TỔ QUỐC TRĂM NĂM

 
 
 

(Tiếp theo)

Chương Năm

Buổi lễ ra trại đầu tiên của trại cải tạo Long Thành như một nhắc nhở ban đầu cho mọi trại viên là cách mạng luôn giữ lời mặc dù số trại viên được trả tự do chỉ có hai người. Một người thuộc khối một bị bệnh nặng và người thứ hai là thiếu tá Cầu của khối hai cảnh sát.

Khi biết ông lão khối một ra trại. Ông Đường lắc đầu nói nhỏ với Thái “Quan tha ma bắt” còn trường hợp Thiếu tá Cầu ông không bình luận nhưng nhìn thái độ và cử chỉ của ông chứng tỏ ông chịu thua. Sau buổi lễ ra trại được tổ chức sơ sài trên hội trường. Cán bộ giáo dục xuống từng nhà, từng tổ nói chuyện và trả lời thắc mắc. Vẫn bấy câu nói không thay đổi trừ căn tin có thể đóng cửa nay mai vì thiếu tá Cầu đã ra khỏi trại. Tuy nhiên ban lãnh đạo trại lo trước vấn đề này. Sẽ đặt hàng mua nhu cầu một tuần một lần.

Hai hôm sau một toán thợ nề lên và bắt đầu đào móng xây tường. Trình tự công việc không làm mọi người thắc mắc nhiều lắm. Lúc này ai ai cũng tự hiểu là mình phải lo kế hoạch lâu dài. Rõ ràng cách mạng đang tính toán thì chúng ta cũng phải tính toán chứ. Ông Châu tổ bốn nói:

—Vài ngày nửa sẽ có toán đào giếng lên để phát triển hệ thống nước cho trại viên. Mỗi nhà sẽ có một fontain tự động như hệ thống nước máy Sàigòn. Cán bộ có cho biết lúc đi lãnh báo tổ hồi sáng.

Dương rất thực tế tiếp lời:

—Rất tốt vì ở lâu vấn đề vệ sinh thật cần thiết. Mỗi nhà mỗi ngày một citern nước đâu có đủ. Bệnh ghẻ bắt đầu lan tràn ở khối một. Đầu nhà mình đã có một số người ngồi gãi suốt ngày.

Những thay đổi như là ân huệ và nhắc nhở mọi người rằng sự tự do mà mọi người hình dung trong từ cải tạo thật sự không có. Và có một số cán bộ không úp mỡ:

—Các anh nên có kế hoạch trồng cây ăn trái. Chỉ trồng rau cải chưa đủ. Xoài, mít, ổi rất thích hợp với đất đai ở đây. Chúng tôi hoan nghênh nếu các anh trồng các loại cây dài ngày.

Chánh bất mãn ra mặt khi nghe cán bộ nói như thế. Hắn đặt câu hỏi trực tiếp khi gặp Hai Côn ở hội trường:

—Chính sách cách mạng không rõ ràng làm thế nào mà chúng tôi tin tưởng được. Nói đi học tập một tháng bây giờ lại kéo dài là như thế nào?

—Các anh không tự xét mình. Chính sách cách mạng trước sau như một. Các anh nên nhớ rằng cách mạng khoan hồng tha tội chết cho các anh thì các anh phải cố gắng lập công chuộc tội. Và thời gian cách mạng luận công tội các anh sẽ có kẻ về trước về sau. Các anh cần thì giờ và cách mạng cũng thế. Tuy nhiên, đừng lo một thời gian ngắn nữa sẽ có chính sách cụ thể đối với những người lầm đường lạc lối.

Qua cách trả lời của Hai Côn, điểm quan trọng mà trại viên cần hiểu rằng tha tội chết là một ân huệ lớn lao của Đảng và Nhà nước cộng sản. Bây giờ chờ bản án nữa là xong. Nghĩ đến từ tội chết được khoan hồng thì cái bản án ấy không phải đơn giản được. Mọi dự tính hoặc lời nói bóng gió xa gần của các cán bộ cấp thấp bây giờ như được khẳng định. Hình như không còn hoặc không ai muốn thắc mắc nữa vì họ thấy rằng nếu có những sự việc nào nữa muốn biết ắt hẳn phải là sự việc phũ phàng.

Lúc về tổ, Chánh chửi thề nhưng không nói gì. Tối hôm ấy hắn hì hục viết thư dưới ánh đèn cầy. Thạc nằm cạnh cười hề hề hỏi:

—Bộ không thỏa mãn với câu trả lời của cán bộ hay sao mà viết đơn khiếu tố?

—Tao viết thư cho bà già yêu cầu lên bộ nội vụ gặp ông chú tập kết mới về hỏi bao giờ thì tao có thể về được. Má tao có nói ông đã khuân hai cái máy may và một cái máy hát sony rồi sao chưa thấy can thiệp cho tao trở về như ông đã hứa.

Chánh ỷ lại vào người chú làm lớn ở bộ nội vụ nên bạo mồm bạo miệng. Thạc bình thản với lập trường trước sau chỉ hai ba tờ tự khai nên nếu có đợt ra trại lần nữa chắc chắn sẽ có hắn tuy rằng hắn không hiểu bao lâu nữa mới có đợt thả khi Hùng tổ năm hỏi.

Nghĩa tổ trưởng trả lời có thể vào những dịp lễ vì hắn nghe cán bộ nói. Sau đó hắn thông báo bộ nội vụ đang sắp xếp để gia đình có thể gửi quà cho trại viên. Nghe tin này hầu như ai cũng đoán được quãng đường sắp đến mà họ phải đi.

Thái tăng cường thời gian tập thể dục buổi sáng. Thay vì chạy một vòng khuôn viên trại mỗi sáng anh tăng lên hai rồi ba vòng. Và mỗi ngày chạy anh nhận thức cái vòng rào xây kín dần cho đến tháng tám trước khi đổi tiền cái vòng tường cao hoàn tất với tám vọng canh tám hướng.

Lúc này không ai bình luận gì thêm mà chỉ chăm chỉ lao động cũng như tập thể dục cho đến hôm đổi tiền như một biến cố quan trọng dù ở trong trại cải tạo. Từ năm giờ sáng đã có lịnh nội bất xuất ngoại bất nhập. Trại viên nào muốn đi cầu cũng phải xin phép cán bộ tuần tra. Đám bộ đội tăng cường khoảng hai trung đội với súng ống tua tủa như sắp sửa ra trận. Không khí căng thẳng cho đến khi cán bộ chính thức thông báo lệnh đổi tiền trên toàn quốc mọi người mới thấy nhẹ nhõm. Nhà trưởng làm danh sách trại viên có tiền đổi và mang lên hội trường nhận tiền mới. Qua lời của Ca từ hội trường về mới biết khối ba có lẽ là khối nghèo nhất. Trong hơn ba trăm người còn lại của khối ba không ai có hơn năm mươi ngàn đồng trong khi ba khối còn lại có người mang theo cả triệu tiền mặt.

Sau khi đổi một đồng tiền mới tương đương năm trăm tiền cũ, mỗi người chỉ được giữ hai trăm đồng theo qui định thống nhất cho cả nước. Thái cầm năm mươi đồng tiền mới săm soi. Trên mỗi loại giấy bạc không hề thấy hình danh nhân nào cả ngoại trừ lãnh tụ Hồ chí Minh. Theo cách trình bày tiền giấy của người cộng sản Việt Nam thì có lẽ từ A đến Z của lịch sử dân tộc tập trung vào một người duy nhất là Hồ chí Minh. Hồ chí Minh và đảng của ông ta đóng, mở cánh cửa lịch sử và mặc sức thao túng trong vai trò của phe cầm quyền độc tài. Chân lý hay gì gì đi nữa đều trong tay họ và họ ban phát nếu cần.

Tổng hợp từ các phương tiện truyền thông như phát thanh báo chí hằng ngày đảng cộng sản Việt Nam ban phát xuống cho nhân dân thứ thức ăn tinh thần tổng hợp mà thời gian đầu đại đa số nhân dân miền Nam thấy kỳ lạ. Ít ra sự tự do và giao tiếp với thế giới bên ngoài tạo cho người dân miền nam một thứ tinh thần độc lập và dân chủ. Trong khi đó với tác phong mới của người cộng sản nhân dân miền Nam thấy khó chịu dù bên tai lúc nào cũng có phương tiện truyền thông biện hộ cho cái áp đặt của họ lên đầu mọi người. Tuy nhiên đất nước thống nhất cũng đã là ước mơ của mọi người bên cạnh ấy, chiêu bài độc lập tự do hạnh phúc không phải là không hấp dẫn. Có thể cái mơ ước hiện thực ấy làm cho mọi người cố quên đi quá khứ dù quá khứ ấy chỉ mới ngày hôm qua cũng đã là một đống tro tàn mà không ai muốn bới lên lại.

Có thể nói đổi tiền là một biến cố lớn lao thứ hai cho người dân miền Nam sau biến cố ba mươi tháng tư. Tuy ở trong trại nhưng mọi người đều nhận rõ sự trọng đại của ngày đổi tiền qua báo chí phải đọc hằng ngày. Đổi tiền là một trong những chính sách hàng đầu của người cộng sản thực thi từng bước trên vùng đất mới giải phóng. Đổi tiền vừa kiểm soát được tài chính của từng gia đình vừa đánh tư sản mại bản và đằng sau là vơ vét tiền của vùng đất phồn vinh giả tạo như họ thường nói. Theo dõi những bài viết ca tụng việc đổi tiền Thái cùng bạn bè nhận rõ cái khốc liệt của những ngày này bên ngoài xã hội. Thái biết gia đình anh khó có thể tránh khỏi cơn sóng gió này. Anh trông cậy vu vơ vào tính chân thật và lương thiện của cha mẹ mình trên cái gia tài phải đổ mồ hôi hơn ba mươi năm mới có được.

Năm năm mươi tư chính sách cải cách ruộng đất của họ đã gây biết bao oán thù trong và ngoài đảng thì ngày hôm nay anh nghĩ người cộng sản rút bao kinh nghiệm máu xương ấy mà có biện pháp khôn ngoan độc ác hơn nữa. Cứ nhìn cách thức tuyên truyền của họ thì biết ngay. Làm thế nào mà không xúc động được khi người cộng sản khêu lên tấm lòng yêu nước thương nòi chia xẽ ngọt bùi để hi sinh cho đại cuộc dù đại cuộc này còn xa xôi mơ hồ lắm. Bao nhiêu điều họ hứa hẹn là bao nhiêu đòn cân não không phải cho người dân mà còn cho đảng viên của họ. Đảng viên thấm nhuần từ chính sách công khai cho đến những nghị quyết phổ biến nội bộ mà nắm vững đường lối chính sách của đảng và nhà nước để hướng dẫn quần chúng vào con đường mà họ vạch ra thường được công bố là kế hoạch năm năm hoặc mười năm. Chính trị là nền tảng của tất cả các hoạt động kinh tế tài chính đối ngoại. Mọi sinh hoạt từ trung ương đến địa phương thống nhất phục tùng quan điểm sách lược chính trị một cách tuyệt đối. Chính sức mạnh thật sự của cộng sản hình thành từ sự nhất quán này và sự nhất quán ấy là kết quả của phương pháp tổ chức tinh vi rút tỉa từ bao kinh nghiệm xương máu đã qua của bao đảng cộng sản đàn anh cũng như đàn em trên khắp thế giới.

Thái được Dương cho biết cấu trúc hạ tầng lẫn thượng tầng của tổ chức cộng sản. Ít khi có sự thay đổi trừ trường hợp cần thiết ngay cả dù khác biệt khu vực, văn hóa truyền thống. Niềm tin của người cộng sản không khác niềm tin tôn giáo mấy và đủ làm cho họ có tham vọng trên mọi lãnh vực. Dương nói, nhìn sâu vào bản chất cốt lõi của đảng cộng sản chúng ta thấy đủ mọi thành quả đã qua của con người: quân chủ, phong kiến, thực dân, độc tài chuyên chế và trong tay họ những thành quả này được thực thi ở mức độ tinh vi khôn khéo hơn. Đảng cộng sản được xây dựng trên những hòn đá tảng này và tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước mà đảng cộng sản vận dụng để phát triển. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử làm cho họ phát triển tốt và cũng có thể làm cho họ suy tàn.

Thái hiểu ý của Dương, không bao giờ cái ác có thể tồn tại mãi mãi được dù đôi lúc cái ác biểu dương sức mạnh vô địch của nó như Raymond Aron đã phát biểu trong những ngày Sàigòn hấp hối. Chúng ta nên chuẩn bị cho những cuộc ra đi trong tương lai vì đến lúc nào đó người cộng sản ổn định chính quyền thì chúng ta trở thành người tù của chế độ và không còn đặc quyền gì nữa. Khôn ngoan hơn nên chuẩn bị trước cho gia đình biết khi viết thư về nhà.

Giá họ cho chúng ta được thăm nuôi một lần trước khi ra đi nhỉ! Dương nói như sắp sữa ra đi thật sự. Tuy nhiên Thái tin bạn, những lời nói của Dương không phải không có cái logic của nó dù điều này không ai muốn xãy ra.

Tháng thứ hai và tháng thứ ba trôi qua cùng những công trình hoàn tất từng bước trong trại. Đào giếng hoàn chỉnh hệ thống nước máy bắt đầu từ giữa tháng bảy với công ty khoan giếng của đế quốc Mỹ để lại toàn bộ. Lúc này trại viên hình như cũng từng bước thích ứng với hoàn cảnh hay dùng chữ của cộng sản là xác định vị trí của mình trong lòng dân tộc như họ thường nói mỗi khi lên lớp. Một số anh em trẻ của khối ba phát biểu mỉa mai công khai trước mặt cán bộ, chúng tôi là những đứa con hư lạc loài của dân tộc. May mắn đế quốc Mỹ đã để lại máy móc đào giếng cho những người tù chúng ta hưởng. Mãn ở nhà chín có biệt danh Ri Vơ Rét vì có bộ râu quai nón giống nhân vật chính của truyện dài Ruồi Trâu nói với bạn bè tụ tập chung quanh toán đào giếng ở Sàigòn lên đang dùng máy khoan thủy lực hút đất và nước phun ra ngoài. Một đám cán bộ đang nhìn chăm chú như lần đầu tiên thấy được phương pháp đào giếng hiện đại. Qua những lần xem đào giếng, trại viên cũng đã moi được một số tin tức ở Sàigòn.

Đổi tiền, đánh tư sản, đi vùng kinh tế mới là những tin nổi bật nhưng muốn biết thêm không ai gặt hái được gì vì cán bộ theo sát đám công nhân đào giếng để ngăn cách họ với trại viên cũng như tối đa giữ vị trí bí mật của trại cải tạo 15NV.

Với máy móc tối tân ấy, công ty đào giếng trong một tháng rưỡi đã hoàn tất công trình. Mỗi đầu nhà đều có một fontain nước được cung cấp từ một chateau d'eau trung ương ở cuối khối hai đảng phái và chỉ chảy theo thời khóa biểu. Cán bộ bảo, phải tiết kiệm nước vì mùa khô giếng có thể cạn. Trại viên thì thào, họ nắm nguồn nước của chúng ta. Có thể nói càng ngày trại viên càng có lối thủ thế riêng của họ và cái biểu hiện tất yếu nhất của họ là diện tích canh tác chung quanh nhà mở rộng dần. Sau giờ đọc báo, lao động hay lên hội trường, họ tìm vui trên mãnh đất của họ. Những mảnh đất vụn hai bên đường mương tiểu được họ khai thác tối đa. Bùn và nước tiểu vét từ dưới cống giúp vạt rau muống rau dền xanh tốt và tháng thứ ba những luống khoai lang đã cho củ. Nhìn thành quả này Thái nhớ đến chính sách NEP trong những năm tháng Lê Nin cầm quyền. Mảnh đất cá thể dù nhỏ bao giờ năng suất cũng cao hơn hợp tác xã.

Người thu hoạch đầu tiên cũng là Ba cám vì anh ta tiên phong trong phong trào lao động cá thể. Xách một sô khoai đi từ đầu nhà đến cuối nhà như khoe thành quả. Ghé chổ nằm của Thái, Ba cám đặt sô xuống trước mặt anh và nói:

—Ông một phần ba còn tôi hai phần ba.

Thái lắc đầu:

—Ông giữ mà ăn đi, chiều chiều buồn ra tưới cho vui chứ có công lao gì mà hưởng.

—Không được, một khi tôi về ông sẽ là người thừa kế tám luống khoai.

Ba cám nằng nặc đổ khoai vào tờ báo trên đầu chỗ nằm của Thái. Anh nói, thôi được tôi và Thạc sẽ nấu chè khoai mời anh.

Rau và khoai những tháng về sau đủ giúp cho trại viên cải thiện thêm bửa ăn nghèo nàn vì trừ những ngày lễ lớn mới có thêm cá thịt, hằng ngày chỉ có cơm và nước canh muối nấu với vài miếng bí đỏ hoặc rau muống nổi lềnh bềnh như nước cống. Đời sống của tù nhân rõ nét dần qua nhiều lần thay đổi cán bộ nhà. Cán bộ sau càng lộ rõ sự thù nghịch với đám ngụy quyền qua những lần họp nhà hàng tuần. Tất cả những sự giúp đỡ trước kia biến thành ân huệ của đảng và nhà nước. Và sau ngày quốc khánh thời khóa biểu lao động tăng dần lên. Mãnh đất phía sau khối nữ được phân chia cho từng khối.

Song song với việc phân công lao động, đi đêm màu hồng cũng thường xuyên hơn và hiện rõ nét phân loại thành phần. Số lượng người lên đường theo cấp bậc và chức vụ cũng như thành tích hoạt động. Đến hôm mùng hai tháng chín, trại tổ chức một lễ ra trại lần thứ hai với khẩu hiệu đặc xá nhân dịp quốc khánh thống nhất đất nước năm đầu tiên. Có mười lăm người được tha. Khối một tám người, khối hai bốn người, khối ba một người nữ và khối bốn hai người. Hai hôm sau tổng hợp tin tức mọi người cho biết ba người trong diện “quan tha ma bắt” còn lại đa số có thân nhân làm lớn trong bộ nội vụ.

Chánh im lặng không nói gì trong khi ấy Cương lấy tờ giấy bảo lãnh của ông bác làm đại tá quân đội nhân dân ngoài bắc ra đọc từng chữ như muốn thuộc lòng. Tuy nhiên hình như ai cũng cho rằng diện bảo lãnh đã phát huy hiệu lực chỉ còn tùy thuộc ưu tiên trước sau mà thôi. Các người có thân nhân là cách mạng thường tụ họp với nhau bình luận tương lai trong khi những người cu ki không nói gì ra ngoài luống khoai hay líp rau của họ làm việc hăng hái hơn như biết thân biết phận. Buổi lễ quốc khánh làm mọi người vui vì có thêm thịt cá. Hùng thực tế nói:

—Tôi chỉ mong một năm có trăm lần quốc khánh để bồi dưỡng. Hôm phụ bếp tôi đu chiếc cân xách mới biết trong ba tháng tôi mất ba ký lô các ông ạ. Cứ như thế này thì cũng đến lúc kiệt lực mà chết.

Thực tế thì dấu hiệu suy dinh dưỡng đã xuất hiện. Khá nhiều người sút cân rõ rệt và bên cạnh các thứ bệnh trong nhà tù bắt đầu bành trướng. Phù thủng, kiết lỵ, tiêu chảy và đặc biệt ghẻ hoành hành dữ dội. Dù có đủ nước để tắm rửa, xà phòng để sát trùng nhưng mỗi buổi sáng không thiếu những trại viên ra đầu nhà tắm nắng và gãi. Ghẻ ngứa lại hay lây lan, nhà của Thái hơn mười người bị ghẻ. Nặng nhất là Tâm cùng ban của Thái. Thấy Tâm dùng quạt đuổi ruồi như ong bay chung quanh hai cánh tay và hai bàn chân Thái thấy buồn cho bạn. Nhiều ý kiến trong việc chữa trị bằng thuốc nam cũng như thuốc tây đều ghi nhận và thi hành. Nhưng đâu cũng vào đấy không thấy hết ghẻ. Anh Tấn nói, bệnh ghẻ không phải một sớm một chiều dứt được ngay. Theo anh ghẻ là thứ bệnh nhà tù không ai có thể tránh khỏi. Dù có thuốc men, sống tập thể điều kiện vệ sinh cá nhân không ai giống nhau nên ghẻ là người khách không mời mà đến. Làm khổ chủ đau đớn rồi có ngày lặng lẽ rút lui. Thuốc đóng vai trò phụ về mặt tâm lý mà thôi. Anh Tấn nói đùa:

—Nói như chơi mà thật các chiến hữu ạ. Đừng lo lắng thái quá khi bắt đầu muốn đánh đàn.

Mọi người giải tán khi nghe tiếng kẻng tập họp đọc báo buổi chiều. Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu vào chiến dịch đánh tư sản mại bản. Cuộc chiến này ai cũng hình dung ra được rất khốc liệt. Dù có bao nhiêu mỹ từ để gọi tên nó không che dấu cái mục tiêu tối hậu của người cộng sản: tiêu diệt đám tư sản vì đằng sau danh từ tư sản người ta có thể loại suy ra hằng bao nhiêu thứ phản động khác có hại cho cách mạng. Thứ cách mạng vô sản chỉ dung nạp giai cấp công nông mà thôi.

Thực tế cho thấy cộng sản Việt nam là một thứ xào nấu lại món cộng sản quốc tế cho hợp khẩu vị á đông và tùy vào khả năng của đám đàn em khu vực mà đảng cộng sản Việt nam tương đối có tiếng khá hơn đa số các đảng cộng sản khác đặc biệt anh cả Trung cộng khổng lồ sát nách. Cái tiếng tăm này có thể là sự thống kê từ những thanh toán và xung đột đẫm máu nội bộ đảng mà ra. Nói đến cộng sản người ta hình dung ngay Lê Nin, Stalin và Mao trạch Đông. Những lãnh tụ này không phải nổi danh vì tài lãnh đạo mà vì số lượng người chết dưới chân họ. Hàng triệu triệu xác chết này làm nổi cộm tiếng tăm tàn bạo và khát máu của các lãnh tụ cộng sản và khi đề cập đến họ ai cũng phải rùng mình ớn lạnh.

Đánh tư sản là tiêu diệt giai cấp ăn trên ngồi trốc ở thành phố. Cải cách ruộng đất là triệt hạ thành phần địa chủ ở nông thôn. Hai chiến dịch đang từng bước thực hiện ở miền Nam sau khi thống nhất đất nước và đối với đám cải tạo viên chế độ cũ này bước bần cùng hóa trước sau gì cũng không thể tránh khỏi được. Đổi tiền giúp guồng máy chính quyền cộng sản chạy nhanh hơn mà thôi. Trong hơn ba tháng dù không được tiếp xúc bên ngoài xã hội Thái hiểu thật sự một cuộc đổi đời.

Thái và đám bạn bè đọc báo để đánh hơi sự thật. Dù gì chăng nữa đám cải tạo viên khối ba này sống đã lâu trong môi trường phân tách và tổng hợp dữ kiện trong và ngoài nước. Họ cũng lăn lộn nhiều trên các mặt trận từ tuyên truyền cho đến xâm nhập để hiểu đâu là diện và đâu là điểm. Miền Nam bị bóc và lột thực sự như một củ hành. Tuệ ví von như thế cũng không sai. Dương nói thêm:

—Phía đằng sau cái phồn vinh giả tạo của miền Nam là sự nghèo đói. Cách mạng đang trả lại cái khuôn mặt thật của miền Nam là sự nghèo nàn và lạc hậu như cái loa phát thanh ra rả hằng ngày.

Thái hiểu cộng sản đang lấy tất cả những gì họ cần và bù đắp tất cả những gì họ mất mát trong những năm tháng chiến tranh. Họ đang làm công việc của đạo quân chiến thắng. Anh thở dài nói với bạn:

—Chúng ta phải chịu đựng gấp đôi cái chịu đựng của gia đình chúng ta.

—Chưa chắc đâu. Bên ngoài biết bao cái đau khổ hơn vì tuy biển rộng sông dài nhưng tiếp xúc va chạm sự thay đổi hằng ngày dễ làm cho con người ta uất ức khó chịu. Trong khi đó bên trong cái vòng rào này chúng ta yên chí với thân phận tù tội có phải là dễ chịu hơn không!

Dương trả lời và nói thêm:

—Thư của vợ tôi cho biết những sự thật đau lòng bên ngoài. Vì chúng tôi có code riêng nên cán bộ kiểm duyệt không hiểu rằng tôi tương đối nắm được những biến chuyển bên ngoài xã hội.

Thái và đám bạn thân mỗi chiều hay tản bộ xuống khu hội trường cạnh khối hai nói chuyện. Những câu chuyện không bao giờ dứt ấy bao giờ cũng an ủi các anh rất nhiều. Nó giúp mọi người chuẩn bị tinh thần và kiên định lập trường trong những ngày tháng vô định sắp tới.

Đã có hơn hai lần xét phòng. Thủ tục bình thường của trại giam. Thanh làm việc bên trung tâm thẩm vấn quốc gia nói như thế. Anh ta nói thêm:

—Càng ở lâu, lề thói của trại giam rất phiền phức nhưng là điều bắt buộc. Vì lý do an ninh, bất kỳ lúc nào anh cũng có thể bị xét hỏi và lục soát. Có thể mang anh ra tra hỏi lúc hai giờ sáng anh cũng phải chịu mà thôi.

Những lần xét phòng là những lần thu dọn vệ sinh vì không thiếu những thứ lĩnh kỉnh vụn vặt mà trại viên cho rằng cần thiết nên nhặt lấy khi đi lao động và mang về chổ nằm của mình. Đám hủ chao, giây kẽm, nắp bút, mẫu gổ, và trăm thứ linh tinh khác đầy cả một xe molotova sau khi xét xong và làm phòng ngủ có vẻ sạch sẽ hơn.

Sau lần xét phòng lần thứ hai vào tháng mười một mỗi người được phát hai cây kem đánh răng và một bàn chải. Cây kem đánh răng hiệu Hoa Mai và Ngọc Lan loại nhỏ và là sản phẩm của xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Bàn chải đánh răng của miền Nam còn in tên Perlon trên cán. Tube kem trừ nhãn hiệu in trên thân phần còn lại giữ nguyên vỏ kẻm màu chì rất thô sơ. Chánh nói nhỏ với Thái vì sợ antenne nghe:

—Cây kem đầu thế kỷ hai mươi.

Phải nói rằng sản phẩm xã hội chủ nghĩa làm một số người ngỡ ngàng. Thuốc lá Sapa mang hình dạng gói thuốc của thời kháng chiến. Bình luận sản phẩm hai dư luận trái chiều nhau. Một cho rằng xã hội chủ nghĩa có thế mà thôi không thể nào hơn được tư bản chủ nghĩa dù nêu cao khẩu hiệu lao động là vinh quang hay lý thuyết số lượng chất lượng. Đám người khác tả khuynh hay cho là mình khách quan hơn bảo rằng vì chiến tranh nên miền bắc không thể chú trọng đến mẫu mã, khi hòa bình thì sẽ khác và chờ xem. Đừng lấy sản phẩm của Mỹ ra mà so sánh như thế không công bằng.

Nói gì thì nói, không còn kem đánh răng tư bản miền Nam nữa thì cũng phải xài kem xã hội chủ nghĩa mà thôi. Lúc ban đầu có người cảm thấy mùi tanh và thiếu chất ngọt, nhưng riết rồi không còn cảm thấy nữa và họ quên đi những gì phía sau họ mà chấp nhận thân phận hiện tại.

Hai lần đoàn chiếu phim đến giải trí. Nhà trưởng Võ văn Ca nhắc đi nhắc lại “xem phim cũng là học tập đấy” trước khi mọi người khệ nệ mổi người một chiếc ghế con đóng dã chiến ra con đường chính giữa trại ngồi xem cuộn phim Gió Nổi do tài tử miền Bắc nổi tiếng Thế Anh đóng. Vẫn những loại hình nghệ thuật xã hội chủ nghĩa na ná như nhau không có gì hấp dẫn ngoại trừ mọi người các khối có dịp gặp nhau thăm hỏi và tâm sự mà không bị nội qui làm khó dễ.

Sau buổi chiếu phim, về phòng Kỳ nói với Thái:

—Thái có nhớ đến thầy Thụy dạy môn Công Dân lớp đệ tam ở Pleiku hay không? Hôm nay gặp thầy bên khối một.

Thầy bảo hai cha con đều đi cải tạo cả mà lại ở chung một trại. Bố của thầy Thụy làm Trung tá cảnh sát ở Nha Trang.

Kỳ nói thêm thầy Thụy đến ngày 30 tháng tư làm thẩm phán tòa án quân sự vùng hai và nhắc Thái chiều chiều tản bộ xuống hội trường khối hai sẽ gặp hai bố con thầy ngồi hóng mát bãi cỏ trước hội trường.

Kỳ và Thái không còn dịp gặp lại thầy Thụy nữa vì ba hôm sau một chuyến đi đêm mầu hồng đã vét cả hai cha con thầy đi mất. Chuyến đi hôm ấy gần ba chiếc molotova đầy ắp người. Khối ba cấp chủ sự phòng cũng lên đường gần hết. Rõ ràng cộng sản phân loại hẳn hoi. Thái đoán mỗi chuyến đi là mỗi lần an bài cho một trại giam và theo đà này có rất nhiều trại giam trên khắp toàn quốc.

Hai tuần lễ tiếp theo cán bộ an ninh thành ủy lên trại làm việc liên tục. Cộng sản dùng từ làm việc nghe rất nhẹ nhàng và dễ chịu để thay thế cho từ thẩm vấn và chùa Siêu Hình thường là nơi mà cán bộ quần thảo trại viên liên tục. Thái chưa lần nào bị gọi thẩm vấn nhưng nhìn đám cải tạo viên lục tục ra chùa và từ chùa trở về anh thấy hết sức khôi hài và mỉa mai. Kể việc này với Dương, anh ta mỉa mai:

—Tôi ra làm việc ngoài chùa đâu thấy sư sãi gì. Chỉ có cán bộ và bộ đội. Cộng sản đâu ưa gì tôn giáo dù tôn giáo giúp cho họ rất nhiều. Anh nên nhớ chổ nào có Mác thì không có giáo.

Người cộng sản mặc cảm đối với tôn giáo. Nhắc đến tôn giáo cán bộ miệt thị và khinh bỉ. Tôn giáo đối với họ ngoài lý thuyết mác xít xem tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng, tôn giáo còn biểu hiệu sự hèn nhát và mê tín. Thái độ này càng được đẩy mạnh đến tột cùng qua chiến thắng miền Nam thống nhất đất nước. Nhìn cử chỉ của cán bộ cộng sản khi nói đến Thiên Chúa giáo làm tôi sôi gan, ông Địch cay đắng nói tiếp:

—Không hiểu Chúa bao giờ mới trừng phạt cái đám vô thần ấy!

Vinh kéo Thái ra xa nói nhỏ:

—Sao ông cứ nói chuyện tào lao với đám người ấy. Coi chừng antenne đấy. Ông có biết bao nhiêu người phải ra đi đêm màu hồng vì antenne báo cáo hay không? Liệu mà giữ mồm giữ miệng.

Thái hiểu Vinh và tin bạn. Vinh làm việc cùng phòng nhưng con người biểu lộ chừng mực. Kín đáo và thận trọng. Những lời nói của Vinh không ai biện bác gì được. Lời anh nói ra có trọng lượng và chứa đầy bản lĩnh chính trị. Ở chung nhà nhưng Vinh hạn chế nói chuyện với Thái. Chỉ khi nào cần thiết Vinh mới nói với Thái mà thôi. Vinh có nhiều thành tích lúc hoạt động ngoại vi nhưng giờ này chưa đi đêm màu hồng có thể bởi anh ta khéo khai báo lẫn khôn ngoan trong suốt thời kỳ làm việc.

Những buổi trưa không chợp mắt được Thái thường sang gian bên nói chuyện với Vinh. Mấy tuần liên tiếp hể bước sang là thấy Vinh săm soi từng hủ chao trên tay. Vinh nói nhỏ khi nghe Thái hỏi:

—Tôi ước tính trọng lượng từng hủ để liệu khi gọi tên đi đêm màu hồng mình có thể mang theo được bao nhiêu.

Vinh cho biết mức độ dinh dưỡng của chao rất cao và vitamin nhóm B có trong chao giúp tù nhân không bị phù thũng trong hoàn cảnh ăn uống thiếu thốn. Tuy nhiên, Vinh cho rằng hoàn cảnh mỗi ngày một khó khăn liệu tất cả những dự tính của anh có thực hiện được hay không? Anh nói với Thái, chúng ta dù có bi quan nhưng tuyệt đối không đánh giá thấp người cộng sản. Cái thất bại của miền Nam do không phải chúng ta đã từng coi thường họ hay sao!

Cục diện chính trị không phải giản đơn như người Mỹ đánh giá. Họ quá chủ quan trong vị thế người giàu có có thể đè bẹp được đám cộng sản nghèo đói kia và chân lý trong tay của họ. Trong khi đó chúng ta chiến đấu và quyết định số phận của mình nhưng chúng ta chưa hề bao giờ độc lập trong suy nghĩ và quyết định trong hành động. Điều đáng hổ thẹn là chính chúng ta tìm cách tiêu diệt lẫn nhau vì danh lợi để tự làm suy yếu chính mình tạo cơ hội cho cộng sản từng bước phân hóa hàng ngũ từ hạ tầng cơ sở cho đến thượng tầng kiến trúc. Mâu thuẫn nội bộ là đầu mối chia rẽ để dần dần tan rã. Cuộc chiến tranh thắng lợi quyết định bằng khối đoàn kết toàn dân. Điều này chúng ta không làm được vì rất nhiều lý do nhưng điển hình có lẽ rõ ràng nhất là lòng dân không qui về một mối được. Từ năm 1965 trở đi nếu phân tích kỹ sẽ thấy rằng số phận miền Nam như mành treo chuông. Kéo dài được là nhờ hoàn toàn vào Mỹ. Chính sách của Mỹ đã làm cho chúng ta mỗi ngày một lệ thuộc vào họ và điều này không thể làm khác được vì hàng ngũ lãnh đạo của chúng ta vừa bất tài vừa vô đức. Lệ thuộc vào Mỹ đồng nghĩa với sự phủ nhận chính nghĩa của mình. Việc này lợi hại rõ ràng. Cộng sản luôn luôn nghiên cứu kỹ lưỡng đối phương và nhắm vào yếu điểm mà đánh trên cả hai mặt trận chính trị lẫn quân sự. Vận động trên cả hai mặt, Bắc Việt dần dần thu lượm kết quả tất yếu và chúng ta thua có phải oan ức gì không thì tự kiểm thảo mà thấy. Điều đau đớn là hậu quả sự thua trận không giản đơn chút nào cả! Chúng ta đang từng bước trãi qua bây giờ.

Vinh chua chát nói một mạch rồi thở dài nhìn bầu trời xanh nói:

—Trời đất bao la nhưng chúng ta cứ bị giam giữ mãi trong những mãnh đất chật hẹp không có lối thoát! Khi nào mới thoát khỏi cái định mệnh này?

—Sẽ có ngày tuy rằng đến ngày ấy chúng ta không còn khát vọng nữa!

Thái bi quan trả lời. Hai người chia tay về phòng với cảm giác nặng nề trong lòng. Mỗi lần trò chuyện với bạn bè là một lần Thái cảm thấy bứt rức và buồn bực. Quãng đời đi qua là nỗi cô đơn của một thế hệ bị ruồng bỏ, là những trái cây chín héo và tàn úa vì những trái ngược và xung đột của thời đại. Không phải đám bạn bè chung quanh anh dù trong trại hay ngoài đời cũng vẫn là những ốc đảo trơ trọi hay sao?

Trung tuần tháng chín, mỗi trại viên nhận được một tấm ván giường và một chiếc chiếu nilon. Tấm ván gổ thông vừa vặn cho chiếc chiếu đơn một mét hai mét. Tấm ván lót mới đóng bào nhẵn hẵn hoi nhưng chiếu thì có chiếc mới chiếc cũ. Chiếu cũ có chiếc sờn cả hai bờ mép vải. Tất cả màu xanh dương. Đám cải tạo viên thì thầm với nhau, chiếu của trại giam Chí Hòa. Sau khi phát chiếu xong, cán bộ giáo dục khối thông báo tiếp:

—Trong thời gian ngắn nữa trại sẽ phát mỗi người hai bộ quần áo. Có quần áo để đi lao động mà thay đổi. Quần áo riêng các anh mang theo chỉ dùng để mặt khi về đoàn tụ gia đình.

Cái gia sản của mỗi người tăng dần theo thời gian và trở nên thân thiết khó có thể xa rời dù đó chỉ là chiếc bát nhôm thủng được hàn vá lại hay chiếc dép lốp đứt một quai. Tất cả có thể dùng được khi cần. Những tấm tole hư đều được trại viên tận dụng. Đặc biệt đám trại viên khối ba rất khéo tay. Trong tay họ những tấm tole thủng biến thành những chiếc thùng thiếc hay xô chứa nước mưa để uống hoặc tắm giặt. Và mỗi khi có chuyến đi đêm màu hồng họ lại bàn giao cho người ở lại.

Đầu tháng mười trong trại tất cả bốn khối chỉ còn hơn nghìn người. Những nhân vật cao cấp của bốn khối đã ra đi đêm màu hồng gần hết trừ khối nữ dù là cấp chánh án hay thẩm phán vẫn còn ở lại. Đặc biệt nữ Thiếu tá cảnh sát Thanh Thủy, biệt đội trưởng biệt đội Thiên Nga đáng lẽ cũng phải ra đi nhưng giờ chót được giữ lại. Những nhân vật tăm tiếng như Vũ hồng Khanh, Trần văn Tuyên, Trần minh Tiết, Huỳnh văn Cao từ tin hành lang cho biết đã chuyển ra bắc. Tin này rất đáng sợ vì nói tới trại giam Bắc việt ai cũng hình dung trại Đầm Đùn qua một tác phẩm vừa là hồi ký vừa là tiểu thuyết đoạt giải văn học tổng thống được phổ biến rộng rãi tại miền Nam. Tác phẩm mô tả một địa ngục có thật cho tù cải tạo tại Bắc Việt trong thời kỳ Việt Minh. Ban lãnh đạo trại lại phổ biến thêm nội qui mới gồm hai mươi bốn điều làm khó khăn hơn cho trại viên trong việc giao tiếp liên lạc với nhau. Tuy nhiên trại còn dưới sự quản lý của bộ đội nên việc thi hành kỷ luật chưa được chặt chẽ lắm. Lúc này mọi người tự hiểu thân phận cũa mình qua những biến chuyển từng bước của trại. Hầu như ai cũng chờ chính sách vì chính sách mới quyết định được rõ ràng số phận từng người. Những lần họp tổ, trại viên thường đưa nguyện vọng lên ban lãnh đạo trại. Đa số yêu cầu nên có án cụ thể vì mỗi người cần biết rõ mình bị cải tạo bao lâu mà có phương án để dự phóng cho tương lai cũng như viết thư về sắp xếp gia đình.

Trả lời nguyện vọng chung của trại viên trong một buổi họp toàn trại trên hội trường cán bộ Hai Côn cho biết:

—Những yêu cầu của các anh là chính đáng thôi. Tuy cách mạng còn nhiều việc phải làm nhưng ban hành chính sách cho các anh học tập tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình là ưu tiên. Có thể trong thời gian ngắn nữa sẽ có chính sách cụ thể nhưng các anh phải nhớ rằng mỗi người đều được cách mạng đánh giá từ khi bước vào trại. Hạnh kiểm cá nhân, thái độ học tập cũng như chấp hành nội qui sẽ quyết định các anh trở về sớm hay muộn. Đặc biệt thành khẫn khai báo hay lập công chuộc tội là con đường ngắn nhất cho từng người.

Vẫn bao nhiêu luận điệu ấy được lập đi lập lại. Mỗi lần cần thông báo cán bộ thêm chi tiết vào như gia vị cho nồi nước cháo nhạt nhẽo bớt vô vị. Nhưng phương pháp giáo dục của cộng sản không phải không tác dụng đối với cải tạo viên. Cái tác dụng về lâu về dài như trận đòn vô hình mỗi lúc mỗi thấm sâu vào da thịt. Và thấm thía hơn cả là sự nhận thức rõ ràng cái thất bại nhục nhã của một chế độ chính trị dù đôi khi có một số người còn ấm ức về chuyện đã rồi.

Không phải những người này suy nghĩ sai, trái lại họ nói chính xác về tinh thần chiến đấu dũng cảm để bảo vệ chính nghĩa tự do căn cứ trên sự thật hiển nhiên hằng ngày ngoài mặt trận. Họ nói về khát vọng chiến thắng cộng sản, sự hi sinh gian khổ của bao chiến sĩ Cộng hòa nằm gai nếm mật chịu thiệt thòi để đạt đến một mơ ước hòa bình sau khi quét sạch chủ nghĩa ngoại lai ra khỏi đất nước. Sự sụp đổ nhanh chóng trong vòng bốn tháng khiến họ ấm ức và đôi lúc không tìm được giải thích thỏa đáng. Mọi giải đáp đã không làm họ thỏa mãn vì dù gì chăng nữa chính họ đã cầm súng chiến đấu và đã có những chiến thắng lẫy lừng. Hình ảnh bi tráng của Bình Long An Lộc, Kontum, tái chiếm cổ thành Quảng Trị làm họ đau đớn hơn trong hồi ức và nghẹn ngào khi thầm thì với nhau những đêm khuya ngồi uống trà ngoài sân.

Thái không ngoại lệ. Anh không từng là con đinh ốc trong bộ máy chiến tranh của miền Nam hay sao! Hồi tưởng và nhắc lại những trang sách của Phan Nhật Nam một số người rơm rớm nước mắt. Thái im lặng kính trọng niềm đau đớn của bạn bè cùng cảnh ngộ như chính nỗi đoạn trường trong lòng anh. Anh biết có thì thầm tâm sự phần nào giúp vơi đi những nặng nề trong lòng dù rằng càng nhắc lại quãng thời gian mà ai cũng lãnh phần trách nhiệm trên từng tất đất miền Nam càng khiến vết thương trong lòng họ khó lành lại được. Riêng anh sự cáo chung của một chế độ không khó hiểu lắm ngoại trừ nổi bi phẫn chủ quan của anh đối với những con người nắm vận mệnh miền Nam mà đa số giờ này chạy ra nước ngoài. Họ có suy nghĩ về đồng bào và chiến hữu của họ đang nằm trong vòng kiềm tỏa của cộng sản hay đang cố gắng giải thích sự tan rã là tất yếu vì sự bỏ rơi của anh bạn đồng minh Hoa Kỳ ?

Đầu tháng mười một Thái nhận thư gia đình cho biết cha mẹ đã hồi hương về Pleiku. Căn nhà tại Sàigòn giờ chị và hai em anh ở. Lá thư của chị anh nhắc nhở bổn phận và trách nhiệm của anh trong trại cải tạo giống như cán bộ Hai Côn nói chuyện với trại viên hàng tháng trên hội trường. Lá thư nhắc xa gần đến một người chú họ nào đó đi tập kết trở về làm lớn trong ngành tài chánh có thể sẽ bảo lãnh cho anh sớm về đoàn tụ gia đình. Anh biết gia đình đang an ủi anh để anh yên tâm mà chấp hành kỷ luật trại giam cộng sản. Gia đình anh nhắc thêm rằng anh độc thân không phải lo gì cho gia đình chỉ ráng mà học tập để chờ ngày được chính phủ cách mạng khoan hồng.

Những ngày lễ của Cộng sản thực sự là niềm vui của tù cải tạo. Trong những ngày này ai cũng được nghỉ và khẩu phần ăn thay đổi. Có thêm thịt cá để ăn trở thành nổi ám ảnh cho đám tù chính trị khi cuộc sống dần dần khó khăn hơn trong gọng kềm mỗi ngày một siết dần. Hết thời vàng son dùng tiền để mua thêm thức ăn. Không còn buôn bán và liên lạc với đám công nhân nhà bếp vì trại viên dần dần thay thế khâu ẩm thực. Đến đầu tháng mười hai trong trại chỉ còn trại viên và cán bộ. Các tổ của từng khối thay phiên nhau trực nhà bếp. Chẻ củi, đun nước, nấu cơm và chăm sóc đàn heo cải thiện là nhiệm vụ của tổ trực. Và các tổ biên chế lại để trám lắp những người đã ra đi đêm màu hồng. May mắn tổ của Thái chưa có người nào ra đi nên còn nguyên vẹn mười người như ngày mới vào trại.

Mãnh đất phát quang ngày trước phủ kín một màu xanh khoai lang. Chung quanh hàng rào là đám cây ăn trái dài ngày đa số là mít xoài cũng từng bước lên cao dần theo tuổi của tù cải tạo. Cán bộ Hai Côn tuyên bố:

—Tết nguyên đán sắp đến, nhà nước sẽ khoan hồng cho một số người về đoàn tụ gia đình. Số còn lại thì yên tâm chờ đợt kế tiếp. Ngay từ bây giờ các anh phải lo tổ chức vui chơi cho ngày Tết. Sẽ có bánh chưng bánh tét, đốt pháo múa lân không thua gì ngoài xã hội. Chúng tôi mong rằng các anh yên tâm lao động và cải tạo tư tưởng vì nhà nước lúc nào cũng quan tâm và lo cho các anh từ vật chất đến tinh thần.

Dừng một chốc Hai Côn đổi giọng thân mật:

—Cuộc sống dù khó khăn cách mấy các anh cũng phải ráng vượt qua. Cách mạng hiểu rằng rời bỏ cuộc sống giàu có êm ấm để vào trại cải tạo với những khó khăn bắt buộc các anh không dễ chịu đựng ngay được nhưng các anh hãy nghĩ đến những chiến sĩ cách mạng đã phải gánh chịu gấp nghìn lần sự đau khổ ngày nay các anh đang trãi qua mà có một tinh thần tích cực khắc phục mọi thử thách để sớm ngày đoàn tụ gia đình.

Buổi tối mọi người được thêm một chén chè đậu xanh. Dù nấu với đường mật dư vị chua nhưng ai cũng cảm thấy ngọt lịm. Từng nhóm trại viên ngồi uống trà và cà phê ngoài sân. Một số người tụ tập cuối nhà Thái ở nghe Long và Ngọc đánh đàn. Những bản tình ca mà ai cũng có một thời say mê được bàn tay điêu luyện của Long và Ngọc tấu lên theo kỹ thuật cổ điển làm mọi người như chết lặng. Hai người thay phiên nhau chơi một mạch hơn năm mươi bài và thỉnh thoảng dừng lại uống hớp trà rồi tiếp tục. Họ chơi nhạc như cảm thông nổi đau khổ thiếu thốn của bạn bè và dường như thách đố với dòng nhạc đỏ mà hằng đêm mọi người phải gân cổ lên hát. Dù có một vài lính canh đến gần lắng nghe nhưng nhạc không lời đối với họ như vô hại.

Long dừng chơi khi nghe tiếng kẻng báo ngủ trong khi mọi người như tiếc rẽ phải chấm dứt buổi độc tấu ghi ta. Tuệ nói với Thái khi chia tay đi ngủ:

—Thỉnh thoảng nghe nhạc như xã sú páp hay tìm lại chút quen thuộc quá khứ.

Sáng thứ sáu Thái không đi lao động vì cảm thấy nhức đầu và khó chịu. Anh lên bệnh xá khai bệnh. Lúc ngồi chờ đến lượt mình, anh nghe hai trại viên khối một ngồi bên cạnh than phiền:

—Hết thuốc tôi mới lên đây. Cái thằng y tá bộ đội xấc láo lắm. Lớn tuổi như chúng ta mà nó cứ coi như ngang hàng. Mở miệng thì chửi thề, bệnh gì thì cũng bảo khai láo.

Thái nghĩ ngay đến thân phận tù tội. Lúc nào cũng phải xác định chỗ đứng của mình. Hai Côn không thường nhắc đi nhắc lại là gì. Không ngoài có ý nhắn nhủ đám người chiến bại đừng ảo tưởng.

Anh bước vào phòng khám thấy y tá Hùng đang ngồi hút thuốc lào. Kéo hết nỏ thuốc, chiêu ngụm trà rồi lim dim đôi mắt một chốc hắn quay sang Thái xấc xược hỏi:

—Bệnh gì, không chây lười lao động đấy chứ.

—Bị cảm bác sĩ ạ. Tôi đang sốt đây.

Hùng bước đến sờ trán anh rồi bảo:

—Sốt nhẹ uống hết bốn viên át pi rin là khỏi ngay.

Hắn cầm gói thuốc trên kệ vất về phía Thái rồi quay về phía cửa gọi người kế tiếp.

Thái bước ra khỏi bệnh xá, cảm thấy chóng mặt nhưng cố gắng đi về phía nhà mình thì gặp Hoàng xách túi vải đi về phía khối một. Thấy anh Hoàng hỏi:

—Bệnh phải không? Có cần châm cứu tao châm cho.

Thái lắc đầu nói. Mày tính dùng tao để thí nghiệm phải không. Có thuốc cảm thì cho tao vài viên.

Hoàng bảo Thái chờ một chốc rồi móc túi lấy quyển sách đưa cho Thái nói:

—Sách mới, đọc xong trả thư viện dùm tao. Về phòng nghỉ chút nữa tao đem thuốc sang.

Cuốn tiểu thuyết Nga “Xa Mát cơ va” dày cộm. Thái cầm lên rồi đặt xuống. Mỗi cuối tuần anh thường lên thư viện của trại mượn sách về đọc, tiểu thuyết không có bao nhiêu phần còn lại đa số sách chính trị. Quyển “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên dành lấy thắng lợi mới” của Lê Duẫn được nhiều người mượn đến nổi cái bìa rách tả tơi.

Đám trại viên trại cải tạo Long Thành đọc sách ngấu nghiến đến nổi sinh hoạt hàng tuần biên bản nào cũng yêu cầu thêm sách cho thư viện. Dương nói đùa:

—Đám chúng ta đọc sách như ấm ức về cái thất bại đã qua. Biết đâu tìm trong cái đống sách lý luận chính trị ấy ra được cái lý do mà miền Nam sụp đổ phải không?

Thái nhìn những ông lão khuân bộ Tư Bản Luận từ thư viện về buồng thật buồn cười. Một ông còn nói:

—Tôi đọc bộ này lúc tôi còn học ở Sorbonne. Lần này đọc có thể hiểu Marx nói gì chứ lúc bấy giờ chịu thua.

Phải nói đám trại viên Long Thành là đám khoa bảng. Dù gì họ cũng là những người nắm giữ đại đa số guồng máy lãnh đạo miền Nam. Họ có học nên họ nhìn vấn đề dưới con mắt phân tích và tổng hợp. Tuy tù tội, họ rất bình tĩnh. Nhìn họ sinh hoạt Thái thấy có chút triết lý cuộc đời tuy rằng cái quan trọng nhất mà Thái thường tự hỏi: Họ có cảm thấy trách nhiệm của mình trong cái thất bại nhục nhã đã qua hay không vì thực tế so sánh với kẻ thù, cộng sản còn thua kém quá xa trong nhận thức và trình độ trí thức để mà lý luận về sự hơn thua của một cuộc chiến tranh.

Nhưng đôi khi Thái thấy mình trẻ con khi đặt vấn đề như thế. Cuộc chiến nào không có lúc chung cuộc. Phải có phe thắng phe bại là chuyện tất nhiên. Tổ quốc trăm năm sẽ phán xét ai đúng ai sai. Còn anh cũng như bạn bè là con cờ trong ván bài lịch sử. Ấm ức là phản ứng tâm lý nhất thời còn về lâu về dài là chiêm nghiệm lịch sử. Hai việc ấy lần lượt tiếp nối nhau. Mới chỉ có sáu tháng mà thôi, còn đủ thời gian để trả lời. Anh tự nhủ như vậy và nằm yên cố ru giấc ngủ trong ngày nghỉ bệnh.

Những ngày cuối năm trại cải tạo Long Thành nhộn nhịp hơn vì tiếng trống và phèng la đánh ầm ĩ của đội lân đang tập dượt. Chuyện vui chơi hầu như xuất phát từ khối ba tình báo. Đa số trại viên trẻ tuổi mà đa năng vì công việc ngày xưa đòi hỏi họ năng động trong nghề nghiệp. Quang ban nghiên cứu và Phúc ban an ninh nội bộ giữ đầu lân. Con lân của họ tuy râu đen nhưng múa khá hay vì có nhiều cố vấn chỉ bảo. Ông địa do Thịnh ban bảo vệ yếu nhân đảm trách. Ông Tán nói:

—Thằng Thịnh không cần mang mặt nạ vì tướng nó đi có khác gì ông địa đang nhảy múa đâu!

Thịnh đen đúa, thấp người bụng to khệnh khạng như một hủ chao ớt biết đi thích thủ vai ông địa vì hắn năm nào cũng theo đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường trong Chợ Lớn đi múa khắp các quận nội thành. Nghe anh Tấn hỏi lý do Thịnh trả lời:

—Tôi đi theo là vì ham vui, các anh phải biết tôi theo đoàn lân từ năm tôi mười tám tuổi và tính đến nay đã hơn mười tám năm. Tôi thích cái không khí rộn ràng nhộn nhịp của đoàn lân nên không có cái tết nào thiếu tôi cả. Ngay cả tết Mậu Thân tôi cùng đoàn lân ngủ dưới hầm trong khi đạn 105 bắn trên đầu.

Con lân của trại cải tạo Long Thành do trại viên tự chế, rồi tự biên, tự diễn. Đội lân có mười người. Ông bầu, ông địa, bốn người múa lân hai người đánh trống và phèng la, và hai người biểu diễn võ thuật.

Sơn và Hùng thuộc ban ngoại vụ đảm trách múa võ. Hai người thuộc võ đường Sa Long Cương trước kia. Sau khi thấy Sơn biểu diễn bài Lê Hoa độc kiếm, bà Xuân chánh án tòa án quân sự chép miệng nói:

—Khối ba đa tài thật! Thế mà có ngày hôm nay!

Ông Lộc thở dài:

—Chúng ta có ngày hôm nay và chưa biết ngày sau thế nào?

Thái đứng cạnh thấy nói thêm:

—Thế sự man man nan tự liệu mà!

Ngoài hội trường ban hợp ca do Vũ thành An đảm trách đang tập dượt những bài hát cách mạng mùa xuân. Bản nhạc Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Phan Huỳnh Điểu được viết lại hòa âm nghe cũng êm tai lắm. Xen kẻ vài bản tình ca lồng trong bối cảnh chiến tranh cũng được vài người đơn ca.

Phải nói ai ai cũng lục lọi tìm tòi trong giòng nhạc đỏ một tí nhạc vàng cũng như tính kỳ thị địa phương tự nhiên của con người. Cái ưa chuộng bao giờ cũng gần gũi mình nhiều nhất. Nhạc cộng sản được họ gọi là nhạc cách mạng, với đám cải tạo viên gọi nôm na là nhạc đỏ. Khi phải hát nhạc đỏ, họ cũng tìm tòi thứ nào có bà con gần xa với nhạc vàng nhiều nhất có nghĩa trước tiên là âm điệu nhẹ nhàng êm ái thứ đến là lời nhạc ít ra nói chung chung. Thứ chung chung này có nghĩa lúc hát lên không tự bôi nhọ phỉ báng mình như thứ nhạc làm vào thời điểm tháng ba tháng tư năm bảy lăm. Nhạc mà đám cải tạo viên Long Thành này thích thú đơn ca mang âm hưởng thi phú nhiều và đôi người còn cho là anh hùng ca. Ưu tiên một dành cho nhạc cách mạng sáng tác tại miền Nam. Thứ nhạc phản chiến hoặc du ca mà người cộng sản cho là có giá trị cách mạng. Tác giả thường là sinh viên phản chiến còn ở đại học hay đã vào khu như Trần long Ẩn, Nguyễn văn Sanh, Trương quốc Khánh... Thứ đến là dòng nhạc do đám nhạc sĩ cách mạng chính thống như “Lá Đỏ” và “Tháng tư “của Nguyễn đình Thi, “Nổi lửa lên em” của Xuân Hồng, “Yêu biết mấy những con đường” của Phạm Tuyên, “Việt Nam trên đường chúng ta đi” tương đối thỏa mãn những ca sĩ bất đắc dĩ khi bắt buộc phải gân cổ lên hát nhạc kẻ thù.

Bửu Uy khối ba và Trần thiện Ân khối một hợp đồng viết lại hòa âm và lời Việt bản symphony số 5 của Beethoven cho ban hợp ca tám mươi người. Khi trình diễn vào đêm tháng mười một trước đám khán thính giả đặc biệt của bộ nội vụ và ban an ninh nội chính thành phố Hồ chí Minh. Sau khi buổi trình diễn chấm dứt, một cán bộ của bộ nội vụ đeo kính trắng mặc quần xanh áo trắng học trò lên phát biểu:

—Các anh lao động nghệ thuật rất tốt. Nói chung là có trình độ. Chúng tôi lần đầu tiên mới nghe được một buổi trình diễn xứng đáng từ phong trào thi đua văn nghệ của trại viên cải tạo miền Nam. Chúng tôi thuộc Cục Trại Giam vào thăm các anh để chuẩn bị một chính sách cải tạo cho cả nước theo tình hình mới đòi hỏi. Các anh hãy yên tâm mà lo lao động và học tập. Đất nước thống nhất mong chờ ngày các anh trở về đóng góp công sức phục vụ nhân dân.

Theo cách phát biểu ấy xem chừng trong thời gian ngắn nữa sẽ có chính sách toàn diện cho thành phần viên chức chế độ cũ theo suy đoán của mọi người. Tuy nhiên danh từ “Cục Trại Giam” cũng phần nào nói lên sự thật một nhà tù với cái vỏ bọc sơn son thếp vàng là trại cải tạo. Bài bản của cộng sản chúng ta dần dần hiểu và thuộc lòng. Anh Tấn chua chát nói thêm:

—Một thời gian ngắn nữa vở kịch hạ màn. Không chừng lúc ấy thấy sau hậu trường dùi cui mã tấu cũng đừng ngạc nhiên.

—Ngạc nhiên gì trong khi các ông có nghe cán bộ thuộc cục trại giam nói đang chuẩn bị chính sách nhà tù cho cả nước. Cả nước phải cải tạo đấy chứ nào phải riêng gì chúng ta!

Chánh nói thẳng thừng với đám bạn thân cùng tổ đang uống trà buổi tối ngoài sân. Nhượng lấy harmonica thổi bản “Tình Xa” của Trịnh công Sơn như nhắc mọi người đừng chú ý làm gì đến cái ngoài tầm tay của mình.

Thực tế mọi người thầm hiểu nhiều hơn nói ra nhưng lúc này ai ai cũng mong chờ Tết đến với lý do giản dị theo nguồn tin bán chính thức là sẽ có một đợt phóng thích lớn. Đa số sẽ trở về và thành phần còn lại có thể được kêu án.

Ba cám đi lên đi xuống con đường giữa hai nhà mười một và mười ba như con thoi. Đầu cúi xuống rồi ngẩng lên như đang tính toán lung lắm trong óc. Thái chỉ Ba cám rồi hỏi Tuệ. Tuệ cười nói:

—Chắc chắn là tính toán bán khoai lang. Hai mươi luống đến kỳ thu hoạch ít nhất cũng được một tạ khoai. Hôm trước anh ta nói đi cải tạo mang theo chỉ có năm nghìn. Bây giờ rũng rỉnh trăm đồng bạc mới. Tính ra là một gia sản lớn qua các đợt kinh doanh gạo lức, cám, rau muống, cải. Mùa nào thức đó anh ta coi ban lãnh đạo như không có. Cần tiền vác rau đi rao bán các khối. Theo đà này nếu cán bộ gọi tên Ba cám cho về ngay lúc này, bảo đảm hắn sẽ xin ở lại.

Nhiều người khâm phục Ba cám lắm. Không phải cái tài kinh doanh trong trại giam mà cá tính của anh ta. Không hề than vãn hay sợ hãi điều gì, đầu cắt tóc ngắn như trọc, từ xa trông giống một chú tiểu Ba cám gặp ai cũng cười hề hề nói:

—Người ta có lý do để lo. Tôi không có lý do nên không lo. Tôi bán chút rau khoai lấy tiền khi cần dùng. Nào ai biết được lúc mình cần mà có tiền thì hơn không có. Chân lý ấy chắc chắn là ai cũng biết.

Ba cám độc thân nhưng ít khi nhắc đến đàn bà như một số người mỗi tối hay nói chuyện phiếm trước khi đi ngủ. Anh chỉ thích lao động đặc biệt là lao động cá thể. Ai hỏi lý do, Ba cám nói:

—Chính sách NEP của Lê Nin mới thực sự tạo ra của cải vật chất. Hợp tác xã với ruộng đất tập trung chỉ là hình thức, miếng đất sau nhà mới là chân lý.

Nghe Ba cám nói ai cũng chào thua. Dương nói với Thái:

—Ba cám là biểu tượng thành phần đau đầu của chế độ hôm nay. Nó là con đẻ của biện chứng pháp duy vật lịch sử. Ở Liên Bang Xô viết nó bàng bạc khắp mọi nơi. Tuy hữu hình mà vô hình vì nếu nói triết lý Mác Xít là hình thì nó là bóng. Nhưng dù là con đẻ của cách mạng nó lại phản cách mạng. Nhà nước muốn tiêu diệt nó, nó lại vẫn ương ngạnh tồn tại và từng bước vững chắc sinh sôi nẫy nở khắp nơi. Có thể nói nó là căn bệnh trầm kha bên trong thân thể xã hội chủ nghĩa. Rồi đây có dịp chúng ta sẽ chứng kiến tận mắt cái ung nhọt dễ thương này.

Thái buồn cười với cách ví von của Dương về cái tiêu cực nội tại của xã hội cộng sản mà anh đọc được của các nhà văn đào thoát từ bên kia bức màn sắt. Tuy nhiên điều anh biết thêm được cái tiêu cực của xã hội chủ nghĩa không từ một ai đang sinh sống trong môi trường của nó ngay cả kẻ thù không đội trời chung.

Chuyến đi đêm màu hồng cuối tháng mười hai là chuyến cuối cùng của năm. Lần này cán bộ công khai, những chuyến đi nửa đêm là chuyển trại. Thành phần càng nặng càng đi sớm và nếu kẻ nào may mắn ở lại, con đường về đoàn tụ gia đình không xa.

Tết Dương lịch năm 1976 mọi người hả hê nghỉ ngơi. Đoàn lân chịu khó đi múa suốt dọc con đường giữa trại dù đang thời kỳ tập dượt. Hai Côn ra lệnh hạ ba con heo để trại viên bồi dưỡng. Nghe cứ như chúng ta đang lo việc nước. Ông Châu mai mỉa nói.

Hùng đang ngồi bó gối xem Dương và Lập đấu cờ tướng nói:

—Nói gì thì nói chứ có thêm thịt cá để bồi bổ sức khỏe chứ ăn rau mãi mà lao động như thế này trước sau gì cũng kiệt sức.

Thạc suỵt Hùng ra dấu hướng đầu nhà cảnh giác coi chừng nhà trưởng Ca. Lúc này Ca hăng hái lắm vì nghe đâu đáng lẽ hắn đã ra đi đêm màu hồng từ những chuyến đầu tiên nhưng vì ban lãnh đạo can thiệp với bộ nội vụ giữ hắn ở lại. Ca biết ơn cách mạng nên tận tình trong việc lập công.

Hôm đầu tuần Chánh bị mời ra căn phòng nhỏ đầu nhà làm việc với cán bộ giáo dục. Lúc trở về Chánh nói với các bạn là Ca đã báo cáo với cán bộ rằng Chánh còn tin tưởng và hi vọng nơi Mỹ sẽ trở lại qua việc Chánh hay tụ họp bạn bè hát nhạc Mỹ và nói đến các tài tử Mỹ. Chánh hậm hực nói:

—May mà tôi có ông chú làm lớn ở bộ nội vụ chứ tôi có thể lên đường đi đêm màu hồng những chuyến vừa rồi. Ca đã báo cáo nhiều lần nên các ông liệu mà giữ mồm giữ miệng đấy!

Chánh thích hát và có giọng tốt. Trong thời gian làm việc Chánh thỉnh thoảng có hát phòng trà. Những hôm rãnh rổi anh ta thường kể lại nghiệp cầm ca ngắn ngủi của mình và trước khi chấm dứt câu chuyện Chánh nói một cách ngậm ngùi, “tôi thi đậu tuyển lựa ca sĩ ở rạp Quốc Thanh khi mà ca sĩ Hải Lý còn ở truồng...nhưng làm gì được khi mà mình không có duyên phận với cái nghề mà mình yêu thích.” Buổi tối trước khi đi ngủ Chánh hay hát nho nhỏ một mình. Giọng ấm áp điêu luyện không ít thì nhiều cũng gợi lại một thời để yêu và một thời để mất mát đau khổ theo cách nói của Cương.

Thư từ trại viên vẫn nhận đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên độc thân như Thái và đám bạn trẻ rất chán nản với loại thư mà nội dung thân nhân viết không khác gì lời lẻ của cán bộ giáo dục trong trại. Hào hứng chăng ở những lá thư tình tứ của vợ và thăm hỏi của con đối với trại viên đã lập gia đình. Nhưng chỉ mới sáu tháng mà đã có những trại viên có gia đình nhận được lá thư nhuốm mùi tiêu cực dù họ cố tình giấu diếm. Mãi đến khi Thạnh được thư của gia đình la toáng lên là cô vợ trẻ mới cưới muốn ly dị thì Nhượng nằm bên cạnh Thạnh hỏi nhỏ, làm thế nào mà ly dị được khi kẻ trong trại người ngoài trại thì hắn chửi đổng:

—Nó muốn bỏ thì nó nói như thế. Chứ bây giờ cần gì nửa, tôi xem như đã chết rồi phải không các ông?

Câu chuyện vợ bỏ của Thạnh không thấy ai bình luận gì thêm có lẽ muốn tôn trọng chuyện buồn của bạn bè và cũng để tự nói với mình rồi đây chuyện gì cũng có thể xãy ra nếu còn ở lâu trong trại. Buổi tối khề khà nước trà trước sân anh Tấn nói nhỏ:

—Con vợ thằng Thạnh lai tây không vừa gì đâu!

Thái suy nghĩ vẫn vơ đến những bài học lịch sử. Thảm kịch chung mà phe thua cuộc phải chịu. Quyển sách màu đỏ với cái dấu hỏi to tướng ngoài bìa sách của bác sĩ... không nói rõ là gì. Cương bó gối hát nho nhỏ những bản tình ca ngoại quốc trong khi xa xa tiếng khẩu cầm của Nhượng gợi lên nỗi cô đơn của những kẻ tù đày.

Sáng hai mươi ba tháng chạp bầu trời đầy sương. Không khí trên đồi cao lạnh lẽo mang hơi hướm mùa đông miền trung làm Thái nhớ đến vùng quê hương Khánh Hòa. Ba giờ sáng anh trằn trọc mãi không bắt lại được giấc ngủ dở chừng, anh lại hồi tưởng những năm tháng thơ ấu không trọn vẹn của mình. Đang lan man với suy nghĩ thì nghe tiếng lào xào của cán bộ cộng sản ngoài sân. Có gì lạ đây, anh Tấn từ trong mùng nói vọng qua.

Thái ra khỏi mùng rón rén đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Một toán cán bộ đang nói chuyện nhưng không ai nghe rỏ họ đang nói gì. Thỉnh thoảng họ quơ đèn pin xa xa và sau đó giải tán. Anh Tấn nghe Thái kể dè dặt nói:

—Gần Tết rồi cầu trời đừng có thêm “chuyến đi về sáng” nào nữa!

Thái ngủ thiếp và giật mình khi tiếng kẻng báo thức vang lên inh ỏi. Buổi tập thể dục biến thành buổi nói chuyện của cán bộ nhà. Lãnh thức ăn sáng xong mười phút sau tập họp trước nhà cán bộ xuống làm việc. Có biến chuyển, Cương la lớn. Chánh quả quyết, có đợt tha lớn nhân dịp Tết. Ông Đường xách xô đi lãnh nước trà nói:

—Hi vọng các người nói không sai!

Chén cơm và củ cải muối điểm tâm hình như không được chiếu cố như mọi ngày. Thái uống ngụm trà ấm tự nhủ. Chưa đến lúc ta ra trại đâu nào! Sau khi cân đo tội trạng của mình, anh chuẩn bị từ tuần trước một lá thư dài cho gia đình nhờ Thạc mang về giùm. Anh tin rằng Thạc sẽ được về trong dịp Tết. Lá thư như lời nói chuyện thân mật mà lâu quá anh không được hàn huyên với người thân. Ngoài ra không có gì mới mẻ. Anh tự nhủ mình còn độc thân không nên lùng nhùng như đàn bà tuy thâm tâm anh vẫn thấy mình thèm thổ lộ với cha mẹ chị em như những ngày xưa cũ mỗi lần có dịp gặp nhau. Thạc hứa sẽ tìm cách an toàn giấu lá thư này và sẽ giao tận tay cho gia đình Thái.

Cán bộ Ba Kiên lấy trong cặp hồ sơ một danh sách và nói:

—Anh nào nghe gọi tên bước sang sắp hàng bên phía trái.

Có sáu mươi hai người được gọi, Thạc và ba Cám trong đám người ấy như Thái dự đoán. Họ là người được tha trong dịp Tết và ngay lập tức vào nhà sắp xếp đồ cần dùng để lên hội trường. Có tiếng reo khắp mọi nơi. Theo tình hình này có hơn ngàn người được phóng thích. Ông Châu nói với ông Đường đang rít thuốc lào nhiều lần như để tự chủ trước sự phỏng đoán sai lầm rằng không quá trăm người về trong dịp Tết này.

Khối nữ chỉ còn lại chín người. Chị Đẹp cùng ban với Thái may mắn có tên trong đợt tha này làm anh Nghĩa Trần vui mừng hơn ai hết vì đứa con gái tám tuổi của anh được mẹ trở về săn sóc. Ban của Thái phải nói là được cộng sản đánh giá nặng. Cúc và Anh là hai cô gái cùng ban còn ở lại trong khi đa số những cô gái khác ở rải rác các ban đều được tha trong dịp tết nguyên đán này.

Tổ năm mươi của Thái chỉ có Hùng là được may mắn. Tuy nhiên, Hùng dù sao chỉ là nhân viên gác cổng. Ở trong này làm gì thêm tốn cơm gạo như lời phê bình của ông Tán, giám đốc trị sự nhật báo Quật Cường. Hùng cười hề hề vác túi quần áo lên lưng nói với ông Tán đang quấn điếu thuốc rê vàng:

—Con về bố Tán có nhắn gì không?

Ông Tán với khuôn mặt buồn thểu não lắc đầu không nói lời nào. Anh Ẩn ngồi bó gối bên cạnh cũng không vui gì. Thái bước ra cửa nhìn cái cảnh nhộn nhịp khắp nơi kẻ về người ở thì nghe có người kéo vai. Quay lại ba Cám cười hề hề nói ngay:

—Không thể nào giữ được người mà quá trình hoạt động không quá ba trang giấy phải không ông Thái!

Thái không buồn trả lời anh ta nói tiếp:

—Ông ở lại chăm sóc tiếp mấy luống khoai lang của tôi. Tuần tới có thể thu hoạch nấu chè ăn tết.

—Sao ông không xin ban lãnh đạo trại ở lại mà thu hoạch.

Nghe Thái nói, ba Cám nói nhỏ:

—Nói chơi vậy thôi chứ tôi phải chạy đây để không chừng họ đổi ý. Chúc ông ở lại bình an sớm ngày trở về.

Thạc cũng đến bên Thái an ủi bạn:

—Tôi nghe nói sau Tết cũng có đợt tha. Hi vọng có ông.

Hai người bắt tay từ giã. Bạn bè thân của Thái không ai may mắn như Thái dự đoán trừ Trúc thuộc khối hai đảng phái được tha do Tuệ cho biết sau đó. Ban của anh quá nhiều ân oán với cộng sản. Đám Huỳnh tấn Mẫm, Phan công Trinh, Hạ đình Nguyên, Nguyễn tuấn Kiệt dễ gì để anh và bạn bè an ổn trở về. Bà con của Tuệ lên thăm tuần trước có nói với hắn là hể hồ sơ của Tuệ và bạn bè khi an ninh nội chính lôi ra nghiên cứu thì không bao giờ có được đề nghị tốt cả. Cô Sáu nói an ủi:

—Thôi ráng ở trong này thời gian ngắn nữa cho tình hình căng thẳng bớt đi. Đám sinh viên thuộc thành ủy còn cay cú lắm. Thời gian tới tụi nó phân công đi chổ khác lúc ấy cô sẽ lo cho con ra. Mà con nên nhớ lúc này ra ngoài cũng không an toàn lắm đâu.

Thái và đám bạn suy luận về một xã hội giao thời lúc này thì mấy ngày sau báo loan tin vụ án nhà thờ Vinh Sơn. Liên tiếp mỗi ngày phải đọc báo với chi tiết về vụ án và mọi người buồn cười với cách lập luận của tờ báo. Một số phóng viên cộng sản bôi nhọ dơ bẩn mà theo Thái có hại cho người cộng sản hơn là có lợi. Tuy nhiên với Dương thì sức mạnh trong tay của kẻ chiến thắng. Không cần bình luận gì ngoài khả năng nín thở mà qua sông. Ông Đường một con chiên thuần thành tăng cường thời gian đọc kinh mỗi tối như phản ứng lại vụ án Vinh Sơn. Vụ án chìm dần trong sự mõi mệt của đám người chế độ cũ đang học tập cải tạo tại Long Thành và họ chỉ có nét phấn khởi mơ hồ nào đó trong nỗi hi vọng có đợt tha vào dịp tết nguyên đán sắp đến.

Nhưng dù la hét ầm ĩ bao nhiêu chăng nữa vào buổi sáng có đợt phóng thích thì buổi trưa không khí trong trại đìu hiu làm sao! Biết trước phản ứng tâm lý này Hai Côn có cho nhà bếp làm ba con heo bồi dưỡng và nghĩ xã hơi một ngày. Chén thịt kho tàu đã phát cho mọi người nhưng hình như thiếu tiếng nói rôm rã hằng ngày trong buổi cơm trưa và người ta còn nghe rõ cả tiếng ruồi bay trên các xô cơm và thức ăn chia xong nhưng tổ trực không buồn mang trả cho nhà bếp. Chỉ có tiếng lao xao không ngớt của đám trại viên được tha trên tận hội trường càng làm nổi bật sự tương phản hoàn cảnh.

Buổi trưa một số trại viên lác đác ngồi dọc hàng hiên đăm chiêu nhìn ra sân. Nắng tháng chạp nhạt nhòa ràn rụa trên mặt đất. Đâu đấy ai đang đánh đàn và hát bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao nghe buồn làm sao! “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...”

Người cộng sản đang hưởng mùa xuân đoàn tụ đầu tiên sau mấy mươi năm xa cách thì đám người chiến bại này cũng sắp ăn cái tết đầu tiên xa gia đình. Chắc chắn nỗi đau và niềm vui nào cũng giống nhau. Chỉ có khác là hoàn cảnh lịch sử đã đổi thay và con người trong bối cảnh ấy lãnh chịu hậu quả tất cả những gì đã xãy ra. Ở đây không hỏi tại sao hay trả lời bởi vì này nọ được. Phải im lặng suy nghĩ và tự trả lời lấy. Câu trả lời không thể vì lý do cảm tính hay cá nhân mà nói ra. Người cộng sản có hơn hai mươi năm chiến tranh không từ một thủ đoạn nào để gặt hái cái kết quả hôm nay thì chúng ta không một ngày một bữa gì mà giải đoán ra cái chung cuộc mà chúng ta đang chịu.

Phản tỉnh là phương pháp tốt nhất. Nhìn chúng ta trong một tấm gương soi hay nôm na hơn xem lại từng phút giây cuốn phim Việt Nam. Thái thì thầm nói với ông Đường, một người tiêu biểu cho tinh thần chống cộng không phút giây nào suy giảm cả và có phần hăng máu hơn dù đã nằm trong tù. Ông Đường gật đầu nói nhỏ:

—Tôi chấp nhận ý kiến của ông. Chống cộng là lý tưởng của tôi không những với tư cách công dân mà còn trong vị trí con chiên của Chúa. Thua hay thắng không còn là vấn đề để suy nghĩ nữa. Chống cộng là chống cái ác mà chống cái ác thì bất kỳ nơi nào trên trái đất này ai ai cũng phải làm.

Ông Đường nói xong vớ cái điếu thuốc lào làm bằng hủ chao rít sòng sọc một hơi thật dài, lim dim đôi mắt như thỏa mãn với điều mình nói ra tuy rằng đôi khi ông hậm hực nói như để biện minh. Thái tôn trọng ông vì anh nghĩ đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình anh sẽ phải nói như ông, dù nói ra mà đáy lòng không cảm thấy an ổn tí nào. Tuy nhiên giải pháp của anh là hãy nhận lãnh trách nhiệm vì mình là con cờ trong ván cờ, là con đinh ốc trong bộ máy. Ít nhiều mình có tham dự trong đó và tự chủ hay không tự chủ là chuyện khác.

Trại được nghỉ lao động từ hai mươi tám và các nhà cử người xuống bếp gói bánh chưng. Tiếng trống múa lân làm Thái buồn chán. Anh đọc sách, những quyển tiểu thuyết và khảo cứu của Liên Bang Sô Viết dày cộm. Phải nói là khó đọc nhưng Thái tự bảo rằng phải tìm xem trong ấy có gì mới lạ hay không. Biết đâu mình có thể giải đáp được cái thắc mắc bấy lâu nay. Dương thỉnh thoảng nổi cơn nhưng đâu cũng vào đó, vài phút trôi qua anh trở lại trạng thái bình thường.

Hai mươi chín tết. Trại cải tạo Long Thành nhộn nhịp hơn. Toán trại viên nhà bếp thức đêm đun bánh. Ánh lửa bập bùng một góc trại. Nhìn khói cuộn lên trên nóc bếp, hình như ai cũng hồi tưởng lại những mùa xuân êm ấm đã qua. Ban văn nghệ trại hợp ca bản “Ly Rượu Mừng” của Phạm đình Chương tuy có sửa đổi vài đoạn cho có tính đảng nhưng âm vang của nó như khuấy động tâm hồn các trại viên một nổi buồn thấm thía.

Chiều xuống Thái và Vinh đi về phía hội trường. Vinh nói:

—Đa số các tổ đưa nguyện vọng xin được gia đình thăm nuôi vào dịp tết nhưng không được chấp thuận.

—Thăm nuôi sao được khi mà Bộ Nội vụ chưa công khai địa chỉ của trại và chưa có chính sách rõ rệt cho chúng ta.

Thái trả lời bạn và hai người hòa chung vào đám người mỗi chiều đi ngược xuôi trong trại như những kẻ nhàn cư. Những ngày cận tết này ai ai cũng dành nhiều tâm trí cho việc nhớ đến gia đình dù cán bộ luôn luôn nhắc nhở, “tập trung vui chơi ba ngày tết, đừng lo nghĩ nhiều đến gia đình mà ảnh hưởng đến việc học tập cải tạo. Mọi việc đã có nhà nước cách mạng lo.”

Những bài thơ xuân trong báo Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Học Tập như những thông tin về thời gian hơn là nghệ thuật dù có một số bài do những cây bút tên tuổi ngày xưa viết. Trong hơn sáu tháng đọc báo cộng sản, Thái và bạn bè thấy không khác với những thông tin mà họ đã đọc được trong thời kỳ chiến tranh. Miền Nam tuy tuyên truyền nhưng không xa sự thật mấy. Phải nói là một chín một mười nhưng sự thật ấy hoàn toàn không xoay chuyển được cục diện chính trị và quân sự. Miền Nam càng nói nhiều về tội ác cộng sản thì cộng sản càng tiến gần đến thắng lợi. Tại sao nhỉ? Nhiều lần Thái và bạn bè bàn cãi vấn đề ấy nhưng không tìm ra giải đáp.

Chúng ta có chủ quan hay không? Hoặc lòng yêu nước mù quáng tin vào chính nghĩa chỉ có bên chúng ta và chúng ta ngày càng thua chỉ vì trò trớ trêu lịch sử. Trên thế giới không phải không có những trường hợp độc tài thắng thế và nô dịch nhân dân trong một thời gian dài. Chúng ta cô đơn với nổi đau của riêng mình và không có may mắn tìm được một mãnh đất dung thân trong những ngày cuối cùng của chế độ miền Nam. Thái và bạn bè nhiều lần tự hỏi như thế và ở một số người lý luận lòng vòng trở lại cái hố rác muôn đời của những người chiến bại:“chỉ vì Mỹ bỏ chúng ta, hoặc Mỹ tạo ra một cuộc chiến tranh không được thắng...”

Có thật thế không? Phải chăng chúng ta thực sự đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng tự do, công bằng, dân chủ hay là chúng ta chỉ chiến đấu cho những khẩu hiệu mà Mỹ dựng lên qua trung gian của những tên tay sai tham ô nhũng lại. Chúng ta quyết định thân phận chúng ta một cách mơ hồ và cho đó là thật vì những người lãnh đạo chúng ta nào thật sự muốn quyết định để thành lập nên mục tiêu lý tưởng chính nghĩa về phía chúng ta. Họ đeo đuổi sự nghiệp chính trị, quân sự của họ như những kẻ tìm lợi ích cá nhân và gia đình hơn là kẻ gánh vác trách nhiệm trọng đại do đồng bào giao phó. Chính điều đó mà trên thế giới có bao nhiêu nước ũng hộ thật sự chúng ta trong cuộc chiến đấu một mất một còn với cộng sản. Ván bài đã hạ xuống. Những con bài tẩy lộ ra dần dần và chúng ta xác định lại trong thế cuộc chúng ta nằm ở chỗ nào mà phán đoán vì sao chúng ta không cưỡng lại được vận mệnh lịch sử.

Vinh quả quyết miền Nam tan rã vì chia rẽ. Nhưng có chia rẽ hay không cũng chỉ là cái ngọn phát xuất từ một gốc rễ mà ra. Đau đớn sao cho bằng những chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, những con người giao phó số mệnh của mình bằng tấm lòng và niềm tin vào một ngày tất thắng. Họ đang nằm trong nghĩa trang, trong các trại cải tạo hay lang thang vất vưỡng trên đường phố với cái hình hài thương phế binh ngụy mà ngày ấy:

Anh ba mươi tuổi quê hương nặng còng vai súng ống
Ngọt trên môi mùi máu nóng da vàng
Đâm chém nhau bằng nhát thịt Việt Nam
Dành giựt nhau từng phân đất suy tàn nhức mõi
Anh nhã đạn làm tiếng vang lịch sử
Hãy nói đến hòa bình
Nhưng đừng đá động đến nhân từ

..... Những bài thơ, bài nhạc thân phận một thời đã nói lên con đường họ đi đôi lúc không suông sẽ chút nào vì họ tự đặt câu hỏi mà không tìm ra được câu trả lời. Và dù không trả lời được họ vẫn đặt niềm tin vào những người lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp họ để rồi cuối cùng cưỡi bỏ quần áo để chịu cái nhục nhã thua cuộc.

Ngày tan hàng mới đây mà đã hơn sáu tháng. Thân thể miền Nam như sau cơn bỏng nặng còn đang đau rát với những trận hành hạ xa lạ từ phía đạo quân chiến thắng mang đến thì những khủng hoảng tinh thần phải chịu đựng từ những biệt ly chia cắt bất ngờ sau những bản thông cáo của Ủy ban Quân quản kêu gọi đám ngụy quân ngụy quyền lên đường học tập cải tạo.

Liệu chúng ta có thể quên để rồi quen với môi trường sống mới mà trong cái môi trường này chúng ta mãi mãi đứng bên lề vì chúng ta có tên trong sổ đen của chế độ cộng sản. Người tù chính trị hôm nay tự hỏi như thế trong khi dõi mắt theo cái hình tượng xã hội tương lai từ thực tế mà họ nhận được hàng ngày qua sách báo đài phát thanh cũng như phân tích và tổng hợp từng dòng chữ viết trong các lá thư mà người thân gửi cho để mà giải đoán ra cái thực tại họ đang sống trong bốn bức tường của trại tập trung cải tạo.

Thái và Vinh ngồi nhìn bóng nắng chiều nghiêng nghiêng từ mái tôn hội trường. Màu vàng nhạt của nắng như gợi nhớ lại những mùa xuân cũ. Thái thấy khoảng không gian mênh mông và hui hút với tâm trạng buồn bã của những cảm xúc thăng trầm đời người. Những lúc ấy anh tự cảm thấy mình không tự chủ được. Nói với Vinh, Vinh bình luận:

—Ông phải cứng rắn để mà chịu đựng được những khó khăn một khi bị kêu án. Không phải chúng ta ở mãi nơi đây và thảnh thơi như thế này đâu!

Thái không nói gì thêm, chỉ nhìn sang phía bên kia đường. Vũ thành An và một đám trại viên khối một đang thong thả đi lên dốc. Bóng dáng cao lêu khêu của hắn như một cây gậy biết đi. Những hôm tập nhạc chung với Bửu Uy. Hai người đi với nhau như cặp tài tử Lauren và Hardy ngày nào.

Tuy tập nhạc chung nhưng thái độ hai người khác hẳn nhau. Bửu Uy chống cộng trong vị thế người tín hữu công giáo chống kẻ vô thần và có lập trường hẳn hoi dù cha anh là cán bộ cộng sản cao cấp tập kết trở về. Bửu Uy tập nhạc vì bản thân anh có tài về âm nhạc vào trong toán văn nghệ như một kẻ thích làm nghệ thuật. Anh tránh né khôn khéo không sáng tác và chỉ soạn hòa âm cho những bản hợp ca. Thỉnh thoảng viết lời cho các bản nhạc cổ điển để cho đám trại viên nữ tập trong các dịp lễ lạc trong trại. Lời nhạc của Bửu Uy chung chung vô thưởng vô phạt, và cái tiết tấu sang trọng của âm nhạc cổ điển đã giúp cho bao trại viên quên đi nổi buồn tù tội của mình. Thái thấy Bửu Uy lúc nào cũng thế, ngày trước là ca phó của ca đoàn Trùng Dương và ngày hôm nay cũng tiếp tục vai trò tập hát của mình như ở ngoài xã hội. Đối với Cộng sản anh bình thản như không có chuyện gì xãy ra. Vào trại trong vị thế kẻ thua cuộc và coi chuyện tù tội là chuyện đã rồi. Đề cập đến cộng sản Bửu Uy phát biểu như ông Đường:

—Cộng sản không có gì làm tôi tin tưởng cả. Không có kẻ vô thần nào mà tồn tại mãi mãi được.

Thái độ của Bửu Uy hoàn toàn đối lập với anh bạn cao lêu khêu một thời nổi tiếng với các bài không tên. Thái cảm thấy Vũ thành An yếu đuối và ủy mị không kém các bản nhạc của anh ta. Nhìn cách thức nói chuyện những hôm ngồi ở hội trường để chọn chương trình văn nghệ trong ba ngày tết, Vũ thành An không kém một cô gái đang nói chuyện trước đám đông. Hai bàn tay đan vào nhau nói chậm rãi dè dặt, và đặc biệt lên xuống giọng như muốn phân trần thổ lộ một tâm tình gì đó dấu kín trong lòng. Vũ thành An viết bao bản nhạc cách mạng nói lên lòng khát khao trở về với gia đình mà lời nhạc trở nên không êm tai chút nào. Điểm này là một đặc điểm đối nghịch giữa anh ta và Bửu Uy. Thái độ sống của Vũ thành An càng về sau càng đáng xấu hổ vì cái hình dáng lêu khêu của anh không dấu đi đâu được khi anh ta bưng ấm trà bình thủy lẻo đẻo theo cán bộ mỗi khi lên hội trường.

Anh ta phấn đấu cho mau có ngày đoàn tụ với gia đình? Ít ra anh ta tin như thế qua cử chỉ và thái độ của mình để vùi chôn quá khứ giám đốc dân vận chiêu hồi tỉnh Gia định mà ngày xưa lúc nào cũng ra rả lên án sự tàn ác và dối trá của cộng sản. Phải nói phản ứng con người lúc thái quá lúc bất cập. Nhiều người vào trại cải tạo chưa quá sáu tháng như đã quên mất quá khứ của mình. Dù biết phải nín thở qua sông chăng nữa thiếu gì cách đóng trọn vai trò mà người cộng sản yêu cầu! Nhiều người đã làm những điều hơn cả người cộng sản mong đợi và điều này phản ánh phần nào cái câu hỏi tại sao chúng ta thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến tưởng chừng như không cân sức chút nào!

Ba ngày Tết trôi qua trong không khí cố gắng tạo ra sự hào hứng phấn khởi từ cả hai phía trại viên và cán bộ cộng sản. Bánh chưng bánh tét, thịt mỡ, dưa hành phần nào cũng cố niềm tin mơ hồ vào một ngày về không xa từ phía trại viên cộng với lời hứa hẹn của thứ trưởng bộ nội vụ lên chúc tết trong ngày mùng một.

Thái cùng Vinh lang thang trên các con đường vòng quanh trại trong ngày đầu năm sau khi lên hội trường và về nhà ngồi đón nhận lời chúc của cán bộ phụ trách. Pháo nổ đì đùng từ khu nhà dân gợi anh nhớ những ngày đầu xuân thời thơ ấu. Anh đã lớn lên trong giai đoạn tương đối yên ổn của những năm đầu tiên Ngô đình Diệm làm tổng thống. Những năm tháng này đã để một cái mốc quan trọng trong thời gian vài mươi năm của miền Nam Việt Nam và nó đã phần nào nói lên cái ưu thế nổi bật về mặt chính trị của Ngô đình Diệm khi so sánh với những kẻ tiếp nối ông ta lãnh đạo miền Nam trong cái thế càng về sau tình hình càng dầu sôi lửa bỏng ngặt nghèo. Chính trị với thủ đoạn muôn mặt của nó đã từng bước làm nổi bật vai trò các chính khách miền Nam Việt Nam. Lên xuống như cơm bữa của những nhà chính khách quân sự cũng như dân sự càng ngày càng nói lên sự vô tài bất tướng của họ đối với tình hình miền Nam vì đối với người Mỹ, vai trò lãnh đạo của họ lộ nguyên hình cái thế nô bộc và nô lệ của những kẻ cơ hội nhiều hơn là yêu nước thương nòi. Họ công khai nhìn người Mỹ như ông chủ với cái gia tài như vô tận và hằng năm trút tiền của vào miền Nam để họ thao túng thoải mái. Họ quên đi cái mục tiêu chiến đấu sống còn của miền Nam đối với hiểm họa cộng sản và ngày càng xa rời quần chúng.

Dưới sự lèo lái của họ miền Nam càng ngày càng bị buộc chặt vào viện trợ Mỹ và không biết có phải cái chết của Ngô đình Diệm là cái cớ cho những nhà lãnh đạo miền Nam càng ngày càng không dám đá động gì đến quyền tự quyết và độc lập dân tộc thực sự của hơn hai mươi triệu đồng bào miền Nam. Thái nhớ đến những tháng cuối cùng anh mới đọc được bài nghiên cứu trên tờ Phát Triển Kinh tế của tiến sĩ Nguyễn văn Hảo với tiêu đề : “Miền Nam không có viện trợ Mỹ”. Lúc bấy giờ anh nói với bạn bè, “Lẽ ra vấn đề này phải được đặt ra hơn mười năm trước.”

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một gay go và mục tiêu thực sự chỉ có lợi cho cộng sản trong khi yếu tố tự quyết dân tộc không còn nữa vì lúc này miền Nam chỉ có thể tồn tại một khi người Mỹ còn giúp đỡ và nếu người Mỹ cắt viện trợ, sự tồn tại của miền Nam được tính từng giờ. Bấy giờ chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị của cộng sản càng ngày càng phát huy hiệu quả. Những vùng được đánh giá là xôi đậu lan rộng dần đến khi đề nghị giải pháp da beo của các nước đồng minh do sự gợi ý của Mỹ cho thế giới biết miền Nam đang vào giai đoạn dẫy chết.

Trong bối cảnh bi đát ấy người ta thường nhắc đến những năm tháng mà cố Tổng Thống Ngô đình Diệm lãnh đạo như một thời vàng son nào đó và thực sự tiếc nuối nó. Nhưng bài học lịch sử không phải ai cũng có thể học được nhất là thành phần cơ hội chủ nghĩa. Cái tham vọng tầm thường cọng với sự dốt nát bản thân của những kẻ lãnh đạo miền Nam mà chính nghĩa của cuộc chiến dần dần chạy về phía đối phương.

Từ mùa hè đỏ lửa năm bảy mươi hai, miền Nam mỗi ngày một co lại. Tại bàn hội nghị Hiệp Định Paris chỉ có Mỹ nói chuyện tay đôi với Cộng sản Bắc Việt và cái thế ấy càng làm cho dư luận quốc tế nhìn Việt Nam cộng hòa như một chế độ bù nhìn tay sai. Hiệp định càng kéo dài, Mỹ càng rơi vào thế hạ phong dù B 52 bỏ bom liên tục xuống miền Bắc. Cái bàn vuông, tròn hay tam giác tại Paris không làm cho phái đoàn Việt Nam cộng hòa có giá trị gì hơn cái thế ngồi phụ bên cạnh anh khổng lồ Mỹ đang công khai mặc cả với kẻ thù về số phận của hơn hai mươi triệu dân miền Nam. Khi Hiệp định ký kết người ta càng nói nhiều đến việc thi hành nghiêm chỉnh theo công ước quốc tế thì tại địa phương miền Nam người dân lại phải chứng kiến sự tráo trở muôn đời của cộng sản. Bao nhiêu kháng thư, bạch thư phân phát không chỉ ở Paris mà còn khắp thế giới không làm thay đổi cái nhìn của dư luận quốc tế về cuộc chiến ở Việt Nam mà càng làm cho họ cảm thấy mõi mệt về sự tồn tại vô lý của cuộc chiến tranh ấy. Họ mong sớm chấm dứt và chờ đợi ngày hòa bình.

Miền Nam càng biểu lộ chân thật bao nhiêu về khát vọng tự do, dân chủ thì sự tuyệt vọng càng lớn dần vì lực lượng quân đội Việt Nam cộng hòa không còn đủ sức kiểm soát lãnh thổ. Người Mỹ rút khỏi miền Nam thì sự giúp đỡ của họ cũng hạn chế dần. Phong trào phản chiến lên cao và vụ Watergate là đạo quân thứ năm làm cho phiếu biểu quyết viện trợ tại lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ cắt dần các khoản chi tiêụ quân sự xung yếu cần thiết cho miền Nam.

Phương tiện phục vụ chiến tranh không còn dồi dào như trước kia và chế độ miền Nam càng lộ rõ ra rằng bấy lâu nay họ làm việc hay chiến đấu là vì người Mỹ ũng hộ họ hay nói nôm na là người Mỹ nuôi dưỡng cuộc chiến tranh và thắng hay thua là do ước muốn của họ. Từ cái lý luận ấy đưa đến kết luận rằng cuộc chiến tranh trên đất nước Việt Nam này hoàn toàn do người ngoại quốc làm chủ. Tại sao lại như thế nhỉ? Đâu là sự thật, phải chăng người Mỹ chỉ thật sự chọn những kẻ nào biết cúi đầu vâng dạ còn những kẻ có tí tinh thần dân tộc đòi tự chủ hay tự quyết thì họ tìm cách lật đổ họ đi như Ngô đình Diệm hay sao?

Bài học Nam Hàn, Mã Lai Á, Đài Loan không hề cho tí kinh nghiệm nào về một chiến lược lâu dài bền bĩ có hiệu quả để đương đầu với cộng sản dù quân đội Nam Hàn và đồng minh đã từng chiến đấu trên lãnh thổ miền Nam, và không ngớt những phái đoàn quân sự sang Đài Loan để học chiến tranh tâm lý. Khi mà bản thân chế độ miền Nam bất tài và bất lực cọng với cái kế hoạch bỏ rơi Việt Nam từng bước của Mỹ thì có gì bi thảm hơn những năm tháng cuối cùng sau mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Ngày hôm nay ngồi ôn chuyện hơn nữa năm trước thấy mới đây nhưng lại tưởng dường như trăm năm cũ. Tổ quốc trăm năm là đây, là một đời của những người từng mang nặng trên vai gánh nợ Việt Nam tự do dân chủ nhưng lại là những kẻ ngụy quân ngụy quyền của một ngụy tổ quốc đối với kẻ thù chiến thắng họ. Việt Nam chỉ có một, lịch sử Việt Nam cũng chỉ có một thì làm gì có hai tổ quốc. Chỉ có một tổ quốc trăm năm là tổ quốc của một đời người và mãi mãi. Vì bất kỳ một người Việt Nam nào lớn lên cũng phải có bổn phận và trách nhiệm đối với tổ quốc trong suốt cuộc đời họ. Sai lầm của những kẻ lãnh đạo miền Nam là một bài học cay đắng và đáng nhớ đời. Đừng đổ lỗi cho kẻ bên ngoài, hãy tự xét lấy mình trong bối cảnh dân tộc. Lấy tình tự dân tộc mà đánh giá hành động của mình cũng như chịu khó so sánh thực lực của mình và đối phương một cách khách quan để mà hiểu mình và không phải đổ cho định mệnh. Kết quả lịch sử nào cũng có cái lô gích của nó. Cái kết quả ấy là biết bao máu xương đã đổ xuống để có một kết quả có ích hay vô ích của hai phía đối đầu mà thôi!

Nếu cái cảm nhận của ngày hôm nay mà ai ai cũng có từ ngày xưa thì bao giờ có cảnh cơm hẩm canh ôi của kiếp tù đày! Vinh nói với Thái một cách cay đắng và ngậm ngùi rồi hai người đứng dậy chậm rãi trở về buồng. Ánh đèn vàng lờ mờ trên đầu các cột điện dã chiến xiêu vẹo hắt xuống soi những chiếc bóng ma lang thang vất vưởng trên con đường đất hẹp trong trại cải tạo Long Thành là hình ảnh trung thực của những linh hồn chết bị đày đọa ở tầng đầu địa ngục và chờ đợi được đi đến một địa ngục có thật khác trên quê hương đã mất của mình.

(Còn tiếp)

 
 

Lê Lạc Giao