Hội Ngộ Sài Gòn

 
 

Chợt nôn nao nghe tin bè bạn nhắn
Từ Cali về hội ngộ Sài Gòn
Kỉ niệm xưa cũ dâng trào như sóng
Ơi Văn Khoa, xao động mái giảng đường!

Hàng me cũ, phố Nguyễn Du còn đó? (1)
Cà phê Hồng (2), khúc nhạc Trịnh trầm tư
Giờ học triết mơ làm chàng Thôi Hộ
Chiều vĩa hè, “chờ” Nguyễn Bính lãng du. (3)

Luận hiện sinh: cổ gân lên cùng Sartre
Cười ha ha: Bác Kim Định "Cái Đình” (4)
Áo tiểu thơ ngu ngơ về cuối phố
Đợi đêm về gõ bước mộng bình minh.

Căn gác nhỏ dăm thằng sinh viên đói (5)
Ổ mì tương “nửa thước” ngắt chia ba
Mây trắng Pleiku xanh trời xứ Quảng
Giọt đắng hồn thức dậy mấy vần thơ! (6)

Từng trang viết trải lòng với lá
Với ưu tư khát vọng đắng... và em
Rồi tan đi trong một chiều hối hả
Sóng xô thuyền trôi giạt bến bờ riêng.

Bạn khoác áo tha hương về cùng tận
Ta nặng lòng những ánh mắt nai tơ
Thì cũng rứa cũng "bên trời lận đận" (7)
"Tà áo xanh" dang dở đến bây giờ. (8)

Hội ngộ Sài Gòn - sương pha râu tóc
"Chén bồ đào" cùng cạn với nhau đây (9)
Bao kỉ niệm lung linh từ đáy cốc
Đủ thương nhau bất chợt buổi sum vầy.

Thị trấn Giaray, ngày 24/5/2006

 

Nguyễn Nguyên Phượng
(Nguyễn Anh Dũng)




Chú Thích:
(1) Cà phê phố Nguyễn Du, café Hồng (Pasteur) thường uống cùng bạn bè.
(2) Ngồi làm vài chén rượu ở vĩa hè, quán chợ “moi đít ốc” (có nhà thơ Trụ Vũ), Nguyễn Quốc Kỳ hay ngâm nga thơ Nguyễn Bính “Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ / Uống say mà gọi cố nhân ơi!”
(3) LM. Kim Định dạy Triết Phương Đông: tác phẩm “Triết lý cái đình”. Linh mục khi dẫn câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy: “gánh / gánh thóc về”, các cô thôn nữ nhịp nhàng quang gánh và đôi ngực nhún nhẩy nhịp nhàng. Khó mà quên!
(4) Căn gác nhỏ ở đường Bà Hạt của L. T. Hà ở trọ, bạn bè thường trải vài tờ báo ngủ lại. Thằng nào cũng khổ, nhiều vùng quê kết bạn: đứa Pleiku, đứa Bình Định, Quảng Ngãi, Sài Gòn...
(5) Thơ, văn sáng tác của bè bạn Văn Khoa có tác phẩm đăng trên tạp chí Văn (của Nguyễn Xuân Hoàng), Tuổi Ngọc (của Đinh Tiến Luyện), Khởi Hành (của Viên Linh). Bài đăng lần đầu không có nhuận bút, anh em kéo nhau đến Toà soạn báo Khởi Hành, về tay không lại kéo nhau ra cà phê Bình Minh (Nguyễn Thiện Thuật - gần nhà Sơn giấy) uống cà phê đen không đường!
(6, 7) Thơ Bạch Cư Dị, nhạc Cung Tiến, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, anh em thường ngâm nga, Phan Nhật Tân hát hay nhất.
(8, 9) Thơ Đường, thơ Quang Dũng… anh em thường ngâm ngợi khi chén thù, chén tạc mấy chai bia. Nguyễn Quốc Kỳ cao to, mỗi lần đọc xong “Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi...”, “Thoáng hiện em về trong đáy cốc...”, thường đệm “Tổ cha mi”.