|
Một.
Đọc bài “Nhân cách lớn làm nên một con người” trên báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn VN (1) của Trần Ngọc Trác viết về nhà thơ Quang Dũng, một chiến sĩ cách mạng trui rèn trong lửa đạn gian nan vì nền độc lập của nước nhà gợi trong tôi lắm nỗi bùi ngùi. Vào thập niên 70 của thế kỉ trước, đất nước còn chia cắt, lớp học sinh, sinh viên tuổi đời 18, 20 chúng tôi mê thơ ca tiền chiến trữ tình, lãng mạn Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… như một lẽ tự nhiên. Riêng nhà thơ Quang Dũng qua những bài thơ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc mê hoặc người thưởng thức:
“Em ở thành Sơn chạy giặc về/ Tôi từ chinh chiến cũng ra đi…Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương…Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta…? (Đôi mắt người Sơn Tây), “Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ…Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?” (Đôi bờ), “Hồn lính vương qua vài sợi tóc/ Tôi thương mà em đâu có hay”(Quán bên đường) … ( Nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng dân Văn khoa Sài Gòn có tặng tôi một tập truyện ngắn mà anh lấy câu thơ này làm nhan đề Tôi hay mà em đâu có thương).
Đặc biệt bài thơ “Tây Tiến” Quang Dũng viết cuối năm 1948 được bao người yêu thơ học thuộc, chép vào sổ tay ở cả hai miền Nam, Bắc. Nhiều nhà xuất bản ở miền Nam đã cho in, phổ biến bài thơ. Thậm chí còn gởi tặng
tận tay tác giả. Nhà báo Lâm Bình đã bỏ công sưu tầm nhũng mẫu chuyện lí thú này (từ người con trai cả của nhà thơ – nhạc sĩ Quang Vĩnh) trong một bài viết trên tờ An Ninh Thế Giới. “…Ông Vĩnh kể, khi mới ra đời, bài thơ này gây được tiếng vang rất lớn bởi khi đó đại đa số chiến sĩ trong đoàn quân Tây tiến là trí thức, học sinh, sinh viên Hà Nội. Nét hào hoa trong từng câu chữ nói về đoàn quân “xanh màu lá” khiến cho không ít thiếu nữ Hà thành có người yêu là lính Tây tiến phải nhỏ lệ.
Chính vì vậy, cho đến mãi tận sau này, có lẽ đây là bài thơ duy nhất của người lính miền Bắc được ngay cả những người lính cộng hòa miền Nam yêu thích chép lại trong sổ tay. Nhiều nhà xuất bản dưới thời Việt Nam cộng hòa cũng cho in hàng loạt.
Mỗi lần in xong, không biết bằng cách nào, nhưng họ đều gửi sách biếu đến tận nơi. Tuy nhiên, để tránh những hiểu lầm, Quang Dũng đều mang đốt sạch”.( 2) Chất hào sảng, chinh chiến phong trần trong thơ – nhạc đã nói trên và cả con người Quang Dũng - chiến sĩ không chỉ có tài thơ mà còn là họa sĩ, nhạc sĩ - đã đánh trúng vào sợi dây cảm xúc bằng của bao chàng trai đang gian nan đời trận mạc, vào tâm hồn lớp thanh niên thời tao loạn. Một đặc điểm làm nên tuyệt phẩm “Tây Tiến” là đậm đặc, bàng bạc chất phương Đông qua thể thất ngôn trường thiên, qua thi pháp “thi trung hữu nhạc”. Bởi từng câu thơ, khổ thơ đến toàn bài đều mang tính nhạc như nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét, “đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng”. Và người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam từng để đời với nhiều sáng tác phổ từ thơ tiếp tục lưu hậu thế khi phổ bài thơ thành ca khúc đặc sắc. Nguyên chất lãng mạn, hào hùng được thăng hoa trong giai điệu, cung bậc bay bổng trầm hùng khi ta lắng hồn theo lớp ca từ “Tây Tiến”:
Sông Mã xa rồi/ xa rồi xa (3l)/ sông Mã ơi…
Nhớ về / nhớ rừng núi / nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mõi…
…Tây tiến/ Tây tiến/ người đi không hẹn ước (2l)
Đường lên thăm thẳm/ một chia phôi (2l)
…Tây tiến/ Tây tiến/ Tây tiến…
Đắm hồn trong lời thơ, hồn nhạc “Tây Tiến” ( và nhũng ca khúc “Mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”…) tôi nhận ra một điều cần chia sẻ, đã là văn chương chân chính, những tuyệt phẩm của thế kỉ, thời đại tất yếu sẽ chiếm lĩnh bền sâu trong muôn tâm hồn đồng điệu vượt lên, xòa nhòa mọi cách ngăn địa lí, thể chế do đời, người phân định. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Nguyễn Duy đã từng có phút tâm tình thật, nhiều đêm thẳm sâu nơi chiến khu, đất Bắc xa xôi mở đài Cộng hòa nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Còn tôi và nhiều, nhiều bạn trẻ đôi mươi phía trời Nam cách trở cảm khái đọc thơ, lắng hồn trong giai điệu nhạc thơ hào sảng, hào hoa của Quang Dũng là như vậy.
Hai.
Sau 1975, học xong lớp chuyển đổi sư phạm tôi dạy môn Ngữ Văn bậc Trung học tôi lại càng hạnh phúc hơn khi soạn giảng bài “Tây Tiến” của Quang Dũng như gặp lại người quen biết cũ. Thi phẩm này đã từng tỏa sáng trong những trang đầu của nền thơ Cách mạng Việt Nam thậm chí còn được xếp trong bộ “tứ bình” thơ Kháng chiến chống Pháp (“ Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm, “Màu tím hoa sim” – Hữu Loan, “Nhà tôi” – Yên Thao). Vậy mà đứa con tinh thần rứt ruột đẻ ra ấy lại trở thành “oan gia” đeo đuổi nhà thơ và các con của mình suốt một đời người! Khó mà tin được khi nhà văn Trần Ngọc Trác đề cập đến “Tây Tiến” thì Quang Dũng, người cao to như Tây lại lãng tránh, lo lắng. Như cái xua tay sợ hãi “Thôi xin ông, ông đừng nói với ai nhé”, lúc GS Hoàng Như Mai hoan hỉ thông tin, “ở Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm”. Cả khi sau ngày đất nước thống nhất, có dịp vào Sài gòn, dạo phố phải cải trang thành tay chơi Sài thành, một bạn đọc nhận ra tác giả, Quang Dũng phải nói dối là người dân tỉnh Bạc liêu mới dzô! (3) Còn con gái nhà thơ, Bùi Phương Hạ phải rời bỏ Hà Nội làm cô giáo tăng cường ở vùng kinh tế mới Lâm Đồng những đến ba năm! Những giọt nước mắt tuôn rơi của chị vì những câu thơ “lung linh, sáng lòa, sang trọng” của cha mình, những câu thơ từng chiếm lĩnh tâm hồn không chỉ với đồng đội, chiến sĩ thời Tây Tiến mà cả những người yêu thơ đương thời, thế hệ thanh niên sau này.
Nhiều năm đứng trên bục giảng tôi đọc nhiều tư liệu, tham khảo không ít những bài bình về “Tây Tiến” của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà giáo lâu năm với điểm chung nhất là ngợi ca hình tượng người chiến sĩ vệ quốc anh hùng – hào hoa, đậm chất bi tráng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Có thể kể đến một nhận định đầy thuyết phục của GS Hà Minh Đức:
“Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mỹ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở, và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ. Đặc biệt Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn. Mỗi đoạn thơ mang một nhạc điệu riêng vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển khi đưa người đọc về với những kỉ niệm xa nên thơ và gợi cảm…” (4)
Số phận thăng trầm của thi phẩm chỉ được điểm qua với cách cảm thụ khác, mới ở vài khổ thơ (Gục lên súng mũ bỏ quên đời…/Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…) còn chuyện
đời thực của nhà thơ, phần bên ngoài tác phẩm không thấy nói đến. Thực ra đây đó, thi thoảng bạn đọc yêu thơ Quang Dũng cũng biết chút ít điều này ở mục chuyện làng văn nghệ. Nay tác giả Trần Ngọc Trác kể lại khá tường tận nỗi ám ảnh nặng nề đầy chua xót. “Tây Tiến như là nghiệp chướng vinh quang của đời Thi sỹ”. (5) Bài thơ bị “đánh” vì cách hiểu áp đặt quan điểm chính trị thô thiển, tác giả là chiến sĩ cách mạng lại cho ra đời thi phẩm theo hệ tư tưởng của thành phần tiểu tư sản cho dù bài thơ được đông đảo người yêu thơ hâm mộ.
Chuyện người cầm bút bước chông chênh giữa cõi văn chương ủy mị / tuơi tắn cách mạng, chưa thuận chiều, hợp nhất giữa văn chương và chính trị, ngẫu nhiên như là “phạm húy”, như là săm soi chuyện đời tư, oan khiên dòng tộc…bị “đánh” không tơi cũng tả thậm chí bị “treo bút”, “cấm vận” cũng có đến mấy “nạn nhân”. (Thời kỳ văn học mà nhà phê bình lão thành Hoàng Ngọc Hiến gọi tên là “văn chương phải đạo” có cả công thức tạo dựng tác phẩm văn học cách mạng: “ căm, yêu, chiến, lạc” !). (6) Thời gian và bạn đọc cùng sự đổi mới quan điểm nhìn nhận, thẩm định văn chương đã trả lại cho đời sống văn nghệ, nền văn học nước nhà những tác phẩm đã từng lao đao vị trí xứng đáng với giá trị vốn có cùng tài năng, tâm huyết đáng được trân trọng của nhiều tác giả. Và thi phẩm “Tây Tiến” lại tỏa sáng sau một chặng dài 40 năm chìm nổi gấp ba lần đời nàng Kiều luân lạc, phong trần của cụ Nguyễn Du! (Tác phẩm ra đời năm 1948, sau đổi mới năm 1986 mới được nhìn nhận, đánh giá lại. Năm 1990 đưa vào giảng dạy trong nhà trường, còn được tạc vào bia đá đặt tại tượng đài NTLS Tây Tiến, Mai Châu – Hòa Bình. Về sự nghiệp thơ văn, tháng 8/2011, gần 3 năm sau khi mất Quang Dũng được tặng giải thưởng Nhà nước đợt 1). Thăng trầm rồi lại được ngợi ca trong đời sống văn học trong nước hay trên thế giới cũng là chuyện không có gì mới. Nhưng nếu chỉ vì sự ấu trỉ của trí lực, lệch lạc nhận thức, tầm nhìn khi có trong tay quyền thẩm định, phê bình trong giới nghệ thuật mà tạo ra oan khiên, thảm cảnh cho người cầm bút chân chính thì đó là một việc không thể tha thứ.
Được kết tình “vong niên” với nhà thơ tài hoa mà lận đận, làm bạn với cô giáo Hạ hẳn cũng nhờ chữ “duyên” để Trần Ngọc Trác xúc cảm viết nên những câu thơ tri âm cảm động “Mười năm ra trường còn lận đận/ Vì em – con Quang Dũng nhà thơ/ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”/ Câu thơ xưa gian khó đến bây giờ”… Và anh vẫn còn tiếc nuối mãi vì không chụp được ánh mắt, nụ cười thoáng nhẹ trước khi Quang Dũng từ giả cõi đời. Tôi nghĩ thế mà lại hay, lại đúng với người con của “ xứ Đoài mây trắng”. Bởi nhà thơ – chiến sĩ của một thời gian khổ - hào hùng “…Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/…Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” đón nhận và sống cùng sự vùi dập không đáng có bằng “nhân cách lớn đã làm nên một con người" và bằng tinh thần Tây Tiến hiến dâng tuổi thanh xuân, tài năng, tâm huyết cho đời, cho dân tộc đương nhiên “Tây Tiến” và đời thơ của Quang Dũng “ở lại trong triệu trái tim người” mãi đến mai sau.
|
|