TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Chương Hai

Bảy bài học chấm dứt trong hai tuần lể cho thấy một giai đoạn học tập chính trị cải tạo tư tưởng đã trôi qua. Đa số cải tạo viên phấn khởi ra mặt. Họ cho là ngày về đoàn tụ với gia đình không còn xa xăm nữa vì tính ra mọi người đã vào trại hai mươi mốt ngày rồi. Dù gì thì cũng không hơn mười ngày nữa là đúng hẹn như các bản thông cáo của ủy ban quân quản đăng tải và kêu gọi trên báo chí cũng như đài phát thanh.

Các khối tập họp lên hội trường lần chót như các cán bộ phụ trách nhà cho biết. Tính ra ngoài Hai Côn có hơn năm giảng viên từ trung ương vào phụ trách giảng bài cho đám ngụy quyền cao cấp nhất của chế độ Sàigòn. Hoài Thanh là người phụ trách nhiều buổi nhất. Thường mỗi buổi giảng ông ta đều uống bia thay vì nước giải khát bình thường. Nhìn khuôn mặt hồng hào tuy hơi gầy ốm phải nói là Hoài Thanh đẹp lão. Hào quang quá khứ của ông ta làm cho đa số đám người chế độ cũ này có phần kính nể. Nói đến Thi Nhân Việt Nam làm mọi người nhớ đến Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và nhiều tác giả khác của thời tiền chiến. Một số người thuộc khối một đã lên tiếng hỏi Hoài Thanh sao không thấy ai trong số họ tham dự trong dịp giải phóng miền Nam. Sau khi uống một hớp bia con cọp ướp lạnh ông ta trả lời:

—Các đồng chí ấy bận công tác ở trung ương không có vào nam vào dịp này. Tuy nhiên họ vẫn làm thơ viết báo như ngày xưa. Thỉnh thoảng trên báo nhân dân có bài của họ. Nhưng các anh phải đọc tạp chí Văn Nghệ của hội Nhà Văn nếu muốn biết sinh hoạt của họ.

Nhìn Hoài Thanh uống bia trong khi giảng bài Thái không thấy nét vô sản nào ở ông lão bảy mươi này cả. Tuệ nói:

—Vô sản gì đám cọng sản gộc này. Họ tư sản còn hơn cả chúng ta nữa. Còn đám nhà văn miền Bắc thì chỉ là văn nô mà thôi. Sau năm năm mươi tư họ coi như chết cả rồi.

Dương nói xen vào:

—Sau Nhân Văn giai phẩm các nhà văn miền bắc đã chui vào chiếc vỏ ốc của họ. Không ai viết lách gì nữa. Nếu có viết thì không phải là chính họ viết. Điều này chúng ta cũng thừa biết. Cái mà chúng ta mong đợi là thái độ sống của họ và họ có làm cái điều mà chúng ta mong hay không mà thôi!

Thái có thấy chút bùi ngùi khi nghĩ đến cả mấy mươi năm qua của đám văn nghệ sĩ miền bắc rồi đến hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Không có tự do làm gì có sáng tác thực sự giá trị.

Những buổi học tập chính trị và lao động trôi qua thoáng chốc trong sự mong đợi trở về đoàn tụ gia đình của đám viên chức chế độ miền nam. Cán bộ cộng sản theo đuổi mục tiêu của họ là vét thêm tin tức qua những báo cáo sau mỗi bài học. Họ không dấu lý do là cần tìm hiểu thêm về các đầu mối tình báo của Mỹ qua những lần giảng bài và các buổi thảo luận của từng tổ. Phương pháp làm việc của họ không khác xa mấy những tài liệu mà miền nam gặt hái được trong những năm chiến tranh. Còn hiệu quả của nó thì không biết thế nào nhưng đám viên chức chế độ cũ này đa số đánh giá hết sức dè dặt.

Trí thức miền nam cho rằng tất cả mọi người đang trong quá trình tẩy não. Cộng sản dùng phương pháp lập đi lập lại nhiều lần. Ban đầu xem ra không có giá trị gì nhưng về lâu dài họ sẽ đạt cái mà họ mong muốn. Thực ra mọi người đánh giá cao phương pháp tẩy não của người Cộng sản dù họ không biết thực sự tẩy não là gì không ngoài những sách vở và tài liệu cùng cung từ của cán binh cộng sản hoặc bị bắt hoặc chiêu hồi trước kia. Còn người cộng sản cho rằng đám ngụy quân ngụy quyền xuyên tạc và nói xấu vì mục tiêu của họ tốt đẹp cho một con người sau khi cải tạo hơn là tra tấn hoặc cưỡng bách một cách phi nhân qua hình dung từ tẩy não.

Đúng ra người miền Nam nhìn từ tẩy não qua phương tiện còn người cộng sản qua mục đích còn thực tế thì không gì ngoài hai chữ thời gian. Lịch sử nhiều lần chứng minh thời gian làm con người thay đổi trong đó hàm ngụ thay đổi cả chính kiến của mình mà môi trường sống tác động đóng một vai trò quan trọng nếu không muốn nói là cốt lõi. Chính ra những năm tháng cải tạo về sau này làm sáng tỏ vấn đề ấy trong cả hai phía thù nghịch.

Thời gian đóng vai trò không nhỏ trong quá trình chiến thắng miền Nam của người cộng sản. Nhưng phải chăng chính thời gian đã làm nổi bật ý nghĩa của cuộc đấu tranh không những người cộng sản mà nhiều quốc gia tư bản trên thế giới cho là thần thánh dù máu đổ và tàn bạo do chính người cộng sản gây ra.

Đề cập đến vấn đề này Thái nói với Dương:

—Lịch sử nào không viết bằng máu. Đặc biệt hơn nữa là lịch sử Việt Nam chúng ta. Hãy khách quan mà nhìn. Bây giờ thua cuộc như một vở kịch đã hạ màn. Lịch sử không kém một sân khấu mà sân khấu nào không diễn những trò đời trong đó hạnh phúc và bất hạnh liên lĩ nhau. Chúng ta đang đứng trong chặng đời bất hạnh và làm chứng cho một giai đoạn lịch sử đang diễn ra. Còn chính nghĩa hay không thì Raymond Aron không từng nói hôm ba mươi tháng tư là không phải lúc nào chính nghĩa cũng chiến thắng cả. Mông cổ không từng bá chủ một phần ba trái đất này hay sao! Với tôi thời gian vô hạn nhưng chính sách hay con người làm nên chính sách vốn hữu hạn thế nên thời gian cũng sẽ phơi bày sự thật, đúng hay sai tại một thời điểm nào đó phía trước chúng ta, chỉ hiềm chúng ta có tồn tại đến lúc ấy hay không mà thôi.

Sau bài học thứ bảy là bản tiểu sử cuộc đời của từng người. Họ không che dấu ý định tìm hiểu để phân loại thành phần đám người chiến bại này. Tuy mượn nhiều danh từ hoa mỹ để nói đến mục đích cao cả của việc học tập cải tạo nhưng tất cả đám viên chức chế độ cũ của trại cải tạo Long Thành nhìn việc làm của đám cán bộ cộng sản này bằng con mắt khác dù rằng ai cũng thiết tha mong học tập xong để được về đoàn tụ với gia đình như các bản thông cáo học tập đã hứa. Trong đám tù nhân chiến tranh này, cộng sản biết rằng họ có thể thả nhiều mẻ lưới để vét những thông tin tình báo có tính chiến lược, nôm na là chính sách hậu chiến vì bản thân cả hai miền đều bị chi phối bởi những cường quốc và dễ bị lũng đoạn nếu không có con mắt nhìn sâu suốt. Càng thận trọng thì công cuộc xây dựng về sau càng dễ dàng và mau chóng hơn.

Họ tin tưởng những gì họ biết được là đúng nhưng chưa đủ vì cái thực tế trước mắt làm họ nghi ngờ. Phải nói đa số đánh giá cao trừ những người lạc quan tếu và có thân nhân là những cán bộ cộng sản gộc hứa hẹn. Họ hứa hẹn những gì không ai được biết nhưng trong những năm tháng về sau họ dần dần mới hiểu được. Tuy nhiên, đám dân miền Nam có thân nhân đi cải tạo và có bà con là cán bộ cộng sản bắt đầu mất mát tài sản khá nhiều vì những lời hứa hẹn trong đó có hứa hẹn là sẽ bảo lãnh cho họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Lần nhận thư thứ hai một số người đem thư của thân nhân mình với lời hứa hẹn của cán bộ cộng sản ra khoe. Cương đưa ra một tờ giấy bảo lãnh của một ông bác làm đại tá nói:

—Có được tờ giấy này ba tôi mất hai chiếc máy may đấy các ông ạ.

Một số người khác thì đồng hồ, xe đạp, radio, bút máy nắp vàng là những thứ quà cáp mà người dân miền Nam xem ra có vẻ khác thường khi thân nhân của họ tập kết trở về yêu cầu mua cho họ.

Bửu Uy nói:

—Không có gì khác thường mà lại rất logic. Người Cộng sản phải chiến đấu để có những thứ mà ngày hôm nay họ yêu cầu. Chúng ta không bảo vệ được thứ chúng ta đang có thì là lỗi của chúng ta, không trách ai được.

Ông Đường thêm vào:

—Chưa phải chấm dứt mà chỉ là bắt đầu. Rồi đây không phải đợi họ xin mới cho mà người dân miền Nam phải tự hiến tài sãn của mình để có thể tồn tại trong cái xã hội xã hội chủ nghĩa này!

Có lẽ mọi người đều nghĩ như ông Đường vì điều ấy ai cũng đã biết nhưng là kẻ chiến bại không người nào mong cái tồi tệ nhất xãy ra. Trên tờ Nhân Dân hàng ngày mọi người được đọc và nghe từ cái loa gắn trên mỗi đầu dãy nhà không cho biết cái trận đấu tư sản đang từ từ diễn ra hằng ngày là gì! Chỉ có điều ai cũng tự nhủ rằng gia đình mình không phải là cái thành phần khốn nạn mà người cộng sản đang lăm le muốn tiêu diệt.

Thời gian lặng lẽ trôi đi và những người cùng cảnh ngộ thấm nhuần dần ý nghĩa của cuộc đổi đời. Trong khoảng không gian chật hẹp của trại cải tạo Long Thành, hơn hai nghìn bộ óc cùng có những cảm nghĩ không khác nhau mấy. Lắm lúc nhìn thấy những bậc cao niên mà trước kia cấp bậc, chức vụ cũng như trình độ kiến thức là kẽ nắm vận mệnh hàng triệu đồng bào miền Nam hôm nay đang ngồi chồm hổm trước sân nhà chia cơm hay lắng tai nghe cán bộ cộng sản xỉ vả khiến Thái thấy khôi hài và cay đắng.

Tờ báo Tin Sáng của Ngô Công Đức lại cho biết những tin tức trận chiến bên ngoài xã hội mới bắt đầu. Dương cười nói:

—Hôm nay Linh Mục Chân Tín bị lý thuyết gia của Đảng dạy cho bài học nhớ đời.

—Lý Chánh Trung cũng thế. Là giáo sư dạy Triết học Mác Xít biến thành một kẻ ấu trĩ trước đám cán bộ Viện khoa học xã hội Hà Nội. Tuệ thêm vào.

—Chưa hết đâu. Trần Long Ẩn với bài “đi qua vùng cỏ non” bị cho là phản động. Không khéo vài hôm nữa Trịnh công Sơn cũng bị đưa lên bàn mỗ ngay. Đây là bài học dằn mặt cho đám trí thức và văn nghệ sĩ miền Nam. Không phải có tí công trạng mà thừa thắng xông lên. Phải luôn nghĩ cái khẩu hiệu không có gì quí hơn độc lập tự do chỉ là cái bình phong che cái chân lý đằng sau là chuyên chính vô sản. Chính chuyên chính mới là cái cốt lõi của người cộng sản.

Thái nói xong đưa tờ Tin Sáng cho Dương. Dương chỉ tờ báo nói, chúng ta chờ ngày Ngô công Đức vào trại cải tạo. Mà không phải chỉ có hắn ta, đằng sau lưng đám Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn văn Trung, Châu Tâm Luân, Trương Bá Cần cùng đám sư sãi Ấn Quang chưa phải yên ổn đâu. Cái tốt đẹp của người cộng sản thường quyến rũ đám trí thức từ xa, còn khi sống với họ lại là chuyện khác. Bài học Jean Paul Sartre hẳn chúng ta chưa quên.

Tổ trưởng Nghĩa kêu gọi họp tổ sau khi từ hội trường trở về. Hai vấn đề được nêu ra: Thay đổi cán bộ khối và bản tường trình của mỗi người sau khi lớp học chính trị chấm dứt. Bảy Sói, là biệt danh do đám cải tạo viên khối tình báo đặt cho người cán bộ đặc trách khối ba từ ngày đầu tiên trình diện ở trường Chu Văn An. Người mập mạp đẫy đà, anh Bảy đầu hói mang tác phong của một nông dân Nam bộ đi tập kết trở về. Không giống những cán bộ miền Nam khác giọng nói lơ lớ âm bắc, anh bảy nói rặt giọng nhà quê miền Nam. Mọi người cho là anh ta đi tập kết lúc đã lớn tuổi nên tiếng nói không bị ảnh hưởng và là người gốc gác chân lấm tay bùn nên dù có là cán bộ cấp cao anh cũng không dấu được vẻ chơn chất thật thà. Bảy Sói hợp với con trâu cái cày hơn là chuyện chính trị tư tưởng.

Một số trại viên có nói chuyện với anh bảy cho biết anh ta là thiếu tá và sắp sửa được giãi ngũ. Thái nghĩ có lẽ anh ta đã hoàn thành được tâm nguyện mà anh mong ước. Một người chỉ mong sao sau khi về hưu được về quê uống rượu nếp ăn cá lóc nướng trui không thể là một kẻ tham vọng và độc ác được.

Sau khi loan tin anh Bảy Sói đi nhận nhiệm vụ mới vào ngày mai và trong vài ngày nửa sẽ có cán bộ khác thay thế, phần hai của buổi họp là bản kiểm thảo sau khi lớp học chính trị chấm dứt và phần này sẽ được cán bộ mỗi nhà cho biết nội dung vào ngày hôm sau. Đêm hôm ấy mọi người hát có vẻ hăng hái và khí thế vì lớp học chấm dứt có nghĩa mọi người sắp sửa ra trường như Dương khôi hài tuyên bố. Sau khi hát khoảng mười bài, Thạc cho biết những ngày sắp tới mỗi khối sẽ tuyển vài người vào ban hợp ca. Ai tình nguyện được miễn lao động. Chánh hưởng ứng ngay vì trước kia có đi hát ở phòng trà. Vài người miển cưỡng đưa tay xin ghi tên sau khi thấy bóng Tư Điệp ngoài cửa sổ. Lúc tan buổi họp, ông Tán nói nhỏ với Thái khi hai người ra ngoài sân đánh răng. Kinh nghiệm cho biết hãy ghi danh bất kỳ sinh hoạt văn nghệ nào. Dù là sinh hoạt ngoài đời hay trong tù nó cũng giúp đỡ mình rất nhiều. Anh hãy đăng ký ngay đi khỏi phải lao động đấy!

Thái buồn cười nghe giọng nói ồm ồm của ông Tán và nghĩ đến ban hợp ca của trại khi có ông hiện diện! Tuy nhiên, không phải ông không có lý khi nói như thế. Thái vừa rửa mặt vừa nghe bạn bè kháo nhau chung quanh về một ngày trở lại thành phố. Phấn khởi ở họ có chút gì giả tạo trong giọng nói nhưng hi vọng không thiếu ở nơi những con người đã đánh mất một phần tương lai trong quãng đời mình. Bạn bè anh không thường nói với nhau là họ coi như đã chết một lần, lần này ngồi với nhau trong trại cải tạo của cộng sãn là phương thức tái sinh để nuôi nhau niềm tin mới tuy mỗi người có suy nghĩ khác nhau nhưng lại cùng chung một đích điểm là cố gắng sống mà trở về với gia đình.

Xa xa vài ánh lửa nhóm trước sân. Đám cải tạo viên đang nói chuyện đời xưa đấy. Thái thường nghĩ như thế. Bây giờ ai ai cũng sống với quá khứ. Có người nói chuyện đời mình như kể chuyện cổ tích và cũng có kẻ kể bản thân mình như sám hối những hành động đã qua. Không thiếu những con người mà qua lời tự khai bộc lộ cả cuộc đời làm việc của họ và tất cả những gì Thái nghe được mô tả sinh động không ít thì nhiều sinh hoạt chính trị của cả một chế độ vừa mới sụp đỗ. Có kẻ phê bình các nhà lãnh đạo đã ra đi là những người hèn nhát nhưng có kẻ lại cho là khôn ngoan không như những con người ngu dại đang ngồi với nhau ăn chén cơm tù.

Họ nói chuyện đời thường đấy, những mãnh đời mà hai tháng trước còn trân trọng và có đích điểm nhưng bây giờ thì lang thang vô định như mây trời. Sự hiện hữu của họ minh chứng lịch sử đã lật sang trang và ước muốn của mỗi cá nhân chỉ là những ý niệm trôi giạt trong một không gian mới mà nơi này không ai có thể tự chủ được. Người Cộng sản đang dẫn dắt họ đi đến một đích điểm mới ngoài sự hiểu biết của họ. Họ ngoan ngoãn vâng lời vì họ chấp nhận hiện trạng và hi vọng dẫu ngây thơ và hão huyền.

Ngày thứ hai mươi toàn trại đang viết thu hoạch thì cơn bệnh kiết lỵ đỗ ập đến. Trước có vài người bên khối một sau tràn lan khắp trại. Ruồi nhặng mùa hè có lẽ là nguyên nhân chính dù mọi người hiểu rằng kiết lỵ là bệnh truyền nhiễm. Dãy cầu tiêu cuối trại phía đông tấp nập người. Hơn sáu mươi bác sĩ của chế độ cũ bất lực vì không có thuốc. Những viên xuyên tâm liên của người cộng sản chỉ giúp về mặt tâm lý rằng có thuốc để uống ngoài ra không có tác dụng gì với trực trùng amib. Thuốc cá nhân dùng tối đa và phương cách phòng bệnh hữu hiệu nhất chỉ còn nhờ vào sự vệ sinh của riêng từng người và cách ly người bệnh.

Chưa có ai chết nhưng ai ai cũng nghĩ đến điều này. Thái đi xuống nhà bếp lãnh cơm trưa. Lúc đi ngang qua đường chính giữa trại anh thấy một người già tóc bạc trắng đang nằm thiêm thiếp bên lề đầu gối lên viên gạch dưới bụi hoa kiểng. Trên mặt ông ta ruồi nhặng bám như những hạt đậu đen. Anh Tấn kéo Thái đi và nói nhỏ, chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Lương đấy! Nhìn chung quanh chỉ thấy lác đác vài người đi lãnh cơm đang đứng chỉ trỏ người bệnh, Thái nói:

— Làm gì để giúp ông ta đây không khéo ông ta chết mất!

— Có người xuống bệnh xá gọi y tá rồi. Mình đi lãnh cơm kẻo trễ.

Lúc hai người trở về thì Nguyễn bá Lương không còn ở đó nữa. Nhượng tổ hai nói, ông ta đi xuống bệnh xá khám bệnh thì ngất xỉu giữa đường. Không biết có cứu được không chứ nghe nói ông ta đi cầu đến ba mươi lần một ngày.

Nhà mười một của Thái đã có sáu người bệnh. Mọi người lo lắng và cách ly người bệnh cẩn thận. Ăn cơm trưa xong Thái ra hàng hiên thấy Dương đang đứng giữa sân hai tay nâng chiếc tô nilon lên khỏi đầu hướng về phía mặt trời. Dương bảo:

— Phương pháp khử trùng tốt nhất là dùng tia ultraviolet diệt vi trùng cậu ạ. Không có vi trùng nào sống sót quá hai tiếng đồng hồ dưới ánh nắng trưa, ngay cả vi trùng bệnh cùi.

— Thế anh định đứng hai giờ đồng hồ giữa trời để khử trùng anh và cái tô à? Phơi nó ngoài sân rồi vào hàng hiên ngồi cho đỡ nắng.

Nghe Thái nói như thế Dương chỉ trả lời ừ nhỉ, rồi đi vào hàng hiên ngồi nhìn chăm chăm chiếc bát đang phơi như sợ ai lấy mất.

Dương lại trở chứng, Thái nghĩ như thế vì anh thấy thỉnh thoảng Dương nghiến răng ken két khuôn mặt giận dữ và lẩm bẫm một mình. Tuy nhiên, sau một hai phút khuôn mặt trở lại bình thường.

Lúc vào nghỉ trưa thì tổ trưởng Nghĩa đi họp về thông báo ban lãnh đạo trại yêu cầu lập tổ văn hóa để thảo luận. Đề tài là Chính sách Văn hóa thực dân mới của Mỹ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Vào tổ tự nguyện. Thái xin ghi tên mình vì tò mò muốn biết người Cộng sản nói gì về nền văn hóa miền Nam mà họ cho là chính sách thực dân mới. Thời khóa biểu họp tổ văn hóa vào ngày mai cho toàn trại lúc 10 giờ sáng.

Sau khi phổ biến nội dung của buổi họp Nghĩa nói tiếp rằng ban lãnh đạo tuyên dương dược sĩ La thành Nghệ vì đã viết thư về nhà cống hiến cho cách mạng một xe thuốc. Chuyến xe này ngày mai đến và toàn trại sẽ có thuốc để trị bịnh kiết lỵ. Có lẽ tin này quan trọng hơn cả vì ai ai cũng cảm thấy yên tâm và chắc chắn là cơn dịch sẽ chấm dứt. Thái và anh Tấn nấu một lon guigoz nước trà đậm để uống trước khi tiếng kẻng báo thức cho buổi viết thu hoạch chiều. Uống xong ngụm nước, anh Tấn chép miệng:

— Tình trạng kiết lỵ này rất nguy hiểm, ráng uống trà đậm hoặc nước đun sôi. Từ sáng đến giờ tôi thấy ngầm ngầm đau bụng không hiểu có phải bị lây hay không? Uống hết lon trà này mà không hết chắc phải đi kiếm thuốc.

Thái chạy ngay vào chổ nằm mở gói thuốc anh mang theo. Anh nhớ rõ rằng anh đã mua tại nhà thuốc tây trước Đại học Vạn Hạnh. Đáng lẽ chỉ có thuốc cảm và sốt rét mà thôi nhưng bà chủ tiệm đã khuyên anh nên mang theo thuốc kiết lỵ vì sống chung tập thể rất dễ bị bịnh đường ruột. Bây giờ lại thấy ích lợi của nó. Xé hai viên thuốc màu nâu từ vĩ thuốc Ciba đưa cho anh Tấn, Thái nói:

—Phải uống ngay và chận nó lại. Anh không nên chờ đi cầu rồi mới uống. Anh Tấn cám ơn và uống ngay thì Dương nói:

—Ở trong này nếu mắc bệnh mà có thuốc thì chữa theo kiểu traitement de choc nghĩa là uống liều lượng gấp đôi hoặc gấp ba dù có bị bón đi nữa. Uống cầm chừng như ở nhà rồi đi tiêu ra máu nhiều lần một ngày dễ chết lắm. Chấm dứt cơn bệnh sớm chừng nào hay chừng nấy.

Ba người vào nhà thì tổ trưởng yêu cầu ai nấy về chỗ nằm và tiếp tục viết thu hoạch. Bản thu hoạch nghe ra như là đúc kết quá trình học tập nhưng thực chất là bản tự khai. Qua lần họp cuối nói đi nói lại nhiều lần nhưng Hai Côn không dấu giếm ba mục tiêu của bản thu hoạch: tự khai quá trình hoạt động bao hàm từ lúc mới sinh ra cho đến ngày bước chân vào trại cãi tạo. Nghĩa là tường thuật tiểu sử đời mình, nếu cần viết cả tông chi họ hàng càng tốt. Điểm này Hai Côn nhấn mạnh lời khai biểu lộ mức độ thành khẩn ăn năn sẽ được cách mạng đánh giá mà cho về đoàn tụ gia đình. Từ tiền đề sự ăn năn hối cãi trại viên sẽ lập công nếu khai ra được âm mưu của bọn phản động và đế quốc Mỹ đặc biệt gài lại cho kế hoạch hậu chiến. Qua cách nói của Hai Côn hình như tất cả mọi trại viên đều biết biết được những âm mưu của đế quốc Mỹ đặc biệt của CIA và người nào cũng sẽ phải khai ra nếu muốn thực sự trở thành người công dân tốt của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Mục tiêu đầu tiên tự khai kiểm thảo đã bao hàm mục tiêu thứ hai lập công chuộc tội. Còn mục tiêu thứ ba nghe ra rất phấn khởi là hiến kế cho nhà nước nghĩa là đem tài năng ra mà viết những dự án có thể giúp ích cho nước nhà phát triễn chạy đua bắt kịp những nước tiền tiến trên thế giới vì Việt Nam đã dẫm chân bởi chiến tranh hơn hai mươi năm. Hai Côn làm mọi người cảm động và có kẻ về đến trại còn chép miệng lẩm bẩm “phải làm gì, viết gì cho tổ quốc đây?” và Dương nói với mọi người “Chúng ta phải viết luận án ra trường vì mục tiêu mỗi nhà một TV, một tủ lạnh và một xe gắn máy?” cuối thế kỷ hai mươi.

Đang nằm suy nghĩ lan man về chuyện cũ, Thái nghe có người khều chân. Thạnh ra dấu cho anh ngồi dậy.

—Viết gì đây hở ông? Tôi không nghĩ ra đề tài!

—Viết tự khai xong rồi hay sao?

Thái hỏi và ngạc nhiên khi thấy Thạnh gật đầu. Thạnh than thở vì không biết viết gì cho đề án hiến kế cho nhà nước trong khi bản tự khai hắn nói là chỉ viết có ba trang giấy.

—Tôi không có gì mà khai cả. Trong ba trang giấy này có đủ tiểu sử cuộc đời mình. Mới có hai mươi bốn tuổi và hai năm làm việc thì làm gì có nhiều chuyện để kể. Vả lại cơ quan mình có nguyên tắc “ngăn cách” làm sao mà biết chuyện của ban khác được. Việc làm của tôi giản dị lắm. Hoạt động tại đại học luật khoa, đa số thì giờ tôi chỉ tán gái và nói phét. Vào sở báo cáo cho xếp toàn chuyện láo mà hình như xếp chịu như vậy có phàn nàn gì đâu!

Thạnh nói thật vì Thái biết tiếng của hắn từ lâu. Thạnh có người anh làm việc cho Phó Tổng Thống. Săn gái đẹp và nhảy đầm là sở trường của hắn. Kết quả là hắn cưới được một cô sinh viên lai tây vốn là hoa khôi của trường Trưng Vương khi cô ta còn là học sinh trung học. Cưới hôm Tết vừa qua bây giờ vào tù nên hắn thường rên rĩ là nhớ vợ.

Thái đùa:

—Không phải là nhớ vợ đến nổi không viết được hay sao?

Thạnh gật đầu:

—Đúng như thế. Nhưng đề tài mà cán bộ nói sao vừa mơ hồ vừa khôi hài. Làm như chúng ta là nhân viên nghiên cứu đang làm việc cho họ không bằng?

—Thì ông cứ viết đại cái gì ông biết lúc ông học tại trường Luật.

Thừ người suy nghĩ một chốc Thạnh nói nhỏ:

—Đề tài “Phương pháp Taylor trong quá trình sản xuất công nghệ” có được không?

—Quá tốt rồi nhưng ông ráng viết chi tiết, đừng có viết một hai trang giấy như bản tự khai. Làm như thế cán bộ họ nghĩ là ông làm qua loa chiếu lệ đấy.

Thạnh có vẻ thỏa mãn với đề nghị của mình và đi về phía đầu nhà. Nhìn con người cao lêu nghêu của hắn Thái nghĩ đến Sở Tình Báo tuyển chọn một nhân viên như Thạnh chỉ tốn tiền vô bổ. Mà không phải chỉ có Thạnh đâu, còn rất nhiều người như thế làm việc cho cái chế độ mà ba tháng trước đây còn ra rả trên đài phát thanh và truyền hình lên án cộng sản xâm lấn lãnh thổ và vi phạm hiệp định Paris. Nghĩ đến đó Thái như còn nghe văng vẵng bên tai tiếng nói quen thuộc của Phát ngôn viên quân sự trung tá Lê Trung Hiền ”... cho đến hôm nay cộng quân vi phạm hiệp định Paris mười hai nghìn tám trăm sáu mươi mốt lần...”

Tất cả chỉ là những vang vọng quá khứ. Âm thanh và hình ảnh này sẽ lắng xuống thành trầm tích lịch sử. Những hoan lạc và đau đớn một thời sẽ tàn phai theo năm tháng và những chứng nhân của nó cũng trở thành những tượng đất đá trong ngôi nhà cổ từ đường Việt Nam. Thái hình dung đến cấu trúc lịch sử theo tự nhiên mà không hề bị chi phối bởi các sử gia. Đó là quá trình vận hành theo qui luật tương đối độc lập. Biến cố này nối tiếp biến cố nọ theo nguyên lý nhân quả hàm ngụ mâu thuẫn. Tiến bộ lịch sử là cách nói căn cứ theo thời gian và không gian. Còn tự nó không hề có tiến bộ gì cả vì giải phóng không hề mang ý nghĩa thực sự mang lại hạnh phúc mà chỉ thỏa mãn tham vọng quyền lực. Trong khi giải phóng con người mặt này thì đồng thời lại nô lệ con người mặt khác. Vì tất yếu lịch sử nên con người cho rằng có tiến bộ và phát triển trong khi tiến bộ phát triển ấy đưa con người đi vào một quỉ đạo mới với cái đau khổ mới núp dưới chiêu bài giải phóng con người.

Tham vọng của cá nhân đeo đuổi con người như chiếc bóng. Tham vọng tập thể là cơn ác mộng định mệnh mà ngày hôm nay hơn hai nghìn người đang chịu đựng tại trại cải tạo Long Thành. Thái và đám bạn cùng cảnh ngộ đang cặm cụi viết tiểu sử đời mình như những người con viết gia phả cho giòng họ mình trong cái bộ tộc đã tan rã từ hơn tháng trước và từ đường Việt Nam lần nữa thêm một bài vị mới.

Chiều xuống trên đỉnh đồi cao với tiếng nói lao xao không ngớt của gần ba nghìn cải tạo viên trong buổi chia cơm chiều. Dù sao sau buổi viết tự khai ai cũng thấy dễ chịu dẫu phải vắt óc mà nhớ cũng như đắn đo sao cho bản khai không có sơ hở. Bệnh nghề nghiệp vẫn còn trong đám nhân viên tình báo vì ai cũng hiểu rằng đem lên cân thì trọng lượng tội lỗi của đám người dấu mặt này bao giờ cũng nặng hơn đám cán bộ hành chánh thậm chí những người cầm súng đối địch với kẻ thù. Ác ôn, nguy hiểm và nợ máu đám người trong ba gian nhà chín, mười và mười một nhận đủ bản án mà không buổi học tập nào cán bộ cộng sản không nhắc đến.

Thực tế đám nhân viên tình báo này có gì mà dấu diếm. Toàn bộ hồ sơ của phòng nhân viên còn nguyên vẹn. Phòng an ninh chỉ thiêu hủy những cung từ tù binh và hồi chánh viên trong khi phòng thiết kế và tình hình còn nguyên những bản tin cập nhật hàng ngày. Ban phản gián cơ sở ở đường Trần bình Trọng cũng được cộng sản tiếp thu đầy đủ và trưởng ban trung tá Kiệt đã bị bắt đi tại nhà sau khi Sàigòn tiếp thu được ba ngày.

Với phương pháp thẩm vấn chéo, những bản tự khai và cung từ từ trại cải tạo được kiểm chứng và gạn lọc để biết đâu là thật và đâu là giả. Ban thẩm vấn mang bí số Q hôm ba mươi tháng tư còn giam giữ một nhân vật quan trong của cộng sản là đại tá Tư Trọng, người chỉ huy lưới tình báo phản gián của toàn miền Nam. Tư Trọng bị bắt năm 1971 dưới ngụy thức là một liên lạc viên cộng sản cấp nhỏ. Do ý kiến của Nguyễn tư Thái tức Thái trắng, một nhân viên khế ước của ban U phản gián, dùng tù binh và hồi chánh viên cộng sản nhận diện mới khám phá ra được đại tá Tư Trọng. Tư Trọng là người tù binh cộng sản cấp cao và quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm và cũng là người kiên định lập trường nhất.

Sau hơn hai năm khai thác, tin tức của Tư Trọng không có giá trị gì hơn bản thân của ông ta một con người lúc nào cũng mẫu mực và tư cách. Mọi phương pháp xữ dụng để lôi kéo ông ta phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa càng làm nổi bật một đảng viên cộng sản trung kiên không như Tô Minh Trung, một sử gia và lúc bị bắt là cánh tay phải của Trần bạch Đằng, bí thư thành ủy Sài Gòn Gia Định.

Tô Minh Trung là con người vật dục. Gái đẹp và các phương tiện vật chất sung túc của miền Nam biến hắn thành hồi chánh viên dễ dàng. Khi nhắc đến Tô minh Trung, đại tá Tư Trọng chỉ nói, “…một đảng viên tha hóa! ”. Sau năm 1972, qua đài phát thanh BBC và VOA, Tư Trọng biết hiệp định Paris đã được ký và ông ta yêu sách được trao trả tù binh.

Vì không moi gì được ở Tư Trọng nên Mỹ không hề đá động gì đến việc trao trả ông ta theo hiệp định Paris mà vẫn gửi ông ta ở trung tâm thẩm vấn quốc gia tức ban Q của Phủ Đặc Ủy trung ương tình báo.

Ở trong trại cải tạo nhiều lần Thái nghĩ đến số phận của Tư Trọng sau ngày ba mươi tháng tư và những lời tâm sự với người gác phòng giam rằng ông chỉ mong gặp mặt cha già. Chiến tranh đã chia cắt ông ta và gia đình gần mười sáu năm. Qua thư từ ít ỏi nhận được ông ta biết cha mình bệnh hoạn liên miên và thiết tha được gặp mặt con. Thực ra thảm cảnh chiến tranh có thiếu gì trên đất nước này, nhưng Thái chú ý đến Nguyễn Công Tài tên thật của đại tá Tư Trọng vì ông là con của nhà văn Nguyễn Công Hoan và đời sống các văn nghệ sĩ miền Bắc sau năm 1954 thường gây ấn tượng mạnh đối với anh.

Vấn đề đại tá Tư Trọng đã bắt đầu từ những ngày đầu tiên bước chân vào trại cải tạo. Cán bộ cộng sản làm việc liên miên với những người trong ban thẩm vấn quốc gia. Cái cốt lõi mà họ muốn biết là đại tá Tư Trọng tiếp xúc với Mỹ bao nhiêu lần và những lần tiếp xúc như thế Tư Trọng đã nói gì? Những người làm việc với cán bộ cộng sản sau khi trở về người còn ướt đẫm mồ hôi và nói với bạn bè cùng cảnh ngộ rằng, “Họ khai thác chúng ta không kém ngày xưa chúng ta khai thác họ là bao! Chỉ có khác là chưa dùng bạo hành và không biết khi nào sẽ dùng mà thôi!”

Thái biết câu chuyện này chưa có thể chấm dứt được và anh lúc nào cũng tâm niệm rằng một ngày nào đó anh sẽ phải làm việc riêng với họ. Chiến tranh chấm dứt không có nghĩa mọi việc không còn gì để nói mà còn rất nhiều việc để nói và làm theo cung cách của người cộng sản. Họ không thường nhắc đến tàn dư quá khứ là gì! Và cái tàn dư ấy chính là anh và hơn hai nghìn người đang sống tại trại cải tạo Long Thành này. Đôi khi Thái nghĩ khách quan rằng không ai thích tàn dư quá khứ cả, và phải tìm đủ mọi cách để quét sạch nó đi. Nếu tàn dư này còn tồn tại chỉ là điều chẳng đặng đừng mà thôi!

Bảy giờ sáng nhà trưởng Võ văn Ca đi từng phòng thông báo cho những ai đăng ký trong tổ văn hóa chuẩn bị mười giờ đi họp tại căn buồng cuối nhà bảy. Những người còn lại tiếp tục viết thu hoạch sau khi nghe ba hồi kẻng. Thái và anh Tấn ngồi ngoài sân uống hớp cà phê cuối cùng thì Thạc đến gần nói nhỏ:
—Còn sáu ngày nữa là đủ một tháng. Tôi không thấy động tịnh gì chứng tỏ chúng ta sắp được trở về.

—Lo làm gì, đến đâu thì đến vì ngoài khả năng của chúng ta.

Anh Tấn vừa nói vừa nhét viên thuốc lào vo tròn vào nỏ điếu. Đưa ngọn lửa xanh nhạt từ chiếc đóm bằng vỏ bao thuốc lá lên đầu viên thuốc anh từ từ rít. Tiếng nước kêu òng ọc từ chiếc hủ chao tạm chế nghe quen thuộc lắm. Khói thuốc lào hăng hắc bay mù mịt trong ánh nắng sáng. Thạc không nói thêm bỏ đi vào nhà. Thái tiếp chiếc điếu từ bàn tay run run say thuốc của anh Tấn và bắt đầu hút. Anh quen dần với thuốc lào như quen với nếp sinh hoạt của trại cải tạo. Thuốc lào của anh Tấn say êm và lâng lâng. Thực tại trở thành mông lung mờ nhạt. Mọi người đang say thuốc như ta. Thái tự dưng nghĩ như thế khi cơn say đi qua. Đằng trước hai người là hai dãy hủ chao phơi nắng. Cái mà căn tin giúp ích cho đám cải tạo viên là chao. Chao làm bằng đậu nành giúp không ít thì nhiều cho sự dinh dưỡng thiếu thốn của những người mà trước kia trong bữa ăn chỉ biết có cá thịt và bước qua tuần lễ thứ ba trong khối một hành chánh đã có một số người bắt đầu có dấu hiệu phù thủng. Ba cám biệt danh của Nguyễn văn Ba ở đầu nhà của Thái thuộc tổ của Tuệ phát động ngay phong trào ăn uống theo phương pháp Osawa sau khi nghe tin trên.

Theo cách giải thích và lý luận của anh ta mọi sự việc trên đời đều có thể giải quyết bằng cách ăn gạo lức và muối mè. Nhưng trong trại cải tạo này làm gì có hai thứ này một cách dễ dàng được. Qua ngả căn tin mọi người vét số tiền mang theo đi nhờ những người bán căn tin về Sài gòn mua giùm nhưng số gạo lức mua được vẫn không đủ cung cấp cho đám cải tạo viên. Ba cám nói với Thái:

—Chúng ta bắt đầu ăn cơm ẩm mốc hơn ba ngày nay thì có lẽ lương thực bên ngoài đã có vấn đề và chuyện mua gạo lức không dễ dàng đâu. Tuy nhiên không phải lo lắng còn phương án hai. Không gạo lức chúng ta ăn cám. Tôi đã gửi mua mười ký cám. Sau khi chế biến ông ăn sẽ có cảm giác như ăn bánh in.

Khi mười ký lô cám đến tay Ba thì trong trại đã hơn tám mươi người thật sự bị phù thủng. Hôm sau anh ta đã có biệt danh Ba cám vì sau khi rang sấy nghiền và pha trộn với đường tán nó biến thành thứ thần dược trị và ngăn ngừa phù thủng đặc biệt do suy dinh dưỡng. Anh Ba mang nó đi bán trong khối ba được hai hôm thì mọi người ở các khối khác tìm đến anh để mua. Mười ký lô cám bán chưa đến ba ngày đã hết sạch.

Anh ta xuống căn tin đặt mua thêm cám thì có tiếng xì xào bàn tán rằng chuyện anh làm là bất hợp pháp. Nghe chuyện này, anh Ba tuyên bố:

—Tôi đang làm phước đây. Bán để lấy tiền vốn lại chứ có lời lỗ gì. Không phải nhờ có cám mà một số người đã hết phù thủng rồi hay sao!

Khi viết thu hoạch cuối khóa học, ba Cám đóng góp cho cách mạng sáu mươi trang giấy viết đủ hai mặt đề án “Người Người, Nhà Nhà Ăn Gạo Lức Muối Mè” và có vẽ hết sức thỏa mãn với cái luận án ra trường ấy theo cách nói của Dương.

Buổi tối Ba cám ngồi uống trà nói chuyện với Thái số tiền bán được anh ta đầu tư vào việc mua thêm hạt giống trồng rau muống rau dền, cải cho tương lai. Đi sâu vào chi tiết chuyện trồng tỉa này anh Ba nói nhỏ với Thái:

—Tôi không tin học xong một tháng là được trở về. Phải lo trước chứ tình trạng thoải mái này không thể kéo dài mãi được đâu, mình là tù chứ có phải là cán bộ như họ đâu mà hưởng đặc quyền đặc lợi.

Không phải Ba cám nói không có lý. Điều mọi người nghĩ chỉ biểu lộ ra bằng hành động vì ai dại gì nói quan niệm của mình cho người khác biết trong môi trường mà ai ai cũng có thể lập công để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình như cán bộ thường nhắc nhở với đám ngụy quyền này. Chỉ nhìn vào khối bốn mà tự hiểu. Thành phần đảng phái phản động này đa số lớn tuổi, ít nhiều trong đám họ đã từng sống hoặc kinh nghiệm trực tiếp với chế độ cộng sản. Sinh hoạt của khối bốn không hiểu vì nơi ở hơi xa với các khối khác hay không nhưng bề ngoài nhìn thấy họ hết sức an nhiên bình thản. Tập thể dục kiên trì và trồng tỉa là hai công việc nổi bật của những trại viên đa số tóc bạc phơ này.

Đọt khoai lang, rau muống, rau dền và cải bẹ xanh thu hoạch trước tiên từ khối bốn. Một số trại viên khối ba có bạn bè và bà con ở khối bốn sau khi sang thăm họ trở về đều mang theo khi thì lá đọt khoai lang, khi thì rau cải. Nhìn những lá rau dền, cải bẹ xanh to như chiếc quạt ông Đường ghé tai nói nhỏ với Thái:

—Kế hoạch lâu dài đây. Chúng ta lấy đó mà làm gương.

Cán bộ lãnh đạo trại thường tuyên dương thành tích trồng tỉa này của khối bốn với khẩu hiệu lao động là vinh quang như ngầm gián tiếp cho biết rằng trồng rau cải cải thiện bửa ăn cho một cuộc sống lâu dài hơn là lệ thuộc vào nhà bếp trại.

Từ tuần lễ thứ ba trở đi nhiều dấu hiệu cho thấy ai ai muốn thoải mái đầu óc không phải suy nghĩ nhiều đến vấn đề ngoài tầm tay thì hãy thực tế và chấp nhận cái sự thật mình là kẻ chiến bại và đang ngồi trong tù chứ không phải đang học tập để trở thành người công dân chân chính như cán bộ cộng sản thường nhắc nhở. Điều này cựu dân biểu Trần văn Tuyên nói thẳng với cán bộ và thường bị cán bộ cho là vào trại mà còn phản động.

Luật sư Tuyên thường nói với anh em trong tổ và trong nhà của ông ta rằng, “qua đây đã từng sống và hoạt động với cộng sản rất lâu để có thể hiểu họ như hiểu chính mình... và khi qua chọn con đường chống cộng là lý tưởng của mình thì không ai có thể thay đổi được cả. Dù qua phải vào tù thì cũng là người tù chống cộng chứ không phải là người tù sám hối hành động của mình trong thời gian qua.”

Qua phát biểu của ông đã phần nào an ủi và cổ võ tinh thần những con người bi quan và buồn bã với thực tại trước mắt nhưng cũng đồng thời tăng thêm sự cài đặt antenne trong hàng ngũ các khối. Những con người như nhà trưởng Ca rất nhiều và ai ai cũng dè dặt hơn trong lời nói hàng ngày.

Song song với sự thành lập tổ văn hóa, tổ thể thao cũng được đa số ủng hộ tham gia sau khi cán bộ phụ trách nhà mang đến banh và lưới để tổ chức đội bóng chuyền cho từng khối. Mỗi khối có một sân bóng chuyền bên hông nhà và chiều nào cũng không thiếu tiếng reo hò cổ vũ.

Thái và Dương ngồi bệt xuống sàn nhà thì người của các khối cũng lục tục kéo đến dự buổi họp đầu tiên của tổ văn hóa. Có đến hơn hai mươi người ngồi họp trong căn phòng bốn mét vuông. Khối ba của Thái có sáu người và riêng nhà chín ngoài anh và Dương còn có Tuệ. Cán bộ văn hóa là hai Bào, người tầm thước nhưng vạm vỡ, tiếng bắc ồm ồm khai mạc buổi họp và giới thiệu người các khối.

Hầu hết cán bộ chính trị của trại là người Bắc hoặc Trung, hiếm hoi thấy ai là Nam bộ. Họ có trình độ và có lẽ thuộc trung ương điều động đến làm việc với cái đám ngụy quyền cao cấp này. Nhưng dù là Hai Côn hoặc Hai Bào, họ vẫn là sản phẩm của nhà máy cộng sản sản xuất ra.

Đa số người khối một trước kia làm việc ở phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Khi giới thiệu đến người thứ bảy của khối một Thái thấy khuôn mặt quen quen thì Tuệ ghé tai nói nhỏ, “em của thầy Nguyễn Duy Cần đấy.” Nguyễn Duy Kiệm cũng là người lớn tuổi nhất trong buổi họp đầu tiên của tổ văn hóa.

Mục tiêu của buổi họp sau khi hai Bào phát biểu xong thì đại ý không khác buổi thảo luận sau khi học tập chính trị, chỉ khác là tập trung vào tiêu đề văn hóa miền Nam trong thời kỳ đế quốc Mỹ.

Ý nghĩa hai chữ văn hóa đa dạng biết bao và không phải dể dàng phát biểu nếu không thận trọng cân nhắc lời nói đặc biệt trong tình trạng đang là cải tạo viên. Nhìn sang Dương ngồi cạnh đang lim dim mắt như muốn ngủ và Tuệ đang chăm chú lắng tai một người bên khối một nói về văn hóa miền Nam.
Đa số phát biểu của họ không khác quan điểm của tờ Nhân Dân mấy nếu không phải là còn văn vẻ bóng bẫy hơn trong tay của những vị có bằng cấp và từng làm văn hóa này! Họ hùng biện lắm và chỉ có Hai Bào mới có thể cắt đứt nguồn cảm hứng dài dòng của họ. Tất cả đều là bồi thẩm lên án một tội ác đã qua và bản cáo trạng được mọi người thuộc nằm lòng khi phát biểu. Tương đối không có gì khó khăn với đám người chiến bại này khi lập đi lập lại những gì mà người cộng sản muốn còn việc họ nghĩ gì thì mặc họ. Nhưng khi Nguyễn Duy Kiệm lên tiếng:

— Đế quốc Mỹ và tay sai đã ngụy tạo lịch sử khi bắt trẻ con miền Nam học địa lý một nước Việt Nam bắt đầu từ vĩ tuyến 17 và sử liệu lập quốc căn cứ trên sự chia cắt đất nước cố tình tạo ra hai nước Việt Nam riêng biệt.

Lúc này Dương mở bừng mắt và Tuệ đưa tay xin phát biểu:

— Tôi phản đối và xin mọi người tôn trọng sự thật. Không hề có việc ngụy tạo lịch sử như ông Kiệm vừa mới nói. Sử ký, địa lý miền Nam lúc nào cũng bắt đầu bằng một nước Việt Nam hình cong như chữ S và giòng giống Tiên Rồng. Thử hỏi người nào trong chúng ta và con cháu không học và không biết nước Việt Nam bốn nghìn năm văn hiến và đất nước trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau?

Thấy mọi người chăm chú nhìn mình, Nguyễn Duy Kiệm có vẻ lúng túng và lên tiếng:

— Các ông không biết sự thật và không tin nhưng tôi biết và tôi tin như thế.

— Ông trả lời mơ hồ, tôi không cần biết đến niềm tin của ông nhưng tôi cần sự thật và sự thật nào làm cho ông nói chuyện không thành có? Thử hỏi những người hiện diện nơi đây ai là người cho rằng những lời ông phát biểu là đúng sự thật?

Nghe Tuệ lớn tiếng Hai Bào thấy không khí có vẻ gay gắt nên ngừng ghi chép và nói:

— Các anh cứ phát biểu bổ sung và ý kiến của các anh rất có ích không những cho các anh mà còn cho cách mạng.

Thái nói:

— Tôi đồng ý với phát biểu của anh Tuệ. Những gì ông Kiệm nói hoàn toàn sai với sự thật. Không thể vì một sự thật này mà bóp méo một sự thật khác...

Dương thúc vào hông Thái làm dấu nên ngưng phát biểu thì một số người khác lên tiếng phản đối ông Kiệm.

Ông Kiệm từ tốn và chậm rãi lên tiếng:

— Thực ra các anh không hiểu sự thật để tôi thí dụ cho các anh rõ. Các anh có biết cuốn sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” của Bình Nguyên Lộc hay không? Trong hơn nghìn trang sách ông ta cố gắng minh chứng cái gốc gác Mã Lai của dân tộc chúng ta thử hỏi điểm này có người nào phủ nhận âm mưu Đế quốc Mỹ hay không?

Lúc này Thái lại thúc vào hông Dương vì anh biết Dương là con của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Dương vẫn im lặng và không lên tiếng trong khi vài người của khối một phát biểu ủng hộ ý kiến của ông Kiệm. Thái chưa đọc quyển sách này nhưng anh có đọc một số bài phê bình trên tờ Bách Khoa. Đại ý là số đông khen công trình nghiên cứu của nhà văn Bình Nguyên Lộc và giá trị ngữ học của quyển sách.

Thêm vài người khối hai và bốn thêm vào ý kiến tính chất phản động của quyển sách. Họ hình như đặc biệt nhắm vào đề tựa quyển sách hơn là đi sâu vào chi tiết nội dung của tác phẩm này nói gì! Lúc này Dương đưa tay lên xin phát biểu. Dương nhìn thẳng vào ông Kiệm hỏi:

— Theo như ông nói, chương nào của quyển sách minh chứng rõ rệt nhất âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai?

— Tôi không nhớ rỏ lắm nhưng hầu như toàn bộ quyển sách Bình Nguyên Lộc luôn luôn nỗ lực chứng minh tiếng nói của chúng ta xuất phát từ nhóm ngôn ngữ thiểu số của các bộ lạc sống rải rác trên những hòn đảo Thái bình dương. Điều này ngay từ lúc bấy giờ tôi cũng đã không chấp nhận được.

Dương không chú ý đến câu trả lời của ông Kiệm mà quay sang hỏi từng người đã phát biểu vừa rồi ủng hộ quan điểm của ông ta rằng ai đã đọc quyển sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”. Lúc này người nào cũng lúng túng trả lời rằng chưa đọc. Thái buồn cười lẫn chán chường cho đám người mang danh trí thức bằng cấp đầy mình này. Một cách ấu trĩ họ muốn chứng minh cho Hai Bào thấy rằng họ thuộc bài và là những người đã cải tạo được tư tưởng cũng như thông suốt đường lối cách mạng. Họ muốn trở về đoàn tụ với gia đình cho nên nhân cách và liêm sĩ họ không cần và có thể họ cho rằng nhân cách và đạo đức cách mạng có thể mang đến cho họ.

Dương nói:

— Thực ra tôi không bài bác ý kiến hoặc quan điểm của các anh. Điều tôi muốn nói là sự trung thực nên có của con người. Đối với tôi các anh chưa người nào thực sự đọc quyển sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” cả nên các anh không hề hiểu được quyển sách nói gì. Quyển sách chỉ là một công trình nghiên cứu ngữ học có chứng minh bằng phương pháp khoa học qua trích dẫn tham khảo và hoàn toàn không có tính chất chính trị. Khi một số nhà ngữ học Pháp cho rằng nguồn gốc tiếng Pháp xuất phát từ nhóm ngôn ngữ La Tinh không lẽ đó cũng là âm mưu của đế quốc La Mã và tay sai hay sao? Và quyển sách này theo ý của tôi phải để cho viện Khoa học Xã hội Hà Nội đọc sau đó có lời phê bình.

Buổi thảo luận chấm dứt bằng ba tiếng kẻng ngay sau khi Dương chấm dứt phát biểu. Tuệ vừa đi vừa nhổ nước miếng nói:

— Tôi tởm đám trí thức nhà một quá rồi! Miền Nam đã mất vào tay Cộng sản không phải là không có lý do!

Dương im lặng và Thái ôn tồn nói với bạn:

—Giận làm gì cho mệt xác, không phải chúng ta không gặp những con người ấy ngay trong thời gian còn đang làm việc hay sao! Ngày đó chúng ta không bằng lòng và phẩn nộ còn bây giờ sự giận dữ đã những không còn hợp thời mà còn ngu ngốc. Riêng tôi không tham dự vào các buổi họp sắp tới của tổ văn hóa nữa vì tôi thấy mình cổ lỗ trước trào lưu mới.

Dương và Tuệ dừng bước không nói thêm lời nào, bắt tay Thái như nhất trí trước quyết định ấy rồi ba người đi về phòng của mình trong tiếng gọi ầm ĩ đi lãnh cơm trưa của các tổ trưởng.
(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao