho nên nếu ai có ý kiến cứ việc nêu ra trong buổi thảo luận tổ. Không giải quyết được Ban lãnh đạo trại sẽ giải quyết sau. Tuy nhiên trại viên phải luôn luôn xác định vị trí của mình trong lòng dân tộc mà có thái độ tốt trong việc học tập của mình.
Lúc ra về Tuệ bảo:
—Lên lớp chỉ có ích là gặp bạn bè còn bài học tao thuộc lòng từ những ngày đầu tháng năm. Bài học trong khu phố cũng thế này mà thôi không có gì mới mẻ cả.
Thái nghĩ câu nói xác định chổ đứng của mình của Hai Côn mà thầm nghĩ họ nhắc nhở đám cải tạo viên hãy nhớ lấy vị trí chiến bại của mình hơn là chổ đứng mơ hồ nào đó trong lòng dân tộc.
Buổi chiều mọi người hình như ai cũng thông tin cho nhau biết những khuôn mặt mình quen trong khi lên lớp học. Ca số cũng là các nhân vật tăm tiếng ngày trước như Chủ tịch Hạ viện Nguyễn bá Lương, Luật sư Trần văn Tuyên, Luật sư Nguyễn Lâm Sanh, Thượng nghị sĩ Nguyễn văn Uyền, Đại tá Văn văn Của, Chuẩn tướng Cảnh sát Bùi văn Nhu, Vũ Hồng Khanh, Vũ Uy Chân, Nguyễn Mạnh Nhụ, Trần Minh Tiết, Bùi Hoè Thực, Ngô Trọng Anh, Bùi Tường Huân, Huỳnh văn Cao, Bùi Xuân Bào, La Thành Nghệ...
Đúng ba giờ chiều có lệnh của Ban lãnh đạo trại, mỗi nhà cử một người đi lao động. Hùng trong tổ của Thái tình nguyện xin đi. Không biết đi đâu nhưng nhìn về phía nhà bếp, mọi người đều thấy một toán trại viên đang dựng một dãy nhà gỗ và đang lợp mái tole. Nghĩa tổ trưởng có cho biết trại đang gấp rút hoàn thành một căn tin bán nhu yếu phẩm cho trại viên.
Năm giờ, Tư Điệp xuống nhà họp các tổ trưởng. Sau đó tổ trưởng về cho họp tổ phổ biến chính sách viết thư về gia đình. Tổ trưởng nhắc nhở nguyên văn “Thể theo nguyện vọng chính đáng của trại viên và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước mà mổi trại viên được phép viết thư về thăm gia đình mỗi tháng một lần. Tuy nhiên thư phải viết với nội dung lành mạnh, có tính chất động viên gia đình an tâm tham gia lao động sản xuất phù hợp với chế độ mới xã hội chủ nghĩa và ngược lại gia đình cũng động viên chồng con của mình an tâm học tập cải tạo bản thân sớm thành người công dân lương thiện.”
Thư viết rõ ràng trên một mặt giấy. Không được dùng danh từ mơ hồ khó hiểu và đừng dán lại vì cán bộ sẽ kiểm duyệt thư trước khi gửi đi. Địa chỉ người gửi tuyệt đối không được tiết lộ, chỉ viết mã số 15NV sau đó ghi số dãy nhà và số tổ mà thôi. Cuối cùng tổ trưởng còn cho biết cán bộ Tư Điệp hết phụ trách dãy nhà mười hai và đi nhận nhiệm vụ khác. Ngày mai cán bộ Ba Kiên sẽ thay thế.
Thái lấy tấm nilon ra trãi phía dưới chiếc chiếu nilon xanh mà trại phát cho mỗi người ban chiều. Anh nhớ lời dặn của anh Tấn bảo trãi như thế ngăn ngừa được bệnh phong thấp còn ăn uống từ đây về sau phải cẩn thận vì có rất nhiều ruồi nhặng mà thời gian học tập cải tạo chưa biết bao giờ chấm dứt. Mọi lời nói của cán bộ Cộng sản đều hàm ngụ ý nghĩa nước đôi. Họ không đóng kịch vì bản chất của họ vốn như vậy. Thái nằm im lặng suy nghĩ mông lung và thiếp đi một lúc cho đến khi anh Tấn kêu thức dậy đi lãnh cơm chiều.
Thái và anh Tấn theo tổ trưởng đi xuống nhà bếp. Lúc đi ngang qua khối một, một số người đang ngồi trên hàng hiên đánh cờ tướng, đọc báo. Ba người đứng giữa sân tập thể dục và đằng góc nhà một ông lão đang đứng trong thế Phất thủ Thái cực quyền. Qua khỏi hàng rào kẻm gai ngăn cách khối một là nhà bếp. Tiếng bát đủa lanh canh trong khói củi đun mù mịt. Bước vào một phòng rộng với hai dãy bàn đóng sơ sài, trên là những chiếc xô nilon lớn đầy cơm và canh. Một cô gái đứng đầu dãy bàn nhận xô và chuyển ra đằng sau một thanh niên khác cân cơm, múc canh và nước trà. Bên trái là một cán bộ ghi nhận tên tổ. Thái đoán là cán bộ phụ trách nhà bếp, còn thanh niên và cô gái kia là người làm công được thuê từ bên ngoài.
Nhà bếp là nơi mà mọi người gặp nhau trao đổi tin tức dễ dàng. Lúc đang sắp hàng đợi đến phiên lãnh, Thái thấy Cúc, cô gái cùng làm chung sở đi cùng hai cô gái khác đến lãnh cơm. Thái đưa tay lên chào. Cúc đến gần liếc mắt không thấy ai chú ý đưa cho Thái một mẫu giấy nhỏ rồi bảo, “chị Mỹ nhờ đưa giùm cho anh Nghĩa, anh Thái có biết anh Trần trọng Nghĩa không?” Thái nhét tờ giấy vào túi áo rồi cho Cúc biết anh Nghĩa thuộc tổ của mình. Thấy Cúc có vẻ sợ mọi người biết mình nói chuyện người khác khối, Thái đưa tay chỉ đám đông lãnh cơm đang bù khú nói chuyện với nhau thoải mái chung quanh nhà bếp và nói:
—Cô Cúc đừng sợ, ai ai cũng thăm hỏi nhau rất bình thường. Miễn là mình đừng làm gì sai với nội qui trại mà thôi. Nếu chị Mỹ có gì nhắn cứ lên nhà bếp mà nhắn. Anh Nghĩa thuộc tổ 5 dảy nhà mười một A.
Ba người trở về đến tổ thì Hùng đi lao động trở về cho biết nó đi làm sáu cái buồng tắm bằng tole cho khối nữ phía đầu dãy nhà họ đang ở. Hùng ngây thơ nói:
—Tôi không hiểu tại sao đến giờ này ban lãnh đạo trại mới cho làm buồng tắm cho khối phụ nữ. Không lẽ từ hôm đến trại đến giờ họ chưa bao giờ tắm.
Ông Sáu tổ bốn cười hỏi:
—Cậu nói thế thì chẳng lẽ mỗi lần đi tắm họ phải cho cậu biết à?
Mọi người cười ồ, Hùng lúng túng nói:
—Tôi có ý nói là lúc họ tắm không dễ dàng như chúng ta, cứ cởi truồng ra tắm thoải mái.
Ông Sáu tiếp lời:
—Đi tắm có gì mà cậu cho là không dễ dàng. Cậu thử giải thích cho tôi nghe coi?
Ông Đường lên tiếng:
—Những người độc thân thường hay thắc mắc như thế. Tôi chắc chắn là cậu Thái, Kỳ cũng như Hùng mà thôi.
Hùng bực tức bưng tô cơm bước ra ngoài hàng hiên. Thái không có ý kiến rủ anh Tấn đi nấu thêm gói mì cho dễ ăn cơm. Lúc bỏ gói mì vào nước sôi, anh Tấn nói:
—Có lẽ nay mai mình phải trồng thêm rau cải ăn cho có chất khoáng. Ăn riết như thế này không khéo sẽ bị phù thủng.
—Nhưng có hạt giống đâu mà trồng?
Anh Tấn trả lời:
—Tôi có mang theo một ít hạt rau dền. Ngày mai chúng ta làm đất gieo hạt. Mình trồng như thế là chậm lắm. Lúc lên hội trường đi ngang khối hai, tôi thấy họ gieo rau muống, cải chung quanh nhà. Đã lên mầm xanh rồi. Tính ra khối hai đa số là những người lớn tuổi. Họ có kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta, nhất là kinh nghiệm sống với Cộng sản. Họ trồng tỉa không phải vì nhàn rỗi đâu. Không chừng đó là kế hoạch lâu dài của họ.
Thái không nói gì, nhưng trong thâm tâm anh cho rằng anh Tấn nói đúng. Anh cũng nhớ lại lời nói của ông Đường hôm trước, “Những gì người Cộng sản nói, chúng ta nên hiểu ngược lại.”
Anh Tấn và Thái mang tô mì về hàng hiên và rủ Chương cùng ăn. Trong lúc ăn Chương đưa tay ra đuổi ruồi liên tục và nói:
—Với số lượng ruồi ban ngày và muổi ban đêm ở đây, trước sau gì cũng có người bị dịch tả và sốt rét.
—Chúng ta cẩn thận là hơn, tuy nhiên có một trạm y tế cấp phát thuốc kia mà.
Nghe Thái nói, Chương lắc đầu:
—Cậu đừng lạc quan tếu nữa. Một số người bị cảm khai bệnh xuống trạm xá xin thuốc. Cán bộ Hùng phụ trách y tế sau khi phát cho mỗi người ba viên aspirin rồi nói, “Các anh bệnh lười biếng không lao động. Vài ngày nữa đi lao động là các anh hết bệnh mà thôi.” Mà dù bệnh gì đi nữa hắn cũng phát cho aspirin. Tôi còn nghĩ hắn cố tình cho thuốc như vậy để ai cũng nản không thèm khai bệnh nữa.
Anh Tấn nói:
—Nếu có bệnh nặng chúng ta sang khối một chữa bệnh. Các anh biết là trong trại chúng ta có hơn sáu mươi bác sĩ. Mà bác sĩ giám đốc bệnh viện trở lên đến giám đốc trong bộ y tế. Nghe nói có cả giám đốc viện Pasteur, viện Bài trừ Hoa liễu, Tổng y viện Cộng hòa nữa kìa. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là không có thuốc, nhất là loại thuốc đặc biệt như lao, sốt rét, dịch tả.
Thái im lặng không nói gì vì anh nghĩ nếu bàn tính tiếp còn bao nhiêu khó khăn chồng chất cho cuộc đời một người tù cộng sản như hằng bao nhiêu sách vở đã nói đến.
Ba người ăn cơm xong, Thái và anh Tấn lấy thuốc ra hút. Chương ngồi tỉ mỉ lau bát đủa. Thấy hai người nhìn mình Chương bảo:
—Ngày mai tôi đem ra phơi nắng, tia cực tím sẽ tiêu diệt hết tất cả vi trùng trong nửa giờ đồng hồ.
Anh Tấn chỉ vào buồng nói:
—Anh lau lẹ lên tới giờ tập hát rồi đó.
Buổi tập hát như thường lệ bắt đầu bằng bản “Chào anh giải phóng quân mừng mùa xuân đại thắng”, tiếp theo là bản “Tiến về Sàigòn”. Hát xong, Thạc trịnh trọng nói:
—Hôm nay chúng ta tập bài “Con đường mới” của Vũ Thành An. Bài này vừa mới được duyệt xong và khối một đã tập rồi, nghe cũng rất hay. Các anh lấy tập ra viết.
Có vài tiếng xì xào. Nghĩa tổ trưởng nói nhỏ vào tai Thái, “Bản nhạc rất cách mạng”. Thái lấy cây bút nguyên tử ra và bắt đầu viết. Viết xong bản nhạc ngắn ngủi của Vũ Thành An, Chánh nói:
—Rất cách mạng, rất tiến bộ tuy mới bắt đầu khóa học. Căn cứ vào bản nhạc, tác giả có thể được về sớm.
Bản nhạc bắt đầu bằng câu: “Toàn dân reo mừng chào người trai hiên ngang bộ đội...” và chấm dứt bằng câu: “Nhớ ơn cách mạng, chúng ta xin nguyện thành người dân chân chính.”
Thực tình ra nghe air nhạc Cộng sản mãi cũng chán. Thái thấy rõ ràng air nhạc của Vũ Thành An mang âm hưởng Dân vận Chiêu hồi nhưng đội lốt nhạc cách mạng nghe cũng vui tai. Khi buổi hát chấm dứt Thái nói với Tuệ ý nghĩ của mình, Tuệ bảo:
—Không phải âm hưởng Dân Vận Chiêu hồi gì cả đâu, mà là cái air nhạc miền Nam. Bấy lâu nay nghe loại nhạc cung bậc lên xuống bất thường rất khó chịu, nhạc Vũ Thành An êm tai hơn nhưng đừng vì hắn là giám đốc Dân vận Chiêu hồi Gia Định mà bảo là nhạc Dân vận Chiêu Hồi.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao