TRUNG QUỐC XUẤT KHẨU CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI NHƯ THẾ NÀO

Tiền và Công Nghệ của Bắc Kinh Thúc Đẩy sự Đàn Áp Trên Toàn Thế Giới[1]


Charles Edel
David O. Shullman
September 16, 2021
 
 
 

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Macau December 2019

Trong bài phát biểu trước các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 7, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để chia sẻ “câu chuyện” về sự thành công của đảng với phần còn lại của thế giới. Để tăng cường ảnh hưởng quốc tế của đất nước và đảng, Tập Cận Bình khẳng định một cách hiệu quả, các quan chức Trung Quốc nên cổ xúy những ưu điểm mô hình cai trị độc tài của Trung Quốc ở nước ngoài.

Mặc dù một số nhà phân tích tiếp tục tranh luận rằng Trung Quốc không gây ra mối đe dọa về ý thức hệ đối với các chuẩn mực dân chủ hiện hành và ĐCSTQ không xuất khẩu hệ tư tưởng của mình, nhưng rõ ràng ĐCSTQ đã bắt tay vào việc thúc đẩy phong cách chuyên chế của mình đối với những tác nhân phi đạo đức trên khắp thế giới. Mục tiêu của nó không phải là truyền bá chủ nghĩa Mác hoặc phá hoại các nền dân chủ riêng lẻ mà là để đạt được ưu thế về chính trị và kinh tế, và những nỗ lực của nó để đạt được hiệu quả đó — mở rộng tuyên truyền, bành trướng hoạt động thông tin, củng cố ảnh hưởng kinh tế và can thiệp vào các hệ thống chính trị nước ngoài — đang đục ruỗng xói mòn những định chế và chuẩn mực dân chủ trong và giữa các quốc gia.

Để đối phó với thách thức ý thức hệ của Bắc Kinh, những người ủng hộ dân chủ phải hiểu rõ hơn về những gì Trung Quốc muốn đạt được bằng cách xuất khẩu mô hình chính trị của mình và các hành động của họ đang làm suy yếu nền dân chủ toàn cầu. Chỉ khi đó, họ mới có thể thiết kế các chính sách nhằm phục hồi nền dân chủ trong và ngoài nước một cách hiệu quả, đồng thời tìm cách chống lại sự cổ xúy cai trị độc tài của Bắc Kinh một cách có chọn lọc.

QUYỀN CAI TRỊ

Bắc Kinh ít tìm cách áp đặt hệ tư tưởng Mác-Lê-nin lên các xã hội nước ngoài hơn là hợp pháp hóa và thúc đẩy hệ thống chuyên chế của chính mình. ĐCSTQ không tìm kiếm sự phù hợp về ý thức hệ mà thay vào đó là quyền lực, an ninh và ảnh hưởng toàn cầu đối với Trung Quốc và đối với chính họ. Để đạt được mục tiêu này, đảng đã đưa ra những tuyên bố chắc chắn về sự tin tưởng vào hệ tư tưởng chính mình và vào đường lối chính trị phản-dân chủ của đất nước. Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ông coi mô hình quản trị phi tự do (illiberal model) của Trung Quốc là ưu việt hơn cái gọi là các hệ thống chính trị phương Tây và ông tìm cách đại chúng hóa “sự khôn ngoan Trung Quốc” này trên toàn thế giới như một “đóng góp cho nhân loại”.

Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc thường xuyên miêu tả thành công kinh tế của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy con đường dẫn đến thịnh vượng không còn thông qua nền dân chủ tự do. Như Tập Cận Bình đã đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm 2017, mô hình của Trung Quốc mang đến “một lựa chọn mới cho các quốc gia và dân tộc khác muốn tăng tốc phát triển trong khi vẫn giữ được nền độc lập của mình” - trong khi bỏ qua áp lực dân chủ hóa từ bên ngoài. Thông điệp này rất hấp dẫn đối với những nhà lãnh đạo hy vọng đạt được thành công về kinh tế mà không cần đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân. Các quan chức Trung Quốc hiện nay thường nói về “quyền” của các quốc gia trong việc lựa chọn hệ thống chính trị của họ, dù là dân chủ hay độc tài - và sự kiêu ngạo của các quốc gia như Hoa Kỳ cho rằng dân chủ là lựa chọn thích hợp hơn.

Việc ủng hộ quyền của các quốc gia được cai trị bởi các chế độ phi dân chủ rõ ràng khác với việc cưỡng ép cài đặt các nhà lãnh đạo độc tài trên toàn thế giới, như Liên Xô đã làm trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng việc ĐCSTQ ngày càng thúc đẩy chủ nghĩa độc tài như một mô hình cai trị ưu việt mang lại thách thức không nhỏ đối với nền dân chủ so với sự can thiệp của Liên Xô, đặc biệt là khi kết hợp với các biện pháp kinh tế và chính trị của Trung Quốc nhằm ủng hộ các chế độ độc tài và làm suy yếu các chế độ dân chủ trên toàn thế giới.

CÔNG CỤ MẬU DỊCH

Các nỗ lực quốc tế của Trung Quốc nhằm lật đổ nền dân chủ thuộc ba phạm trù lớn. Đầu tiên bao gồm nỗ lực của nó để định hình câu chuyện về Trung Quốc ở các nước phát triển. Ở các quốc gia từ Canada, Đức đến Australia và Nhật Bản, Bắc Kinh nhằm mục đích bịt miệng những người chỉ trích Trung Quốc và khuếch đại tiếng nói của các cá nhân và tổ chức thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh hoặc mô tả tích cực hơn về Trung Quốc. Bắc Kinh sử dụng cả những lời đe dọa và khích lệ để đạt được mục tiêu này, khen thưởng những tấm gương tích cực và trừng phạt những lời chỉ trích. Như Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã thừa nhận vào năm 2019, "Chúng tôi đãi bạn bè bằng rượu ngon, nhưng đối với kẻ thù của chúng tôi, chúng tôi có súng ngắn."

Trung Quốc cung cấp quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các chính phủ, tổ chức học thuật và doanh nghiệp thân thiện nhưng trả đũa về mặt tài chính đối với những người mà họ coi là thù địch với lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng đe dọa những người bất đồng chính kiến Trung Quốc và gia đình của họ, giám sát sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, cố gắng bịt miệng các cuộc thảo luận trường học bị coi là xúc phạm Bắc Kinh, và tìm cách kiểm soát cách người nước ngoài học về Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã tìm cách mở rộng dấu ấn truyền thông nước ngoài, kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung Hoa ở nước ngoài và biến công dân Hoa kiều chống lại các đảng phái hoặc ứng cử viên mà họ cho là đe dọa đến lợi ích của mình. Tổng hợp lại, những hành động này tạo thành một chiến lược toàn diện cung cấp thông tin, định hướng và cuối cùng là kiểm soát nhận thức về Trung Quốc trên toàn thế giới.

Phạm trù thứ hai các hành động phản dân chủ là những hành động ấy diễn ra ở các nước đang phát triển. Không giống như trong thế giới phát triển, nơi mà sự ép buộc về chính trị và kinh tế của Trung Quốc và chính sách ngoại giao “Chiến binh sói” đã gây ra phản ứng dữ dội ngày càng tăng, Bắc Kinh đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt hơn ở nhiều nước đang phát triển, nơi giới ưu tú hy vọng sẽ học hỏi được từ một hệ thống chính trị đã cho phép Trung Quốc chuyển mình thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong một số nền dân chủ mỏng manh đang ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã nắm bắt được nhóm nhỏ giới tinh hoa tham nhũng và giúp họ tập trung quyền lực bằng cách cách ly họ khỏi các yêu cầu của xã hội dân sự và triển khai công nghệ Trung Quốc để đàn áp công dân của họ và giúp họ duy trì quyền lực vô thời hạn. Đây là cách mà ĐCSTQ đang xuất khẩu chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu: không phải thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề về hệ tư tưởng Mác xít, như một số nhà phân tích đã tuyên bố, mà thông qua một loạt các hoạt động chống dân chủ.

Trung Quốc làm như vậy không vì mong muốn truyền bá ý thức hệ của mình mà là mở rộng ảnh hưởng và lợi thế kinh tế của mình. Các đối tác được ưu ái của nó không phải là những người nhiệt thành theo chủ nghĩa Mác-Lênin mà là các quan chức, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các ông trùm truyền thông và những người khác xem việc áp dụng một mô hình quản trị phi dân chủ tập trung quyền lực vào tay một số ít — và loại bỏ nhiều người — như một lộ trình ảnh hưởng lâu dài. Sự ưu tiên này dành cho những người cộng tác chống dân chủ, câu kết với các hoạt động đầu tư mờ ám và tham nhũng của Trung Quốc, càng xói mòn các thể chế dân chủ, khi các giao dịch bí mật do các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện khuyến khích một tầng lớp tinh hoa chính trị tham nhũng và vô trách nhiệm, tất cả đều quá tham lam làm suy yếu lâu dài sự thịnh vượng đất nước của họ để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Trung Quốc cung cấp nhiều cảm hứng không chỉ đơn giản cho một mô hình cai trị phi dân chủ: nó cung cấp các công cụ, đào tạo và nguồn lực cho phép các nhà lãnh đạo phớt lờ yêu cầu quốc gia dân chủ về quản trị tốt và tôn trọng quyền cá nhân như một điều kiện của viện trợ và đầu tư. ĐCSTQ thường xuyên tiến hành các chương trình đào tạo quy mô lớn cho các quan chức nước ngoài về cách hướng dẫn dư luận, kiểm soát xã hội dân sự và thực hiện các chính sách an ninh mạng kiểu Trung Quốc ở nước họ. Ngày càng nhiều quốc gia lấy cảm hứng từ Trung Quốc để theo đuổi luật kiểm soát truyền thông xã hội hoặc xây dựng tường lửa Internet theo mô hình “Great Firewall” của chính Trung Quốc. Trung Quốc cũng cung cấp công nghệ giám sát ngày càng tinh vi và đào tạo an ninh nội bộ cho các chính phủ độc tài và những chính phủ mà nền dân chủ mỏng manh yếu ớt, giúp họ khả năng trấn áp tốt hơn những người bất đồng chính kiến và kiểm soát công dân của mình. Tại các quốc gia như Uganda và Zambia, các tổ chức liên kết với ĐCSTQ đã chia sẻ công nghệ và đào tạo với các chính phủ chuyên quyền và nghiêng về chuyên quyền, cho phép họ giám sát công dân, truyền thông và xã hội dân sự, đồng thời áp đặt các quy tắc đàn áp trên Internet.

ĐCSTQ cũng đã can thiệp chính trị rõ ràng hơn bằng cách can thiệp trực tiếp vào các tiến trình chính trị của những quốc gia có chủ quyền khác để hỗ trợ các chính trị gia và chính sách thân Trung Quốc và bằng cách kết nạp các nhóm công dân địa phương và các nhà báo để ngăn cản những miêu tả tiêu cực về sự can dự quốc tế của Trung Quốc và để bảo vệ mối quan hệ của nó với giới ưu tú địa phương bị tha hóa. Những nỗ lực này không nhằm lật đổ các nền dân chủ hoặc các chế độ khác biệt về mặt ý thức hệ mà để giúp đảm bảo rằng các chính sách thân thiện với Trung Quốc và môi trường đầu tư sẽ chiếm ưu thế bất kể ai đang nắm quyền. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy làm xói mòn trách nhiệm các nhà lãnh đạo đối với công dân của họ, làm suy yếu tính độc lập của truyền thông và xã hội dân sự, và cuối cùng nghiêng sân chơi về phía các nhà lãnh đạo phi tự do tìm cách du nhập các yếu tố của mô hình quản trị của Trung Quốc vào hệ thống chính trị của nước họ. Sự xâm lấn chính trị này duy trì hình thức hệ thống dân chủ trong khi làm rỗng bản chất thực sự của một nền dân chủ đang hoạt động từ bên trong, khiến việc nghiêng sang chủ nghĩa độc tài khó bị phát hiện hơn. Không có gì ngạc nhiên khi tầm nhìn của ĐCSTQ về việc quản trị thành công không có chỗ cho các kiểm tra độc lập đối với quyền lực nhà nước, chẳng hạn như một xã hội dân sự thực chất hoặc phe đối lập lành mạnh. Trong mô hình mà Bắc Kinh đang bán và ngày càng có nhiều quốc gia mua, bất đồng chính kiến không phải là một biểu hiện chính đáng của lợi ích cá nhân mà là một nỗ lực phá hoại các nỗ lực xây dựng quốc gia tập thể. Nói cách khác, chống đối không phải là tham gia chính trị mà là lật đổ nhà nước. Việc phổ biến những ý tưởng này ở một số quốc gia đang phát triển đang giúp ĐCSTQ hiện thực hóa tầm nhìn của mình về một trật tự toàn cầu đã được sửa đổi, trong đó nhiều mô hình quản trị - dân chủ và chuyên chế - có thể tồn tại như những lựa chọn chính trị hợp pháp như nhau.

Phạm trù cuối cùng các hành động phản dân chủ quốc tế liên quan đến những hành động nhằm làm suy yếu các định chế quốc tế vốn thấm nhuần các chuẩn mực dân chủ và tạo ra các định chế mới không áp dụng, do đó làm trung hòa các giả định tự do đang tồn tại trong trật tự toàn cầu hiện nay. Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng sức mạnh mà họ có được bằng cách củng cố ảnh hưởng trong các cơ quan của Liên hợp quốc để đảm bảo sự liên kết thể chế với các ưu tiên của Trung Quốc: chẳng hạn, họ đã sử dụng quyền lực của mình trong Liên minh Viễn thông Quốc tế để thúc đẩy các chính sách tạo điều kiện cho việc sử dụng công nghệ độc tài để đàn áp công dân. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lật đổ trật tự tự do hiện tại - mà Trung Quốc coi là trở ngại cho sự nổi lên như một cường quốc - là chưa từng có. Trung Quốc đang đưa các khái niệm ý thức hệ và chiến lược chính sách đối ngoại của mình vào các tuyên bố quốc tế về sự đồng thuận, thay thế các khái niệm của Trung Quốc, chẳng hạn như “quyền phát triển” và “chủ quyền Internet”, để có những giá trị được nắm giữ rộng rãi hơn. Nó cũng đang thúc đẩy quan điểm của riêng mình về quyền con người, trong đó các chính phủ có thể viện dẫn những điều kiện được cho là duy nhất của địa phương để biện minh cho việc coi thường các quyền của cá nhân hoặc thiểu số và trong đó các quyền dân sự hoặc chính trị là thứ yếu so với cái gọi là các quyền kinh tế và xã hội. Tóm lại, những nỗ lực phi tự do (illiberal efforts) của Bắc Kinh đã cắt giảm nền dân chủ ở thế giới phát triển, thế giới đang phát triển và trong các định chế quốc tế dẫn đến việc tấn công các chuẩn mực, quy tắc và đạo đức mà thế giới được quản lý. Chúng đe dọa mở ra một thế giới ngày càng phi dân chủ với các chế độ nhìn ngắm Bắc Kinh và thiếu thiện cảm với lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh. Các chế độ như vậy sẽ ít chịu trách nhiệm hơn đối với người dân của họ, ít cam kết hơn với các quyền cá nhân, ít chịu trách nhiệm hơn với các thể chế quốc tế duy trì các chuẩn mực dân chủ và các giá trị phổ quát, và chuyên tâm hơn vào việc kiểm soát và đàn áp thông tin. Nói tóm lại, nếu Bắc Kinh không cố gắng cải tạo thế giới theo hình ảnh của mình, thì họ đang cố gắng làm cho thế giới trở nên thân thiện hơn với lợi ích của mình — và hoan nghênh hơn đối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài nói chung.

TIẾN LÊN

Thách thức của ĐCSTQ đối với nền dân chủ đòi hỏi một nỗ lực phối hợp và có nguồn lực tốt để củng cố các thể chế dân chủ ở các quốc gia dễ bị tổn thương trên thế giới. Nỗ lực này cần ưu tiên hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập và xã hội dân sự, các biện pháp chống tham nhũng và chống rửa tiền tích cực, và đầu tư vào các công nghệ có thể thâm nhập vào các không gian kỹ thuật số khép kín và mang lại sự minh bạch cho các quy trình chính trị. Hoa Kỳ và các đồng minh cũng nên nỗ lực để đưa ra các giải pháp thay thế dân chủ cho các công nghệ chuyên quyền và các hạn mức tín dụng có điều kiện mà Trung Quốc đang bán. Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn của chính quyền Biden, một dự án G-7 nhằm cung cấp phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là một bước đi đúng hướng quan trọng sẽ giúp chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc,. Nhưng các quốc gia dân chủ có thể — và phải — làm nhiều hơn nữa để cùng nhau củng cố các nền dân chủ dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.

Những nỗ lực như vậy chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các nền dân chủ phát triển nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng hệ thống chính trị của chính họ thực hiện: để duy trì sức hấp dẫn toàn cầu của nó, nền quản trị lấy công dân làm trung tâm, quan tâm xã hội dân sự phải được coi là chính yếu thiết thực. Các nền dân chủ phát triển cũng phải tăng cường khả năng bảo vệ chính trị của riêng mình và chủ động xác định và vạch trần các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm phá hoại các nguyên tắc tự do ngôn luận, can thiệp vào các quy trình chính trị và hợp tác với giới ưu tú chính trị và kinh doanh. Họ có thể làm điều này bằng cách cùng nhau thắt chặt ảnh hưởng của nước ngoài và luật đầu tư, đồng thời khuyến khích giới ưu tú dành ưu tiên sự độc lập các nền dân chủ của họ thay vì lợi ích kinh tế cá nhân của họ ở Trung Quốc.

Hoa Kỳ và các đồng minh cũng phải duy trì vai trò lãnh đạo và đòn bẩy trong các thể chế quốc tế sẽ định hình tương lai kinh tế và công nghệ của thế giới. Việc nhường quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các thể chế này giúp Bắc Kinh dễ dàng giành được chiến thắng. Chẳng hạn, Trung Quốc đang giữ vị trí chủ nhà của Hội nghị Internet Thế giới để hợp pháp hóa định nghĩa (rất hạn chế) của mình về tự do Internet. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ cần phải làm nhiều hơn là chỉ đơn giản là hiện diện. Họ phải thực hiện một nỗ lực tích cực và thống nhất để đảm bảo vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quan trọng này trên toàn bộ hội đồng quản trị.

KHÔNG KHẮC PHỤC NHANH

Trung Quốc của ngày hôm nay không phải là Liên Xô của ngày hôm qua. Nhưng dù sao thì Bắc Kinh cũng đang nỗ lực để khuếch đại chủ nghĩa độc tài trên khắp thế giới. Nó đang làm ruỗng mục các thể chế dân chủ và tăng cường các công cụ đàn áp ở các nước đang phát triển. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm việc để loãng đi các chuẩn mực tự do và làm xói mòn các biện pháp bảo vệ nhân quyền vốn được tôn trọng trong nhiều định chế quốc tế để khiến chính họ — và những người có cùng quan điểm chuyên quyền trên toàn thế giới — trở nên mạnh mẽ hơn và ít trách nhiệm hơn.

Có một cuộc tranh luận chính đáng đặt ra về việc liệu Trung Quốc đang hành động tấn công để tạo ra một thế giới phi đạo đức hơn hay phòng thủ để làm cho thế giới an toàn cho thương hiệu độc tài của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự khác biệt đó có thể không phù hợp nếu Bắc Kinh cảm thấy bị thúc đẩy để tiếp cận các xã hội dân chủ, cắt xén các thể chế của họ, đàn áp và kiểm duyệt các bài phát biểu mà họ cho là xúc phạm, và xói mòn nền tảng của xã hội tự do trên toàn thế giới.

Vào thời điểm các chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng cho những thách thức lớn liên quan đến đại dịch, việc Trung Quốc đưa ra các câu trả lời hẹp hòi phản tự do và các phương tiện để đạt được chúng mà không từ bỏ quyền lực đang thúc đẩy sự trỗi dậy trên toàn cầu của chủ nghĩa độc tài. Trung Quốc không thổi bùng ngọn lửa cách mạng bạo lực hay thậm chí ủng hộ chế độ độc đảng. Nhưng đó không phải là thước đo đúng đắn để đánh giá hành động của nó. Một phép đo tốt hơn là xem xét tổng thể những cách mà Bắc Kinh đang làm băng hoại các chính phủ, xã hội và cá nhân dân chủ.

Hoa Kỳ và các đồng minh phải tăng cường phòng thủ và đẩy lùi Trung Quốc bằng cách xây đắp nền dân chủ ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nếu không làm như vậy có thể gây hiểm nguy trật tự quốc tế hiện tại - và làm tương lai không an toàn cho nền dân chủ.

CHARLES EDEL is a Global Fellow at the Wilson Center and a Senior Fellow at the United States Studies Centre at the University of Sydney. He previously served on the U.S. Secretary of State’s Policy Planning Staff and is a co-author of The Lessons of Tragedy: Statecraft and World Order.

DAVID O. SHULLMAN is Director of the China Global Hub at the Atlantic Council. He served as Deputy National Intelligence Officer for East Asia on the National Intelligence Council from 2016 to 2018.

 
 

Hồ Lạc Hồng dịch

___________________________________________
[1] How China Exports Authoritarianism – Beijing’s Money and Technology Is Fueling Repression Worldwide_Charles Edel_David O. Shullman_Foreign Affairs Sept. 16, 2021