|
(Đọc tập thơ “Trùng Vây” của Nguyễn Liên Châu – Nxb Hội Nhà văn
năm 2013)
“Trùng Vây” là tập thứ 8 của nhà thơ Nguyễn Liên Châu tính từ tập thơ đầu “Ngàn năm có phải” được in năm 1972 ( không kể thơ châm biếm, các tập thơ viết cho thiếu nhi) có nhiều nét riêng, độc đáo. Trãi suốt tập thơ tác giả chỉ thả hồn mình với thể thơ duy nhất, lục bát. Thể thơ “hoài cổ” không chút gì “hậu hiện đại” theo nhận xét của nhà thơ P.N. Thường Đoan! (Đọc “Trùng Vây” của Nguyễn Liên Châu – Văn Nghệ Tp.HCM, số 266 ngày 8/8/2013). Không chỉ thế thi phẩm 100 bài còn được xếp theo mẫu tự ABC gợi niềm thích thú lạ cho nhà thơ ở tận sông nước miền Tây, Cao Thoại Châu. Với thể thơ cùng cách kết cấu như thế cũng là một thứ trùng vây, bủa bọc tâm hồn thi sĩ. Và muốn vào cõi thơ trùng trận ấy phải “Phá vây để đọc Trùng Vây “! (Bài đăng trên Văn Tuyển).
Để thẩm định thơ, cố Thi sĩ Xuân Diệu đã từng chỉ cách thưởng thức rất ư là thơ: “…Chỉ lặng chuồi theo giòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong sương…”. Và tôi theo dẫn chỉ ấy chuồi xúc cảm theo những cung bậc lục bát phiêu bồng qua những mẫu tự đầu của bút danh anh, Nguyễn Liên Châu!
Với mẫu tự N, anh viết 9 bài: Ngán ngẫm muộn, Ngạo phù vân, Ngày đã khác, Nghi hoặc, Ngược, Nhịp đò, Nhật kí Đà – Lạt. Nhịp lênh đênh, Nhớ Cà Mau. Ấn tượng đầu đọng ở người đọc, người thơ Liên Châu đang đong đưa hồn mình cùng mối sầu thiên cổ giữa “cõi người cõi bụi trùng trùng phù vân” (Ngạo phù vân). Trên từng dấu bước ta bà, trái tim nhà thơ ngợp tình, neo chặt hay thoảng qua, nhịp tim cứ lay theo nhịp đò tình. Chòng chành đò ngược đò xuôi/ Em chèo theo nhịp tim tôi bồi hồi…/Đò ơi, càng chậm càng lâu càng tình! (Nhịp đò). Để rồi, nỗi nhớ - nỗi sầu lan dài khi xa bạn, xa vùng đất cuối hào phóng phương Nam. …Nỗi nhớ thèm bước lên bờ/ Chân đời lại mãi sóng xô nhịp đùa/ Nỗi nhớ như ngọn gió lùa/ Thốc lòng thốc cả niềm xưa nỗi này. (Nhớ Cà Mau). Nỗi bơ vơ quấn nhà thơ khó rứt rời khi về nơi cũ.
Đường cũ có đổi tên đâu
Sao phố lạ tựa lần đầu đi qua
Quán cũ cũng chẳng dời nhà
Sao không tìm thấy chỗ ta hay ngồi…
…Đến ngay cả ánh đèn đường
Soi cho hết thảy chẳng buồn rọi ta… (Ngày đã khác)
Ý, tình thơ đằm đượm ngọt tuôn tài hoa qua ngôn ngữ thơ quen gặp trong cách nghĩ, cách nói đời thường mà tôi cho là một ưu thế trội của anh. Và nhờ vậy, thể lục bát dễ làm, khó hay đắp nên thành tựu ở tập thơ này. Mối sầu thiên cổ như một đặc trưng thẩm mĩ của Thi Ca, yếu tính của phẩm chất Thi sĩ đa mang “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu” (Huy Cận). Nguyễn Liên Châu còn đẩy lên bậc cao hơn. Để xua xóa nỗi buồn, người trong cuộc xưa nay đều dụng tửu phá sầu dẫu biết rõ rằng cách đó cũng bằng không. Nhà thơ Nguyễn nhậu khan bằng thứ mối đặc sản tuyệt vời - sự buồn. Đong buồn vào chén ngó chơi/ A ha đặc sản tuyệt vời nhậu khan/ Một mình mình với nhân gian/ Tìm đâu ra thứ mồi sang thế này…Không chỉ tác giả mà cả người đọc như chìm vào nỗi đời, nỗi người, nỗi tình… khó phai!
Đời mình toàn thứ gì đâu
Đã buồn phiền lại nuốt sầu muộn vô
Cũng chính vậy mà khi trở lại Đà Lạt – chốn quê anh lớn lên, gắn bó thời tuổi nhỏ (dầu rằng Về quê/ chẳng để làm gì/ Ta về/ đơn giản cũng vì chồn chân…), nỗi niềm quê mông lung hiện lên một thứ mù sương bùi ngùi, hắt hiu. Mù sương quá khứ trộn nhòa hiện tại. Trước/ sau, đó/ đây, tới/ lui, đi/ về…đâu cũng mù sương. Mù sương bay mờ, bủa quanh...trói sầu!.
Mù sương tới
mù sương lui
Trăm năm cũng chỉ bùi ngùi nhớ thương
Đi mù sương
về mù sương
Dừng chân mới thấy trăm đường hắt hiu
Chiều mình, chiều quê riêng mình đắng ngắt màu chiều Đà Lạt tương tư:
Chiều mình
ngắm một sắc hoa
Ngỡ màu áo cũ
hóa ra màu chiều (Nhật ký tháng 9, Đà Lạt)
Còn mẫu tự L, có bốn bài Lại vương, Lang thang tìm về, Lóc cóc ngựa ô, Long đong y bát. Ta lại gặp bước về nhưng là bước về tự vấn của Nguyễn Liên Châu. Tự vấn về khoảnh khoắc “Sét tình đánh thẳng một đường vào tim”. Ý không lạ vẫn khá gợi, Tôi đang mua cái bình yên/ Tằn tiện trả góp tơ duyên phủ phàng/ Em mang dáng dấp mùa sang/ Cho không tôi nỗi mênh mang tang tình…”(Lại vương). Nhà thơ lang thang kiếm tìm bóng hình đấng sinh thành dưới trời rộng mây bay: Sợi tơ mỏng mảnh mà cay mắt nhìn, xót lòng về sự đổi thay một sắc hoa dại triền đồi Sắc hương sao sớm lõi đời đa mang... (Lang thang tìm về). Nhà thơ tìm đến cửa Phật, chốn thiền với những câu thơ bàng bạc ngộ niệm về vòng luân hồi, kiếp nhân sinh.
Đời người sắc sắc không không
Cơ man dấu hỏi uốn cong mái thiền
Lời kinh tụng gởi vô nhiên
Đạo không nặng cớ sao thuyền chông chênh!
…Ù thì cõi thế phù vân
Gom tàn tro thả
một lần…
Đầu thai! (Long đong y bát)
Ở mẫu tự sau cuối C, bảy bài cung bậc tâm hồn nhà thơ hiện lên rõ nét nhất. Trong khung cảnh vườn chiều, vầng trăng gợi tình, người đọc như cuốn theo những dòng lục bát dâng tình …Như nghìn mắt lá đau đau/ Mở lòng về phía tinh cầu lứa đôi/ Tôi và em…Em là tôi../ Ta run rẩy giữa tay mời bao dung (Có một buổi chiều),Vầng trăng bất chợt giấu mình/ Vườn xưa hương nhớ thình lình loang đêm (Cõi tình). Với bài Chạm thu, một trong nhiều bài đáng đọc của Nguyễn Liên Châu. Thu chưa về, thu mới chạm, mỏng mang anh đã lòng gợn heo may. chao cánh chim thơ, nắng úa hiên ngồi. Từ trong nỗi buồn, nỗi nhớ anh gọi tên người cũ (?)- cúc xưa. Phép lặp hoán dụ cúc xưa (2 lần), cúc nhớ được nhà thơ ngân rung bằng độ say của con tim nồng nàn yêu, nồng nàn hoài nhớ Cúc xưa giờ nở lạc vườn nhà ai? Em xa như tiếng thở dài…
Ngỡ tình đã ngủ vào quên
Đâu hay thu vẫn lênh đênh tóc người
…Em xa như tiếng thở dài
Đường tôi quạnh quẽ hai vai cỏ gầy
Xin mùa thôi bớt heo may
Vàng nguyên cúc nhớ những ngày chạm thu (Chạm thu)
Một điểm cũng khá ấn tượng với người đọc, không kể bìa sau, tập “Trùng vây” 123 trang thơ mà có đến 20 ảnh và kí họa tác giả đầy đủ/ chấm phá. Tuy nhiên với bài thơ Trùng vây làm tựa đề cho tập thơ từng câu chữ, dòng thơ mới vẽ lên sống động, đúng thật chân dung ngừoi thơ.
Trước núi rừng, mây trời, lá hoa và cả khói (hoàng hôn), nhà thơ cất lời vấn nạn nhiều lần (Trở về hỏi) mà chỉ nhận vọng lại vô ngôn, vô tình Núi rừng mặc khải chẳng thưa một lời/ Lửng lơ mây thản nhiên trôi tà tà/ Lá hoa rưng rức phôi pha màu buồn…
Một mình bốn hướng hư không
Một mình hỏi một mình mong một mình
Trở về hỏi với lặng thinh
Trùng vây âm nén dồn tinh cầu già…
Tâm hồn nhà thơ đau đáu không chỉ kiếm tìm lời đáp cho mình mà tràn nỗi ưu tư chiêm nghiệm phận người giữa chốn trùng vây cuộc đờicho dù lời đáp vẫn mịt xa…
Kết tình với thơ từ thập niên 70 thế kỷ trước, Nguyễn Liên Châu đã có hơn 40 năm miệt mài, cần mẫn sáng tạo thơ ca, hoạt động văn học. Bến lục tuần đang cận kề (anh sinh năm 1955). Một đời người – một đời thơ anh nếm trãi vị đời, vị tình đủ bậc đắng, ngọt, hạnh phúc và cả đớn đau.
“…Thơ Nguyễn Liên Châu gói ghém cái từng trải, đau đớn, cái ngột ngạt chua chát của đời và cái tình lận đận nhưng nhẹ nhàng, tinh ý mới nhận ra…”(Bđd – P.N.Thường Đoan ). Đúng vậy, đời thơ của anh chìm trong cõi người ta xanh ngắt bể dâu! Và Nguyễn Liên Châu đã rong chơi với con chữ, câu thơ: Câu thơ viết đã lâu rồi/ Đêm nay gặp lại lặng người nhận ra…Cuốn, bủa hồn thơ anh vẫn là:
Buồn phiền chống nạng từng lời
Con chữ bó bột đuối hơi đi về
Thơ ta luôn đứng bên lề
Mệt nghe âm vọng bộn bề bơ vơ…
Tình chữ nghĩa, tình văn chương vẫn là tình tri kỉ thiên thu của bao người thơ, của Nguyễn Liên Châu. Nhà thơ chân thành khát vọng vươn tới sự toàn bích Chân, Thiện, Mỹ:
Đêm nay gặp lại câu thơ
Ta cùng con chữ ngẩn ngơ tật nguyền (Câu thơ tật nguyền)
Hành trình thơ tháng năm ngắn ngủi hay dằng dặc chốn phù vân. Thi ca gởi đến đời câu nệ chi ít nhiều con số (thi phẩm) được in ra. Chỉ riêng trong “Trùng Vây”, Nguyễn Liên Châu như trôi trong cuộc chơi chữ nghĩa phóng khoáng, điêu luyện nghệ thuật tu từ lãng đãng bóng dáng Thiền, Tố Như tiên sinh, Bùi Giáng. Và cũng có đôi bài tứ gượng, ngôn từ đậm chất biếm ngạo tự trào, chưa được nhà thơ phả vào hơi thơ, tình thơ.(Buốt ngực đêm trăng tắt, Chính gốc, Mê mê, Mù mù mờ mờ, Tranh cãi với thằng đần, Trò chơi thằn lằn, Tự kiểm cùng quán cóc, Xếp hàng…). Nhưng trùm lên tập thơ vẫn là cõi trùng mộng của một tâm hồn thơ say thơ, yêu thơ hết mực!
Gởi tặng đời hơn ngàn câu thơ/ 100 bài lục bát tác giả vẫn cho thơ mình “Trống rỗng luôn cả những lời bật ra” (Về nơi trống rỗng), mình chỉ là một chàng còng gió:
Dã tràng xe cát biển Đông
Tôi xe từng hạt tình – không – có tình (Bài hát ru của chàng còng gió)
Tôi lại nghĩ khác, anh không hoài phí đời thơ mình và đã góp vào nền Thơ Việt tiếng thơ, điệu hồn riêng, lạ đáng trân trọng. Bởi thi phẩm không chỉ là những câu thơ vần điệu xuôi dòng như bao bài lục bát khác (Bđd - P.N. Thường Đoan). “…Dòng thơ ấy còn là nghiệt ngã của tâm tư, tâm tư càng sâu lắng càng gần với lục bát!” (Bđd - Cao Thoại Châu). Đúng vậy, dòng thơ (lục bát) của cõi tâm tư sâu lắng nơi mà bạn đọc tri âm có thể soi đọng lòng mình những khúc tâm tình, những xót xa hoài niệm, nhũng ngẫm suy triết lí, những vấp trở tình yêu chát đắng/ ngọt ngào… giữa cõi người, cõi bụi mang mang…
Đến với “Trùng Vây” chỉ qua một số bài thơ gắn với mẫu tự bút danh
hẳn là chưa trọn vẹn. Nhưng chỉ chừng ấy thôi Nguyễn Liên Châu đã dẫn dụ người yêu thơ khó chối từ vào cuộc phiêu bồng cùng những cung bậc lục bát lấp lánh hạt tình tài hoa!
|
|