NỒI BÁNH ĐÊM GIAO THỪA

 
 
 

Tối qua, bài vở xong, thằng con út đang học lớp 9, chạy đến hỏi nhỏ, năm nay nhà vẫn nấu tét hả ba? Cũng chưa biết, mẹ giờ sức khỏe không tốt. Để ba hỏi mẹ, hay là mua vài đòn bánh tét siêu thị về ăn Tết. Năm trước cô Năm cho mấy đòn, ăn ngon mà. Hai má nó phúng lên, không, không bánh mẹ nấu ngon hơn. Con bé chị đang ngồi học trong phòng nói vọng ra, Ba nói mẹ gói đi, không ăn bánh siêu thị đâu…Vậy là số đông rồi, tôi đành hẹn, được thôi, để xem mẹ ý kiến thế nào…Hai cô cậu cùng la lên, yaa, thế là có bánh tét ăn rồi…Tôi bật cười, vì chúng quá quen với cách hẹn lấp lửng đó. Bởi tôi hứa như thế là đồng ý!

Vậy đó, cứ vào khoảng giáp Tết Âm lịch, mấy đứa con tôi lại nhao nhao đòi mẹ gói bánh, nấu bánh tét ăn Tết.Đang ôn thi thi học kì 1, Tết Âm lịch còn xa mà chúng đã nhớ, đã thèm hương vị không thể thiếu của ngày xuân, bánh tét, bánh chưng. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Chiều nay khi nhìn thấy hai đứa con háo hức theo từng đòn bánh săn chắc, xanh màu lá chuối xếp đầy trên mâm thau tôi lại nhớ miên man. Nhớ những năm còn dạy ở miền Tây, nhớ nồi bánh tét mà cứ mỗi bận về nhà ăn Tết vào thời “bao cấp”, đất nước còn nhiều gian khổ, khó khăn, mẹ tôi tóc bạc lưng còng căm cụi gói bánh. Nồi bánh nấu sớm một ngày 28 Tết, nhưng thường là đúng tối giao thừa, tôi được giao canh bếp suốt đêm. Bà mất đã gần hai mươi năm, vậy mà khi cả nhà rộn ràng chuẩn bị nào thịt, đậu, nếp, lá chuối, dây cột bánh…tôi bồi hồi ngỡ như mới hôm qua.

Gói bánh ăn Tết nhưng bánh không hẳn chỉ là món ăn ngày Tết. Một năm dài vất vả trong cuộc mưu sinh, nhà nào cũng vậy dù nghèo hay giàu cũng đều chưng cúng trên bàn thờ gia tiên bánh chưng, bánh tét, bánh tổ đặc sản của từng vùng miền. Khoanh bánh thơm, dẽo, mỡ màng dưới cành mai vàng trong làn hương khói lư đồng sáng bóng lung linh đèn, nến đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Những đòn bánh “ngự” trên bàn thờ gia tiên, treo lủng lẳng ở bếp sau nhà, chúng là dấu hiệu no đủ sung túc của từng nhà. Vui xuân, chơi Tết, thăm viếng chúc phúc, cầu lộc, cầu tài mời nhau chén rượu xuân với đĩa dưa hành, dưa kiệu, dưa món cùng với một vài khoanh bánh ngọt bùi đậu thịt còn gì thú bằng. Về đến nhà khỏi phải vào bếp ba ngày vì ông Táo đã cưỡi cá chép về tâu cáo Ngọc Hoàng mọi việc ở chốn trần gian. Sẵn bánh, thức ăn là nồi thịt kho tàu đậm đà, ăn cùng mấy khoanh bánh, thế là ấm bụng để tiếp tục chơi xuân…Mẹ tôi giảng giải rành rọt trong lúc chằng cột đòn bánh sau cuối. Những đòn bánh dài, tròn căng thật hấp dẫn. Có được một đòn bánh ngon, ngoài việc ngâm nếp, đãi sạch vỏ đậu xanh, chọn thịt làm nhưn, bánh còn phải được gói bằng lá chuối sứ hoặc lá cây chuối hột, không được dùng lá chuối già sẽ làm đen thịt bánh. Nấu bánh kị nhất là để cháy khê, chưa chín tới, suốt năm dài sẽ gặp nhiều chuyện buồn, làm ăn thất bại…Nói chung là đen vận cả năm.

Tôi thì không tin lắm, nhưng chắc một điều là mười mấy đòn bánh mà mẹ dày công sẽ chẳng còn dẽo thơm. Mấy ngày Tết “rước ông bà về sum họp”, sau đó đãi khách với món ăn như thế còn gì là phúc lộc năm mới. Ba ơi, đặt bếp chỗ cũ ba hả, con chọn mấy ông Táo rồi ba ơi! Tối nấu bánh con thức với ba nha! Trước giờ lên trường, thằng út còn dặn mấy lần như sợ tôi đổi ý không cho dự phần củi lửa nấu bánh. Một chút gì nao nao…Những ngày cuối năm, mấy anh em tôi hết việc cơ quan lần lượt kẻ trước người sau về quê ăn Tết, về dưới mái nhà của mẹ. Chúng tôi dọn nhà cửa từ trước ra sau cho thật tinh tươm, nhất là bộ lư đồng đánh bóng như mới…Riêng tôi được giao việc dọn bếp, canh lửa nồi bánh tối giao thừa. Bởi tôi có phần “trội” hơn anh Hai và chú Tư, thức cả đêm mà sáng ngày vẫn không mệt mõi bởi từng quen với thú đêm dài làm bạn với thơ văn! Nơi đặt bếp là khoảng đất phía sau nhà, nhiều lần tôi dự định làm một vài công trình chi đó, lần lựa mãi đến giờ mới có thêm vài chậu kiểng chơ vơ. Cũng chính nơi khoảng đất này, cứ đến chiều 30 Tết, tôi đào âm đất, chọn ba viên đá chẻ để đặt nồi bánh. Một tấm tôn che vòng ngoài tránh gió tạt để lửa tập trung sức nóng, giữ độ sôi liên tục 8 đến 12 tiếng. Và bên cạnh bếp phải có nồi nước sôi châm vào liên tục để nồi bánh luôn sôi trào! Lá chuối phủ một lớp mặt giữ kín hơi. Cứ thế tôi ngồi canh bánh. Muốn biết bánh chín phải dùng chiếc đũa xiên ngang cùng mùi thơm ngọt đậm. Củi được châm đều cho lửa bếp rực hồng. Tôi ngồi tựa trên chiếc ghế xếp sờn vải cùng một ấm trà, gói thuốc. Gió khuya se lạnh.Mùi của đất, của hoa Ngọc Lan dịu nhẹ. Trời thăm thẳm màn đêm. Đêm ba mươi thiêng liêng làm sao!

…Không gian im vắng, mênh mang chờ một cuộc chuyển giao của đất trời…Trong tâm tưởng tôi vẫn nhớ như in mái tóc pha sương của mẹ lụi cụi bên bếp lửa hồng ngày ấy. Những đứa con tôi khi nghe kể về Nội như một chuyện cổ tích xa vời bởi hai đứa chào đời, bà đã đi vào cõi thiên thu. Và tôi chỉ kịp ghi mấy dòng thơ hoài nhớ:

Náo nức mai vàng chờ tươi cánh
Hương trầm thoang thoảng nhớ xuân xưa
Bếp hồng vắng mẹ ngồi canh bánh
Không pháo lòng con vẫn giao thừa!

Dẫu bước vào thế kỉ 21 và thứ bao nhiêu đi nữa, hương vị nồi bánh giao thừa vẫn là hương vị tình quê, hồn nước và có cả tình của những người mẹ gởi vào ngọt ngào thấm đẫm.

 
 

Gia - Ray, chiều cuối năm 2008

Nguyễn Nguyên Phượng