Bạn Bè Một Thuở Phiêu Bồng Văn Chương

*Gởi các bạn của một thời Văn Khoa ngát xanh
 
 
 

1.
Buổi họp mặt mùng Hai Tết Nhâm Thìn 2012 với bạn hữu ở Làng Nướng Nam Bộ vậy mà cũng gần tròn năm. Có gần đến hai mươi khuôn mặt của một thời Văn Khoa ngát xanh. Đã thành lệ, một khi có bạn trong nhóm thân hữu về nước thăm gia đình, người thân là Quang Khiêm, Trung Sơn gởi thông tin họp mặt. Tôi là người ở xa nhất vẫn cố sắp xếp về với bạn bè… Những dấu chân chim rõ sâu khóe mắt, những mái đầu “muối nhiều hơn tiêu”. Người dáng hao mòn, người tròn hậu cùng bước đi chậm chạp. Nhưng nụ cười, cái bắt tay, ôm choàng vẫm ấm nồng tình bạn năm xưa. Lần trở về tụ hội tại Làng Nướng, rượu chẳng làm ai say được. Vậy mà ai cũng ngất ngây trong những ca khúc, tiếng đàn, trong dịu ngọt của thơ ca. Những tâm tình, sẻ chia kỉ niệm có đến mươi lăm, hai mươi năm xa cách giờ xôn xao hội ngộ, “Hành lang chiều thinh lăng/ Ngu ngơ tôi và em/ Thả đầy trời mộng trắng/ Biết đâu là nhớ quên!” (Đêm giao lưu gặp bạn). Cũng chưa hẳn là “Cùng một lứa bên trời lận đận”, những anh sinh viên nghèo Văn Khoa những năm 69, 70 mà ắp đầy khát vọng, “Căn gác trọ dăm chàng sinh viên đói/ Ổ mì tương nửa thước ngắt chia ba” (Hội ngộ Sài – gòn). Sau hơn 20 năm, từ Úc về, vẫn dáng người nhỏ thấp đậm nét phong trần đang làm việc ở cơ quan giáo dục, Văn Sơn nói, tôi nghĩ không do rượu đâu dù đã khá nhiều “bôi tửu”, với tôi – chỉ có quê hương và bạn bè. Vâng, tình bạn của chúng tôi, khối ngọc lấp lánh thách thức thời gian.
Và tôi lại nhớ Nhật Tân, Nhật Thành từ thời Trung học gắn bó nhau cho đến giảng đường ở Cường Để - Sài –gòn để có thêm nhiều bạn bè. Một phần tư thế kỉ, vẫn là bạn của nhau. Bạn bè một thuở lang thang, phiêu bồng cùng triết học, thi ca dù cách nhau nửa vòng trái đất. Với Nhật Tân tình bạn hai tôi khởi đầu từ bài thơ đầu tiên năm mười tám tuổi.

2.
Đó là bài thơ được in đăng hẳn hòi trên đặc san của trường cách đây đã hơn 40 năm. Bạn bè cùng lớp và nhiều lớp đệ nhj, đệ nhất nể nang lắm. Bởi năm học đó, chăng hiểu do tình huống nào mà một anh học sinh lớp đệ nhất ban Tự nhiên như tôi lại được bầu chọn làm trưởng ban báo chí của trường ? Cùng trong Ban với tôi là các bạn Nhật Tân, hiện đang định cư ở Mỹ và Lê Tấn Sỹ. Giáo sư phụ trách Ban đại diện trường giao chúng tôi tập hợp, xem xét chất lượng bài viết của các khối lớp gởi về, và tất nhiên tôi phải có thơ, văn sáng tác. Sau đó để được đưa in, bản thảo Đặc san phải được trường duyệt lần cuối. Thật lý thú, hầu hết các bài do tôi chọn đều có mặt trong số Đặc san năm ấy. Giờ nhớ lại vẫn thấy “tự hào” về “năng lực” thẩm định văn chương của mình. Đó là Đặc san số mùa Xuân năm 1969 thời điểm mà xã hội miền Nam có nhiều biến động lịch sử dữ dội. Yêu hòa bình, ghét chiến tranh là cảm thức chung tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy. Tôi còn nhớ mấy bạn Đại diện của trường Trung Học Chu Văn An cũng đang chuẩn ra mắt số Tết sang trường tôi làm cuộc “phỏng vấn bỏ túi”. Tôi và Tân đã không ngần ngại nói về chủ đề số báo của trường, Viết cho người nằm xuống và người còn lại, kèm theo là tờ bìa do Nhật Tân, Tấn Sỹ vẽ công phu với hình ảnh mặt trời và những dòng kẻm gai đầy ấn tượng. Một cây bút của trường bạn xem rất thích có bút danh khá “quái”, Trần Như Nhộng mà lúc đầu nghe tôi đã “dị ứng” nên anh gân cổ lên lý giải, tôi muốn là tôi thật, thật trọn vẹn. Đúng là đáng yêu làm sao, tuổi trẻ ! Nhưng khi cầm bản thảo với tờ bìa trên gặp Hiệu Trưởng xin cấp tiền để in ấn (lúc đó trường chưa duyệt), vị giáo sư phụ trách “phán” một câu lạnh lùng, “đợi đấy, tượng làm chưa xong đã lo nặn bệ”. Chúng tôi cụt hứng nhưng bàn với nhau, tờ bìa sẽ “hiền” hơn để giữ nội dung, “hồn cốt” của báo. Số Đặc san Xuân năm ấy rồi cũng được phát hành trong có thơ tôi viết về khát vọng hòa bình, chỉ còn nhớ được ý thơ tả âm vọng hồi chuông khắc khoải và dòng thơ kết bài Tôi sống đây người phương Nam.

3.
Không kể mấy dòng thơ vụng về để dưới hộc bàn gởi cho một nữ sinh chưa quen biết hồi còn học trung học (và một buổi sáng bất ngờ cô đến tìm gặp và tôi hoảng lên…bỏ chạy), tôi đến với thi ca bằng mấy bài thơ ở tuổi mười tám như thế đó. Cùng đậu Tú Tài ban Toán nhưng đều ghi danh học Triết ở Văn Khoa Sài - gòn một phần vì yêu mến nghệ thuật và cũng để trốn quân dịch. Ở giảng đường Đại học tôi kết thân nhiều bạn bè, Việt Cường, Ngọc Cường, Tấn Hà, Thu Sa, Nguyễn Kỳ, Trung Sơn, Hữu, Hiền, Tấn Hải, Quang Khiêm, Văn Sơn, Đình Hoành …Những bóng hồng trong dòng sông Triết mà mỗi chúng tôi chạy đuổi nắm bắt muốn hụt hơi, Vương Yến, Vương Đào, Thanh Liêm, Nguyễn Hiền, Kim Anh, Mỹ Huê, Tường Vi, Phục An…Điểm gặp nhau là chúng tôi đều có chung sở thích viết văn, làm thơ giữa một thời kì mà Đất nước, Dân tộc có bao nhiêu là biến động của chiến tranh, loạn lạc. Chiến tranh, con quái vật tàn bạo, điên cuồng vô độ hủy diệt cuộc sống, con người , tuổi trẻ, ước mơ. Làm sao thoát ra? Bằng con đường nào?...Chính âm nhạc, thi ca, triết học đã cứu lấy chúng tôi. Trong một bài viết, nhân kỉ 10 năm (1/4/2001 – 1/4/2011) ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn tôi đã từng thổ lộ. “ Ai đã đã thốt lên ‘Sắc đẹp cứu rỗi nhân loại’. Tình yêu trong nhạc Trịnh cũng thế đã níu giữ lại phần tâm hồn đang sắp rệu rã, đang dần chết mòn của chúng tôi trong sự khốc liệt của chiến tranh như con bão dữ đang cuốn đi tất cả tuổi trẻ, tình yêu, hi vọng”. (Trịnh Công Sơn và cà – phê Hồng ngày ấy)

Và cùng âm nhạc, triết học tình yêu văn chương, niềm đam mê cầm bút sáng tác cũng là một lối thoát cho những ưu tư, trăn trở, xúc cảm đang đè nặng tâm hồn. Đề tài khuôn vào một số dạng kiểu thơ Thiền, thơ triết lí Phật Giáo, Hiện sinh, thơ tình…có cả dạng loạn tâm, loạn tưởng. Tôi khó mà quên cuốn lịch để bàn ở nhà Quang Tuệ, người anh – người bạn thân thiết học trên một khóa mỗi khi ghé lại nhà anh, tôi và bạn nào cũng có thể ghi thoải mái một ý tưởng, một chữ, câu thơ, một cảm nhận…lạ lẫm, phá phách manng chất triết, chất thiền, bay bổng lãng mạn. Nhật Tân đã đặt tên cho “tuyển văn thơ” ấy không gì phù hợp hơn: Thi văn phẩm của Đười Ươi và Khỉ Đột. Tiếc là tuyển phẩm ấy đã rã rời cùng cát bụi thời gian! Một kiểu phản kháng thực tại đầy bế tắc.

“Từng trang viết trãi hết lòng với lá
Những ưu tư, khát vọng đắng…và em”
(Hội ngộ Sài – gòn, 1999)

Vậy mà một vài tác phẩm của chúng tôi đã được các tạp chí văn học uy tín ở Sài – gòn đăng tải. Truyện ngắn của Lê Lạc Giao (Tấn Hà), truyện ngắn Cơn Bão, bài Lục bát, bài Tứ tuyệt trên Khởi Hành (Viên Linh chủ biên), Văn (Nguyễn Xuân Hoàng, Thư kí tòa soạn) vào những năm 1971, 72 của tôi kí tên Thái Dũng:

“Chiều kênh kênh bay qua
Sương ướt đầm ngọn cỏ
Chiều xô cửa ra ngó
Gió đùn mây trời xa”
(Mây xa, Tạp chí Văn, Sài- gòn - 1972)

Nguyễn Kỳ, cao khều cầm tờ Văn trên tay cứ trêu đùa Dũng mà còn lại Thái. Đúng là dở cười, chẳng lẽ lưu lại thi ca cho cháu con với cái tên Thái Dũng? Do vậy tôi chọn bút danh mới mà bạn hữu mấy mươi năm gặp lại vẫn thích gọi Văn Nhược Ba dù bút danh hiện nay là Nguyễn Nguyên Phượng hay tên khai sinh Nguyễn Anh Dũng. Các anh chị học khóa trước, Quang Tuệ, Trần Tâm, Hòa Vinh, Đăng Trúc, Việt Hùng… nội lực còn thâm hậu hơn nghiên cứu tư tưởng Đông, Tây đáng nể phục với nhiều bài viết hàng chục trang trích dẫn các tài liệu ngoại văn: Hán tự, Đức, Pháp, Anh... đậm đặc dù chỉ in ở nội san trường Đại học.

4.
Giảng đường nơi chúng tôi đến nghe các vị GS,TS giảng không nhiều mà là để gặp nhau là chính. Vét túi gom tiền kéo nhau ngồi lê cà – phê, trà lá đốt thuốc tỏa um dòng xanh. Chúng tôi mang sách, cour bài giảng bàn thảo sôi nổi về Karl Marx, Socrate, Platon, Khổng Tử, Lão Tử, Sartre, Freud…Rồi không biết ai trong bọn lại ngẫu cảm đọc thơ… Không của Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyên Sa thì cũng của Quang Dũng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng…Có buổi kéo nhau về ngồi nghe nhac Trịnh công Sơn, nhạc tiền chiến suốt ở cà - phê Hồng Pasteur. Cao hứng khi trong nhóm có bạn lãnh nhuận bút, lương dạy kèm lại rủ nhau “moi đít ốc” với rượu đế nơi vỉa hè chợ, lần đó tôi nhớ có cả nhà thơ Trụ Vũ. Nguyễn Kỳ cao hứng ngâm nga mấy câu trong Hành phương Nam của Nguyễn Bính: “Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi cố nhân ơi!”. Còn Quang Tuệ lại cảm khái câu thơ của nhà thơ xứ Quảng: “Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm”. ( sau này tôi mới biết là của Thu Bồn trong bài “Gởi lòng con đến cùng Cha”). Ơi, một thời ngát xanh Văn khoa đáng nhớ, đáng yêu xiết bao:

“Sài – gòn Chợ Lớn rong chơi
Đi lên, đi xuống đã đời du côn…

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay…”
(Bùi Giáng)

“Ta lại về với nhau đây
Một thời để chết, ơi ngày xa xưa
Sài – gòn nắng, Sài - gòn mưa
Lang thang. Bụi băm. Hoài mơ tang bồng…”
(Nguyễn Nguyên Phượng)

Trong cõi mộng của thơ ca, âm nhạc ấy làm sao có lối ra. Tôi đã nói về điều này hẳn bạn bè năm xưa đồng cảm. “Nhưng vẫn có những con đường, những chỗ ngồi “thanh bình” trong kẻm gai, trong bế tắc. Đám chúng tôi bỏ giảng đường nhưng chẳng biết về đâu. Ngày mai, tương lai mờ mịt. Triết luận, suy tư với lắm nỗi trở trăn…Sách vở mở ra lắm ngã đường. Nhưng con đường tìm thấy trong cuộc sống thì không! Chúng tôi tìm nơi để “trốn”. Và tìm đến thơ ca, âm nhạc là thế. Café Hồng - Pasteur, café quán cóc Nguyễn Du, Bình Minh, Hoàng Hôn – Nguyễn Thiện Thuật...Dọc theo đường đến Văn Khoa là Duyên Anh, Hân…” (Trịnh Công Sơn và cà – phê Hồng ngày ấy)

Nói như vậy chứ chúng tôi học như điên, học để không bị cuốn vào cổ máy chiến tranh độc ác, tồi tệ lúc ấy. Các anh học lớp trên đã hoàn thành bậc Cao học, còn tôi và từng bạn cũng có trong tay mảnh bằng cử nhân dù phải trãi qua nhiều gian khó. Bởi tiếp thu tri thức, khoa học của các bậc học giả, hành giả của Dân tộc Việt, của những vầng tuệ lấp lánh kim cương Đông hay Tây Phương kim cổ, tài sản vô giá của trí tuệ loài người có bao giờ hoài phí. Chỉ có điều mỗi chúng ta sử dụng nó thật hữu ích cho cuộc sống, nhân loại hay không mà thôi.

5.
Cuộc đời vẫn là cuộc đời, mộng tưởng có lắm thăng hoa chúng tôi vẫn không thoát được thực tại. Sau thời những khắc chấn động năm 72, 73 cuộc đời đẩy xô chúng tôi vào nhiều lối rẽ. Tang thương rồi cũng phôi phai nhưng dâu bể vẫn còn mời gọi. Sau 75 do cảnh ngộ mỗi người và vì kế mưu sinh, sự tồn tại trong cõi nhân gian nên chúng tôi xa nhau.

“Rồi tan tác trong một chiều hối hả
Sóng xô thuyền trôi dạt bến bờ riêng”
(Hội ngộ Sài – gòn, 1999)


Người ở thành phố, kẻ về miền Tây, có bạn phiêu bạt xứ người…Riêng tôi, ngoài mái ấm gia đình, giảng đường đại học tôi còn khắc ghi mái nhà của mẹ Tân, mẹ Trung Sơn. Bởi trước khi đặt chân vào trường Đại học, gia đình tôi phá sản, bán nhà, dời về tạm ở dưới chân cầu Sài - Gòn (Tân Cảng). Tân chỉ ghé nhà chơi một lần ngay đúng bữa cơm trưa, cả nhà gần chục người cầm đũa quây quanh kín bàn. Tôi mời dùng cơm, thấy vậy Tân lấy cớ việc ra về, đến giờ nhớ lại tôi còn ái ngại. Còn tôi, suốt những năm học Văn Khoa ăn, ngủ lại nhà Tân như một thành viên ruột rà. Những bữa cơm rau dưa nghĩa tình. Con đường Phan Tây Hồ, Phan Đăng Lưu ngày nay, Phú Nhuận lối đi, về nhà Tân xanh mãi trong kí ức. Tôi gọi đó là bát cơm “Phiếu mẫu” đã đỡ nâng tôi vượt qua khó khăn. Trong những khuya thanh vắng, âm hưởng ngọt ngào của ca khúc Hoài Cảm (Cung Tiến) qua tiếng đàn Nhật Tân cho tôi nhiều xúc cảm để tập Nguyệt Cầm ra đời dưới mái nhà đơn sơ, chật chội nhưng ăm ắp nghĩa tình. Tập thơ vỏn vẹn chỉ có 24 bài trên giấy pơ – luya hồng đa phần là tứ tuyệt, ghi rõ: hoàn thành vào mùa Đông 1972 (có hai bài trong tập được in đăng báo nói trên). Năm 1976 khi được tiếp nhận làm giáo viên lưu dụng ở trường PTTH Gò Công, Tiền Giang, nhà trường ra thông báo thầy cô dạy trước giải phóng nộp sách vở, tài liệu do chế độ cũ phát hành, tôi cũng nộp giao như việc phải làm. Nhưng những gì riêng tư tôi cất giữ kĩ. 50 năm, tập thơ mỏng manh nằm trong dự định xuất bản vẫn còn trong túi hồ sơ bạc màu theo năm tháng. Vẫn còn đây tờ bìa do Nhật Tân vẽ, trình bày “VĂN NHƯỢC BA - NGUYỆT CẦM - MÙA ĐÔNG 1972”…Vẫn như còn nghe nặng hạt mưa bay khi về qua chốn cũ:

“Mưa như trút đổ trận ngàn
Về qua Phú Phuận vừa tàn đêm thôi
Nhà ai cửa đã khép rồi
Lòng se nỗi nhớ ngậm ngùi bước chân
Đèn không, quán vắng bên đường
Bóng gầy xiểu đổ, mưa mòn lối xưa
Nhà ai đèn tắt bao giờ
Lòng như miễu vắng, bệ thờ hương rơi
Về qua qua chốn cũ khuya rồi
Mưa xưa rét mướt, mưa đời lạnh căm”.
(Vê Phú Nhuận, báo Khởi Hành -1972)

Mái nhà thứ hai ở đường Điện Biên Phủ, gần Ngã Bảy Sài - gòn, “ trạm trung chuyển thân hữu” khó tìm thấy giữa đời thường của Trung Sơn - Sơn giấy. Hồi còn cùng ngồi giảng đường,Trung Sơn hiền lành ít nói, chí tình với bạn hữu. Giấy in lấy từ hiệu văn phòng phẩm nhà cung cấp cho chúng tôi vô tư “không hoàn lại” để làm báo, in tập san. Bạn có tên Sơn giấy là thế. Những năm còn lang thang làm anh giáo ở Gò Công, Mỹ Tho, các kì nghỉ hè, nghỉ Tết trước khi nhảy xe về Long Khánh, Đồng Nai tôi thường cắp cặp ghé lại nhà Sơn. Mái nhà ấm áp làm sao! Ở đây những bửa cơm rau thời “bao cấp” ngon gấp bội lần các món ngon đặc sản nhà hàng bây giờ vì nó đẫm tình hiền mẫu, tình bạn. Những đêm ngủ lại với Sơn, với hai em Hòa, Lương trên tầng ba nao nao nghe lại thơ Đường , nhạc thơ tiền chiến …Qua Sơn, tôi nhận nhiều thông tin về các bạn của thời đi xa nhiều năm, như người thân của Trung Sơn, đi xa đến mười ba năm. Chỉ biết ngậm ngùi sẻ chia trong nỗi đắng lòng. Những buổi mai hay chiều muộn cuối năm lại ngồi cà phê vỉa hè ở Hồ Con Rùa, số 4 Phạm Ngọc Thạch. Tôi và Trung Sơn lặng im theo những giọt đắng chậm rơi, theo những cánh dầu sao xoay xoay phía xa xa Nhà thờ Đức Bà…Trung Lương sau này cùng Trung Hòa định cư ở Mỹ, về thăm quê Lương đã kéo cho bằng được Trung Sơn vượt quãng đưòng hơn 200 cây số từ TP Hồ Chí Minh lên gặp tôi chỉ ngồi uống với nhau mấy chai bia ở quán ven đường nơi tôi công tác, Sông Ray, Cẩm Mỹ, Đồng Nai Tình thiết thân đến thế mà tôi chỉ có mấy câu thơ làm quà trong bụi đỏ mù bay:

“Ta khách lạ ngỡ ngàng mà say đắm
Chiều Sông Ray ai thả khói đốt đồng…
… Bên Suốt Nhát em thẹn thùng đến hẹn
Để khi về ta nhớ mãi Sông Ray!”
(Ta về nhớ mãi Sông Ray)

Quang Khiêm cũng có lần cỡi xe về Mỹ Tho tìm tôi khi đó còn dạy nơi ngôi trường mang tên cụ Đồ Chiểu trước là Collège Mỹ Tho do Pháp xây dựng cách đây trăm năm. Sân trường rộng thênh, có nhiều cây lim sẹt, hè đến trổ bông vàng thắm với nhiều cánh nhỏ lay phay. Tôi vẫn thích gọi là cây cườm thảo, vì nó thơ hơn. Mỹ Tho cũng là quê hương của triết gia Phạm Công Thiện nổi danh với Hố thắm của tư tưởng…Chiều nhẹ nhàng trôi dưới tán những hàng me cao to, vài cành bắt đầu mởn lá non. Quán vắng, cả ba ngồi đợi phin cà – phê thả rơi những giọt buồn. Khiêm gõ nhịp bàn theo điệu đầy thi hứng bài nhạc Chiều phổ từ thơ Hồ Dzếnh vọng sang từ nhà ai gần đó. “Trên đường về nhớ đầy/ Chiều chậm đưa chân ngày/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây”. Tác giả nhớ nhà, nhớ quê còn chúng tôi nhớ bạn bè, nhớ những lần ngồi cà – phê ở Nguyễn Du, Sài – gòn…Trung Sơn, Quang Khiêm qua mong mõi tin cậy của thân hữu đã trở thành hai thành viên phát chuyển thông tin tuyệt vời giúp chúng tôi gắn kết tình bạn mãi keo sơn bền chặt…Mười năm sau, trong lần về lại Nguyễn Đình Chiểu, trường xưa (năm 1987 tôi đưa cả gia đinh nhỏ về Xuân Lộc, Đồng Nai) tôi khó ngăn dòng cảm xúc:

Mười năm ta về lại
Mỹ Tho, ơi Mỹ Tho…
. ..Mái trường xưa còn đó
Bạn cũ nay về đâu
Cườm thảo vàng bay lả
Giọt đắng rưng rưng sầu…
(Về lại Mỹ Tho, 1997)

6.
Năm 1998, từ Thành phố Quang Khiêm gọi với giọng vui tràn, báo tin đã có được đia chỉ mail của Nhật Tân, sau chuyến du lịch ở Mỹ về. Liên lạc với Tân nhé. Tôi thật sự xúc động, ơi bạn của những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ). Nhưng chưa kịp viết thư thì năm sau Tấn Hà về hội ngộ với bạn bè, tiếp là Quang Tuệ...Nghe và biết về Tân, Kỳ, Hữu Hiền, Hải…về cuộc sống nơi xứ người…Vui buồn lẫn lộn. Tấn Hà cứ giục viết cho Tân đi. Trung Sơn đôi lúc cũng nhắc, có thư cho Tân chưa? Và tôi đã viết bài thơ đưa Tấn Hà thay lá thư gởi đến Nhật Tân, Nguyễn Kỳ.
Hội ngộ Sài gòn- Bài thơ hoài niệm về thời đã xa…Một buổi sáng ở Văn Khoa, tôi và Nguyễn Kỳ thêm một bạn nữa chia ba ổ bánh mì dài - baguette chỉ có dưa chua chan nhiều tương ớt. Nhiều đêm tôi và Kỳ ngủ lại phòng trọ của Tấn Hà ở Bà Hạt trên những tờ giấy báo! Có buổi về Tân Định ngủ nhờ, để mờ sáng giật mình thích thú khi nghe tiếng đàn ghi - ta đánh thức của anh Hùng, lời nhằn nhò quen tai của Việt Cường, tôi ghét gam la thứ!. Vào giảng đường nghe buổi dạy triết Đông của L.M Kim Định, cười khoái vì cách mô tả rất đời, sống động nhịp bước rung rinh gánh/ gánh/ gánh thóc về/gánh thóc về của thôn nữ trong khúc nhạc “Gánh lúa” của Phạm Duy…Bài viết hai trang, mười khổ thơ, riêng phần chú thích đã hết nửa trang in! Bởi đó là những kỉ niệm tươi rói, Nguyễn Kỳ những lúc yêu đời luôn miệng câu Đường thi “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” cứ như là đã làm mấy chén!

“Căn gác trọ dăm chàng sinh viên đói
Ổ mì tương nửa thước ngắt chia ba…
....Cứ gân cổ cãi lên cùng Sartre
Cười ha ha, bác Kim Định - Cái Đình”

Tất cả bềnh bồng, lung linh:

“Hội ngộ Sài – gòn, sương pha râu tóc
Này”bồ đào” cùng cạn với nhau đây
Bao kỉ niệm lung linh từ đáy cốc
Để thương nhau bất chợt buổi sum vầy”

Tấn Hà là người về Việt Nam khá đều. Năm 2009, được tin nhắn của Sơn, Khiêm tôi in mấy bài thơ từ trên mạng của Nhật Tân mang theo lên xe đò Xuân Lộc về Thành phố, ngồi quán cà – phê ở đường Lê Quang Định., Bình Thạnh khoe với Hà, tôi có thơ của Tân đây! Hà không bất ngờ, còn cho biết thêm, đọc rồi. Trong những vòng khói thuốc lởn vởn của nhóm bạn, Hà mở Laptop, Tân giờ làm thơ nhiều hơn tụi mình, hàng mấy trăm bài, bài nào cũng hay. Nhưng buồn, buồn nhiều…Tìm đến Website, tìm tên bạn, phần Văn có mấy bài, riêng thơ trên 50 bài. Cầm bút làm thơ để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng, gởi đến bạn hữu, đến cuộc đời những điều cần sẻ chia…Tôi, các bạn và Tân cũng thế. Càng buồn càng có nhiều thơ và có thơ hay? Dostoievsky từng chỉ ra điều đó: trong đau khổ, chúng ta tồn tại hay như người xưa đã đúc kết, “phát phẫn chi tác”, “phát phẫn trữ tình”, đúng vậy chăng?

Sài-gòn! Sài-gòn! Bao nhiêu là nhớ thương lắng đọng trong Tân trong nỗi hoài vọng bất thành:

“ Sài gòn một ngày chia tay nhau
Hai ba mươi năm bạc mái đầu
Ngàn dặm có lần mơ hội ngộ ?
Trà suông, rượu nhạt, chuyện xưa sau!

… Sài gòn nhìn nhau khẽ thở dài
Một thời rong ruổi thoáng mây bay
Một đời huyễn mộng trò khanh tướng
Một cuộc phong trần nửa tỉnh say

Sài gòn nhìn nhau nhìn thật gần
Thương người hay chỉ tủi thương thân
Cánh chim luân lạc còn bay nữa
Chờ đến khi nào sẽ nghỉ chân?”
(Sài gòn)

Với thực tại lại tràn đầy những ưu tư, những khát khao của bản thể cô đơn: đối mặt – kiếm tìm không thôi…:

“… khi tiếng lòng ngân vang
chẳng phải lúc nào cũng trong một hòa âm thuận
âm thanh cộng hưởng nhiều khi tắt ngấm
chỉ còn nghe nhịp gõ trúc trắc
của âm điệu lạc
khô
buồn

đã mấy ai nói được tất cả những gì của hiện tại
thì giờ thường khi không đủ
cho ta sống trọn phút giây này
cớ sao vẫn đoái hoài thời khắc của ngày qua
hay rong ruổi chạy theo những gì chưa xảy đến?
có lúc nào ta an trú trong nhịp sống của con tim
có bao giờ ta hiểu chính lòng mình
bằng trí óc thật đơn sơ
thấy và nghe
với tâm hồn trọn vẹn

có bao giờ
ta giáp mặt với hôm nay?”
(Đi tìm hiện tại)

Nhưng với bài “Mẹ”, đấng sinh thành tôn kính, Tân tuôn trào dòng cảm xúc hết sức chân thành. Nhiều câu thơ, khổ thơ làm xốn xang lòng người đọc:

“…Mẹ là chuối ba hương
Cho đời con ngọt mật
Mẹ mênh mông cõi trời
Mẹ cho con làm người
Thành toàn lời tạo hóa

Giữ Mẹ làm sao được
Chỉ khấn nguyện trời cao
Đêm ngăn ngắt trăng sao
Ngày chói chang tia nắng
Xin Mẹ là ánh sáng
Chiếu rọi mãi đời con
Đến giây phút mỏi mòn
Con vẫn còn bên Mẹ…”
(Mẹ)

7.
Vì tai nạn xe buổi tối từ trường về nhà, rạn xương gối phải trước một ngày kì thi Tú Tài diễn ra cuối tháng 5/2009, tôi phải ngồi xe lăn để làm công việc được giao. Đúng thời điểm đó Nguyễn Kỳ về thăm quê, người thân và bạn cũ. Kỳ gọi cho tôi, vẫn giọng nói chậm qua điiện thoại, chào Dũng, Kỳ đây đang ở Việt Nam! Ôi, có đến gần ba mươi năm (cả thời đi xa) chưa gặp lại Kỳ, cao khều, dễ thương. Kỳ chỉ còn ở VN mấy ngày, tôi vừa đang dính chặt công việc, dính với xe lăn, vừa đường xa…Hỏi han sức khỏe, gia đình, nhắc lại ngày xưa…Tôi “hội ngộ” Kỳ thoáng chốc, gần thế mà lại xa vời…Khoảng một tháng sau, chẳng muốn đi vì chân mới tháo bột vài tay cùng trường cũng khoái trà lá, thơ ca kéo ra ngồi ở quán ven quốc lộ, bất ngờ nghe Alô, Dũng phải không, đây Thanh Liêm…Bước ngay ra ghế ngoài, tôi vồn vập hỏi, về lâu chưa có Tân về không…Câu trả lời làm buồn sửng mấy giây, chỉ Liêm và con về…Thế là vẫn không có bạn trở về, vẫn vời vợi… Năm 1973, đám sinh viên rỗng túi chúng tôi có cơ hội theo đoàn công tác xã hội làm chuyến “du hành” hơn mười ngày đến tận Đà Nẳng, Huế. Huế mộng mơ, trầm mặc với lăng tẩm, đền đài cổ kính. “Thưa em xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ Sông Hương” (Bùi Giáng). Huế của thi ca, tình yêu, Huế của Hàn Mặc Tử thiên tài. “…Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Có trục trặc ngày về, phải ở lại Huế thêm mấy ngày. Nhờ vậy, tôi với Kỳ thường lê la cà – phê Bưu Điện, dạo cầu Tràng Tiền. Thanh Liêm liến thoắng luôn miệng, tính cánh mạnh, Tân ít nói, trầm tư vậy mà thành một cặp. Một tối đoàn ở Đà Nẳng, Tân dìu đỡ Liêm về không biết mức say độ nào, rượu hay tình yêu…Nói với Liêm nhiều cũng phải dừng gởi lời thăm Tân, lời chúc vui. Đành hẹn với Tân một ngày ngồi bên nhau...đành thế thôi.

Đầu năm 1988, biết tin Tân đã về lại Sài- gòn và đang ở cư xá đường CM tháng 8. Trung Sơn lấy xe chở tôi tìm mấy lần đều không gặp. Trở lại trường dạy mà cứ nôn nóng nhất là khi Sơn báo tin, Tân, Liêm đã hoàn thành xong thủ tục xuất cảnh theo diện được phép chỉ chờ ngày đi. Để cho chắc ăn, lần sau tôi cùng Sơn chạy đến nhà ở Phan Tây Hồ, Phú Nhuận. Chờ suốt buổi chiều, hai bạn có việc chưa về. Vẫn căn nhà thân quen, ấm áp năm xưa. Mẹ của Tân khỏe, vui, Nguyệt Viên, em gái Tân trò chuyện đầy. tiếng cười. Cà – phê đã cạn, ngồi ở quán đầu ngõ vào nhà Tân chờ thêm gần hết buổi chiều vẫn không gặp được để chào tiễn bạn. Giờ chỉ “gặp” một mình Liêm qua điện thoại…

Lần gặp lại nhóm bạn mới nhất đây (13/10/02) khi Thế Nghiệp – Lưu Nguyễn từ Canada về. Vẫn Trung Sơn điện nhắn. Khiêm đón chở tôi ở ngã tư Phú Nhuận. Tôi ngồi cạnh Ngọc Anh và Việt Hùng. Anh Hùng - Phạm Nga say sưa nói thời làm báo trước 75 cùng Huỳnh Phan Anh, cây bút dịch thuật, phê bình văn học có tiếng của văn chương miền Nam. Vài mẫu chuyện thơ, văn với Ngọc Anh – Phương Viên Hồng, hai tôi chợt nảy ý tưởng, nên có một Tuyển thơ văn của nhóm để mỗi lần gặp nhau cùng đọc, cùng thưởng thức. Bài của các anh, các bạn tôi có thể tải từ trên trang Web của nhóm hoặc các bạn mail về địa chỉ của tôi: anhdung5177@yahoo.com.vn? Vì tôi nghĩ rằng, những xúc cảm, những tâm tình, hoài vọng… của bạn bè một thuở phiêu bồng cùng văn chương, triết học cần được lưu dấu trong tâm hồn mỗi chúng ta và trong Văn học Việt?

Bài viết này, hồi ức - tản văn, lan man, vụn vặt, gởi đến các bạn một thời xa của tôi, đặc biệt gởi đến Nhật Tân, Nguyễn Kỳ như một lời tạ lỗi muộn màng. Bởi tôi nghĩ còn gì đẹp hơn nữa tình bạn của chúng ta, khối ngọc lấp lánh thách thức với thời gian.

“Hồ trường rót tự trời cao
Tình quê, tình bạn chạm vào thiên thu”

 
 

Xuân Lộc, 19/10/2012

Nguyễn Anh Dũng