|
(Tiếp theo)
Sau buổi tập nhạc, Thái, Thạc và Cương ra giữa sân ngồi uống trà. Thạc là nhân viên cùng ban của Thái, ngày ba mươi tháng tư Thạc đang là chủ tịch ban chấp hành sinh viên Luật khoa. Đây là một ngụy thức nằm trong chiến lược từng bước nắm lại tất cả Ban Chấp hành sinh viên của các phân khoa đại học thuộc viện đại học Sài gòn. Trước năm 1970, đa số ban chấp hành sinh viên các phân khoa trong tay các sinh viên khuynh tả hoặc cộng sản nằm vùng. Quá trình giành giật lại cũng rất gian khổ. Những cuộc thanh toán đẫm máu hoặc âm thầm hoặc công khai diễn ra khắp các phân khoa đại học trong ba năm 69, 70, 71 và có những người chết rất tội nghiệp như trường hợp Lê Khắc Sinh Nhựt thuộc đại học Luật khoa. Ban A17 của Thái đã khó khăn nhưng cuối cùng đến năm 1975 cũng đã nắm hầu như toàn bộ các ban chấp hành phân khoa đại học và cắm được người làm chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài gòn.
Nghe Cương hỏi về nhiệm vụ của mình trong lúc làm chủ tịch Ban chấp hành Luật khoa Thạc lắc đầu:
—Tôi không muốn nhắc đến làm gì nữa vả lại tôi chỉ ngồi ở ghế chủ tịch hơn ba tháng. Sau đó là sập tiệm và bây giờ ngồi tù.
Thái nghĩ Thạc cũng giống như Tân, chỉ thực sự là nhân viên của Ban anh trong một thời gian ngắn ngủi và anh chợt nghĩ tại sao họ không trốn đi hoặc vượt biên hơn là trình diện cải tạo. Nhưng sau đó anh lại nghĩ một nhân viên tình báo không dễ gì thoát được mạng lưới an ninh của Cộng sản trong khi hầu như toàn bộ nhân viên đã bị bắt.
Cương chỉ tay lên bầu trời đêm lấp lánh ánh sao và nói:
—Trời đêm nay đẹp quá, không một tí mây. Giá mà mình được tự do thì còn đẹp hơn nữa.
Thạc không đồng ý bảo:
—Dù mình có ở trong tù hay ngoài tù thì trời vẫn đẹp như thường. Tôi nghĩ không ảnh hưởng gì đến hoàn cảnh chỉ có điều mình có đủ tâm trạng mà thưởng thức nó nỗi hay không! Phải không Thái?
Nghe Thạc hỏi, Thái im lặng một chốc rồi trả lời bạn:
—Thực ra khi nhìn bầu trời sao đêm nay, tôi chỉ nghĩ đến bức tranh “đêm sao” của Van Gogh. Các anh không thấy màu sắc của các chùm sao hay sao? Lấp lánh ngũ sắc, nhìn lâu thì cảm giác nó xoay tít không khác gì bầu trời đêm trong tranh Van Gogh.
Nghe Thái nói, Cương gật gù tỏ vẻ đồng ý sau đó hát nho nhỏ bài dân Ca của Pháp “Etoiles des neiges”. Thái và Thạc im lặng lắng nghe giọng hát trầm ấm của bạn. Dứt bài hát Thái nói:
—Những giây phút thế này, tôi không nghĩ mình ở trong trại cãi tạo mà nghĩ mình đang ở một thế giới khác. Ở đó không có ý niệm thời gian và quan niệm tồn tại. Nhưng nó không phải là Niết bàn hay Thiên đường. Cũng có thể nó chỉ là cái không gian ý niệm theo tôi nghĩ.
—Phải chăng là lý giới của Platon? Có méo mó nghề nghiệp chăng hở Thái?
Tuệ lên tiếng hỏi rồi ngồi xuống cạnh ba người. Đưa chén nước trà cho Tuệ, Thạc hỏi:
—Ban chiều thấy ông nói chuyện với Long, bộ ông quen với nó à?
—Quen thì không, thấy nó có cây đàn guitar nên tôi muốn hỏi mượn. Nó từ chối. Tôi không hiểu nó đàn có hay hay không nhưng cây đàn âm thanh rất tốt.
Cương nói:
—Long cùng ban với tôi. Các ông không biết nó là bậc thầy về độc tấu nhạc cổ điển. Hôm nào tôi mời nó đàn cho chúng ta nghe. Lúc này nó không đàn vì sợ phạm nội qui trại!
—Mình nghĩ nhạc không lời có gì mà vi phạm, vả lại cán bộ nào biết hết các bản nhạc miền nam. Nếu cần yêu cầu hắn chơi nhạc cổ điển mà thôi.
Thái góp ý và đưa cho Tuệ một mẫu đường tán. Trà, cà phê không thiếu vì hình như ai cũng có mang theo nhưng đồ ngọt để uống trà thì thiếu do đó trại viên khai bệnh được phát một long guigoz cháo và và bốn tán đường. Đường để dành nấu chè hoặc uống trà thay bánh kẹo. Tuệ chiêu một ngụm trà rồi hỏi Cương:
—Tôi thấy ông hay đục đẽo hoài, không biết ông định tạc tượng ai vậy, bác Hồ phải không?
Cương cười trả lời:
—Tôi khắc tên vợ tôi và một người đàn bà đã cho tôi một kỷ niệm khó quên trong những ngày Sài gòn hấp hối.
Tiếp theo bằng một giọng buồn bã Cương kể mối tình của hắn với Dora, một cô y tá Do Thái đến Sàigòn trong tháng 4 để lo công việc di tản các em cô nhi và Dora đã chết trong chuyến di tản cuối cùng vì chiếc C4 bị tai nạn ngay khi cất cánh.
Kể dứt câu chuyện, Cương bảo:
—Cái chết của Dora ám ảnh tôi suốt thời gian qua, do đó tôi không hề có ý niệm gì cái trại cải tạo này cả các ông ạ! Đêm cũng như ngày hể chợp mắt là thấy Dora. Không hiểu tại sao, có lẽ tại vì Dora quá tốt đối với tôi hay chăng? Hôm hai mươi hai tháng tư, Dora đến nhà tôi đề nghị với vợ tôi đưa cả gia đình đi di tản. Nhưng tôi không chịu.
Thạc cắt lời:
—Tại sao ông không chịu đưa gia đình đi?
—Vì tôi cảm thấy nếu nhận lời, tôi sẽ lâm vào một hoàn cảnh khó xử sau này. Thế nên tôi từ chối trong khi vợ tôi bất mãn, nhất là những ngày sau ba mươi tháng tư này.
Tuệ lên tiếng hỏi:
—Thế vợ ông có biết chuyện ông dan díu với Dora hay không?
—Biết chứ, nhưng vợ tôi học trường Pháp từ thuở bé chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương cho nên đối với việc tôi lăng nhăng bà ấy tỉnh bơ, tuy nhiên, bà ấy sẽ làm dữ nếu tôi quên bổn phận gia đình.
Đêm đã khuya, mọi người chia tay ai nấy về buồng ngủ. Qua khung cửa sổ Thái thoáng thấy bóng bộ đội đi tuần tra. Anh giăng mùng và cẩn thận tấn chặt bốn góc. Nhìn chung quanh hình như ai cũng đã ngủ. Nghe có tiếng lầm bầm Thái nhìn sang dãy giữa thì thấy Chương đang ngồi trong mùng vẫn ở tư thế bán già, miệng lẩm bẩm như nói chuyện với một người vô hình trước mặt. Chốc chốc Chương vung nắm tay ra phía trước như đe dọa ai. Chừng mười phút, Chương im lặng và trở lại trạng thái bình thường nằm xuống ngủ. Nhìn đồng hồ thì đã gần mười hai giờ. Thái trằn trọc không ngủ được. Đầu óc anh lộn xộn những hình ảnh mơ hồ. Có những lúc ý niệm về gia đình hiện ra rất rõ nét. Cha mẹ, chị em anh là cái nền của bức tranh thời cuộc. Phía trước cái nền đậm nét là những ngoệch ngoạch chấm phá không màu sắc nào rõ rệt nhưng anh nhận rõ có cả một không gian sâu thăm thẳm. Thái đã thiếp dần trong cái không gian vô cùng tận ấy.
Tám giờ sáng cán bộ Ba Kiên xuống nhà mười một. Bộ quần áo bộ đội rộng thùng thình như muốn che mất cái con người gầy ốm khẳng khiu và xanh lướt như bị thiếu ăn. Sau này Ba Kiên có giải thích cho các tổ biết căn bệnh sốt rét kinh niên mà hắn ta mắc phải trong những ngày vượt Trường Sơn. Khuôn mặt hốc hác nhưng có vẻ hiền lành, vẫn cái giọng lơ lớ pha âm Bắc Ba Kiên bảo:
—Tôi là người Long Xuyên, đi tập kết lúc mới mười sáu tuổi. Trở lại miền Nam năm hai mươi chín tuổi. Sau khi giãi phóng tôi về thăm nhà thì nhà tôi không còn ai. Tất cả đều chết vì bom đạn của Mỹ Ngụy. Tuy nhiên tôi không thù các anh đâu. Nếu có căm hận là căm hận đế quốc Mỹ, còn các anh chỉ là nạn nhân mà thôi. Tôi thay thế cán bộ Tư Điệp phụ trách nhà mười một này bắt đầu ngày hôm nay. Tuy nhiên không có gì thay đổi cả, hôm nay các anh bắt đầu thảo luận bài học và sau đó viết thư và đúng sáng mai trước khi đi lao động tôi xuống lấy và đi gửi cho các anh. Có thư đi tất có thư về để các anh yên tâm học tập cải tạo.
Nói xong Ba Kiên móc túi lấy gói thuốc Điện Biên, rút một điếu ra hút sau đó đi khắp ba gian thăm hỏi các tổ. Đám trại viên nhà mười một có một số người bu quanh Ba Kiên hỏi chuyện thân mật lắm. Nhìn quang cảnh giống như sĩ quan Cao cấp đi thăm gia đình binh sĩ trong các trại gia binh ngày trước.
Lúc ra đi tiểu ngoài nhà tắm, Thái gặp Bửu Uy. Bửu Uy cũng nói hình như tất cả các nhà đều thay thế cán bộ. Chánh đứng kế bên xen vào:
—Cán bộ nhà ông có phải cái tên lùn tịt đầu to và cái mặt giống như cái bia Việt cộng mà mình đi bắn ở Quang Trung đó không.
Bửu Uy cười gật đầu:
—Chính hắn ta, giọng rặt Nghệ An rất khó nghe và cũng rất khó chịu. Mới đến đã bắt lập danh sách trích ngang từng tổ mà loại danh sách này lập không biết mấy chục lần rồi. Bộ tính gửi danh sách đi khắp cả nước hay sao! Chánh lắc đầu nói:
—Các ông không biết đấy thôi. Cộng sản làm việc với tác phong quan liêu bàn giấy không kém chế độ phong kiến bao nhiêu. Hơn một tháng làm việc ở Khách sạn Palace tôi tiếp xúc với họ mới khám phá ra họ quê mùa lạc hậu kinh khủng. Không phải tôi ý nói cách ăn mặc của họ đâu nhé, tôi nhấn mạnh đến khía cạnh quản lý hành chánh, cách thức làm việc mà thôi. Họ không có phương pháp gì cả do đó ba cái danh sách trích ngang chắc chắn là đã vứt vào thùng rác hay cầu tiêu rồi không chừng.
Thái lắc đầu nói với Chánh:
—Ông phản động vừa phải thôi nhé. Coi chừng antenne đấy. Có nói thì dòm trước sau và nho nhỏ thôi, sao mà oang oang cái miệng.
—Tính tôi vốn vậy ông ơi. Này Bửu Uy, nghe nói có ông cụ làm lớn lắm phải không? Sao không lên đây bảo lãnh cho ông về. Hôm qua tôi thấy Nguyễn Hữu Thọ lên đây và nghe nói hứa hẹn bảo lãnh cho Luật sư Nguyễn Lâm Sanh.
Bửu Uy kéo Thái và Chánh ra xa nhà tắm và nói:
—Tôi từ ông cụ tôi từ lâu. Tôi là người Công giáo, tôi không chấp nhận vô thần mà kẻ vô thần này lại là cha của tôi. Cha của tôi có trách nhiệm gì với tôi. Ông theo Cách Mạng khi tôi chưa chào đời kia mà.
Trong lúc ba người đang nói chuyện thì một hồi kẻng vang lên. Chánh nói:
—Kẻng họp tổ thảo luận đó. Cái quả bom lép hôm qua bộ đội kéo về treo trước cổng làm kẻng. Bắt đầu từ ngày hôm nay chúng ta sống theo phản ứng có điều kiện khi nghe kẻng đánh.
Buổi họp tổ thảo luận học tập bài học chính trị cải tạo tư tưởng thứ nhất của toàn trại Long thành bắt đầu tám giờ ba mươi sáng ngày thứ tám kể từ khi Thái đặt chân đến trại. Họp tổ là hình thức cơ bản nhất trong tổ chức quản lý sinh hoạt của trại cải tạo. Nó mang tính chất dân chủ tập trung đậm nét. Từ tổ trại viên giải quyết tất cả những vướng mắc về cá nhân cả hai mặt tinh thần và vật chất. Tổ là đơn vị gia đình. Ở đó trại viên kiểm điểm, phê bình chính bản thân mình và được những trại viên khác đóng góp ý kiến xây dựng cho hoàn chỉnh những khiếm khuyết mà trại viên phạm phải. Từ tổ trại viên có thể đạo đạt nguyện vọng, ý kiến của mình qua biên bản lên ban lãnh đạo trại là cơ quan trung ương để họ có thể tùy trường hợp mà giải quyết vấn đề.
Trước khi bắt đầu buổi thảo luận, tổ trưởng Nghĩa cho biết thời biểu mới sinh hoạt toàn trại theo các hồi kẻng đánh từ sáng đến khi đi ngủ. Sau tiếng kẻng báo thức mọi người đi ngay ra sân tập thể dục dưới sự điều khiển của một trại viên do mỗi nhà đề cử ra. Trại viên đặc trách thể dục của nhà sẽ được cán bộ hướng dẫn bài tập mười hai động tác để tập lại cho trại viên toàn nhà. Không có tình trạng mạnh ai nấy tập thể dục mỗi sáng như bấy lâu nay. Và ban lãnh đạo nhấn mạnh tham gia tập thể dục cũng là một hình thức chấp hành tốt nội qui trại và ý thức học tập cải tạo bản thân mình trong quá trình quen dần với đời sống mới, xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa. Bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày cán bộ sẽ mang báo xuống cho trại viên đọc. Báo không có nhiều, do đó chuyền tay nhau mà đọc. Hôm nào không lao động hay thảo luận tổ, sẽ họp tổ đọc báo tránh tình trạng đi lang thang sang các khu khác mà vi phạm nội qui trại. Tổ trưởng nhắc nhở là bắt đầu từ hôm nay mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh tất cả những gì mà cán bộ trại nhắc nhở. Trước kia chưa học tập, những vi phạm nếu có dể dàng xí xóa cho qua, nhưng bắt đầu học tập thực sự, kẻ nào vi phạm sẽ có biện pháp chế tài và ghi vào hồ sơ học tập cải tạo của mình.
Trong lúc tổ trưởng nói chuyện, cán bộ Ba Kiên đi từng tổ quan sát sinh hoạt học tập của trại viên. Hùng tiếp tục là thư ký tổ ghi chép biên bản buổi thảo luận. Câu hỏi thứ nhất nêu lên cũng là xác định vị trí của mình trong lòng dân tộc. Mọi người trong tổ lần lượt phát biểu theo kiểu tự khai ngắn ngủi lý lịch của mình. Sau đó tự nói suy nghĩ của mình đối với chính sách khoan hồng độ lượng của Đảng và Nhà nước. Thái nhận xét chỉ có lý lịch là mỗi người mỗi khác nhưng phát biểu cảm tưởng hay trình bày quan niệm thì ai ai cũng y chang như nhau. Suy nghĩ cho cùng thì cũng hợp lý, nếu ý kiến hoặc quan điểm có khác thì ai dại gì mà đăng ký đi học tập cải tạo.
Có lẽ thấy mọi người phát biểu quá giống nhau mà Ba Kiên thấy có gì không ổn. Êm xuôi, dễ dàng quá. Mà mục tiêu của cách mạng đâu nào phải nghe thú tội như những con chiên ngoan đạo kia nên hắn đi từng tổ nhắc nhở:
—Không được phát biểu chung chung. Phải cụ thể, rõ ràng và phân tích bài học kỷ lưỡng. Nếu các anh xác định vị trí của mình trong lòng dân tộc tất các anh phải hiểu rõ kẻ thù của mình là ai và thái độ của mình đối với kẻ thù ngay từ bây giờ. Các anh phải động não vì quá trình cải tạo bản thân đòi hỏi mức độ thành khẫn trong học tập và phản tỉnh trước tội lỗi của mình.
Lời gợi ý của Ba Kiên hình như được mọi người hiểu ngay. Ai nấy từ đó đẩy ý kiến của mình lên một mức độ cao hơn. Ráng vận dụng trí nhớ và sự hiểu biết của mình mà nói nhiều hơn nữa về bản thân và kẻ thù là đế quốc Mỹ. Buổi họp do đó mà sôi nổi hơn vì khá nhiều câu chuyện thú vị được mọi người moi móc kể ra theo từng câu hỏi mà bài học yêu cầu.
Lúc nghỉ giải lao mười lăm phút, Chương và Thái bước ra sân hít thở cho đở ngột ngạt. Chương bảo:
—Cậu hiểu ý Cách mạng rồi chứ?
—Dĩ nhiên là hiểu, có gì phức tạp đâu. Chúng ta có tội thì phải tự khai tội của mình nếu cần tự nguyền rủa mình. Giống như chửi nhau vậy. Không được chửi chung chung. Chửi một đời chưa đủ, phải chửi ba bốn đời kẻ thù. Chửi đến ông Cao tằng tổ mới thôi.
Nghe Thái trả lời, Chương nói:
—Đành rằng là như vậy, nhưng những yêu cầu của cán bộ Cộng sản đóng góp không ít vào quá trình từng bước tẩy nảo chúng ta. Từ đó họ tìm ra được cái họ cần trong lúc chúng ta thảo luận. Phương pháp này có từ thời Stalin chứ không mới mẻ gì.
—Nhưng nếu chúng ta cứ theo phương pháp cù nhầy, à ơi nín thở qua sông, họ làm gì được.
Chương lắc đầu:
—Không đạt được yêu cầu, họ tiếp tục cho đến khi đạt mới thôi. Cậu đừng quên người cọng sản có thể cho kẻ thù mõi mòn vì thời gian và cuối cùng phải chịu thua họ. Chế độ Cộng sản xử dụng thời gian tuyệt diệu nhất trong các chế độ chính trị trên thế giới.
Thái toan bẻ ý kiến của Chương thì tổ trưởng gọi vào tiếp tục cuộc thảo luận. Ba dòng thác cách mạng là một đề tài khá súc tích. Đào sâu vấn đề đưa mọi người suy nghĩ làm thế nào cho quá trình phát triển phong trào độc lập dân tộc trên khắp thế giới ăn khớp với sự tiến triễn của cách mạng Việt nam từ khi đảng Cộng sản Đông Chương thành lập. Từ đó minh chứng được vai trò vĩ đại của Đảng là một tất yếu lịch sử. Bằng số vốn kiến thức của mình, các trại viên lần lượt đưa ý kiến và kết luận sự thất bại của đế quốc Mỹ tại Việt nam là tất nhiên và chiến thắng của Cộng sản mở đầu cho sự dẫy chết của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.
Phải nói là những trại viên của trại cải tạo Long thành còn đi xa hơn bước mong ước của ban lãnh đạo trại trong chuyên đề về ba dòng thác cách mạng. Cứ nhìn hàng đống biên bản của từng tổ người ta có thể nói được mức độ thành khẩn của đám ngụy quyền này. Nội dung biên bản không thiếu những phân tích xã hội, chính trị, triết học, tâm lý thậm chí có những người nhìn vấn đề qua lăng kính phân tâm xã hội học. Thái nghĩ những quan điểm và lý luận ấy có thua kém gì những bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Sự Thật, cơ quan lý luận trung ương của Đảng Cộng sản.
Buổi thảo luận chấm dứt bằng một hồi kẻng dài. Các trại viên chạy rầm rập đi lấy cơm vì đói. Phần cơm mỗi người được thêm hai mẩu thịt to bằng ngón tay để bồi dưỡng cho trại viên có thêm chất tươi mà động não để lý luận học tập cải tạo tư tưởng mình. Ông Tán tổ bảy bằng giọng Huế rặt xuýt xoa:
—Học hành mà có bồi dưỡng như rứa tuyệt thật!
Ai nghe cũng phì cười. Tổ trưởng Nghĩa nói thêm:
—Bắt đầu từ ngày mai, mỗi buổi học tập chính trị sẽ mổ một con heo cho trại viên, đồng thời nhà bếp cũng sẽ làm một chuồng heo dùng những thức ăn thừa nuôi heo để có thêm chất tươi vào những dịp đặc biệt.
Nghe Nghĩa nói thế, Chánh hỏi ngay:
—Tin chính thức hay tin hành lang vậy ông tổ trưởng.
—Tuy không chính thức nhưng cũng là chính thức vì anh Ba Kiên ngày hôm qua có nói với tôi trong khi chuyện vãng trước sân.
Lúc này mọi người im bặt. Ai nấy đều cũng cảm thấy có gì không ổn đây. Thực thế, hình như ai cũng nghĩ ngay nếu xây thêm chuồng heo thì đúng là kế hoạch lâu dài rồi. Có heo nào nuôi một tháng mà thịt được đâu. Thái nhìn thấy ông Đường đang cười mĩm như nói với anh rằng “những gì người Cộng sản nói chúng ta nên hiểu ngược lại”. Câu nói của tổ trưởng Nghĩa không biết có loan truyền qua năm dãy nhà đối diện hay không nhưng suốt hai dãy khối một cảnh sát và ba dãy khối ba tình báo ai ai cũng xì xầm bàn tán. Chung chung thì ai nấy có vẻ bi quan thay thế cho sự phấn khởi hồ hởi ngày hôm trước bằng sự hồ nghi nào đó trên từng khuôn mặt mỗi người ngày hôm nay.
Suốt buổi chiều không khí oi bức và toàn trại thật yên tĩnh vì mọi người ai nấy đều nằm dài trên chiếu viết thư. Bên ngoài lác đác vài người xách xô đi lấy nước. Ba giờ chiều một cơn giông bất ngờ kéo đến. Gió thổi mạnh hắt nước mưa qua cửa sổ vào tận chỗ nằm khiến những người nằm sát vách ngoài phải lo dọn dẹp lại chổ ngủ. Hùng là người đầu tiên sau khi dọn dẹp xong nhảy ra ngoài tắm mưa. Tiếp theo là Cương và Chánh. Cơn mưa rất lớn và kéo dài, nước tràn ra ngoài máng xối đổ xuống ào ào. Sau đó hầu như mọi người của các nhà đều chạy ra tắm mưa và la hét ầm ĩ như trẻ con.
Kể ra an ninh tình báo Cộng sản cũng tài tình thật. Sáng sớm hôm sau ngay khi tập thể dục vừa xong đã thấy cán bộ Ba Kiên xuất hiện và yêu cầu họp tổ trưởng. Cuộc họp ngắn ngủi chớp nhoáng trong mười lăm phút sau đó các tổ trưởng về cho họp tổ ngay để đính chính tin đồn trại nuôi heo cho kế hoạch học tập lâu dài.
Tổ trưởng Nghĩa chậm rãi nói:
—Cán bộ bảo rằng chúng ta nên yên tâm mà học tập cải tạo. Không nên có những suy đoán sai lệch mà ảnh hưởng đến việc học hành. Trại cải tạo Long Thành không phải chỉ lập nên để cho ngụy quyền học tập cải tạo. Trong xã hội cũ còn biết bao nhiêu thành phần cần phải cải tạo để cho quen với xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng ta học xong thì sẽ có những trại viên khác đến thay thế chúng ta. Nuôi heo là tổ chức cần thiết để cải thiện chế độ ăn uống. Chúng ta không ăn thì người khác sẽ ăn. Vả lại nhà bếp nào mà không có thức ăn dư thừa, không tận dụng sẽ phí phạm. Từ hôm nay chúng ta không nên tạo những dư luận bất lợi cho chính mình vì như thế chính chúng ta đã vi phạm nội qui trại điều thứ mười hai.
Những lời nói của tổ trưởng làm Thái cảm tưởng như thầy giáo nói với học trò vừa có ý la rầy lại vừa có ý khuyên răn. Mọi người trong tổ im lặng. Lúc tan họp Chương nói với Thái:
—Cậu phải biết, Đảng và nhà nước cho tiền ăn học, từ đây về sau phải ráng mà học hành để không phụ lòng người trên nhé.
Chương nói xong lấy bàn chải đi đánh răng, vừa lúc ấy nhà trưởng Ca đi từng gian vừa đi vừa la lớn:
—Sau khi ăn sáng xong mọi người nộp thư cho tổ trưởng và đúng tám giờ mỗi tổ cử bốn người theo tôi đi lãnh dụng cụ lao động.
Ngay khi Thái rửa xong chiếc ca nhôm, một chiếc xe vận tải chở đầy cuốc xẻng đổ xuống con đường giữa. Hai cán bộ cộng sản mặc quần áo bộ đội sắp xếp lại dụng cụ lao động cho gọn để dễ phân phối. Trại viên các nhà đứng sắp thành hàng dài sau lưng nhà trưởng chờ lãnh. Không khí có vẻ nhộn nhịp. Nhìn sang bên kia đường Thái thấy Vũ thành An cao lêu khêu đứng đầu hàng, có lẽ anh ta là nhà trưởng. Thấy ai nấy có vẻ háo hức trước đám dụng cụ lao động. Thái nghĩ ngay đến khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” của người Cộng sản. Ý nghĩa của nó không có gì xa lạ, nhưng đối với anh trước đống cuốc xẻng này nó có phần nào mới lạ. Lao động đối với lý thuyết cộng sản hàm chứa cả một quá trình biện chứng. Tự nó mang cả sự vận động lịch sử và tiến hóa loài người. Duy vật biện chứng pháp là cơ sở lý luận khoa học của học thuyết Marxisme, từ nó mà giải thích được tại sao cách mạng phát động là một tất yếu lịch sử và chứng minh ngược lại kẻ nào đi ngược lại qui luật là phản động và bị đào thãi như Thái và tất cả đám ngụy quyền đang sống trong trại cải tạo Long Thành này.
Vác hai chiếc cuốc và một chiếc xẻng, Thạc vừa đi vừa hát bài hát của Vũ Thành An, "... ngày vui đã tới, đã tới, chúng ta xây lại đời ta. Nhớ ơn Cách Mạng, chúng ta xin nguyện thành người dân chân chính.” Hát xong Thạc vứt cuốc xẻng xuống trước sân và nói:
—Ai lao động chân tay thì lo chuẩn bị mà lên đường, còn tôi lao động trí óc nên được ở nhà.
Thái hỏi ngay:
—Ông làm gì mà ở nhà.
—Tôi đi họp quản ca toàn trại. Có lẽ có thêm chính sách mới về ca hát đây.
Tổ trưởng Nghĩa yêu cầu mọi người mang theo nước uống trước khi đi lao động. Các tổ sắp hàng trước nhà, sau đó nhận dụng cụ do tổ trưởng phát cho từng người. Thái nhận một cây cuốc cán tre. Ông Đường đứng cạnh bảo:
—Sau này cậu nên đổi lấy cây cuốc cán gỗ. Tuy nó hơi nặng nhưng dễ làm cỏ hơn.
Thái gật đầu nhìn rồi nhìn chung quanh. Hôm nay cả trại ồn ào nhộn nhịp như chuẩn bị xuống đồng. Một số người còn mặc bà ba đen, đội nón tai bèo, quấn khăn rằn như đám du kích miền Nam. Có lẽ họ cho rằng hòa mình trong cái thay đổi lớn lao của toàn miền Nam này mà có thể sớm được trở về hay chăng? Cũng là một thứ mặc cảm mà đôi lúc anh thấy thật ấu trĩ cho những người chức quyền ngày trước trên đầu trên cổ nhân dân miền Nam.
Tổ trưởng nhận thư xong trước khi cùng tổ theo nhà trưởng đi lao động. Hơn một trăm người lũ lượt lên đường hướng về phía khối nữ. Đằng sau dãy nhà ngang khoảng năm mươi mét của khối phụ nữ là một hàng rào kẽm gai xiêu vẹo. Kế là khoảng đất trống chừng một mẫu tây tràn ngập cỏ dại Cao hơn đầu người. Các cán bộ phụ trách nhà cho mọi người dừng lại rồi chia từng lô cho các nhà phụ trách. Mỗi nhà chia lại cho từng tổ. Cuối cùng thì mới vỡ ra là người thì nhiều mà đất lại ít. Hơn một nghìn người mà dàn hàng ngang trước mảnh đất chiều ngang chưa đến một nghìm mét thì chổ đứng còn chưa có nói chi đến vung cuốc lên mà làm cỏ. Tuy nhiên “cái khó ló cái khôn” như người Cộng sản thường nói. Mỗi nhà chia cho tám tổ lao động, tám tổ còn lại nghỉ giải lao. Thay phiên nhau trong nửa giờ.
Thái thuộc tổ số lẻ lao động sau. Anh nhìn chung quanh, các trại viên khí thế bừng bừng. Có lẻ lao động là phương tiện cải tạo tư tưởng hữu hiệu như cán bộ Hai Côn đã giảng hôm trước trên hội trường hay lao động để đỡ tù túng chân tay. Chương chỉ tay về phía khối nữ và nói:
—Phụ nữ hôm nay khỏi đi lao động.
Nghĩa Trần chép miệng:
—Tôi mong họ đi lao động để gặp vợ tôi. Nghe đâu bà nhắn được tin về gia đình. Con gái tôi phải gửi về ngoại không biết thế nào làm tôi lo lắng vô cùng.
Tổ trưởng nghe Nghĩa Trần nói kéo Thái lùi ra phía sau nói nhỏ:
—Bây giờ Tư Điệp phụ trách dãy nhà phụ nữ. Nghe nói hắn ta thích chị Mỹ lắm. Chị bảo gì hắn cũng làm. Đám phụ nữ cần ba cái thứ vệ sinh cá nhân khi chị Mỹ yêu cầu Tư Điệp phải về tận Sàigòn tìm mua mang lên.
Thái đánh trống lãng:
—Nay mai mở căn tin tha hồ mà mua cần gì mà phải nhờ vả làm gì.
Thái nói như thế nhưng trong lòng anh nghĩ khác. Chuyện tổ trưởng vừa nói khiến anh nhớ tới thân phận của những tù binh thời đệ nhị thế chiến hay số phận của đám bạch vệ sau cách mạng tháng mười. Anh không biết rồi đây số phận đám thân nhân của những viên chức chế độ cũ như thế nào. Liệu họ có được một chổ đứng yên thân hay phải chịu bao nhục nhã thảm thương như bao sách báo mà anh đọc được trước kia.
Có tiếng la hét phía khối một đang lao động. Nhìn đám người đông đảo đang chạy như rượt con gì đấy. Có kẻ vung Cao cuốc ném về phía trước. Rồi tiếng la “Bắt mau, bắt mau”. Hùng nói:
—Chắc là thỏ hay rắn đấy. Bắt được là có thêm chất tươi. Hi vọng chút nữa đám mình gặp vài con chồn hay thỏ là số một.
Đám trại viên cải tạo vừa làm vừa nói chuyện râm rang ầm ĩ. Không khí có vẻ vui nhộn vì lao động là dịp may cho mọi người quen biết trong các khối gặp nhau trò chuyện. Những lần gặp nhau như thế này mà tin tức càng ngày càng bổ sung và cập nhật. Thái và bạn bè trong tổ biết thêm đám bác sĩ của khối một đang mở một lớp vệ sinh thường thức căn bản cho những ai muốn cải thiện sự hiểu biết về y tế của mình.
Nguyễn xuân Hoàng, trước kia là nhân viên ban tham mưu vốn là bạn thân của Thái khi hai người học Karate do một người bạn cùng sở huấn luyện đến nói với Thái:
—Bác sĩ Văn văn Của mở lớp châm cứu mày đi học không?
Thái trả lời bạn:
—Để từ từ rồi tính. Nhưng cán bộ có cho phép hay không?
Hoàng nói:
—Cán bộ đang duyệt xét những đề nghị của các bác sĩ khối một. Tuy nhiên chắc chắn là được vì đây là nhu cầu y tế cho toàn trại. Thời gian học tập có một tháng quá ngắn ngủi tao sợ không kịp nữa.
Thái nghe Hoàng lạc quan về tương lai mà cười thầm. Hóa ra nó cũng cho rằng học một tháng rồi ai về nhà nấy như một khóa học bình thường. Có thể nó còn nghĩ rằng mỗi người sẽ được cấp một chứng chỉ tốt nghiệp nữa.
Chương đến gần Hoàng hỏi:
—Ba cậu có phải đi học tập không? Hoàng gật đầu nói:
—Ông cũng đi trình diện ngày mười ba nhưng không thấy lên trại này. Có lẽ ông đã đi trại khác rồi.
Câu chuyện dở chừng thì mọi người phải vào lao động thay thế cho toán đầu ra nghỉ giải lao. Vung chiếc cuốc lên Thái vừa hỏi Chương đang cuốc bên cạnh:
—Anh quen biết ông cụ thằng Hoàng?
—Tôi có quen nhưng không thân. Ông cụ nó ai mà không biết, thẩm phán Nguyễn vạn Thọ đấy.
Nghe Chương trả lời Thái giật mình. Thì ra Nguyễn vạn Thọ là ba của Hoàng. Ông ta nổi tiếng qua xử án Cộng sản, đặc biệt luật 10/59 của tổng thống Ngô đình Diệm. Những tờ báo cộng sản hiện tại lên án gay gắt chế độ cũ thường nhắc đến Nguyễn vạn Thọ như người có nợ máu đối với họ. Thế này thì ông ta không thể nào đi học tập bình thường như đám người đang cuốc đất này được.
Chương dừng tay rồi nói với Thái:
—Chắc chắn là ông ta đang nằm ở Chí Hòa.
Thái không nói nhưng thâm tâm cũng đồng ý với Chương và anh còn nghĩ xa hơn nữa. Có thể Cộng sản đã xử ông ta rồi. Chuyện ấy rất bình thường vì bao nhiêu năm chiến tranh ân oán trùng trùng điệp điệp cho cả hai phía. Và ngày hôm nay cuộc chiến chấm dứt thì ân đền oán trả là chuyện tất nhiên. Chỉ có điều kẻ nào biết nhìn xa trông rộng thì lo cho thân phận của mình trước khi xãy ra cái kết quả ngày hôm nay. Nghĩ đến đó Thái liên tưởng ngay đến đứa em trai của anh và anh mong nó tìm ra được con đường ra đi như lời đồn đãi rằng hiện tại vẫn còn nhiều người vượt biển tìm tự do.
Đứng bên trái Thái là Tấn đang nhổ nước miếng lên tay cho đỡ trơn. Thấy Tấn đang yên lặng cắm cúi cuốc một cách thành thạo Thái hỏi:
—Anh Tấn có vẻ nhà nghề bộ ngày xưa anh đã từng cuốc đất?
Tấn dừng cuốc cười và trả lời một cách triết lý:
—Người Việt Nam nào mà không biết cầm cuốc. Văn hóa nông nghiệp ăn sâu trong xương tủy của mỗi người. Mới cầm cây cuốc thì thấy xa lạ, nhưng chừng vài phút lại thấy thân quen như gặp lại người thân của mình và từ đó mới thấm thía câu châm ngôn cách mạng “Lao động là vinh quang".
Nghe Tấn nói mọi người đều cười, Kỳ thêm vào:
—Cầm cuốc là trở về cội nguồn dân tộc đấy hỡi những đứa con lầm đường lạc lối!
Nhà trưởng Ca đến gần hỏi:
—Chuyện gì mà vui thế. Có bắt được con thỏ nào không? Bên khối một bắt được một con thỏ rừng nặng đến ba ký lô đấy.
Hùng nói:
—Không có con nào, đang hi vọng đây. Anh Ca có biết bao giờ mở căn tin không, ăn muối mãi chán quá.
—Chiều nay căn tin mở cửa. Mọi người sẽ có hủ tiếu cà phê thuốc lá chỉ sợ không có tiền mà thôi.
Nghe Ca nói như thế ai ai cũng mừng vì cái thói quen nào đó của từng người được hồi tưởng lại. Chánh hỏi:
—Ai nấu hủ tiếu mà ăn, trại cải tạo làm gì mà tiện nghi như vậy?
Ca lắc đầu nghiêm mặt nói:
—Các anh không kiên định lập trường. Phải tin tưởng vào chính sách của Cách mạng chứ. Ban lãnh đạo lo cho chúng ta đầy đủ. Căn tin mở ra là do đấu thầu bên ngoài. Tuy nhiên khởi đầu do ý kiến của thiếu tá Cầu bên khối bốn cảnh sát. Anh Cầu đề nghị với ban lãnh đạo cho em anh ta thầu căn tin. Căn tin mở ra phục vụ cho toàn trại chứ không phải riêng chi cho chúng ta mà thôi.
Bửu đằng xa dừng cuốc nói thêm vào:
—Tôi lạ gì thiếu tá Cầu bên Cảnh sát. Hắn là người Tàu đấy. Đấu thầu căn tin là nghề của hắn. Bao nhiêu câu lạc bộ của bộ tư lệnh cảnh sát cũng của hắn đấy. Người Tàu làm ăn hay thật chổ nào họ cũng đi qua được!
Nghe Bửu nói xong, Ca xuống giọng nói:
—Các anh không biết rằng trong lúc mình ở đây, thằng Cầu về Sàigòn đều đều đấy.
Thấy ai cũng có vẻ thắc mắc Ca đắc chí nói tiếp:
—Nó với tôi học chung Chasse Loup Laubat từ nhỏ. Ngày hôm qua đi họp nó nói với tôi nó phải về Sàigòn mua sắm đồ cho căn tin.
Thấy mọi người chú ý nghe, Ca xuống giọng nói:
—Thôi mọi người nên tiếp tục lao động, chiều nay căn tin mở cửa chúng ta sẽ mua đủ các thứ nhu yếu phẩm cần dùng.
Thái cúi xuống cuốc bật tung bụi Chương xỉ rồi dùng sống cuốc gạt sang bên. Anh im lặng cuốc lia lịa như đang giận dữ một người vô hình nào đó. Tấn dừng cuốc đứng nhìn không nói gì.
Ánh nắng mỗi lúc chói chan và dữ tợn hơn. Bên tai Thái dường như không còn tiếng nói dù nó vẫn râm ran không ngớt. Anh như đi vào một thế giới khác hết sức tỉnh lặng và không có sức sống vì tất cả đều dừng lại. Đầu óc anh trống rổng và đôi tay anh điều khiển chiếc cuốc lên xuống đều đặn như máy móc. Anh trả lời ngay, “Không có gì” khi anh Tấn hỏi “bộ điên sao?”.
Tiếng kẻng chấm dứt lao động vang lên đúng mười hai giờ. Mọi người tập trung dụng cụ rồi quay trở về nhà. Ai nấy ướt đẫm mồ hôi. Thái và anh Tấn chờ rửa tay ở chiếc citerne nước ở đầu nhà. Anh Tấn vổ vai Thái hỏi:
—Thế nào có thấy mệt không?
Thái không trả lời mà đưa bàn tay cho anh Tấn xem. Giữa lòng bàn tay ba đốm phỏng dộp.
—Cố gắng làm gì, chổ phỏng đừng để nó bể ra. Chút nửa lấy kem đánh răng bôi lên. Thế là chiều nay cậu đừng hòng cuốc nữa.
Lúc quay vào nhà Thái nằm lăn trên chiếc chiếu nilon. Anh thở dài và bắt đầu cảm thấy ê ẩm. Bên ngoài tiếng gà mên vang lên leng keng trong giờ chia cơm. Anh lấy thuốc ra hút rồi nghĩ đến những ngày sắp đến. Trong trí anh những khó khăn chồng chất đến ghê sợ, vì anh chỉ nghĩ đến tù tội như cha anh thường nói những ngày trước khi anh đi cải tạo. Phải luôn luôn thực tế và cảnh giác. Thái thường tự bảo mình như thế vì anh biết mình hay lãng mạn. Cuộc đời hai mươi bốn năm của anh không từng chứng minh cái lãng mạn vô bổ mà bạn bè thường cho là đẹp kia mà!
Tấn và Chương ló đầu khỏi khung cửa sổ gọi Thái ra ăn cơm. Cơm và canh bí đỏ, có một chút cá cho ngày lao động để cải thiện. Rất có ý nghĩa. Cái gì cũng có ý nghĩa cả, chỉ có đầu óc chúng ta vô nghĩa mà thôi. Chương bảo như thế. Thái không nghĩ vậy. Anh cho rằng cái đầu của nhân dân miền Nam khác với cái đầu của người Cộng sản. Và đó là ý nghĩa của câu nói một cuộc đổi đời mà cán bộ Cộng sản thường nói. Hình như khôi hài và mỉa mai hơn với câu nói của ông Đường. Hãy hiểu ngược lại là mánh lới vận dụng hay là bản chất của chế độ. Là cái cốt lỏi hình thành văn hóa hay chỉ là mưu mô chước quỉ của hai phe đấu tranh một mất một còn. Dù gì chăng nữa thì cũng đã có phe thắng phe thua. Suy nghĩ, lý luận làm gì cho mệt xác. Anh Tấn bảo trong khi thu dọn gà mên, lon guigoz đem ra sàn nước rửa. Chương quay lại nói với Thái:
—Cậu không nên phức tạp làm gì cho mệt óc.
Thái thừa nhận Chương nói không sai. Cái đầu của anh vốn lung tung từ thuở bé. Có lẽ do hoàn cảnh tạo nên. Cả một quá khứ chằng chịt rối nùi trong con người anh và bắt đầu một hành động là một câu hỏi cho Thái. Câu này nối tiếp câu kia, vấn đề này bao trùm vấn đề nọ và cái gì cũng có thể là nan đề cho anh cả. Anh muốn mình đơn giản lắm nhưng không bao giờ được cả. Những bài học Thiền định hoặc Yoga không giúp ích gì cho anh được vì anh không tập trung được đầu óc hoặc tư tưởng. Anh cố gắng buông xả như một số bạn bè thường khuyên nhưng không làm sao giữ được một phút giây yên ổn tâm hồn. Thái đập tay lên trán thật mạnh rồi đi vào nhà.
Nghĩa tổ trưởng đang ngồi hát một mình bản nhạc Cách Mạng mùa Thu. Bên trái chổ anh nằm, Chánh cũng đang hát nho nhỏ một bản tình Ca. Phía cửa thông hai buồng, Cương đang dạy tiếng Pháp cho Tánh thuộc toán bảo vệ yếu nhân trước kia. Đối diện chỗ anh nằm tận cùng trong vách, đám cải tạo viên toán năm, toán ba đang chúi đầu xem đánh cờ tướng.
Thạc bước vào phòng đến bên Thái đưa chiếc lon sữa bò không lên khoe:
—Thạnh mới cho một con dế than. Chiều nay có việc làm rồi. Sẽ đem đá với dế của Nhượng. Tao thấy ban trưa nó bắt được ba con.
Thái nhìn con dế than to chạy lòng vòng trên những lá cỏ xanh thầm nghĩ đến những con dế của thời thơ ấu. Anh gật đầu và bảo với Thạc:
—Có lý lắm, chiều nay tao sẽ kiếm vài con đá chơi.
Buổi chiều không khí lao động chìm xuống vì trời nắng gắt. Mọi người uể oải với chiếc cuốc chiếc cào cỏ trên tay.
Đám người ngồi nghỉ không buồn nói chuyện hai tay quạt lia lịa cho bớt oi bức. Các cán bộ ban đầu còn nói chuyện ra vẻ động viên mọi người sau nửa giờ cũng tìm chỗ mát mà tránh cái nắng tháng sáu, chỉ có đám nhà trưởng là còn năng nỗ đi đi lại lại khua tay khua chân cho đở buồn. Thái lật hai hòn đá bắt được một con dế than bỏ vào chiếc lon đồ hộp quân tiếp vụ rồi bứt vài ngọn cỏ non phủ lên trên. Anh làm những động tác của ngày còn bé và tin rằng con dế này sẽ có cỏ để ăn và có nước uống bằng chiếc nút phéng chai bia anh đong đầy khi trở về buồng.
Giờ giải lao giữa buổi kéo dài hơn qui định vì ai nấy như quên nghĩa vụ lao động là vinh quang để trở lại làm việc. Tổ trưởng Nghĩa cùng Hùng khiêng một xô lớn nước trà tươi cho mọi người. Anh Tấn uống xong múc một Ca đưa cho Thái. Thái chuyển chiếc Ca nhôm quân đội cho Chương. Chè tươi nóng làm mọi người vã mồ hôi nhưng ai nấy cảm thấy như mát mẻ hơn khi có cơn gió thoảng qua.
Có tiếng la hét phía khối một. Nghĩa tổ trưởng nói, “lại thêm một con thỏ bị nạn.” Hùng tò mò chạy về phía đám đông đằng xa rồi chạy trở về báo tin."Không phải thỏ, mà một con rắn hổ hành thật to.” Ông Sáu bảo, “Hổ hành nấu cháo đậu xanh thật tuyệt phải không ông Tán.
Trần tiễn Tán, Giám đốc trị sự nhật báo Quật Cường là một người thấp, đẫy đà. Nhìn khuôn mặt người ta dễ nghĩ ngay đến ông địa trong đội múa lân. Giọng Huế rặt, ông gật đầu và nói:
—Rắn là thức ăn có nhiều dược tính, đặc biệt cường Chương bổ thận. Ba con rắn tần thuốc bắc có thể làm một người sáu mươi trở lại tuổi thanh xuân.
Anh Ẩn tiếp lời:
—Sau tuổi thanh xuân, người ăn ba con rắn của ông xuống lỗ mau hơn vì trác táng phải không ông Tán?
Mọi người cười ồ. Ông Tán không trả lời mà đứng dậy quơ chiến cuốc bước ra hiện trường vì bóng cán bộ Ba Kiên từ xa đang ra dấu mọi người tiếp tục lao động.
Trả dụng cụ lao động xong Thái thấy mọi người như tranh nhau chạy về phía nhà bếp. Anh thầm nghĩ đến căn tin mở cửa. Nhưng khi về đến gần dãy nhà mình ở Thái thấy một đoàn xe đang từ cổng chạy vào. Có ba chiếc xe du lịch màu đen. Chiếc đầu tiên dừng lại ở dãy nhà đầu của khối hai đảng phái. Ba người mặc thường phục xuống xe và đi vào trong nhà. Từ xa Thái không rõ mặt nhưng anh biết có lẽ là cán bộ Cao cấp cọng sản. Quần kaki bộ đội áo trắng bỏ ngoài quần mang săng đan Cao su trong thường là cán bộ của thành ủy nhưng anh không rõ họ là ai. Lúc ra đầu nhà tắm rửa anh kể với Chương thì Chương bảo:
—Hình như là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nghe đâu lên đây thăm ông bạn cũ là Nguyễn Lâm Sanh. Nguyễn Lâm Sanh có công nuôi đám con của ông ta lúc ông ta ra bưng. Điều khôi hài là lúc Nguyễn Hữu Thọ về thành thì đám con đã đi di tản sang Mỹ.
—Nguyễn Lâm Sanh là thư ký của Liên Minh Á Châu chống cộng đã đạo diễn cái màn cha về con đã ra đi chứ gì?
—Thực ra không phải như thế. Cây cỏ súc vật còn sống theo môi trường huống chi con người. Biết bao nhiêu người ra đi chọn cho mình một đất sống có bà con hoặc cha mẹ theo cộng sản. Mà theo tôi nghĩ họ hành động như thế đúng hơn là ở lại để bi kịch xãy ra như trường hợp Bửu Uy của chúng ta.
—Tôi nghĩ trong chúng ta có nhiều người cũng ở vào hoàn cảnh như Bửu Uy. Lúc tập kết ra Bắc gần nửa triệu người miền Nam làm sao tránh khỏi được sự dị biệt quan điểm trong hơn hai mươi năm đất nước bị chia cắt.
—Đây cũng là một vấn đề lớn của đảng Cộng sản. Không hiểu họ phải giải quyết như thế nào? Từ năm 1954 đến 1956 cũng đã xãy ra trong thời gian cải cách ruộng đất và đã làm cho đảng mất đi một số lượng lớn đảng viên.
Chương nói xong rủ Thái về buồng đi xuống căn tin mới mở. Hai người gặp Tấn và Nghĩa Trần cũng đang chuẩn bị đi xuống phía nhà bếp thì thấy cán bộ Ba Kiên đi về phía đầu nhà. Lúc ấy họ thấy nhà trưởng Ca chạy ra nói chuyện với anh ta. Khuôn mặt Ca có vẽ vui vẻ hể hả lắm.
Thái nói với Chương tìm Tuệđể gọi hắn đi luôn thì Hùng bước vào vừa ngồi xuống vừa nói:
—Căn tin bán đủ thứ các ông ạ, có cả hủ tiếu và cà phê thuốc lá. Có tiền thì cũng chẳng khác chi mình ở Sàigòn. Tôi vừa uống cà phê xong. Anh Chương và anh Thái chiều nay đừng thèm ăn cơm, đi ăn hủ tiếu đi. Mà chưa chắc có chỗ để ngồi, đám khối một và khối bốn chiếm hết chỗ rồi.
—Tính ra có tiền và có địa vị không khối một và khối bốn còn ai vào đây nữa! Tôi nghe nói khối một có người mang bạc triệu đi cải tạo.
Bửu ngồi trên chiếu đang lau gà mên chuẩn bị cơm chiều xen vào. Hùng tiếp lời:
—Các anh biết không, có một bà ở khối hai đảng phái nghe đâu lúc đi học tập mang theo một cô người ở.
Bửu trợn mắt nói:
—Có thật không đây hay chỉ là chuyện vui cười?
—Thật một trăm phần trăm vì tôi có ông chú đang ở khối hai. Ông trình diện cùng ngày với cái bà mập mập mà mỗi sáng chúng ta thường thấy xách cái xô nước màu xanh đi về phía khối hai. Cán bộ hỏi bà mang theo cô người ở làm gì thì bà ấy bảo cô ta là cháu đi theo để mang mùng chiếu gối vì bà ta bị bệnh phong thấp không mang nặng được. Bà ta mang theo cả chăn và nệm. Lúc trình diện ở trường Don Bosco cô người làm phải gánh chăn màn cho bà ta. Có cả chiếc gối ôm dài, khi cán bộ yêu cầu bỏ lại thì bà ta nói thiếu cái gối ôm bà không ngủ được.
Thái thấy buồn cười trong khi Chương nói:
—Đảng nào mà có loại đảng viên này thật hiếm có. Nhưng cô người ở chắc chắn không được vinh dự đi theo phục vụ cho bà ta.
—Dĩ nhiên, nhưng bây giờ có lẽ bà ta cũng đã quen với cuộc sống này rồi. Bà là người duy nhất còn ở chung với đám đàn ông khối hai đảng phái mà không xuống khu nữ.
Thái lắc đầu sau khi nghe xong câu chuyện Hùng kể. Anh và Chương đi về phía đầu nhà thì Tuệ cũng vừa cuốn chiếc chiếu vào vách.
Dọc đường xuống căn tin người các khối tuôn ra như đi trẩy hội. Gần ba nghìn người trong cái không gian chưa đến một cây số vuông thì không khác gì người đi hội chợ. Chỉ khác là đa số mặc quần áo bà ba. Tuệ nói:
—Ba Kiên có bảo nay mai sẽ có thư. Tình hình này có lẽ chúng ta ở lâu dài rồi.
—Không những thư từ liên lạc mà mỗi người sẽ được hai bộ quần áo. Tôi nghe đồn như thế.
Nghe Thái nói như thế Chương bảo:
—Các cậu phải bình tĩnh mà chấp nhận cũng như chịu đựng mọi điều xãy ra với mình. Vào đây là phải luôn tâm niệm điều đó. Thử hỏi người Cộng sản mà giản dị như thế thì làm gì có hằng bao nhiêu sách vở viết về họ. Mà các cậu nhớ rằng viết để chống lại họ chứ không phải viết để ca tụng họ đâu. Tôi còn cho là viết như thế chưa phải là đã nói được hết về họ và hiểu được họ một trăm phần trăm.
Thái im lặng không nói thêm nhưng anh hiểu rằng Chương nói đúng. Chính anh và các bạn đang chịu một quá trình thử thách để hiểu người cộng sản là gì và minh chứng được tất cả những sách vở đã viết về cộng sản đúng hay sai? Cộng sản thực sự tồn tại từ cách mạng tháng mười 1917 cho đến nay có phải là ngọn roi trừng phạt của Thiên chúa dành cho loài người sau khi họ bắt đầu phủ nhận cái cao quí của con người mà Thiên chúa tạo cho.
(Còn tiếp)
|
|