TÂM THỨC LƯU ĐÀY VÀ THÂN PHẬN CHÍNH TRỊ CỦA MỘT CON NGƯỜI

 
 
 

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn
(1)

Biến cố chính trị minh định thân phận chính trị con người (2). Bởi chính con người tạo ra biến cố mà bản chất biến cố vốn là sự thay đổi. Biến cố chính trị mang tính lịch sử làm thay đổi thân phận cá nhân hay tập thể một số người liên hệ trực tiếp với biến cố, và định mệnh lịch sử lại chính là kết quả vinh quang hoặc nhục nhằn mà biến cố chính trị mang đến cho họ. Do đó, biến cố chính trị đóng góp vào tập hợp sự kiện lịch sử, mang dấu ấn trên cả những thay đổi văn hóa, chính trị, xã hội, đồng thời nội dung mô tả thứ bi kịch con người xuất phát từ hậu quả tác động trực tiếp của nó.

Bình thường con người ai cũng có quê hương nhưng biến cố chính trị làm con người nhạy cảm với ý niệm quê hương hơn bao giờ hết về mặt tâm lý, trong khi nội dung triết lý của từ quê hương cũng thay đổi. Trong bài viết này tôi muốn đề cập đến một vấn đề trong nhiều đề tài liên quan đến Biến cố Chính trị 30 tháng Tư năm 1975, ngày Sài Gòn Sụp Đổ (3). Đó là Tâm thức Lưu Đày đối với những kẻ từng một thời chứng nhân và nạn nhân của biến cố chính trị lịch sử này.

Đã năm mươi năm trôi qua, đất nước Việt Nam thống nhất sau khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Loại trừ vấn đề phân tích, lý luận bản chất chủ nghĩa hay ý thức hệ cuộc chiến tranh, chúng ta muốn nói đến một bộ phận người Việt thua cuộc, không chấp nhận sống dưới chế độ Cộng sản rời bỏ đất nước ra đi qua các cuộc di tản trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Mười năm tiếp theo, trên đất nước Việt Nam không ngớt diễn ra việc thuyền nhân (Boat people) bất kể hiểm nguy tìm đường vượt biển Đông, và đường bộ vượt biên giới Cambodia, Lào đến Thái Lan tìm một quê hương mới có tự do dân chủ để tái định cư.

Từ năm 1990, do sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, chương trình HO đã giúp một số lượng lớn quân nhân công chức chế độ cũ bị tù cải tạo (Reeducation Camp) trên ba năm dưới chính quyền Cộng sản được đến định cư tại Hoa Kỳ. Nhóm người Việt này cùng những người Việt bỏ xứ ra đi hay vượt biên trước kia tạo nên một cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới hôm nay. Năm thập kỷ trôi qua đã có đến bốn thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhưng nói đến ý nghĩa của hai chữ Lưu Đày đối với họ có lẽ chỉ còn đậm nét ở hai thế hệ đầu tiên, và đặc biệt nơi những người căn bản có dính líu, liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến ngày xưa. Trong khi thế hệ con cháu của họ sinh đẻ bên ngoài đất nước Việt Nam, ý niệm Quê Hương rất mờ nhạt và hình ảnh tạo nên cội nguồn gốc rễ có lẽ cũng sẽ phai nhòa tan biến trong vài thập niên sau này.

QUÊ HƯƠNG TRONG TÂM THỨC LƯU ĐÀY

Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, một bộ phận lớn quân nhân, công chức chế độ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) phải vào trại tập trung cải tạo (4) của chính phủ Cộng sản. Và cũng từ đó trong tâm thức những người tù chính trị này bắt đầu hình thành ý niệm Lưu Đày trên chính quê hương đất nước của mình. Căn bản Ý niệm Lưu Đày ban đầu đối với họ chỉ là sự khác biệt quá khứ trong quá trình đấu tranh mang tính phe phái đối nghịch của cuộc chiến tranh, và với một số người xem đó là cơn ác mộng trong cuộc đời của họ. Từ đó họ cho rằng, nếu cuộc đời là quá trình tồn tại tự nhiên của con người theo hoàn cảnh thì với họ, cuộc đời bây giờ là một cơn ác mộng kéo dài, hạnh phúc chỉ là những giấc mơ ngắn ngủi trong cơn ác mộng thường trực mang tính định mệnh kia. Bi kịch đối với họ là nỗi thương nhớ thường xuyên ngôi nhà quê hương trong tâm thức bị mặc cảm ruồng bỏ, chối từ. Và Nostalgia chính là chuỗi lưu luyến ám ảnh kéo dài một quê nhà trong tâm trạng lưu đày dù đang ở trong nước hay sống lưu vong nước ngoài.

Chính trị trong tâm thức đấu tranh con người mang tính Bi Kịch. Điều này còn thêm nét bi hài triết lý đối với nạn nhân của biến cố chính trị xuất phát từ một cuộc chiến tranh thất bại. Thân phận nạn nhân chính trị (thua cuộc) chịu đựng thứ bi kịch Lưu Đày vì họ đánh mất hoàn toàn di sản quê hương về mặt tâm lý, nếu hiểu Quê Hương là mục tiêu lý tưởng cho họ hy sinh đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Trong tâm hồn họ, Quê hương một thời ấp ủ cưu mang khát vọng, hoài bão dựng xây ngôi nhà hạnh phúc cho bản thân cũng như cho Dân tộc không còn nữa. Nếu ngày ấy trong vai trò, vị trí công dân, quê hương là lẽ sống, nơi chốn biểu lộ tình cảm yêu thương hay cả sự giận dữ thù ghét nếu cần thì hôm nay thay vào đó chỉ còn sự trống rỗng niềm tin và nỗi bơ vơ lạc loài trong tư thế tâm hồn bị phá sản của thứ công dân loại hai. Trước kia, nếu không hoàn thành ước mơ khát vọng, họ có thể đau thương khốn khổ ăn năn với sự sai sót của mình, đồng thời tìm cách sửa chữa sự sai lầm, khôi phục niềm tin đã mất bằng tư cách của một đứa con đi hoang trở về ngôi nhà dân tộc. Nhưng điều này không xảy ra một khi con người là nạn nhân của biến cố chính trị Ba mươi tháng Tư năm 1975. Trong vị trí kẻ thua cuộc, con người nạn nhân này mang tâm trạng Lưu Đày cho dù chính họ còn tiếp tục sinh sống trên mảnh đất quê hương hay đã bỏ nước ra đi.

Bi kịch chính trị chính là nỗi đau thương cùng cực khi ý niệm Lưu Đày hiện hữu trong tâm thức như thứ trừng phạt mang tính nguyền rủa vì bản thân đã đánh mất hoàn toàn vốn liếng cuộc đời trong cuộc đấu tranh dành lấy lý tưởng hạnh phúc. Bấy giờ thân phận chính trị đại biểu cho định mệnh mang tính lịch sử đưa con người vào chuỗi đấu tranh mới mà vai trò cái Self đối kháng thực tế xã hội một cách tiêu cực của những người còn phải tiếp tục sống trên đất nước quê hương. Tuy nhiên với một số người lưu vong, tâm thức Lưu Đày lại dựng xây trong tâm hồn họ một quê hương vô hình thứ hai mà chủ thể xem như Quê Hương thực sự, thay thế một quê hương đã không còn trước mắt hay đang tồn tại bên kia bờ đại dương.

Quê Hương mới này chính là thứ quê hương của những kẻ lưu đày. Nó thuộc về ký ức và không ngừng cung cấp dữ kiện cốt biện minh bảo vệ một tâm tư lúc nào cũng cho rằng mình không còn quê hương, hay bị quê hương ruồng bỏ. Trên dòng đời lúc này, thân phận Lưu Đày xâm chiếm toàn bộ tâm tư ý nghĩ con người và xua đẩy ý niệm quê hương cũ vào ngôi nhà kỷ niệm của giấc mơ cuộc đời. Nếu ai đấy khơi gợi sự bất hạnh thân phận chính trị, lúc bấy giờ sẽ được chủ thể viện dẫn và tìm con đường trở về một quê hương ký ức, nơi đó có tự do và nhân phẩm được tôn trọng.

Ngược lại với kẻ mà tâm trạng bị ruồng bỏ trên chính quê hương, tâm tư lưu luyến, hoài niệm (Nostalgia) hiện dần, hình thành vai trò diễn viên đánh mất tất cả niềm tin lẫn hoài vọng vào một bi kịch. Và Lưu Đày lúc này trở thành sân khấu trình diễn sự đấu tranh với Lãng Quên bởi càng muốn lãng quên con người càng bị đóng kín trong nhà tù tâm thức Lưu Đày. Thời gian chỉ làm con người mà thân phận chính trị thất bại bị cô lập hơn nữa trong cái xã hội biểu tượng sự thù nghịch mà không bao giờ hòa giải được. Mọi nỗ lực hàn gắn bằng cách thỏa hiệp đều thất bại vì càng sống con người càng tìm cách chui sâu trong chiếc kén Lưu Đày của mình một khi khơi gợi quá khứ, cho dẫu nơi đó giờ có quê hương mới được dựng xây trên nội dung xưa cũ.

Trong khi đó thân phận chính trị con người lưu vong trung thành với lý tưởng qua sự kiên định khắc nghiệt của mình trong cô đơn vô vọng trên chính trên mảnh đất mới cưu mang mình. Ở nước ngoài cứ mỗi năm đến ngày Ba mươi tháng Tư, luôn có một số người nói với nhau hay phát biểu trên truyền thông, báo chí rằng “Kỷ niệm ngày mất nước”. Đất nước Việt Nam có nằm trong tay ngoại bang đâu mà mất! Nếu nói mất, chính những người Việt lưu vong chúng ta mất quê hương riêng mình để rồi từ đó bắt đầu chịu đựng số kiếp Lưu Đày. Ngày Ba Mươi tháng Tư thực sự là Ngày Kỷ Niệm cuộc đời Lưu Đày của chúng ta, những kẻ hoàn toàn trắng tay Quê Hương trong ý nghĩa thô thiển nhất cho dù có những người tự an ủi nói “chúng ta đi mang theo quê hương”; và người ta bằng lòng vui vẻ với sự ngoan cố ấy trong bản thể lưu vong của mình cho đến hết đời.

TÂM TƯ LƯU ĐÀY CỦA MỘT BÀI THƠ

Nếu Thi ca là khuôn mặt khác của ngôn ngữ thì những kẻ cầm bút lưu vong dùng nó diễn tả Tâm Tư Lưu Đày của mình. Tâm trạng Lưu Đày là nguồn cảm hứng chính yếu của kẻ cưu mang thứ sinh mệnh chính trị ấy. Họ dùng ngòi bút mô tả nỗi niềm yêu thương hay chối từ ruồng bỏ trên căn bản ý thức cảm hứng của người sáng tác. Bài thơ “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển” của nhà thơ Du Tử Lê có thể nói đặc trưng mô tả tâm thức Lưu Đày với khát vọng đầy mâu thuẫn của một người đánh mất quê hương nhưng muốn tìm về quê cũ sau khi chết. Bài thơ biểu tượng mặc cảm cùng cực của thân phận lưu đày: người đánh mất tất cả, cuối cùng đến cả một nấm mồ để chôn:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
. . .


Hồn và xác của một kẻ Lưu Vong chịu đựng sự mâu thuẫn cùng cực và trong thân phận Lưu Đày, họ che dấu khao khát ước muốn trở lại một quê nhà ký ức vì không thỏa hiệp trong thân phận chính trị hiện tại. Tuy Xác có thể được nước đẩy trôi về quê cũ nhưng Hồn thì không theo Xác, tiếp tục lang thang bơ vơ chịu kiếp lưu đày. Hai thực thể Hồn và Xác của một con người được mô tả mâu thuẫn đối nghịch không chỉ lúc chết mà ngay cả khi còn sống cho thấy thân phận chính trị bấp bênh điển hình sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 của một số người Việt Nam lưu vong. Đối với người tỵ nạn cộng sản, quê hương đang trong tay kẻ thù, và tâm tư Lưu Đày mang tính định mệnh vì không thay đổi được. Trong khi đó nhà thơ bằng lòng thỏa hiệp với mảnh đất mới ông đang sống, nhưng không đầu hàng và chỉ nhìn nhận một quê hương tạm dung trong tâm tư Lưu Đày của mình.

Chỉ con người cưu mang tâm tư Lưu Đày mới thực sự mặc cảm mất quê hương. Họ không bao giờ có quê hương nào khác ngoài quê hương đã mất. Mảnh đất họ đang sống không bao giờ là quê hương của họ một lần nữa, cho dù họ không thiếu thốn những đòi hỏi từ thân phận chính trị mà họ cổ xúy, vinh danh như Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền, Bình Đẳng … “Vùi đất lạ thịt xương e khó rã” là thứ mâu thuẫn của việc “một quê nhà bên kia đại dương” mới là quê hương thực sự của kẻ một thời chiến bại, cho dù quê nhà ấy với thân phận chính trị nhà thơ chối từ trong khổ thơ thứ sáu:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Không biết có phải đây cũng là mặc cảm trong tâm hồn đầy mâu thuẫn vì sự lựa chọn vô thức giữa một quê nhà ký ức tiền-chiến tranh, và một quê nhà thù địch trong thân phận chính trị nên nhà thơ mới sáng tác khổ thơ thứ sáu này như một xác minh lập trường chính trị. Tuy vậy, một cách tổng quát nó vẫn không giấu nét bi đát của một quê hương ký ức tan rã trong lòng những kẻ kiên định không thỏa hiệp với kẻ thù và chấp nhận cái chết cô đơn không - quê hương cuối cùng cuộc đời.

Có thể nói hai câu thơ cuối mô tả sự thật này:

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn


Nhưng nếu nỗi buồn này là định mệnh cuộc đời của kẻ lưu vong thì nó chỉ an ủi số phận bởi vì dù không tỏ rõ thân phận chính trị, nhưng ai cũng hiểu đó là số phận của những kẻ chiến bại sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Chiến tranh Việt Nam là phiên bản cuối cùng của cuộc chiến tranh đổ máu tàn khốc cuối thế kỷ hai mươi với kết quả là nỗi nhục nhằn của cả triệu người bỏ nước ra đi nhưng vẫn ấp ủ ước mơ trở về một quê hương ký ức tiền-chiến tranh, và mãi mãi sống với thứ ảo ảnh có thật đó bằng tâm thức của kẻ lưu đày.

Ký ức chiến tranh khiến họ quyết tâm rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tận đáy lòng lại miễn cưỡng thỏa hiệp với cuộc đời lưu vong của mình, nhưng giấu đằng sau nỗi buồn Lưu Đày ước muốn não lòng “Lá rụng về cội” cuối đời. Tuy nhiên thái độ chọn lựa của họ cũng chỉ là tiếp tục đóng góp cho làn sóng di dân trên khắp thế giới sau mỗi cuộc chiến tranh, và lưu lại bao đau thương kinh khiếp trên con đường đi tìm kiếm đất hứa để tái định cư.

Nhưng đất hứa nếu có chỉ là quê hương của những kẻ quyết tâm lột xác, tái sinh lần nữa; trong khi những kẻ gắn bó sinh mệnh chính trị Lưu Đày sau cuộc chiến tranh, bao giờ cũng chỉ là nỗi đau buồn triền miên vì thương nhớ một quê nhà xưa cũ, và hết sức đau lòng khi nghe con gió Bấc trở về (5) mỗi đầu mùa đông.

 
 

Tháng 3/2025

Lê Lạc Giao


____________________________________________
(1) Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển – Thơ Du Tử Lê
(2) Lập Trường Chính Trị trong ý nghĩa triết học
(3) The Fall of Saigon
(4) Nhà tù lao động khổ sai của Cộng sản
(5) Hồ mã tê Bắc phong