|
1/4/2001 – 1/4/2011, tròn mười năm kỉ niệm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Gặp lại người bạn cũ đã cách xa hơn hai mươi năm. Ngẫu nhiên tâm tình lại nói về giảng đường Văn Khoa Sài - gòn, về những chốn cũ từng qua, từng ngồi: café Nguyễn Du nhấm nháp lá me non thay đường, café Hồng nghe nhạc Trịnh. Vâng Café Hồng ngày ấy…
Lãng đãng. Bay bay. Lắng đọng. Giục gọi thiết tha…Hai mươi năm rồi có hơn. Gặp lại Hà, bạn cũ thời Văn Khoa, tất cả như hiển hiện. Văn Khoa của một thời lãng mạng như mới vừa hôm qua, tươi rói. Vâng, Café Hồng – Pasteur ngày ấy…Quán nhỏ thôi, nằm cuối đường. Quán tên Hồng cũng là tên cô chủ quán, dáng mảnh mai trong tà áo dài trắng, tóc buông xõa liêu trai. Đó là điểm gặp thường xuyên của chúng tôi. Café đặc sánh. Và nhạc tuôn chảy ru hồn chìm đắm, lâng lâng, lãng đãng…
Sàigon những năm 69, 70, chiến tranh tràn vào thành phố, vào cả giảng đường Đại học với dùi cui, ma trắc của cảnh sát dã chiến áo rằn ri, của lựu đạn cay ngăn chận làn sóng xuống đường, biểu tình của tuổi trẻ học sinh, sinh viên. Xe jeep gầm rú giữa phố phường với những tên lính Mỹ, M16 giương nòng, lên đạn…Những hàng kẻm gai giăng tỏa nhiều đường phố…Nhưng vẫn có những con đường, những chỗ ngồi “thanh bình” trong kẻm gai, trong bế tắc. Những con đường lá me xanh mởn, những quán xá chìm trong cung nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Giác, Văn Cao, Ngô Thụy Miên, Phạm Thế Mỹ…đậm đặc là nhạc Trịnh – Trịnh Công Sơn. Đám chúng tôi bỏ giảng đường nhưng chẳng biết về đâu. Ngày mai, tương lai mờ mịt. Triết luận, suy tư với lắm nỗi trở trăn…Sách vở mở ra lắm ngã đường. Nhưng con đường tìm thấy trong cuộc sống thì không! Chúng tôi tìm nơi để “trốn”. Và tìm đến thơ ca, âm nhạc là thế. Café Hồng - Pasteur, café cóc Nguyễn Du, Bình Minh, Hoàng Hôn – Nguyễn Thiện Thuật... Dọc theo đường đến Văn Khoa là Duyên Anh, Hân.
Chỉ vài năm gần đây thôi nhóm bạn cũ chúng tôi mới gặp lại nhau, ngồi bên nhau, xúc động như hạnh ngộ với người tình xưa. Nhớ về lúc đó, chiếc áo lính như con thú muốn khoác, chụp vồ lấy chúng tôi. Không đến giảng đường nhưng chúng tôi học như điên, học để trốn lính, để không ra chiến trường, không cầm súng. Saigòn năm 72 – “mùa hè đỏ lửa”, ngột ngạt đến tức thở, rợn người. Một vài người trong đám bạn cũng không thoát, phải mặc áo lính. Khó tin phải không Dũng, khi lái xe trên đường đến chỗ làm ở bang Cali, nghe tin Trịnh Công Sơn mất đã khóc. Những giọt nước mắt của kẻ bôn ba nơi xứ người, tóc đã pha sương. Bên ngoài trời lạnh băng, Hà dừng xe lặng mình mở điện thoại nghe lại bài yêu thích “Lời thiên thu gọi”, tưởng nhớ Trịnh. Vâng, Trịnh của đám chúng tôi. Café đặc sánh, khói thuốc Basto xanh tỏa ngợp. Những chiếc bàn nhỏ thấp nhưng lúc nào cũng kín người và toàn là những khuôn mặt quen, khoa Văn, khoa Triết thả hồn nghe nhạc. Trầm tư, suy gẫm tìm tứ thơ văn, cũng là một lối thoát?! Trỗi lên là nhạc Trịnh. Tình yêu - Thân phận – Quê hương…Những “Cỏ xót xa đưa”, “Như cánh vạc bay”, “Ca khúc da vàng”… với những âm vực, cung bậc của giọng ca Khánh Ly, Lệ Thu “Một ngày như một ngày, tôi nhìn lại đời tôi...Một ngày như mọi ngày…”, “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mây có buồn bằng mái tóc em..Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng…” , “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thưở mắt xanh xao”, “ Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang. Từng ngón tay buồn em em mang, đi vào giáo đường, ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai…” Dịu êm, ru hồn. Ảo não, thê thiết… Chất giọng của Khánh Ly như dành sẵn cho nhạc Trịnh ( dù trước đó dã có Thanh Thúy, Thái Thanh hát nhạc Trịnh). Vút cao, trầm lắng có chút gì ma quái, liêu trai. Giọng điệu của tâm tình, cảm thông chia sẻ với những khoảng hồn đang kiếm tìm chờ đợi của chúng tôi…
Sau năm 2000, Hà về thăm gia đình được mấy lần. Và lần này chúng tôi mới ngồi lại với nhau với những phút riêng tư, với Trịnh. Kỉ niệm của một góc trời Văn Khoa ùa về như cơn lốc. Những chàng sinh viên của nhiều vùng quê tụ lại: Pleiku, Quãng Ngãi, Tây Ninh… Tôi có đến ở cùng Hà một thời gian trên một căn gác trọ đường Bà Hạt. Sáng điểm tâm bằng ly café đen. Sau đó đến mượn bài giảng ở Văn Khoa lại kéo nhau đi ngồi café tiếp. Bữa ăn trưa , cơm bình dân, cơm vỉa hè. Có khi là ổ mì chan tương cả đám chia nhau. Tối về trãi giấy báo ra ngủ. Cái thời, đói nghèo mà tình bạn gắn như keo. Để khi gặp lại nhau cứ ngâm nga “Căn gác trọ dăm thằng sinh viên đói/ Ổ mì tương nửa thước ngắt chia ba”.
Dòng nhạc Tình yêu của Trịnh cuốn hồn chúng tôi ở giai điệu đặc trưng mà nhất là ca từ tài hoa đầy chất lắng đọng của suy tư, triết lí. Chới với. Hụt hẫng. Chạy đuổi để nắm bắt Tình yêu. Gần mà xa. Thực mà ảo. Chúng tôi chìm vào cung nhạc, giai điệu mà không mất những điều khát khao về một Tình yêu mong manh, xa vời. Ai đã đã thốt lên “ Sắc đẹp cứu rỗi nhân loại”. Tình yêu trong nhạc Trịnh cũng thế đã níu giữ lại phần tâm hồn đang sắp rệu rã, đang dần chết mòn của chúng tôi trong sự khốc liệt của chiến tranh như cơn bão dữ đang cuốn đi tất cả tuổi trẻ, tình yêu, hi vọng.
“Tình ngỡ đã quên đi/ nhưng tình bổng lại về. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây”, “Áo xưa dù nhàu/ cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”, “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”…
Đến với thơ ca, âm nhạc như là cách để đám chúng tôi tồn tại, kiếm tìm điều gì dù chưa rõ…. Hà mở laptop, tấm ảnh chụp cách đây 40 năm tại quân trường Quang Trung của chế độ cũ. Ảnh vẫn còn rõ, chúng tôi “năm con cá mối” (thứ thực phẩm mà nhà bếp cho sinh viên ăn thường xuyên), Hà và tôi đứng cạnh nhau gầy nhom trong bộ “quân phục học đường” khi vừa mới qua tuổi hai mươi! Sinh viên muốn học tiếp phải trải qua sáu tuần quân trường lăn, lê bò toài, học những bài cơ bản về quân sự, làm quen với súng đạn, gian khổ thao trường. Với đám chúng tôi đấy chỉ là một cuộc dạo chơi, đổi khí hậu không hơn, không kém. Rủ nhau trốn tập chúng tôi uống cà phê “giỏ”, (chủ các quán ven quân trường cho người xách giỏ đựng cà – phê bán cho lính tân binh theo học), lại “gặp” Trịnh ở ở một quán che vách lá lơ xơ dưới tàn cây bả đậu . Chủ quán cũng là một thanh niên trốn lính mở băng nhạc Trịnh với ngón trỏ phải chỉ còn một đốt. Ngẫu nhiên mà lại hợp cảnh, hợp tình nghe thê thiết, não lòng và cũng đầy giục giã những ca khúc trong tập “ Hát cho quê hương Việt Nam”
“Đại bác đêm đêm dội vào thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…Đại bác như kinh không mang lời nguyền”, “ Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè/ ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương”,“Người chết hai lần thịt xương nát tan…”, “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu/ Một trăm năm nô lệ giặc Tây..”…
Bộ mặt của chiến tranh dữ dội, khốc liệt hiện lên qua giọng ca khi trầm, khi vút cao của Khánh Ly trọng tiếng đàn ghi - ta bập bùng, sôi trào của Trịnh. Đây là thời điểm mà phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam đã lên tới cao trào. Những ca khúc “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài gòn – Hà Nội”, “Dựng lại nhà, dựng lại người… hòa vào nhạc tranh đấu với những “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh), “Đồng lúa reo” (Tôn Thất Lập), “Người chị Bàn Cờ” (Trần Long Ẩn)...Khát vọng hòa bình hết sức mãnh liệt, đau đáu mà Trịnh dấn thân gởi vào bằng cả nhiệt tình, bằng cả trái tim. “…Sao chờ đợi, sao im lìm ngủ hoài các anh…”. Có điều, đám chúng tôi lại đón nhận với nhiều hướng chẳng cùng lối đi. Có bạn đã mang cả tuổi trẻ đến với phong trào, có bạn lại chập choạng bên dòng lịch sử đẫm máu hào hùng lúc đó.
“Người con gái Việt nam da vàng/ yêu quê hương như yêu đồng lúa chín..”, “Gia tài của mẹ để lại cho con/ một rừng xương khô, một núi đầy mồ...” “Hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi/ Thịt da này dành cho thù hận”, “…Con chớ quên màu da/nước Việt xưa..” “ Đại bác ru đêm, trẻ thơ quên sống/ trẻ con chưa lớn để thấy quê hương...”
Ai phân chia dòng nhạc Trịnh với nhiều chủ đề Tình yêu – Thân phận – Quê hương, với đám chúng tôi chỉ có dòng tuôn chảy dịu êm, sương khói, thiết tha giục gọi của giai điệu, ca từ không lẫn vào đâu của Trịnh. Với những ca khúc “Hát cho quê hương Việt Nam’’ cũng chính là tình yêu. Tình - yêu - không – hạnh phúc của dân tộc, của biết bao con người Việt Nam. Sau 1975, nhiều bạn định cư sống ở đất lạ xứ người, hết đời vì kế mưu sinh. Nhưng sẵn sàng ngưng buổi làm việc, nghỉ đến công ty hẹn ngồi lại bên nhau để nghe Khánh Ly, Lệ Thu hát nhạc Trịnh. Cách nhau nửa vòng trái đất, một thẻ điện thoại đường dài nối phôn với tôi, với bè bạn ở lại cũng miên man nói về Trịnh. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong tập tiểu luận về Trịnh Công Sơn từng cảm nhận như thế, trong chiến tranh vẫn mở đài nghe nhạc Trịnh. Sau này có dịp đến Paris, vài nước trời Âu nhà văn vẫn nghe vọng tiếng kèn saxo trong không gian giá lạnh, bay bay bông tuyết rơi với giai điệu đặc trưng của những “Diễm xưa”, “Hạ trắng’, “Tình nhớ”…
Trịnh Công Sơn để lại cho đời một gia tài âm nhạc khá đồ sộ gần 600 ca khúc. GS Trần Văn Khê đã có lời chí tình khi nghe tin Trịnh mất, “Những gì Sơn để lại cho đời, đời đều đón nhận”. Ngày Trịnh mất, đã có bao bè bạn đau tiếc tiễn đưa, bao nhiêu là hoa, là nhạc tiễn biệt bằng chính khúc ca “Cát bụi”, “Một cõi đi về” của Trịnh. Sau khi Trịnh mất đã có nhiều bài, tập sách viết về Trịnh và nhạc của Trịnh. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bài viết “Bốn năm ngày mất cuả Trịnh: Để gió cuốn đi” đã khẳng định: “Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng.” Thật đúng với Trịnh. Và hẳn ai cũng đồng tình với tác giả, “ Nhưng Trịnh có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế”.
…Ngày ấy đã xa rồi. Xa lơ, xa lắc. Nghe nhạc Trịnh bây giờ đám chúng tôi nhớ, chao ôi nhớ ngày ấy. Và chính cái tình tự dân tộc, triết lí phận người, tình yêu trong lành, thánh thiện phả vào nhạc, gởi vào ca từ với giọng ca đầy ma lực của Khánh Ly đã giữ chúng tôi lại với quê hương, quê hương của “Người con gái Việt nam da vàng”, “nước Việt xưa”. Cảm ơn Trịnh, café Hồng và dòng nhạc Trịnh ngày ấy.
|
|