|
Thông tin về sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Duy bước vào tuổi 90 vào viện với nhiều bệnh nặng; rồi trước dó, người con trưởng - ca sĩ Duy Quang qua đời mới đây (tháng 12/2012) gây nhiều lo lắng ở người thân trong gia đình và những người mến mộ. Nay, chiều ngày 27/1 tin về sự ra đi của ông, một trong những cây đại thụ đại gia đình âm nhạc Việt Nam không bất ngờ nhưng vẫn làm bao người yêu nhạc bàng hoàng tiếc thương người nhạc sĩ tài hoa này.
Với ông, tôi chỉ là lớp sau. Hồi theo học bậc trung học đến khi bước vào giảng đường Đại học, lớp thanh niên 18, 20 tuổi miền Nam chúng tôi đã tìm đến thơ ca, âm nhạc như một nhu cầu thiết yếu về mặt tinh thần. Cách thưởng thức phổ thông là vào quán café để nhâm nhi, thả vờn khói thuốc chìm hồn vào những ca khúc yêu thích thường là nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình. Nhưng ngồi quán nhạc như thế lại quá sang với những anh sinh viên rỗng túi thường xuyên nên quán vĩa hè là điểm hẹn thường trực của tôi và đám bạn. Mấy mươi năm rồi, chỗ ngồi thân quen dưới hàng me rậm lá dọc đường Nguyễn Du – Sài Gòn luôn tươi xanh trong ký ức. Có khi đầu ngày hoặc giữa chiều, sau cử café nối theo là nhiều cử trà trao đổi với nhau cuors bài giảng, chuyện thế sự, thời cuộc cũng bàn, dần dà rồi cũng chuyển” tông” sang thơ, nhạc. Tâm đắc đoạn, câu nào là ngâm nga, bình thẩm theo ý tình riêng. Anh nào đang đuổi bắt một bóng hồng, thất tình, nhớ quê, cảm khái cuộc đời, phiêu bồng lãng tử cứ y như rằng lời thơ ý nhạc thay lời mê đắm với Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Ngô Thụy Miên… Riêng với Phạm Duy là ca từ, giai điệu của những ca khúc Ngậm ngùi, Nghìn trùng xa cách, Tình ca, Nha Trang ngày về, Bên cầu biên giới… Nhưng gọi là có chút “kỉ niệm” với Phạm Duy - hàng thánh của nền âm nhạc Việt Nam như tôi để nhớ tiếc về ông chỉ là vài mẫu chuyện vụn đời thường.
Giảng đường Văn Khoa năm 70, 71 theo học chứng chỉ Triết Đông phương, đám chúng tôi thích nghe L.M Kim Định giảng nhất. Khi giảng về triết lí hồn quê dân tộc trong bài giảng Triết lí cái đình (sau này in thành sách) đến đoạn minh họa sống động thầy Kim Định dẫn bài nhạc Gánh lúa của Phạm Duy ở cung nhạc, thôn nữ rung rinh, rung rinh, gánh lúa rung rinh/ Cánh đồng mà xinh xinh, rằng xinh…/ Gánh thóc về, gánh thóc về/
Gánh về! Gánh về! Gánh về! Gánh về! … lại còn diễn tả nhịp nhàng và cười khoái làm sinh viên trong giảng đường buổi học ấy tất nhiên có đám chúng tôi cười nghiêng rung rinh theo. (Bởi ai cũng hiểu, thôn nữ thời ấy làm gì có nội y lèn bó mà chỉ dãi yếm đào ấp yêu…). Những ca khúc Phạm Duy phổ thơ càng làm say chúng tôi hơn nữa, những Lên non tìm động hoa vàng (thơ Phạm Thiên Thư), Thà như giọt mưa, Cô Bắc kì nho nhỏ…(Thơ Nguyễn Tất Nhiên), Còn một chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định), Mùa thu chết (thơ Apollinaire)… Và đã là sinh viên Văn Khoa, trường Luật của Sài Gòn trước 75 có cô, chàng nào không một lần nhẩm môi … Phố núi cao phố núi đầy sương/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương…Thà như giọt mưa/ Rớt trên tượng đá…; uống ly chanh đường/ nhớ môi em ngọt…; Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…Mai ta chết dưới cội đào/Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu…; Anh ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi…Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
Trong gia sản có đến nghìn ca khúc Phạm Duy gởi cho đời qua hai thế kỉ người yêu nhạc thẩm định, mê thích theo cách riêng của mỗi người. Chủ đề sáng tác của Phạm Duy theo nhiều tác giả nghiên cứu đa dạng, nhiều lớp tầng nhưng làm rung động, thổn thức lòng người nhớ lâu, khắc sâu ở một thời khắc đời hay suốt dọc hành trình cõi nhân gian có khi chỉ là một ca khúc, một cung nhạc, thậm chí một vài ca từ…Tôi cho đó dấu ấn tài hoa của người nghệ sĩ tài ba, lỗi lạc Phạm Duy.
Còn một điểm nhớ của dòng đời tôi miên man nữa. Những ngày đầu tháng 5/1975 trong khi chờ quyết định để có thể tiếp tục gắn bó với mái trường, bục giảng ở TH Gò Công – Tiền Giang (vì bằng cấp của tôi học ban triết học Văn Khoa Sài Gòn) tôi tham gia nhóm văn nghệ , soạn kịch, làm “đạo diễn nghiệp dư” . Tôi viết một vở kịch thơ dựa theo bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, một tác giả trong danh mục “cấm” giai đoạn đó nhưng nhờ cách linh hoạt đã “viết phải lách” như người trong nghề viết thường nói. Vở kịch vẫn được biểu diễn rộn ràng ở hội trường Thị Xã Gò Công trong đêm hội diễn mừng ngày toàn thắng Miền Nam. (Tôi có kể lại kỉ niệm này trong một bài viết Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan ở ngôi trường đất mặn trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, báo Văn Nghệ số 18, ngày 30/4/2011). Phần nhạc nền cho cho tập thể chiến sĩ hành quân, ban nhạc chọn một số bài nhạc cách mạng trong một tập nhạc khổ nhỏ, giấy xấu có tên “Nhạc cách mạng”, như Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Lên đàng, Xuân chiến khu, Tình ca, Tình đồng chí… đểu có tên nhạc sĩ sáng tác. Những bài này phù hợp với chặng cuối tiến công, toàn thắng. Riêng chặng hành quân đầu cần có nhạc thời kháng chiến chống Pháp. Dò tìm trong tập, ban nhạc chọn bài Chiến sĩ vô danh. Nhóm cho tập dợt ngay. Giai điệu hào hùng, thúc giục của ban nhạc vang lên. Những em học sinh trong vai những người chiến sĩ hào hứng nhịp bước quân hành…Tôi cũng bị cuốn và cũng gõ nhịp theo bài hát khi theo dõi các “diễn viên học trò ”tập diễn. Lúc nhóm học sinh nghỉ giải lao, cầm tập nhạc xem tôi hơi bất ngờ…Có điều lạ chi đây! Nhạc đệm, nhạc cách mạng là đương nhiên và thường có ghi tác giả viết ca khúc. Còn bài Chiến sĩ vô danh chỉ có mấy chữ nhạc kháng chiến mà không thấy tên nhạc sĩ đâu! Sử dụng bài này là đạt nhất nhưng lại vô danh người viết! Tôi chép vội mấy đoạn nhạc Mờ trong bóng chiều/ Một đoàn quân thấp thoáng/ Núi cây rừng/ Lắng tiêng nghe hình dáng…Gươm anh linh đã bao lần vấy máu/ Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình… Nhẩm đọc và thich thú ngay. Hơi nhạc và ca từ ấn tượng thật, quen lắm…Kéo anh giáo viên dạy nhạc cấp 2 (Trường TH Gò Công lúc đó gồm cấp 2 và cấp 3) đang điều khiển ban nhạc ra hỏi. Anh nháy mắt, yên tâm tập tôi xin ở phòng Thông Tin - Văn Hóa. Bài được in, đăng hẳn hòi, gì phải lo không sử dụng lời, chỉ làm nhạc đệm thôi mà! ...Vở kịch thơ do tôi phụ trách đã trở thành tiết mục điểm trong đêm biểu diễn. Thật không uổng công sức luyện tập của nhóm. Rồi tôi cũng quên đi chuyện bài hát, sau đó chuyển về dạy ở trường Vĩnh Bình. Mấy năm sau có dịp về Thị Xã , gặp lại anh bạn của ban nhạc đêm hội diễn. Ngồi ở quán bến xe Gò Công trước cổng trường hiện anh đang dạy, anh nói nhỏ với tôi, bài nhạc kháng chiến, đệm cho vở kịch thơ hồi đó là của Phạm Duy viết thời kháng chiến chống Pháp. Giờ nhạc Phạm Duy cấm hát. Hóa ra là thế. Anh nói thêm, nhạc hay lời đẹp, một tài năng lớn. Tiếc là đi rồi…
Đúng vậy, sau năm 1975 Phạm Duy rời xa đất nước ba mươi năm. Năm 2005 ông trở về với quê hương, dân tộc. Và giờ đây chiều ngày 27/1 ông thực sự ra đi vào tuổi 92! Nhiều bài viết Vĩnh biệt, Tiếc thương cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Tôi lại chú ý và có phần tâm đắc những tâm tình, sẻ chia của nhà báo Nguyễn Công Khế “…Có những giai đoạn người ta sống thế này thế khác, có những năm tháng chiến tranh, phân ly giằng xé trong từng con người dân Việt. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn của các nhạc sĩ Việt Nam đều nặng lòng với đất nước nên các nhạc sĩ mới tặng cho chúng ta những dòng nhạc để đời như thế. Phạm Duy cũng nằm trong trường hợp đó”. (Báo Thanh Niên, 28/1/20013). Nhất là vai trò của anh làm cầu nối cho cuộc trở về mái nhà xưa của Phạm Duy.
Tôi và đám bạn mê nhạc của ông thời trước và cả anh bạn yêu nhạc ở Gò Công khi xưa người đã làm một dấu nối nhỏ dậy vang lên âm hưởng bi tráng dẫu âm thầm của ca khúc Chiến sĩ vô danh ở một vùng quê xa xôi, nay chắc cũng lắng lòng trong những ngày này. Cách đây hơn hai tháng, Phạm Duy đã trả một câu hỏi “gở’ của các nhà báo (Thiên Hương – Hoàng Quyên) về “sự ra đi” bằng một nụ cười tươi: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ chết vì tôi sẽ không bao giờ chết được cả. Tôi có chết đi chăng nữa thì nhạc của tôi vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát”.
Công chúng hâm mộ âm nhạc của ông cũng như tôi tin chắc là như thế . Gần một thế kỉ qua và sau này nữa, nhạc của Phạm Duy “vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát”. Và tôi xin mượn lời của những ca khúc đã từng quyến rũ lòng người tiễn ông về chốn nghìn trùng miên viễn.
“Nghìn trùng xa cách…Người đã đi rồi…”
“Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu...”
|
|