|
(Tiếp theo)
Chương Sáu
Tháng ba năm bảy mươi sáu bắt đầu các lớp chính trị đợt hai. Hơn tám trăm trại viên còn lại được biên chế lần nữa. Lần này nhân sự các khối xáo tung lên và hình thành các tổ mới có đông người hơn nhưng nơi ở lại rộng rãi hơn trước. Khóa chính trị tổ chức trong một tuần lễ và thảo luận mất một tháng. Đề tài không có gì mới ngoài nhắc đi nhắc lại cuộc đấu tranh thần thánh của nhân dân cả nước để có chiến thắng ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Ngoài ra hai bài cuối cùng yêu cầu khai báo thành thực quá trình hoạt động của mỗi người. Lần này bài học nói rõ kế hoạch hậu chiến cài người của CIA Mỹ. Lập công chuộc tội là ưu tiên hàng đầu để trở về đoàn tụ với gia đình. Cán bộ thành ủy lên xuống liên tục để giảng bài và làm việc. Theo cách thức gọi người ra thẩm vấn cho thấy riêng khối ba tình báo, hồ sơ cá nhân được nghiên cứu rất công phu tỉ mỉ.
Đặc biệt ban của Thái chỉ có Bửu Uy và Cảnh là hai người chủ tịch tổng hội sinh viên Sài gòn hai nhiệm kỳ cuối cùng thường xuyên gặp cán bộ an ninh nội chính làm việc. Ngoài ra còn một vài người thuộc ban phản gián gọi lên xuống nhiều lần sau đó lại ra đi theo những chuyến ra đi đêm màu hồng lẻ tẻ. Ngoài ra không thấy thêm ai vào những ngày cuối khóa học chính trị.
Tuy nhiên qua lời tiết lộ của Bửu Uy, đám cán bộ tình báo cùng ban Thái đều học tập cải tạo trừ trưởng ban và bốn người khác đã ra nước ngoài. Người cộng sản moi tin tức để hoàn chỉnh một kế hoạch chống lại chiến lược hậu chiến của CIA Mỹ mà theo họ “người Mỹ chưa thật sự bỏ Việt Nam”.
Qua cách thức làm việc của họ, Thái hiểu được dần dần rằng cộng sản không phải thật sự dễ đối phó. Họ từ tốn làm việc, tuy phương pháp thô sơ, lỗi thời nhưng hiệu quả từng bước một. Đối với họ đem lại một xã hội an ninh tuyệt đối cần thiết cũng như là một công việc không phải một ngày một buổi. An toàn xã hội là bổn phận và trách nhiệm toàn dân và đấu tranh không ngơi nghĩ. Thời chiến có công việc thời chiến và thời bình có việc làm của thời bình. Họ lý luận thêm tự do chỉ thật sự có khi mà xã hội hoàn toàn vắng bóng quân thù. Điều này thì không ai tin cả. Phải nói không người nào cho là thực sự có tự do trong xã hội cộng sản vì nếu có tự do thì làm gì có sự đào thoát từ bên kia bức màn sắc cũng như màn tre để tìm tự do. Trả lời vấn đề này các cán bộ cộng sản cấp cao cho là không có gì khó hiểu cả. Xã hội tư bản tha hóa và là nơi dung chứa những kẻ biến chất trong thiên đường cộng sản. Cái thiên đường mà họ mô tả còn đang xây dựng và còn lâu mới thành công nhưng niềm tin vào một xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” không phải ai cũng kiên định để mà trung thành phấn đấu được. Thành phần tư sản và tiểu tư sản còn đầy dẫy trong xã hội cộng sản thì làm sao không có những tên phản động đi tìm chỗ thỏa mãn bản chất giai cấp của mình.
Theo họ lý giải. Mục tiêu đấu tranh của người cộng sản thật là thần thánh và bí hiểm. Phải nói mang tính chất tôn giáo, thứ mà họ căm thù và luôn luôn lên án. Triết lý chính trị không phải không mang màu sắc tôn giáo vì bản chất con người là con vật chính trị luôn luôn đi tìm thiên đường cho chính mình và cho tha nhân. Người cộng sản cũng không ở ngoài mục đích ấy, đặc biệt họ cuồng tín đấu tranh vũ trang để đạt đến yêu cầu tối hậu của họ là một xã hội đại đồng dù thời gian cho thấy có quá nhiều máu chảy trên con đường họ đi mà thiên đường cũng chưa hề ló dạng. Họ không từ một thủ đoạn nào để có thể nắm bắt cơ hội, lợi dụng triệt để và tìm đủ cách làm cho người ngoại cuộc đồng tình với họ. Phải nói rằng Marx dù gì đi nữa đã bắt đầu chủ thuyết cộng sản đầy máu xương nhân loại này bằng một nền tảng nhân bản và đánh trúng chổ yếu của con người nhược tiểu và gợi lòng trắc ẩn của đám người giàu có văn minh. Một bên là nổi khát khao được độc lập dù rằng con đường đi đến độc lập đất nước có nhiều ngả. Và bên kia lại kích thích tinh thần chính trị lãng mạn của đám người vốn chưa bao giờ biết nghèo đói là gì. Họ sẳn sàng thử thách nếu cần như Jean Fonda, Joan Bauer... chẳng hạn. Mặc quần áo bà ba đi dép râu ôm đàn đứng hát giữa đám dân quân du kích trong những ngày hưu chiến của Hà Nội thì có gì đẹp và lãng mạn đáng được lăng xê hơn trên khắp thế giới. Con người kể ra thì có nhiều cái rất kì cục mà phân tích cho kỹ thì thấy cái quá trình biến chuyển một con người từ tâm tình lãng mạn cho đến hiện thực không có xa bao nhiêu. Điều này đâu có đáng trách và chỉ có trách chăng là đám cộng sản quá tinh ranh trong việc biến mục đích thành phương tiện mà thôi. Chuyện này không phải ai cũng biết được mà cảnh giác đâu. Ngay đến Jean Paul Sartre còn phải chân trong chân ngoài để cuối cùng rồi phủ nhận quá trình hỗ trợ người cộng sản sau khi thấy hình như có gì không ổn giữa lý thuyết Mác xít và thực thi chủ nghĩa cộng sản mà anh đầu đàn nỗi bật là Stalin và Mao trạch Đông.
Đối với các lãnh tụ cộng sản thì Lê Nin mới đáng nói còn ông tổ của Lê Nin là Karl Marx thì đã có một khoảng cách khá dài giữa một người chủ trương cải đổi xã hội bằng lý luận chính trị kinh tế học với kẻ kêu gào “vô sản các nước hãy đoàn kết lại” để khởi nghĩa vũ trang và châm ngôn “vô sản chuyên chính” là thứ phép màu thay da đổi thịt những xã hội nghèo đói bần cùng vì bị bóc lột hay là thân phận nhược tiểu vì bị anh thực dân đè đầu điển hình đất nước Việt Nam chúng ta từ đầu thế kỷ hai mươi này.
Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của tiếng nói lương tri con người trên khắp thế giới. Điều này không những mang tính qui luật mà còn bởi sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Cách Mạng khoa học kỹ thuật mới thực sự là cuộc cách mạng giải phóng con người trong khi cách mạng vô sản chỉ là một bước quá đà của khát vọng tự nhiên để vì lý tưởng mà phải thực thi sự tàn bạo khát máu. Đệ tam quốc tế cộng sản với sự tuyên truyền tinh vi mà che đậy đi cái cánh đồng vô sản đang được tưới và bón phân xương máu con người. Hoa trái chưa gặt hái liệu có thể bù lại sự tương tàn chém giết nhau cũng vì cái khẩu hiệu giải phóng con người.
Những buổi họp tổ kéo dài nhàm chán của những tuần lễ học tập chính trị. Vài ba anh bạo mồm nói:
—Tôi thích lao động hơn là ngồi mà gặm nhấm mãi cái tư tưởng đã thuộc lòng.
Tổ nào cũng thế, tổ trưởng động viên liên tục khi thấy tổ viên ngáp dài. Có người đề nghị, hát lên cho đỡ buồn ngủ.
Cán bộ thấy có lý chấp nhận và buổi họp tổ xen kẻ vài lần hát. Tổ của ông Châu bên cạnh sáng hôm nay có vẻ thảo luận hăng say sôi nỗi hết sức. Quay đầu lại nhìn Thái thấy Lý, người tổ viên nằm cùng phía với Chánh đang gân cổ nói hăng lắm và cả tổ hình như đang chăm chú nghe. Tổ năm mươi của Thái im bặt khi phát hiện ra sự sôi nổi bất bình thường ấy.
—Tôi xin các anh ghi vào biên bản, tôi muốn thay tên đổi họ. Tôi chán cái tên đầy phản động của mình quá rồi. Tại sao các anh lại không chịu ghi những lời phát biểu của tôi vào biên bản. Nếu anh thư ký không ghi tôi kiện lên cán bộ.
Mọi người nhìn ra cửa. May mắn hôm nay không có cán bộ phụ trách nhà. Thái lắng tai nghe thêm.
Ông Châu nói:
—Việc này tôi sẽ trình lên cán bộ nhưng tôi không cho ghi vào biên bản vì nội dung buổi họp thuần túy ghi chép phần học tập chính trị mà thôi. Xin anh nhắc lại lần nữa anh muốn đổi tên họ gì?
—Tôi bây giờ không còn là Võ minh Lý nữa mà là Trần hồng Nghiệp.
Lý gân cổ lên nói, khuôn mặt còn bừng nét giận dữ. Thấy mọi người chăm chú nhìn mình Lý nói tiếp:
—Tôi đổi tên vì tôi muốn đoạn tuyệt quá khứ. Tôi thù ghét chính tôi, một tên ngụy quyền bán nước tay sai. Tôi đã sai lầm khi nhận kẻ thù là người ơn của mình. Suốt mấy năm du học tại Mỹ tôi đã gây hại không biết bao nhiêu cho tổ quốc mình và cho cách mạng. Ngày hôm nay mỗi khi đọc tên của mình tôi thực sự xấu hổ và có lẽ cái hay nhất tôi chọn con đường mới cho mình đi là đổi tên của mình. Trần hồng Nghiệp là tương lai của tôi.
Nhìn Lý nói Thái không hiểu hắn có điên khùng hay chỉ là một cơn phẩn nộ không chịu đựng được. Anh Tấn lắc đầu trong khi tổ trưởng Nghĩa ra dấu mọi người quay lại cuộc họp thì một hồi kẻng dài báo hiệu hết giờ làm việc.
Mọi người nhảy ra khỏi phòng trong khi tổ trưởng ơi ới gọi tổ viên trực đi lấy nước trà. Thái cùng Dương mang chiếc xô nhôm đi về phía đầu nhà lấy nước về chuẩn bị rửa chén. Dương nói:
—Võ minh Lý tốt nghiệp đại học Mỹ, về làm việc ngành tình báo. Miền Nam tan hàng nhưng không di tản bao nhiêu đó cho thấy tự hắn đánh giá mình khó có thể trở về nên có thái độ rốt ráo thế kia!
—Tôi nghĩ hắn bất bình thường anh Dương ạ. Lâu không thư từ gia đình lẫn người yêu nên hắn nổi cơn điên và tự mình tìm một lối thoát tuy kỳ cục nhưng không phải không có lý do. Không phải dễ dàng phát biểu như thế đâu!
Thái suy nghĩ quả thật khó có thể phát biểu một cách trơ trẽn như thế được khi mà không có cán bộ và chỉ có đám người cùng hoàn cảnh với mình. Đâu có bắt buộc và cũng không có dấu hiệu nào thực sự cho biết rằng thú tội hoặc nhuộm đỏ cả con người của mình mà có thể trở về đoàn tụ gia đình được đâu! Lý có ra chùa Siêu Hình làm việc với cán bộ trung ương vài lần nhưng sau đó anh ta không được chiếu cố đến nữa và đặc biệt anh không bị gọi đi đêm màu hồng cũng là một việc khó hiểu vì anh ta du học tại Mỹ bốn năm. Thái nghĩ đến nước cờ cao của cộng sản và anh nghĩ nên cẩn thận với Lý thì hơn.
Câu chuyện thay tên đổi họ của Võ minh Lý cả trại ai cũng biết. Nhưng với khuôn mặt lúc nào cũng bất động không ai biết Võ minh Lý toan tính hay suy nghĩ gì tuy nhiên đa số cho rằng anh ta bất bình thường. Một số các vị trại viên lớn tuổi của khối hai đảng phái khuyên các bạn thân nên dè dặt hơn bởi cộng sản luôn luôn thích thú khi thấy trong hàng ngũ kẻ thù có kẻ tự nguyện làm ăn ten hoặc tiến bộ “vượt mức bình thường”.
Sau khi lớp học tập chính trị bế giảng. Đợt lao động kế tiếp bắt đầu. Lần này các khối chia tổ luân phiên xuống bếp đun nấu và chẻ củi. Đám công nhân viên bên ngoài cuối cùng rút lui và nhường toàn bộ cơ ngơi nhà bếp cho đám trại viên phụ trách vào ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi sáu. Đám trại viên xoay tua nhau làm bếp không có hiệu quả mấy làm cho cán bộ phụ trách bếp đề nghị sắp xếp một tổ chuyên môn phụ trách bếp thì đùng một cái có lệnh biên chế toàn trại.
Phương thức cũ lại đem ra áp dụng. Nghỉ lao động một ngày và bắt đầu bằng việc kiểm tra toàn bộ các nhà. Không khí căng thẳng hơn khi bên cạnh các cán bộ bộ đội có thêm đám người mới mặc quần áo màu gạch vàng. “Cán bộ công an”, đám trại viên thì thầm. Khuôn mặt đám công an mới lầm lì đăm đăm khó chịu. Công an trại giam có khác, họ có lẽ sẽ thay thế đám bộ đội. Dương phỏng đoán:
--Có thể sắp sửa kêu án chúng ta. Chỉ có như vậy mới thay đổi cán bộ quản lý.
Điều Dương nói hợp lý và ai ai cũng có phần chờ đợi cái ngày mà số phận từng người có thể biểu hiệu bằng con số thời gian mà con số này dù lớn hay nhỏ nó cũng nói lên được định mệnh một cách cụ thể hơn là làm việc hằng ngày nhưng không hiểu mình bao giờ trở về hay sắp sửa đi đâu!
Nhưng cuối cùng điều mà Dương tiết lộ cho mọi người biết một sự thật đã làm mọi người chán nản và không tin dù rằng tận đáy lòng mọi người cho rằng điều này có thể xãy ra. Dương cho biết án tập trung cải tạo ba năm là một thứ án chung chung trong các nước cộng sản. Bản án này nghe ra cụ thể nhưng lại mơ hồ vì không hề có căn cứ rõ ràng hoặc phán quyết của tòa án với đầy đủ bằng chứng trưng dẫn. Bị cáo cũng không hề được biện hộ hoặc đối chất ngoài việc im lặng chấp nhận như chuyện đã rồi. Thực tế thì loại án tập trung cải tạo là loại phán quyết có tính chất chính trị dùng để đối phó với những thế lực đe dọa đến chính quyền cộng sản. Và loại án cao su này có thể kéo dài vô hạn định bằng cách cứ ba năm gia hạn một lần nếu trại viên không được tha.
Án tập trung cải tạo do Liên Sô sáng chế ra và các nước đàn em tận tình thi hành vì tính hiệu quả của nó. Đối với các nước phương tây dân chủ tự do thì thứ án lệnh này phản ánh sự sa đọa của ngành tư pháp. Nói đúng nghĩa hơn nó biểu hiện vừa phi nhân vừa man rợ. Nhưng dù có gán cho bất kỳ danh từ tồi tệ nào đi nữa thì cuộc chiến tranh lạnh vẫn còn đang tiếp diễn và hai phía đối thủ tìm đủ mọi cách vừa bảo vệ mình vừa khéo léo làm suy yếu đối phương. Thái nói với Dương:
--Anh nghĩ chúng ta là đối tượng của thứ án lệnh này?
--Cậu thật ngây thơ, không ngụy quân và ngụy quyền thì còn ai vào đây nữa!
Dương chua chát nói tiếp:
--Chúng ta không những thụ án mà còn minh chứng cho nhà nước cộng sản tính ưu việt của hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa. Ba năm tập trung cải tạo giúp cũng cố quyền lực những vùng đất mới giải phóng và tạm không bận tâm nhiều đến kẻ thù của họ. Những án tiếp theo sẽ nói rõ thêm vai trò của họ dể dàng hay khó khăn với đối xã hội mới. Chúng ta phải sẳn sàng với thứ án lệnh này.
Việc Dương nói không phải còn lâu mới xãy ra như một số trại viên khối một hành chánh bình luận. Hạ tuần tháng tư trước khi lễ kỷ niệm một năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hai Bào cho lệnh tập họp các khối lên hội trường nói chuyện. Sau khi nói vòng vo một hồi về ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, Hai Bào cho biết:
--Theo nguyện vọng chính đáng của các anh em ngụy quân ngụy quyền, sau lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam bộ nội vụ sẽ cho người lên làm việc và cho biết từng người phải học tập cải tạo trong bao lâu. Đây là một cố gắng của cách mạng...
Hai Bào nhấn mạnh đến công lao trời biển của cách mạng một cách dài dòng và hết sức tận tình. Đám trại viên ngủ gà ngủ gật nghe và thỉnh thoảng như lý thuyết phản ứng có điều kiện của Pavlov, mỗi khi hắn xuống giọng là tiếng vỗ tay cất lên rào rào dù đang ngáp hay mắt nhắm mắt mở. Có lẽ hôm nay cái tin quan trọng mọi người tiếp nhận là đủ rồi còn sống chết ra sao thì ra tơ lơ mơ cái đã. Đó cũng là quan điễm của ông Địch. Một người hay lén lút tuyên bố. “Vào đây thì chỉ chờ chết chứ đừng hòng có ngày về.” Bạn thân yêu cầu giải thích ông chỉ nói ngắn gọn. “Ba năm ở trại Đầm Đùn cho tôi biết như thế.” Sau đó ông không thêm một chữ nào để thỏa mãn cái đám chính quyền miền Nam lần đầu tiên ngồi tù cộng sản kia. Tuy nhiên, ông Địch cho mọi người biết ông đã từng sống trong cái địa ngục có thật của cộng sản mà người miền Nam biết qua quyển hồi ký được giải văn học Tổng thống đã làm ông trở nên đáng nể hơn trong sự nghiệp tù tội của mình.
Chắc chắn là ông ta có kể ra trong bản tự khai của mình. Không thì làm gì mà dám tuyên bố quá khứ từng là tù nhân cộng sản. Dễ gì người cộng sản không biết. Một số trại viên khối một nói với bạn bè khối ba như thế. Đám cựu nhân viên tình báo bỉu môi:
--Đúng là ngây thơ kiểu khối một. Ông Địch đâu có trẻ con như vậy. Ông là Bắc kỳ công giáo di cư đấy!!!
Lòng vòng như thế thì cũng qua ngày. Thấm thoát đã gần một năm. Bạn bè có dịp gặp nhau chép miệng than vãn làm như bị nhốt đã lâu lắm rồi. Nhưng những biến đổi trong trại không phải không có ý nghĩa. Cây xanh đã phũ một màu dễ chịu trong cái nắng chói chan mùa hè. Dù bao bình luận thắc mắc vẫn không làm cho rau cỏ, cây trái ngưng phát triển hay thời gian dừng lại được chỉ có gánh nặng tù tội hình như mỗi ngày mỗi trĩu nặng trên vai. Nỗi lo âu trong trí óc cô đọng lại bướng bỉnh hơn khi mọi người trở về cái thế giới riêng tư ngang một mét dài hai mét buông mùng xuống nhìn đăm đăm lên nóc mà chờ giấc ngủ và giấc mơ đoàn tụ gia đình.
Không có thêm đợt tha nào nữa sau tết. Hôm hai mươi chín hạ heo nhân dịp lễ ba mươi tháng tư, có tin đồn ngày mai có lệnh tha. Nguồn tin phối kiểm từ cán bộ phụ trách bếp. Mọi người đang trôi nổi trên đại dương. Tin phóng thích là cái bè cứu mạng. Tuy rằng cái bè trừu tượng nhưng ai cũng có quyền tự mình đánh giá trọng lượng quá khứ của mình có được cho ngồi trên cái phao ấy mà về với vợ con hay không?
Sáng hôm lễ có danh sách tha và giải xổ số có ba vé độc đắc. Cũng cái mửng quan tha ma bắt. Cả ba người về sau ba tháng đều chết vì bịnh nan y. Đặc biệt lần này có chuẩn tướng Bùi văn Nhu, tổng giám đốc cảnh sát sau khi Nguyễn Khắc Bình từ nhiệm và đi ra nước ngoài. Chuẩn tướng Nhu suýt chết nhiều lần trong trại vì chứng bịnh nan y ung thư nhưng mọi người dù có nghĩ đến chuyện quan tha ma bắt không ai cho rằng ông ta được tha vì mác chuẩn tướng tư lệnh cái ngành vừa ác ôn vừa nợ máu. Khi biết tin chuẩn tướng Nhu được tha, ông Đường gật gù nói nhỏ với Thái:
--Thế này mới thật sự khoan hồng từ thấp tới cao, không phân biệt cấp bậc và ngành nghề!!!
Trại cải tạo Long Thành với bí số 15NV từng bước biến thành trại giam vì thật ra với mãnh đất hơn hai mẫu tây không thể là chổ tập trung cải tạo tư tưởng thông qua lao động cho hơn một nghìn người như định nghĩa mà Thái đọc được trên báo Nhân Dân đăng suốt cả tuần lễ nghiên cứu sâu sắc chính sách cải tạo từng bước cho những người lầm đường lạc lối được. Đọc và hiểu theo nghĩa tiêu cực chính sách này không khác lao động khổ sai gì mấy vì anh nghĩ không thể nào có thứ tù vừa vui vẻ lao động tự cung cấp tự cấp mà lại có thể cải tạo được con người về mặt tư tưởng một cách hết sức dễ dàng mà hưởng thành quả ấy là trở về đoàn tụ gia đình. Có nhiều dấu hỏi trong chính sách này mà cụ thể trước mắt là cán bộ công an mỗi ngày một đông hơn thay thế đám bộ đội. Công an giúp đám trại viên cải tạo nhận ra mình là tù nhân chính trị chế độ cộng sản và sẵn sàng bị lôi ra bắn bỏ nếu có dấu hiệu phản động không thể nào cải tạo được.
Hai tuần sau một xe cam nhông chở quần áo tù đến phát cho mỗi người hai bộ quần áo màu xanh dương và một tấm ván lót nằm. Thái nhớ đến một bộ đội tuần tiễu có lần sau khi xin hút điếu thuốc lào ban đêm vui miệng nói, các anh mỗi năm hai bộ quần áo, một cặp bánh chưng là tiêu chuẩn nhà nước cho cải tạo viên. Trung bình một án các anh có sáu bộ quần áo, ba cặp bánh chưng. Nếu thêm một án nửa có nghĩa là gấp đôi số lượng. Ai nghe cũng rùng mình nhưng không muốn tin.
Cuối tháng năm có lệnh tập trung lên hội trường nghe chính sách mới. Thêm hai xe GMC cũ chở khoảng hai trung đội công an túa xuống chung quanh hội trường. Mọi người hốt hoảng nhưng cán bộ nhà trấn an, “hôm nay công bố chính sách tập trung cải tạo cho các anh. Phải yên tâm và chờ lệnh. Sau khi công bố sẽ biên chế lại các nhà. Bây giờ mọi người ra tập trung theo tổ và lên hội trường.”
Thái đứng sau lưng anh Tấn tay cầm cái đòn ngồi như đi xem phim thì một công an đến gần bảo:
--Không được mang bất cứ vật gì ngoài giấy bút.
Thái nghe tiếng Dương nói thì thầm đằng sau, “lần này chắc chắn là kêu án từng người”. Câu nói của Dương làm Thái để ý chung quanh. Mọi người căng thẳng lắm và không nghe tiếng nói chuyện rôm rả như những lần lên hội trường trước kia. Không khí như đọng lại khi một cán bộ thuộc bộ Nội Vụ lên bục giảng tuyên bố:
--Hôm nay chúng ta làm việc. Cái việc mà các anh chờ đợi cũng như yêu cầu. Chính sách chúng tôi sắp đọc đây là chính sách tập trung cải tạo thông qua lao động sản xuất vừa mới được bộ Nội Vụ thông qua. Nội dung chính sách sau này các anh sẽ phải học tập để quán triệt ý nghĩa khoan hồng độ lượng của đảng và nhà nước để có chuyển biến tốt mau về đoàn tụ với gia đình.
Cán bộ nói rất nhiều nhưng nội dung thực sự không ra ngoài ý nghĩa khoan hồng đi đôi với trừng trị. Vừa răn đe vừa ve vuốt và thấp thoáng đằng sau ý nghĩa lao động khổ sai vì sau khi kêu án sẽ tùy trường hợp mà phân phối đi các trại trên toàn quốc. Nghe đến đấy, Dương nói nhỏ, không loại trừ khả năng ra Bắc như đồn đại bấy lâu.
Chính sách cán bộ đọc không khác gì bài nghiên cứu đăng trên báo rút ngắn lại. Phần hai là đọc tên từng người. Những người có tên sau đây được gọi tập trung cải tạo trong ba năm. Cán bộ cho biết thêm, ba năm không phải là thời hạn kêu án bắt buộc mà có thể trở về sớm hơn hay phải cải tạo lâu hơn. Ba năm chỉ là cái mốc để phấn đấu mà thôi.
Tiếng lao xao không ngớt cho biết không phải ai cũng dự liệu được việc kêu án và bản án được kêu ngày hôm nay cũng bất ngờ đối với một số người. Đám cán bộ Cộng sản còn lo xa hơn, họ cho mang cả một xe cứu thương đậu bên hông hội trường phòng ngừa có người bị ngất xĩu. Không có ai phải lên xe cứu thương nhưng tâm trạng mọi người thật sự có bàng hoàng vì không ai mong mình cải tạo đến ba năm như bản án đã đọc. Thái cùng đám bạn thân mệt mỏi nhìn vào quãng không gian dài ba năm tưởng tượng cái hình phạt mà mình như đã chờ đợi lâu lắm rồi. Thêm vào đó anh cũng tự biết rằng không phải ba năm là chấm hết như một chương sách đến phần kết cuộc. Nó còn lê thê lắm như Dương tâm sự. “Ba năm cải tạo chỉ là hình thức. Họ có thể chồng án ba năm một mà có thể cả một đời người. Những người bên kia bức màn sắt sau khi vượt tuyến đã không thường thuật lại là gì? Nhưng cậu không có tên trong danh sách biết chừng đâu lại được tha nay mai.”
Thái gật đầu như chấp nhận lấy lời an ủi vừa mong đó là cái ánh sáng duy nhất le lói hi vọng. Sau mười phút giải lao, mọi người vào hội trường để tiếp tục nghe chính sách. Cán bộ bộ nội vụ trả lời một số người chưa có tên trong danh sách kêu án:
--Thành phần những người này chưa có quyết định của cấp trên tuy nhiên các anh yên tâm. Cách mạng không quên một ai cả. Nặng nhẹ đi đôi thưởng phạt phân minh. Những người đã có án sẽ được tập trung về một khối và biên chế lại cho phù hợp với chính sách của bộ nội vụ. Trước đây các anh chỉ tạm bị chi phối bởi chính sách đối với ngụy quân ngụy quyền trong vùng mới giải phóng. Sau khi biên chế các anh bắt đầu thụ án theo qui chế tập trung cải tạo của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cán bộ lãnh đạo sẽ cho biết việc này sau.
Trại cải tạo Long Thành tràn ngập công an đồng phục màu vàng gạch. Khuôn mặt họ đa số còn trẻ lắm nhưng lúc nào cũng nghiêm trang. Đúng là công an. Ai ai cũng thấy trước được cái tương lai tù tội của mình sau khi về nhà và tập trung ra sân nghe cán bộ đọc tên lần nữa và lập ra những tổ mới. Lần này thực sự các khối không còn tồn tại, chỉ có một khối là khối tù mà thôi. Tổ của Dương có cả sự trộn lẫn của cán bộ hành chánh, cảnh sát và đảng phái phản động. Tuệ, Kỳ, Tân, Vinh, Bửu Uy sau khi có tên kêu án cũng mỗi người mỗi nơi. Thái là người duy nhất không có tên trong danh sách cải tạo ba năm được biên chế về đội nhà bếp. Mọi người đều cho rằng có cơ may được tha trong thời gian tới.
Sau ngày biên chế là tập trung vàng bạc đồng hồ tư trang quầo áo dân sự cho một cán bộ quản lý. Sau khi thụ án xong mọi thứ hoàn trả lại sau khi nhận giấy ra trại. Chỉ có tiền bạc là còn giữ được vì trại còn duy trì cán bộ đặc trách căn tin. Mỗi tuần một lần trại viên có quyền gửi tiền cho cán bộ đi về thành phố mua sắm những vật dụng cá nhân cho phép. Theo suy luận thì có chuyện dễ dãi này do lần đổi tiền. Số tiền này một thời gian cũng sẽ tiêu hết. Lúc bấy giờ có muốn cũng không ai cho.
Buổi chiều quang cảnh trại cải tạo Long thành thay đổi vì sự di chuyển các nhà chỉ còn duy nhất đội bếp và khối nữ là ở riêng biệt lập. Tổ bếp của Thái mang số hai mươi mốt có mười lăm người gồm năm tình báo, ba cảnh sát, ba đảng phái và bốn nhân viên hành chánh. Tổ trưởng Nhẫn và tổ phó Bản cùng là thiếu tá cảnh sát đặc biệt. Nhẫn vui tính và xuề xòa đặc trưng của người miền Nam trong khi Bản kín đáo hơn. Ông Toản thuộc an ninh nội bộ và Chấn thuộc cục tình báo quốc ngoại là hai người bạn mới nhưng nhanh chóng thân nhau vì sự cảm thông nào đó mà Thái cũng không hiểu được. Đặc biệt Chấn lúc nào cũng đội chiếc mũ cối nhựa dẻo mà Thái biết rất ít ai đội nó trước kia. Chấn tâm sự, vợ mình nó mua cho để che nắng mưa khi đi cải tạo nhưng là mũ cối vì nó nghĩ đội thứ mũ này mình nhẹ tội hơn chăng? Ông Toản cười, nón cối miền Nam rộng vành hơn, cán bộ nó thấy ghét và dễ chú ý ông hơn ông Chấn ạ!
Ông Toản hút thuốc lào nhiều. Trước khi về đội bếp, ông ở nhà chín và cùng tổ với Bửu Uy. Tuy là người Bắc công giáo di cư ông ít khi nói về cộng sản dù là bạn bè tâm sự với nhau. Ông hình như chấp nhận chuyện đã rồi và coi đó như số mạng mình phải chịu. Nhẫn nhịn và thường giúp đỡ mọi người trong công việc hằng ngày ông Toản được ai ai cũng thương mến. Buổi tối nhìn ông cúi đầu đọc kinh trong mùng Thái biết ông chỉ mong có ngày đoàn tụ với vợ con. Ông lo con cái nheo nhóc không ai chăm sóc vì trước kia ông là cột trụ trong gia đình. Vợ con ông phải đi vùng kinh tế mới với hi vọng ông chóng trở về như chính quyền địa phương khuyên bảo. Thư của vợ con ông còn ẩm mùi nước phèn của vùng ngập mặn Năm Căn Cái Nước và ông trịnh trọng gói nó trong ba lớp bao ni lon dấu trong chiếc gối đầu giường.
Mỗi tối trước khi về buồng, Thái và ông Toản dựng củi tươi chung quanh miệng lò cho củi mau khô và hai người hút một điếu thuốc lào cuối cùng ở bếp. Ông Toản nói:
--Cậu Thái ạ, ở Năm Căn muổi mòng đỉa vắt nhiều quá vợ con tôi đã dọn về Cái Sắn kinh mười rồi. Tôi cũng mừng vì được ở gần ông anh vợ. Dù gì tối lửa tắt đèn chuyện bất trắc có bà con cô bác đỡ lo hơn. Ông nói xong rít tận tình đến thụt nõ điếu. Thuốc lào Cái Sắn say mà đầm làm ông lim dim thật lâu trước khi đứng dậy.
Bốn hôm sau, cũng vào buổi tối ông Toản rít thuồc lào say lừ đừ té vào miệng lò không có Thái kéo lại có lẽ ông đã bị thiêu cháy mất rồi. Chấn nhắc nhỡ thường xuyên và từ hôm ấy ông hút viên thuốc nhỏ hơn bình thường.
Nhà mười ba cũ sau khi biên chế lại dồn đầu nhà cho đội bếp ở biệt lập và chế độ công an chặt chẽ với nội qui mới ba mươi điều khắt khe hơn đặc biệt mọi người khác tổ không được tiếp xúc lung tung như trước. Nước chảy từ phông ten cũng theo giờ qui định. Cái không khí trại giam mỗi ngày rõ dần. Chỉ có tổ bếp rộng rãi trong việc tiếp xúc qua giờ lấy cơm mà Thái biết được tình hình bạn bè cũ. Dương than tù túng và lao động cực nhọc hơn. Anh Tấn bảo:
--Bây giờ lên luống khoai lang theo chỉ tiêu, muốn sụm đầu gối luôn. Thế mà tụi khối một cũ sung sức lên vượt chỉ tiêu hoài.
Cuộc sống tù tội một khi xác định rõ ràng, thì lối thoát của nó cũng rõ ràng cụ thể. Ba năm so với dự kiến tưởng dường như xa thăm thẵm. Thái thầm tự nhủ mình phải chuẩn bị cho bản án ba năm như mọi người. Không thể lạc quan tếu được. Mỗi buổi sáng anh tập thể dục theo kỷ luật vì anh biết nếu không tự mình ép vào khuôn khổ kỷ luật nếu có những việc ngoài dự kiến xãy ra sự bi quan đến sẽ kéo theo tuyệt vọng và không chóng thì chầy là nạn nhân của những căn bệnh trong các trại giam. Tinh thần quan trọng hơn thể xác nhiều. Ông Đường thường nhắc nhở trước kia. Thiếu ăn không chết nhưng buồn bã sẽ chết và đã có một vài người có biểu hiện bệnh tâm thần. Người nào cũng bị vợ công khai qua thư từ hoặc gián tiếp qua bà con thông báo họ đi thêm bước nữa và bước thêm này có nhiều trường hợp lại là anh nón cối mới vào Nam.
Thái nhớ đến quyển Giờ Thứ Hai Mươi Lăm cũa Georghiu, nhà văn Ru Ma Ni và hình dung những thăng trầm của nhân vật Moris và Traina trong các trại tập trung. Anh và các bạn cũng đang chịu những năm tháng tù tội vô định ấy. Bản án tập trung cải tạo ba năm nào thuộc về định chế pháp lý mà chỉ là thứ sắc lệnh chính trị trá hình. Đối với nó không có kháng án mà chỉ có tuân thủ và chấp hành. Cán bộ cộng sản vẫn thường gọi nó là án lệnh không sai với nội dung hàm chứa bên trong. Thái chua chát nói với Chấn qua ánh lửa bập bùng của miệng lò đun nước trà. Một cuộc chiến đã chấm dứt và chúng ta là tù nhân của cuộc chiến tranh ấy. Khác với những kẻ chiến bại khác còn một tổ quốc dung thân và chờ đợi bạn bè can thiệp để trở về, chúng ta trắng tay không còn cả một mảnh đất cắm dùi để nuôi trồng một hạt mầm hi vọng.
Không như mọi người nghĩ rằng sau khi kêu án là xong. Ổn định để an tâm lao động cải tạo. Suốt tháng bảy gần bảy chuyến chuyển trại vào ban đêm. Đến cuối tháng bảy năm bảy mươi sáu nhân sự trong trại chỉ còn hơn bốn trăm ngưới. Khối nữ chỉ còn sáu người mà nhân viên tình báo chiếm đến một nửa. Nữ Thiếu tá cảnh sát Thanh Thủy còn ở lại trại cũng là điểm làm mọi người ngạc nhiên. Nhưng nếu chúng ta đoán đúng việc làm của cộng sản chúng ta đâu có ngồi đây hôm nay. Ông Toản lý giải sau khi nghe tổ trưởng Nhẫn thắc mắc về thiếu tá Thủy và nói với Thái, cậu nhớ lời tôi dặn đấy nhé.
Không biết tại sao càng ngày ông Toản càng thích Thái và đặc biệt tin tưởng anh. Ông lạc quan nói với anh, cậu còn trẻ sẽ sớm về còn tôi thì còn lâu lắm. Nói về mình ông bi quan như thế. Hỏi lâu lắm là bao giờ thì ông không giải thích. Ông nhắn anh có được tha thì về tìm gặp vợ con ông và dìu dắt thằng con trai út của ông cho nên người quốc gia. Ông sợ nó theo cộng sản mất vì không có ông ở nhà mà dạy dỗ nó. Thái lờ mờ nghĩ rằng ông là người Bắc di cư như ông Đường, ông Địch tất ông hiểu người cộng sản và tự đánh giá mình như thế. Không phải người Bắc di cư nào cũng không từng vỗ ngực bảo rằng mình hiểu cộng sản hay sao!
Sáng thứ bảy thay vì đi lao động mọi người lên hội trường nghe cán bộ bộ Nội vụ nói chuyện. Đội trưởng nhà bếp đi họp trở về thông báo cải tạo viên sẽ hưởng đặc ân thăm nuôi vì đã kêu án. Mọi người sẽ được viết thư thông báo cho gia đình lên thăm vào dịp quốc khánh 2 tháng 9. Ai cũng phấn khởi lắm vì mới hơn một năm mà tưởng dường thiên thu. Một trại viên có vợ trẻ thở than như thế, tuy nhiên anh ta nói:
--Gặp nhau để nói cái gì đây? Vợ con an ủi mình chứ mình nói gì với họ bây giờ? Hay khuyên vợ bỏ mình đi để không đau đớn nhiều nếu phải tin đột ngột bị vợ bỏ?
Ai ai cũng im lặng như chia xẻ cái vấn đề nan giải của anh ta cũng như của mình. Thái lên tiếng trường hợp chưa kêu án của mình. Liệu có được thăm nuôi hay không? Nhẫn nói:
--Ai ai ở trong trại này đều được thăm nuôi cả. Cả đội nhà bếp chúng ta chưa người nào có tên trên bản phong thần nên tôi có nêu thắc mắc hồi sáng lúc lên họp tại hội trường và được trả lời rằng số phận chúng ta sẽ được niêm yết vào dịp quốc khánh sắp đến.
Mọi người lại im lặng với những ý nghĩ riêng tư trong đầu. Có lẽ một chút ánh sáng nào đó đến với mọi người trong đội bếp vì làm bếp chế độ trại giam nào cũng là thành phần ưu tiên. Ấm nhà kho, no nhà bếp ai mà chả biết. Thường nhân lực trong đội bếp là thành phần sắp được hết hạn tù và ưu tiên phóng thích trong những dịp lễ lớn. Còn việc lao động nhà bếp có mệt chăng nữa sao bằng lao động ngoài đồng cuốc đất trồng khoai. Chế độ ăn uống cho trại viên thụ án được ghi rõ trong bảng công khai tài chánh viết bằng phấn treo trước cổng. Mỗi người được mười lăm ký gạo mỗi tháng và cân đo đong đếm xong tương đương ba chén cơm lưng trong hai bữa ăn chính. Thức ăn chủ yếu rau, khoai, bí đỏ nấu với muối. Buổi sáng có chén cháo với củ cải mặn. Cái thực đơn thế này mà đòi lao động để cải tạo chỉ che dấu cái bộ mặt thật trừng phạt đám người chiến bại miền Nam này. Không chóng thì chầy nếu không có nguồn tiếp tế thì chuyện suy dinh dưỡng để đi đến bệnh tật chết người là chuyện chắc chắn xãy ra. Ai mà không hình dung ra được con đường mình sẽ đi trong ba năm tới nếu không nói là nghĩ đến những tệ hại hơn nếu chuyễn đến những trại cải tạo trong rừng sâu ma thiêng nước độc.
Thư từ thân nhân gửi đến cho thấy cuộc sống bên ngoài cũng không mấy sáng sủa. Đất nước là cả một nhà tù như một số trại viên thường gọi không sai gì mấy. Hai tờ báo hằng ngày đọc nội dung không khác chi nhau. Tờ Sàigòn giải phóng thì nhiều tin miền Nam hơn. Hàng ngày vẫn cung cấp chuyện dài cải tạo trong và ngoài trại. Bên ngoài không nói chuyện thi đua thành tích thì đóng đảm phụ nông nghiệp. Rồi chiến dịch càn quyét tư sản mại bản xong thì đến cải tạo tư sản tư doanh. Những tên tuổi nổi cộm của Bộ Chính Trị, Ban Bí thư rồi Ban Chấp hành Trung Ương thay đổi liên tục theo kế hoạch cải tạo miền Nam cho sớm nhanh chóng theo chân xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu miền Bắc. Nghị quyết ban hành cập nhật hóa tình hình mà tế nhị theo dõi sẽ thấy tình trạng vừa học vừa làm của người cộng sản. Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn văn Linh, Trần quốc Hoàn ... những người vừa có tên trong bộ Chính Trị vừa có tên trong ban Bí thư là những kẻ đang thao túng quyền lực trên toàn cõi đất nước Việt Nam này. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam chỉ còn là tiếng vang của quá khứ một khi đồng chí Tổng bí Thư Lê Duẫn tuyên bố Mặt Trận đã thực hiện xong vai trò lịch sử và đất nước đang bước vào giai đoạn thống nhất bắc nam thì người ta cũng hiểu thêm rằng đánh giá người cộng sản thấp là một sai lầm sinh tử. Người cộng sản không đơn giản là anh bộ đội xanh lướt vì thiếu ăn, cô giao liên với chiếc khăn rằn hay cậu sinh viên của những đêm đấu tranh không ngủ mà phức tạp rối rắm hơn với những trò chơi thò lò hai, ba mặt trên khắp thế giới.
Ván bài lật ngửa làm ai cũng chưng hửng vì sự ngây thơ và ngu ngốc của mình. Bây giờ người cộng sản nói gì cũng được, đừng bực tức họ như một số người hậm hực ôm quyển Những Tên Biệt Kích Trong Làng Văn Nghệ đi lên đi xuống biện minh rằng Thượng tọa Nhất Hạnh hay Phạm Công Thiện là CIA thế nào cho được! Rồi thở dài cho Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn đình Toàn... tác giả của Bắt Trẻ Đồng Xanh, Mưa Đêm Cuối Năm, Đêm Giã Từ Hà Nội, Khuôn Mặt, Dòng Sông Định Mệnh, Con Sâu... đưa bàn mỗ xẻ không thương tiếc. Ngọn bút của những tay văn nô cộng sản như Trần văn Giàu, Tố Hữu, Nguyễn Khắc Viện, Hà xuân Trường ... thừa ngôn ngữ chụp cho bất kỳ kẻ trí thức miền Nam cái mũ nào chẳng được. Đặc biệt Vũ Hạnh nhà văn miền Nam dùng ngòi bút của mình đánh không thương tiếc những người một thời là đồng nghiệp. Sau ba mươi tháng tư Vũ Hạnh từ nhà văn tả khuynh biến thành đảng viên cộng sản. Nghĩ tới ông ta Thái như thấy thấp thoáng bóng cô con gái chuyên mặc áo dài đen nói chuyện văn chương tại căn nhà nhỏ khu Cống bà Xếp trong một vài lần anh đến chơi. Trước kia Thái cho rằng Vũ Hạnh yêu nước theo kiểu tả khuynh và hi vọng rằng ông ta không liên hệ gì đến cộng sản vì đọc tài liệu quốc nội anh chưa thấy văn bản nào đề cập đến ông ta dù sách ông ta viết thường mỉa mai châm biếm cái xã hội miền Nam đang bị Mỹ hoá. Điều này thật tự nhiên vì chính bản thân anh nhiều lúc cảm thấy xã hội miền Nam chuyển động quá nhanh để rồi truyền thống văn hoá dân tộc dường như bị chôn lấp sau cái rãnh cày của cổ máy tư bản tiêu thụ kiểu Mỹ. Anh cho rằng đó là lòng tự ái dân tộc bao hàm lòng yêu nước và anh luôn kính trọng những con người biểu hiện lòng yêu quê hương đất nước của mình dù có chút tả khuynh tuy tả khuynh hoặc dễ dàng ngã vào vòng tay hay là bình phong lợi dụng của người cộng sản. Bất kỳ người Việt Nam nào yêu nước cũng giống nhau, không có yêu nước kiểu này hay kiểu khác chỉ có những kẻ đầu cơ trục lợi lòng yêu nước mới phân loại tình cảm cao quí này mà thôi. Chỉ phân tích lòng yêu nước ấy chúng ta mới hiểu lịch sử vì lịch sử được viết ra từ lòng yêu nước. Không có yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội mà chỉ có chủ nghĩa xã hội lợi dụng lòng yêu nước mà thôi. Dương từng nói với Thái:
--Người cộng sản độc quyền cả lòng yêu nước thì chúng ta phải tự hỏi ngày xưa chúng ta yêu nước như thế nào mà đến nông nổi này?
Không ai trả lời và cũng không ai buồn nhắc lại chuyện đã qua dù trong lòng mọi người ai cũng trĩu nặng gánh nặng quá khứ. Thái còn quá trẻ để an phận với quá trình hoạt động của mình. Như Ba Cám đã nói, một gang khai báo thì ở một thước thời gian và như người bạn làm việc ngoại vi của đơn vị anh tự khai một tờ nhưng không có gì bảo đảm về sớm hơn ba năm được. Trận chiến thầm lặng không còn tiếp diễn hay sao? Cán bộ thành ủy từ Sài gòn lên nhắc nhở:
--Đất nước đã về một mối thì các anh không lý do gì mà sống hai lòng. Hãy cho cách mạng biết những hang ổ phản cách mạng còn lại để lập công chuộc tội mà sớm đoàn tụ gia đình.
Phim ảnh, báo chí, truyền thanh, truyền hình không ngớt nói đến các chiến dịch truy quyét tàn dư phản động khắp nơi trên miền Nam. Đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới với những hình dung từ hoa mỹ đẹp đẽ gói ghém ước mơ không tưởng của người cộng sản. Cái thế giới của họ bao gồm một số nước đếm không quá mười lăm trên thế giới đang ngày đêm cũng cố bức màn sắt và màn tre hơn năm mươi năm nay vì sợ rò rỉ sự thật ra ngoài và ánh sáng tự do dân chủ len lõi vào trong. Chiến thắng toàn bộ miền Nam Việt Nam phần nào cũng cố sự mệt mõi trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa của cộng đồng các nước cộng sản. Họ quảng diễn chiến thắng tháng tư năm bảy lăm thành một cao trào cách mạng mới hầu lôi kéo thêm những nước thuộc thế giới thứ ba đang phân vân bỡ ngỡ trước ngã ba đường: liệu có nên theo anh khổng lồ đế quốc giàu có hay ngã vào vòng tay ấm áp tình người nhưng chỉ có tài nói suông của các anh hùng xã hội chủ nghĩa mà tiếp tục phấn đấu cho đến ngày nhà nước tự tiêu vong để còn lại một xã hội làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.
Thế giới thứ ba hình thành từ sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân và sự cám dỗ trân tráo của phong trào cộng sản quốc tế. Các nước trong thế giới thứ ba hầu hết chọn con đường đi giữa tư bản và cộng sản. Thực ra nếu có hỏi họ theo định chế chính trị nào, họ sẽ trả lời là trung lập có nghĩa không theo phe nào. Đến lúc này với phương tiện thông tin nhanh chóng và hiện đại họ khá rõ bộ mặt thật của cả hai chế độ chính trị nhưng thế giới thứ ba này không phải không biết mình phải ngã về phía nào mà họ chỉ phân vân và đắn đo xem hướng về phía nào có lợi cho họ. Tuy nhiên không phải thành kiến mà kinh nghiệm xương máu khuyên họ nên cẩn thận hơn khi đám tư bản ve vãn. Độc lập dân tộc là chiêu bài làm cho phần nào họ gần gủi hơn với những quốc gia cộng sản. Chiến thắng miền Nam Việt Nam giúp cũng cố niềm tin một số nước tả khuynh và các phong trào giải phóng dân tộc vào sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa như bài học ba dòng thác cách mạng mà các trại viên đã học được trong tháng đầu tiên.
Luận đề ba dòng thác cách mạng không phải không có giá trị tự thân của nó. Dụng vũ lực có thể nói là phương tiện hữu hiệu nhất để làm cách mạng vào giai đoạn hậu bán thế kỷ hai mươi này đối với những nước Phi Châu chậm phát triễn. Đòi hỏi bất bạo động trong chính sách đấu tranh trên đất nước họ có thể là chuyện hoang tưởng. Không có đổ máu không hoàn tất bước lật đổ sự thống trị. Không kể sự thống trị này từ bên ngoài hay bên trong, tiêu diệt kẻ thù là chính sách của các phong trào độc lập của các nước Phi Châu còn trong chế độ ủy trị hay một thiểu số thuộc địa mà điển hình là Cộng hoà Nam Phi với chủ nghĩa apartheid là trung tâm của nhiều lực lượng, phong trào và tổ chức đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và giành độc lập.
Vì lợi ích riêng tư của họ mà các nước tư bản hay cộng sản tìm cách thức này hay cách thức khác châm dầu vào các đám cháy này thông qua vũ khí viện trợ của cả hai phe. Thiệt thòi cuối cùng bao giờ cũng là thân phận nhược tiểu. Cây độc lập không thể sống trên giấy tờ hay lời kêu gọi suông mà phải bón tưới bằng xương máu. Có gì dễ nghe hơn khi khẩu hiệu độc lập dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội là mũi nhọn tiến công vào thành trì tư bản, đế quốc chủ nghĩa.
Thái và Chấn mỗi tối sau khi dọn dẹp bếp xong mới về nhà và ra trước sân ngồi uống trà. Thường khi nghe kẻng 9 giờ hai người mới vào nhà để ngủ. Thái rót trà từ lon guigoz ra hai cái ly thủy tinh tận chế từ chai xì dầu và nhớ tới anh Tấn, Dương rồi Tuệ, Kỳ, Tân bây giờ tuy cùng trại mà khó gặp nhau. Vinh hôm trước có gặp than thở vì lao động nặng nhọc hơn khi chưa kêu án. Đám bạn hốc hác hơn trước. Bây giờ kẻng báo thức là phải dậy ngay không nằm ráng được vì không kịp giờ ăn sáng và đi lao động. Tám giờ lao động vàng ngọc theo chế độ cải tạo của công an quản lý. Nắng mùa hè còn sót lại như trêu ngươi đám tù cải tạo miền Nam. Thái và Chấn lo nước trà cho kịp các ca lao động. Bọn anh cung cấp thêm phần nước dự bị cho bạn bè mà vẫn còn thiếu dù mỗi bữa nấu thêm đến hai chảo. Chấn nhìn Thái thở dài nói:
--Chúng mình tận hết khả năng mà giúp bạn bè. Nước trà quí lắm. Thiếu chỉ có xĩu mà thôi. Tháng tám nắng rám quả bưởi kìa.
Thái không trả lời bạn nghĩ ngợi mông lung. Trong đầu anh thoáng ẩn hiện những khoảnh khắc ngưng đọng lại như trong giấc mơ. Những mãnh đời của mình ngắn ngủi trôi dạt, vừa gần gũi lại vừa xa xăm. Anh như đang hiện hữu nhưng đồng thời cảm nhận mất mát. Vừa thấy tự chủ lại vừa thấy tủi thân trong cái chập chờn của ánh đèn dầu hắt ra từ đáy chiếc cốc vỡ. Thái vò viên thuốc lào ba số năm của Chấn cho vào nõ điếu rồi châm lửa và rít thật sâu.
Chấn chỉ đám công an đang đi tuần trên đường giữa trại nói:
--Chúng ta là vua đấy! Vua nước trà trong thế kỷ khát nước.
Thái nghĩ lan man sau khi chiêu ngụm trà nóng. Ngoài sân nắng đã nhạt màu. Gió nhẹ và bầu trời trong veo. Năm này ít mưa. Đám tù cải tạo chờ mưa như chờ thư gia đình. Cơn mưa dù to hay nhỏ họ vẫn có cớ để trì hoãn lao động cho đến khi mưa dứt hạt hẳn. Cơn mưa kéo dài quá một giờ. Buổi lao động chân tay trở thành lao động trí óc: đọc báo, một cách thức nhàn rỗi dễ chịu dù những bài báo khô khan và lập đi lập lại mãi những thành tích lao động trong nước. Tin trong báo được gạn lọc để rồi giải đoán những biến chuyển ngoài xã hội. Đôi khi một bài thơ, bài bình luận quan trọng mang cả nội dung chính sách của đảng và nhà nước. Báo chí xã hội chủ nghĩa phản ánh hoàn toàn chính sách nhà nước trên bất kỳ lãnh vực nào. Thái phân vân hình dung cái cổ máy khổng lồ xã hội chủ nghĩa bao trùm lên xã hội mà rùng mình ớn lạnh. Nói với Chấn, Chấn đọc thơ, “đến nay tôi hiểu thì tôi đã, làm lở tình duyên cũ mất rồi.”
Buổi họp kiểm điễm hàng tuần vào chiều thứ sáu diễn ra uể oãi. Vẫn bao nhiêu phát biểu mà ông Đường từng gọi là khuôn vàng thước ngọc để ghi vào biên bản. Trong khi chờ đợi giải tán buổi họp, Thái cầm quyển vở ghi chép nhìn cái bìa với hình ảnh hai mươi năm trước khi anh còn học trường làng. Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời. Thời gian ở đây quá rộng rãi mời mọc người ta trở về quá khứ. Tuy có người không muốn nhưng quá khứ cứ sừng sững trong tâm hồn từng người. Đêm đến nó trong giấc mơ và ngày thì cả đời thường. Chính nó giúp đỡ từng người tồn tại vì có quá nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời thích đáng nào cả.
Giữa tháng tám, lại từng chuyến xe chở tù ra đi. Lần này công khai chuyển trại vào ban ngày. Từng toán kêu tên vác tất cả vật dụng tư trang ra sân tập họp. Sau khi yêu cầu khám xét thực hiện xong, mọi người lục tục lên hội trường. Đám tù lao động đặc biệt ngoài chùa Siêu Hình đi ngang qua hội trường về bảo:
--Tất cả bị còng và cho lên xe đò bít bùng các cửa sổ. Hình như đưa đi đâu xa lắm.
Bị còng vì tù không ai nói gì nhưng bảo rằng như đi xa làm ai cũng nhớ đến cái địa điểm mà mọi người không ai thích thú gì: Miền Bắc, quê hương xã hội chủ nghĩa. Lúc chưa kêu án ai cũng tự tin về một ngày về không xa nên nói năng thoái mái lắm. Họ nói nhiều đến lao động khổ sai, biệt xứ hay tẩy não. Hôm nay định mệnh dường như không bỏ quên người nào cho đến gần cuối tháng tám trong trại chỉ còn tổ bếp và sáu tổ lao động biên chế lại mỗi lần có chuyến ra đi. Tổ nữ chỉ còn bốn người. Đặc biệt Thiếu tá Thanh Thủy thuộc đội Thiên Nga, chị Anh và Cúc bên tình báo may mắn không có tên trong bản phong thần.
Dương, Uy, Vinh ra đi từ chuyến đầu tiên. Nhà trưởng Ca, Vũ thành An đầy thành tích cải tạo cũng lên đường trong chuyến thứ hai. Đám bạn thân Thái may mắn còn ở lại có Tấn, Tuệ, Kỳ, Tân và hôm hai mươi tháng tám tất cả trại viên lên hội trường nghe cán bộ giáo dục trại phổ biến lệnh mới.
Lệnh viết thư về nhà thăm nuôi trong ba ngày hai, ba và bốn tháng chín là một đặc ân và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vì đất nước còn nhiều khó khăn cách mạng lo không xuể nên mỗi người được nhận của gia đình năm mươi đồng để tiêu khi cần thiết.Tám Cung là cán bộ giáo dục thay thế Hai Côn và Hai Bào đi nhận nhiệm vụ khác là một người Bắc giọng quê mùa nhưng nặng khẩu khí công an. Không câu nào không hàm ý đe dọa thỉnh thoảng xen vào vài từ miệt thị. Việc ấy không làm cho đám tù chính trị miền Nam này quan tâm cho lắm. Thân phận tù tội chỉ có một con đường làm thế nào được trở về với gia đình mà thôi. Họ hình như dần dần quên luôn thân phận chính trị của họ, những kẻ mà hơn một năm trước còn lãnh đạo một nữa đất nước Việt Nam để quen với bốn bức tường trại giam và hai bửa cơm ẩm mốc vì các kho gạo chiến lược trên đường mòn Hồ chí Minh được tháo khoán và vinh dự dành cho đám tù miền Nam.
Hai tháng tư và năm đặc biệt tù ăn cơm trộn lẫn khoảng ba mươi phần trăm thóc và cát. Cán bộ lãnh đạo giải thích kho gạo chiến khu bị sụp, nhưng thời gian này lương thực khó khăn ai ai cũng phải khắc phục. Theo cách nói của cán bộ có nghĩa dân chúng và cán bộ nhân viên ai ai cũng phải vừa ăn vừa nhặt thóc và sạn. Tin tức báo chí có nói nhiều đến tình trạng khó khăn chung cả nước sau ngày thống nhất Bắc Nam. Đặc biệt lương thực thực phẩm khó khăn vì những vùng thất mùa hạn hán hay giáp hạt. Bài báo chan chứa tình người nếu không bị chi phối hoàn cảnh rất dễ cảm động và cảm thông. Vựa luá miền Nam bây giờ phải chi viện cho cả nước, người anh em miền Bắc ngày hôm nay còn ăn độn khoai sắn nữa kìa. Đồng chí Lê Duẫn tổng bí thư đảng trong bài diễn văn kỷ niệm một năm giải phóng miền Nam nhấn mạnh vai trò anh cả của miền bắc xã hội chủ nghĩa: đã phải nhịn ăn nhịn mặt hi sinh cho người anh em miền Nam kháng chiến chống Mỹ chịu cảnh đi trước về sau.
Xã hội chủ nghĩa là tất cả những gì mà đảng dâng hiến và toàn dân phải nghiêm chỉnh tuân theo ngay trong kiểu suy nghĩ hàng ngày. Nghị quyết, chính sách do một thiểu số ưu việt soạn thảo trên danh nghĩa đại diện dân thì ai có can đảm bảo rằng sai lầm hay khuyết điểm. Đảng lo trước cái lo của nhân dân, nghĩ trước khi người dân muốn nghĩ. Đâu đó có khuôn phép sẵn tội gì mà phát biểu đóng góp chỉ làm động tác thừa lại vừa nguy hiểm cho bản thân. Sướng thật, ông Đường từng nói, xã hội chủ nghĩa là thiên đường hạ giới mà. Chỉ mong được sống cho đến ngày các tận sở năng, các thủ sở nhu!!!
Còn ba hôm nữa là có đợt thăm nuôi đầu tiên. Trong đội bếp hình như ai cũng hân hoan ra mặt. Thấy mọi người hay nói đến gia đình, cán bộ Thặng nhà bếp nói:
--Chỉ hơn một năm mà như thế này là các anh may mắn lắm. Chúng tôi có người ra đi một hơi mười năm không hề biết đến tin tức gia đình và có người mãi mãi không trở về nữa.
Mọi người im lặng trước câu nói của cán bộ. Lúc Thặng ra về, ông Toản lắc đầu rồi hỏi Thái:
--Cậu được thăm vào ngày thứ mấy.
Thái trả lời ngày thứ hai vừa hình dung là chị và em của anh sẽ lên thăm và tự mình nghĩ không biết phải nói gì với gia đình vì không biết ai khuyên ai đây? Bên ngoài xã hội và bên trong nhà tù thực sự có gì khác biệt hay không? Thái hi vọng chị anh sẽ cho anh biết cuộc sống thực sự của cha mẹ anh trên cao nguyên. Quê hương thứ hai của gia đình anh với cái sản nghiệp to lớn mà cha anh đã tạo dựng ra bằng mồ hôi nước mắt trên hai mươi năm liệu có yên ổn qua những cơn sóng gió của những đợt đánh tư sản trên khắp miền Nam hay không?
***
Trước cổng trại là con đường thoai thoải xuống đồi. Tại ngã ba tam giác trước cổng đội tạp dịch dựng một lán trại gồm ba dãy bàn cho thân nhân và trại viên ngồi nói chuyện trong buổi thăm nuôi. Mỗi đợt thăm là ba mươi phút cho khoảng mười người do một cán bộ công an dẫn ra khỏi trại. Hôm thăm nuôi đầu tiên như hội chợ. Bộ quần áo tù xanh được thay thế bằng bộ quần áo dân sự mang theo làm cho người tù cải tạo như em bé được mặc quần áo tết.
Chấn được ra gặp gia đình trong đợt thứ sáu lúc mười một giờ sáng. Lúc trở vào khệ nệ quà bánh và khuôn mặt buồn buồn anh nói với Thái:
--Bà cụ đau yếu luôn còn vợ mình thì phải bương chãi nuôi con nhỏ. Thằng nhỏ nhất mới sinh được hai tuần lễ thì mình khăn gói lên đường đi cải tạo. Hôm lên đường vợ mình chỉ mua cho mình cái nón cối nhựa ông thấy mình thường đội đi làm lao động. Bây giờ không hiểu cô ấy làm gì có tiền mà mua lỉnh kỉnh cho mình nhiều như thế này. Để dành tiền lo cho nhà có hay hơn không!
Chấn than thời gian ngắn quá không kịp hỏi thăm hết chuyện nhà và tự trách là quên không hỏi vợ có còn tiếp tục làm cô giáo như trước kia hay đã ra chợ trời như một số bà vợ các ông ngụy quyền trong trại. Đêm đầu tiên hình như không ai ngủ được vì câu chuyện gia đình do những người tù được thăm nuôi kể lại. Họ cũng truyền cho một số kinh nghiệm khi ra gặp thân nhân và mọi người ghi chép câu hỏi theo thứ tự ưu tiên vì thời gian thăm nuôi rất ngắn ngủi.
Hôm thứ hai lại truyền thêm một ít kinh nghiệm để qua mặt cán bộ thăm nuôi. Ngoài năm mươi đồng hợp pháp phải làm thế nào để đem được thêm tiền vào trại. Có tiền dễ dàng mua bán trao đổi khi cần thiết vì không lấy gì bảo đảm không bị chuyển trại. Hôm đầu tiên thân nhân tiết lộ cho biết đa số những người ra đi đêm màu hồng đã bị đưa lên các trại cải tạo tận miền thượng du Bắc Việt. Tiền cho vào bọc nilon nhận vào hủ mắm ruốc là phương cách bảo đảm qua mặt cán bộ kiểm tra lúc mang vào trại.
Đúng như Thái nghĩ chỉ có chị và hai người em lên thăm anh. Dù chuẩn bị hẳn hoi, Thái vẫn thấy mình lụp chụp. Chỉ khi gặp thân nhân anh mới thấy được mình có chút liên hệ với xã hội và gia đình. Mười phút đầu tiên xúc động khiến anh không nói được lới nào. Nhìn hai người em dường như rắn rỏi hơn khiến anh nhớ lại bổn phận dở dang của mình vì đứa nào cũng bỏ học nửa chừng để lo việc gia đình. Mọi người trấn an anh và khuyên nhủ nhiều lần việc cố gắng học tập cải tạo hình như cố ý cho cán bộ thăm nuôi đang ngồi đầu bàn đang lắng tai nghe có tù nhân nào dám nói chuyện phản động hay chuyển tin tức bí mật hay không.
Lúc ra về chị anh còn nói vói theo là chú Thông sẽ bảo lãnh cho anh sớm về đoàn tụ gia đình. Chú Thông đã giúp gia đình anh trong thời gian cải tạo tư bản tư doanh và cha anh hôm nay là nhà tư sản dân tộc. Thái ghi nhớ như chiếc máy thu băng chứ anh không hề có ý niệm gì về chú Thông gì đó. Lúc vào trại đêm đến vắt óc suy nghĩ anh không hề nhớ gia đình có người bà con xa gần nào đi tập kết tên Thông cả. Anh suy nghĩ mãi và tự kết luận chú Thông ấy là một nhân vật hư cấu để tăng thêm vẻ cách mạng cho gia đình anh mà thôi. Kể chuyện này với Chấn, anh ta cười bảo:
--Đó là nhân vật có thật. Miền Nam lúc này gia đình nào cu ki cũng có một chú cách mạng tập kết trở về. Nuôi chú trong nhà và phải sắm sửa cho chú đồng hồ, bút máy, ra đi ô, xe đạp và phải lo cho chú cái máy may nếu chú có vợ ngoài bắc. O bế chú để chú hứa cho một cái giấy bảo lãnh người anh em họ xa lắc xa lơ nào đó sớm được khoan hồng về nhà. Cái điều nguy hiểm là không khéo nuôi ong tay áo mà thôi.
Không đợi Thái thắc mắc hỏi thêm, Chấn xuống giọng:
--Vài anh cách mạng đã không bảo lãnh mà còn cuỗm luôn vợ của người bà con ngụy quân ngụy quyền đã nuôi cho mình béo mập bù vào những năm tháng đi làm cách mạng. Loại này bây giờ không ít đâu nhé. Ông nhớ thằng Thạnh có con vợ tây lai đẹp như tài tử xi nê hay không. Sáu tháng sau khi nó đi cải tạo, vợ nó theo một thằng thượng úy tình báo quân khu chín trẻ đẹp hơn thằng chồng chế độ cũ nhiều. Thằng Thạnh về hồi tết có lên thăm thằng Hảo ban thẩm vấn đã kể lễ như thế.
Điều Chấn nói không sai sự thật bao nhiêu vì nhiều thân nhân cũng đã kể với tù cải tạo câu chuyện nuôi cách mạng ngoài xã hội như thế nào. Phải cái tội cô thân độc mã của những bà vợ mà ngày trước chỉ sống nhờ vào đồng lương của chồng, bây giờ vào tù thì biết dựa vào đâu? Chính trị chỉ có trong bộ óc của đám ngụy quân ngụy quyền chứ trong lòng của các bà các cô chỉ có cầu mong sao cho chồng con sớm trở về đoàn tụ gia đình. Cách mạng hứa họ tin cho nên vợ con ông Toản và không biết bao nhiêu gia đình mà thân nhân là tù cải tạo khác mới dắt díu nhau đi vùng kinh tế mới. Bây giờ cách mạng là số một. Thống nhất đất nước rồi lý do gì mà giam cầm lâu cho tốn kém. Đơn giản có thế mà họ tin các ông ạ. Chấn ngồi uống trà với Thái sau hôm thăm nuôi ba ngày nghiêm mặt nói với anh. Thái nói theo cách nghĩ của mình:
--Không tin rồi cũng phải tin vì bây giờ biết bám víu vào đâu được. Cách mạng không phải đã đưa thân nhân họ đi cải tạo hay sao? Sinh mạng chồng con nằm trong tay họ thì họ nói gì cũng phải tin. Thời gian sẽ minh chứng lời nói của họ khả tín tới mức nào! Mới có hơn năm, còn thừa thì giờ mà!
Chấn không nói thêm, kéo một điếu thuốc lào và chiêu một ngụm trà đậm. Trình tự như thế người hút sẽ say lâng lâng êm ả và tạm quên thực tại nhọc nhằn. Thái làm điếu thứ hai, rồi thứ ba. Thực tại quên không nỗi, chỉ có một thực tại hay một định mệnh cho cả đất nước Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa nghe quen dần trong đầu óc từng con người chế độ cũ. Mọi người đang sống dưới chế độ cộng sản chứ không có chủ nghĩa xã hội gì ráo cả. Chữ xã hội chỉ là bình phong làm cho người dân cảm thấy dễ chịu nhưng không ai quên khi nhìn thấy lá cờ màu máu kia. Chuyên chính là con át chủ bài của chủ nghĩa cộng sản. Phục tùng là tuyệt đối vì niềm tin vào một thiên đường có khác chi con chiên của Chúa tin rằng mình sẽ bước vào nước Chúa trên cõi trần gian này!
Một tuần lễ sau khi thăm nuôi, trái với lời hứa hẹn một chuyến chuyển trại bất chợt vào khuya thứ năm. Đội bếp có hai người cấp bậc thiếu tá cảnh sát đặc biệt lên đường, tổ trưởng Nhẫn may mắn còn lại. Sáng hôm sau, mười ba người tổ bếp phải làm công việc của mười lăm người vì không có ai bổ sung. Cán bộ Thặng lắc đầu khi tổ trưởng Nhẫn yêu cầu bổ sung nhân sự. Anh ta than:
--Chính việc ra đi hai người đội bếp đến sáng nay tôi mới biết thì làm gì có người ngay bây giờ mà bổ sung. Bộ nội vụ làm việc thì ai biết trước được.
Cách nói thực thà của anh ta khiến ai cũng hiểu được. Cộng sản làm việc mà dễ dàng đoán ra thì họ làm gì chiến thắng được miền Nam. Khi cuộc chiến đã chấm dứt chúng ta dần dần hiểu được đối thủ của mình vượt quá xa về bản lĩnh chính trị. Có những việc làm của họ khiến chúng ta không tưởng tượng nổi là có thể làm được. Phục họ không phải tâng bốc kẻ thù mà hiểu rõ mình hơn trong một cuộc chiến tự mình đánh mất dần khả năng tồn tại để cuối cùng đi đến thua cuộc. Không phải họ thắng vì họ dám làm điều mà mọi người không thể làm như đa số thường nhận định mà vì họ vượt xa chúng ta nhiều mặt trong cuộc chiến một mất một còn. Chiến tranh làm sao mà loại trừ khả năng tàn bạo. Chỉ có thắng hay thua mà thôi. Chúng ta ấu trĩ hay là chúng ta không làm được mọi thứ để chiến thắng họ như họ làm để chiến thắng chúng ta!
Ngay ngày hôm sau cán bộ nhà bếp họp tổ và nói tình hình trong trại còn nhiều thay đổi hãy chấp nhận nhân số hiện tại vì không có bổ sung. Ai cũng biết còn chuyển trại tiếp tục nên mỗi người tự lo liệu lấy.
Thái chọn những thứ thức ăn chiến lược buộc chặt lại còn những thứ nào khó có thể mang theo đem ra ăn ngay. Sau hôm thăm nuôi tinh thần anh cảm thấy dễ chịu hơn vì hình như việc nhà không có gì đáng để lo và anh cũng tự hiểu mình có lo cũng không giải quyết được gì. Tuy chưa kêu án nhưng không có gì chứng tỏ anh có thể được tha nhưng bạn bè lạc quan suy đoán.
Tuần lễ cuối tháng chín. Mọi người tập trung lên hội trường và cán bộ giáo dục thông báo tất cả những cải tạo viên trong trại Long Thành đều bị án tập trung ba năm và khuyên mọi người hãy an tâm mà học tập cải tạo.
Hi vọng biến mất và ngay đêm ấy lúc hai giờ sáng một đợt xe đò ba chiếc lên chở những người có tên ra đi. Ánh đèn pin quét ngang đầu nhà mười ba rồi dừng lại. Có tiếng gọi của cán bộ Thặng, tất cả đội bếp tập họp ra sân. Thái là người thứ sáu bị gọi tên sau ông Toản và Chấn. Cán bộ bếp ôn tồn bảo:
--Vì nhu cầu học tập, một số các anh phải chuyển trại. Tuy nhiên ở đâu cũng là chính sách của cách mạng và cũng phải cố gắng học tập để sớm được khoan hồng. Chuyển sang trại mới có nghĩa có nhiều điều kiện hơn để học tập cải tạo và riêng tôi hi vọng các anh sẽ về sớm hơn hạn ba năm. Các anh có mười phút vào nhà sắp xếp và tất cả ra sân tập họp để lên hội trường.
Câu nói an ủi dù gì cũng dễ nghe hơn. Thái vào nhà và nhanh chóng xách chiếc sắc tay cùng ba lô ra tập trung lên hội trường. Chấn và ông Toản lầm lũi đi sau anh. Không ai nói tiếng nào vì mọi việc xãy ra nhanh quá chôn vùi những mầm hi vọng vừa mới bắt đầu nẩy mầm sau chuyến thăm nuôi.
Tám mươi người đứng tập trung dưới ánh sáng lờ mờ của sáu bóng đèn vàng bắt tạm hôm lễ độc lập trước hội trường. Một cán bộ công an điểm danh lần nữa và phát cho mỗi người một chiếc áo Jacket cảnh sát dã chiến mới rồi tập trung thành ba nhóm hai hàng một trước ba chiếc xe đò đóng kín cửa. Công an cầm súng AK đông lắm bao quanh như sợ đám tù chạy trốn. Hai người một được còng tay trước khi bước lên xe. Thái còng chung với Trung, thiếu tá cảnh sát đặc biệt vùng hai. Hai người phải khéo léo mới ngồi được vào chiếc ghế chật hẹp vì túi xách tù vất lung tung sau khi họ lên xe. Anh không nói tiếng nào vì lòng anh đang tính toán nếu đi xa phải vứt bỏ thêm thứ gì không cần thiết cho cuộc sống tù tội của mình và anh không loại bỏ khả năng bị chuyển ra bắc. Tin tức ba hôm thăm nuôi cho biết hầu như những người ra đi đêm màu hồng đều chuyển ra bắc. Có được tin chuyển đi nhưng không ai biết họ ở trại nào để mà liên lạc. Do đó những người tù còn lại của trại Long Thành không ai không chuẩn bị cho mình khả năng lên đường đi bắc. Trung nhét chiếc áo jacket mới lãnh ra sau đầu làm gối rồi nói với Thái:
--Không biết đi bao lâu nhưng áo này là đồ lạnh đây.
Thái hiểu ý Trung, anh gật đầu tiếp:
--Có thể chỡ ra bến tàu rồi đi bắc.
Trung im lặng trầm ngâm trong khi Thái dán mắt ra khe hở của cửa sổ khi chiếc xe xuống khỏi dốc rẽ phải hướng về phía Biên Hòa. Ánh đèn lờ mờ thoáng ẩn hiện làm anh nhớ hôm ra đi. Cũng những chuyến xe đêm đưa những tội phạm đến một bến bờ khác trong cuộc đời họ. Họ không mong gì hơn một an ổn trong cái bất an của lần ra đi. Thái mong một tĩnh lặng và bình thản rồi hi vọng mơ hồ.
Chỉ hơn nữa giờ đồng hồ chiếc xe đò cũ kỹ dừng trước trại giam Thủ Đức. Hai hàng người túi xách nặng trĩu có lẽ vì mới thăm nuôi lặng lẽ theo người công an dẫn đường bước vào trại. Qua một cỗng sắt cao là đến sân. Mọi người ngồi xuống chờ lệnh. Ánh đèn néon sáng vừa đủ thấy mặt nhau. Thái đưa tay còn lại lên chào Chấn đang ngồi bó gối tận góc sân phía tây. Lại có tiếng kéo thuốc lào sòng sọc và khói thuốc hăng hắc bàng bạc trong không khí. Thuốc lào là niềm vui và giúp thăng bằng trí não. Thái nghĩ khoảng bốn giờ sáng. Công an trại Long Thành đang làm thủ tục bàn giao tám mươi người cho công an trại Thủ Đức. Họ xì xào nói chuyện rồi ánh đèn pin vụt lên giữa sân, loang loáng như ngọn roi quất vào đám tù đang ngủ gà ngủ gật. Thái đốt một điếu Vàm Cỏ và mời Trung trong tiếng loảng xoảng của còng số tám sau khi công an tháo ra và ném vào chiếc xô nhựa của hàng cải tạo viên đầu tiên. Gần nữa giờ đồng hồ mới hoàn tất việc tháo còng và đám công an Long Thành rút lui.
--Tất cả đứng lên.
Tiếng nói miền Nam ồm ồm như lệnh vỡ của một anh công an to con chừng như chỉ huy làm mọi người giật mình tỉnh giấc ngủ dở chừng. Mọi người lục tục đứng dậy lắng tai nghe.
--Vì yêu cầu của cách mạng các anh về Trại Thủ đức tiếp tục học tập cải tạo. Tất cả tám mươi người các anh vào buồng và tiếp tục ngủ. Buổi sáng chúng tôi sẽ cho biết điều kiện sinh hoạt và nội quy của trại Thủ Đức.
Laị tiếng lạch cạch mở khoá cửa và mọi người uà vào phòng. Đúng là trại giam chuyên nghiệp nên bục xi măng cao ráo sạch sẽ và đặc biệt cầu tiêu dội nước nên có vẻ văn minh hơn trại Long Thành nhiều. Thái lôi Chấn và ông Toản về góc phòng phía đông và trải ba chiếc chiếu cạnh nhau. Mọi người ban đầu còn rì rầm mãi đến khi tiếng cửa sắt đóng sầm ai nấy mới im bặt. Bây giờ trước mắt mọi người đúng là trại giam. Chiếc bóng đèn vàng treo trên đỉnh trần nhà bát giác tỏa một thứ ánh sáng buồn khổ nhợt nhạt như thân phận người tù bên trong. Mọi người lại hút thuốc lào. Chỉ có tiếng kêu dòn dã từ chiếc bình bát, điếu cày hay hủ chao tận chế là thứ ngôn ngữ truyền thông quen thuộc có tính tiêu cực miêu tả trung thực nỗi lòng người tù cải tạo dưới chế độ cộng sản hôm nay. Thuốc lào giúp họ quên nỗi nhục nhằn thực tại canh cánh bên lòng.
Trại cải tạo Long Thành giam người nhưng không đóng cửa ban đêm. Trại viên lao động về sau khi tắm rửa, ăn cơm xong có thể ra ngoài sân nhìn trời đất cho đến khi tiếng kẻng chín giờ báo ngủ mới về chỗ nằm của mình. Mất tự do ở Long Thành trong khoảng không gian không chật hẹp như ở đây. Nhìn đất trời thênh thang bên trên ngọn đồi của làng cô nhi là một hạnh phúc lớn lao so với bầu trời lớn không quá một tờ báo khi dõi mắt nhìn qua các song sắt của trại giam Thủ Đức. Thái trở mình luôn và cảm thấy ngột ngạt trong khi bên cạnh anh, Chấn và ông Toản đã ngáy đều đều. Có tiếng thở dài đâu đấy và có cả tiếng gà gáy sáng. Một đêm trôi qua với những thay đổi. Từ ngày ba mươi tháng tư đến giờ thay đổi liên tục và cái chuyển biến môi trường làm con người Thái nhiều khi cảm giác mình như chiếc lá bồng bềnh trên dòng nước. Mặc nó trôi đi đâu thì đi. Không có gì cưỡng lại được dòng nước định mệnh này cả
(Còn tiếp)
|
|